Vết hoa

Thứ Hai, 06/03/2017, 08:02
Mười lăm tuổi, tôi biết mình yêu nàng. Cô gái nhỏ mặt phơi ngoài ô cửa kiệu hứng những cánh hoa rơi. 

Hải Phố lúc đó hình như còn chưa dứt tiết Xuân. Gió Đông Bắc còn sải căng buồm tàu buôn tiến vào rải trắng một bờ. Những cánh hoa rơi trên nụ cười nghịch ngợm nhoẻn bên khóe miệng nàng cũng trắng. Gió Đông Bắc trở chứng hất những cánh hoa quay ngược. Đang đà rơi, chuỗi cánh trắng lộn nhào, níu nhau. Tíu tít. Rớt. Xoay.

Trắng trượt qua đôi gò má trái đào. Trắng đậu vờn lên chóp mũi nhỏ thanh cao. Trắng rục rịch nhướng lên cùng hàng mi rợp dày vờ vĩnh ngủ. Xuyên thủng xoa xóa trắng, găm thẳng vào tim tôi một ánh nhìn ngơ ngác trong veo.

Tôi đã từng gặp ánh nhìn này ở đâu? Khi giữa sương mù dày đặc trong trí nhớ chỉ lóe lên một vòm trời đầy những cánh hoa trắng rải xoay, một tấm lưng kimono lầm lụi bước. Màn mưa hoa trắng đang vì gió Đông Bắc rải trên mảnh đất này cũng đâu phải chuỗi hoa đã từng phủ trong kí ức tôi. Nhưng sao ánh mắt, sao nụ cười trong ô cửa kiệu cứ hút lấy, cứ lôi chân tôi phăm phăm về phía trước?

Mặc thét nạt, mặc xô đẩy, mặc giáo nhọn kề ngang cổ họng.

Ngươi tên gì?

Gương mặt thôi đón cơn mưa hoa của nàng nghiêng xuống tôi từ ô cửa kiệu. Không thảng thốt. Không kinh sợ. Chỉ tò mò, thích thú.

Ta...ta...shi...da!

Lưỡi tôi lập cập bập vào răng, mất tích.

Tashida!

Chỉ tiếng nàng lặp lại tên tôi lanh lảnh, ngân vang hệt một hồi chuông.

 Cha. Con muốn có kẻ này làm lính hầu!

Vị quan ngựa lẫn áo đóng dày bụi đường, nhíu rịt cả hai đuôi mày trên thân mình tôi gầy còm nhem nhuốc, trên cả bộ áo thuyền nhân Nhật Bản cũ nát tôi đang mặc. Nhưng ông gật đầu.

Ít ngày trước cái gật, lúc đoàn rước tân Thế Tử Phi còn trên đường từ dinh Cát tới Thanh Chiêm, cha nàng, Tống Thị, đã được thăng chức Cai Cơ.

*

Ta sẽ là Thế Tử Phi!

Vị chủ nhân nhỏ chân tung nước hồ sen lên mặt tôi khanh khách cười.

Nước tanh òm chụp mắt tôi, sặc sụa bùn trên đầu lưỡi. Nhưng đôi chân nàng vẫy giữa lòng nước vẫn trắng ngần. Bên mép hồ, bàn tay tôi xỏ lại đôi hài sũng nước cho nàng run rẩy.

Cha ta nói ta sẽ là Thế Tử Phi. Một Quảng Nam nhỏ bé này có là gì. Khi chồng ta được chính thức sắc phong Thế Tử rồi nối ngôi Chúa, đất của ta sẽ là cả xứ Nam Hà, rồi sẽ cả Đông Đô.

Là chân nàng quẫy mạnh hay bàn tay tôi vụt giật bắn mà một chiếc giày trật ra, trượt lại vào mặt nước. Hớt hải, sấp ngửa, tôi lội theo bắt nó. Bập bềnh vẫn triền miên say với mặt nước hồ. Lúc chúc xuống, lúc xoay ngang, lúc tưởng như chìm nghỉm giữa vòng quây những lá, những đài sen héo tàn, rữa nát. Nhưng vẫn cố băng băng, cố lướt.

