Ðất đình làng

Thứ Hai, 16/10/2017, 09:17
Ra thành phố chừng một năm, về thăm nhà, Tí Nhỡ như được lột xác. Chắc làm ở nhà hàng được ăn nhiều của ngon vật lạ nên nước da nó vốn đã trắng giờ lại càng thêm mỡ màng. Mặt nó vốn đã xinh, nét nào ra nét ấy, nay thêm tí son phấn, nom cứ như diễn viên. Người nó vốn đã cao, chân vốn đã dài, mông vốn đã to, ngực vốn đã nở, nay được bạn bè bày cho cách ăn diện, nhìn chỗ nào của Tí Nhỡ cũng thấy gợi cảm...

Chiều hôm ấy có một xe con dừng trước bãi đất trống bên cổng thôn Yên. Nghe tiếng còi toe lên, đám trẻ con đang đánh bi quanh gốc đa già liền xúm lại. Từ trên xe, Tí Nhỡ và một ông bụng phệ bước xuống. Ông bụng phệ cầm cái chìa khoá trên tay bấm bấm. Lập tức các loại đèn quanh xe nhấp nháy liên hồi. Thằng Tí Hụt, con ông Trưởng thôn Yên liền giải thích: “Ông ấy khoá xe kiểu ấy có mà dùng dao rựa, búa chim cũng chả thể bẩy nổi mấy cái cửa”.

Nghe Tí Hụt nói vậy, Tí Nhỡ quắc mắt nói với bọn trẻ: “Này, mấy đứa đi chỗ khác chơi, đứng đấy, lớ xớ làm xước xe của chị là ăn đòn nát đít”. Nói rồi Tí Nhỡ sóng đôi cùng ông bụng phệ đi về nhà mình. Lũ trẻ cũng quay về bên gốc đa. Chúng không chơi bi nữa mà xúm lại quanh gốc đa bắt đầu cuộc trò chuyện về Tí Nhỡ...

Sau khi nghe đám bạn nói đủ điều xấu tốt của Tí Nhỡ, Tí Hụt cũng đóng góp một chuyện cũ có liên quan đến vườn ngô nhà nó. Chuyện cách đây đã gần một năm, lần Tí Nhỡ về làng dẫn theo một anh cao ngẳng, tóc nhuộm vàng choé. Hai người đèo nhau bằng cái xe bình bịch mù mịt khói. Thế quái nào tối hôm ấy Tí Nhỡ lại cũng dẫn anh tóc vàng chui vào ruộng ngô của nhà Tí Hụt.

Hồi trước đã có lần Tí Hụt nhìn thấy anh Tân của nó và Tí Nhỡ dẫn nhau vào đây rồi. Nhưng lần ấy Tí Hụt chỉ thấy họ ngồi nói chuyện rủ rỉ và vặt cỏ vò chứ chả làm gì. Lần này thì khác. Vừa chui vào giữa đám ngô đang trổ cờ, anh tóc vàng đã ôm chầm lấy Tí Nhỡ. Rồi cả hai cứ như xoắn vào nhau, nhấp nha nhấp nhô. Khi họ về ngang qua chỗ Tí Hụt nấp, vẫn thấy ngực chị Tí Nhỡ phơi ra trắng lốp...

Không chỉ lũ trẻ con mà đến cả người lớn thôn Yên bắt đầu râm ran bàn chuyện cái Tí Nhỡ, con ông Mơi xóm Đình vừa cưỡi xe ôtô con về. Có người còn bĩu môi quả quyết rằng: “Xe đếch nào của nó. Con ca ve ấy lại chăn được lão già giàu có háu gái đấy thôi”. Nhưng đến ngày hôm sau, mọi người mới té ngửa người ra rằng: Cái lão già ấy là người ngoại quốc. Lão ấy về thôn Yên vừa là để làm thủ tục đăng ký kết hôn với cô Tú Như (tên mới của Tí Nhỡ), vừa là để xin với các cấp chính quyền địa phương đầu tư một xưởng gia công giày trị giá mấy chục tỷ.

Chuyện đăng ký kết hôn của Tí Nhỡ quá đơn giản vì nó chưa lấy chồng lần nào. Còn ông ngoại quốc có tên là A Phàn cũng trình ra đầy đủ giấy tờ của bên nước họ, bản dịch phôtô công chứng bên nước mình chứng minh rằng: Dẫu đã có ba đời vợ nhưng ông ta đã ly dị cả và chia bôi tài sản xong xuôi. Theo luật định, ông ta hoàn toàn có thể lấy vợ mới.

