Âm nhạc Thanh Tùng ẩn giấu bao nhiêu niềm riêng?

Thứ Sáu, 30/03/2018, 08:37
Giữa đám đông, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn biết cách pha trò, như chính ông tự thú: "Tôi rất thích cười. Không có gì sướng bằng cười cho đã đời. Cách tốt nhất là nghe chuyện tiếu lâm, nghe càng nhiều càng tốt, biết càng nhiều; rảnh rỗi họp mặt nhau nghe rồi kể, kể rồi nghe, rồi… cười. Hơn mười thang thuốc bổ đó!"...


Cách đây 2 năm, vào hồi 5h sáng ngày 15-3-2016, nhạc sĩ Thanh Tùng đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi. Chưa đến mức được xem là một đại thụ của âm nhạc Việt Nam, nhưng những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng để lại vẫn tiếp tục đồng hành với đời sống tinh thần của công chúng hôm nay, và chắc chắn còn lan tỏa nhiều thập niên nữa. Yếu tố nào khiến ca khúc Thanh Tùng luôn xao xuyến với giới trẻ? Soi chiếu qua ca khúc, có thể hiểu được chân dung lãng tử của nhạc sĩ Thanh Tùng chăng?

Nhạc sĩ Thanh Tùng vốn học chỉ huy dàn nhạc tại Bình Nhưỡng - Triều Tiên. Sau mấy năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Thanh Tùng chuyển vào phương Nam sinh sống ngay sau khi Sài Gòn giải phóng. Mảnh đất nhộn nhịp nơi ông từng sinh ra đã thôi thúc ông sáng tác. Cuối năm 1975, bài hát đầu tiên "Cây sầu riêng trổ bông" được nhạc sĩ Thanh Tùng viết cho một vở cải lương cùng tên đã nhanh chóng thoát khỏi tấm màn nhung sân khấu để vang lên trên môi khán giả âm nhạc.

Như được khơi mở cho một mạch nguồn cảm xúc, nhạc sĩ Thanh Tùng rong ruổi đi viết cho các phong trào địa phương. Đặc biệt, nhạc sĩ Thanh Tùng gắn bó sâu sắc với Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng ở Nha Trang - Khánh Hòa quê hương mình.

Tại đây, giữa thập niên 80 thế kỷ trước, nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết hàng loạt ca khúc làm nên tên tuổi ông như "Phố biển", "Chuyện tình của biển", "Lời tỏ tình mùa xuân", "Giọt nắng bên thềm", "Giọt sương trên mí mắt", "Mưa ngâu", "Ngôi sao cô đơn"…

Nhạc sĩ Thanh Tùng hào hoa và đào hoa. Thế nhưng, người phụ nữ duy nhất mà ông tôn thờ là vợ mình. Nhạc sĩ Thanh Tùng nhiều lần khẳng định, ông biết ơn sự giỏi giang vun vén và sự hy sinh chịu đựng của vợ mình. Sau 18 năm chung sống, người vợ của ông không may qua đời vì cơn bạo bệnh. Khi vợ hấp hối, nhạc sĩ Thanh Tùng hứa sẽ không tái hôn mà chấp nhận cảnh gà trống nuôi con. Và sự thật, dù xung quanh có rất nhiều bóng hồng, nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn một mình chăm lo cho ba đứa con Nguyễn Thanh Bách, Nguyễn Thanh Thông và Nguyễn Thị Bạch Dương từng ngày khôn lớn và thành đạt.

Không lơ mơ như nhiều nhà nghệ thuật "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", nhạc sĩ Thanh Tùng rất đam mê kinh doanh. Ông đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, từ khai thác nước khoáng thiên nhiên đến mua bán bất động sản và mở nhà hàng. Tất nhiên, nhạc sĩ Thanh Tùng không giàu có như nhiều đại gia bây giờ, nhưng ông biết được sự nổi tiếng của mình và biết sống phong lưu.

Nhạc sỹ Thanh Tùng và 3 người con của ông trong đêm nhạc “Một mình” ông dành tặng người vợ quá cố.