Hụt hơi đuổi theo chiếc giày, tôi không cần biết rốt cuộc đích đến nó là gì.

Mang nó về cho ta, Tashida! Mang nó về!

Đích đến của cuộc đời tôi chỉ một tràng cười khanh khách đó, chỉ giọng truyền vang vang đó. Giá tôi có thể mang về cho nàng một giang sơn.

Khánh Mỹ Hầu Nguyễn Phúc Kỳ, tôi buộc phải tôn kính ông ta, kẻ không chỉ đặt dưới chân nàng một chiếc hài. Ông ta chính là phu quân của nàng.

Chỉ nơm nớp sợ tiếng chân ông. Mỗi bước chân vòng xuống từ gian nhà trước là một hồi trống trận. Chân khua lạo xạo trên mặt đá lót sân sau, trống thúc tôi liên hồi muốn tắt thở. Chân ngừng dưới hàng cau đỏ trước cánh cửa phòng nàng, tôi thấy tôi đứt hơi, lìa đời.

Mười lăm tuổi, phu nhân họ Tống vẫn chỉ là một cô bé. Nàng thích làm gió thình lình chạy ùa ra từ một góc nhà, thích bất ngờ đứng lặng hàng giờ nghiêng tai nghe câu chuyện kể nào đó của những bông cau. Thích lúp xúp trong khăn áo kẻ hầu qua lính canh cổng Tổng trấn phủ, cười rung người trước mũi thuyền con tôi thả xuôi từ bến Câu Lâu.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Một lần thuyền dạo gần về Hải Phố chúng tôi gặp một đám đông. Túm tụm một dọc bờ, chồm hẳn ra mép nước những ánh mắt kinh hoàng, những ngón tay thảng thốt chỉ trỏ.

Nhìn theo hướng họ, suýt nữa tôi rụng tay đánh rớt mái chèo. Như một chiếc lá, lờ lửng, dập dờn trôi dọc theo mạn thuyền tôi: Một thây người.

Cái thây ăn mày đàn bà thịt đã trương, gương mặt phồng cứng, những nếp da căng tét ra rỉ nước. Một hốc mắt trên gương mặt đã trống hoác, lổm nhổm ruồi bọ. Mắt bên kia, tròng mắt giấu dưới nhờn nhợt một mớ tóc đen vẫn lóe một ánh nhìn trắng dã, trợn trừng. Món tóc đen xổ ngược lại con nước những ngoằn ngoèo dài thượt như một đám rắn, như những cánh tay

Tôi tưởng sẽ nghe một tiếng thét cắt đôi mặt nước. Nhưng không. Cô gái nhỏ trên thuyền tôi câm lặng. Chỉ ánh mắt bàng hoàng đắm vào làn nước, vào cái nhìn trừng trừng của kẻ chết trôi. Ánh mắt, gương mặt vẫn đắm vào dòng nước của nàng. Trước mắt tôi, sao chúng cũng hệt cái thây người. Trắng bợt.

Đêm.

Râm ran của đám hầu gái về cái thây, thiếp yêu của ông Văn Quận Công nào đó vừa chết trong ngục dinh Cát vì tội mưu phản, tạm lắng vào giấc ngủ. Tôi nghe vẳng dưới một gốc cau đỏ tiếng khóc.

Dưới lờ mờ trăng hạ tuần, đôi vai mỏng nàng xát vào mắt tôi bần bật, nức nở từng hồi. Len lén đến sau nàng, lần đầu tiên một khao khát bùng lên dữ dội trong tôi. Khao khát được ghì lấy, được siết chặt giữa vòng tay đôi vai mỏng.

Nàng ấy... Nàng ấy từng là một người đẹp. Rất đẹp. Ngươi biết không?

Nước mắt nàng rớt. Mỗi giọt là một vệt lăn nhoi nhói trên cánh tay tôi.

Vẫn chỉ là đôi cánh tay cun cút đỡ lấy vị chủ nhân trên đất. Tay của kẻ hầu.

