35 năm một cuộc thi thơ

Thứ Sáu, 05/10/2007, 08:00
Lại sắp đến mùa xét và trao giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật, tôi chạnh nhớ đến những cuộc thi, những giải thưởng mà ai cũng tâm phục khẩu phục. Nhìn lại những điều tốt đẹp đã qua, mong góp phần tìm ra giải pháp khắc phục cho những hạn chế của mấy mùa xét giải gần đây, âu cũng không phải là điều uổng phí.

Với nhà văn và những người yêu thích văn chương, tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam luôn là một diễn đàn sang trọng, được mọi người yêu thích, dẫu vị thế của tờ báo có lúc thăng lúc trầm. Các cuộc thi thơ trên tờ báo này luôn thu hút được sự chú ý đặc biệt của những người yêu thơ và sự tham gia nhiệt tình đông đảo của các cây bút thơ.

Trong lịch sử xây dựng và phát triển của mình, báo Văn nghệ có hai cuộc thi thơ đầy ấn tượng là cuộc thi thơ năm 1969 – 1970 và năm 1972-1973. Trong bài viết này, tôi xin đi sâu vào sự trưởng thành của các nhà thơ từ một cuộc thi thơ ấy.

Cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ 1972-1973 có đến 4 giải nhất. Cả 4 giải nhất đều “ngang ngửa” nhau. Đó là Nguyễn Duy với các bài thơ: “Bầu trời vuông”, “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”, “Giọt nước mắt và nụ cười”. Lâm Thị Mỹ Dạ với các bài: “Khoảng trời hố bom”, “Gặt đêm”, “Tin ở bàn tay”, “Đường thủ đô”.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu (thứ tư từ trái qua) cùng các bạn văn tại chiến trường Lào (1970).

Hoàng Nhuận Cầm với các bài: “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Thư mùa thu”, “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”, “Nhật ký”. Và Nguyễn Đức Mậu 3 bài: “Ghi ở chiến trường”, “Đôi mắt”, “Đất”.

Nguyễn Duy trong chùm thơ được giải đã thể hiện sự tài hoa và sâu sắc với những bài thơ ngắn, bay bổng từ hiện thực cuộc sống chiến đấu của nhân dân ta, cả ở hậu phương và tiền tuyến.

 Đặc biệt là bài “Tre Việt Nam” với thể thơ lục bát giàu nhạc điệu vừa mộc mạc gần gũi mà triết lý sâu xa, trở thành một bài thơ tiêu biểu cho thi hiệu Nguyễn Duy: “Măng non là búp măng non/ Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre/ Năm qua đi, tháng qua đi/ Tre già măng mọc cò gì lạ đâu/ Mai sau, mai sau, mai sau…/ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.

12 năm sau giải thưởng của tuần báo Văn nghệ, thơ Nguyễn Duy đã thực sự trưởng thành, nhuần nhuyễn về hình thức và già dặn về tư tưởng nghệ thuật, luôn được bạn đọc yêu mến đón đợi. Anh đã nhận được Giải thưởng loại A về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 cho tập thơ “Ánh trăng”. Nguyễn Duy đã trở thành một trong mươi nhà thơ hàng đầu của thế hệ nhà thơ chống Mỹ. Trong tập thơ này, bạn yêu thơ chú ý đến chất tài hoa của thơ Nguyễn Duy:

Sông Thao thêm một lần tôi tắm

Thêm một lần tôi đến để rồi đi

Gió vẫn thổi triền miên ngoài bãi vắng

Tôi nhìn em để không nói năng gì…

(Sông Thao)

Sau đó Nguyễn Duy bắt đầu đổi mới thơ. Sự đổi mới thơ của Nguyễn Duy là từ trong quan niệm nhận thức. Từng bước bạn đọc thấy thơ Nguyễn Duy đã thay đổi, thành công thì ít, loạng choạng thì nhiều và cả những thất bại nữa. Anh làm lịch thơ, triển lãm thơ… Bạn đọc đón nhận Nguyễn Duy bởi thi hiệu Nguyễn Duy chứ không phải thực chất của thơ anh nữa.

Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong hai tác giả nữ được giải trong cuộc thi thơ này (cùng với Nguyễn Thị Hồng Ngát được giải khuyến khích). Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của chị như trở thành biểu tượng cho chất thơ, cho cái đẹp giữa cuộc sống chiến đấu vô cùng gian nan khốc liệt dưới bom đạn giặc Mỹ.

Chuyện kể về một người con gái trẻ mở đường cho xe ra tiền tuyến đã anh dũng hy sinh khi đánh lạc hướng quân thù, với những câu thơ vừa ngậm ngùi vừa thấm thía:

Tên con đường là tên em gửi lại

Cái chết em xanh khoảng trời con gái

Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em.

Gương mặt em bạn bè tôi không biết

Nên mỗi người có gương mặt em riêng.

10 năm bền bỉ sáng tạo sau cuộc thi thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ tạo được cho thơ mình nền tảng khá vững chắc. Tập thơ “Bài ca không năm tháng” đã mang lại vinh quang cho chị bằng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1983.

Bài thơ “Anh đừng khen em” của chị có sức sống trong lòng bạn đọc, giàu nữ tính nhưng là nữ tính của thời đại mới: “Anh ơi, anh có biết không/ Vì anh em buồn biết mấy/ Tình yêu khắt khe thế đấy/ Anh ơi, anh đừng khen em”.

Gần đây, thơ của chị đã được dịch ra tiếng nước ngoài trong tập thơ mang tên “Cốm non”. Nó mang hương vị của thơ Việt, của nữ thi sĩ Việt Nam. Có được thành tựu đó phải chăng là chị đã sống và sáng tác đúng theo lời tự bạch: “Yếu tố để cho thơ hay theo tôi là phải sống thực với chính mình”.

Hoàng Nhuận Cầm là tác giả đoạt giải nhất trẻ nhất của cuộc thi thơ 1972-1973. Những bài thơ dự thi đoạt giải anh viết khi 20 tuổi. Hiện thực chiến trường với người lính trẻ vẫn ngọt ngào thơ mộng, thể hiện ngay ở tên những bài thơ “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”, và những câu thơ:

“Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng

Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm”

“Cần mẫn bầy la đi ra trận

Bao gùi hàng hồi hộp trên lưng”

--PageBreak--Tập thơ đầu tay Hoàng Nhuận Cầm in chung với nhà thơ - liệt sĩ Vũ Đình Văn mang tên “Thơ tuổi hai mươi” (NXB Quân đội Nhân dân, 1974). Mười năm sau, anh in tập thơ “Những câu thơ viết đợi mặt trời”.

Hai tập thơ này phần lớn là những bài thơ viết về cuộc chống Mỹ cứu nước mà anh trực tiếp tham gia. Hoàng Nhuận Cầm là một khuôn mặt thơ sáng rõ, khá nổi trội trong thế hệ các nhà thơ chống Mỹ.

Hai mươi năm sau giải nhất cuộc thi thơ mà chúng ta đang nói, Hoàng Nhuận Cầm xuất bản tập thơ “Xúc xắc mùa thu” và nhận được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993. “Xúc xắc mùa thu” là thơ của thời kỳ hòa bình xây dựng qua hồn thơ của một thi sĩ giàu mộng mơ và khá tài hoa.

Nhưng nhìn chung đối với độc giả yêu thơ, Hoàng Nhuận Cầm xuất hiện chỉ thấp thoáng, khá khiêm tốn. Hình như tâm sức của anh còn dồn vào công việc điện ảnh như anh đã từng tâm sự: “Mê thơ đến muốn chết và say điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống, có lẽ đó là tất cả quá trình cống hiến văn học của tôi”.

Nguyễn Đức Mậu so với ba giải nhất kể trên thì hình như bình lặng và khiêm tốn hơn. Chất hiện thực chiến trường của thơ anh giàu có đến mức tự nó đã thành thơ. Bạn đọc yêu thơ ít thấy thơ anh chất trang điểm, sự tài hoa.

