Trả nợ kiếp trước

Thứ Hai, 12/06/2017, 08:11
Tuấn hối hả đẩy xe hành lý về phía cửa ga đón khách. Nhiều người đang chen nhau đón người thân. Những cánh tay vẫy gọi, những ánh mắt tìm những ánh mắt, những nụ cười vui sướng khi nhận ra nhau. Tuấn hớn hở đẩy xe nhanh hơn, nhưng thật lạ, không thấy bóng dáng mẹ con Bình đâu. Ra đến tận cửa ga Tuấn vẫn cố dõi tìm. Vô vọng.

Tuấn đứng chơ vơ một mình dưới cái lạnh tái tê của buổi chiều đông. Cơn mưa nặng hạt từ đâu đổ ập xuống tưới đẫm con đường đón khách. Mưa trái mùa. Xối xả. Bầu trời xám xịt. Những bóng người loáng thoáng, ẩn ẩn, hiện hiện phía ngoài cửa kính. 

Trước mắt Tuấn là những bó hoa sắc mầu sặc sỡ, là những nụ cười, những cái ôm nồng ấm và cả những giọt nước mắt. Ai cũng có người thân đến đón. Để mà cười. Để mà khóc. Còn Tuấn..., cái cảm giác bất an cứ trỗi dậy làm trái tim như bị bóp nghẹt. Hay là mẹ con cô ấy... Bao nhiêu ý nghĩ điên rồ cứ ập đến, Chắc chắn phải có chuyện gì rồi...

Hàng trăm câu hỏi cứ tới tấp dồn nén. Tuấn như người mộng du cho đến khi chiếc xe khách về tận nhà. Tuấn ngẩn ngơ đứng đó tưởng như không thể bước nổi lấy một bước. Đêm muộn, lạnh ngắt. Đường phố vắng hoe. Bóng mấy chị lao công cùng chiếc chổi tre run rẩy theo từng nhịp chổi, chạy dài tới tận cửa nhà. Ánh đèn vàng khè lọt qua khe cửa sổ sao mà âm u, buồn tẻ đến thế. Cảm giác bồi hồi, lo lắng lại ập đến khi Tuấn bước qua thềm cửa.

- Ôi bố.

Thằng Bình chạy ào ra ôm chầm lấy bố. Tuấn ôm chặt lấy con, nước mắt cứ muốn trào ra, mọi suy đoán, ưu lo buồn phiền tan biến hết.

- Mẹ đâu con?

Nó không trả lời mà nắm tay lôi anh vào phòng. Anh giật thót người khi một giọng nói yếu ớt nghe như tiếng nấc vọng ra:

- Anh đã về.

Không khí lờ nhờ như lởn vởn những làn khói xanh mỏng tang trong căn phòng nhỏ. Ngọc đang nằm nhìn trân trân lên trần nhà, nước mắt lặng lẽ chảy. Tuấn ôm chặt lấy thân hình bé nhỏ của vợ. Anh lặng người đau đớn. Bốn năm xa cách, bốn năm đợi chờ, sao lại như thế này Ngọc ơi! Ngọc chết lặng đi, không còn cảm giác gì dù đang nằm trong vòng tay âu yếm của Tuấn.

*

Những kí ức đau buồn cứ hối hả chảy trong Ngọc. Ngọc cắn chặt môi mà vẫn không thể ghìm được tiếng nấc nghẹn ngào. Ngọc thầm tự chửi rủa mình, chửi rủa cái xấu xa không dứt bỏ được để đến nông nỗi này. Ngọc muốn chết mà không thể chết được. Mỗi khi nghĩ đến đứa con gái, nghĩ đến chồng ở nơi xa, Ngọc cảm thấy ân hận và tủi nhục.

Trước khi gặp Tuấn, Ngọc cũng chẳng thể nào nhớ được mình đã trở thành đàn bà từ khi nào, với ai, trong cuộc ái ân nào. Cuộc đời có thể cứ thế trôi đi đưa Ngọc đến một bến bờ nào đó, nhưng Ngọc đã kịp dừng lại khi gặp Tuấn. Ngọc đã tìm được người có thể làm chồng, làm cha những đứa con của Ngọc. Ngọc thấy thật may mắn khi gặp được Tuấn.

