Âm nhạc đồng hành cùng dân tộc
- Giải thưởng Âm nhạc năm 2020 phong phú đề tài, thể loại
- Từ các giải thưởng âm nhạc 2020: Nhạc thị trường vẫn thắng thế?
Những dấu ấn quan trọng
Cùng với việc bảo tồn, phát huy những giá trị kho tàng dân ca, âm nhạc truyền thống Việt Nam với những Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được Unesco vinh danh như: Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, ca trù, hát xoan, đàn ca tài tử, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ… so với lịch sử phát triển của thế giới thì âm nhạc giao hưởng, thính phòng Việt Nam còn non trẻ.
Kể từ năm 1960, bản giao hưởng đầu tiên: “Thành đồng Tổ quốc” (1960) của Hoàng Vân; “Quê hương” (1965) của Hoàng Việt, nhạc kịch “Người tạc tượng”, “Cô Sao” của Đỗ Nhuận. Sau này, Hoàng Vân viết “Hồi tưởng” (1965), “Điện Biên Phủ” (2000), Nguyễn Văn Thương với: “Đồng khởi”, “Ngày hội” của Đặng Hữu Phúc, “Trăm sông đổ về biển Đông” của Trần Ngọc Xương, “Bài ca chim ưng” của Đàm Linh, “Người về đem tới niềm vui” của Trọng Bằng, “Rhapsody” Việt Nam, “Ngọc trai đỏ”, “Opera Lá đỏ” của Đỗ Hồng Quân... cho thấy, lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp được thể hiện đa dạng từ: ca khúc, romance, thính phòng, giao hưởng, hợp xướng, thanh xướng kịch, opera…
Tiến sĩ, nhạc sĩ Doãn Nho trong đêm nhạc “Dưới lá quân kỳ”. |
Trong một thập niên trở lại đây, các chương trình hòa nhạc được đánh giá cao như hòa nhạc: Rhapsody Philharmonic (2009); Luala Concert (2011); Sun Symphony Orchestra - SSO (2017); London Symphony Orchestra - LSO, 2018); Rồi các chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia; Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh… với các đêm nhạc: Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Vân, Chu Minh, Nguyễn Đình Phúc, Doãn Nho, Phạm Minh Tuấn... công diễn nhiều đợt vở “Opera Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; phục dựng và công diễn vở “Opera Người Tạc tượng”, “Cô Sao” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Đặc biệt, sự xuất hiện của 80 nghệ sĩ Dàn nhạc Lực lượng vệ binh Quốc gia Liên bang Nga trong chương trình “Hòa nhạc Hữu nghị” tại Hà Nội và Quảng Ninh cho thấy vai trò quan trọng của âm nhạc trong quan hệ đối ngoại nhân dân - sứ giả của hòa bình; hay các Festival âm nhạc mới Á - Âu minh chứng cho sức mạnh, sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển của âm nhạc thế giới.
Trong số gần 1.500 nhà hoạt động âm nhạc ở 4 lĩnh vực: Sáng tác, lý luận, biểu diễn và đào tạo, có 22 nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh; 122 nhạc sĩ được Giải thưởng Nhà nước; 70 Nghệ sĩ Nhân dân/ Nhà giáo Nhân dân; gần 300 Nghệ sĩ Ưu tú/ Nhà giáo Ưu tú. Hội Nhạc sĩ vinh dự được nhận Huân, Huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Là thành viên của Hiệp hội các Nhà soạn nhạc châu Á (ACL); Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là thành viên của CISAC và năm 2019, Hội trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM) là sự kiện đánh dấu bước hội nhập sâu rộng của nền âm nhạc Việt Nam với thế giới.
Đưa âm nhạc Việt Nam phát triển
Nếu coi văn học nghệ thuật là những kênh giao tiếp quan trọng kết nối con người với cộng đồng, xã hội, thì âm nhạc còn là phương tiện hữu hiệu để giáo dục thẩm mỹ, xây dựng nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Nghệ sĩ piano Hàn Quốc Bokyungt lee trong đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội” - Ảnh: Minh Anh. |
Mặc dù, trong dòng chảy của hội nhập, phát triển xã hội, văn học nghệ thuật, âm nhạc nói riêng chịu những tác động, chi phối bởi kinh tế thị trường. Tính văn học, tính nhân văn, tính nghệ thuật, ít nhiều bị xáo trộn.
Sự đảo lộn ấy xuất phát từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông, dẫn đến sự phát triển mất cân đối giữa khí nhạc và thanh nhạc. Sự đa dạng về lợi ích, chính là mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới sự thay đổi về nhận thức tư tưởng, thẩm mỹ; sự phân hóa trong quan niệm thưởng thức nghệ thuật.
