Truyền thuyết Thánh Tam Giang
Vùng đất Quế Lâm kề sát con đường độc đạo dẫn từ chân ải Lão Thử tới cửa sông Lục Đầu Giang có gia đình sĩ tộc họ Trương vốn nối đời làm tù trưởng đứng đầu các tộc trong vùng. Trương tộc từ xưa không tiếc tiền của công đức nơi đền miếu lại nức tiếng giúp đỡ người nghèo khó trong vùng nhưng không hiểu sao đời nào cũng hiếm muộn độc đinh phải đến ngoài năm mươi tuổi mới có con nối dõi.
Đến đời Trương công, ông trời thử thách càng khắc nghiệt. Trương lão gia tuổi đã ngoại bảy mươi mới chỉ có được hai mụn gái lên năm. Lão gia ngày đêm cầu cúng thành tâm lắm. Đến năm bảy mươi ba tuổi, trong một trận ốm thập tử nhất sinh tưởng chừng không qua khỏi may có người mách bên kia núi Đông Ngàn có vị tiên sinh họ Phùng chuyên nghề bốc thuốc chữa bệnh hiểm, Trương lão bèn cho người mời đến.
Vị thầy thuốc họ Phùng nghe tiếng Trương gia hiền đức dắt theo cô con gái đang tuổi trăng tròn tới chữa trị cho Trương công. Suốt hơn một năm trời, phần do đất trời cảm động, phần nhờ tài y thuật của Phùng tiên sinh, Trương công dần dần khỏe lại muôn phần lưu luyến với cha con thầy thuốc.
Đúng trong lúc ấy, có điềm lạ xảy ra. Cô gái Phùng Từ Nhan một đêm nằm mơ thấy được thần long quấn mình trên sông Lục Đầu sau đó liền mang thai tới mười bốn tháng sinh ra một bọc bốn trai một gái. Trương công mừng lắm xin với tiên sinh họ Phùng cho đặt họ Trương.
Càng kỳ lạ thay, đến buổi đầy tháng, các nhi tử Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy, Trương Đạm Nương cũng là ngày Trương công cùng Phùng tiên sinh đương khỏe mạnh bỗng chẳng lời từ biệt đột ngột theo về tiên tổ. Dân làng trong vùng mến tài đức Trương công, Phùng tiên sinh cùng nhau đem mai táng nơi gò đất cao trên núi Đông Ngàn.
Minh họa: Lương Xuân Đoàn |
Thời gian trôi đi, người mẹ Phùng Từ Nhan dạy con rất nghiêm. Bốn anh em trai Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy được mẹ đón thầy giỏi về dạy cả hai đường văn võ học đâu biết đấy thông tuệ hơn người. Riêng gái út Trương Đạm Nương giỏi thêu thùa may vá càng lớn càng xinh đẹp nổi tiếng khắp vùng. Đến năm anh em họ Trương mười bảy tuổi thì người mẹ mất. Năm anh em cùng dân làng thương khóc để tang đủ ba ngày mới đem mẹ lên gò đất cao đỉnh núi Đông Ngàn an táng hương khói quanh năm.
Còn đang để tang mẫu thân mới được hơn một năm, bỗng một hôm anh em họ Trương nhận được trát mời của quan lang Đèo Bá Hổ tới bàn việc xin cưới Trương Đạm Nương về làm dâu họ Đèo. Anh em họ Trương bàn nhau viện cớ còn tang mẹ ba bốn lần chối từ song họ Đèo cứ một mực đòi xuống bắt dâu.
Thấy em gái ngày đêm rầu rĩ, anh cả Trương Hống bàn với các em:
- Họ Trương ta xưa nay ăn ở đều có đầu đuôi với các tộc trong vùng. Ai cũng biết Trương gia lấy lễ nghĩa làm đầu, hiếu kính với tổ tiên cha mẹ trọng hơn mạng sống. Nay quan lang Đèo Bá Hổ không xét tới đạo lý, quyết bắt em gái ta về làm lẽ thật khinh thường Trương gia ta quá lắm. Nay mộ mẹ còn chưa xanh cỏ kẻ kia đã rắp tâm làm càn, anh em ta phải định kế trước mới được. Đèo Bá Hổ vài ngày nữa tất đem binh lính xuống ép Trương gia. Ta nào có sợ gì bọn chúng, song họ Đèo là chỗ huynh đệ kết nghĩa với huyện lệnh Vũ Ninh. Đằng sau chúng là quan quân Lương triều hùng mạnh. Ngày các tộc trong đó có họ Trương đi theo quốc chủ Vạn Xuân đánh Lương tặc chính tên họ Đèo mấy lần cấu kết chỉ đường cho giặc còn giết hại chúng dân. Nay việc đã đến nước này, Trương gia đành phải liều chết chống bọn ác nhân mà thôi.