Tuấn là người thông minh, học giỏi, đẹp trai vốn là sinh viên Trường Bách khoa, đã làm cho nhiều cô sinh viên thầm yêu trộm nhớ. Tuấn đã yêu, rất yêu một cô bé học dưới anh hai lớp, nhưng rồi không hiểu sao Tuấn lại bập vào cô mậu dịch viên bán thịt lợn. Cũng như những người đàn ông khác, Tuấn đã không thể cưỡng nổi được đôi mắt đen lúng liếng đa tình của Ngọc khi xếp hàng mua hai lạng thịt lợn theo tiêu chuẩn tem phiếu.

- Anh còn mua gì nữa không?

Đôi môi mọng ướt cứ như đang mời gọi, đôi mắt lúng liếng như biết cười cứ nhìn thẳng vào anh chàng có khuôn mặt thư sinh dễ thương.

Tuấn ngẩn người, tim đập xáo xác. Ôi đôi mắt ấy, đôi mắt như đang tha thiết mời gọi. Tuấn nuốt nước bọt thèm muốn.

- Lúc nào cần gì anh cứ đến em.

Và, thế là Tuấn đã nằm gọn trong vòng tay của cô mậu dịch viên bán thịt lợn. Bọn sinh viên kháo nhau rằng, Tuấn bỏ người yêu để lấy Ngọc vì Ngọc đang là mậu dịch viên bán thịt lợn, một nghề mà trong thời bao cấp ai cũng mơ ước và nể trọng! Đúng là oan cho Tuấn, tất cả chỉ vì đôi mắt đen lúng liếng đa tình

Minh họa: Nguyễn Thị Hiền.

Tuấn thương vợ. Mọi gánh vác lo toan công việc gia đình đều ở bàn tay Ngọc, bởi có mấy khi Tuấn được ở nhà. Khi đứa con gái vừa tròn 10 tuổi, Tuấn đã có mặt ở mặt trận phía Nam, rồi sang làm chuyên gia bom mìn cho nước bạn. Cũng từ đó là những ngày biền biệt xa vợ, xa con. 

Những lúc chồng ở nơi biên ải, Ngọc thấy cuộc sống sao mà khó khăn, khó khăn trăm bề và cái ham muốn thể xác trong con người cứ trỗi dậy. Nhiều lúc Ngọc ngẩn ngơ như người mất hồn, đôi má nóng dàn dạt, Ngọc biết mình đang thèm mùi đàn ông. Đã bao đêm thao thức, mong ước có chồng bên cạnh. Ngọc biết có bao lũ đàn ông vẫn đang lượn lờ quanh Ngọc chẳng khác nào lũ gà trống đang nhẩy cò cò vòng quanh gạ gẫm những con gà mái ngây thơ. Ngọc đã từng bạt tai một gã si tình. Tất cả cũng chỉ vì đôi mắt đen lúng liếng đa tình của Ngọc. 

Chả riêng gì gã đàn ông kia bị đôi mắt của Ngọc đánh lừa, mà đã bao điều ong tiếng ve, bóng gió của bọn ngồi lê mách lẻo nói Ngọc lẳng lơ đĩ thõa. Quả oan cho Ngọc, có trời chứng giám, suốt năm năm xa chồng, Ngọc có động chạm vào thằng đàn ông nào đâu.

Những năm tháng dài đằng đẵng trên đất nước bạn rồi cũng trôi qua. Tuấn về. Da xanh mướt. Bủng beo. Mang theo cái rét rung giường. Đó là một ngày đầu đông. Trời rét căm căm. Từng cơn gió lạnh cứ ùa vào qua cái cửa sổ ọp ẹp. Tuấn chẳng để ý đến cái lạnh lẽo của một mùa đông khắc nghiệt, đến cơn sốt rét đang hành hạ, bởi lẽ anh đang được hơi ấm của người vợ hiền truyền cho. Ngọn lửa tình âm ỉ khao khát bấy lâu bị dồn nén nay vỡ oà ra như một thác nước cuốn băng cái bờ xa cách, nhấn chìm Tuấn trong cả một bể ái tình.

