Tối ấy hoa quỳnh không nở

Thứ Năm, 07/01/2021, 16:36
Cô Tú Quỳnh thấy bố tôi chịu thương chịu khó, lam làm cũng có ý đem lòng yêu thương. Bố tôi cũng thấy cô Tú Quỳnh đẹp người đẹp nết nên cũng muốn được làm bầu bạn kiếp này. Tất nhiên. Việc muốn là một chuyện. Đất lề quê thói. Muốn đến đâu thì cũng phải chờ người lớn hai gia đình thưa chuyện.


Mấy ngày cuối cha trằn trọc nhiều lắm. Khi nào khỏe được chút, cha lại ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường rẻ quạt, đôi mắt nhìn về một nơi rất xa. Chắc nơi ấy chỉ có cha biết được. Đôi mắt cha trải qua tháng năm, bươn trải với đời, đã chiêm nghiệm tất cả những vất vả, lam lũ và khổ đau, buồn tủi song vẫn không giấu được những điều mà cha chờ đợi suốt cả cuộc đời.

Rồi tất cả sự chờ đợi ấy dường như sức khỏe đã không cho cha có thể chờ thêm được nữa. Cha vẫy tay lại gần. Giọng cha đã yếu lắm rồi. Câu chuyện về một tối hoa quỳnh không nở. Phận một duyên kiếp trần gian, nghĩa một đời người trông ngóng. Tiếng cha đã như gió thoảng…

*

Lần nào cũng thế. Cứ vào đêm hoa quỳnh nở, ông sai bố tôi sang nhà cụ đồ bên mép sông, cạnh bến gạch mời cụ đồ sang cùng thưởng trà và ngắm hoa quỳnh. Mối thâm giao bắt đầu từ ngày ông tôi đưa nhà về bên bến cắm sào. Ấy là khi các gia đình vạn chài theo chủ trương ba ngọn cờ hồng, quy tất cả các gia đình vào hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã mua bán. 

Cái giai đoạn làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu chứ chưa phải làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Cái thời lấy điểm làm thước đo giá trị sức lao động. Hợp tác xã chấm điểm ngày công. Ai làm tốt, sẽ được Đội trưởng chấm ngày công mười điểm, tốt hơn và năng suất hơn sẽ mười lăm, hai mươi điểm. Cứ theo khối lượng công việc và đánh giá của ông Đội trưởng cho từng cá nhân mà chấm. 

Tất nhiên, giao việc cũng chỉ là tương đối, theo ông Đội trưởng quy định. Khó hay dễ, nặng nhọc hay nhàn nhã, tất tật đều do ông Đội trưởng. Ông Đội trưởng nói khó là khó, điểm cao. Ông Đội trưởng nói dễ là dễ, điểm ít. Việc đáng năm nhưng nếu thân quen, ông Đội trưởng nói mười thì nó sẽ là mười.

Ông tôi là dân chài nên chỉ quen chống sào, đánh chài thả lưới chứ việc cấy cày dường như không biết. Cũng chính vì thế mà việc đồng áng chỉ có bà tôi và bố tôi tham gia, ông không đoái hoài. Ông dành thời gian cho việc đan lưới, vó, mà theo ông, cố giữ lấy cái nghề “trói cột”. 

Vì không thạo việc, cũng bằng ấy khối lượng công việc nhưng bà và bố tôi có hoàn thành thì ông Đội trưởng cũng chỉ chấm bằng nửa công của các nhà làm nông trong xóm. Điểm của mỗi gia đình sẽ là số thóc được lĩnh khi đến mùa. Cái ăn của các gia đình làm chuyên nghề nông còn thiếu thì chuyện thiếu ăn của gia đình ông tôi là chuyện đương nhiên. 

Cũng may. Cụ tôi là người thức thời nên có cho ông đi học đôi ba chữ tam tự kinh nên cũng được coi là người có ăn, có học. Nhờ thế mà việc đói no trong nhà người ngoài không ai biết. Chuyện bỏ sông nước lên bờ thiếu ăn tuy có làm ông tôi đôi chút vấn vương nhưng dường như ông không hề lo lắng gì. Với ông tôi, sông còn nước là còn cái sống.

