Từ... biệt Mẫu

Thứ Năm, 14/09/2017, 11:40
Mới hôm qua thôi, ông còn thấy rõ hai vợ chồng. Ông vẫn nhớ anh chồng có gương mặt xương xương, sống mũi cao, đôi mắt thì cụp xuống. Mới hôm qua thôi, ông còn thấy họ đùn đẩy nhau, họ động viên nhau, và họ hy vọng... Thế mà 30 phút trước ông vừa hay tin anh chồng đã chết...

Ông ngồi yên trên bàn làm việc của mình, bất chấp những tiếng gõ cửa. Cơn xúc động đặc biệt khiến ông như đang chới với giữa nửa thực, nửa hư. Hình ảnh của cô bệnh nhân đó, gầy gò, mệt mỏi, xác xơ, quay quắt hiện ra trước mắt ông. Hình ảnh của anh chồng cô gái cũng hiện ra. Anh ta cầm một cái bánh mì, bẻ nửa, nhưng bẻ không đều, thành ra nửa to nửa nhỏ. Anh đưa cho vợ nửa to rồi cười cười: "Em ăn cho chóng khoẻ". Cô vợ lắc đầu, giật nửa nhỏ từ trên tay anh và ấn nửa to vào tay còn lại: "Anh phải ăn chứ, còn có sức". Hai vợ chồng cứ đùn đẩy nhau cho đến khi ông bước lại gần, xem bệnh án.

Mới hôm qua thôi, ông còn thấy rõ hai vợ chồng. Ông vẫn nhớ anh chồng có gương mặt xương xương, sống mũi cao, đôi mắt thì cụp xuống. Mới hôm qua thôi, ông còn thấy họ đùn đẩy nhau, họ động viên nhau, và họ hy vọng... Thế mà 30 phút trước ông vừa hay tin anh chồng đã chết. 

Mấy cô y tá kể lại, tranh thủ lúc vợ chợp mắt, anh chồng phóng ra ngoài làm mấy cuốc xe ôm, nhưng trời xui đất khiến thế nào mà anh ta lại lao về phía đường tàu, đúng lúc đoàn tàu đang xình xịch kéo tới... 

Nghe kể thế, ông lại nhớ tới đôi mắt cứ cụp xuống của anh ta hôm qua. Đôi mắt ấy bị dị tật, hay đơn giản là nó cụp xuống vì anh quá buồn ngủ? Anh đã thức cả đêm trông vợ, đến lúc ấy đã mệt mỏi quá rồi? Và có phải vì chạy xe trong lúc buồn ngủ mà anh đã lao về phía đường ray theo quán tính, không kịp dừng khi tàu đang chạy tới? Rồi ông lại rùng mình bởi một suy nghĩ khác: Hay anh ta chủ động chọn lựa như vậy, vì sự sống với anh là quá kiệt quệ, là không còn gì để hy vọng nữa?

Không! Ông không thể trả lời được những câu hỏi như thế này. Mà cố tìm câu trả lời để làm gì nhỉ? Ở ngay phòng bệnh nhân bên cạnh, người vợ vẫn xác xơ nằm đó, cố chiến đấu với con virus tai quái mà vẫn chưa hề biết chồng mình đã chết. Điều gì sẽ xảy ra nếu như chị ấy biết? Điều gì sẽ xảy ra khi người thân duy nhất, người chăm sóc duy nhất cho mình suốt 2 tháng qua giờ không còn nữa? Ông có nghe các y tá kể loáng thoáng rằng thực ra chị ấy vẫn còn mẹ chồng, nhưng mẹ chồng phải ở quê chăm đứa con mới 3 tuổi đầu của chị. Vậy là những ngày sắp tới, chị sẽ phải một mình ở đây, vừa chống chọi với bệnh tật, vừa bán tín bán nghi về sự tồn tại của chồng mình...