Cánh tay rồi cũng đến lúc tự chèn ngang miệng ngăn tiếng khóc, ngăn răng mình nghiến mình bật máu. Thậm thụt níu nhau ngoài cửa phòng nàng đám hầu gái lại bụm miệng cười. “Phu nhân la to quá!” - Ngang qua cái hốc tôi đứng, những tiếng cười vẫn rúc ra rúc rích.

Tôi lắc đầu. Lắc đến xây xẩm, đến gãy cổ, rúc rích vẫn bám dính lấy tai. Bám cùng tiếng Khánh Mỹ Hầu lè nhè đạp cửa, tiếng xé toạc xiêm áo, tiếng kêu van nhỏ dần, nhỏ dần đâu đó sau cánh cửa lại dập kín, chỉ để rớt ra những giọt nhòe nhoẹt sáng.

Tinh mơ tỉnh dậy với gương mặt nàng phơi giữa he hé cửa, tôi biết mình phải ra đi. Vị phu nhân trần truồng, sõng sượt trên nền nhà giữa những mảnh yếm áo nát bươm, giữa lăng xăng dìu đỡ của đám hầu gái vẫn là nàng đó. Cô gái nhỏ tôi đã thấy bên ô cửa kiệu, nàng đang phơi mặt.

Không có cánh hoa trắng nào rơi. Không có gió. Nắng sớm mai chưa kịp tới. Chắc vì vậy nên ánh nhìn nàng lạnh lắm. Lạnh đến run người.

Chạy trốn ánh nhìn, tôi quên bẵng, bỏ lại trong hốc vườn sau Tổng trấn phủ vật đã cùng tôi suốt đêm dưới lần vải áo.

Con dao tôi định giết Khánh Mỹ Hầu.

*

Khánh Mỹ Hầu chết không phải do tôi. Người ta nói Ngài mắc phải bạo bệnh.

Đám tang Ngài, Quảng Nam trấn đặc trắng những cánh buồm. Trải khắp mặt Thu Bồn, nghẹt Cửa Đại Chiêm, nào ghe bầu, nào thuyền buôn, thuyền quan lính, thuyền hoàng gia chen nhau nghẹn dòng, tắc nước. Nước ngược lên từ đất mới Trấn Biên, nước xuôi xuống từ đất Chúa Thuận Hóa càng làm những dòng chảy thêm vón cục.

Theo đám người Nhật Bản dinh đổ ra bến sông, chân tôi kẹt giữa một con nước, rút mãi không lên. Trên con thuyền lớn chở áo quan diễu qua bờ Hải Phố, giữa trắng xác áo xô khăn tang, giữa rền rĩ than khóc, tôi không thấy nàng, vợ góa của người vừa được sắc phong Thế Tử.

Tôi đã xin ông chủ thương quán được một chỗ trên Chu Ấn thuyền. Trầm hương, ngà voi, tơ lụa,.. tôi đã xếp sanh gọn ghẽ đâu ra đó, chỉ đợi mặt trời chớm lên để theo chúng rời Hải Phố. Cố quốc rồi sẽ lại theo những con sóng lừng lững hiện ra ôm lấy tôi. Tôi phải tìm lại những cánh hoa bay, tìm một lưng áo kimono lầm lụi bước. Tìm những kí ức của đứa trẻ tám tuổi đã bị sóng gió, bị những chuyến say thuyền đầu tiên dìm xuống sương mờ.

Cố quốc càng cận ngày về càng tha thiết gọi tôi trong mơ. Tiếng gọi êm ái như một câu hát, một điệu ru tỏa ra từ một vầng mặt trời đỏ rực. Tiếng gọi nhắc: Tôi lạc ở mảnh đất này đã lâu rồi.

Ông không nhớ ta sao, Tashida?

Một giọng nói dội giữa mơ màng tỉnh thức, giữa bộn bề hàng hóa trong thương quán bật tôi dậy. Lập tức, tôi thấy mình rơi vào một cơn mộng khác. Điên cuồng.

Là nàng. Nụ cười trẻ thơ nhoẻn bên khóe miệng, những bước chân tíu tít reo giữa lệt phệt áo tang.

