Trả chồng

Thứ Năm, 05/03/2020, 09:11
Đúng cái hôm quả tim Chía bắt đầu thấy thích tiếng sáo dụ tình của Mí Quả thì cô nghe tin chị Chở - hàng xóm của cô bị kẻ xấu lừa bán sang bên kia biên giới.

Mí Pó, Công an viên thôn Séo Lủng, cầm cái loa pin nói oang oang giữa chợ, báo cho bà con biết để cảnh giác với bọn người xấu chuyên lừa bán phụ nữ. Chía không nhớ hết được những lời Mí Pó nói, nhưng cũng đủ để hiểu những điều cần hiểu, là vừa rồi Bộ đội Biên phòng và Công an huyện Quản Bạ đã phát hiện ra một đường dây chuyên rủ rê phụ nữ sang bên kia biên giới làm thuê, rồi lừa bán cho đàn ông bên ấy mua về làm vợ. Đã bắt được tên Cồ, người cùng thôn với Chía, là một trong những tên tội phạm của đường dây lừa bán phụ nữ vừa bị triệt phá.

Chía biết, tên Cồ này đã bỏ sang bên kia biên giới làm thuê mấy năm nay. Nó chuyên đi dắt mối người làm thuê, rồi ăn phần trăm của các ông chủ, ăn cả phần trăm của người đi làm thuê, nên trong túi Cồ lúc nào cũng rủng rỉnh tiền mà chẳng phải làm gì khó nhọc. Nó nói với mọi người, sang bên kia làm ăn công việc cũng như bên mình nhưng tiền công cao gấp mấy lần.

Con gái, nhất là những đứa trẻ đẹp, khéo ăn nói, chỉ cần đứng bán hàng trong nhà mát mà mỗi ngày cũng kiếm được cả triệu đồng. Nghe Cồ nói, nhìn ví tiền đầy căng của nó, ai cũng thích. Chị Chở là người đi theo Cồ từ ba tuần trước. Lúc đi chị nói dối chồng là theo bạn gái sang chợ Mèo Vúng mua nấm hương. Không thấy vợ về, anh Mí Tủa, chồng chị Chở, đến từng nhà bạn gái của vợ để hỏi tin tức, đều nhận được những cái lắc đầu. Ai cũng bảo chẳng biết Chở đi đâu. Sau đấy có người trong thôn nói hình như là đi với thằng Cồ, nhưng không chắc chắn!

Tuổi chị Chở nhiều hơn Chía đúng một giáp. Ngày anh Mí Tủa “kéo” về làm vợ, chị Chở mới có mười bảy tuổi, đẹp nhất bản Séo Lủng. Đến khi Chía mười bảy tuổi thì chị Chở đã là người mẹ của bốn đứa con. Chị đẻ rất khéo. Đầu tiên là đứa gái đặt tên là Mỷ, rồi đến đứa trai tên là Nô, tiếp nữa đứa gái tên là Mùa, rồi lại đứa trai tên Gió. Tuy chỉ ăn mèn mén chan canh rau bí, rau cải, thỉnh thoảng mới được bữa thịt, vậy mà bốn đứa con chị Chở đứa nào cũng tròn trùng trục, chẳng mấy khi ốm đau, suốt ngày hò hét đùa nghịch…