Ngọc thoả thê ngụp lặn trong đó mỗi đêm. Nhưng rồi Ngọc nhận thấy chồng mình bắt đầu chới với trong cái bể tình mênh mông của mình, Tuấn đuối lắm rồi. Mặc kệ, ai có thể chịu đựng được cơn khát khi đứng trước cả một hồ nước mát? Tuấn hiểu, không để vợ thất vọng, Tuấn vẫn cần mẫn bù đắp cơn khát đang hừng hừng trong vợ.

Và rồi, thằng Bình, con trai của Tuấn ra đời. Ngọc lại có dịp để tự hào, để hãnh diện vì cậu con trai. Đôi mắt tròn xoe đen nhánh như biết cười được thừa hưởng từ đôi mắt của mẹ. Một cuộc sống giầu sang, một cuộc sồng tràn đầy hạnh phúc đang đón đợi ở phía trước. Nhưng không, vợ chồng Ngọc có biết đâu rằng nỗi bất hạnh đang đổ ập lên thằng con yêu quý của mình. 

Thời gian trôi đi, Bình gần như chẳng cao lên chút nào. Thấp lè tè, thấp hơn bạn bè cùng trang lứa đến hơn cả một cái đầu. Chân ngắn một mẩu. Cái mông bành ra. Đến lúc này Tuấn mới hiểu thế nào là di chứng chất độc da cam của những năm tháng ở chiến trường. Tuấn càng thương Ngọc hơn, càng thông cảm nỗi xót xa của vợ khi nhìn thấy sự phát triển không bình thường của con trai.

Tuấn lại tiếp tục với cái nghề bom mìn của mình, lại là những ngày xa vợ, xa con, xa ngôi nhà ấm êm với những cái cửa sổ ọp ẹp.

Hết đợt khảo sát thực địa lại trở về với phòng thí nghiệm, lại tỉ mẩn, lọ mọ cả đầu óc lẫn chân tay. Tuy vậy trong những ngày này có một cái gì mù mờ hiện lên trong đầu Tuấn, không dám khẳng định, nhưng cái cảm giác đó cứ một ngày một rõ hơn, ấy là Ngọc coi thường mình, coi thường anh không kiếm thêm được tiền, suốt ngày chỉ biết luẩn quẩn với bom, với mìn. 

Ngọc có biết đâu rằng Viện nghiên cứu đã cử anh đi làm nghiên cứu sinh nhờ những “cái luẩn quẩn” này. Được tin Ngọc vui đến tột độ. Gia đình Ngọc sẽ sung túc và chả bao lâu nữa cô mậu dịch viên bán thịt lợn sẽ trở thành phu nhân của một vị Phó tiến sĩ, cái danh mới nghe đã thấy phải nể trọng…

Ngôi nhà của vợ chồng Tuấn thay da đổi thịt từng ngày. Tiếng nhạc xập xình từ chiếc casette Denon phát ra không biết mệt mỏi. Chiếc tủ lạnh Hitachi được để trang trọng bên chiếc vô tuyến truyền hình Toshiba ngay nơi phòng khách... Những năm tháng thời bao cấp mấy gia đình có đồng ăn đồng để như Ngọc. Ngôi nhà thay đổi. Bà chủ cũng khác xưa nhiều. Ngọc đã đẹp, càng đẹp thêm. Đôi môi mọng ướt như mời gọi, mắt đen lúng liếng đa tình trong những bộ cánh hợp modern đã làm rung động bao trái tim lũ đàn ông.

*

Buổi chiều hôm ấy, sấm chớp đùng đùng, không gian bị nhấn chìm trong mưa gió, con Hòa, ướt như chuột lột, chạy vội vào buồng của mẹ. Trong cái không gian mờ mờ, ảo ảo nó chết lặng đi khi nhìn thấy mẹ và một người đàn ông đang quấn chặt lấy nhau, loã lồ, mắt nhắm nghiền, quằn quại trên giường. Như bị ma đuổi, nó quay ngoắt bỏ chạy. Ngọc đã kịp nhìn thấy lưng nó, hoảng hốt cố đẩy người tình ra nhưng ông ta càng quấn chặt lấy Ngọc. 