Năm ấy lũ to. Nước dâng mênh mông. Nước trên nguồn ngày càng dồn về. Chiếc đê bao khúc sông chỗ cánh đồng Cựa Gà bị vỡ. Để cứu cánh đồng Cựa Gà, xã huy động toàn bộ người dân trong xã ra lấp chỗ cửa khẩu bị vỡ. Đất, đá được cho vào những chiếc sọt bằng tre chuyền tay nhau ném xuống. Nước chỗ đê bị vỡ, chảy cuồn cuộn. Ném các sọt đất, đá xuống đến đâu nước cuốn đi đến đấy. 

Theo ý kiến của ông Xã đội trưởng, cũng là người chỉ huy công trường cứu đê. Muốn ngăn được nước chỗ đê vỡ, Đoàn thanh niên phải lao xuống làm cọc tiêu sống để các sọt đất đá ném xuống mới không bị nước cuốn đi. Thế là tất cả thanh niên xung kích được huy động. Người nắm tay nhau, ngoặc tay vào nhau rồi cứ lần dần dần từ hai bên vỡ khép lại giữa hàn khẩu. 

Khi số thanh niên từ hai bên cửa khẩu đưa tay để nối lại thành cọc người chắn nước, không hiểu sao, người đi đầu nắm trượt tay người phía đầu bên kia. Cả dẫy cọc tiêu người bị nước cuốn đi. Đoàn người làm cọc tiêu chắn lũ bị nhấn chìm trong nước. Cô Tú Quỳnh, con gái của cụ đồ trong đám thanh niên làm cọc tiêu cũng bị lũ cuốn trôi.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Bố tôi lúc ấy đang ở bên này đầu cửa khẩu, nghe tiếng kêu thất thanh có người bị lũ cuốn. Vốn dân chài, ông nhao người để lũ cuốn theo rồi lựa nước bơi về phía cô Tú Quỳnh. Khi đã dìu được cô Tú Quỳnh và những người bị lũ cuốn vào bờ. Bố tôi đề nghị Xã đội trưởng mang dây chão bừa nối lại. 

Ông buộc đầu dây chão vào gốc cây phi lao rồi cầm đầu kia, lựa nước bơi sang bên kia cửa khẩu. Cái dây chão được kéo vắt ngang chỗ đê vỡ. Lúc ấy, thanh niên cứ lần lần bám vào sợi dây chão ấy mà thành chiếc cọc tiêu chắn nước để mọi người ném sọt đất, đá xuống lấp chỗ cửa khẩu đê bị vỡ.

Đêm ấy, sau khi chỗ đê vỡ đã được hàn khẩu, ông đồ sang bên nhà ngồi thưa chuyện với ông tôi. Ông đồ cám ơn bố tôi đã cứu cô Tú Quỳnh, người con gái của ông. Ông còn mang sang một ấm trà sen, loại trà hảo hạng, được ướp trong bông sen và bọc ngoài bằng lớp lá sen xanh để hai người cùng pha thưởng ngoạn. 

Sau cái đêm ấy, ông tôi xem ra cũng muốn xin ông đồ cho cô Tú Quỳnh về làm bạn với bố tôi. Mà cụ đồ xem ra cũng mong muốn được như thế. Ấy cũng là cái duyên, cái nghĩa của đời. Nhận ơn thì nhớ mà nhận nghĩa phải trả. Chuyện ông tôi mong muốn là thế nhưng ông chưa tiện nói ra. Ông tôi chờ có cơ hội mới thưa chuyện với cụ đồ. Cũng từ sau chuyện đó, mối thâm giao giữa ông tôi với cụ đồ thân tình và thắm thiết. 

Cô Tú Quỳnh thấy bố tôi chịu thương chịu khó, lam làm cũng có ý đem lòng yêu thương. Bố tôi cũng thấy cô Tú Quỳnh đẹp người đẹp nết nên cũng muốn được làm bầu bạn kiếp này. Tất nhiên. Việc muốn là một chuyện. Đất lề quê thói. Muốn đến đâu thì cũng phải chờ người lớn hai gia đình thưa chuyện.