Công an Mí Pó bảo, Cồ khai nó bán chị Chở cho ông chủ vườn chuối bên kia biên giới. Ông chủ ấy lại bán tiếp chị cho một người đàn ông già chết vợ. Công an bên ta đã đề nghị công an nước bên kia truy tìm chị Chở, nhưng chưa thấy, vì nghe đâu sau khi mua được Chở, thấy chị trẻ đẹp, người đàn ông già kia lại bán cho người đàn ông khác để được nhiều tiền hơn, rồi ông ta lại đem tiền đi mua người vợ khác xấu hơn, rẻ hơn!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Từ ngày vợ bị lừa bán, Mí Tủa chỉ còn là cái xác không hồn. Người anh gầy rộc, suốt ngày uống rượu cho khuây. Mà càng uống lại càng buồn, càng gầy, nhìn càng khổ! Bốn đứa con anh như gà con mất mẹ, suốt ngày bám víu lấy nhau khóc lóc gọi mẹ, rồi kêu đói, kêu khát. Cái Mỷ còn bé quá không thể xay ngô đồ mèn mén, nó cho ngô hạt vào chảo, đổ ngập nước đun sôi thật lâu, cho chút muối vào rồi múc cho các em ăn. Nhìn lũ trẻ trệu trạo nhai ngô hạt bung, Chía thấy đứt từng khúc ruột. Ngày nào cô cũng sang nhà chị Chở giúp bọn trẻ con những việc cần thiết. Dần dà bọn trẻ coi cô như mẹ, suốt ngày réo tên cô Chía.

Một hôm, vào đúng đêm mưa phùn, thằng Nô và cái Mùa chạy sang gọi cô Chía, mếu máo bảo bố chúng sắp chết, nằm ở ngoài bờ rào đá. Chía vội chạy sang. Cô hết hồn khi thấy Mí Tủa nằm cứng đơ ngoài mưa, người giá toát, quần áo ướt sũng! Cô gọi cái Mỷ, thằng Nô cùng mình dìu Mí Tủa vào nhà, đốt lửa sưởi, đánh cảm, thay quần áo cho anh. Cô đỏ mặt khi phải làm cái việc mà chỉ có vợ mới làm cho chồng. 

Từ hôm ấy Chía cứ bị ám ảnh bởi cái thân thể đàn ông trung niên của Mí Tủa. Có một điều gì đó khiến Chía thấy rất khác lạ trong đầu. Cô vừa cảm thấy xấu hổ, vừa thích thú, vừa rạo rực, vừa sờ sợ. Những ngày trước chỉ khi nào lũ trẻ gọi Chía mới sang nhà Mí Tủa, nhưng từ hôm thay quần áo cho anh, ngày nào Chía cũng sang giúp Mí Tủa và bọn trẻ những việc cần thiết. Hôm nào cô không sang thì bọn trẻ ngóng, Mí Tủa ngóng và bản thân Chía cũng cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đấy mà chẳng biết là thiếu cái gì! 

Dần dà sự có mặt của Chía ở nhà Mí Tủa như là một sự đương nhiên. Chía thấy thương Mí Tủa mất vợ, thương những đứa con của Chở mất mẹ. Thoạt đầu chỉ là thương xót vậy thôi, dần dần cái sự thương xót ấy trở thành thương yêu, thành sự động lòng, thành một thứ tình cảm gì đó rất khó gọi tên. Những tiếng xì xào trong bản Séo Lủng cũng từ đó mà ra!... 

Những tiếng xì xào đó đã lọt tới tai bà Dìn (mẹ Chía). Là người đàn bà nhân hâu. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con. Một mẹ một con còn vất vả vậy, huống chi nhà thằng Mí Tủa, một nách 4 đứa con nít nhít, giúp đỡ cha con nó là việc làm đạo đức. Bởi vậy, bà không rầy la con mà còn ủng hộ việc làm của Chía.

*

Trên đường từ nhà mình sang nhà Mí Tủa đã không ít lần đôi chân Chía giùng giằng bởi tiếng sáo Mông gọi tình của Mí Quả. Tiếng sáo hóa thành lời yêu thương len lỏi vào tận tim óc, ruột gan Chía, khiến cô nôn nao, thổn thức, mơ màng. Đúng trong lúc Chía lạc vào cõi mê mị của tiếng sáo ấy thì cô nghe thấy tiếng khóc gọi: “Mẹ ơi! Con đói!...” của thằng Gió. 

