Vụ cướp khó lý giải

Thứ Năm, 17/01/2019, 09:10
Có tên trộm tên là A Tam, ngẫu nhiên có được thông tin: Một nhà sưu tầm có khá nhiều đồ quý đắt tiền, trong đó hình như có một bức tranh của danh họa Đường Bá Hổ, đã có người trả hai triệu tệ rồi mà vẫn chưa bán.

Là một tên trộm có kiến thức, A Tam biết việc chuẩn bị chu đáo trước khi hành động là hết sức quan trọng. Qua một tuần lễ bí mật điều nghiên, hắn đã nắm vững tình hình: Nhà sưu tầm là thầy giáo Triệu, đã nghỉ hưu, sống một mình trong căn biệt thự số 36, tiểu khu Hoa Viên, có cổng và sân riêng biệt. Vì có nhiều đồ quý nên ngoài cổng có gắn camera an ninh, trên tường có hệ thống chuông báo động.

A Tam bắt tay vào chuẩn bị. Hắn tìm một trợ thủ có tên là "Bốn Mắt", sau đó bọn chúng bỏ ra một tháng trời để học kiến thức giám định, đánh giá thư họa cổ, đặc biệt khổ công học giám định tranh thư họa của Đường Bá Hổ. Hắn biết rằng, phải hiểu rõ từng việc mình làm nếu không muốn bị "hố". Hai tháng sau, hai tên bắt đầu động thủ.

Thầy giáo Triệu sống ẩn dật, ít khi ra ngoài, sau bữa ăn tối mới đi dạo quanh chừng nửa tiếng đồng hồ, đó là thời gian hành động duy nhất. Tối hôm đó, chờ thầy Triệu đi ra khỏi nhà, hai tên bịt mặt, né tránh chuông báo động, trèo tường vào trong. A Tam mày mò mở khóa ở cửa chống trộm. Không biết là tại chất lượng khóa quá tốt hay vì "tay nghề" của A Tam quá xoàng nên hắn loay hoay rất lâu, tay và lưng tê mỏi mà vẫn uổng công, vô ích. Từng giây, từng phút trôi nhanh qua, thầy Triệu đã trở về, A Tam không do dự, quyết định tiến hành phương án 2: Cướp.

Bọn chúng nín thở tìm nơi ẩn nấp, khi thầy Triệu mở cửa là nhảy ra, theo thầy vào nhà.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Thầy Triệu vừa mở miệng định tri hô thì kinh hoàng thấy có lưỡi dao kề ngay vào cổ, rồi một giọng dữ tợn vang lên: "Nếu kêu lên sẽ giết ngay!".

Thấy hai kẻ bịt mặt to con, dữ dằn, thầy Triệu khôn ngoan bỏ ngay ý định chống cự: "Các cậu chớ làm hại tôi, ở trong ngăn kéo phòng ngủ có để ít tiền, hãy lấy và đi đi! Tôi là thầy giáo nghèo, có đồng nào đều đã mua thư họa hết, không còn gì đâu".

A Tam xua tay, lên giọng nho nhã: "Thầy Triệu, chúng tôi không cần tiền, ông hãy chỉ cho chúng tôi lấy bức tranh nào giá trị nhất là được".

Thầy Triệu chỉ bốn bức tường trong phòng khách, nói: "Tất cả tranh đều treo cả ở trên tường, các cậu có thể lấy bức nào tùy thích".

A Tam vẩy tay một cái, lưỡi dao găm cắm phập lên mặt bàn, rung bần bật rồi gằn giọng: "Ông chỉ đi, bức tranh nào giá trị nhất?".

Thầy Triệu tái mặt, cuống quýt chỉ bức "Sĩ nữ cán sa đồ": "Đó là tranh gốc của Đường Bá Hổ, đắt tiền nhất". A Tam và Bốn Mắt tiến đến gần, tỉ mỉ săm soi bức tranh, đến lúc này thì những kiến thức về giám định thư họa thu được qua một tháng học tập đã có tý đất dụng võ. Phát hiện bức tranh có những kẽ hở khá lộ, A Tam cười nhạt: "Thầy Triệu, đừng có lừa tôi, đây là tranh giả mà ông bảo thật ở chỗ nào?".

Thầy Triệu thực sự kinh ngạc, hai tên trộm này quả là loại có kiến thức đây! Ông run rẩy: "Tôi xin thề, đây là tranh Đường Bá Hổ thật của tôi". A Tam "hừ" một tiếng: "Tôi nghe nói, có người đã trả hai triệu tệ để mua tranh Đường Bá Hổ, có phải là bức tranh giả này không?". Thầy Triệu gật đầu: "Hoàn toàn đúng, đích xác là bức tranh này".