Nghĩ đến đấy, những giọt nước mắt lăn trên gương mặt ông, làm nhoè hai mắt kính. Dù đã cố mím chặt môi, nhưng ông vẫn nấc lên từng tiếng. Nước mắt chảy vào miệng. Đắng chát. Cũng chính lúc ấy, bà nội ông hiện về. Bà mặc một cái áo cánh màu trắng - cái áo mà chính tay ông mặc khi khâm liệm cho bà. Bà giơ bàn tay phải quen thuộc của mình lên mặt ông, lau nước mắt cho ông. Rồi bà lại lấy chính bàn tay phải ấy vỗ vỗ vào lưng ông. Một cảm giác vừa ấm áp, vừa buốt lạnh lan toả dọc sống lưng ông. 

Cái khoảnh khắc của hàng chục năm trước, năm ông 19 tuổi lại hiện về. Bà nội ông nằm đó, hiền hậu và lặng lẽ, trong khi đám con cháu khóc sụt sùi xung quanh. Bố mẹ ông bóp bóp vào cánh tay trái của bà rồi gọi khẽ: "Mẹ à!", "Mẹ ơi", "Mẹ có nghe thấy chúng con nói gì không?". Những người khác sau đó cũng bóp vào cánh tay trái ấy rồi oà khóc: "Mẹ ơi", "Bà ơi". Ai cũng hướng về cánh tay trái, chỉ riêng ông nhìn về cánh tay bên phải, cánh tay đã hoại tử, và không còn cảm giác từ lâu. 

Khi mặc chiếc áo cánh màu trắng cho bà, chạm vào cánh tay bên phải của bà - cánh tay đã chết trước khi toàn bộ cơ thể bà nội chết, ông thấy đau đớn xót xa kinh khủng. Nhà ông cả chục đời làm nghề thuốc, bà nội ông bốc thuốc cứu người hàng chục năm, thế mà lại không cứu được cánh tay của chính mình. Nhiều bệnh nhân ung thư tìm đến bà, dùng thuốc của bà, bệnh đỡ hơn rất nhiều, nhưng khi chính bà dùng thuốc của mình thì lại vô tác dụng. Người nhà bảo, có lẽ cơ thể bà không hợp thuốc nam... 

Sau này, cứ như một phản xạ có điều kiện, mỗi khi chứng kiến một bệnh nhân ra đi, bao giờ ông cũng nhìn vào cánh tay bên phải của họ. Có những lúc nhìn xong rồi thôi, lại có những lúc bất giác ông tự lẩm bẩm với mình: cánh tay ấy vẫn sống cho đến những phút cuối cùng.

Bây giờ, chính lúc này đây, cánh tay phải của bà nội vẫn vỗ lên lưng ông nhẹ nhàng. Ông cảm nhận rõ từng tiếng vỗ tay, cũng nghe rõ mồn một từng tiếng gõ cửa - tiếng gõ mà ông tin chắc là cũng xuất hiện từ bàn tay bên phải. Hai tiếng gõ cùng lúc ấy cứ đan xen nhau, một tiếng thì dịu dàng, một tiếng thì dồn dập. Ông muốn đứng dậy mở cửa nhưng không thể nào nhấc mình khỏi ghế. Chỉ đến khi một ý nghĩ loé lên: "Hay là cô bệnh nhân ở buồng bên cạnh đang gõ cửa? Hay là cô ta biết là chồng mình đã chết và muốn vào đây chia sẻ một điều gì đó?" thì ông mới có thể đứng phắt dậy lao nhanh về phía cửa. Ông giật mạnh cánh cửa vào trong, xác định tâm lý sẽ phải đón nhận những thông tin xấu nhất. Người ở ngoài cánh cửa lập tức lên tiếng:

- Thưa giáo sư, cả phòng họp đang đợi ông, đã quá 15 phút rồi.

- Ừ nhỉ, tôi xin lỗi! Mọi người cứ lên trước nhé, tôi sẽ lên ngay.

Ông uống một cốc nước đầy, thở một hơi thật sâu rồi chạy thục mạng lên phòng họp ở tầng 2.