Đấy là so với Nguyễn Duy và Hoàng Nhuận Cầm khi đó, chứ đã là nhà thơ thì đương nhiên phải tài hoa rồi. Nhưng Nguyễn Đức Mậu đã tạo ra cả một luồng sáng tác theo anh, lấy hiện thực cuộc sống, hiện thực chiến trường làm khung chính, là sức mạnh cho những bài thơ.

Nghĩ cho cùng thời đại ấy cần những mạch thơ ấy. Nó gần gũi với con người và cuộc sống, có tác dụng trực tiếp tới sự sống còn của Tổ quốc. Anh đã đóng mốc vào nền thơ chống Mỹ với bài “Nấm mộ và cây trầm” bằng một tình cảm chân thành và cảm động:

Quân mình đang pháo kích nơi nơi

Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy

Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy

Thôi mình đi, Hùng nhé: hãy yên nằm

Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm

Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ

Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị

Thân hy sinh thơm đất, thơm trời

So với ba tác giả cùng được giải nhất cuộc thi thơ 1972-1973, Nguyễn Đức Mậu có hồn thơ dào dạt hơn. Nếu ba nhà thơ trên sáng lên bởi sự tài hoa, duyên dáng nhưng đến nay đã thưa nhạt thì Nguyễn Đức Mậu bình dị và bền bỉ.

Hồn thơ anh khỏe khoắn và dẻo dai, dồn tích lại thành một nền tảng vững chắc. Đến nay anh đã xuất bản hơn chục tập thơ có chất lượng. Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2001 cho tập thơ “Cánh rừng nhiều đom đóm bay”, và hiện nay thơ anh vẫn đều đặn đăng trên các báo chứng tỏ điều đó. Thật mừng cho anh!

Trong cuộc thi này còn có một số tác giả được giải thấp hơn mà sau này trở thành những tên tuổi được yêu mến của nền thơ: Anh Ngọc và Cảnh Trà (giải nhì), Hữu Thỉnh và Thạch Quỳ (giải ba) Lê Đình Cánh và Nguyễn Thị Hồng Ngát (giải khuyến khích)…

Còn Vũ Đình Văn (giải khuyến khích) thì đã hy sinh, nếu không cứ nhìn vào mấy chục bài thơ anh để lại thì có thể tin hồn thơ anh sẽ trưởng thành đạt được những giá trị không kém gì các tên tuổi kể trên.

Toàn bộ cuộc thi thơ có 19 tác giả được giải thì đến nay hầu hết đã trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có một nửa là những nhà thơ có tên tuổi. Có bốn tác giả đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu và Hữu Thỉnh.

Kiểm điểm lại như vậy để thấy giá trị của những cuộc thi thơ được tổ chức nghiêm túc, được đánh giá khách quan sẽ có tác dụng rất lớn thúc đẩy sự phát triển của nền thơ.

Tiếc rằng, những cuộc thi thơ về sau của báo Văn nghệ, cũng như các giải thưởng thơ của Hội Nhà văn và nhiều giải thưởng thơ khác những năm gần đây đã không có được sự chuẩn mực, khách quan như thế nữa.

Vì thế, các giải thưởng đã không chọn được những tác giả tiêu biểu, không phát hiện được những cây bút mới và càng không có được giá trị định hướng cho sáng tác.

Những cuộc thi thơ của báo Văn nghệ gần đây nhất không gây được mấy ấn tượng đối với công chúng yêu thơ. Và sau Giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2006, giới nhà văn và công chúng yêu văn chương đang trông chờ vào những cải cách trong các cuộc thi và tổ chức xét giải, những mong cơ chế thị trường với muôn mặt của nó không thể nhấn chìm được văn học nghệ thuật, nhất là thơ.

Để chúng ta lại có được những cuộc thi, những giải thưởng thật sự làm nức lòng mọi người, làm cho công chúng yêu thơ nói riêng và giới nhà văn không còn phải ao ước một cách xót xa “Bao giờ cho đến ngày xưa…”.

17/ 6/ 2007

.
.