Xác minh còn sống

Thứ Bảy, 04/11/2017, 08:01
Sau khi nghỉ hưu, lão Lưu trở về thôn Từ Cai, sống trong nhà của con gái, mỗi tháng 800 tệ lương hưu của lão do Cục An sinh xã hội phát cho. 

Vì lão Lưu bệnh tật ốm yếu, nên từ trước đến nay, lương hưu của lão đều do cô con gái đi nhận thay. Tuy nhiên, tháng này, cô con gái không được đi lĩnh tiền hưu thay lão. Ngược lại, còn nhận được một thông báo dở cười, dở khóc: "Những viên chức nghỉ hưu tại quê nhà, trong những ngày tới phải nộp một bức ảnh chụp phần cơ thể: hai ngón tay trái (dùng ngón tay cái và một ngón tay khác) đang nắm lấy tai trái - gửi cho Bộ An sinh xã hội, nếu không sẽ bị đình chỉ nhận lương hưu".

Nguyên do là vì gần đây, Cục An sinh xã hội phát hiện ra có một vài viên chức đã nghỉ hưu, nhưng sau khi chết, số hộ khẩu của họ không bị hủy, người nhà lợi dụng điều này để mạo nhận họ còn sống đi lĩnh lương hưu. Vì thế, Cục An sinh xã hội dùng cách này để phân biệt người nghỉ hưu đã chết và người nghỉ hưu còn sống.

Minh họa: Lê Tâm.

Ông Lưu vốn không biết chuyện này. Một vài ngày trước đây, cánh tay trái của ông bị gẫy, phải bó bột. Suốt hai, ba tháng nay ông không thể nhấc tay trái lên túm lấy cái tai bên trái để chụp ảnh được. Vì thế, ông cẩn thận gọi điện đến Cục An sinh xã hội: "Xin hỏi, tôi có thể dùng tay trái nắm lấy tai phải để chụp ảnh được không?". Người nghe điện thoại là một phụ nữ có âm giọng rất cao: "Không được, tất cả mọi người đều phải dùng tay trái nắm lấy tai trái chụp ảnh, đó là quy định". Nói xong, cô ta rập máy cái bụp.

Ngày thứ hai, chẳng có cách nào khác, lão Lưu phải đích thân đến Cục An sinh xã hội nhằm gặp trực tiếp cán bộ của Cục để họ xác nhận rằng bản thân ông vẫn còn sống. Vừa gặp một cán bộ nữ trung tuổi ở đấy, lão Lưu đã nhận ra ngay đó chính là người phụ nữ nghe điện hôm nọ. Nhưng khi lão Lưu trình bày lý do, cô ta lạnh lùng nói: "Sao, ông muốn cho chúng tôi xem cái gì?".

Lão Lưu lấy chứng minh thư nhân dân và sổ hưu trí đặt lên bàn, trước mặt cô ta: "Cục An sinh xã hội muốn xác minh xem tôi còn sống hay không phải không ạ? Tôi đích thân đến đưa cho các anh chị cuốn sổ hưu của tôi, chẳng phải hơn là chụp ảnh hay sao?". "Không được! - Người phụ nữ kia lạnh lùng đáp - Chụp ảnh là để lưu hồ sơ, ông đứng một lúc rồi đi, không có bằng chứng bằng văn bản, chúng tôi làm sao làm việc được?". "Vậy làm thế nào thì được? - Lão Lưu sốt ruột - Không phải tôi không làm theo quy định, mà là vì...".

Người kia không nghe hết câu, đi sang phòng bên trao đổi với lãnh đạo, một lúc sau quay trở lại nói với lão: "Vậy thế này nhé, coi như bác là trường hợp đặc biệt. Bác đến đồn cảnh sát địa phương làm một tấm "Chứng minh còn sống" thì có tác dụng công nhận như là chụp ảnh vậy".

Xem ra cũng chỉ còn cách đó! Lão Lưu đến Sở Cảnh sát tìm tới văn phòng đăng ký hộ khẩu: "Đồng chí, phiền đồng chí cho tôi một bản xác nhận tôi vẫn còn sống". Anh cảnh sát nghe vậy, trợn tròn mắt: "Ở đây, chúng tôi chỉ xác nhận cho người đã chết, giờ xác nhận cho bác vẫn còn sống là để làm gì?".

