Virus ăn trí nhớ

Thứ Hai, 19/06/2017, 07:53
Cuộc cãi vã khá căng thẳng giữa tôi và vợ chỉ vì một chuyện là tôi không chịu đi bệnh viện. Tôi cảm thấy bình thường, không có dấu hiệu gì đau ốm, tại sao lại phải gặp bác sĩ. Vợ lại kiên quyết tôi đang mắc bệnh gì đó, có thể là bệnh nan y về tinh thần không biểu hiện trên cơ thể, có nhiều bệnh đâu nhất thiết phải đau nhức.

Tôi miễn cưỡng đi khám để chứng tỏ tôi đúng. Nhưng bác sĩ có lẽ đứng về phía vợ tôi. Kết quả khám bệnh buộc tôi phải nhập viện vì trong đầu có virus. Tôi vẫn không tin lắm, ông bác sĩ nào mà chẳng moi được ra bệnh trong con người ta, vậy nên tôi cố tình cãi tay đôi với ông ta.

Bác sĩ bảo con virus này sẽ ăn dần trí nhớ, những thứ càng ít được nhớ sẽ bị chúng ăn trước tiên. Tôi bảo thế thì cứ để con virus đó sống chung chứ diệt làm gì, những thứ không đáng nhớ càng không nên để trong đầu, thêm nặng. Bác sĩ vui tính, cười cười rồi ghé vào tai tôi bảo đến một lúc anh sẽ quên luôn vợ đấy. Tôi đáp: thế càng hay.

Vợ phát hiện ra bệnh này của tôi khi cô lật tập album ảnh cưới rồi gọi tôi xem cùng. Tôi thấy việc xem lại ảnh cưới là một điều rất vô duyên, vì đám cưới đối với đàn ông chỉ như một thủ tục. Vợ kéo tôi ngồi xuống sàn nhà, hỏi anh nhớ lúc mình dắt tay nhau bước lên sân khấu chứ, anh nhớ lúc đó ghé tai em nói câu gì chứ, anh nhớ sau tiệc mình ngồi kiểm quà bạn bè tặng chứ… 

Những câu hỏi kiểu trắc nghiệm có - không rất dễ trả lời, hoặc có, hoặc không. Và tôi lắc đầu bảo không. Phũ phàng cho cô vợ đang háo hức muốn ôn chuyện cũ. Tôi thì không hứng thú, mà thực ra tôi cũng quên thật, mười lăm năm không phải là dài nhưng tại sao tôi lại quên được những khoảnh khắc đó.

Vợ nói vô lý, chuyện hệ trọng một đời mà anh lại quên dễ vậy sao. Không lẽ anh quên chuyện nhà mà nhớ chuyện người dưng. Lời vợ phán đoán đúng, tôi quên chuyện này nhưng lại nhớ rất rõ chuyện lần gặp đầu tiên với cô bồ.

Minh họa: Tô Chiêm.

Tôi nhớ khung cảnh một đêm mưa, một ghế đá, một quán cà phê hẹn hò. Nhớ cô gái mặc áo màu gì, quán lúc đó mở bản nhạc nào. Tôi kể chi tiết tất tần tật mọi thứ để vợ kiểm tra trí nhớ tôi. Kết quả vợ bảo anh nói lung tung quá, chả đúng chi tiết nào cả. Vợ tôi không nghĩ rằng tôi đang kể lại ký ức những lần hẹn hò với cô bồ, chỉ khẳng định chắc chắn trí nhớ tôi đang có vấn đề.

Virus mà bác sĩ chẩn đoán không có tên gọi, hoặc có tên gì đó mà tôi quên mất (có thể vì chính con virus này đã ăn mất tên gọi của nó trong bộ nhớ tôi). Phác đồ điều trị cho bệnh nhân mất trí nhớ do vị bác sĩ đưa ra đơn giản, gồm uống thuốc an thần và giao người vợ gợi chuyện. Bác sĩ nói phải có sự phối hợp cả đôi bên, giữa y học và gia đình mới mong sớm lành bệnh.

Vợ tôi còn công việc của cô ấy nên không thể túc trực bên tôi suốt ngày. Cô chỉ tới bệnh viện vào những giờ ăn: sáng sớm, trưa, và chiều tối. Kết hợp việc cho ăn là gợi chuyện để tôi kể lại những sự việc đã xảy ra. Tôi không thèm ăn, chỉ làm mấy miếng chiếu lệ.

