60 năm, tôi là độc giả từ Công an mới đến Báo CAND ngày nay

Thứ Hai, 27/11/2006, 14:30

Ít lâu sau, tôi được thư của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đề nghị Báo Nhân Dân tiếp nhận năm đồng chí cán bộ Công an cử đến thực tập ở Báo Nhân Dân về làm báo, viết báo. Theo lời Bộ trưởng, đấy là để chuẩn bị cho Báo CAND xuất bản công khai ra xã hội. Tôi hằng mong đợi tờ báo của ngành Công an đến được với nhân dân.

Báo Công an nhân dân (CAND) đã trải qua một chặng đường vẻ vang dài 60 năm. Tôi giữ những kỷ niệm không quên được về tờ báo đó ở vào ba thời điểm:

Tháng 11 năm 1946, tình hình Hà Nội đã bắt đầu căng thẳng do quân Pháp khiêu khích ở nhiều nơi trong thành phố. Không những thế, quân Pháp còn nổ súng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòn Gai… Quân Tưởng Giới Thạch đã rút về nước kéo theo những bọn tay sai người Việt. Công an ta, được nhân dân Thủ đô ủng hộ, liên tục khám xét, phá bỏ những ổ nhóm phản động đóng ở các phố Ôn Như Hầu, Quán Thánh, Hàng Đẫy, Nguyễn Du…

Các tờ báo phản động Việt Nam, Đồng Minh của phái Nguyễn Hải Thần đã bỏ chạy khỏi phố Quán Thánh và chuẩn bị đóng cửa. Vào lúc đó, một hôm đưa báo đến Sở Kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ ở phố Đinh Lễ để kiểm duyệt trước khi in, chúng tôi  thấy Báo Công an mới vừa được phép xuất bản, ra mắt số đầu ở Hà Nội, góp thêm sức mạnh cho làng báo cách mạng Việt Nam.

Nhiều người tìm đọc Công an mới vì báo có những tin tức cụ thể về các vụ án, như vụ nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, một số vụ án mạng do người nước ngoài gây ra ở Hà Nội. Nhưng chỉ một tháng sau, chiến tranh toàn quốc bùng nổ, các tờ báo cách mạng rút khỏi Hà Nội, chuyển về phía chiến khu Việt Bắc.

Phải 20 năm sau, lúc bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ, tôi đang làm việc ở Báo Nhân Dân thì nhận được Báo CAND.

Tờ báo khổ to, bề thế, in đẹp, có nhiều bài tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng sâu sắc và tường thuật khá hấp dẫn nhiều vụ án nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong kháng chiến. Nhưng Báo CAND chỉ lưu hành nội bộ ngành Công an, được coi là tài liệu phải được bảo quản theo chế độ mật và tôi được dặn không cho người khác xem.

Ít lâu sau, tôi được thư của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đề nghị Báo Nhân Dân tiếp nhận năm đồng chí cán bộ Công an cử đến thực tập ở Báo Nhân Dân về làm báo, viết báo. Theo lời Bộ trưởng, đấy là để chuẩn bị cho Báo CAND xuất bản công khai ra xã hội. Tôi hằng mong đợi tờ báo của ngành Công an đến được với nhân dân.

Cố Bộ trưởng Lê Minh Hương cùng các lão thành cách mạng và tác giả trong dịp 55 năm thành lập Báo CNAD (2001).

Bước vào thời kỳ đổi mới, Báo CAND xuất bản rộng rãi từ Bắc chí Nam, ngày càng lớn mạnh, có một vị trí đáng nể trong làng báo Việt Nam đang mùa phát triển sôi động. Cuộc sống bao giờ cũng phát triển theo quy luật. Năm 2003, lãnh đạo Bộ Công an đã có chủ trương sáng suốt, kịp thời là hợp nhất Chuyên đề An ninh thế giới và Chuyên đề Văn nghệ Công an với Báo Công an nhân dân.

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Báo CAND trở thành một tờ báo lớn của lực lượng Công an nhân dân, hoạt động nghiêm túc theo định hướng chính trị, nghiệp vụ của lãnh đạo Bộ Công an, theo tôn chỉ, mục đích của báo, tuy còn những mặt hạn chế và khó khăn.

Qua 60 năm, Báo từ xuất bản hàng tháng, rồi nửa tháng một kỳ đến hàng tuần, hai kỳ/tuần, năm kỳ/tuần và hiện nay là sáu kỳ/tuần. Ấy là chưa kể những ấn phẩm của Báo xuất bản giữa tuần, giữa tháng và cuối tháng. Báo CAND là tờ báo hiếm có ở nước ta không đăng quảng cáo, tự trang trải để phát triển, không dựa vào ngân sách Nhà nước hoặc bất cứ sự tài trợ nào, với một đội ngũ cộng tác viên đa dạng, nhiệt tình, với những bạn đọc đông đảo tự nguyện bỏ tiền của mình ra để mua Báo CAND.

Trong buổi lễ trọng thể công bố việc hợp nhất Chuyên đề An ninh thế giới, Chuyên đề Văn nghệ Công an với Báo Công an nhân dân, tôi thấy sự hiện diện của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh. Đồng chí lên trao nhiệm vụ và căn dặn những người làm Báo CAND hãy cố gắng để báo CAND "xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an".

Điều đó cũng có nghĩa xứng đáng với tính "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại" của lực lượng Công an nhân dân mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra.

Thời đại khoa học, công nghệ hiện đại tiến như vũ bão, bùng nổ dữ dội thông tin, cạnh tranh gay gắt nhưng lành mạnh giữa các sản phẩm báo chí, dân trí, dân chủ của người đọc ngày càng phát triển đang đòi hỏi Báo CAND vượt qua thách thức, nâng cao hơn nữa chất lượng tờ báo. Chúng tôi tin rằng truyền thống 60 năm và tài năng báo chí của những người làm Báo CAND sẽ là sức mạnh to lớn để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó

.
.