Bốn anh em họ Trương một mặt kén chọn lũ gia đinh giỏi võ nghệ từng chịu ơn với Trương gia, một mặt cho người đi tìm ông thầy họ Lã ngày trước từng dạy văn võ rất nghiêm khắc về nói rõ mọi việc. Vâng theo lời thầy họ Lã, mọi sắp đặt của Trương gia kín kẽ trước sau cũng là lúc có tin ngày rằm tới Đèo Bá Hổ đích thân cùng tùy tùng đem sính lễ tới đón Trương Đạm Nương.
Đúng ngày rằm, chưa tới nửa buổi sáng, con đường đất phía trước dẫn vào cổng lớn Trương gia lố nhố bóng người ngựa đi kèm hai chiếc xe ngựa kéo trang hoàng sặc sỡ. Bốn tên kỵ sĩ thúc ngựa tới thẳng cổng gỗ đóng kín mau chóng quăng lên mười dây pháo đại vắt từ nóc cổng xuống sát đất điềm nhiên châm lửa.
Tiếng pháo nổ vang rền như đánh trận cùng lúc rộ lên khiến trâu bò lợn gà chim chóc xung quanh kêu chạy dáo dác. Mấy chú trâu đang kéo gỗ nơi chân đồi gần đó đột ngột lồng lên phá toang ách tuông thẳng xuống thung lũng bỏ mặc đám thợ ngã chổng gọng bên những cây gỗ tròn bắn tung tóe.
Phải đến một lúc lâu loạt pháo mới ngừng. Khi khói còn đặc đụa, đám kỵ mã phía sau đã xông tới cánh cửa đập ầm ầm quát tháo người phía trong mau mở cửa ra.
Cánh cổng gỗ lim lớn rung lên bần bật.
Phía trong lặng ngắt không có tiếng người.
Mấy tên kỵ mã chừng như không chịu được nhảy phắt xuống ngựa hè nhau khiêng một cây gỗ lớn dài đến hơn trượng cứ thế lấy đà thúc thẳng vào cánh cổng.
- Rầm...!
Cánh cổng rung lắc chấn động chỉ trực bung ra.
- Rầm…!
Hai cánh cổng gỗ không chịu nổi đòn thúc mạnh bất thần đổ sập xuống.
Khói pháo bên ngoài cổng còn chưa tan hết ùa vào bên trong.
Đám kỵ mã cùng hai chiếc xe sặc sỡ tiến thẳng vào trong sân lớn phía trước ngôi đại sảnh.
Lúc bấy giờ, cánh cửa ngôi nhà lớn mới từ từ mở ra.
Khi đám người ngựa đã vào cả trong sân, mười tên võ sĩ sau lúc phá xong cánh cổng cột ngựa đâu đấy đứng cung kính sắp hàng hai bên kiệu.
Phía sau hai chiếc kiệu, ba mươi lính hầu lực lưỡng chia nhau đứng hình vòng cung như vây lấy ngôi đại sảnh.
Đèo Bá Hổ phẩm phục quan lang rực rỡ dõng dạc rời kiệu cũng là lúc từ trong nhà anh em họ Trương cùng tiên sinh họ Lã thong thả bước ra.
Một tên võ sĩ thấy người nhà họ Trương bây giờ mới chịu lộ diện sấn đến rút soạt kiếm ra chỏ thẳng vào quát lớn:
- Họ Trương các ngươi có còn muốn sống nữa hay không mà năm lần bảy lượt không chịu phúc đáp lời mời của lão gia ta? Nay lại không sớm nghênh tiếp để chúng ông đây phải phá cổng là nghĩa lý gì?
Đèo Bá Hổ khẽ giơ tay ra hiệu cho tên võ sĩ lùi lại tiến tới thi lễ nói:
- Tên nô tài vô lễ, tại hạ xin có lời cáo lỗi! Ban nãy ta ở trong kiệu nhất thời tiếng pháo quá lớn không biết bọn chúng tự tiện phá cổng xin được lượng thứ. Họ Đèo có chút sính lễ gọi là lòng thành đem tới Trương gia.
