Ấn tượng điêu khắc Bùi Nam

Thứ Bảy, 23/11/2019, 07:39
Tình cờ cách đây hơn mười năm tôi đã có dịp làm quen với tác phẩm của Bùi Nam khi đến Huế. Đó là bức tượng "Khúc ru" bày trong công viên bên bờ sông Hương...


Tác phẩm tạo ấn tượng lạ mắt với sự gợi cảm về ngữ điệu hình khối dân gian. Ẩn trong hình tượng người mẹ ru con hiện lên bóng dáng người cha ấm áp tình thương. Sự hòa hợp âm dương trong một bố cục ẩn chứa triết lý sâu sắc về hạnh phúc.

Cuộc viễn du thầm lặng

Việc đến với điêu khắc của họa sĩ Bùi Nam (sinh năm 1952) ở Quảng Ngãi thật bất ngờ. Trước khi học điêu khắc tại Trường Mỹ thuật Huế (1976), Bùi Nam chỉ say mê hội họa. Tuổi học trò của Bùi Nam gắn liền với bột màu và những khung toan.

Anh vẽ suốt ngày vì đam mê, kể cả khi không một đồng xu dính túi. Thành phố Quảng Ngãi với núi Ấn sông Trà đã gắn bó với tuổi thơ Bùi Nam. Có những chuyến anh đi vẽ dọc sông Trà Khúc với bao kỷ niệm của tuổi trẻ. Đây đó những ngôi chùa và tượng tháp cùng những bức tượng cổ Chăm đã gây ấn tượng sâu sắc với Bùi Nam.

Sau khi tốt nghiệp khoa điêu khắc (1980), Bùi Nam được về làm việc tại Phòng Văn hóa thành phố Quảng Ngãi. Từ đó anh càng có điều kiện thỏa chí tang bồng. Những chuyến đi thực tế cơ sở khắp vùng miền của Quảng Ngãi là vốn sống khá dồi dào cho Bùi Nam sáng tác sau này.

Nhà điêu khắc Bùi Nam với tác phẩm “Mầm sống”.

Chính từ cảm xúc qua bức tượng "Khúc ru" trên bờ sông Hương mà tôi tìm đến Bùi Nam trong chuyến đi mới đây. Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ kết quả của những trải nghiệm mà anh đã nghiên cứu và học hỏi trong thực tế. Vùng đất Quảng thấm đẫm văn hóa Chăm.

Những dấu tích đền đài thành cổ cùng các di sản Trà Kiệu và Mỹ Sơn đã đọng lại trong tâm hồn Bùi Nam biết bao cảm xúc khó quên. Màu sắc viên gạch Chăm còn đỏ au trong ký ức tuổi thơ Bùi Nam cho đến nay vẫn ám ảnh khôn nguôi. Chính vì thế, những bố cục You Ni và Linga luôn quẩn quanh trong đầu anh. Nó hiện lên với bao ý tưởng về hình khối và bố cục. Bùi Nam dẫn tôi tới trước tác phẩm "Mầm sống" rồi chậm rãi tâm sự nhiều điều thú vị.

Nhìn tổng thể bức tượng là hình khối một Linga theo trục đứng. Nhưng chỉ một đường khắc lõm dọc ở giữa biến hình Linga thành mái tóc  người mẹ. Đứa trẻ nằm trên đầu mẹ tựa như một thiên thần. Đó là mầm sống, sinh sôi và phát triển của con người. Bức tượng vừa mang tính biểu hiện và trừu tượng về hình khối.

Tác phẩm "Mầm sống" đã đoạt giải A triển lãm Khu vực V và giải Ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam (năm 2000).

