Triết lý barie

Thứ Hai, 24/12/2012, 09:05

Anh về đây! Ông đứng dậy, bà đứng lên theo. Cơ hội vớt vát cuối cùng: theo bản năng ông nhoài người choàng lấy bà, chủ định thơm lên má, lên môi bà, chủ định ép chặt vào người bà, ép cho đến khi cả hai cùng tan chảy. Nhưng bà đã có phòng bị, quay ngoắt, lùi lại. Ông hẫng hụt bước theo. Bà đi nhanh ra mở cổng, rồi quay lại nói với ông: "Bao giờ anh tổ chức cho cậu thứ nhớ mời em, không cần đưa thiếp, chỉ cần nhắn tin qua điện thoại là đủ"...

Cuối năm. Giờ mới là lúc thăm thú bạn bè. Người ông bấm điện thoại gọi đầu tiên là Duyên Hà. Giọng bà vẫn trẻ trung như dạo nào: "Em đang ở nhà một người bạn, khoảng nửa giờ nữa anh đến nhá, ngõ 42, ngách 6, số nhà 12, phố…". Trước đó, ông tổ chức cho thằng cả, mời cơ quan cũ, số người đi dự tiệc cưới được có một phần ba. Bà đến làm ông hoàn toàn bất ngờ bởi trước đó không biết địa chỉ nơi ở mới hay số điện thoại để mời. Bà vui vẻ bảo: "Cũng là tình cờ đến nhà một người bạn thấy có tờ thiếp báo hỉ của anh nên em mới biết mà đến". Hôm đó bà đã cho ông số điện thoại mới. Bà kém tuổi ông đến một "giáp", nghĩa là cùng cầm tinh con hổ. Ngày trước gia đình bà sống trong căn hộ chót vót tầng năm thuộc một khu tập thể lâu đời của thủ đô.

Còn nửa giờ nữa, ông tranh thủ tạt qua nhà hàng xóm. Trò chuyện được một lúc, đã nghe điện thoại của bà giục: "Anh đến đi!". Giọng mời gọi thân tình của người trong mộng năm xưa bỗng làm ông phấn chấn, phóng xe tới ngay.

Duyên Hà là nhân viên của phòng ông cách đây hai mươi bảy năm, là người đẹp của cơ quan dạo đó: cao ráo, trắng trẻo, gương mặt thanh tú, nét cười mặn mà. Ông lên chức trưởng phòng lúc mới gần ba mươi tuổi, rất phong độ, làm sếp của phòng kế hoạch tổng hợp nhưng có tâm hồn bay bổng của một thi sĩ, vừa gặp đã thấy mến cô nhân viên mới tuyển mỏng mày hay hạt ấy. Hằng ngày Duyên Hà thường qua lại phòng ông làm việc, nhí nhảnh, tha thướt. Chỉ một tuần sau khi nàng về cơ quan, tức cảnh sinh tình ông đã làm bài thơ, tựa là "Muộn màng", đề "Tặng D.H" và âm thầm gửi một tờ nhật báo. Không lâu sau bài thơ được đăng. Khi mọi người đi ăn trưa, nghe tiếng chân nàng phía cầu thang, ông gọi lại và tặng tờ báo. "Gì thế anh?". Nàng hơi ngỡ ngàng nhận tờ báo còn thơm mùi mực. "Cứ đọc khắc biết" - Ông tủm tỉm. Buổi chiều hết giờ nàng cầm theo tờ báo gõ cửa vào phòng ông, cười tươi, nói: "Em cảm ơn Trưởng phòng - thi sĩ". "Được không?" - Ông ngửng lên, nhìn xoáy vào nàng chờ một lời tán thưởng. "Hay ạ, tất nhiên em chỉ là cái cớ, anh nghĩ về một cô nào đó chẳng hạn…". Ông chấn chỉnh liền: "Tặng riêng Duyên Hà thật đấy". "Thế thì em cảm ơn. Thời con gái cũng có vài cậu mết em nhưng không có bài thơ nào cả, nhất là thơ được đăng báo thế này". "Em thích câu nào nhất?" - Ông ngắt lời. Tươi như hoa, giọng nàng ngọt như mía lùi: "Cả bài ạ". "Nhưng phải có câu tâm đắc chứ?" - Ông gặng. Nàng đến gần ông và chỉ vào mấy câu giữa bài: "Nỗi đam mê muộn màng/ Thật đến hồn nhiên/ Bỗng trẻ lại trong nụ cười em trẻ/ Bỗng mới lại trong tim điều không còn mới mẻ…".