Bốn anh em họ Trương thấy tên vệ sĩ rút kiếm đã toan động thủ song thấy Lã tiên sinh chưa ra hiệu cố nén giận nghe hết lời của Đèo Bá Hổ đã thấy thầy Lã bước về phía trước thi lễ nói:
- Đèo đại nhân đến đường đột, Trương gia tiếp đón sơ sài thật là đắc tội. Mấy bận trước ngài cho người tới hỏi tiểu nữ về làm dâu họ Đèo chúng ta chưa kịp đáp lại thành ý cũng bởi quy củ của tổ tiên. Nay đại nhân đường đường là quan lang trong vùng uy danh vang khắp hẳn không đến nỗi thiếu người nâng khăn sửa túi mà bắt Trương gia phải trái đạo. Thêm một người hay bớt một người thiếp với Đèo đại nhân chẳng đáng gì. Mong ngài hãy để tiểu nữ mãn tang mẹ rồi sẽ đến hầu hạ ngài cũng chưa muộn.
Đèo Bá Hổ chưa nghe hết câu đã nổi nóng mắng:
- Trương gia các ngươi thật chẳng biết điều. Rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt. Ta đây nửa tháng nữa đến kỳ đại lão năm mươi tuổi. Trân châu bảo ngọc lụa là gấm vóc nào có thiếu gì, duy chỉ thiếu mỹ nhân thôi. Nghe tộc chúng quanh vùng đồn tú nữ Đạm Nương sắc đẹp muôn phần mới phải thân chinh đến rước, chứ bọn phàm nhân khác lão gia chỉ cần sai người đi bắt trói về là xong. Nay hãy nhận lễ đưa người, đừng lôi thôi nữa.
Thấy Đường Bá Hổ quát tháo thị uy, mười tên võ sĩ chỉ chực rút kiếm, đám gia nhân đi theo tên nào cũng tỏ vẻ hung hăng, Lã tiên sinh lại ôn tồn nói:
- Đèo đại nhân! Dù gì ngài cũng là quan lang kiêm quản việc lớn nhỏ các tộc họ trong vùng, lẽ nào không biết đến hình pháp ư? Ngài ban ngày ban mặt vô cớ đòi người bất chấp đạo lý liệu còn làm gương được cho ai? Trương gia tuy nhỏ song cũng là sĩ tộc trong vùng, nay ngài bất chấp thể diện như phường giặc cướp sẽ không có kết cục tốt đẹp gì đâu.
Tên vệ sĩ rút gươm ban nãy thấy lão tiên sinh đối diện buông lời mạt sát chủ nhân bèn vung kiếm gầm lên chém xả vào người:
- Thằng chó già! Người hãy sớm chầu trời đi!
Chỉ nghe huỵch một tiếng, một thân người đổ vật xuống, thanh kiếm bị văng ra xa cắm phập vào cửa xe ngựa rung lên bần bật.
Lã tiên sinh vẫn thản nhiên như không, một chân giẫm lên bàn tay rỉ máu của tên nằm dưới đất nói rành rọt với Đèo Bá Hổ:
- Đèo đại nhân! Mong ngài hãy tự trọng bảo bọn nô tài dừng tay trở về đi. Việc sính lễ hãy để vài năm sau bàn cũng chưa muộn.
Tận mắt chứng kiến thân thủ phi thường của người đối diện song thấy Triệu gia trước sau chỉ có năm người tay không, như đã mất hết nhân tính, Đường Bá Hổ đột ngột lùi lại quát lớn:
- Bay đâu! Hãy giết hết bọn này cho ta!
Nhận mệnh lệnh của chủ nhân, mười tên võ sĩ nhất loạt rút soạt kiếm xông về phía trước chém bừa. Tiếng kiếm xé gió rít lên ghê lạnh.
Năm bóng người phía trước thoắt cái nhảy dạt tứ phía khiến đám võ sĩ chém hụt va vào nhau dáo dác xoay tìm địch thủ tiếp tục vung kiếm truy sát đã thấy trong tay đám người thân thủ ảo diệu ấy vun vút những đường gậy giáng bôm bốp vào cổ tay bọn bất lương. Trong nháy mắt, mười tên võ sĩ bị đánh ngã lăn xuống đất gươm quăng tung tóe, tên nào tên ấy ôm chặt cổ tay đã bị gãy lìa.