Bảy năm mà ông vẫn thế Tashida. Không hề già!

Nàng che miệng khúc khích. Năm ngón tay là năm làn khói mong manh, trắng nuột.

Bảy năm? Đến ngần ấy sao? Tôi vẫn tưởng mình rời Tổng trấn phủ mới hôm qua. Vì dáng vóc, vì gương mặt nàng trước tôi đó, đâu có dấu vết nào xa lạ. Bảy năm chỉ làm thắm thêm làn môi nàng, làm ngọt thêm tiếng nói nàng.

Thế Tử mất rồi, Tashida. Bảy năm! Ông nghĩ bảy năm ròng của ta có đáng không? Phải dâm đãng mà vẫn nghiêm trang thục đức. Phải nén bao lần để không vứt toẹt hết bao lễ nghi mẫu mực. Phải mỗi canh, mỗi khắc tính toan xem nên cởi, nên khoác lên mặt lớp da nào. Bảy năm! Tashida à. Chỉ đổi lấy một cái danh Thế Tử Phi chưa vui đã tan mất. Ông thấy đáng không?

Ánh mắt nàng xoáy trên đỉnh ngọn lửa đèn. Đông cứng khói. Bảy năm. Tôi rùng mình nhận ra ánh mắt đã thành một khối băng, lạnh buốt.

Tôi đã sai mất rồi. Khi chạy trốn, khi bỏ nàng lại với hơi lạnh chớm nhen mắt buổi sớm nàng phơi mặt giữa đôi cánh cửa.

Cha ta, cả nhà ta đều đã vượt biển ra Bắc. Bên ta giờ chẳng còn ai cả. Ông... ông cũng sẽ bỏ ta mà đi chứ, Tashida?

Rảo bước lại trước tôi, nàng tiến tới. Chưa bao giờ tôi thấy nàng gần đến vậy. Ánh mắt sóng sánh. Làn môi đầy. Mái tóc mây. Nhưng xộc vào mũi, vào mắt tôi cùng với nàng cũng là một thứ mùi không lẫn vào đâu được. Mùi khói nhang từ mảnh áo tang.

Quỳ mọp dưới chân nàng, tôi rưng rức khóc.

Mặt trời đã mọc đầu thương quán. Còn mặt trời đã gọi mình trong giấc mơ, tôi chôn sau cánh cửa xếp, dưới mấy lần đất sâu. Chẳng còn tiếng gọi nào thoát lên được. Nên bước theo gót nàng, xung quanh, trước mặt tôi chỉ những cánh hoa trắng xoay, rơi.

Ngày đoàn thuyền chúng tôi ngược về Phước Yên phủ chịu tang Chúa Sãi, những chiếc thuyền buôn Nhật Bản cuối cùng cũng rời Hải Phố. Mạc Phủ Tokugawa đã ban lại lệnh bế quan tỏa cảng.

Vĩnh viễn, tôi biết mình đã không còn cơ hội để trở về.

*

“Thì hãy ở lại đây

Má hồng, yếm thắm, cùng thiếp say

Đời người ngắn lắm, chàng ơi!

Chỉ đêm này...”

Phước Yên rồi Kim Long, mỗi lần rước kiệu nàng từ phủ Tân Chúa ra, tôi lại nghe vẳng từ ô cửa dập dình tiếng hát.

Nàng, tự lúc nào đã học lấy những âm sắc lơi lả kéo dài, đã đong đưa đến từng giọng luyến, từng lời ca?