Dẫu suốt ngày say rượu lướt khướt nhưng ông Mơi vẫn đắng lòng khi nhận thấy chàng rể tương lai vừa già, vừa xấu. Ông chỉ nuốt đau vào lòng chứ chẳng thể ngăn cấm con gái, chẳng biết nói gì với dân làng. Ông hiểu tính nết ngang bướng của Tí Nhỡ.

Ông Mơi góa vợ đã lâu. Nhà nghèo, nên cả 2 đứa trẻ con ông chẳng đứa nào được học hành tử tế. Thằng Nhớn đang học lớp 10 đã bỏ theo chúng bạn dạt vào phương Nam làm phụ hồ rồi lấy vợ mãi trong Tây Nguyên. Tí Nhỡ mồ côi mẹ từ năm lên 10 tuổi. Thấy mặt mũi nó sáng sủa, ông đã định dốc sức đầu tư cho nó học, mong kiếm lấy cái nghề thoát cảnh nhà nông. Nhưng chả hiểu sao vừa vào lớp 9 được hơn một tháng nó đã nằng nặc đòi nghỉ học. Nó bảo: Sao dạo này con học mãi mà chữ chả vào đầu. Dẫu có đến lớp thì cũng chả biết gì, chỉ tốn tiền của bố. Năm trước có chị người trong xã rủ ra thành phố làm nhân viên phục vụ bàn ăn của một nhà hàng, nó đi liền.

Ra thành phố chừng một năm, về thăm nhà, Tí Nhỡ như được lột xác. Chắc làm ở nhà hàng được ăn nhiều của ngon vật lạ nên nước da nó vốn đã trắng giờ lại càng thêm mỡ màng. Mặt nó vốn đã xinh, nét nào ra nét ấy, nay thêm tí son phấn, nom cứ như diễn viên. Người nó vốn đã cao, chân vốn đã dài, mông vốn đã to, ngực vốn đã nở, nay được bạn bè bày cho cách ăn diện, nhìn chỗ nào của Tí Nhỡ cũng thấy gợi cảm.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Đám thanh niên trong làng, ngoài xã râm ran những lời bình như vậy rồi kiếm cớ đến tán. Rốt cuộc, thằng Tân, con cả Trưởng thôn, gần nhà, đẹp trai, dẻo mỏ trở thành người có nhiều lợi thế nhất. Tí Nhỡ chỉ ở nhà có ba ngày mà Tân đã tán xong. Đêm hôm trước Tí Nhỡ về thành phố, Tân đã rủ được nó vào ruộng ngô nhà mình. Nhưng sau lần ấy, bẵng đi mấy tháng chả thấy Tí Nhỡ về làng nữa. Tân cũng nằng nặc xin tiền bố đi học lái xe rồi làm thuê cho một công ty vận tải ngoài phố.

Theo suy đoán của Tí Hụt thì hai người đã bỏ nhau. Nhưng sau này, Tí Hụt biết nó đã nhầm. Lần nào về làng Tân cũng sang nhà ông Mơi lân la xin số điện thoại của Tí Nhỡ. Không hiểu sao ông Mơi lại không cho. Chắc là chuyện bố chửi anh Tân và nói xấu chị Tí Nhỡ đã đến tai ông Mơi. Trong khi Tí Hụt còn đang tức về vụ ông Mơi say coi thường anh trai mình thì đùng một cái, Tí Nhỡ lại dẫn anh tóc vàng vào “nhấp nhô” ở vườn ngô nhà mình.

Tháng trước Tân chở hàng về huyện, tiện đường ghé thăm nhà, Tí Hụt kéo anh ra vườn kể lại chuyện nhố nhăng của Tí Nhỡ. Tí Hụt tưởng kể ra chuyện ấy sẽ làm cho Tân ghét Tí Nhỡ, nào ngờ lại bị anh trai véo tai nó đe: “Tao cấm mày được kể chuyện ấy với ai”. Đau quá Tí Hụt cứ phải gật đầu lia lịa...