                        *

Thời điểm ấy ông đã có thằng cả và nàng cũng đã có con gái đầu, cô bé kháu khỉnh nhưng chắc mai lớn không thể xinh bằng mẹ. Đôi khi có dịp ông hỏi chuyện chồng con của nàng và không khó nhận ra nàng không thực sự hạnh phúc, chồng nàng chỉ giỏi kiếm tiền chứ ít quan tâm đến vợ con. Nàng sinh đứa thứ hai, lại gái, nhà chồng độc đinh, vậy là dòng họ bên chồng không có người nối dõi tông đường. Có lần đến chơi, ông nói vui với chồng nàng: "Chú sướng, toàn đồ ngoại; tôi khổ…". Thấy mặt anh chồng xịu xuống, ông biết mình lỡ lời, vội lảng ngay sang chuyện khác. Thường ngày nàng đến cơ quan vẫn tươi cười với mọi người, song có lần ông bắt gặp ánh mắt buồn buồn khi nàng ngồi một mình bên cửa sổ nhìn ra xa. Một bận nàng vào phòng ông trao đổi công việc, xong định về, ông bảo ngồi lại và hỏi lửng lơ: "Duyên Hà dạo này thế nào?". "Anh bảo thế nào là thế nào ạ?". Đúng là nàng cố tình không hiểu, ông hạ giọng: "Về cuộc sống riêng tư ấy".  "Bình thường thôi trưởng phòng ạ". Nàng cười mà vẻ mặt không mấy tươi tỉnh như mọi khi. "Chú ấy có quan tâm đến em không?" - Ông hỏi tiếp. "Vẫn vậy - nàng nói - đến tuổi này sao mà sửa tính, sửa nết người ta được cơ chứ". Ngồi yên một lúc, rồi nàng chủ động đổi chủ đề: "Trưởng phòng có làm được bài thơ nào nữa không ạ?".  Ông lắc: "Không hứng lắm". Nhưng sau lần ấy ông lại làm thơ, một bài thơ tình đượm buồn. Xong, ông gọi Duyên Hà vào phòng, lẳng lặng chìa bài thơ mới toe đó ra. Nàng chăm chú đọc, trả lại tác giả, hỏi bâng quơ: "Đăng báo chứ ạ?". Ông hỏi lại: "Em thấy thế nào?". Nàng cười, mắt ánh lên tia nghịch ngợm, lẩy một câu Kiều: "Rằng hay thì thật là hay/ Xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào".

Ông lại lẳng lặng gửi bài thơ ấy cho tòa soạn báo, chờ mãi không thấy đăng. Thôi cho qua. Ông vốn có một cách nghĩ riêng, tạm gọi là "triết lý barie" với cuộc đời này. Barie là rào cản, mấy ai bằng lòng với cái đã có đâu, nhưng có mấy ai dám mạnh mẽ chối bỏ nó, bởi đều sợ phải vượt qua nhiều barie. Nào là cần giữ yên ổn hạnh phúc gia đình, vợ con là cái số rồi; nào là giữ quan hệ cấp trên cấp dưới, quan trên nhìn xuống, người ta trông vào; nào là phải biết kiềm chế những ham muốn tầm thường để đạt tới công danh sự nghiệp… Thôi thì mình cũng chỉ là mượn thơ nói hộ nỗi lòng, một việc vô thưởng vô phạt! Một lần đang đi xe về nhà, nhác thấy nàng phía trước, ông đuổi theo, bảo vào một quán cà phê có chuyện muốn nói. Nàng nhẹ nhàng từ chối: "Em có việc sang nhà đứa bạn bây giờ". Ông nài nỉ: "Anh cũng có việc cần bàn với em ngay, độ mươi lăm phút thôi mà". Đến khi ngồi đối diện, ông lúng túng chưa tìm được lý do "cần bàn với em ngay", nàng với vẻ mặt cảm thông, dường như đã biết trước ông định nói gì: "Em sống thế nào?". Cuối cùng vẫn chỉ là câu giao đãi ấy và nàng vẫn cười với câu trả lời như lần trước. Đến khi rời quán, nàng trêu: "Dạo này thi sĩ vẫn thơ phú đều đều chứ ạ?".