Ta chẳng có gì ngoài bóng sắc, ngoài xác thân này, Tashida! Ta phải sống. Thế Tử chết rồi. Nhưng mẹ con ta thì phải sống. Sống bình lặng. Sống tầm thường ư? Được sao? Giữa lũ họ. Bọn đàn ông say nhục dục mê quyền lực, đám đàn bà thóc mách ghen tuông. Không thể, Tashida à. Còn các con ta nữa... Chúng là dòng trưởng. Là con Thế Tử. Những cặp mắt nghi ngại, dò xét suốt đời họ sẽ găm lên chúng. Suốt đời họ sẽ nhay chúng giữa những hàm răng, đầu lưỡi nhọn. Cả nhà ngoại chúng đang ở đất Chúa Trịnh kia mà. Quyền lực, ngôi Chúa. Ta có thể quên. Nhưng họ có quên không? Cái thòng lọng phản nghịch họ có thể thít lấy cổ mẹ con ta không biết lúc nào. Bảy năm của ta... Bảy năm! Chỉ để trở thành một mụ góa hay ngồi đợi một cái thòng lọng? Ông muốn không, Tashida? Nếu là ta, ông muốn thế không?

Ngâm mình trong cái chậu vàng, không đêm nào trở về từ phủ Chúa nàng không nghiến những câu hỏi ấy lên tôi, chờ đợi. Tôi sợ phải trả lời hơn sợ ánh mắt lạnh, sợ thân hình bỗng vùng đứng dậy từ cái chậu tắm khô rốc nước. Cái chậu đúc bằng vàng khối được Chúa ban, rộng sâu chỉ bằng sải tay mà tôi đổ bao nhiêu nước vẫn không làm đầy lên được. Nước không che được cho bầu ngực nàng những vết răng. Dày đặc xác hoa trắng rơi giữa lòng chậu cạn quạch chỉ làm hằn rõ trên ngấn cổ trắng, trên eo lưng nõn nàng chi chít dấu nghiến véo, vệt bầm.

Đừng thương hại ta, Tashida! Đàn ông các ông... Nhà Chúa cũng như thường dân. Một phường bạo dâm!

Ông biết không, Tashida! Khắp Kim Long phủ này họ gọi lén sau lưng: Ả dâm phụ! Ta dan díu với ai chứ? Em chồng ta, Nhà Chúa cơ mà. Mình ta có tội. Đàn bà muôn đời là loài gánh tội, Tashida ạ. Còn các ông, trăm ngàn lỗi vẫn là những vị thần!

Gạt luôn dải yếm tôi ráng khoác cho, trần trụi bên cái chậu vàng, nàng gục mặt. Ánh nhìn không còn xoáy thẳng lên tôi, không buốt cóng nữa. Nhưng phản chiếu giữa loang loáng sáng vàng của cái chậu, tôi thấy một cặp mắt ngầu đục, nghẹn uất.

Tôi biết cặp mắt đó. Cặp mắt của chính tôi lúc cùng con dao thu mình trong cái hốc vườn sau Tổng trấn phủ.

Mắt của kẻ dám giết người.

*

Chúa Thượng băng trên đường đốc chiến. Từ làng Trung Chỉ, Chúa được đưa gấp về Kim Long. Nhưng cũng chỉ kịp thả được hơi thở cuối giữa hơi sương, hơi nước Tam Giang.

Từ đoàn thuyền rũ buồm thê thiết nơi Tam Giang phá trở về, như một cơn lốc, nàng lao vào căn phòng đặt cái chậu vàng. Tay lăm lăm hòn đá tròn vẫn kê giẫm chân trước cửa. Sau nàng, chốn Kim Long này, tôi chỉ quen duy nhất hòn đá ấy. Vật nàng bắt tôi mang theo ngày dọn khỏi Quảng Nam Tổng trấn phủ, nhường chỗ cho gia quyến vị Tổng trấn mới bổ nhiệm. Vật vô tri vẫn lăn lóc dưới gốc cau đỏ, ngày đêm trơ mắt ngó nàng.

Trên đoàn thuyền rời cửa Đại Chiêm ngược về đất Chúa, hòn đá chênh chao cùng tôi theo những đợt sóng nhồi, thân thiết như một người bạn. Người bạn níu trĩu cái tay nải vàng bạc tôi buộc phải khư khư bên mình. Níu luôn cả lòng tôi. Nặng trịch.