Vào những ngày cây quỳnh ra hoa, ông tôi vẫn thường sai bố tôi sang bên cụ đồ để mời cụ sang thưởng trà và ngắm hoa quỳnh nở về đêm. Những đêm như thế, mấy lần ông tôi cũng đã định thưa chuyện với cụ đồ về chuyện của bố tôi và cô Tú Quỳnh. Mỗi lần ông định nói thì phần vì cái đói, cái nghèo của gia đình lại ngăn ông lại. 

Nhà ông tôi quanh năm thiếu ăn. Tháng ba ngày tám, để kiếm gạo, rảnh việc đồng, ông lại gọi bố tôi cùng ông đưa thuyền đi đánh lưới. Hôm nào ông mệt, nói bố tôi đi thả mồi rập hoặc thả dây câu. Sau mỗi đêm đi chài lưới về, lòng khoang thuyền nhà cá quẫy lục bục cả đêm. Những con cá chép nặng cả cân, vẩy óng ánh vàng tươi ngoay ngoảy. Ông nói bố tôi mang con to nhất ngon nhất sang biếu cụ đồ. Số cá còn lại mới đem ra chợ. 

Những con cá chép còn tươi roi rói, bà bỏ vào chiếc rổ đậy chiếc vỉ cói lên còn đập đuôi, lộ chiếc đuôi hồng hồng phía cuối. Hôm nào cũng thế, sáng sớm bà đã phải te tái đi chợ bán cá rồi tranh thủ mua lấy dăm ba bơ gạo để tránh người làng biết chuyện. 

Phần nữa, ông tôi chần chừ chưa thưa chuyện với cụ đồ cũng vì nhà tôi dân thuyền chài chuyển lên bờ ở đất của làng. Dù đất mom sông, đầu bãi, đất bỏ đi làm chỗ buộc trâu buộc bò thì nhà ông tôi vẫn là kẻ ngụ cư. Cái tủi thân phận của kẻ ngụ cư mà câu chuyện ông định thưa với cụ đồ cứ nấn ná mãi chưa thể nói ra được.

Vẫn như lệ thường, mỗi khi chậu quỳnh bên hiên nhà bật lên những nụ màu nâu nâu hồng, ông tôi lại chuẩn bị ít trà móc câu, rồi sáng sớm bơi thuyền lấy những bông sen mới tách phía đầu hoa. Ông cũng không quên, lấy cái gáo làm bằng vỏ dừa, ghé vào lá sen xin những hạt sương đêm còn đọng trên lá về tích lại để dành. 

Mấy bông sen ông lấy về, tách lá, lấy những cái nhụy vàng au còn nguyên lớp phấn hoa đem trộn vào chỗ trà móc câu, gói kỹ vào trong bông hoa sen, lấy lá sen vừa đủ xanh, bọc lại, cất vào trong đáy cái hòm gỗ giữa nhà.

Khi cái nụ màu nâu nâu hồng bằng cổ tay đứa trẻ, ông sai bố sang nhà ông đồ mời sang thưởng trà và ngắm hoa quỳnh nở. Còn ông, lấy bộ ấm trà nhỏ bằng nắm tay, được làm bằng thứ đất dưới tận đáy sông, nung vừa lửa cùng mấy cái chén nhỏ tý ty trên cái khay đan bằng mây đem ngâm nước ấm. 

Khi nào nghe tiếng guốc mộc lẹc kẹc đầu ngõ, ông tự tay đổ nước lấy từ lá sen vào cái ấm đất rồi đặt lên trên cái bếp có ba ông đồ rau chụm đầu trò chuyện. Chờ khi nào, cái nắp ấm đất rung rung, phát ra tiếng kêu cạch cạch nhè nhẹ, ấy là lúc ông lấy trà đã ướp nhụy sen cất trong cái hòm gỗ ra pha. 