*

Vị giám đốc bệnh viện đang nói ở trên bục và gần trăm con người chăm chú dõi theo. Ông tiến nhanh vào phòng họp từ phía cửa sau, ngồi vào một chỗ còn trống ở cuối phòng, cạnh một vị trưởng phòng tên Dũng. Ông chưa ngồi yên chỗ, vị trưởng phòng Dũng nhìn ông gật đầu, tay chỉ chỉ lên phía trên, nơi mà giám đốc bệnh viện vẫn đang say sưa nói. Và ông ấy nói thế này: "Chúng ta có quyền tự hào vì bệnh viện chúng ta luôn là một tấm gương sáng trong ngành. 

Suốt 2 năm qua chúng ta đã thực hiện chính sách "nói không với phong bì", và thực sự là đã làm đến nơi đến chốn. Không phải bệnh viện nào cũng làm được như chúng ta. Phải nói, trong bối cảnh mà y đức bị nghi ngờ, niềm tin của người bệnh vào các y bác sĩ xuống thấp thì tôi thấy vô cùng hạnh phúc khi được làm việc với các anh các chị giàu tâm huyết ngồi đây". Nghe tới đoạn này thì cả phòng họp vỗ tay rào rào. 

Vị trưởng phòng Dũng vừa vỗ tay vừa cười niềm nở. Ông thì chỉ vỗ tay, chứ không cười, vì những dòng suy nghĩ về cô bệnh nhân vừa mất chồng vẫn chưa thực sự thoát khỏi đầu ông. Ông vẫn cố nhìn về phía trên phòng họp, cố nghe vị giám đốc diễn thuyết nhưng chẳng có chữ nghĩa nào lọt vào đầu cho đến trước khi ông giám  đốc bỗng đột ngột dừng lại, chuyển từ tông giọng hào sảng sang tông giọng trầm:

- Các anh/chị biết rồi đấy, tôi chỉ còn nửa năm nữa. Thế mà chúng ta vẫn chưa chính thức tìm xong người kế nhiệm. Cả hai anh Phó Giám đốc ngồi đây đều là những người tôi đặc biệt tin tưởng. Tôi tin là ai trong các anh thay tôi thì vẫn giữ được nền nếp mà bệnh viện mình tạo ra. Nhưng chọn Giám đốc là điều không đơn giản. Hôm kia tôi họp trên Bộ, các anh/chị trên ấy nhắc là phải hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng, nhưng chắc chắn là phải xong trong tháng tới. Chứ cứ để kéo dài thế này thì bất ổn.

Nghe giám đốc nói, gương mặt vị giáo sư bình thản, không mảy may cảm xúc. Đúng là câu chuyện về cô bệnh nhân xấu số khiến ông không còn tâm trí để hoàn toàn tập trung vào những chia sẻ của ông giám đốc. Nhưng ngay cả khi không có câu chuyện của cô bệnh nhân ấy thì gương mặt ông cũng vẫn sẽ như thế. Đấy là một gương mặt bình thản định kỳ mà ông chủ động xác lập trong tất cả các cuộc họp cũng như tất cả những cuộc giao tiếp với lãnh đạo ở bệnh viện mình. Vị trưởng phòng Dũng thì không bình thản như thế. Vị trưởng phòng này nhăn mặt một cái rồi quay về phía ông:

- Theo giáo sư, trong hai anh Phó Giám đốc thì anh Đạo trúng hay anh Nhân trúng?

- Tôi cũng không rành cậu ạ. 

- Dư luận đồn là anh Nhân đấy. Giáo sư không biết thôi, vừa rồi anh ấy đã bán nhà, bán xe, gom đủ 20 tỷ.

Thấy rõ gương mặt thản nhiên, không có chút gì gọi là quan tâm của  ông, nhưng Trưởng phòng Dũng vẫn nói bồi thêm:

- Em nghe kể 20 tỷ ấy là để đi trên Bộ. Còn với Giám đốc Bệnh viện mình lại là chuyện khác. Anh Đạo thì lấy đâu ra tiền giáo sư nhỉ?

- Ừ!