Giữa buổi, lúc vợ tôi đã rời khỏi bệnh viện thì cô bồ đến với tôi. Cứ như một sự luân phiên nhau. Tôi trở thành một người bình thường khi cô bồ đến. Tôi ăn ngon lành những thứ cô bồ mang theo. Tôi nói cười vui vẻ, khoa tay múa chân hoạt bát với cô bồ. Hai chúng tôi trò chuyện với nhau hợp ý và không bị ngắt quãng vì một sự cố quên lãng nào cả.

Bữa trưa, vợ tôi mang cơm đến và trước khi cho ăn, cô ấy kiểm tra xem tôi còn nhớ hồi sáng ăn gì không. Tôi kể suôn sẻ về món cháo thịt bò có bỏ nhiều rau mùi mà tôi thích, mấy trái cam không quá ngọt không quá chua tráng miệng. Vợ trố mắt nhìn rồi thở hắt ra vẻ đau đớn, chồng ơi là chồng, anh mất trí nhớ thật rồi. Sáng nay vợ có mang cháo mang cam gì đâu. Tôi cãi là tôi không quên, vẫn nhớ chắc chắn sáng nay tôi được ăn cháo và cam cơ mà. Những người bệnh cùng phòng bật cười. Lúc vợ về tôi mới nhớ ra cháo và cam là của cô bồ mang đến.

Bác sĩ yêu cầu không chỉ gợi chuyện mà vợ phải tập cho chồng nói lại những câu nhiều cảm xúc. Ví dụ những câu tỏ tình, những lời yêu thương đường mật. Vợ tôi ngại ngần đỏ mặt nhưng rồi cũng chấp nhận làm. Để chữa bệnh cho chồng, có mấy câu nói tiếc làm gì. Tôi cố mở miệng nói theo những câu của vợ. Tôi không thể nhìn thẳng vào mắt vợ vì lúc đó đầu tôi đang tưởng tượng ra một khung cảnh khác, một cao nguyên đầy cỏ xanh và nắng dịu nhẹ, cô gái mặc chiếc váy mỏng duyên dáng ngồi xích đu đang rủ rỉ cùng tôi. Rõ ràng cô gái trên thảo nguyên không phải là cô vợ đang ngồi ở chỗ giường bệnh lúc này.

Vợ tôi không biết tôi đang đối thoại với cô bồ trong tưởng tượng. Thậm chí, vợ còn tỏ ra mừng vì lâu rồi tôi lại nói những lời ngọt ngào có cánh. Sau đám cưới, tôi không còn nói những câu thổ lộ trìu mến kiểu đó nữa. Tôi khá cộc cằn với vợ. Có khi chỉ là chuyện trò bình thường tôi cũng cố lên gân để nói bốp chát. Chẳng hạn vợ bảo lâu rồi mình không đi cà phê anh nhỉ. 

Lúc đó tôi bảo đụng mặt nhau cả ngày, còn gì hứng thú mà đi ngồi ngoài đường ngoài quán. Hay vợ bảo hôm nay mua bánh kem kỷ niệm ngày cưới nhau. Tôi liền nói nhà giờ có ai thèm đồ ngọt đâu mà mua cho phí ra. Đại loại tôi luôn tìm cách tỏ ra bất đồng với vợ.

Vợ tôi không bỏ cuộc, cô vẫn kiên trì ngồi kể cho tôi nghe những câu chuyện éo le và đầy lãng mạn thời yêu nhau. Đó là những chuyến đi dã ngoại bên bờ biển hay ra tận ngoài đảo xa. Rồi những món ăn chúng tôi thường mua cho nhau mỗi lần gặp gỡ. Cả những lúc giận dỗi không thèm bắt máy điện thoại hoặc không thèm trả lời tin nhắn. 

Vợ tôi có khiếu kể chuyện, người khác nghe những câu chuyện vợ tôi kể hẳn là thích thú như đang xem một bộ phim tình cảm ướt át. Nhưng tôi thì không (chắc vì tôi đang là bệnh nhân), trong lúc vợ dẫn tôi đi qua miền quá khứ đầy hương vị tình yêu đó thì tôi bị lạc qua miền quá khứ khác, nơi có hình ảnh cô bồ của tôi. Mà hình như tất cả các tình yêu đều có chung một kiểu, nó na ná nhau, lãng mạn và trắc trở, cả tình yêu chính thống và tình yêu ngoại tình, nên dễ bị lẫn lộn. Chỉ khác chăng là trong người đàn ông không thể tồn tại hai không gian của tình yêu, có mới nới cũ, cái này sẽ phủ định cái kia.