Phía bên ngoài, Đèo Bá Hổ thất kinh song vẫn quát bọn gia nhân cậy số đông vớ bừa đao kiếm xông vào trợ chiến.
Bỗng có tiếng pháo nổ vang, bốn phía hơn trăm gia đinh họ Trương lăm lăm gậy ngắn giáo dài ào ào kéo đến vây chặt toán người tới xin dâu.
Đám gia nhân họ Đèo bỏ mặc chủ nhân cùng mười tên võ sĩ lồm cồm dưới đất bị gia đinh họ Trương dùng chão tre trói chặt dồn vào một góc dáo dác sợ hãi.
Đèo Bá Hổ vừa mới hung hăng nay mặt cắt không còn hạt máu lập bập xin tha:
- Hiểu lầm rồi… Hiểu lầm rồi… các người hãy mau dừng tay lại…
Khi ấy, người anh cả Trương Hống mới ra hiệu đám gia đinh tạm buông gậy gộc giáo mác xuống tiến tới trước mặt Đèo Bá Hổ đã bị trói giật cánh khuỷu bằng sợi chão tre lớn trầm giọng mắng:
- Đèo Bá Hổ! Ngươi thân làm tộc trưởng họ Đèo mà không tự biết làm gương tu thân tích đức chỉ quen ỷ lại quan trên làm điều càn rỡ thật xấu hổ cho thị tộc. Tội khinh bỉ Trương gia, ban ngày đem gươm giáo tới cướp dâu nhà đang thọ tang ta có thể vì sự yên bình của các thị tộc mà tha cho, song việc ngươi cấu kết người ngoài, dẫn bọn ác nhân phương Bắc vào giết chúng tộc vô cớ thì không thể tha được. Ta thay mặt các thị tộc thượng du Quế Lâm, Đông Ngàn chém đầu ngươi tế vong linh chúng dân bị giặc Lương do ngươi dẫn về sát hại. Ngươi còn gì để nói nữa không?
Đèo Bá Hổ mồ hôi toát ra như tắm. Bộ phẩm phục quan lang rực rỡ giờ hằn mấy vòng chão tre quấn chặt xộc xệch tơi tả. Xung quanh, mười tên võ sĩ cũng chẳng khá gì hơn. Từ cổ tay giập gãy thõng xuống máu ri rỉ chảy. Đám gia nhân đi theo xe ngựa dồn cả một góc như mèo cụt tai không dám hé một lời.
Từ trước giờ quen thói hống hách, họ Đèo toan đem vài chục võ sĩ gia nhân tưởng đi trắng trợn cướp được mỹ nhân về nào ngờ rơi vào thảm cảnh còn bị tuyên tội chết hồn vía như lạc đi đâu mất mãi mới quỳ xuống lắp bắp nói:
- Đèo mỗ ta… đã biết sai rồi… Hãy tha cho ta… cần vàng bạc gì ta sẽ sai người đem tới tạ tội…
Trương Hống bấy giờ mới cầm lên thanh kiếm của một tên võ sĩ hộ vệ họ Đèo bước tới tuyên tội:
- Ngươi bây giờ mới biết tội ư? Tội dẫn đường cho giặc sát hại thị tộc, vàng bạc nào chuộc được? Làm đến chức tộc trưởng vẫn còn ham sống sợ chết tới nhường này thật không bằng lũ tiểu nhân. Nay ta cho ngươi chết toàn thây rồi cho đám gia nhân của ngươi đem về cũng là phúc cho Đèo Bá Hổ ngươi lắm rồi.
Nói đoạn, Trương Hống sấn mũi kiếm về phía trước. Nơi cổ họng viên ác quan họ Đèo đã bị đường kiếm hiểm vạch ngang rất ngọt. Máu từ cổ họng tuôn xuống ướt đẫm bộ quan phục cũng là lúc đầu Đèo Bá Hổ gục xuống.
*
Suốt hơn nửa tháng ròng, sau buổi giết ác quan Đèo Bá Hổ, bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy theo lời dạy của thầy Lã cho mời các thị tộc trong vùng Quế Lâm, Đông Ngàn, Vân Mẫu, Vân Dương tới bàn bạc. Nguyên vùng Vân Mẫu, Vân Dương vốn là quê gốc của Lã tiên sinh. Ngày trước các tộc trưởng nơi đây từng dắt tráng đinh theo tướng Nùng Trí tới ải Lão Thử chặn giặc. Khi bọn Lữ Phạm, Mông Kỳ phá vỡ Quỷ Môn Quan, các tướng Nùng Trí, Trịnh Đô tử trận cũng là lúc các tộc vùng thượng du theo mệnh lệnh Hữu tướng Phùng Thanh Hòa rút vào rừng sâu tính kế lâu dài.