Tiếng gào khóc của đứa bé lên ba lẫn trong gió núi nghe mới xót xa làm sao! Cái Mỷ dỗ em không được cũng òa khóc khiến thằng Nô và cái Mùa nỉ non khóc theo. Tiếng khóc của lũ trẻ đánh thức Chía. Cô như choàng tỉnh khỏi cơn mê, vội vã chạy về ngôi nhà của vợ chồng chị Chở mà cứ ngỡ đang chạy về ngôi nhà và những đứa con của mình. 

Thằng Gió bám chặt lấy váy Chía kéo xuống bếp, chỉ vào chõ mèn mén. Nó chỉ thật sự thôi khóc khi ăn hết nửa bát mèn mén chan canh rau bí đỏ. Ăn xong nó trèo lên lòng Chía, ngủ một giấc ngon lành. Cái Mùa, thằng Nô ăn xong cũng đến ngồi cạnh Chía. Cái Mỷ biết mình là chị cả không dám nhõng nhẽo, lặng lẽ đi rửa bát. Chía ứa nước mắt nhìn thằng Gió và các con của Mí Tủa. Cô bỗng thấy mình hóa thành mẹ Chở của lũ trẻ.

Mí Tủa dẫn về nhà một người đàn ông lạ. Chưa kịp uống xong bát rượu, hai người đã ra chuồng ngựa. Sau một hồi ngó nghiêng con ngựa, người lạ nói gì đó với Mí Tủa. Chía thấy Mí Tủa gật đầu rồi kéo người lạ trở lại bàn nước, uống nốt bát rượu dở. Đưa tay chùi mép, người lạ móc bọc tiền đựng trong túi vải giắt ở thắt lưng, ném trước mặt Mí Tủa, hất đầu bảo: “Ông đếm đi!”.

Bán xong con ngựa, Mí Tủa bảo Chía:

- Mai tôi đi tìm Chở. Nhờ cô Chía sang trông hộ mấy đứa trẻ con! Cứ năm ngày cô bắt một con gà mổ thịt cho chúng nó ăn với mèn mén. Chúng nó thèm thịt lắm rồi đấy! Hồi mẹ Chở còn ở nhà, cứ mấy hôm lại được ăn thịt một bữa. Lần này lâu quá rồi chúng không được ăn!

Chía im lặng gật đầu. Sau một hồi sụt sịt, cô cất giọng ngàn ngạt:

- Anh Mí Tủa đã biết tin chị Chở ở đâu à?

Mí Tủa lắc đầu:

- Tôi không biết đâu! Cứ sang bên kia biên giới rồi hỏi người ta, may ra có người biết. Nhìn lũ trẻ mất mẹ thế này tôi không chịu nổi!

- Thế thì không chắc đâu! Quanh bản tìm còn khó mà!

- Nhưng cứ ngồi ở nhà chờ thì sốt ruột, lo lắng lắm! - Mí Tủa thở dài.

Chía ái ngại nhìn Mí Tủa. Bỗng dưng cô thấy thương người đàn ông hiền lành, khỏe mạnh, chăm chỉ bậc nhất của bản Séo Lủng. Hình ảnh tấm thân trần trụi của Mí Tủa hôm anh say rượu bị cảm chợt hiện lên trong đầu Chía, khiến cô đỏ mặt. Sau khi tìm cách chữa thẹn, Chía nói:

- Vậy thì anh Mí Tủa cứ đi đi! Ở nhà tôi sẽ lo cho bọn trẻ. Nhưng anh đi phải cẩn thận đấy. Tôi nghe người ta nói bọn buôn người ác lắm! Mong là anh sớm tìm được chị ấy!

