Vụ án mạng ở tửu lâu

Thứ Năm, 30/04/2020, 08:50
Theo báo cáo của người khám nghiệm tử thi thì người chết do trúng chất độc thạch tín, vùng bụng bị thâm, móng chân móng tay bị biến sắc cho thấy sáng nay người chết chưa ăn gì, trong chén trà cũng đã phát hiện có chất độc thạch tín...

Mới sáng sớm đã có người đến báo tin ở quán rượu Túy Tiên lớn nhất Huyện thành có người say rượu gây ra án mạng. Quan huyện và một số nha dịch vội đến hiện trường. Khi đến nơi, Quan huyện thấy một người đàn ông nằm chết ở sân, còn người chủ quán là Hoàng Thế Văn đứng bên cạnh thi thể ấp a ấp úng nói: "Bẩm đại nhân, không có thể ... anh ta chỉ uống có một tách trà thôi mà!".

Người chết tên là Quách Nhị Lương ở gần đây là người rất ngang ngược. Sáng sớm hôm nay, quán rượu Túy Tiên vừa mới mở cửa thì Quách Nhị Lương đã bước vào đòi được uống nước.  

Hoàng Thế Văn thấy dáng vẻ anh ta rất căng thẳng nên rót một tách trà ở cái ấm trà mới pha, đưa cho anh ta uống, ai ngờ vừa uống xong chén trà, anh ta đã nôn thốc nôn tháo và sau đó thì không thể cứu được nữa.

Theo báo cáo của người khám nghiệm tử thi thì người chết do trúng chất độc thạch tín, vùng bụng bị thâm, móng chân móng tay bị biến sắc cho thấy sáng nay người chết chưa ăn gì, trong chén trà cũng đã phát hiện có chất độc thạch tín. 

Quan huyện lệnh cho các nha dịch kiểm tra kỹ quán rượu nhưng không phát hiện được bất cứ một chất độc nào. Quan huyện nghĩ rằng giữa nơi đông người mà xảy ra án mạng thì không phù hợp với lẽ thường nên ông cho Hoàng Thế Văn cứ ở nhà đợi lệnh của quan phủ.

Minh họa: Vũ Huy Thông.

Mấy ngày tiếp theo, Quan huyện và các nha dịch tạm thời không nói gì về vụ án mạng xảy ra ở quán rượu Túy Tiên, nhưng nghe nói rằng linh hồn của Quách Nhị Lương đêm nào cũng về nhà tìm vợ là Tiền Nguyệt Nga.

Một ngày, Quan huyện dẫn mấy nha dịch đến nhà Nguyệt Nga, vừa bước vào sân đã nghe thấy từ trong nhà vọng ra tiếng người phụ nữ như đang khấn vái: "Nhị Lương, anh bỏ qua cho tôi...".

Quan huyện sai nha dịch gọi cửa, không lâu sau Nguyệt Nga ra mở cửa, nhà cô ta chỉ có hai gian, gian bên ngoài là phòng khách, gian bên trong là phòng ngủ.

Quan huyện hỏi Nguyệt Nga: "Có đúng là linh hồn của Nhị Lương về không? Anh ta nói gì với cô?".

Nguyệt Nga nhìn Quan huyện trả lời: "Bẩm đại nhân, đúng là anh ấy về nhưng không... không nói gì cả. Anh ấy từ trong tường đến rồi đi vào trong tường".

Quan huyện bước lên nhìn vào bức tường không thấy có gì khác thường, trong nhà bày biện rất đơn giản, có hai cái tủ quần áo, một chiếc giường có treo rèm, ngoài ra bên cạnh giường có một chiếc đèn đồng chân cao.

Chiếc đèn có thiết kế rất độc đáo, chao đèn có thể xoay quanh bấc đèn nên tùy ý điều chỉnh độ sáng to nhỏ. Ở đế đèn Quan huyện phát hiện một miếng mạch nha có màu vàng vàng và ông nhẹ nhàng gỡ miếng mạch nha này gói lại cất vào trong túi áo. 

Quan huyện nói với Nguyệt Nga: "Hôm nay hồn ma sẽ không quay về nữa, cô cứ yên tâm đóng cửa mà ngủ, ngày mai ta sẽ cử một nha dịch đến đây canh gác".

Nhưng thật không ngờ, sáng ngày hôm sau, người ta phát hiện Nguyệt Nga đã chết ở trong nhà của mình. Trên cái bàn ở phòng khách có một chén rượu chứa chất độc, từ dấu vết hiện trường có thể kết luận là cô ta đã uống thuốc độc tự tử.

Quan huyện phái người đi điều tra và biết được trước đây mươi ngày, Nguyệt Nga có mua thạch tín ở nhà thuốc Hồi Sinh Đường. Dựa trên điều tra phân tích, có khả năng là Nguyệt Nga mua thạch tín bỏ vào ấm trà pha vào sáng sớm cho Quách Nhị Lương uống rồi bảo chồng lên phố mua đồ dùng, khi Quách Nhị Lương đến quán rượu Túy Tiên thì chất độc phát tác nên rất khát nước, mới đòi chủ quán cho nước uống và sau đó chết tại quán rượu, còn chất độc ở trong tách trà là từ trong mồm của Quách Nhị Lương nôn ra. 

