Trở về

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:00
Mận hộc tốc chạy, chạy như ma đuổi. Mặt đường nhựa đen sì lướt dưới chân. Bóng Mận đổ xuống lúc dài lúc ngắn, lúc co tròn lại, rồi lại ngoẵng dài ra mỗi khi Mận lướt qua một cột đèn dọc con đường khuya thị xã giờ này đã vắng người...

Mận cứ nhắm hướng bờ sông cắm đầu thục mạng. Mái tóc dài bị gió vò rối, quẫy phần phật như tay ai cầm mảnh vải đen vẫy. Trống ngực đánh thùm thụp liên hồi và tai ù đi, mắt hoa, mặt tái và môi thì bắt đầu nhợt. Sỏi đá, cỏ cát cứa đôi gan bàn chân Mận rát bỏng, cơ hồ rớm máu.

Chạy đi đâu, chạy về đâu? Mận chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng Mận đang phải trốn chạy một trận đòn thù. Và lửa thì đã bùng lên rồi, đòn đau và sự ê chề thì Mận đã vừa nếm rồi, thế nên Mận phải chạy. Từ nhỏ đến giờ, Mận mới phải làm một việc nặng nhọc đến như dồn hết sức cho cuộc chạy thế này, bở hơi tai như thế này.

Mệt. Rũ rượi. Đứt hơi. Mận lảo đảo ngồi bệt xuống bờ cỏ rệ sông. Cỏ may cọ ngưa ngứa vào bắp chân trần như sắp rụng ra của Mận. Gió lồng lộng vò tung mái tóc dài dày. Gió luồn qua hàng cúc bung xộc xệch nơi bộ ngực mới vào độ căng tức. Mát quá! Mát đến khô ráo như lau như lia mồ hôi, mát đến như muốn nổi da gà. Thoát rồi!...

Khi nhịp thở đã chậm, thấy ngực đau đau, Mận luồn tay vào vân vê nhè nhẹ đầu cặp nhũ hoa bé bằng hạt ngô non, nay đã sậm màu, khác nhiều với cái màu phớt hồng độ này tháng trước mà khi tắm nó thường hay soi gương ngắm nghía và lấy làm tự hào lắm vì vẻ đẹp của cái báu vật trời ban. Đầu cặp nhũ hoa có vẻ cương lên, răn rắn tựa như cục cao su non, ươn ướt? Đúng, có chút nước nơi đầu ngón tay. Lạ! Mận đưa ngón tay lên mũi… Ờ, có vị gì chua chua, thơm thơm như miệng trẻ con vừa ngậm vú mẹ. Mận mơ hồ thấy cơ thể nó khang khác, kể từ khi đầu nhũ hoa nơi ngực nó bắt đầu sậm màu…

Mận thở dài, nhớ đến lời của ông nó: "Con người ta nhân vô thập toàn, tốt xấu lẫn trong nhau. Như trong âm có dương, trong dương có âm vậy. Tạo hóa ban cho phải thế! Chỉ có điều, khi cái tốt chiếm nhiều trong tâm tính một con người, ấy là người tốt. Tà tâm chiếm đa phần, ấy là người bất thành nhân, con à… Bố mày bệnh tật, nóng nảy cục súc, nhưng cũng vì cuộc sống mà mày chịu roi vọt, bố mày là người tốt, chỉ lo cho gia đình…".

Ấy là ông nó nhắc đến những trận đòn roi của bố. Khi Mận còn ở quê, nó thường bị bố đánh trong lúc say. Cơn đau đầu kinh niên của bố làm Mận ăn roi như cơm bữa. Bố nó bị bệnh động kinh. Cũng lắm khi là những trận đòn vô cớ. Mỗi nhát roi quật là một câu gằn rít qua kẽ răng: "Quân ăn hại đái nát! Đồ lười chảy thây! Này…! Này…! Này…!". Mắt Mận nhòe nước, chỉ ôm đầu không dám cãi.