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Đêm hôm ấy như có một động lực vô hình, ông thức rõ khuya hì hụi viết một mạch bài thơ dài tới trăm câu, một bài thơ tình chính hiệu có đủ các ngôn từ quen thuộc như mọi bài thơ tình buồn và tuyệt vọng khác, cũng chua thêm dòng "Tặng D.H" dưới tựa đề. Lần này ông chủ động đến nơi nàng làm việc, đang cắm cúi trước đống sổ sách chứng từ hóa đơn và đặt trước mặt nàng mấy trang giấy kín chữ rồi quay nhanh về phòng mình. Buổi chiều hôm ấy ông ngồi trầm ngâm hồi lâu, hết giờ làm việc vẫn chưa đứng lên, tai căng ra phía cửa. Thời gian chậm chạp trôi. Không có tiếng gõ cửa. Nàng không đến. Lúc đó ông bỗng ngộ ra tâm hồn mình vẫn rất trẻ trung, đủ đầy cảm giác như của một chàng trai lần đầu hẹn hò với bạn gái: bồng bột, bối rối, hồi hộp, khắc khoải, hờn giận, chờ mong…

Tất nhiên, chẳng thể có chuyện gì thay đổi sau "lời tỏ tình trên giấy" kiểu như vậy, việc ai nấy làm, hàng ngày gặp lại nàng vẫn thăm hỏi, chuyện trò thoải mái vô tư. Cũng phải thôi, cái triết lý barie luôn ngự trị. Lại một lần, sau bữa tiệc trở về ông đã chếnh choáng hơi men. Nhác thấy bóng nàng từ cổng cơ quan ra, ông lẳng lặng bám theo đến tận khu tập thể cổ kính nọ. Và khi nàng gửi xe máy ở tầng trệt, định leo lên gác thì ông xuất hiện đứng chắn lối lên. Nàng tỏ ra hơi ngạc nhiên, còn ông  mạnh bạo cầm tay nàng và bảo: "Duyên Hà, anh có việc muốn nói với em, chuyện hơi dài, ta ra cái quán gần đây…". Chưa để ông nói hết và cũng cứ để bàn tay mình trong bàn tay nóng hổi nắm chặt của ông, nàng điềm tĩnh: "Chuyện anh định nói em biết rồi. Về đi kẻo chị mong. Hôm nay anh uống hơi nhiều đấy!".

Bị giội gáo nước lạnh, trên đường về ông chỉ còn biết tự trách mình về sự nông nổi, hệt như thời trai trẻ hay bị các bạn cùng trang lứa trêu là "dại gái" và "giầu trí tưởng bở". Nhưng rồi chuyện gì sẽ phải đến cũng đến với nàng. Hôm ấy ông thấy nàng ngồi lì bên cửa sổ, mọi người trong phòng đã đi ăn trưa cả. Khi ông vào, nàng như choàng tỉnh, mặt nhợt nhạt nhìn ông với đôi mắt đỏ hoe. "Em sao thế?" - Ông hỏi. Nàng vụt đứng lên nhìn ông cười gượng mà bảo: "Em bình thường". Ông quyết định đi ăn trưa cùng nàng tại một quán ngoài phố, và nàng đã thú nhận đúng là trong nhà đang có chuyện buồn. Chồng nàng  từ lâu đi lại dấm dúi với một người đàn bà khác, có con với người ta, lại là con trai. Thằng bé vừa được ba tuổi, giống bố như tạc. Anh ta đưa nó về và thú thực với nàng, muốn nàng tha thứ, tự định liệu, chấp nhận mọi thua thiệt chỉ để có được đứa con nối dõi tông đường: "Ghen tuông, đập phá cũng chẳng được ích gì, giải tán thôi, anh ạ - Nàng buồn rầu nói với ông - Ra tòa em sẽ nhận nuôi cả hai con". Nói xong nước mắt giàn giụa, nàng gục mặt xuống bàn.