Nguyệt Nga mưu hãm hại chồng rồi lo sợ mà phải tự sát, nhưng còn chuyện về hồn ma của Quách Nhị Lương là như thế nào? Quan huyện đứng ở cửa sổ, trước mặt là mặt bức tường sáng bóng và phía sau là ánh đèn chiếu vào làm cho hình của Quan huyện in trên tường và Quan huyện đã hiểu được vấn đề.

Buổi tối, Quan huyện đưa mấy nha dịch đến quán rượu Túy Tiên uống rượu và gọi một món ăn là "Bánh nạp phúc". Đây là loại bánh thập cẩm nhiều màu sắc, nhưng nổi nhất là màu vàng của mạch nha óng ánh trong suốt, nó nói lên sự sự khéo léo tinh xảo trong việc làm bánh.  

Quan huyện vừa ăn vừa khen món bánh rất ngon, chủ quán Hoàng Thế Văn vội đáp lễ: "Cám ơn đại nhân đã khen, món bánh này là do của tổ tiên truyền lại".

Các nha dịch cũng theo Quan huyện không ngớt lời khen ngợi rồi tới tấp chúc rượu mừng cho chủ quán. Hoàng Thế Văn không có cách nào từ chối và uống cho đến khi gần như say khướt mới rời bàn tiệc. Do uống hơi nhiều nên Hoàng Thế Văn quyết định ngủ tạm ở phòng ngủ của quán rượu. Anh ta loạng choạng bước vào phòng cởi áo ngoài và định rót trà uống, nhưng khi đột nhiên ngẩng đầu lên thì phát hiện hồn ma của Nguyệt Nga ở trên bức tường trước mặt, Nguyệt Nga đầu tóc rũ rượi, dập dềnh, dập dềnh...

Hoàng Thế Văn giật bắn người, toát mồ hôi và dần dần tỉnh rượu. Anh ta quay người nhìn phía sau lưng và không khỏi "A!" lên một tiếng: Chiếc đèn đồng của nhà Nguyệt Nga sao lại ở đây? Anh ta bước đến kéo cái chao đèn và quả nhiên bên trong có bức vẽ Nguyệt Nga bằng mạch nha.

Trong khi anh ta đang vô cùng ngạc nhiên thì một loạt đèn lồng bỗng được thắp sáng và Quan huyện cùng các nha dịch đột ngột xuất hiện. Quan huyện hỏi: "Người có sợ hồn ma của Nguyệt Nga không?".

Hoàng Thế Văn buột miệng trả lời: "Đây chẳng qua chỉ là bóng bức vẽ bằng kẹo mạch nha in trên tường mà thôi".

Quan huyện nói: "Hoàng chủ quán đúng là có kiến thức rộng! Nguyệt Nga bị cái hồn ma giả của Quách Nhị Lương hại chết có phải là do ngươi làm không?".

Hoàng Thế Văn lắp bắp nói: "Tiểu nhân... tiểu nhân biết lấy mạch nha vẽ hình ở cái chao đèn thì trên tường sẽ có hình người, còn cái chết của Nguyệt Nga không quan hệ đến tiểu nhân".

Quan huyện giơ tay vẫy và một người từ bên ngoài đi vào, Hoàng Thế Văn nhìn thấy thì đứng như trời trồng: Người đi vào chính là ông chủ nhà thuốc Hồi Sinh Đường, ông ta nói rằng Nguyệt Nga không đến nhà thuốc của ông để mua thạch tín mà chính Hoàng Thế Văn là người đến mua.

Trước những chứng cớ không thể chối cãi, Hoàng Thế Văn đã phải khai ra sự thật. Anh ta thừa nhận mình dan díu với Nguyệt Nga đã lâu, những lúc Quách Nhị Lương đi vắng, Hoàng Thế Văn lại đến nhà tình tự với Nguyệt Nga nhưng hành động gian dâm của hai người dần dần bị Quách Nhị Lương phát hiện. Quách Nhị Lương là tên hám tiền nên nhân cơ hội này đã tống tiền Hoàng Thế Văn nhưng sự tham lam ngày càng tăng, cuối cùng thì Hoàng Thế Văn chịu không nổi nữa.

Hoàng Thế Văn mua thạch tín rồi nói với Nguyệt Nga là chỉ cần giết được Quách Nhị Lương, hắn sẽ đón cô ta về làm vợ cả, Nguyệt Nga tin lời Hoàng Thế Văn nên đã ra tay giết chồng.

Hôm đó, sau khi Nhị Lương uống phải trà có độc đi ra ngoài không biết thần xui quỷ khiến thế nào lại đến quán rượu của Hoàng Thế Văn và chết ở đó. Hoàng Thế Văn lo sự việc bị lộ quyết định giết nốt cả Nguyệt Nga.

Hoàng Thế Văn đã dùng mạch nha vẽ hình Quách Nhị Lương lên cái chao đèn, khi thắp đèn lên, hình Nhị Lương sẽ in lên bức tường giống như hồn ma.

Buổi tối hôm đó khi không có nha dịch canh gác, Hoàng Thế Văn mang rượu đến  nhà Nguyệt Nga để vỗ về an ủi cô ta, khi cô ta uống ngà ngà say, Hoàng Thế Văn cho thạch tín vào ly rượu rồi cho Nguyệt Nga uống, sau đó anh ta trèo tường ra ngoài trở về nhưng mọi hành động của anh ta đều không qua được sự giám sát của các nha dịch.

Ngay đêm hôm đó, Hoàng Thế Văn bị giải lên huyện để chờ ngày xét xử.


Khảo Vi (Trung Quốc)- Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.