*

Chuyện cô Tú Như lấy chồng đồng thời với việc lão rể ngoại quốc chọn thôn Yên để đầu tư xưởng giày là thật một trăm phần trăm. Bắt đầu là một đám cưới được diễn ra tại nhà hàng khá sang trọng ngoài thành phố có mặt một vài người trong họ và lãnh đạo địa phương của cô dâu. Dù giữ cái chức bé tí ti nhưng Trưởng thôn cũng được mời.

Sau đám cưới, A Phàn còn mời một số chức sắc địa phương đi nước ngoài du lịch kết hợp tham quan một vài cơ sở sản xuất giày cao cấp bên họ. Trưởng thôn cũng vẫn là một thành viên trong đoàn. Sau chuyến đi ấy, Trưởng thôn như được tẩy não. Ông ca ngợi A Phàn là mẫu doanh nhân giàu có và chơi đẹp, Tố Như là mẫu thanh niên của thời hội nhập, là người đầu tiên có công đưa thôn Yên vươn ra với thế giới. Và vì những lời khen ấy, Trưởng thôn trở thành trợ thủ đắc lực của A Phàn trong việc tìm địa điểm mở xưởng...

Khu đất gần năm mẫu vốn trước đây là nhà kho, sân kho, vườn ươm cây của hợp tác xã nông nghiệp thôn Yên đã được Trưởng thôn tư vấn cho A Phàn thuê. Khu đất ấy xa xưa là khuôn viên của Đình làng Yên, nơi có ngôi đình mái ngói rêu phong, có sân đình lát gạch vuông đỏ thẫm, có cái hồ tròn vành vạnh phía trước, có vườn nhãn cổ thụ phía sau...

Thời mới xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, ngôi đình đã bị đập bỏ để xây mới nhà kho đựng thóc. Vườn nhãn bị chặt đi để làm vườn ươm bạch đàn của các cụ. Sân đình bị lát gạch mới để làm sân tuốt lúa, phơi thóc... Đến thời hợp tác xã bị giải thể, toàn bộ nhà kho, vườn ươm trên khu đất Đình ngày trước bị bỏ hoang.

Ông Trưởng thôn cũ nảy ra sáng kiến: Phân lô khu đất hoang ấy chia cho những hộ dân có con trai lớn mới lấy vợ, sắp lấy vợ làm nhà ra ở riêng. Trưởng thôn bây giờ, lúc ấy mới là Trưởng xóm, cũng được nhận một suất hai sào đất trước là vườn nhãn của đình làng cho Tân. Trong lúc chờ Tân lấy vợ, cựu Trưởng xóm tạm trồng ngô giữ đất. Con trai cựu Trưởng thôn đã có vợ, được ưu tiên nhận lô đất to nhất vốn là nền ngôi đình cũ. Thành ra khi xây nhà bố con cựu Trưởng thôn chả tốn một đồng tiền làm móng nào.

Nhưng về ở cái nhà trên nền Đình cũ ba năm trời mà cô con dâu của cựu Trưởng thôn cứ trơ ra chẳng chịu đẻ. Đi xem bói, thầy hỏi nơi ở, hỏi cả chuyện phòng the, con vợ thật thà kể hết. Thầy liền phán vì nó đã bị Thần hoàng ngài “phủ”. Mà đã bị ngài “phủ” thì làm sao mà có thể đậu thai với người dương gian được nữa. Thế là mấy tháng sau vợ chồng nó phải lặng lẽ dắt díu nhau vào Tây Nguyên mua đất làm rẫy để khỏi bị ngài làm phiền. Sau cái vụ vợ chồng thằng con ông cựu Trưởng thôn phải bỏ làng đi vì đã làm nhà trên đất đình, chả ai còn dám đến ở khu ấy nữa.

Bây giờ thì khu đất đình ấy bỗng dưng trở thành khu đất vàng cho doanh nghiệp nước ngoài thuê. Khu đất ấy sẽ tạo cơ hội cho hàng trăm thanh niên thôn Yên và trong vùng đang khát khao có việc làm, có tay nghề thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Từ khu đất ấy, sẽ có một xưởng giày hiện đại mọc lên đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế địa phương... Trưởng thôn bỗng dưng trở nên mạnh mồm khi tuyên bố với dân những câu đại loại như thế.