Khi phủ mới theo phủ Chúa chuyển từ Phước Yên về Kim Long, tôi đã lén bỏ lại hòn đá. Ai mà ngờ, một ngày, cùng với cái chậu vàng được hai thị vệ lễ mễ, kính cẩn khiêng đặt giữa sân phủ, tôi lại thấy nó. Hòn đá đã sờn vài góc nhẵn tròn, giơ những lởm xù, nhu nhú nhọn.

Lót trước bậc cửa căn phòng đặt cái chậu tắm Chúa ban, hòn đá ngày mấy lượt giương mắt ngó tôi. Mắt cứa như dao. Tôi không dám giẫm chân lên sắc nhọn. Chỉ nàng, gót hài mỏng luôn cố tình chài riết, nghiến xát. Đá có ê ẩm như tôi?

Cùng cánh tay nàng giáng xuống cái chậu vàng, tôi thấy một hòn đá với những cạnh lóe lên, sắc lẻm. Gờ đá sắc đập ong xuống thành chậu, văng ra. Cả vàng son lẫn đất đá đồng rên lên trong tiếng kêu đau.

Không thể đập vỡ cái chậu. Nàng rũ người ngồi mãi bên những ánh vàng móp méo.

Giữa đêm. Tôi vào châm đèn. Nhận ra nàng lại ở trong lòng cái chậu thành còn in dấu đá đập. Áo xiêm ba bốn lượt, chân kín hài, đầu che khăn, nàng co ro giữa hơi vàng lạnh lẽo. Không có nước. Không có những cánh hoa trắng. Lập cập. Lẩy bẩy. Nàng đang run. Cơn run tôi biết dù tôi có riết lấy, có ủ ấp cho nàng, nó vẫn đấy. Đã không thể nào ngừng được.

Chúng đổ ta độc chết Chúa Thượng, Tashida ạ. Những kẻ đó. Nhân danh đạo đức và lừa bịp. Chỉ là chưa tìm được lẽ để bôi trét, điểm hồng cho chuyện tại sao ta, chị dâu Chúa, lại có mặt trên thuyền. Chúng sẽ tìm ra lý do ấy sớm thôi, Tashida! Đến hoang đường như một tràng hoa từ đây ra Đông Đô vẫn tươi, vẫn kéo được binh Chúa Trịnh vào Bắc Bố Chính Quý Mùi năm đó, chúng vẫn gán được cho ta mà. Chúng đang chờ để giết ta. Chúng ham thích cái chết của mẹ con ta lắm rồi. Lũ ấy! Nhân danh lễ giáo và bộ mặt đẹp đẽ của hoàng gia. Ta khinh! Ta... ta sẽ không bao giờ chết một mình.

Bật dậy từ cái chậu vàng, tôi lại gặp vị phu nhân mắt lạnh. Chuốt cong chân mày, tô mọng đỏ làn môi, khoác cả lên thân người lẫn lên mặt tấm áo mong manh, yếu đuối. Phất tay, nàng lệnh tôi khởi kiệu. Chông chênh kiệu bẻ ngoặt ở con đường quen dẫn vào phủ Chúa. Tôi đã được truyền nơi cần đến: Phủ Tín Hầu Nguyễn Phúc Trung.

Tín Hầu là một trong những kẻ muốn giết nàng. Những bản tấu kín, những lời bẩm đòi trót thịt, lóc da nàng, Chúa Thượng chẳng ngại gì không kể những lúc vờ say rượu.

Một kẻ đa tình khôn lỏi, Chúa ấy, Tashida! Ông ta muốn ta yêu, muốn ta khiếp sợ, lẫn hàm ơn ông. Ông ta muốn nhắc ta rằng, không có ông những kẻ như Trung sẽ quây lấy ta, xẻ thịt. Ta đồ rằng, Tashida à, Chúa cũng như ta, đã nhận ra giữa những tia mắt giận dữ, đằng đằng chém giết của Trung thứ cố tâm giấu biến đi. Bọn họ là anh em một mẹ kia mà. Bọn họ hiểu tận ruột gan nhau. Thù ghét nhau đấy. Nhưng giống hệt nhau.