Thôi mặc. Biết làm sao đây? Không hiểu tại sao hôm nay con bé mất dạy lại bỏ học để về nhà lúc này. Ngọc vẫn chình ình nằm đấy, loã lồ bên người tình nhưng đầu óc như muốn vỡ tung ra. Ngày mai cái gì sẽ đến với Ngọc? Ngọc dằn vặt đau đớn. Những năm tháng sống khổ sở thời bao cấp, Ngọc đã chịu đựng chờ chồng và đã từng hãnh diện vì điều đó. Ấy thế mà lần này, chồng mới đi xa chưa được hai năm, Ngọc đã…

Tối hôm đó con gái Ngọc không về. Nó đi đâu? Có làm điều gì dại dột không? Nó có biết mẹ của nó đã thức trắng đêm với bao lo lắng, khắc khoải, đợi chờ.

Con bé bỏ nhà hai đêm. Rồi về. Nó thản nhiên như không có chuyện gì. Không trách móc. Không hờn dỗi. Không nói năng. Ngọc có biết đâu rằng, chỉ hai đêm ngắn ngủi ấy con gái của Ngọc đã ngây ngất trong biển tình, đê mê trong làn khói lam. Một cách trả thù mẹ nó thật dại dột. Nhìn thấy con về Ngọc sờ sợ. Nó sẽ làm gì mẹ nó đây? Nhưng không, nó chẳng làm gì cả. Có khác là nó có nhu cầu tiêu tiền. Tất nhiên Ngọc đâu dám từ chối, bây giờ Ngọc đã có tiền, nhiều tiền. Ngọc lấy sự chiều chuộng con như là một sự chuộc lỗi lầm do mình gây ra.

Sau cơn giông bão sấm sét ấy, Ngọc cố lánh mặt người đàn ông có sức lôi quấn lạ kỳ kia. Thèm muốn lắm, nhưng không thể tiếp tục được. Cũng chẳng phải vì chồng mà vì cái Hòa. Kể từ ngày cái lưng nhỏ bé của nó quay ngoắt lao ra mưa gió bão bùng đến nay, nó như con ma xó xuất hiện bất thần để canh chừng mẹ.

"Con gái ạ, con sẽ không bao giờ phải buồn vì mẹ nữa đâu”. Ngọc đã thầm nghĩ như vậy, cố gắng giữ gìn như vậy để mong lòng mình được thanh thản hơn. Nhưng thật khốn nạn, cái thanh thản ấy chỉ lóe lên chốc lát trong cả một ngày dài đằng đẵng, 

Ngọc đang tự dối mình, thậm chí để che giấu cái thanh thản giả tạo ấy Ngọc còn có thể hét thật to với con Hoà: "Mẹ sẽ không làm con đau khổ nữa đâu. Hãy tha lỗi cho mẹ". Nhưng không, Ngọc càng cố tỏ ra thanh thản thì trong người càng như có lửa đốt, lửa của nhục dục, lửa của sự thèm khát. Đêm đêm nỗi cô đơn ngập tràn vò nát cả chăn gối, cả tâm hồn, cả thể xác. 

Những ngày này hình bóng của chồng cứ xa dần, xa dần. Tuấn gửi thư về hỏi vợ bận gì mà sao lại im lặng? Biên thư cho chồng ư? Khó quá. Đầu óc tâm trí Ngọc giờ đây đã ở một phương trời khác. Mỗi lần cầm bút lên mà đầu óc rỗng tuếch, cố gắng nặn ra mấy lời ngọt nhạt, thẽ thọt, dù biết là giả dối, vẫn không thể làm được, bàn tay cứ thẹn thùng, ngượng ngùng không viết nổi được một chữ yêu. Ngọc không khác gì một đứa bé bện hơi mẹ khóc thét lên mỗi khi không tìm được bầu vú, Ngọc thì gào lên trong tâm khảm, nếu thiếu bóng dáng đàn ông. Bện hơi mất rồi!