"Rõ ràng là tranh giả, vì sao ông không bán nó đi?".

Thầy Triệu giải thích: "Nói thực với cậu, vì sợ người ta phát hiện ra là tranh giả nên tôi không dám bán. Mà cũng lạ, tôi càng từ chối không bán, họ lại càng cho rằng đó là đồ thật nên trả giá càng cao, tới ba triệu tệ… Đúng rồi, xin hỏi tại sao cậu lại quả quyết là tranh giả, đúng là cặp mắt thần vậy!".

A Tam vênh mặt, ra vẻ bác học: "Hừ, qua thế nào được mắt tôi! Ông nói đi, rốt cuộc bức tranh nào có giá đắt nhất?".

Thầy Triệu chỉ một bức tranh cuộn tròn, nhăn nhó khổ sở: "Bức này là tranh vẽ trúc của Trịnh Bản Kiều, là bức tranh mà tôi quý nhất đấy". A Tam xem đi xem lại, thấy khó mà phân biệt thật, giả. Cũng chẳng trách được, giám định thư họa đâu phải dễ mà học được; đừng nói học hai tháng mà đến cả hai năm thì cũng chỉ biết sơ sơ mà thôi! Xuất kỳ bất ý, A Tam chợt thoáng thấy trên gương mặt thầy Triệu có nét giả dối, hắn nghĩ: "Lão già này thật xảo quyệt, sẽ không chủ động đưa ra đồ thật đâu, ngay bức tranh này cũng đến quá nửa là giả". Hắn giận dữ, khua dao quẹt ngay một nhát nơi cổ thầy Triệu, giọng đe dọa: "Ông dám đưa đồ giả ra lừa lão đây hử?".

Lúc đó, cổ thầy Triệu bị cứa một vết dài, ứa máu. Ông kêu lên thảm thiết, vừa sợ hãi vừa kinh ngạc, không ngờ chúng lại có thể nhận ra mấy bức tranh là giả. Kẻ trộm không đáng sợ, mà đáng sợ là kẻ trộm có văn hóa. Xem ra, nếu hôm nay không chịu đưa ra món đồ có giá trị thì hai tên xấu xa này sẽ không chịu buông tha mình. Ông không dám giở thêm mánh khóe nữa, vội chỉ một bức tranh, giọng run run: "Bức tranh này là thật".

A Tam liếc nhìn, hỏi: "Giá bao nhiêu tiền?".

Thầy Triệu đáp: "Tôi đã bỏ ra hai nghìn tệ để sở hữu nó, bây giờ nó có giá ba vạn tệ rồi".

A Tam nhổ nước bọt: "Hừm! Nó rẻ quá!".

Thầy Triệu cười khổ sở: "Tôi là một thầy giáo nghèo, làm gì có tiền để sưu tầm đồ quý? Đây là bức tranh đắt giá nhất của tôi đấy!".

A Tam không tin, nghĩ rằng thầy Triệu quá "rắn", nếu không hạ độc thủ thì ông không chịu "nôn" ra. Hắn gọi Bốn Mắt: "Xem ra, trên tường chẳng có bức tranh nào đáng giá, mày hãy tìm kiếm kỹ xem, có còn cổ vật gì khác không". 

Bốn Mắt chạy ngay đến cái giá trưng bày vò, hũ, vại…, A Tam quát: "Đừng động vào đấy! Mày ngu lắm, đồ quý phải giấu kỹ chứ có bao giờ lão lại bày tơ hơ ra đấy không? Hãy đi tìm các ngóc ngách ấy!". Bốn Mắt được lệnh, đi lục tung khắp nơi. A Tam quyết định phải cạy răng thầy Triệu, hắn hùng hổ đến trước mặt ông, bỏ bộ mặt nho nhã, quát: "Lão già, rượu mời không muốn, muốn rượu phạt hử? Đừng giở mánh khóe ra với ta!". 

Nói xong, hắn lôi bàn tay phải của thầy đặt lên mặt bàn, tách năm ngón tay ra, kề lưỡi dao lên ngón út, lạnh lùng nói: "Thầy Triệu, bây giờ chúng ta làm một cuộc trao đổi, nếu ông đưa ra một món đồ quý thì sẽ được đánh đổi bằng một ngón tay, chỉ cần ông chịu bỏ ra năm món đồ có giá trị thì năm ngón tay của ông sẽ được bảo toàn. Ta bắt đầu nhé, tôi sẽ đếm ngược từ số năm, năm, bốn…".