Minh họa: Hữu Khoa.

Khốn nạn, Mận bị bố nó chửi, đánh vì tội lớn ngồng ngỗng mười bảy mười tám rồi, lêu đêu như cây cọ trước nhà, mà chả được tích sự gì. Bố bảo, Mận mắc chứng lười, chẳng đỡ đần cho bố bầm để thêm cái đút vào mồm mấy đứa em lít nhít như khoai của nó. Nhà nghèo đông miệng ăn, chỉ trông vào mấy vạt chè. Đã thế còn phải gánh thêm ông nội mắt đã lòa, chân tay hậu đậu lẩy bẩy. Ông nó đã hơn chín mươi rồi. Đến bữa bầm toàn sai nó xới cơm mang sang ngôi nhà ngang cho ông ăn. Ông ăn dưới nhà ngang, tránh ngồi cùng mâm với cả nhà. Mắt ông kèm nhèm, tay chân run rẩy làm cơm canh vương vãi, thế nào bố nó cũng ngứa mắt, lên cơn đau đầu, nhìn lũ trẻ càu nhàu bâng quơ: "Quân ăn hại!". Lúc ấy, khóe mắt kèm nhèm đầy nhử đục lờ lờ của ông rịn ra mụn nước con con, cổ ông duỗi ra ngúc ngắc. Chắc ông bị nghẹn? Mận thương ông nó quá. Thế là ông cáo bệnh, ở lì dưới nhà ngang. Những ngày gia đình om như ong thế, ông nó suốt ngày lầm lì ngửa trên cái chõng tre đọc sách. Ông đọc chữ nho, có nghề xem ngày xấu tốt cho hàng xóm khi dựng nhà, mua trâu mua bò, cưới gả… Ông lão chụm những ngón tay, thả mấy đồng trinh leng keng vào cái đĩa sứ cũ con con. Mọi công to việc lớn thành bại ở cái xóm trại ven đồi này đều diễn ra sau tiếng leng keng ấy. Ông lão chỉ xem giúp chòm xóm thôi mà chẳng lấy của ai đồng hào nào.

Cách đây vừa tròn hai năm, Mận quyết rời bỏ cái nếp nhà tồi tàn bám trên sườn đồi có mấy cây cọ với vài vạt chè trước cửa ấy, để đi kiếm cơm. Mà lúc ấy nó cũng chẳng biết là phải đi đâu, kiếm cơm thế nào. Mận học hết lớp chín thì nghỉ. Bố nó vằn mắt bảo: "Không học nữa, tìm việc mà làm! Học làm gì, chữ nghĩa mà làm gì! Đói nhăn răng ra còn chữ với chả nghĩa mà làm gì?". Mận tối cái mặt lại. Nhưng Mận thì biết làm gì ra tiền? Phải ra khỏi cái nhà này càng sớm càng tốt, để thoát đòn roi từ tay ông bố bệnh tật và nghiện chửi rủa, cũng để bớt đi cơ số trong đội quân ăn hại của chị em nó. Mận thấy nó có lỗi.

Hôm ấy con Mận lại bị bố nó rượu vào lên cơn phẫn uất tẩn cho nhừ tử. Tối muộn, nó thút thít xuống căn nhà ngang với ông nội. Nó ngồi câm lặng và ngẫm ngợi, mắt nhòe nước. Rồi nó hí húi viết, dúi tờ giấy vào tập sách ố màu của ông nó, bảo ngày mai đưa cho bầm, rằng đây là giấy biên nợ tiền chè của khách người ta gửi lại. Ông lão nào có biết đấy là thư gửi lại cho bầm nó, báo rằng Mận sẽ không ở nhà ăn hại nữa. Nghĩ thế nào, nửa đêm con Mận thỏ thẻ vào tai ông rằng nó quyết phải đi để kiếm cơm. Ông lão chả ngăn, bởi có ngày nào ông không thấy nó bị bồm bộp đòn roi của thằng bố khùng? Nó cũng lớn rồi, như con chim ra ràng rồi…

