Tuổi thơ bị ruồng bỏ

Thứ Năm, 10/09/2020, 10:53
Chandni sinh năm 1990 tại huyện Kutch bang Gujarat Ấn Độ là công chức hành chính. Anh mê văn chương và bắt tay vào viết truyện ngắn đã vài năm và tự nhận mình mới đang "Tập sự" văn chương.


Ngồi trong văn phòng của mình ở Công ty đa quốc gia, nhiều khi tôi thấy buồn chán với công việc tẻ nhạt giống như khi về nhà với vợ. Từ phòng làm việc của mình tôi hay nhìn ra một ngã tư - nơi có đèn giao thông và gần đó là một bến xe buýt dẫn đi những ngả đường. Ở đó những con người vội vã, tất bật mưu sinh làm đủ mọi việc, nét mặt luôn đăm chiêu lo lắng. Tôi đặc biệt chú ý đến một tốp trẻ nhỏ. Đứa trẻ lớn nhất chừng 12 tuổi, những đứa còn lại chỉ 7 - 8 tuổi. Chúng là những đứa trẻ ăn xin ngày nào cũng có mặt ở đó.

Một buổi chiều sau giờ làm việc tôi đứng đợi taxi đến đón thì lũ trẻ ào tới xin tiền. Tôi đã móc ví cho chúng ít tiền lẻ. Riêng thằng lớn nhất không xin tiền mà xin một bữa ăn làm tôi rất ấn tượng. Tôi hỏi nó: "Tên cháu là gì?". "Choto!", nó trả lời cộc lốc rồi nhanh miệng giới thiệu với tôi: "Đây là Ram, Shyram, Simran, Rahul, Aditya…".

Tôi hỏi chúng: "Tất cả các cháu đều sinh sống trên cung đường này à?".  "Vâng!", chúng đồng thanh đáp. Tôi hỏi thăm về việc "làm ăn" của chúng và mừng vì tất cả đều khỏe mạnh rồi an ủi chúng. Taxi đón tôi đã tới, tôi vẫy tay: "Tạm biệt!". Những cánh tay nhỏ xíu dễ thương vẫy lại tôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Đêm đó về nhà tôi rất khó ngủ, tôi nghĩ mãi về những đứa trẻ ở khu nhà "ổ chuột". Ở đây có điều gì đó vượt ra ngoài khuôn khổ, phạm vi nghèo đói mà tôi thấy cần quan tâm. Tôi hứa sẽ thường xuyên gặp chúng mỗi ngày với mong muốn biết tường tận hơn cuộc "chiến đấu" để sinh tồn của chúng.

Sáng hôm sau Monjolika người vợ ngọt ngào của tôi lo cho tôi một bữa ăn sáng tuyệt vời, cô còn chuẩn bị chu đáo bữa ăn trưa để tôi mang đi. Ngày hôm đó với niềm vui nho nhỏ tôi làm việc hăng say để sớm kết thúc công việc đến gặp bọn trẻ. Tôi gặp chúng khi chờ taxi như thường lệ, nhưng hôm nay tôi thấy thiếu cậu nhỏ Ram. Tôi hỏi Choto: "Ram đi đâu?". Choto nhìn tôi cười nói: "Nó đang sống ở nơi mà nó không phải đi ăn xin nữa. Có một chú đã đến đón nó nhận nó làm con nuôi rồi đưa về nhà".

  "Nó có quay lại gặp bọn cháu để chia tay không?". "Không! Nó vĩnh viễn không quay lại nữa. Nó đang được chăm sóc chu đáo và nhận được những gì xứng đáng với nó".

Về nhà lại một đêm mất ngủ. Tôi suy nghĩ miên man về con người trong cái thế giới đầy rủi ro này vẫn còn nhiều người tốt đón những đứa trẻ làm con nuôi, chăm sóc, yêu thương chúng. Điều đó khiến tôi nghĩ về bản thân. Mình có công việc, có thu nhập tại sao còn buồn chán? Bao nhiêu người khác đang kiếm ăn hằng ngày thì sao?. Từ đó tôi làm việc tích cực, hứng thú hơn và cảm thấy những đứa trẻ là một phần trách nhiệm của cuộc đời mình.