Tôi chưa có dịp may được diện kiến Chúa. Kiệu đưa nàng toàn phải ngừng trước cánh cổng sơn son, để con rồng vàng trên nền cửa đỏ nuốt chửng mỗi mình nàng. Con người tôn quý ấy chỉ hiện diện duy nhất trong trí nhớ tôi lần con rồng vàng rùng mình khi chưa tới giữa đêm, cho phép tôi vào cõng ra vị chủ nhân lèm bèm say khướt. Tôi không được phép ngẩng mặt. Nên dù ngay cạnh tôi, Chúa cũng chỉ là tiếng bước chân dùng dằng nửa tiến nửa lùi ngay bậc cửa.

So với Chúa, Tín Hầu giống với Khánh Mỹ Hầu hơn ở tiếng bước chân. Chỉ từ sân vào sập gụ nhà trong, tôi đã thuộc tiếng chân ông ta. Ba bước chắc nụi dính liền nhau. Một bước bồi mạnh bạo, dứt dạt. Khánh Mỹ Hầu ngày đó muốn có tiếng bước chân này trước cửa phòng nàng đã phải nhờ đến rượu.

Tín Hầu không say. Gương mặt khắc bạc của ông ta còn không thèm nhìn nàng. Bộ áo luyện võ nhẹp mồ hôi ngoài sân cũng không thèm thay để tiếp khách.

Ngươi... là người Nhật Bản?

Chỉ quay sang tôi, ánh nhìn âm trầm giấu dưới cặp mày đậm của ông ta lóe sáng. Từ ngày rời Hải Phố, Tín Hầu là người đầu tiên nhìn thấy tôi, kẻ luôn ở sau lưng nàng.

Tôi có ấn tượng tốt với Tín Hầu. Dù cuối cùng, khi tia mắt ơ hờ lẫn phẫn nộ của ông ta chịu hướng về nàng, tôi đã thấy nó. Thứ như nàng, như vị Chúa anh đã thấy. Thứ ông ta cố phủ nhận, cố giấu giếm. Thứ giống nhau đến kì quái ba anh em nhà Chúa dành cho nàng: Cơn mê đắm!

Cơn mê, tôi rõ lắm, có ráng gột tẩy, ráng lóc bỏ bằng đủ mọi khoảng cách, mọi xua đuổi hay nghiệt ngã vẫn như một con sên trơn tuột rúc ngày càng sâu hơn, quấn lấy, bóp chết chống cự, ngắc nghẻo lý trí.

Tín Hầu lúc ngả theo mát mềm thịt da nàng trên sập gụ, lý trí thoi thóp ông ta có giãy thét lên? Tiếng thét cuối cùng của một cuộc tranh đấu. Tiếng thét của kẻ gục ngã. Ngả vào một dòng chảy chết.

Tôi tiếc thay ông ta. Nhưng nếu là Tín Hầu, trước dòng chảy, tôi cũng sẽ chẳng đắn đo mà lao xuống. Đơn giản, vì dưới ấy có nàng. Có người đàn bà tôi yêu, tóc đang quật lại từng con nước kéo như cái thây trôi.

Thây người mình gặp ở Hải Phố ngày đó, ông nhớ chứ Tashida? Chồng nàng ta, Quận Văn Hạp nghe đâu trong ngục đã bị đập đầu. Còn Tổng trấn Anh nữa. Ông nhớ đứa em chồng thay chồng ta trấn Quảng Nam ấy không? Họ nói lúc truyền giết hắn, Chúa Thượng đã khóc. Ta không tin! Nước mắt vương giả, thứ nước mắt trộn quyền lực ấy, là thứ giả dối nhất trên đời. Tín Hầu rồi cũng sẽ chết thôi. Hoặc sẽ nguyện cầu để được chết, để sướng vui hơn sống. Tội phản, dù chỉ thoáng một hơi gió, dù tự mình thổi hay bởi người khác hà hơi, với hoàng gia muôn đời là cái gai trong mắt. Ông đang trách ta sao lại chọn Tín Hầu? Ta... Ta không biết Tashida à. Thật sự không biết. Ta điên mất rồi. Ông ta đâu đáng tội. Những bậc tôn quý lòng đen mặt trắng như ông ta kinh kì đâu thiếu. Ta lôi theo chi con cọp giấy già? Lôi theo chi con người còn le lói được chút hơi người? Ta sai rồi, Tashida. Lẽ ra ta nên kéo chết theo mình loài rắn rít rình rập chực hùa, lũ bướm ong nhát chết thích hơn thua. Bão sắp tới rồi đấy. Chuẩn bị kiệu cho ta! Nhanh lên, Tashida! Ta phải đến Tín Hầu phủ. Ta phải nói với kẻ tội nghiệp ấy rằng ta xin lỗi...