Ông nhẹ nhàng lấy tay gỡ từng lớp lá sen rồi cũng rất nhẹ nhàng, ông lấy tay vuốt vuốt một góc để đổ trà vào cái ấm đất đã được ngâm nước ấm. Xong đâu đấy, ông mới lấy cái ấm đất, rót từ từ nước nóng vào ấm. Nước ông rót vào ấm, chỉ chạm vào lá, không để nước làm cánh trà nổi lên hoặc xô dạt trong ấm. Nước vừa bằng mặt trà, ông lấy cái nắp khẽ khàng đặt lên trên.

Khi câu chuyện về thế sự, thời tiết hay chuyện đánh bắt cá được dăm ba câu, cũng là lúc nước đã ngấm đủ hương trà, ông từ từ nghiêng cái ấm rót vào hai cái chén. Hương sen quyện hương trà, quyện hương quỳnh đang từ từ hé nở hòa vào không gian mát rượi, lóng lánh trăng. Tất cả một khoảng không gian rộng lớn dường như dừng lại để tận hưởng sự thanh tao đến tận cùng của người, của hoa, của đời và của trà.

Tối ấy, nụ quỳnh đầu hè cũng đã hé màu trăng trắng của cánh hoa, ông sai cha sang mời cụ đồ như mọi lần. Đó cũng là tối mà ông định thưa chuyện với cụ đồ, xin cụ cho người con gái của cụ về làm bạn với cha tôi. Ông có ý chờ đến khi bông quỳnh bung những cánh trắng, tỏa hương dìu dịu bên chén trà sen sẽ thưa chuyện. Ông tôi cứ nhẩn nha tiếp trà cụ đồ và cụ đồ cũng cứ thư thả mà thưởng hương trà sen thoang thoảng chờ ông tôi nói.

Khi trăng đã lên ngang đầu, tiếng gà đã điểm sang canh, cánh trà đã ngấm, hương trà đã thưởng ngoạn mà nụ quỳnh vẫn không từ từ nhẹ nhàng mở cánh. Ông cứ ngồi chờ, chờ mãi. Ông và cụ đồ ngồi bên ấm trà, thi thoảng lại nhấp nhấp hương trà thở dài. Chờ đến quá khuya mà cánh quỳnh vẫn không hé nở. Câu chuyện ông tôi muốn thưa chuyện với cụ đồ lại một lần nữa gác lại đợi lứa quỳnh sau.

Thời gian này, cả xã, nhà nhà rộn rực về tin chiến sự. Tối tối ông Xã đội trưởng cầm chiếc loa trên tay đi các ngõ để thông tin chiến thắng trong chiến trường. Mấy cái biển xây đầu làng, gần trụ sở ủy ban, nơi ngã ba đường được mấy anh bên thông tin kẻ hàng chữ to bằng phấn mầu. Một mặt có dòng chữ: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Mặt bên kia là hàng chữ: “Mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. 

Không khí lao động sản xuất hừng hực. Thanh niên nam ai cũng muốn được tòng quân. Thanh niên nữ ai cũng mong được tham gia thanh niên xung phong hỏa tuyến. Câu chuyện của ông tôi và cụ đồ ngày nào cũng xoay quanh tình hình chiến sự xảy ra trong chiến trường miền Nam.

Có đợt tuyển quân đi vào Nam chiến đấu. Bố tôi viết đơn xung phong tình nguyện nhập ngũ. Đêm trước ngày bố tôi đi, cô Tú Quỳnh cùng đám thanh niên nữ sang nhà liên hoan chia tay. Nói là liên hoan chứ thực ra bà tôi cũng chỉ luộc nồi khoai rồi vớt ra chiếc rổ bà vẫn hay dùng đi chợ bán cá. Cụ đồ sang từ sớm, ngồi trò chuyện với bố tôi cùng mấy ông trong xóm trên chiếc sập gỗ khề khà ấm trà với chiếc điếu bát hút thuốc lào. Câu chuyện của các ông vẫn là tình hình chiến sự trong miền Nam. Thi thoảng lại có tiếng thở dài đâu đó lo cứ thế này lấy đâu ra sức người lao động sản xuất.