Ông khóc. Ông lão lầm lũi mò trong ánh sáng lờ nhờ nơi góc cái tủ cũ, lấy cái đĩa sứ và ba đồng trinh ra leng keng một lúc. Trong ánh đèn leo lét, Mận thấy ông lắc đầu và mắt thì rớm nước: "Hào âm. Thượng lục. Thừa mã ban như, khấp huyết liên như". Con Mận ngơ ngác: "Ông bảo gì con?". Ông lão vẫn lẩm bẩm… "Bất tài bất trí, nhu nhược, lên lưng ngựa rồi vẫn dùng dằng mà khóc đến chảy máu mắt".

Mặt đứa cháu gái nghệt ra. Ông bảo: "Con đi chuyến này, không thuận, lành ít dữ nhiều, ra thiên hạ phải biết giữ thân, nhá!"… Con Mận ôm cổ ông, nước mắt vắn dài. "Con đi sẽ gửi tiền về". Mận nói thoảng vào tai ông lão. Vội lấy cái ba lô học trò từ khi Mận thôi học nay đã trở thành đồ thải, nhét mớ quần áo vào, rồi nó xuyên đêm mải mốt ra ga. Cữ giờ ấy, Mận căn có chuyến tàu xuôi…

*

… Cỏ may cọ vào bắp chân Mận ngưa ngứa. Mận đang rúc trong cái mớ ký ức hỗn độn, trống ngực đã bớt đánh, tai đã bớt ù, nhịp thở của nó đã dần đều lại. Gió sông vẫn lồng lộng luồn vào mơn man cặp nhũ hoa của nó. Mát! Mát quá!... Mận cứ mơn man đầu cặp nhũ hoa tí hon của nó, mắt để vào những sóng sánh vàng lợt bắt ánh đèn đêm từ nước mặt sông. Gió đẩy thứ mùi của rác rưởi hôi nồng hôi nặc, lại hăng hắc của cái đống như núi dưới kia. Chỗ ấy là nơi tập kết rác của thị xã. Nhưng hề gì, một khi chân nó đã mỏi và gió thì mát thế này, thân đã thoát khỏi chảo lửa rồi. Có nơi yên mà ngồi thở thế này là quá tốt…

Mận nghĩ, nay mai nó làm mẹ thì thế nào nhỉ? Nó mường tượng hai đầu ngón búp tay thon thả như cặp môi của đứa trẻ lọt lòng ngậm mút đầu vú. Nhột nhạt… Thinh thích… Mận thấy lòng nhẹ, tinh thần bung mở, cảm giác là lạ dồn về xâm lấn cơ thể con gái đang thì sung mãn đang chờ đợi cuộc khai hoa nở nhụy vào bảy tám tháng sau. Mận mỉm cười…

Thì bỗng, cánh cửa nguồn vui đóng sập: Chát…! Chát…! Chát!... Tai Mận ù đi, mắt nảy đom đóm. Da đầu Mận co rúm lại và đau bởi có bàn tay ai túm chặt mái tóc dày và dài. Giật mình, đám lửa cháy lại bùng đỏ rực trong đầu Mận. Tiếng con gái the thé như xé vải bên tai: "Con đĩ!... Mày phá gia đình tao. Mày nhai nát danh dự của tao, của gia đình tao! Mày làm mất mặt tao và mẹ. Đồ đĩ thõa! Đồ giết người!". Lại… Chát! Chát! Chát… Những cái tát giáng vào mặt vào tai vào lưng vào gáy làm Mận tối tăm mặt mày. Thình lình, cái bóng đang gào khóc, buông tóc Mận ra, liền chạy về phía bờ nước. Một tiếng ùm dưới xa. "Cái Yến. Con anh ấy!". "Yến ơi… đừng làm thế!". Mận tức thì bổ nhào theo cái bóng làm mặt nước loang rách những quầng sáng vàng của ánh đèn đêm...