Chiều hôm sau khi tôi vừa đến nơi chờ taxi bọn trẻ đã kéo đến. Hôm nay tôi không thấy thằng bé Sam có mặt. Tôi hỏi Choto, nó nói rằng thằng bé bị ốm đã được đưa vào bệnh viện của chính phủ và đang tận hưởng sự chăm sóc tận tình của các bác sỹ, y tá. Chuyện trò thêm mấy phút tôi ngồi vào taxi về nhà. Trên xe tôi băn khoăn: liệu tôi có nên đưa Sam vào bệnh viện tư nhân mà tôi quen? Ở đó nó sẽ được chữa trị, chăm sóc tốt hơn.

Về nhà tôi nói với vợ ý định đó. Không ngờ Monjolika nói: "Chúng có cuộc sống của chúng, tại sao chúng ta can thiệp vào đó làm gì?", làm tôi thực sự bị sốc không thể nói thêm câu nào.

Chiều tối hôm sau tôi đến nhìn qua thấy mấy đứa trẻ mà không có Choto và Simran. Tôi hỏi chúng thì nghe tiếng Choto từ phía sau đi ra. Tôi hỏi Simra đâu. Nó cười nói: "Cháu và con bé vừa vật lộn nhau và cháu đã thắng. Nó bị mệt đang ngồi uống nước ở đằng kia".

Về nhà tôi lo lắng đem chuyện nói với vợ. Monjolika phát cáu: "Anh đừng bao giờ nói chuyện đó với tôi nữa. Xin lỗi! Tôi không quan tâm". Trong thâm tâm tôi có linh cảm điều gì đó không bình thường khi bọn trẻ ngày càng ít đi. Tôi quyết định phải tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra?

Chiều hôm sau tôi đến chỉ có mình Choto chạy ra đón. Tôi hỏi các bạn khác đi đâu. Choto sững sờ chốc lát rồi cười khanh khách: "Tất cả bọn nó đang tận hưởng cuộc sống yên bình. Giờ đây chúng không phải chiến đấu vì miếng cơm manh áo nữa; không bị người khác sỉ nhục; không phải buồn khi thấy những đứa trẻ khác hạnh phúc bên bố mẹ; chúng đang nhận được sự chăm sóc tình yêu thương; không phải lo kiếm bữa ăn; đang sung sướng trong niềm vui, hạnh phúc…". 

Tôi bị sốc hoàn toàn trước sự phản ứng và hành vi lạ lùng của Choto. Tôi vặn hỏi chuyện gì đã xảy ra? Nó càng cười lớn hơn rồi vò đầu bứt tóc điên cuồng. Đúng lúc đó một chiếc xe cảnh sát đi tới rồi dừng lại. Họ tóm Choto ấn vào xe. Tôi trố mắt ngạc nhiên hỏi viên sỹ quan: "Có chuyện gì xảy ra? Tại sao các ông lại bắt nó?". Viên sỹ quan nghiêm mặt nói: "Nó đã giết 3 đứa trẻ và có lẽ đã giết thêm một cậu bé nữa". Tôi hỏi cậu bé nào thì viên cảnh sát trả lời: "Đó là thằng bé Rahul mà chúng tôi được báo là đã mất tích".

*

Đó là ngày tôi đau đớn nhất. Tôi nhớ lại từng câu nói của Choto và ngẫm nghĩ về những ẩn ý trong những lời như thật của nó. Những sang chấn tâm lý và tổn thương nặng về tinh thần tuổi ấu thơ đã biến nó thành sát thủ máu lạnh giết người hàng loạt một cách tàn nhẫn. Chỉ trong vài ngày thế giới đã thay đổi, sụp đổ trong tôi. Tôi bất định như kẻ tâm thần, không hiểu bằng cách nào đó tôi về được đến nhà. 