Nhạc sĩ Thanh Tùng là người đầu tiên ở Sài Gòn chơi xe hơi cổ. Những chiếc ôtô đã xuất hiện hàng mấy chục năm trước được nhạc sĩ Thanh Tùng mua lại rồi tân trang rất công phu. Và bao giờ nhạc sĩ Thanh Tùng dạo phố trên những chiếc xe hơi cổ đầy chất sành điệu ấy cũng có mỹ nhân bên cạnh!

Phải thừa nhận nhạc sĩ Thanh Tùng ăn nói rất có duyên. Trong sự hoạt ngôn của ông luôn pha trộn sự hài hước và sự giễu cợt. Giữa đám đông, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn biết cách pha trò, như chính ông tự thú: "Tôi rất thích cười. Không có gì sướng bằng cười cho đã đời. Cách tốt nhất là nghe chuyện tiếu lâm, nghe càng nhiều càng tốt, biết càng nhiều; rảnh rỗi họp mặt nhau nghe rồi kể, kể rồi nghe, rồi… cười. Hơn mười thang thuốc bổ đó!".

Bước sang thế kỷ 21, nhạc sĩ Thanh Tùng bị bệnh tiểu đường. Ông ít lui tới đám đông và giảm dần các phi vụ thương mại. Sau lần đột quỵ đầu tiên vào năm 2006, nhạc sĩ Thanh Tùng đã phải di chuyển bằng xe lăn và phát âm khá khó nhọc.

Dạo đó, mỗi chiều nhạc sĩ Thanh Tùng thường từ nhà riêng ở Bình Thạnh ra ngồi tư lự ở một quán nhỏ bên sông Sài Gòn. Dẫu chải chuốt và lịch lãm, nhưng hình ảnh ấy của nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn toát lên một sự  cô đơn. Năm 2008, nhạc sĩ Thanh Tùng bị đột quỵ lần thứ hai, và ông chuyển hẳn ra Hà Nội sống với con cái. Từ đó, nhạc sĩ Thanh Tùng tách biệt hẳn với giới mộ điệu, và sống lặng lẽ cho đến khi qua đời.

Khi còn kết giao với nhóm Những Người Bạn, nhạc sĩ Thanh Tùng rất hứng thú với những cuộc vui. Ông cụng ly với Trịnh Công Sơn, ông trêu đùa với Tôn Thất Lập, ông bá vai với Vũ Hoàng… Tuy nhiên, ngay ở không gian ấy, nhạc sĩ Thanh Tùng cũng không phải một người dễ sẻ chia. Nhạc sĩ Thanh Tùng hướng nội, mất mát hay khổ đau dường như chỉ mình ông thẩm thấu. Và chỉ trong ca khúc của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng mới bộc lộ vui buồn riêng tư.

Âm nhạc đã cho nhạc sĩ Thanh Tùng một tâm hồn khác. Ngày thường lắm dằn vặt và ngổn ngang, nhưng ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng hầu hết đều viết bằng giọng trưởng trong sáng và lạc quan. Ngoài ba ca khúc khá thâm trầm viết giai đoạn đau ốm triền miên là "Đếm lá ngoài sân", "Cơn bão nghiêng đêm" và "Lời chim đỗ quyên", những bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng đều lãng mạn và xao xuyến.

Ý thức nhập cuộc với xã hội của nhạc sĩ Thanh Tùng luôn thể hiện rất rõ ràng. Để cổ vũ phong trào thanh niên xung phong khai hoang trồng rừng, ông viết "Hoàng hôn màu lá". Để cổ vũ đội tuyển bóng đá quốc gia, ông viết "Tiến lên Việt Nam". Tuy nhiên, thế mạnh của nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn là tình ca, lúc rộn ràng "Mùa xuân rất hiền/ Lặng yên ngồi nghe tôi hát/ Còn em lặng yên ngồi nghe/ Lời tỏ tình của mùa xuân", lúc xa vắng "Em đừng đi/ Xin em đừng đi/ Vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì", lúc bùi ngùi "Khi thấy buồn em cứ đến chơi/ Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi".