May mắn, khi Mận kịp nhờ được một ông xe ôm chạy khuya chở cái Yến vào bệnh viện thị xã thì đã gần nửa đêm. Cú nhắn tin từ cái di động cổ lỗ của ông xe ôm vụt ném lên sóng: "Anh vào ngay bệnh viện thị xã. Cái Yến đang cấp cứu và nằm đó. Mận". Đấy là cái tin gửi cho bố cái Yến…

Chân Mận như thêm rã rời, hướng về phía ga. Còn tàu ngược giờ này không nhỉ? Thôi cứ ra đấy đã. Tai Mận lại vang tiếng leng keng của những đồng trinh từ lòng cái đĩa sứ cũ kỹ: "Thừa mã ban như, khấp huyết liên như"… "Khóc đến chảy máu mắt" là thế này ư? Truân chuyên là thế này ư?

Thực ra thì cái dáng con gái lêu đêu như cây cọ trước nhà mà bố Mận chửi rằng, chỉ là dáng lười nhác và ăn hại, thì khi xuống phố, cái dáng tưởng như vứt đi ấy lại đâm ra được việc. Ngày ấy, khi mắt Mận còn đang nhớn nhác và rụt rè trước tờ giấy dán ghi "Tuyển nhân viên" trước một nhà hàng karaoke, nó gặp ngay cái nhìn ti hí từ đầu đến chân như thợ may nhìn khách: "Được, mai vào làm!". Thế là hàng tháng Mận gửi đều về cho bầm vài triệu. Khách hát khen Mận đẹp. Hỏi, sao không đi thi người mẫu? Thì Mận thấy ngay cái giá của cái sự vống vót như cây cọ của nó ở chốn này rồi.

Nước da nõn nà, gương mặt không mấy xinh nhưng ưa nhìn của nó, thêm tí phấn son lại được việc ra trò. Những cuộc du đẩy thẹn thùng rồi cũng bớt đi. Nó tặc lưỡi, người dưng ấy mà, thây kệ. Đụng chạm thì cũng coi như tay mình sờ đầu gối mình, can gì? Nếu ngúng nguẩy cành cao thì chỉ có thiệt. Mấy đứa làm công như Mận sẽ rơi vào cái cơ bị mắng chửi, dọa đuổi của lão đầu cua chủ quán, cũng đồng nghĩa với cái  túi của nó sẽ lép. Chả dại! Mận biết rằng muốn được yên thân và căng cái dạ dày, ấy là phải biết chiều khách.

Thế nên khi Hưng, người đàn ông ham vui đáng tuổi cha chú ấp ôm, đụng chạm, bạo dạn thọc bàn tay tận đôi nhũ hoa đang độ mây mẩy của nó, thì sự dạn dĩ trong Mận đã nâng lên thành đẳng rồi. Vì là khách quen, Mận như không để ý đến bàn tay Hưng trong làn áo mỏng. Nhạc nện đến phá bung lồng ngực. Tiếng hát trong hơi men ông ổng rống như bò chọc tiết, lẫn tiếng cười nói ồn ào hỗn độn. Căn phòng nhoáng nhoàng ánh đèn màu đặc như xắn được ra thành miếng của những hơi người, hơi rượu bia và mịt mù khói thuốc. Hưng sấn tới. "Đau cháu, chú!", Mận co người, hơi nhích ra.