Sau cuộc chia tay với anh chồng bội bạc, nàng vẫn ở căn hộ tầng năm với hai con gái, hằng ngày đến cơ quan vẫn cười cười nói nói, song sao mà giấu nổi nỗi buồn từ những mất mát, trống vắng quá lớn như vậy. Có kẻ còn rỉ tai nhau: rõ là hồng nhan bạc phận! Cũng từ buổi đó, ông chủ ý giữ khoảng cách với nàng. Không làm thêm bài thơ nào nữa và cũng không chủ động gặp nàng, chỉ đơn giản là ông không muốn bị điều tiếng thị phi trong cơ quan. Nàng thì chỉ khi có việc thật cần thiết mới gặp ông, trao đổi xong là đi ngay, ông ngầm hiểu đó là bản năng tự trọng đáng quý của nàng. Giờ nàng đã là người tự do, nhưng ông thì vẫn vậy, là con người của xã hội, của công việc với bao mối ràng buộc, hệ lụy. Thì ra làm cái anh thi sĩ, cũng chỉ là để mua vui cho thiên hạ hay khóc mướn thương vay hộ người ta thôi. Làm gì có ai dám dỡ bỏ barie để đến với nhau, để có một "tình yêu lớn". Những suy nghĩ ấy đôi khi làm ông chán chính mình, khinh cái sự hèn đớn trong con người công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về của mình. Nhưng rồi lại có bao chuyện quên quên nhớ nhớ trong cuộc sống thường nhật, suy cho cùng sống trên đời vui là chính. Những khi trà dư tửu hậu còn tự sướng vỗ ngực cho rằng mình đang lãnh sứ mệnh cứu nhân độ thế nữa.

Nàng còn xuân sắc, cũng không thể ở vậy lâu, sau cuộc chia tay với anh chồng đầu, nàng đi bước nữa với một người đàn ông hiền lành trung hậu, vợ đã mất vì bệnh ung thư, có một con riêng. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, hai con trai của ông đã lớn đi làm, còn hai cô gái của nàng đều đã thành thiếu nữ, thi đỗ đại học. Rồi ông đến tuổi hưu, nàng cũng về nghỉ sau ông vài năm.

                          *

Hôm nay theo chỉ dẫn của bà, không khó để tìm ra chỗ ở mới, từ đường chính quẹo trái quẹo phải. Ông đến gặp lại bà với cái cảm giác hết sức phấn chấn, dường như giờ đây giữa hai người đều không còn điều gì níu kéo, ràng buộc, giờ mới là lúc phá sạch bách mọi barie để chàng thi sĩ tìm đến với nàng thơ đích thực của mình. Bà hiện ra sau cánh cổng sắt xanh xám, nổi bật với cái áo khoác mầu cánh sen, vẫn khuôn mặt trái xoan, nụ cười đằm thắm dạo nào, chỉ có khác đến gần dễ nhận ra những vết nhăn sau đuôi mắt, khóe miệng, điểm thêm vài nốt tàn nhang li ti bên rìa cái trán hơi dô bướng bỉnh. Bà thân tình chìa tay ra trước, ông vội nắm lấy và cứ tự nhiên dung dăng dung dẻ mà cùng tiến vào phòng khách. Bà rót ra thứ rượu sóng sánh mầu mật ong, vui vẻ giơ ly trước ông.