Tuy nhiên, mọi sự vận hành của xã hội sẽ chỉ hướng tới cái đẹp mà thôi, và trên thực tế được chứng minh với những câu chuyện về âm nhạc qua các thời kỳ với nhiều tên gọi: âm nhạc tiền chiến (tân nhạc), nhạc vàng, ca khúc cách mạng, nhạc trẻ, nhạc bác học… tất cả cũng vẫn chỉ còn lại và lưu truyền là những giá trị nghệ thuật đích thực. Vì thế, dù có những biến động, thay đổi, song nghệ thuật đích thực sẽ luôn tồn tại và vượt qua những thách thức thời cuộc.
Tôi tin điều đó, bởi ngay khi đại dịch COVID - 19 với những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu. Đứng trước lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”, hàng trăm ca khúc được gửi về Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Một tuyển tập 60 ca khúc “Niềm tin” được xuất bản cùng livestream (trực tuyến) tại 3 điểm cầu là: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề: “Niềm tin chiến thắng” đạt hàng triệu lượt view, chứng tỏ giá trị và sức mạnh của âm nhạc vẫn luôn là ngọn cờ xung kích trên mọi mặt trận của đời sống xã hội.
Điều mong mỏi của những người làm nghề, chính là các cơ quan quản lý văn hóa cần xây dựng một đề án tổng thể, tranh thủ lấy ý kiến của các chuyên gia để đưa ra giải pháp mang tính chiến lược lâu dài; cần có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng những chương trình thường thức âm nhạc trên sóng phát thanh và truyền hình, nhằm định hướng thẩm mỹ, bảo vệ sự xâm lấn của văn hóa, âm nhạc ngoại lai và cả những độc hại phát sinh từ nội tại.
Mặt khác, các nhà quản lý văn hóa cần kiểm soát chặt chẽ hơn các ấn phẩm băng, đĩa, các trang mạng điện tử, nhằm xây dựng một lớp công chúng có nền tảng văn hóa, tri thức, biết thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc cao hơn. Khi được trang bị những yếu tố cần và đủ, người nghe sẽ tự miễn dịch với những thứ âm nhạc độc hại, tự đào thải chúng ra khỏi đời sống tinh thần.
Chỉ mới đây thôi, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nhiệm kỳ X) để lại một ấn tượng sâu sắc trong giới âm nhạc mà theo chữ của nhà lý luận - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì đó là một “Đại hội của tương lai”.
Ông khẳng định: “Suốt 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Ban Chấp hành Hội, nền âm nhạc Việt Nam đã có những biến chuyển rất đáng tự hào. Âm nhạc hàn lâm - tiêu chí để đánh giá trình độ âm nhạc của các quốc gia, được vun đắp nồng nhiệt qua các kỳ Liên hoan âm nhạc quốc tế. Cùng với đó là vấn đề giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, đặc biệt là với công chúng trẻ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam thực sự là đại hội của tương lai”.
Để hội nhập và phát triển một cách bền vững, bên cạnh việc phát huy những giá trị văn hóa, âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc Việt, chúng ta cũng cần tuân thủ luật pháp quốc tế khi mà Việt Nam là thành viên Công ước Bern và nhiều tổ chức quốc tế khác. Việc bảo hộ quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng những thông lệ quốc tế không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tác phẩm mà còn thúc đẩy sáng tạo phát triển; thể hiện sự văn minh, tiến bộ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Hội tiếp tục tập hợp đoàn kết, tạo điều kiện để các nhạc sĩ tiếp tục đi sâu, tắm mình trong thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước và đời sống xã hội, để lấy tư liệu và cảm hứng sáng tác. Để làm tốt vai trò, trách nhiệm của một tổ chức Hội nghề nghiệp, Hội tiếp tục chủ động phát huy vai trò phản biện xã hội, tư vấn cho các cơ quan quản lý về văn hóa, phối hợp hiệu quả với các cơ quan truyền thông, góp phần định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho công chúng và bằng hoạt động sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn, đào tạo để có những tác phẩm chất lượng, kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội. Hội cũng mong muốn Nhà nước cho phép tiếp tục tổ chức Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu, 2 năm một lần, giao lưu âm nhạc đương đại thế giới thường niên”.
Vẫn biết, đầu tư phát triển âm nhạc đỉnh cao đúng hướng và nâng tầm hưởng thụ văn hóa của số đông công chúng không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Không chỉ quyết định bởi tầm nhìn và chính sách mà cũng cần sự chung sức quyết liệt từ giới sáng tác, biểu diễn; các nhà quản lý ở cấp từ vi mô tới vĩ mô mang tính đột phá, chiến lược.