Thấy Chía suốt ngày ở bên nhà Mí Tủa, chăm lo cho bọn trẻ con và làm mọi việc, Mí Quả buồn lắm. Đã từ lâu Mí Quả thích Chía. Thích tấm thân tròn lẳn, làn da trắng hồng và đôi bắp chân căng mọng của cô. Mỗi lần lên nương cùng Chía, Mí Quả thường đi sau, dán cặp mắt vào đôi eo chân trắng muốt giấu sau vành váy hoa của Chía, nuốt thầm nước bọt. Mấy lần Mí Quả định bụng nhờ các bạn trai trong bản giúp mình “kéo” Chía về làm vợ, nhưng vì Chía chưa ưng cái bụng nên không dám ép. Anh lặng lẽ đến nhà Giàng Mí Sài, người thổi sáo Mông hay nhất Séo Lủng, mua một chiếc sáo và học thổi những bài sáo gọi tình để dụ Chía. Mấy hôm đầu nghe Mí Quả thổi sáo, Chía chỉ cười cười. Nhưng sau vài lần nghe, Chía nhận ra tiếng sáo của Mí Quả chính là tiếng lòng của anh, được thổi từ sâu thẳm tâm hồn, từ tình yêu chân thật, khiến cô động lòng. Và đúng cái hôm quả tim Chía bắt đầu thấy thích tiếng sáo của Mí Quả cũng là ngày cô nghe tin chị Chở bị lừa bán sang bên kia biên giới.

Từ hôm biết Chía sang nhà Mí Tủa ở, Mí Quả càng buồn hơn. Ngày nào anh cũng đem cây sáo Mông ra thổi những bài ca biệt ly, ai oán, khiến Chía não lòng! Thỉnh thoảng Mí Quả lại thổi những bài ca dụ tình làm cho Chía thấy nổi da gà, lòng xót xa như bị xát muối!

*

Mí Tủa trở về mà không có Chở đi cùng. Sau gần một tháng trời đi tìm vợ ở nơi đất khách quê người với đầy rẫy sự rủi ro, nguy hiểm, Mí Tủa bất lực trở về. Số tiền bán ngựa còn lại chỉ vừa đủ để anh mua một cân thịt mỡ và mấy cái bánh bò làm từ bột gạo mà mấy đứa con anh rất thích ăn.

Nhìn mấy đứa trẻ nháo nhào ăn mèn mén với thịt mỡ luộc nhờn cả môi, Chía ứa nước mắt. Cô đưa cặp mắt ướt nhìn Mí Tủa, thấy đôi mắt anh cũng ầng ậng nước! Chẳng hiểu sao lúc ấy Chía lại nói với Mí Tủa một câu mà sau này chính cô cũng chẳng biết là đúng hay sai: “Chị Chở chưa về thì tôi làm mẹ bọn trẻ con nhá. Có được không?”. Mí Tủa không nói gì, lặng lẽ dốc ngược bầu rượu ngô, tu ừng ực.

Mí Tủa ốm, nằm một chỗ hai tuần liền. Hai tuần ấy Chía chẳng khác gì chị Chở. Vừa lo thuốc thang, cơm cháo cho Mí Tủa, vừa lo chăm sóc bọn trẻ con. May mà có cái Mỷ giúp sức chứ một mình Chía thì không biết sẽ xoay xở ra sao! Hôm Mí Tủa ngồi dậy được, câu đầu tiên anh nói với Chía lại là câu khiến cô khó nghĩ: “Chía làm vợ tôi nhá!”. Nghe thế, Chía cuống cuồng bỏ chạy. Gần tối cô lại quay sang nhà Mí Tủa vì nghe thấy tiếng thằng Gió và bọn trẻ con khóc gọi mẹ.

Thằng Gió được sáu tuổi thì nó có em gái, con của mẹ Chía, đặt tên là Mẩy.

*

Sự trở về của Chở khiến cả bản Séo Lũng bất ngờ. Sau hơn ba năm mất tích, ai cũng nghĩ chị Chở không thể về được nữa. Nhưng thật may là chị đã trở về. Hôm chị Chở về nhiều người không nhận ra, bởi chị quá khác. Chị gầy còm, ốm yếu, nhìn già như một bà lão, răng cửa rụng gần hết. Tính tình chị cũng đổi khác, nhớ nhớ, quên quên, lúc cười, lúc khóc. May mà chị còn nhớ được đường về nhà. 