Lão Lưu kể lể từ đầu chí cuối sự tình. Nhưng viên cảnh sát vẫn lắc đầu: "Chúng tôi chưa bao giờ làm cái gọi là "Chứng minh còn sống", không thể tùy tiện mà xác nhận như vậy được". Cách này cũng không xong, vậy lại phải tìm cách khác. Con gái lão Lưu có một người bạn cùng lớp cũ hiện đang làm chánh văn phòng chính quyền của thị trấn.

Nghe chuyện xong, người nọ không nói gì, lấy bút thảo ra một văn bản, trong đó có ghi: "Gửi Cục An sinh xã hội, công nhân Lưu Lão Căn đã làm việc tại nhà máy dệt may, nam, 76 tuổi, sống tại thôn Từ Cái, hiện tại vẫn còn sống", sau đó đóng một dấu đỏ chót bên dưới. Lưu Lão Căn mừng rỡ, mang tờ giấy quý giá chứng minh mình còn sống kia nhét vào túi, vội vã quay lại Cục An sinh xã hội. Không ngờ người phụ nữ kia vừa xem qua đã lắc đầu: "Xác nhận còn sống" phải được đồn cảnh sát phê chuẩn, chính quyền thị trấn xác nhận thì vô ích!".

Thấy lão Lưu có vẻ choáng váng, cô ta giải thích thêm: "Chức năng quản lý các hộ gia đình thuộc về Sở Cảnh sát, nên chứng minh này nhất định phải được họ đóng dấu!". Lão Lưu bực bội bước ra khỏi cổng, lúc này, lão đã mệt tới mức chả còn sức lực mà đi nữa, liền ngồi bệt xuống bậc cầu thang. Cảm thấy tay trái đột nhiên đau nhói, lão dùng tay phải thò vào túi tìm thuốc, thuốc thì không thấy nhưng lại thấy một tờ giấy màu xanh.

Chợt nghĩ ra điều gì, mắt lão sáng lên. Lão Lưu quay trở lại Cục An sinh xã hội, vừa nhìn thấy người phụ nữ, lão đã nói rất to: "Có rồi, tôi có rồi!". "Cái gì đây?" - Người phụ nữ cầm tờ giấy màu xanh, thì ra là giấy "Xác nhận nuôi chó". Lần này, lão Lưu bình tĩnh nói: "Tờ giấy "Xác nhận nuôi chó" này là của tôi, vài ngày trước tôi làm ở Sở Cảnh sát, nó có thể chứng minh tôi vẫn còn sống!".

Lão giải thích, con chó của lão tên là Vượng Vượng, lâu nay được lão nuôi để khuây khỏa tuổi già. Gần đây, Sở Cảnh sát ra thông báo, trong thời hạn nhất định, tất cả những người nuôi chó phải làm một thủ tục chứng minh gọi là "Xác nhận nuôi chó". Trên mặt cuốn sổ này còn dán cả ảnh lão Lưu chụp cùng con chó, có số chứng minh thư của lão cũng như ngày ban hành, kèm theo xác nhận của thôn, xã. Người phụ nữ kia đứng im một lúc, rồi chạy sang phòng bên hội ý với sếp. Khi quay lại, cô ta huơ huơ tờ "Xác nhận nuôi chó" trên tay: "Thật là... bác mà đưa cái này ra sớm chả phải đã xong việc rồi sao?".

Lạy trời lạy Phật, cuối cùng lão Lưu cũng có thể nhận lương hưu được rồi. Lão mệt mỏi lê bước về nhà, ôm con chó Vượng Vượng đang vẫy đuôi bên cạnh, thở dài: "Chó ơi chó, tao đúng là nằm mơ cũng không nghĩ được, thì ra mày là bằng chứng xác nhận tao còn sống".

Truyện vui của Tô Thành Phúc (Trung Quốc)- Nguyễn Thị Thúy Hạnh (dịch)
.
.