Những điều Trưởng thôn tuyên bố thì còn phải chờ thời gian. Nhưng những việc Trưởng thôn làm cùng với sự phất lên nhanh chóng của gia đình ông thì mọi người đều thấy rõ. Cùng với khoản tiền làm “cố vấn dự án” mà Trưởng thôn kiêm nhiệm thêm, mức lương cao của thằng Tân được A Phàn đặc cách tuyển về làm lái xe tải cho xưởng, gia đình ông còn thu được một món đền bù kha khá từ hai sào đất đình. Lẽ tất nhiên ngoài số tiền đền bù chi trả công khai trên sổ sách như mọi nhà, Trưởng thôn vẫn có một khoản lót tay riêng của A Phàn vì ông đã có công vận động được bà con chấp nhận mức giá đền bù phải chăng.

Cái mức “đền bù phải chăng” này được Trưởng thôn giải thích rằng: Khắp nơi người ta mong được “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư mà chẳng có. Nay tự dưng một nhà đầu tư tìm đến làng mình thì dân có chịu thiệt một tí cũng coi như là đã “trải thảm hồng” đón họ...

Sau khi nhận được đất, A Phàn tiếp tục đề xuất với “cố vấn dự án” thêm vài việc be bé. Ấy là cái cổng làng quá nhỏ cần phải được nới rộng ra. Cây đa bên cổng làng có mấy cái cành la, mấy đống rễ phụ nhô ra đường vướng mui xe trọng tải lớn ra vào cũng cần phải cắt bỏ. Giếng đình phải lấp đi một nửa để mở đường cho người và xe ra vào nhà xưởng.

Nào ngờ những việc be bé ấy lại vấp phải sự chống đối của dân do mấy đứa phá ngang khởi xướng. Có đứa còn đến tận nhà ông nói rằng: Cây đa, giếng nước, cổng làng là văn hóa làng xã, là hồn vía của tổ tiên ngàn đời để lại, phá đi là có tội... Trưởng thôn lại phải mất ngủ mấy đêm ủ mưu, bày binh bố trận mới dẹp nổi “bọn chống đối”. Hôm họp dân giải quyết 3 việc ấy, Trưởng thôn đưa về một ông lạ hoắc, giới thiệu là cán bộ ngành văn hóa cấp trên về có vài lời phi lộ về vấn đề văn hoá truyền thống và văn hóa hiện đại trong giai đoạn công nghiệp hoá đất nước.

Sau phát biểu tràng giang đại hải của ông văn hóa nghe đã ù tai, mấy người có con cháu chuẩn bị được nhận vào làm ở xưởng giày nhao nhao xin phát biểu. Một ông hưu non, được giới thiệu là đi nhiều, hiểu rộng đứng lên dõng dạc: Nhất thiết phải phá ngay cái cổng làng cũ bé bằng cái lỗ mũi của cánh lý trưởng áo the, guốc mộc ngày xưa đi. Nhất thiết phải dựng ngay một cái cổng mới thật tầm cỡ, trước mắt để đón đối tác nước ngoài, sau nữa là để xe to, xe nhỏ của dân về được tận cổng nhà mình.

Sau ông hưu non là bà buôn chuyến phát biểu bằng cái giọng chao chát giữa chợ: Tôi cứ nói toẹt ra luôn nhá. Cây đa làng mình trông rõ là cổ quái. Bao nhiêu là rễ từ trên cành đâm xuống ăn xác cả đám đất lớn, phí! Cứ cưa phéng đi là xong. Sau bà buôn chuyến, Trưởng thôn chỉ định tiếp một anh đại diện cho giới trí thức. Anh chàng gầy nhom, từng học một trườngvăn hoá, hiện đang giữ chân thổi kèn đám ma và thỉnh thoảng được mời làm MC đám cưới. Sẵn tố chất nghệ sỹ anh ta đọc một bài thơ rõ vần về cái giếng đình rồi mới đưa ra ý kiến của mình. Rằng bây giờ cả thôn Yên ta đều dùng nước giếng khoan sâu dưới “âm ti” những năm bẩy chục mét. Vậy thì cái giếng đình nông choèn, đầy rêu có lấp đi một nửa cũng chả sao...