Thời gian nguôi ngoai, dần dần chị cũng nhớ lại được một số chuyện. Chị kể đã bị bán mấy lần cho những người đàn ông già làm vợ. Mỗi đêm đi ngủ là một cơn ác mộng đối với chị. Cuối cùng chị bị bán cho nhà thổ. Nhờ có trận lũ quét, mọi người bỏ chạy chị mới tìm cách thoát được. Chị cứ đi xuôi theo các dòng suối, dòng sông và tìm được lối về Việt Nam. Chị cũng không nhớ mình đã đi bao lâu và về đến Séo Lủng là bao nhiêu ngày. Khi nhìn thấy Núi Đôi, thấy cây nghiến mọc ngay rìa đường, có hòn đá to ở gốc, chị mới biết là mình đã về tới bản!

Chị Chở về khiến Chía khó xử. Cô hỏi Mí Tủa phải làm sao? Mí Tủa lắc đầu bảo không biết, rồi khuyên Chía cứ ở đây. Cứ ở đây nghĩa là Mí Tủa sẽ có hai vợ. Chía nghĩ, ngày xưa đàn ông Mông hai vợ không hiếm, nhưng bây giờ chẳng thấy ai có hai vợ. Chía đem chuyện này ra hỏi trưởng thôn Lử. Lử bảo, phải hỏi xã mới biết. Cán bộ tư pháp xã bảo không được, vì pháp luật không cho. Ai cố tình lấy hai vợ một lúc sẽ phải đi tù! Chía không muốn Mí Tủa đi tù. Thế là Chía quyết định trở về nhà mẹ đẻ. Trước khi về, Chía nói với chị Chở:

- Em tưởng chị không về nữa, bởi thương mấy đứa trẻ nên mới lấy anh Mí Tủa. Nay chị về rồi thì em trả chồng lại cho chị!

Mí Tủa ngồi im lìm như một tảng đá. Bọn cái Mỷ, thằng Nô, cái Mùa, thằng Gió thi nhau khóc, giữ chặt không cho mẹ Chía đi.

Chị Chở ngồi khóc rất lâu. Mãi sau chị mới nói:

- Chía ở đây với Mí Tủa và bọn trẻ. Để tôi đi thì hơn!

Chía nói dứt khoát:

- Không được đâu. Chị mới đúng là vợ anh Mí Tủa. Em chỉ là vợ hờ thôi! Em còn trẻ, sẽ lấy được chồng khác.

Chở lại ôm mặt khóc. Khóc xong mới nói:

- Vậy thì Chía để cái Mẩy lại đây tôi nuôi. Nó cai sữa rồi thì nuôi cũng dễ thôi. Nếu Chía mang theo con thì sẽ khó lấy chồng đấy. Đàn ông không thích nuôi con người khác đâu!

Mí Quả gặp Chía cõng quẩy tấu đồ sau lưng, địu con trước ngực từ nhà Mí Tủa trở về nhà mẹ đẻ thì vui cái bụng lắm. Anh ngồi lên hòn đá ở gốc cây nghiến, lấy chiếc sáo Mông giắt ở sau lưng ra thổi bài ca dụ tình. Chía thảng thốt bỏ chạy. Vừa chạy cô vừa đưa hai tay bịt lấy đôi tai để tránh những tiếng lòng thiết tha, ma mị phát ra từ cây sáo của Mí Quả. Nhưng tiếng sáo vẫn lẻn được vào lồng ngực, vào từng mạch máu, từng đường gân, thớ thịt của Chía.

Chía không chạy nổi nữa. Cô khụy xuống bên đường. Mí Quả buông cây sáo, chạy đến nâng Chía dậy. Họ dìu nhau về phía Núi Đôi - cặp núi rất giống hình đôi gò bồng đảo của nàng Tiên nữ - biểu tượng của tình yêu lứa đôi muôn thuở trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Truyện ngắn của Nguyễn Trần Bé
.
.