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Tiền! Tiền! Cái gì cũng tiền! Ông đã chán nghe những chuyện tiền nong kiểu này lắm rồi. Nếu đặt chuyện kiếm tiền lên đầu thì dòng tộc nhà ông chắc chắn đã giàu to từ rất lâu rồi. Ông từng nghe bà nội kể, năm ấy bệnh dịch hoành hành toàn miền Bắc. Nhà vua lập đàn cúng lễ, nhưng số người chết vẫn không ngừng gia tăng. Một vị quan trong triều đã tiến cử ông cụ tứ đại nhà ông vào triều cùng các lương y khẩn cấp tìm thuốc chữa bệnh. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, cụ tứ đại nhà ông đã tìm ra một loại dược liệu đặc biệt, giúp dịch bệnh đỡ hẳn, đời sống nhân dân bình ổn lại. 

Mến tài ông cụ, nhà vua mời cụ ở lại làm quan thái y đầu triều, nhưng cụ từ chối. Ngày chia tay cụ, nhà vua ban thưởng cả một mâm vàng, nhưng cụ cũng kiên quyết không chịu nhận. Kể lại câu chuyện này, bà nội ông luôn dặn dò bố con ông: "Cái gốc của nghề y là cứu người, chứ không phải là kiếm tiền để ăn sung mặc sướng. Nếu với người khác, ăn sung mặc sướng có thể mang đến hạnh phúc thì với nghề y, cứu được một mạng người mới là hạnh phúc". 

Ông đã tận mắt chứng kiến bà nội nhiều lần bốc thuốc cứu người mà không hề nghĩ đến chuyện tiền nong. Thế nên khi bà ông qua đời, có cả trăm, cả ngàn người lạ đến xin chịu tang, vì họ bảo chính từ những thang thuốc của bà mà họ như được sinh ra thêm lần nữa. Tới nay, hàng chục năm đã trôi qua, nhưng ngày giỗ nào của bà, những người bệnh hoặc con cái những người bệnh ngày xưa vẫn đến nhà ông xin thắp nén hương, thành kính nhớ đến ân nhân của mình. Và đấy cũng chính là điều khiến gia đình ông bây giờ tự hào nhiều nhất.

*

Rời phòng họp, ông trở lại buồng bệnh, và xem thật kỹ bệnh án của cô bệnh nhân xấu số. Sau 2 tháng, tình trạng bệnh tật của cô chẳng tiến triển là bao. Với chuyên môn của mình, ông hiểu là đến nước này bắt buộc phải truyền kháng sinh HC - một loại kháng sinh cực mạnh và rất đắt tiền. Nhưng chồng cô đã chết, mà ngay cả khi còn sống thì chắc chắn anh cũng không sao "gánh" nổi. Ông quá hiểu, với những người bệnh nghèo khổ từ quê lên, nhà có cái gì bán được chắc cũng đã bán hết cả rồi. Còn một điều nữa khiến ông suy nghĩ: nếu biết được chồng mình đã chết, cô gái này liệu có chịu đựng nổi không?

Mình phải làm một cái gì đó, ngay bây giờ, ngay lập tức! Ông liền rút điện thoại gọi cho một tờ báo mạng quen biết, kể về trường hợp cô gái, nhờ tờ báo này kêu gọi những bạn đọc có lương tâm ủng hộ. Và trong lúc chờ đợi sự ủng hộ, ông sẽ lấy tiền túi của mình truyền kháng sinh HC cho cô. Quyết định của ông còn nhận được sự hưởng ứng của một số bác sĩ, y tá khác trong phòng. Mỗi người đều tự nguyện góp một ít tiền để kháng sinh HC có thể đi vào cơ thể cô càng nhanh càng tốt. Ông thấy nhẹ lòng với quyết định của mình và với hành động của những người đồng nghiệp trong phòng.