Giai điệu của nhạc sĩ Thanh Tùng luôn được phát triển theo hướng mở của pop ballad, nhẹ nhàng và thanh thoát, tạo nhiều không gian thẩm mỹ cho ca sĩ và ban nhạc phô diễn sở trường cá nhân. Hơn nữa, nhạc sĩ Thanh Tùng có đầu óc tổ chức và chuyên chú với kỹ năng dàn dựng, vì vậy ông là nhạc sĩ đầu tiên có album riêng sau năm 1975, và bán rất chạy!.

Không chỉ thành công về giai điệu, nhạc sĩ Thanh Tùng rất chau chuốt ca từ. Dù cả đời chỉ phổ nhạc duy nhất một bài thơ "Cơn bão nghiêng đêm" của Tế Hanh, nhưng nhạc sĩ Thanh Tùng lại có thói quen đọc thơ. Có lẽ, nhờ sự trau dồi ấy, ca khúc của Thanh Tùng có ca từ khá đẹp, như "Lối cũ ta về/ Sỏi nghiêng gót giày/ Chiều nghiêng mắt nắng/ Buồn chợt tóc mây" hoặc "Từ lâu lắm đã vắng em trên con đường này/ Cây bây giờ lá rụng gió heo may".

Nếu tính toán chi ly, nhạc sĩ Thanh Tùng chỉ sáng tác khoảng 30 năm, từ 1975 đến 2005. Hơn 100 ca khúc ông để lại cho cuộc đời đã trực tiếp tạo dựng chân dung một nhạc sĩ tài hoa. Nhạc sĩ Thanh Tùng đa cảm và đa tình. Phần lớn nhân vật "em" trong ca khúc của ông đều có… địa chỉ cụ thể. Nhạc sĩ Thanh Tùng từng sánh bước với nhiều người mẫu, diễn viên, ca sĩ… Và tất nhiên, những ai thân thiết với nhạc sĩ Thanh Tùng đều biết "Trái tim không ngủ yên" viết cho ai, "Hoa tím ngoài sân" viết cho ai…

Tuy nhiên, những gì mang tính bí mật cá nhân thì chỉ có cá nhân mới có quyền tiết lộ. Chỉ xin nêu vài ví dụ mà chính nhạc sĩ Thanh Tùng từng công khai bộc bạch. Với người vợ của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết tặng hai ca khúc "Em và tôi" khi bà còn sống và "Một mình" khi bà đã đi xa. Với ca sĩ Ngọc Bích, nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết tặng hai ca khúc "Ngôi sao cô đơn" và "Lời tỏ tình mùa xuân".

Với ca sĩ Ngọc Thúy một thời nức tiếng ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng thì nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết tặng ba ca khúc "Phố biển", "Chuyện tình của biển" và "Giọt nắng bên thềm". Người đẹp có ý nghĩa cực kỳ then chốt trong các ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng. Nếu không rạo rực trái tim đắm đuối, chắc chắn nhạc sĩ Thanh Tùng không có được cảm hứng để viết nên những ca khúc quyến rũ bao nhiêu khán giả, như ông từng tâm sự: "Con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi. Nhân vật trong ca khúc của tôi bao giờ cũng là người phụ nữ, và đúng là có nhiều nhân vật lắm!".

Một cuộc đời 68 năm như nhạc sĩ Thanh Tùng, kể ra cũng mãn nguyện! Chị Nguyễn Thị Bạch Dương - con gái của nhạc sĩ Thanh Tùng nói về cha mình: "Tôi không chỉ yêu thương ông như một người con thông thường, tôi ngưỡng mộ và thần tượng bố mình. Và có lẽ cũng không chỉ tôi mà tất cả các anh chị em trong gia đình đều như vậy. Chúng tôi thần tượng những bài hát của ông, thần tượng cách đối nhân xử thế của ông và thần tượng cả tình cảm mà ông dành cho người vợ của mình là mẹ của chúng tôi. Còn cá nhân tôi, tôi yêu quý, tự hào và sẽ mãi mãi nhớ về ông".

Lê Thiếu Nhơn
.
.