Cuộc họp kéo đến khuya. Buồn ngủ, mệt rã, chẳng ai muốn phát biểu nữa. Trưởng thôn kết luận:

- Thưa bà con, tại cuộc công khai và dân chủ hôm nay, tất cả đều có chung tiếng nói. Vì một thôn Yên giàu đẹp phải biết hy sinh một vài thứ. Rồi đây, thôn Yên sẽ là một địa chỉ được công nghiệp hoá đầu tiên của cả vùng này ...

Trưởng thôn còn nói vài cái “rồi đây” nữa nhưng nhiều người không có quyền lợi gì ở xưởng giày đã lục tục bỏ về nên ông ta đành thôi...

*

Sau cuộc họp ấy, cổng làng vài trăm năm bị máy ủi do A Phàn thuê về san phẳng trong mươi phút. Một cái cổng to uỳnh chế từ một vì kèo sắt của xưởng giày được dựng lên đủ rộng để xe tăng có thể ra vào. Cây đa vài trăm tuổi bị cưa máy cắt đi một nửa số cành và rễ phụ trông như người cụt chân, cụt tay. Giếng Đình chỉ còn non nửa, suốt ngày đêm bị đám xe tải của xưởng giày làm vương vãi đất cát xuống khiến nước chuyển màu vàng khè. Nghe người dân kêu ca về những điều trông thấy đau lòng như thế, Trưởng thôn lặp lại vài câu giải thích đã thuộc lòng:

- Cái chính là bây giờ tại thôn mình đã có một xưởng giày hiện đại với gần trăm cái máy may cao cấp đang hoạt động suốt ngày đêm. Làng mình sẽ có một thế hệ công nhân có tác phong công nghiệp, có thu nhập ổn định...Vậy thì sự hy sinh cái cổng làng, cây đa và giếng nước là quá nhỏ...

Cái xưởng giày mà Trưởng thôn nói đến thực chất chỉ là mấy dãy nhà khung sắt, mái tôn, vách thép cán kết nối với nhau bằng các mối hàn hay các con ốc, phủ trên nền của ngôi đình và vườn nhãn ngày xưa. Bên cạnh mấy dãy nhà xưởng bịt bùng sắt thép, nơi công nhân làm việc theo ca còn có mấy căn hộ nhỏ lắp ghép bằng vật liệu cách nhiệt, đầy đủ tiện nghi, suốt ngày bật máy điều hòa không khí là nơi dành cho vợ chồng A Phàn và một số cộng sự thân tín của ông ta ăn nghỉ. Tú Như được giao chức Giám đốc nhân sự. Chức giám đốc điều hành được A Phàn giao cho A Vu, một gã ngoại quốc khá sõi tiếng Việt.

A Vu mới thực sự là cánh tay nối dài của A Phàn. Từ khi xưởng đi vào hoạt động, mọi việc chỉ đạo sản xuất, thưởng phạt công nhân gã chỉ báo cáo riêng với A Phàn. Tú Như mặc nhiên trở thành người thừa. Là người thừa nhưng với chức danh giám đốc, căn phòng của Tú Như vẫn là nơi mà người dân thôn Yên và chị em công nhân lui tới đòi hỏi giải quyết những vấn đề  bức xúc. Bắt đầu là việc vài cô công nhân tè ra quần vì chưa đến giờ giải lao không được phép ra ngoài. Tú Như mang chuyện ấy phản ánh với A Phàn, ông ta lạnh lùng mà rằng: Mấy vấn đề ấy đều đã được thể hiện trong hợp đồng lao động ký với từng người. Tú Như chẳng biết phải giải quyết như thế nào đành im lặng nghe mọi người chửi.

Một lần khác, A Phàn vừa từ thành phố về, Tú Như bức xúc kể lại chuyện A Vu mới đánh công nhân thâm tím mặt chỉ vì dám giấu vào áo ngực một tuýp keo dở định mang về cho anh trai dán lại cái giày há mõm. A Phàn tuyên bố thẳng tưng: “Tôi được báo cáo vụ này rồi. Không chỉ một vụ mà nhiều vụ mất cắp vật liệu đã xảy ra trong xưởng. Nay mai tôi sẽ tổ chức khám xét từng người, từng ngày. Với chức trách của giám đốc nhân sự, chính cô phải ủng hộ giám đốc điều hành thực thi việc ấy”.