Bây giờ thì ông đã bình tĩnh trở về nhà. Việc đầu tiên ông làm là thắp một nén hương lên bàn thờ bà nội. Ông nhắm mắt lại, bình tĩnh kể cho bà nội toàn bộ câu chuyện và toàn bộ cảm xúc mà mình vừa trải qua sau một ngày dài làm việc. Nói hết lòng mình, ông thấy dần dần nhẹ nhõm. Đúng lúc ấy, điện thoại của ông réo lên. Là cuộc gọi từ đồng chí Nhân - Phó Giám đốc Bệnh viện:

- Dạ anh à! Anh đang ở đâu đấy ạ?

- Mình vừa về nhà thôi.

- Em muốn qua anh, thưa chuyện được không ạ?

- Có gì, Nhân cứ nói luôn qua đây cũng được.

- Không! Em muốn qua gặp anh thưa chuyện.

- Hôm nay mình không có tâm trạng tiếp khách lắm, Nhân cứ nói đi, không sao đâu.

- Vậy em xin phép anh, được nói luôn. Ngày kia bệnh viện mình bỏ phiếu tín nhiệm cho em và Đạo. Có gì anh hỗ trợ em một tay anh nhé!

- Cứ để mình suy nghĩ nhé.

- Vâng! Anh cứ suy nghĩ giúp em nhé. À, mà em nghe kể mấy người phòng anh đang đóng góp mua kháng sinh HC cho một chị bệnh nhân. Anh cho em xin đóng góp chút ít nhé.

- Ừ! Mình cảm ơn Nhân...

Ông dập máy điện thoại, nhưng cũng chỉ thoáng nghĩ đến chuyện Phó Giám đốc Nhân vừa đề cập, bởi với ông, xét cho cùng thì Nhân hay Đạo cũng như nhau, bỏ phiếu cho ai chả được. Điều khiến ông suy nghĩ nhiều nhất lúc này vẫn là: Cô bệnh nhân kia sẽ ra sao nếu biết tin chồng mình không còn nữa?

*

Hôm nay đã là hôm thứ 4 cô gái được truyền kháng sinh HC. Và chắc chắn cô sẽ được truyền đủ liều điều trị, bởi số tiền mà tờ báo mạng quyên góp, ủng hộ cô đã lên tới gần trăm triệu. Ở bên giường bệnh của cô lúc này là một bà già 70 tuổi và một cháu nhỏ 3 tuổi. Bà già lưng còng xuống, lúc thì lụi cụi xúc cháo, lúc thì lụi cụi đi đổ bô cho con. Riêng thằng nhỏ 3 tuổi dường như ý thức được là mình không được phép quấy nhiễu, cũng không có cơ hội để quấy nhiễu  nên ngoan đáo để. Những lúc mẹ thiêm thiếp ngủ, bà nội thì ngồi bệt xuống ở nền đất, dưới giường bệnh nó thậm chí còn biết đấm lưng cho bà.

Mỗi lần đi qua phòng bệnh, vị giáo sư đều ghé mắt nhìn mấy mẹ con bà cháu. Vậy là bà cụ đã biết tin con trai chết, nhưng cô con dâu đã biết chưa? Rất có thể bà cụ đã bịa ra một lý do nào đó cho sự vắng mặt của con trai, nhưng bà bịa như thế được bao lâu nhỉ? Mà chính bà nữa, bà có thể nén lại nỗi đau riêng để vừa cố "diễn kịch" vừa cố chăm sóc cô gái được bao lâu? Nhiều người bảo, bác sĩ là người thường xuyên tiếp xúc với sự đau khổ của người bệnh, thường xuyên chứng kiến người bệnh đau đớn và ra đi, nên cảm xúc của họ trước những chuyện này bị chai sạn hết. 