"Em đẹp như người mẫu!" - Người đàn ông tóc hoa râm nói và nghiêng quay lại phía bên kia trong ánh đèn mờ tối lục tìm cái gì đó. Sột soạt… Rồi làn da con gái nơi ngực Mận nhột nhạt bởi góc của cái gì như tờ giấy cưng cứng sắc nhọn cọ sát. Mận hiểu đó là tiền boa. Mận thấy phải thay đổi ngay cách xưng hô. "… Ngủ đi em đôi môi lửa cháy/Ngủ đi em mi cong cỏ mượt/Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc/Ngủ đi em tóc gió thôi bay…", chữ trên màn hình chạy lời một bài nhạc Trịnh. Người thì cứ ông ổng gào, mấy hình nhân khác thì hỗn độn nhí nhố chả ai nghe.

"Em tên gì, chắc người tỉnh xa?" - Người đàn ông tóc hoa râm nghiêng tai hỏi, giọng như chìm trong mớ âm thanh ầm ào. Mận rót bia vào cốc trước mặt người ấy, thật thà: "Cháu,… à,… em tên Mận...". Người kia vẫn nghiêng tai: "Hôm nay sinh nhật anh bạn đang hát kia, cùng làm nhân viên bưu tá chuyển phát nhanh với nhau ấy mà. Anh em tổ chức vui vẻ tí" - người đàn ông vừa nói vừa nháy mắt cười. Địa chỉ và số điện thoại nhoay nhoáy ghi trong ánh đèn mờ xanh đỏ loang loáng quét. Nhạc vẫn ầm ào…

Tháng kế, sau cuộc điện thoại báo, cũng chính người đàn ông tóc hoa râm đó đột ngột xuất hiện ở cửa phòng trọ của Mận với trịnh trọng bó hoa bọc giấy bóng kính trên tay: "Có người gửi tặng em qua điện hoa. Em nhớ cắm ngay vào lọ nhé. Tạm biệt. Anh còn phải đi chuyển bưu phẩm mấy nơi nữa…". Của ai tặng nhỉ? Mận ngỡ ngàng…

Những buổi hát hò dường như mau hơn. Khi sự thân tình đã là việc đương nhiên, thì "anh Hưng" đã thành cái danh gần gụi với Mận rồi. Hưng nói rằng, bận bịu quá, chưa thể tính đến chuyện vợ con. Ừ, Mận nghe thì biết thế. Khách hát ấy mà, sao vội tin? Tiếp những cuộc hẹn hò ở những quán cafe một trẻ một già rì rầm như bày gan bày ruột. Mấy tháng sau thì Mận biết tỏng cái ổ con chuồn chuồn. Thì ra ông tóc hoa râm nọ đã có vợ, có đứa con gái lớn như Mận. Nhưng mà, hoa và quà tặng, sự chu cấp tiền ăn tiền thuê nhà vẫn cứ đến như ép. Cứ nhận, mất gì!

Mắt Mận hoa lên. Ơ kìa! Đời Mận bỗng hóa phong lưu! Tiền có! Yêu chiều ngọt nhạt có!... Mận chợt bật cười, hóa ra cái dáng vống vót như cây cọ, một đứa con gái mang tiếng lười như hủi, bây giờ lại hóa phong lưu! Đời chả biết thế nào mà lần, nhỉ?

Trong lần sinh nhật thứ hai của Mận kể từ khi dạt về thị xã này, Hưng ngất ngư trong men say ở gian nhà Mận trọ, với váy áo, đồng hồ, dây chuyền tặng, với hương hoa ngột đến nhức mũi, thì cái không khí ấy làm Mận ngợp. Hưng say đến méo miệng, vuốt tóc Mận nói rằng: "Không ở đây nữa, anh đã thu xếp cho em một chốn riêng, chẳng phải thuê mướn gì nữa, nhé. Chốn mới ấy là nhà của em…". Âm sắc chắc như đinh.