*

Tôi bắt đầu nghi ngờ tại sao cô vợ và cô bồ của mình vào bệnh viện mà không đụng phải nhau. Cứ như có sự sắp xếp ngầm. Chí ít, có khi người này tới sớm một chút, người kia về muộn một chút thì gặp nhau thôi. Hay là họ đã gặp nhau ở đâu đó, ngoài cổng chẳng hạn, như một cuộc giao ca đổi phiên. Vợ tôi lâu lâu lại cười rất đáo để, cứ như biết tỏng bí mật giữa tôi và cô bồ, chỉ không muốn nói ra thôi, quý báu gì.

Sự nghi ngờ của tôi, hay nói đúng ra là sự lo lắng của tôi càng tăng lên khi cô bồ ít đến với tôi hơn. Bây giờ mỗi ngày không phải đến ba lượt nữa mà chỉ thi thoảng hai lượt, một lượt, có ngày không tới luôn. Mỗi lần cô bồ đến cũng nhanh hơn và chúng tôi không còn nắm tay nhau, chỉ nhìn nhau cười cười, nói đôi ba câu nhạt nhẽo. Không lẽ cô bồ bị nhiễm con virus từ tôi sang. Con virus đã ăn trí nhớ của cô bồ và cô không còn nhớ sâu sắc đang có một gã đực bồ ở bệnh viện.

Lần cuối cùng cô bồ đến là chiều cuối tháng. Cô nói em hết tiền rồi, không còn mua đồ ăn cho anh được nữa, anh nên làm quen với những bữa ăn chị nhà mang đến vì đó mới là những thứ nuôi anh cả đời. Cô cũng khuyên rằng anh nên tập nhìn sâu vào mắt chị nhà, đôi mắt đó đẹp và nó có khả năng làm tê liệt con virus trong đầu anh. Thôi, em đi đây.

*

Bệnh của tôi trầm trọng hơn khi vợ tôi đến và tôi không còn nhận ra cô ấy nữa. Tôi không tỏ vẻ mừng, cũng không hỏi han gì. Thậm chí khi vợ gọi chồng ơi thì tôi cũng trố mắt lên nhìn, tôi tưởng cô này không phải là vợ của tôi, không phải người thân của tôi.

Bác sĩ cười đắc ý hỏi tôi rằng anh thấy chưa, tôi đã bảo là con virus sẽ ăn rất nhanh trí nhớ, đến lúc anh sẽ quên luôn người vợ của mình. Tôi hỏi lại bác sĩ là tôi có một người vợ thật sao, thế còn cái người thường vào cùng tôi giữa buổi là gì.

*

Cuối cùng, bác sĩ phải gắp khỏi đầu tôi con virus. Sau đó ông thông báo chiều nay tôi sẽ được xuất viện.

Đó là buổi sáng đẹp trời, nắng nhẹ phả qua những ô kính bệnh viện tạo thành những vệt sáng ô bàn cờ ở hành lang. Không biết có ai như tôi, cảm nhận được một ngày đẹp trời ở bệnh viện. Đau mà vẫn thấy lạc quan yêu đời là sao. Tôi và vợ nắm tay nhau bước đi dưới những tàng cây như đang dạo trong công viên. Tôi mân mê tay vợ, bàn tay nàng gầy guộc của thời sinh viên chúng tôi gặp nhau. Đôi bàn tay này đã đi qua thời thanh xuân và bắt đầu bước vào lão hóa. 

Vợ nói đó là quy luật, không có gì phải đau buồn. Như virus trong đầu tôi xuất hiện cũng là một quy luật nào đó, khi con người không miễn dịch được và phải để virus ăn bớt những thứ nhạt nhẽo. Hóa ra đã lâu tôi không nắm bàn tay vợ nên không biết. Có nhiều khi người ta nắm một bàn tay mà tưởng tượng và thèm muốn những bàn tay khác mềm mại hơn.

Vợ lại kiểm tra trí nhớ tôi bằng cách kể lại những câu chuyện xa xưa. Tôi dù cố gắng lắm vẫn không thể nhớ nổi. Nhưng tôi vui, vì chí ít chút trí nhớ bội bạc sau cùng còn cho tôi biết người đi bên cạnh là vợ tôi, không còn người đàn bà nào diễn một vai tương tự trong đầu.

Vợ cho biết lúc ông bác sĩ gắp virus khỏi đầu tôi, con virus vẫn còn sống thoi thóp. Bác sĩ bảo rằng ông đã bắt rất nhiều con virus kiểu này từ những gã đàn ông, nhưng đa phần, bệnh nhân của ông không thích lấy nó ra. 
Truyện ngắn của Hoàng Công Danh
.
.