Ông hỏi: "Nhà đi đâu cả?". Bà bảo: "Nhà em vừa bay vào Sài Gòn để thương thảo một hợp đồng kinh tế; cháu đầu đến cơ quan; cháu sau đến trường chuẩn bị đồ án tháng ba này là bảo vệ tốt nghiệp; còn cậu con riêng của anh ấy thì đã cùng vợ con sang sống ở Đức được hai năm nay". Lâu lắm ông mới uống Scotch Whisky, thơm và bốc, gò má bà cũng dần ửng hồng sau khi nhấp môi thứ rượu nặng. Ngồi sát bên nhau. Ông tìm lại bàn tay nhỏ nhắn với những ngón thon dài trắng trẻo và vuốt ve mãi. Bà không rút tay khỏi tay ông, lại vui vẻ kể nửa tháng nữa là đến ngày ăn hỏi cô gái đầu, chồng chưa cưới của nó vừa làm tiến sĩ ở Pháp về. Bỗng ông nói bâng quơ: "Đàn bà sang tuổi ngũ tuần thì…" Bà hiểu ý ngay, bảo: "Còn dăm bảy năm nữa cơ". Trong lòng ông bỗng trào lên một cảm giác mới mẻ, khó tả. "Em vẫn đẹp - Ông nâng bàn tay bà lên môi thơm nhẹ một cái và nói - Anh thì già quá rồi phải không?". Bà lặng thinh. Dường như giữa hai người không còn cái barie nào nữa, ông bỗng choàng ôm ngang lưng bà và vội vàng hôn tiếp lên gò má ửng hồng của bà. Và ông còn đủ tỉnh táo để hiểu hành động của mình: đó cũng là những phép thử cố hữu của cánh đàn ông trước người đàn bà mà mình si mê, muốn chiếm đoạt song không thể biết trước tâm trạng của họ, hoặc là thuận theo hoặc là ăn cái tạt tai sau sự sàm sỡ. Bà vẫn không có phản ứng nào đột ngột, chỉ tiếp tục rót rượu vào ly đã cạn của ông. Càng hứng khởi, ông choàng tay ôm ngang lưng bà, chợt nhìn xuống đùi bà đang ép sát đùi mình, liền lấy tay kia vuốt vuốt, thầm thì: "Đùi em thon đẹp quá! Sắc diện không đổi". Bà cười nhạt bảo: "Đẹp gì!".

Bao năm qua chỉ là "tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không", mà giờ đây người đàn bà ấy bất ngờ hiện hữu, gần gũi thân mật đến lạ thường. Cánh tay đang choàng ngoài tấm áo mầu cánh sen bỗng lẩn ngay vào bên trong, bắt gặp nếp gồ của lớp mỡ sệ nơi eo lưng cùng cái dải xu chiêng thắt ngang: "Đừng! Đừng làm em nhột!" - Bà khẽ kêu lên và vặn người làm bàn tay đang sục sạo rời hẳn ra ngoài. Đoạn bà cúi xuống lấy trên bàn cái điện thoại di động bấm, giọng đều đều bình thản: "Chị à, giờ giấc đón dâu không thay đổi chứ ạ? Những cậu bé nhận quả nhà gái, trước lúc đi chị nhớ nhắc chúng áo trong quần gọn gàng đấy nhé". Bỏ điện thoại, bà quay sang ông nói: "Bên thông gia nhà em cũng cẩn thận nền nếp lắm, nhưng em vẫn phải nhắc vì rút kinh nghiệm có đám ăn hỏi cô cậu bê tráp ăn vận nhếch nhác quá, mất cả sự trang trọng". Ông thì chưa thể nguôi ngoai ngọn lửa dục vọng vừa bùng lên làm mọi cơ bắp trong người trở nên căng cứng, chỉ còn nghe lấy lệ, bàn tay vẫn muốn nghịch ngợm lần tìm trong làn áo cánh sen kia. Bà tiếp tục giẫy người, nhắc nhở: "Đừng, em nhột!". Và bà lại cầm cái điện thoại lên bấm bấm, lần này cho cô con gái đang ở công sở: "Con à, trưa về ăn với mẹ chứ?". Ông nghe rõ tiếng trả lời trong điện thoại: "Vâng, mười một giờ con về".