Bùi Nam ảnh hưởng ngôn ngữ điêu khắc và tín ngưỡng Chăm khá sâu sắc. Anh quan niệm Linga và Youni chính là biểu hiện hai mặt âm dương trong văn hóa Chăm. Chúng thể hiện sự sinh tồn của loài người và nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Chính vì thế, biểu tượng sinh khí thực Linga và Youni, người Chăm gọi là "Năng Lượng Sáng Tạo". Trong triết lý Ấn Độ còn quan niệm Linga là biểu tượng của chiếc cột chống đỡ vũ trụ, là ngọn núi thần thoại Meru nơi ngự trị của các vị thần. Từ đó Linga như nhập đồng trong những góc đa chiều bố cục tác phẩm của Bùi Nam. Anh đưa tôi xem hàng trăm bản vẽ phối cảnh hình họa của mỗi tác phẩm.

Đó là những trục thẳng đứng và các đường lượn cắt góc tạo hình cong huyền diệu. Trong ngôi nhà và cũng là xưởng điêu khắc của anh, chồng chất những vật liệu xốp và gỗ mít. Anh có thói quen thường thể hiện tượng mẫu bằng xốp trước để sửa cho dễ, rồi mới chuyển sang chất liệu chính như gỗ, kim loại hoặc đất đá.

Bùi Nam dường như không đi đâu xa mà chỉ trải nghiệm thực tế sâu sắc vùng quê hương mình. Anh nói nền văn hóa Chăm đã là một thế giới nghệ thuật bất tận mà anh khai thác không bao giờ hết. Kiến trúc và kỹ thuật xây dựng đền tháp Chăm cùng những bức tượng Apsara đã làm anh say mê trọn đời.

Tác phẩm “Khúc ru” của nhà điêu khắc Bùi Nam đặt bên bờ sông Hương.

Những ký ức khó quên

Tôi như bị điêu khắc Bùi Nam thôi miên bởi những hình khối chung quanh cột chống đỡ vũ trụ nghệ thuật Linga. Trong nhiều trại điêu khắc quốc tế, bao giờ Bùi Nam cũng để lại tác phẩm độc đáo của mình. Hiện ở các địa phương như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Thuận, hoặc Quảng Trị, Quảng Nam…đều có tượng của Bùi Nam bày trong công viên, đường phố.

Đặc biệt phải kể đến bức "Hạnh phúc" của anh được dựng trên Côn Đảo. Tác phẩm tạo hình hai cha con chơi bập bênh. Một trò chơi "xịch xì xòm" người cha nào cũng chơi đùa với con từ khi còn bé. Hình tượng hiện lên trước muôn trùng sóng gió biển khơi. Hạnh phúc là gì? Nếu không là sự bình yên và niềm vui con trẻ cùng với mẹ cha.

Hạnh phúc là gì? Nếu không là mái nhà ấm áp luôn rộn rã với những nụ cười trẻ thơ. Những hình khối đầy trăn trở với Bùi Nam qua những ký ức sâu nặng tình cha con. "Hạnh phúc" là tác phẩm điêu khắc sắt hàn hiếm hoi của Bùi Nam. Bức tượng đã gây cảm xúc mạnh cho những du khách tới thăm Côn Đảo. Đó là thành công bất ngờ đối với anh.

Bùi Nam tự nhận mình chỉ quanh quẩn với những đề tài quen thuộc về gia đình, hạnh phúc và tình yêu chứ không làm được những tượng lớn. Anh khiêm tốn cho dù đã nhận được nhiều giải thưởng xuất sắc của khu vực và toàn quốc. Anh được bầu vào Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Quảng Ngãi 5 khóa liền.

Đến nay, anh vẫn là Ủy viên Ban chấp hành hội VHNT tỉnh và là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Ngãi. Những hoạt động của Bùi Nam còn được mở rộng sang lĩnh vực hội họa. Anh dạy các lớp vẽ thiếu nhi ngay từ khi còn là sinh viên. Đến nay, hàng trăm học trò của anh đã trưởng thành và làm việc ở khắp nơi. Bùi Nam còn vẽ tranh, minh họa các tạp chí, thiết kế nhiều bìa sách. Đặc biệt anh luôn được mời tham gia ban giám khảo các cuộc thi vẽ tranh hàng năm của tỉnh và thành phố Quảng Ngãi.