Và rồi, chỉ sau ít ngày sống trong cái vỏ bọc thanh thản giả tạo ấy lại là những chuỗi năm tháng bồng bềnh trong hoan lạc, đắm say trong thân xác. Không khác gì kẻ cai thuốc lá nay hút lại càng trở nên nghiện hơn. Ngọc không còn thấy tội lỗi với chồng, với con nữa mà chỉ thèm khát những cuộc hẹn hò.

Thực ra, Ngọc vẫn còn nhớ tới chồng, ấy là mỗi khi nhận được quà của Tuấn gửi về và mỗi lần như vậy Ngọc lại thấy phảng phất đâu đó hình bóng của chồng cùi cũi đội mưa tuyết đi gửi hàng về cho mẹ con Ngọc. Một chút thương thương. Một chút ân hận. Chỉ thế thôi. 

Ở phương trời xa Tuấn nào có biết. Tuấn vẫn cần mẫn chắt bóp tìm mọi cách gửi nhiều hàng cho vợ. Có lần Tuấn gửi liền một lúc hai chiếc xe Mifa, Tuấn bảo bán đi một chiếc, mua lấy ít vàng để dành. Ngọc cho thế là phải. Nhưng rồi Ngọc đành chịu thua con bé, nó muốn chiếc xe. Phải chiều thôi, chớ làm nó giận. 

Và với Ngọc, từ nay đi dạo chơi cùng người tình không còn phải cọt kẹt với chiếc xe cà tàng nữa. Ngọc hãnh diện được ngồi ôm chặt người tình trên chiếc xe Mifa màu ngọc bích mới coong, được hít thở cái không khí trong lành, được ngắm nhìn cánh đồng lúa vàng ươm nơi ngoại ô đầy nắng và gió.

Một điều thật trớ trêu, đúng vào hôm nhận được thư Tuấn báo tin chuẩn bị bảo vệ luận án Phó tiến sĩ thì cũng là lúc Ngọc nhận được tin chiếc xe Mifa của Hòa bị mất. Ngọc hộc tốc đạp xe đến trường xem sự thể thế nào. Một sự thật làm Ngọc bàng hoàng, chết lặng đi, khi nghe thầy hiệu trưởng cho biết nhà trường chuẩn bị đến nhà hỏi vì sao con gái Ngọc là cháu Hoà đã bỏ học nhiều ngày nay. 

Trời ơi, cái gì đã xảy ra với Hòa. Ngọc có còn là mẹ nó nữa không, Ngọc biết nói gì đây khi chỉ còn ít ngày nữa chồng sẽ về. Ngọc như người mất hồn, lao lên xe phóng như bay, phóng như một mụ điên. Tiếng phanh gấp của chiếc ô tô rít lên chói tai làm Ngọc giật mình. Rồi chẳng còn biết gì nữa...

*

Cuộc đoàn tụ của gia đình lần này thật là buồn. Hòa đi mất dạng, thỉnh thoảng mới thấy mặt. Nó bỏ học. Lẩn tránh như trạch. Nó đi đâu, làm gì, Tuấn chịu. Tuấn cố đi tìm, nó càng vắng nhà nhiều hơn. Tệ hại hơn, mỗi lần nó về, không có Tuấn ở nhà, chắc chắn sẽ có một thứ gì đó đi theo. Tuấn hiểu cái gì đã đến với con gái, nó đã nghiện ma tuý nặng. 

Với con nghiện thì tình cảm cha con máu mủ chỉ là chuyện phù phiếm. Nó chỉ cần tiền để hút hít. Của cải của Tuấn tích góp, tằn tiện suốt bốn năm trời đủ mua được cả một ngôi nhà mặt phố cũng đội nón ra đi. Một kết cục buồn. Nó vào tù. Ra tù. Lại vào tù. 

Hằng tháng Tuấn phải thăm nom nó. Tuấn không muốn thằng con trai tật nguyền phải chứng kiến cái cảnh chị nó trong bộ quần áo tù, trong cảnh tiều tụy của một con nghiện đói thuốc. Giờ đây tình cảm của Tuấn dồn hết cho Bình. Tuấn biết nỗi lòng của con. Đôi mắt của nó không biết cười mà hình như nó nhìn thấy một cái gì xa, rất xa đang đợi chờ. Thật là khốn nạn. Tại sao bao đắng cay cứ dồn dập đổ ập lên đầu Tuấn? Ai gây nên nỗi thống khổ này? Trời Phật ơi, sao người lại bất công với con như vậy?