Thấy vẻ mặt lo lắng, hoảng loạn, sợ hãi của tôi, vợ tôi hỏi: "Có chuyện gì xảy ra vậy?". Tôi bật khóc như một đứa trẻ. Vợ tôi thực sự sốc hỏi tiếp: "Có chuyện gì hãy nói cho em nghe. Anh trông có vẻ không ổn?". "Em yêu! Em đã cảnh báo cho anh biết… Nhưng anh đã… Giờ đây anh rất lo lắng… Làm ơn… Thằng bé Choto đó đã giết chết 3 đứa trẻ… Cảnh sát đã bắt giữ nó". Rất bất ngờ, Monjolika bật khóc nức nở. "Ôi Choto, Choto…làm sao nó có thể làm điều đó… Tất cả là lỗi của tôi… Lẽ ra tôi không nên làm điều đó… Tất cả là do tôi… Tôi không phải là người mẹ tốt… Tôi đáng tội chết… Tôi khiến nó thành đứa bé tâm thần… Đưa nó xuống địa ngục… Tôi… Tôi làm sao có thể…". 

Lúc này tôi còn sốc hơn vợ trước những gì cô ấy nói trong nước mắt. Bất chợt cô ngửng lên hỏi:  "Nó đang ở đồn cảnh sát nào?". Tôi nói không biết. Vợ tôi nói: "Chúng ta phải đi tìm nó… Nó đang cần em. Em không thể phạm sai lầm một lần nữa… mà em đã mắc phải 12 năm trước". Có lẽ lúc này tôi không nên căn vặn cô ấy, nhưng tôi muốn biết câu chuyện cô ấy nói 12 năm trước và câu chuyện Choto giết người có liên quan gì với nhau?

Được mọi người tận tình chỉ bảo, giúp đõ, chúng tôi đã tìm được đồn cảnh sát đang giam giữ Choto. Tới nơi chúng tôi càng sốc hơn khi thấy Choto vẫn đang cười khóc lảm nhảm: "Mọi người đều hạnh phúc… Không ai phải khóc… Mọi người đều an lạc. Họ không phải cầu xin, không bị ruồng bỏ; họ xứng đáng được hạnh phúc… Tôi đã giúp họ đạt được những điều mà họ mong muốn. Họ được hạnh phúc mà không cần cha mẹ họ phải chăm sóc. Họ hạnh phúc đến nỗi không muốn mở mắt ra để nhìn cái thế giới giả mạo này một chút nào nữa…".

Đột nhiên Monjolika vật vã khóc dữ dội và hét lên: "Không… Không… Con có bố mẹ… Con không đơn độc… Mẹ đã nhận ra sai lầm của mình. Mẹ là mẹ của con… Trong cái xã hội độc ác, bất công bằng, kỳ thị giới… Mẹ đã không đủ dũng cảm… Đã đẩy con vào vòng tội ác… Con không phải là kẻ tâm thần, không phải kẻ giết người… Con là con của mẹ… Mẹ vẫn gặp con mỗi ngày nhưng không thể nói cho con biết mẹ con vẫn còn sống…".  Vào lúc này tôi đã nhận ra Choto đích thực là con đẻ của Monjolika.

Vài phút im lặng… Rồi tôi và Monjolika đều khóc. Choto ngừng hẳn nói lảm nhảm nhìn đắm đuối vào mắt Monjolika. Qua ánh mắt Choto tôi hiểu rằng tinh thần của nó đã có sự thay đổi. Tôi tự hỏi: "Tại sao tôi lại…".  "Tôi đã mắc sai lầm gì trong quá khứ khi tôi đến với Monjolika?". Tại sao tôi? Tại sao???

Đinh Đức Cần (dịch)

Chandni (Ấn Độ)
.
.