Mận như nghẹt thở trong vòng tay Hưng nơi căn phòng trọ chật hẹp rượu chè bánh kẹo bày đầy trên tấm thảm ni lông in giả hoa trải đất. "Anh làm gì mà lắm tiền thế?". "Em hỏi làm gì. Chỉ biết… cái nhà đó là của em. Mai đi xem!". Ôi chao, nơi phố thị, tấc đất tấc vàng! Mận chớp mắt liền mấy cái định thần, Mận có mơ không? Thì rõ là không. Có tiền mua tiên cũng được…

*

Mận bây giờ đã xúng xính váy áo lượn ra lượn vào trong căn nhà cấp bốn ngoại ô thị xã. Người đàn ông đã ngoại tứ tuần tóc hoa râm bắt Mận bỏ hẳn quán hát. Chỉ đi ra đi vào để một tuần ngóng Hưng đến nghỉ ngày ở căn nhà ngoại ô vài bận. Hưng thường đến đây bằng xe con riêng, tự sắm. Mỗi lần như thế, Mận thường hất cái mặt lên cao khi ngoài đầu ngõ trẻ con túm tụm rì rầm: Ông này chắc đại gia! Thì đâu có gì sai! Bởi Hưng đã xác nhận với Mận rằng, Hưng chả phải thằng đưa thư bưu tá lèm nhèm. Hưng là giám đốc một công ty mây tre mỹ nghệ xuất khẩu, một doanh nhân đang phất ở thị xã này. Sức cưỡng yếu ớt hèn kém của kẻ thân cô thế cô như Mận, sao lại với sức mạnh của người đàn ông lắm của nhiều tiền? Thế mới chết!

Đôi khi Mận muốn thoát ra. Nhưng cưỡng làm sao, khi mà cái cô đơn của cuộc sống tha hương luôn đánh rỗng lòng đến hoang hoải, mà nhất là đôi nhũ hoa đã trót sậm màu rồi, thì Mận chép miệng rằng, phận mình nó thế. Thôi! Âu cũng là cái số hồng nhan bạc phận! Gửi đời nơi khác liệu có khá hơn? Chưa chắc! Mận là dạng người lưỡng lự, chả dám quyết đoán cái gì, nói chi đến cái sự đã đi quá thế này rồi. Đành vậy!...

Giờ Mận chẳng phải làm gì nặng nhọc. Mận phải giữ gìn sức khỏe để dưỡng thai, Hưng nghiêm mặt nhắc. Lại dặn, phải kin kín, kẻo mụ ấy mà biết thì rầy rà to. Mụ ấy, ấy là Hưng nhắc đến "con quạ già đành hanh nanh nọc" mà Mận đã từng nghe Hưng than vãn. Thị xã bé như lòng bàn tay, lộ ra là lành làm gáo, mẻ làm muôi. Điện đóm tin nhắn cũng in ít thôi, nhãng đi không kịp xóa điện thoại, là tanh bành ngay! Dặn nữa: Thân Mận tàn tạ đến đâu chưa biết, nhưng chắc sẽ phải bán xới! Bán xới đấy, kinh không! Hưng còn gánh cả cái công ty trên vai nữa.

Điều tiếng loang ra, mấy công ty mây tre khác nó lợi dụng nó bôi, nó chen lên, có mà ăn cám! Thương Hưng, Mận phải giữ nhá! Gia đình lộn xộn, đến công ty nói còn ai nghe?!... Dặn nhiều lắm. Đáp, "vâng…!". Thôi, phúc phận mỗi cây mỗi hoa…, Mận an ủi. Mận cho là giời trao phận nào phải chịu phận nấy, phải yên đi.