Một mùa đông lại đến. Những cơn gió lạnh vẫn hối hả luồn qua những khe cửa sổ cũ kỹ ọp ẹp vào căn phòng trống trải. Những lúc như thế này Tuấn lại ôm chặt người vợ ốm yếu vào lòng, mong sưởi ấm cho vợ, sưởi ấm tâm hồn đã trở nên giá lạnh của Ngọc. Có đêm trong vòng tay yêu thương của chồng, Ngọc thủ thỉ nửa đùa nửa thật muốn Tuấn kể về người đàn bà của Tuấn, người đàn bà đã chăm sóc Tuấn khi còn ở phương trời Tây. Tuấn cười, âu yếm ôm vợ chặt hơn và đọc cho Ngọc bài thơ mà du học sinh nào ở Đức những năm tám mươi cũng biết:

Năm năm mấy chục kỳ thi,
Học hành mải miết, còn gì là xuân.
Vợ thì xa, gái thì gần,
Nó toàn mặc váy có quần đếch đâu,
Hồng hồng, trắng trắng, nâu nâu,
Không nhìn thì tiếc, nhìn lâu thì thèm,
Thèm thì cứ thử mà xem,
Sứ (*) mà bắt được thì em lên tàu!
.

Thế đấy. Nghe Tuấn nói nước mắt Ngọc lại trào ra, ướt đẫm cánh tay chồng. Đôi mắt đen lúng liếng đa tình thưở nào đã hút hồn Tuấn giờ đây trở nên đờ đẫn, vô hồn. Tuấn không thể nào hiểu được những giọt nước mắt này, bởi lẽ, Tuấn đâu có biết vợ mình đã bị con ma ái tình quấn quýt đeo bám suốt mấy năm trời, đâu có biết thâm tâm Ngọc mong chồng cũng có một người đàn bà riêng của mình, rằng Tuấn cũng phản bội Ngọc như chính Ngọc đã phản bội chồng và như vậy Ngọc sẽ được thanh thản hơn, được xứng đáng hơn với sự yêu thương của chồng, với sự chăm sóc hết lòng của chồng.

Ngọc chẳng dám đòi hỏi ở Tuấn điều gì nữa mà chỉ mong được cùng chồng mỗi tháng được thăm con gái một lần. Và rồi, cứ vào ngày mồng một hằng tháng, Tuấn và đứa con trai tật nguyền cùng chiếc xe lăn lại đưa Ngọc đến thăm con.

Và rồi cái gì đến thì phải đến.

Trước phần mộ của đứa con gái đáng thương, trước những bông hồng trắng mà chồng đang cẩn thận cắm lên mộ, Ngọc muốn quỳ xuống để xin nó tha thứ, để xin nó phù hộ cho hai vợ chồng, cho thằng em trai tật nguyền. Nhưng làm sao Ngọc có thể quỳ được khi đã phải gắn chặt với chiếc xe lăn, làm sao Ngọc có thể xoá bỏ được lỗi lầm khi đã đẩy con gái mình vào con đường cùng tăm tối?

Mùa đông đi, mùa đông lại đến. Những cơn gió lạnh vẫn hối hả đổ ập vào chiếc cửa sổ già nua. Vạn vật đã đổi thay nhưng nhiều năm trôi qua người ta đã quá quen với hình ảnh một người đàn ông trầm lặng cần mẫn đẩy vợ trên chiếc xe lăn, theo sau là một thanh niên thấp bé, dị dạng, lặng lẽ đi về phía nghĩa trang vào những ngày mồng một hằng tháng. Đấy là những ngày để cả nhà ông đoàn tụ, là những ngày để người vợ sám hối, để người chồng được trả nợ cho kiếp trước, cam chịu với số phận nghiệt ngã dành cho mình, cho con trai mình…

____________

(*) Đại sứ quán

Truyện ngắn của Nguyễn Quý Thường
.
.