Bản tính ngang bướng trỗi dậy, Tú Như đốp lại:

- Bất quá ông trả tiền ngủ với tôi chứ giám đốc cái đếch gì. Mà tôi nói toẹt ra nhá, từ ngày tôi bụng mang dạ chửa, lấy cớ là bận công chuyện, ông giao hết việc cho thằng Vu rồi thuê khách sạn ở lỳ ngoài phố kiếm gái trẻ hú hí...

Sau cuộc đấu khẩu đêm ấy, sáng hôm sau A Phàn ra thành phố ở và không về thôn Yên nữa. Sợ bị cô vợ “có máu điên” quấy rầy, lão đổi luôn số điện thoại và cả xưởng chỉ riêng A Vu liên lạc được với lão. Nhưng chế độ quản lý hà khắc, đặc biệt là trò khám xét từ đũng quần lên áo ngực của công nhân do A Phàn đề ra tiếp tục vấp phải sự phản đối quyết liệt của chị em và cả người thân của họ. Bà buôn chuyến, mẹ của cô công nhân mấy lần tè ra quần, mấy lần bị khám ngực đã đến tận cổng xưởng chửi đổng và tuyên bố sẽ bắt con gái về phụ việc buôn bán với mình. Còn anh chàng nghệ sỹ xóm, cay cú với vụ em gái bị đánh vì trót giấu keo ở ngực, lại chọn ứng xử khác. Sau những đêm trằn trọc, anh ta cho ra đời mấy bài vè kể tội từ lão A Phàn, thằng A Vu, ông Trưởng thôn, cái Tí Nhỡ đến cả cu Tân “xe tải” rải ở những nơi bọn trẻ thôn Yên hay tụ tập. Bọn trẻ vớ được những câu vè ấy như tìm được trò chơi mới. Chúng học thuộc rồi kéo đến cổng xưởng đồng thanh réo chơi. Tí Hụt nghe vè thì tức lắm. Nó mang một tờ rơi về đưa cho Tân và nói:

- Anh xem đi, người ta nói xấu cả nhà nhà mình đây này.

Tân đọc mấy bài vè mà thấy toàn thân nóng bừng. Sau mấy đêm nghĩ ngợi, Tân làm đơn xin nghỉ việc lái xe và khuyên bố cũng không nên “dây” với xưởng giày nữa. Trưởng thôn cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm về cách đối xử của A Vu với con cháu quê mình. Những câu vè ấy cũng đến tay A Vu. Hắn gọi điện cho A Phàn và đọc một vài câu để ông chủ biết. Nghe xong, A Phàn đùng đùng nổi giận. Lão lệnh cho A Vu phải nâng cấp ngay toàn bộ hệ thống hàng rào bảo vệ quanh xưởng tách biệt hẳn với khu dân cư.

Chỉ một tháng sau khi có lệnh của A Phàn, khu đất đình đã được vây bằng những tấm lá thép không gỉ, cao hơn hai mét với hệ thống cột khung sắt kiên cố. Trên mỗi cột khung sắt ấy đều gắn những tấm biển ghi dòng chữ: “DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI - KHÔNG PHẬN SỰ MIỄN VÀO”. Hai cánh cổng ra vào xưởng cũng được bịt thêm lá thép kín bưng.

Cho đến chiều muộn ngày rằm tháng bảy âm lịch. A Phàn gọi điện về. A Vu mừng rỡ báo cáo rằng: Tất cả mọi việc ông chủ giao coi như đã hoàn thành. Giá như hôm nay gã thợ hàn không xin phép về sớm cúng rằm thì phần việc cuối cùng là bịt nốt cái cửa phụ phía sau của khu nhà xưởng đã hoàn tất...

A Vu nói chưa dứt câu, A Phàn đã quát trong máy:

- Còn mấy mối hàn thì bảo nó làm luôn cho xong đi. Tao sắp về nước có việc. Sáng mai muốn tranh thủ ghé qua xưởng kiểm tra...

A Vu vâng dạ liên hồi rồi cuống quít gọi cho gã thợ hàn quay lại. Trời đã nhá nhem tối. Gã thợ hàn vừa bày đồ nghề vừa đề xuất A Vu mang đèn pin ra soi cho anh ta làm. A Vu chạy về phòng lấy đèn pin và không quên vòng ra phía trước nhà xưởng khoá cửa chính. Nghe tiếng khoá lách cách, một cô công nhân nói vọng ra:

- Việc gì phải khoá. Nếu mót quá chúng tôi thà tè ra bỉm chứ không muốn bị khám đâu...