Nhưng cái sự kin kín ấy chẳng được bao lâu. Như vừa tối nay xảy ra chuyện lớn đây. Mận ngồi co chân lười nhác lùa bát súp yến mà mấy tuần trước Hưng đi công tác đưa về cho Mận tẩm bổ, dưỡng sức. Hưng sao lâu đến thế? Người đâu mà hẹn rơi hẹn vãi. Thật chả ra gì! Mận nhắn cái tin điện thoại và chờ. Im lặng… Hai, ba cái tin. Vẫn im lặng… Ghét quá!... Nhưng Mận nghĩ, Hưng có đáng để Mận giận không? Ai mang đến để Mận có được phận bà giám đốc, dù chẳng chính danh, nhưng được cái nhàn nhã như bây giờ? À, hình như tối nay Hưng có công có việc gì thì phải? Việc công ty bận lắm…

Mắt Mận vừa lơ đãng liếc màn hình điện thoại, chờ tin, thì đùng đùng có cái taxi xịch đỗ trước sân. Một bà dáng phục phịch vác cái mặt to như cái lệnh lên trời, sầm sập đi vào gạt phăng bát súp văng khỏi mặt bàn Mận ngồi: "Đồ mặt dày! Đồ đĩ dài đĩ rạc! Đồ cướp chồng! Bà thì dạy cho mày biết thế nào là phận gái chao hớt đơm chồng người, nhá! Này thì cho kẻ làm hoại danh nhà bà này! Này thì làm con bà xấu hổ bỏ học này!... Này…! Này…! Này...". Khiếp!

Đòn thù bình bịch, đòn ghen sấm sét làm Mận tối tăm mặt mũi. Một thôi một hồi, trong cảnh hỗn mang tối sáng, Mận thoát được, băng ra sau nhà và chạy, thấy nhoáng sau lưng căn nhà đã nhoàng những lửa. Lửa đỏ ối phần phật rọi sáng lưng áo ngủ của Mận, đẩy Mận chạy nhanh hơn. Khi mặt đường nhựa không còn cảm giác dưới chân nữa, thì Mận đã tới bờ sông…

… Khi Mận mượn được cái điện thoại cổ lỗ của người xe ôm nhắn tin cho Hưng là con gái Hưng đang cấp cứu ở bệnh viện, thì Mận thấy không thể ở thêm nơi này một giờ một khắc nào nữa. Mận rũ rượi lê bộ ra ga. Mệt quá, nó dựa vào gốc cột điện trên có treo cái loa truyền thanh. Trên ấy, giọng Hưng đang trả lời phỏng vấn trong chương trình "Doanh nhân thành đạt của thị xã" buổi phát cuối ngày. Mận cau mặt nghe. Tiếng loa như cái dùi đâm chui từ tai nọ sang tai kia.

Đầu ong ong, Mận chẳng nhớ được gì. Thôi, nghe mà làm gì! Mận rời xa nhanh cái cột đèn có tiếng loa oang oang trên cao như trốn chạy… Mắt Mận ậng những nước. Bên tai bỗng vang lên khúc ca ru lòng: "Rừng đã cháy và rừng đã héo/ Em hãy ngủ đi/ Rừng đã khô và rừng đã tàn/ Em hãy ngủ đi…"

Mận đi về phía ga chờ chuyến tàu đêm ngược. Nó thất thểu đi trong âm thanh leng keng của những đồng trinh rơi xuống lòng đĩa sứ cũ. "Nhân vô thập toàn". Ừ, vốn đời tốt xấu chen lẫn nhau, khó ai mà hoàn hảo. Như Mận, nhan sắc đấy, mà cũng truân chuyên đấy thôi. Có lẽ Mận sẽ sinh con và dừng đường tình của một kiếp hồng nhan, sau trận lửa cháy này?

Chả dám nghĩ xa xôi, nhưng Mận không muốn mang phận gái hồng nhan thêm một ngày nào nữa. Mận muốn về với bố, với bầm, với ông nội và các em. Con người là trân quý. Mận nhớ lời ông nói, nên của cải lớn nhất trời ban cho là Mận mang theo giọt máu đang dần tạo hình hài trong cơ thể. Mận sẽ cùng nó lên chuyến tàu đêm về ngược ngoài ga kia. Nơi ấy, tiếng rúc còi tàu như réo gọi người trở về… 

Truyện ngắn của Văn Ba
.
.