Chiếc kiệu nhỏ mang nàng đã không thể ra đến cửa. Bão nhanh như một chớp mắt. Bốn vòng lính thị vệ đổ cùng bão xô cổng phủ đổ sập.

Gió lồng lộn gió. Gió giật bình ngà, chén ngọc,... xuống thềm nhà tan nát. Gió giật nàng khỏi cánh tay tôi. Cái chậu vàng bị kẻ thị vệ từng kính cẩn khiêng chém phầm phập kiếm. Lén lút lăn giữa ba bốn bóng thị vệ, cái chậu cuối cùng cũng trôi ra vườn, mất hút.

Quất tóc vào mưa, nàng trừng mắt. Mưa sợ mắt nàng, túa ra, đổ hết sang tôi. Vai tôi nặng, ngực tôi nhức, chân tôi đau không phải vì mũi giáo, vì thụi đâm của đám lính áp giải. Là mưa. Mưa nặng đè tôi, đè chiếc hài rớt tôi định chạy theo mang cho nàng úp sấp mặt xuống đường. Lọt vào tầm nhìn tôi, trong vệt lõm in hình dấu chân ngựa, chiếc hài tưởng còn lại trên chân nàng không biết tự bao giờ nằm phơi mặt. Tả tơi. Dưới lưới mưa giăng.

Không cần phải sợ mưa, Tashida! Rồi cũng tan theo bọt nước cả thôi. Vương giả. Quyền uy. Tranh đoạt. Ta tiếc ta mê mải đuổi theo chi một chiếc hài. Ta thương lũ họ, rồi cũng sẽ như ta, là những cái thây trôi. Người ta sẽ rủa nguyền ta bao lâu trong sử sách hả Tashida? Ta chẳng cần. Cứ xét đoán ta đi bằng trí nhớ của giáo điều đạo đức. Ta đã tồn tại như cách ta muốn. Thế thôi...

*

Dâm phụ Tống Thị can tội làm phản chịu án chém. Chúa Hiền truyền bêu đầu ngay cửa chợ Kim Long để răn người.

Ngày hoa bưởi rụng, với đôi hài thêu trong túi, tôi đi tìm một nhánh cây. Chỗ có thể thấy được một mái tóc đen dài phơ phất. Thấy gương mặt phơi với nắng, với gió trời. Bao nhiêu năm tháng, gương mặt vẫn thế, cô gái nhỏ tôi đã gặp trong ô cửa kiệu năm mười lăm tuổi. Vẫn những đường nét trẻ thơ, vẫn hàng mi vờ vĩnh khép.

Cởi dây lưng áo cột trên nhánh cây, tôi thấy lại đang lất phất rơi một trận mưa. Không phải cơn mưa xô tôi ngã dúi. Là mưa hoa. Những bông hoa thanh sạch, trắng ngần níu nhau. Tíu tít. Xoay. Rớt. Những bông hoa tinh nghịch mà đắm say hơn cả chuỗi cánh anh đào từng bay trong kí ức tôi.

Hòn đá đã cùng nàng và tôi rời Hải Phố, hòn đá quen duy nhất trên đất Kim Long, tôi kê trên cùng. Đạp mạnh chân, tôi nghe lưng mình bỏng rát ánh mặt trời mới mọc.

Nhật Bản ở phía đó. Và trước tôi, là nàng. Người đàn bà tôi yêu. Gương mặt nhòa dần, nhòa dần trong trắng xóa hoa bay... 

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa
.
.