A Vu đeo chùm chìa khoá nặng đến nửa cân khệnh khạng bước về cửa phụ phía sau, nơi gã thợ hàn đang chờ. Chỉ một lát sau ánh lửa hàn đã loé lên, vẩy hàn bay ra như sao sa. Khi kết thúc mối hàn cuối cùng, A Vu soi đèn kiểm tra lại toàn bộ cái cửa vừa được gia cố rồi nói:

- Từ hôm nay các cô em đừng có nghĩ đến chuyện tuồn các thứ ra ngoài nữa nhá...

Nhưng cũng đúng lúc ấy có tiếng kêu cháy từ trong xưởng vọng ra. Cùng với tiếng hét là tiếng khóc, tiếng ho, tiếng kêu cứu dậy trời đất.

Cửa phụ vừa bị khoá trong. Cửa chính ban nãy cũng bị khoá phía ngoài. A Vu nghĩ vậy và chạy về phía trước. Ba mươi công nhân làm ca hai đã dồn về phía cửa chính đợi mở. Lửa khói từ phía cuối dãy nhà đang cuồn cuộn bủa vây họ. A Vu luống cuống nên tra cả đống chìa vào ổ khoá ngoáy mà không sao mở nổi. Ở phía trong tiếng đập cửa, tiếng kêu gào tưởng như thấu đến tận trời xanh. Tí Nhỡ nghe tiếng kêu khóc ôm bụng chạy ra. Từ trong đám cháy có tiếng kêu cứu khắc khoải của mấy đứa bạn thân của nó. Tí Nhỡ vội vã gọi điện cho Tân.

Lát sau Tân cùng hàng chục người dân thôn Yên công kênh nhau vượt cổng vào xưởng. Nhà xưởng vẫn cháy ngùn ngụt. Không nghe thấy tiếng kêu tiếng khóc nữa. Tí Nhỡ cũng đang nằm ngất lịm bên cửa xưởng. Trên tay nó là đống chìa khoá mà A Vu bỏ lại. Tân lao đi lấy cái xà beng trên chiếc ôtô mà anh từng lái rồi cùng mọi người hò nhau phá khoá cửa ...

*

Vụ hoả hoạn đêm rằm tháng bảy xảy ra ở xưởng giày thôn Yên làm 8 người chết, 22 người bị bỏng nặng. Tất cả họ đều là những cô gái trẻ, khoẻ, chưa chồng được A Phàn tuyển chọn kỹ càng từ hàng trăm người đến xin việc. Tân là một trong số 5 chàng trai thôn Yên dũng cảm lao vào lửa khói đưa được tất cả người bị nạn ra ngoài. Nhưng chính anh cũng bị hai vết thương khá nặng. 

Gương mặt điển trai của anh bị một vết sẹo bỏng dài trên má. Một bàn chân của anh bị dính vào đống nhựa đang cháy đứt gân khiến anh phải đi cà nhắc suốt đời. Nhà xưởng máy móc bị thiêu rụi hoàn toàn. Nguyên nhân trực tiếp của vụ cháy được cơ quan điều tra kết luận là do vẩy hàn bắn vào vật liệu dễ cháy trong xưởng. 

Nguyên nhân sâu xa là do chủ doanh nghiệp cố tình phớt lờ các quy định về công tác phòng cháy chữa cháy và đã ba lần bị cơ quan chức năng lập biên bản. Gã thợ hàn làm thuê đã ra đầu thú. A Vu trốn một thời gian cũng đã bị bắt. A Phàn về nước chưa thấy quay lại. Tí Nhỡ suy sụp tinh thần, đẻ non và đứa trẻ bị chết yểu. Cũng từ sau đêm xảy ra vụ cháy, dẫu vẫn còn những nét xinh đẹp trời cho nhưng nó trở thành một người hoàn toàn khác, khi tỉnh, khi điên. 

Khi tỉnh Tí Nhỡ thường mon men sang nhà Trưởng thôn giúp Tân việc giặt quần áo. Khi điên nó thường thẫn thờ ra giữa sân đình, ngồi xếp bằng, ngửa mặt lên trời, lấy que gõ xuống đất vừa khóc vừa hát những câu vè mà bọn trẻ con thôn Yên mới réo gần đây.

Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hải
.
.