Có thể với đại đa số bác sĩ khác, sự thật là như vậy, nhưng với ông thì chắc chắn không. Hàng chục năm ở cái viện này, chứng kiến rất nhiều lần người bệnh gục ngã trước tử thần nhưng lần nào ông cũng thấy xót xa. Ông luôn luôn nhìn vào bàn tay bên phải của họ, để ý xem trong cái khoảnh khắc cuối cùng một cơ thể còn tồn tại, bàn tay ấy đã làm gì. Có lần bàn tay phải rờ rờ lên mặt người thân, trước khi buông thõng xuống. Có lần bàn tay phải bấu chặt vào tấm ga trải giường như vẫn cố chiến đấu với những cơn đau cuối cùng, và có lần bàn tay phải ấy nằm im. Không cử động. Không nhúc nhích. Không ngôn ngữ. Không xúc cảm. Lúc ấy ông lại rùng mình nhớ đến bà ông trong cái khoảnh khắc định mệnh, năm ông 19 tuổi...

Ông vẫn giữ nguyên những suy nghĩ về cô bệnh nhân xấu số cho đến khi thả mình ngồi xuống cái ghế sofa trong phòng làm việc. Nhưng lại có tiếng gõ cửa. Chỉ một tiếng, và tiếng ấy lại xuất phát từ bàn tay bên phải - ông nghĩ thế. Ra mở cửa ông bỗng giật mình khi thấy trước mặt là giám đốc bệnh viện. Giám đốc xuống phòng mình làm gì nhỉ? Ý nghĩ này của ông được giải đáp nhanh chóng khi vị giám đốc vừa bước vào phòng vừa bảo:

- Mọi việc của anh ổn cả chứ?

- Vẫn ổn, thưa anh.

- Thế này nhé, tôi chuẩn bị phải đi họp trên Bộ, trao đổi nhanh với anh thôi. Về việc chọn giám đốc mới ấy mà, nói thật với anh, Bộ đã chọn xong rồi. Là cậu Nhân. Với tôi thì cậu Nhân hay Đạo cũng đều tốt cả, nhưng ý kiến trên Bộ bảo phải là Nhân, vì nghe đâu trên nữa cũng chỉ đạo như vậy rồi. Ngày mai bỏ phiếu tín nhiệm, anh bỏ cho Nhân cho đẹp hồ sơ nhé. Tất cả các phòng ban khác cũng đều thống nhất như vậy cả rồi.

- Vâng!

- Thế nhé, tôi đi luôn kẻo để trên ấy chờ thì rách việc.

Nghe giám đốc bệnh viện nói ông mới té ngửa, hoá ra tất cả đều đã chọn Nhân. Ừ thì ông cũng bỏ phiếu cho Nhân, cho xong thủ tục. Đúng lúc ấy mấy cố y tá chạy rầm rập vào phòng ông thông báo:

- Giáo sư sang xem ngay đi ạ, bệnh nhân nguy kịch...

Ông đứng bật dậy, chạy nhanh sang buồng bệnh bên cạnh. Bệnh nhân nguy kịch đúng là cô gái xấu số kia. Ông kiểm tra tất cả các chỉ số, nhưng đã muộn mất rồi. Sau 4 ngày tiêm kháng sinh HC rõ ràng bệnh tình cô có dấu hiệu tiến triển, dù không nhiều. Vài giờ trước, chính tay ông còn ở đây kiểm tra, mọi chỉ số vẫn trong tầm kiểm soát. Tại sao tất cả lại diễn biến xấu, và nhanh đến vậy? Tại sao cô gái lại có thể chết đột ngột, bất thường như vậy? Mấy chục năm trong nghề, lần đầu tiên ông gặp một ca khó hiểu như thế này. Người ông run lên. Hai mắt ông nhìn chằm chặp về cánh tay bên phải của cô, cánh tay vẫn còn đang được nối với dung dịch kháng sinh, và ở phía trên, từng giọt kháng sinh vẫn chảy. Bàn tay thì đã buông thõng. Ông lại nhìn kỹ vào bàn tay, trời ơi, nó gầy quá, xác xơ, nhăn nhúm quá. Cơ thể cô chỉ vừa chết cách đây ít phút, nhưng bàn tay ấy đã chết từ rất lâu rồi? Ở bên cạnh, bà cụ già giật giật mạnh vào tay ông rồi hỏi: "Cháu nó sao rồi bác sĩ ơi?".