Tuy bận rộn công việc xã hội nhưng nhà điêu khắc Bùi Nam vẫn miệt mài ngày đêm sáng tác, tham gia các triển lãm của khu vực và toàn quốc. Có những đêm, anh phải thức trắng để tìm ra một bố cục cho tác phẩm. Ý tưởng đã xác định, hình tượng chính đã phác thảo, nhưng anh vẫn phải tìm cho bằng được một điểm mới lạ qua mỗi góc cạnh của hình khối.

Tác phẩm “Trầm tư”.

Tác phẩm "Tự tình" là một trong những số đó. Bức tượng về đề tài tình yêu thể hiện sức sáng tạo độc đáo của Bùi Nam. Anh dùng đến hai biểu tượng Linga trong một bố cục trên bệ Youni vuông. Với sự sắp đặt hai Linga so le thật tinh tế, chúng được kết nối bằng biểu tượng một đôi môi cùng khối tròn ở giữa, tạo hình một cặp tình nhân nam nữ ngồi tự tình.

Phải nói, đây là tác phẩm làm giật mình mọi người bởi sự mới lạ của nó. Anh cho tôi biết, trong tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Chăm luôn luôn tôn thờ sự sinh sôi và mầm sống. Bởi thế chính biểu tượng Linga còn được thay thế hình ảnh vị thần ngồi trên bệ Yoni. Thậm chí còn có loại Linga gắn mặt người trên đỉnh và được gọi là Mukha-Linga.

Cặp đôi trai gái của Bùi Nam trong tác phẩm "Tự tình" chính là một bộ  Mukha-Linga thần bí. Phải nói sau tác phẩm "Mầm sống" thì đến "Tự tình" là một bước tiến nâng cao nghệ thuật Chăm đến hoàn chỉnh trong những tác phẩm điêu khắc gỗ của Bùi Nam.

Bài thơ "Hồi sinh"

Mỗi tác phẩm điêu khắc của Bùi Nam luôn gợi những tứ thơ trữ tình. Chúng ẩn chứa những ý tưởng nhân sinh sâu sắc. Đó là lẽ sống trong "Bến đỗ" hay "Đất lành chim đậu"… bên cạnh những ước vọng thầm lặng vô thường cho cuộc đời qua bức "Trầm tư". Hoặc đó còn là niềm say mê "Trong ngưỡng cửa"; hay mơ mộng với "Trao duyên"…

Mỗi hình tượng được ẩn sâu sau những nét khắc lõm góc cạnh và đường cong gợi cảm. Tượng của Bùi Nam có sức cuốn hút tự nhiên qua bố cục Linga. Chạm, khắc, đẽo, gọt chỉ để khắc họa ý tưởng nảy sinh. Những bố cục của anh luôn hàm chứa chất thi ca của một lãng tử đầy mộng ước về tình yêu.

"Hồi sinh" là tác phẩm cuối cùng trong cuộc gặp gỡ trò chuyện nghệ thuật của tôi với Bùi Nam hôm ấy. Cũng vẫn trên cái trục "Vũ trụ" thần Linga cuộc sống mới luôn tái hiện. Một hồi sinh ban mai với tiếng chim hót cùng những gian truân của vòng đời. Đó là cặp phạm trù "Hủy diệt và sinh sôi". Triết lý tín ngưỡng Chăm đã bao trùm lên hình khối "Hồi sinh".

Một Linga không lớn đứng chông chênh trên bệ Youni nhưng trong lòng nó ấp ủ một sinh linh bé nhỏ. Bức tượng như bài thơ cổ Chămpa trong lễ hội nữ thần Pô Inư Nưgar: "Thần sinh ra đất nước, con người. Thần là mẹ cho trần gian cuộc sống. Thần cho cây cối tốt tươi, con người này nở…".

Vương Tâm
.
.