Bà rót tiếp. Ông giục: "Em uống đi chứ". Bà bảo: "Chút chút thôi, em sợ say lắm". "Em quá tỉnh thì có". Nói rồi ông lại cúi xuống vuốt trên cái đùi thon thon âm ấm sát cạnh, còn nhảo mắt muốn tìm hiểu sâu rộng hơn nữa trên cơ thể mà lại không đủ sự chai lì, can đảm cần thiết. Rồi ông nói ra câu có phần thừa: "Duyên Hà ạ, anh thích em từ lâu rồi!". Bà chỉ cười, cái cười độ lượng, cảm thông, vẫn cho phép "tay ải tay ai" nghịch ngợm có giới hạn: "Anh thích em". Ông nhắc lại, chủ ý không dùng câu: "Anh yêu em" mà theo ông không thích hợp lúc này, chỉ dành cho bọn hậu sinh. Bà hỏi giọng tỉnh queo: "Bao giờ cho nốt cậu hai đi ở riêng?". Ông trả lời qua loa: "Sắp". Ngôn ngữ giờ là thừa, cần nhường chỗ cho những hành động leo thang! Nghĩ vậy nhưng ông vẫn còn tỉnh táo để nhìn  xoáy vào đôi mắt bà muốn tìm một sự mê đắm, đồng nghĩa với bật đèn xanh cho một cuộc lên giường. Song ông hoàn toàn thất vọng: vẫn là cái nhìn tỉnh như sáo, chắc hẳn bà ấy đã đón bao khách trong phòng này cũng với thần thái an nhiên tự tại như thế. Rồi cả hai chợt lặng đi giây lát, cho đến khi ông tìm được câu phá vỡ thế bế tắc: "Em còn nhớ bài thơ anh tặng ngày trước không?". "Bài dài hay ngắn?". Hẳn bà chỉ còn nhớ bài thơ đầu ngắn hơn  nhiều so với bài thơ cuối. "Em thích bài nào? - Ông hỏi tiếp. "Giờ em nhớ mỗi câu Nỗi đam mê muộn màng thật đến hồn nhiên của anh thôi" - Bà nhìn ông, vẫn là cái nhìn độ thế của khuôn mặt hoàn mỹ siêu thoát trong pho tượng đá Phật Bà Quan Âm ta vẫn gặp nơi chùa chiền. Bà nhẹ nhàng nói tiếp, không hiểu đó là lời khen hay trách móc: "Bao năm qua anh vẫn vậy thôi…". Ông chợt buông tay ôm eo bà và không giấu được tiếng thở dài. Đồng hồ trên tường sắp đến mười một giờ.

Anh về đây! Ông đứng dậy, bà đứng lên theo. Cơ hội vớt vát cuối cùng: theo bản năng ông nhoài người choàng lấy bà, chủ định thơm lên má, lên môi bà, chủ định ép chặt vào người bà, ép cho đến khi cả hai cùng tan chảy. Nhưng bà đã có phòng bị, quay ngoắt, lùi lại. Ông hẫng hụt bước theo. Bà đi nhanh ra mở cổng, rồi quay lại nói với ông: "Bao giờ anh tổ chức cho cậu thứ nhớ mời em, không cần đưa thiếp, chỉ cần nhắn tin qua điện thoại là đủ".

Ông mất cả ngày với bao ý nghĩ rối mù, quẩn quanh: Bà ấy đối với mình là thế nào nhỉ? Và không sao tìm được câu trả lời khả dĩ. Sau đó đã mấy lần ông gọi lại cho bà, không có ý định giãi bày hay thanh minh thanh nga gì sất, chỉ đơn thuần là muốn được nghe giọng điệu cùng cái cách nói chuyện của bà, có gì khác sau lần vừa gặp hay không? Nhưng cả mấy lần chuông điện thoại di động cứ reo mãi, reo mãi đến khi tổng đài nhắc nhở mấy lần:  Không có người thưa máy

P.Q.Đ.
.
.