Suốt thời gian quốc chủ Vạn Xuân thọ nạn nơi hồ Điển Triệt, tiếp đó vào động Khuất Lão, rồi ngài bạo bệnh qui tiên, dân các tộc vẫn luôn hướng về quốc chủ. Khi biết quốc chủ Vạn Xuân ủy thác binh quyền cho Tả tướng Triệu Quang Phục mưu đồ nghiệp lớn phục quốc, dân các tộc luôn nghe ngóng binh tình. Tới khi ngài Tả tướng đêm ngày chiêu mộ binh lương, gây dựng thủy trại, mấy lần huyết chiến đánh quân Lương thanh thế rất lớn, các thị tộc vùng thượng du ai nấy rất mừng, đều mong sớm có ngày theo về cờ nghĩa.
Khi trước bàn bạc với anh em họ Trương, thầy Lã đã nói kỹ các việc quân tình quốc sự. Vốn được thầy giỏi giáo dưỡng từ bé, lại sẵn dòng máu trượng nghĩa trong người, sau khi giết Đèo Bá Hổ, anh em họ Trương tha hết lũ gia nhân đi theo rồi chính danh tuyên lập cờ nghĩa thề đánh đuổi Lương tặc. Chỉ hơn nửa tháng, trai tráng khắp vùng kéo về tụ họp rất đông.
Lã tiên sinh bảo với anh em họ Trương:
- Việc chúng dân các thị tộc theo về với Trương gia cùng đánh đuổi Lương tặc là việc lớn của đại trượng phu ở trên đời. Song việc quân cơ tiến thủ phải hiểu được đại thế mới mong thành sự nghiệp. Ngài Tả tướng Triệu Quang Phục đã được dân các huyện Giao Châu suy tôn là Dạ Trạch vương cũng là gốc rễ của Vạn Xuân mà quân chúng theo về. Nay một mặt ta hãy cho người giả làm lái buôn luồn rừng về đại bản doanh Dạ Trạch vương bẩm báo mọi việc một mặt tích trữ binh lương, cử hai tướng Trương Lừng, Trương Lẫy đem quân bản bộ trấn thủ Quỷ Môn Quan như cũ để tuyệt đường lương thảo của giặc khiến chúng đầu đuôi không cứu ứng được nhau. Ngày trước, các thị tộc vùng thượng du một lòng hộ quốc nay toàn thể quân chúng dốc lòng theo Dạ Trạch vương phục quốc cũng là trời giao trọng trách cho Trương tộc vậy.
Bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy trước sau đều nghe theo mưu kế của Lã tiên sinh. Ngay cô gái út Trương Đạm Nương sau ngày Đèo Bá Hổ bị giết tính khí bỗng trở nên mạnh mẽ khác thường, nhất định đòi sung quân giết giặc được Lã tiên sinh phân phó việc trưng tập lương thảo. Đạm Nương ngày đêm dốc sức vì việc công lại làm rất có phép tắc nên quân lính trong doanh nhất mực phục tùng, lương thảo chiến giáp luôn dồi dào đầy đủ.
Cả vùng rừng núi thượng du Lục Đầu giang dẫn lên chân ải Lão Thử men theo các thung lũng nối hai bên bờ sông từ Quế Lâm, Đông Ngàn, Vân Mẫu, Quế Dương dân chúng các tộc theo nhau về dưới cờ nghĩa của anh em Trương Hống, Trương Hát rất đông. Nhiều vị tộc trưởng đem theo trâu ngựa, thóc gạo, gia đinh sung quân khiến thanh thế nghĩa quân ngày càng vang động.
Sau đó, anh em họ Trương vâng theo thầy họ Lã đem quân về dưới trướng Triệu Việt Vương đánh giặc lập công, trở thành đại tướng của nhà nước Vạn Xuân. Sau này, các đình, đền, chùa, miếu vùng sông Lục Đầu, sông Thương, sông Đuống, sông Hồng còn thờ các vị đến nay chính là Thánh Tam Giang vậy.