Thầy Triệu kinh hoàng mở to đôi mắt, mấy giọt mồ hôi to bằng hạt đậu trượt trên gò má. Đúng lúc ấy, Bốn Mắt gọi to: "Tam ca, tìm thấy rồi!", hai tay hắn bê một chiếc bình bằng sứ rất tinh xảo: "Tam ca, thứ này tìm thấy ở gầm giường!".

A Tam nhảy lên vui sướng: "Cái ấy được giấu dưới gầm giường, chắc chắn là đồ quý". Vừa lúc, tiếng chuông báo động vang lên khắp trong, ngoài nhà. Nguyên là nhân bọn A Tam không để ý, thầy Triệu đã ấn nút chuông báo động dưới gầm bàn. A Tam giận dữ đánh vào mặt thầy Triệu một cái, quát: "Thôi ngay!", thầy Triệu buông tay nhưng tiếng chuông vẫn tiếp tục réo vang. Bốn Mắt cuống quýt: "Tam ca, mau chạy thôi!".

Hai tên bỏ chạy; ra đến cửa, tiếng chuông báo động im bặt. A Tam dừng bước, không cam chịu bỏ đi tay không. Hắn kéo thầy Triệu: "Mau lại đây, cuộc trao đổi của chúng ta chưa xong đâu! Tôi tiếp tục đếm, ba, hai…" rồi giơ lưỡi dao. Thầy Triệu mặt cắt không còn hột máu, vội kêu lên: "Thôi được rồi, tôi sẽ lấy cho cậu".

A Tam thở ra một hơi, thu dao về, quát: "Nhanh lên!".

Thầy Triệu run lẩy bẩy đứng dậy, đến trước tủ sách, mở ngăn kéo, lấy ra một lưỡi chủy thủ (*) sáng quắc.

A Tam thất kinh: "Mẹ kiếp! Lão còn muốn chống cự sao?". Hắn bổ nhào tới, chụp lấy lưỡi chủy thủ, tiện tay đâm thầy Triệu một nhát vào đùi. Thầy Triệu ngã xuống đất, thều thào: "Là tôi… tôi… chỉ muốn đưa nó… cho cậu…", nói chưa hết câu thời mê man bất tỉnh.

A Tam tức giận đá thầy Triệu một cái: "Chó cùng đường rứt dậu, lão muốn cho ta một nhát sao?".

Đột nhiên, có tiếng còi xe cảnh sát vang lên. Nguyên là, hàng xóm của thầy Triệu thấy động đã gọi điện báo cảnh sát.

A Tam và Bốn Mắt không dám chậm trễ, ôm chiếc bình sứ hốt hoảng chạy trốn. Chạy ra ngoài, A Tam thấy trong tay mình vẫn cầm lưỡi chủy thủ đã đâm thầy Triệu. "Đây là hung khí gây án, giữ lại làm gì?", hắn lau sạch dấu vân tay rồi vứt lưỡi chủy thủ sang bên đường.

Hai hôm sau, A Tam và Bốn Mắt đến Quảng Châu. Chúng chưa vội bán chiếc bình sứ mà trước tiên mời một chuyên gia giám định cổ vật đến để xác định giá trị của nó. Chẳng ngờ, vị chuyên gia chợ đen phán: "Đây chỉ là chiếc bình sứ phỏng cổ bình thường, bán đầy ngoài sạp, chỉ hai mươi tệ một chiếc".

A Tam đần mặt: "Không có giá trị gì? Sao lão Triệu lại giấu nó ở gầm giường như là một báu vật vậy?".

Tối hôm đó, hai tên vào mạng xem có tin tức gì về vụ án không. Trên mạng có một tin vụ án với tiêu đề "Không có văn hóa mới thật đáng sợ!", nội dung tóm tắt là "Một nhà sưu tầm cổ vật bị cướp, hai kẻ thủ ác lấy đi một chiếc bình đi tiểu bằng sứ (?!) và một lưỡi chủy thủ "liên thành cổ đại bảo đao", nhưng điều người ta không thể hiểu nổi là lưỡi chủy thủ cổ rất có giá trị ấy lại bị bọn chúng vứt lại bên đường…".

Bất giác, A Tam bê chiếc bình sứ, đưa lên ngửi: Một mùi khai nồng, rất khó chịu xốc thẳng vào mũi hắn...

 (*) Chủy thủ: Một loại bảo kiếm ngắn, nhỏ và rất sắc bén thời xưa, dễ cất giấu và tiện dụng.
Truyện của Thông Linh Bảo Ngữ (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.