- Tôi...x...in....l....ỗi

Ông nói khó nhọc. Bà cụ liền vồ lấy cô con dâu rồi nấc lên. Bà cứ nấc lên thành cơn. Không nước mắt. Không tiếng kêu gào. Chỉ là những cơn nấc, và cùng với những tiếng nấc bà cứ lấy tay đấm thình thịch lên ngực mình. Ông đứng im, tê liệt, không biết phải làm gì. Những giọt nước mắt chảy dài trên mặt ông từ lúc nào rồi. Cố trấn tĩnh, ông cầm tay bà cụ và nói khó nhọc:

- Chúng tôi đã cố hết sức. Nhưng tôi xin...lỗi...i.

Đến lúc này thì cơn nấc của bà cụ dịu lại. Bà cố nói trong nghẹn ngào, trệu trạo: "Con trai tôi mất, con dâu tôi mất. Nhà cửa cũng bán sạch cả rồi. Bà cháu tôi giờ biết sống thế nào đây?". Ở bên cạnh, thằng bé con 3 tuổi oà khóc lên. Nó còn quá nhỏ để hiểu những gì đã xảy ra, đang xảy ra và rồi sẽ xảy ra với mình. Một cô y tá nhấc nó ngồi lên giường bệnh, và như một bản năng, nó ôm choàng lấy mẹ mà khóc.

Vị giáo sư xoa đầu thằng bé vài cái rồi tiến nhanh về phòng. Ông không thể ở phòng bệnh thêm 1 giây nào nữa, vì có thể chính ông sẽ gục ngã, và sẽ trở thành gánh nặng cho mọi người. Ngồi phịch xuống ghế, ông cứ thế ôm mặt khóc. Tại sao cô gái lại có thể chết đột ngột như vậy? Bốn ngày truyền kháng sinh, những hy vọng lẽ ra phải nhích dần lên, sao lại xảy ra kết cục này? Hay cái gọi là "số phận" là có thật? Cũng giống như bà ông ngày xưa, từng cứu sống bao nhiêu người nhưng cuối cùng không thể cứu được cánh tay mình và mạng sống của chính mình? Cũng giống như chồng cô gái vài hôm trước, chẳng biết ma chỉ lối, quỉ dẫn đường thế nào lại bỗng lao thẳng vào đường ray, đúng lúc đoàn tàu đang đến? Ở trên đời này số phận là có thật chăng? Nếu vậy số phận sẽ đối xử như thế nào với một bà già 70 và một cháu bé 3 tuổi không nhà cửa, không tài sản, không tương lai? 

Ông vừa khóc một mình vừa chìm vào dòng suy nghĩ lan man ấy. Rồi ông chợt thấy một cánh tay như đang đưa một nửa cái bánh mì vào miệng ông. Rồi cánh tay ấy lại co xuống, nhặt một nửa cái bánh mì khác, to hơn, đưa lên miệng ông. Cánh tay ấy của đàn ông hay đàn bà? Khó phân biệt quá. Cánh tay ấy của bà ông, của cô bệnh nhân tội nghiệp hay của anh chồng cô ta? Khó phân biệt quá.

Nước mắt ông cứ rơi và trái tim ông như đang bị kìm siết lại. Một cảm giác nặng nề đau đớn chưa từng thấy trong hàng chục năm hành nghề đang siết lại trái tim ông.

*

Hôm nay, đúng một tháng sau cái ngày cô bệnh nhân tội nghiệp qua đời, viện ông họp khẩn cấp. Chẳng là dư luận đang xôn xao về một vụ bị tình nghi là buôn bán thuốc giả quy mô lớn, và bệnh viện ông là một trong ba bệnh viện lớn trong thành phố cũng bị tình nghi đã nhận hoa hồng của các hãng dược để nhập loại thuốc này. Ông tham dự buổi họp với gương mặt phờ phạc, nhưng sự phờ phạc lập tức chuyển sang nóng ran khi ông nghe Giám đốc bệnh viện phát biểu:

- Tôi thề với các anh chị là chuyện nhập thuốc về bệnh viện ta diễn ra hoàn toàn công khai, trong sạch. Tôi, với tư cách người đứng đầu bệnh viện tuyệt đối không dính líu đến chuyện hoa hồng gì cả. Mà có đồng chí Phó giám đốc Nhân, phụ trách mảng dược ngồi đây, đề nghị đồng chí cho ý kiến.

Lập tức, Phó giám đốc Nhân đứng lên, từ tốn nói:

- Tôi biết nhiều người nghi ngờ tôi và giám đốc có chuyện hoa hồng này nọ, nhưng chắc chắn không có đâu. Mọi người đừng nghe dư luận đồn thổi mà oan cho chúng tôi. Thú thật là khi nhập về, chúng tôi không biết thuốc kháng sinh HC có vấn đề. Chúng...tôi...

Đồng chí Nhân đang nói đến đây, ông giám đốc bệnh viện đột ngột đứng lên cướp lời:

- Mà đến tận lúc này, các đồng chí cũng phải hiểu rằng chưa ai chứng minh chắc chắn lượng kháng sinh HC chúng ta nhập về giả cả. Mọi thứ chỉ đang dừng lại ở những nghi vấn của dư luận mà thôi. Mà cái nước mình thì các đồng chí biết, những nghi vấn kiểu này thì đầy ra ấy mà....

"Đúng rồi, mới chỉ là nghi vấn thôi", "Có gì đâu mà cứ loạn hết cả lên"... rất nhiều tiếng lô xô như thế. Vị trưởng phòng Dũng chợt đứng lên phát biểu:

- Tôi có ý kiến thế này, đây đúng chỉ là những nghi vấn, bệnh viện chúng ta không nên vì thế mà dao động. Đây cũng là thời điểm rất nhạy cảm, đồng chí Nhân sắp nhận nhiệm vụ mới. Với tư cách là người phụ trách công đoàn, tôi đề nghị chúng ta không bàn tán linh tinh, để không ảnh gây ảnh hưởng tới đồng chí tân giám đốc.

Cả khán phòng lại rào rào vỗ tay tán thưởng. Riêng vị giáo sư khả kính không vỗ tay. Ông nắm chặt bàn tay phải lên quần mình và cố trấn an bản thân rằng kháng sinh HC mới chỉ bị tình nghi, chứ chưa có ai chứng minh là thuốc giả. Nhưng tại sao cô gái lại chết đột ngột như vậy chứ? Ông đã làm tất cả những gì có thể để cứu sống cô, chẳng nhẽ...? Mà nếu ít hôm nữa, nó được chứng minh đúng là thuốc giả thì sao? Có phải vì những liều thuốc giả ấy mà ông vô tình hại chết bệnh nhân của mình? Có phải vì những liều thuốc giả ấy mà lòng tốt cứu người của ông hoá ra lại là hại người, lại là đầu độc người, lại là giết người? Không! Mới chỉ là tình nghi thôi! Đấy không thể là thuốc giả - Ông lại tự nói với chính mình.

Kết thúc buổi họp, ông tiến về phía Trưởng phòng Dũng, hỏi một câu:

- Theo cậu ít nữa người ta có thể kết luận HC là giả không?

- Em nghĩ là không thể, giáo sư ạ. 

- Không thể?

- Phải, không thể là thuốc giả đâu.

- Vì sao?

- Vì giáo sư không biết thôi, quan hệ của anh Nhân rộng lắm...

*

Đêm nay ông không thể nào ngủ được. Nhắm mắt rồi lại mở mắt. Ông quyết định vùng dậy, thắp hương cho bà nội. Vẫn như thói quen mọi khi, ông lại tâm sự hết với bà nội. Rồi ông hỏi:

- Bà ơi, cháu đã cứu người hay đã giết người?

Một luồng gió rất mạnh từ ngoài thổi vào khiến ông rùng mình. Và ông tá hoả tam tinh khi nhìn lên bàn thờ, thấy bát hương bà nội đang cháy bùng bùng dữ dội... 
Truyện ngắn của Phan Đăng
.
.