Cô Tú Quỳnh, lấy lý do ở lại đợi về cùng cụ đồ để giúp bà tôi dọn dẹp chỗ rổ khoai đám thanh niên nữ ăn xong và mấy cái bát uống nước chè còn lại ngoài sân. Thấy cô Tú Quỳnh xăm xắn thu dọn, bà tôi nhìn theo cái dáng thắt đáy lưng ong của cô đi đi lại lại thở dài. Khi cụ đồ chào ra về, ông tôi tiễn cụ đồ ra đến đầu sân rồi nói bố tôi đi cùng soi đèn cho cụ đồ và cô Tú Quỳnh về kẻo ngã. 

Bố tôi cầm chiếc đèn chai đi trước soi đường để cụ đồ và cô Tú Quỳnh đi sau. Đến đầu ngõ nhà cụ đồ. Khi cụ đồ bước qua chiếc cổng tre vào sân. Cô Tú Quỳnh dúi vội vào tay bố tôi chiếc khăn tay mùi xoa rồi chạy vội vào nhà. Sáng hôm sau, từ sớm, bố tôi theo ông Xã đội trưởng đi ra thôn Miếu Rậm để nhập ngũ.

Bố tôi được đưa vào Như Xuân, Thanh Hóa để huấn luyện. Thỉnh thoảng có thư về thăm nhà và trong thư, phần cuối bao giờ cũng có câu: “Bố mẹ cho con gửi lời thăm cụ đồ và em Tú Quỳnh. Nói là con vẫn khỏe”. Cứ mỗi lần nhận thư như thế, ông tôi lại chuẩn bị trà, nước rồi nói bà mời cụ đồ sang chơi. Bức thư của bố tôi gửi về được đọc to cả nhà nghe. Những hôm như thế, cụ đồ nâng ly, lặng lẽ uống trà và trò chuyện về thời vụ. Cụ đồ có ý tránh nói đến chuyện chiến sự để ông bà tôi phải lo.

Bố tôi đi được một năm thì cụ đồ trở bệnh. Trước khi cụ đồ mất, cụ cứ nắm lấy tay ông tôi mà lắc lắc, nước mắt giàn giụa. Cụ đồ đi tháng trước, tháng sau ông tôi cũng phát bệnh qua đời. Người làng kháo nhau: Sống hai cụ thân thiết nên khi mất cũng không thể thiếu nhau. Làng đưa cụ đồ và ông tôi về nằm cạnh nhau, trên mỗi ngôi mộ đều trồng cây quỳnh và cây dao. Bố tôi lúc ấy cũng đã vào chiến trường. Cô Tú Quỳnh, con gái cụ đồ sang sông rồi theo chồng rồi đi lên mạn ngược lập nghiệp.

*

Chiến tranh kết thúc. Cha tôi trở về lành lặn. Sau mấy đêm ngồi kể chuyện chiến trường cho bà con trong làng, ngoài ngõ, bố tôi khoác ba lô đi đâu đó một thời gian. Có đôi ba người làng đi làm ăn xa kể có gặp cha tôi trên mạn ngược. Ông cứ chiếc ba lô trên vai đi vào các vùng dân khai hoang kinh tế mới. Hết nơi này đến nơi khác. 

Sau mấy tháng trời như thế, ông khoác ba lô trở về với dáng vẻ hốc hác, mệt mỏi. Dành mấy ngày sửa sang lại mái nhà, trồng lại mấy khóm chuối, dọn lại mảnh vườn, bố tôi ra chợ mua mấy tay lưới rồi lấy chiếc thuyền nan ngày còn sống, bà gác trên gác bếp sau khi ông mất xuống. Bố tôi xin đâu được cây quỳnh, cây giao về trồng ở góc sân nhà. 

Rồi bố gặp mẹ tôi. Một người làng cũng là thanh niên xung phong. Năm sau, tôi có mặt trên đời. Mẹ tôi biết chuyện của bố và cô Tú Quỳnh nhưng bà rất tôn trọng chuyện một thời và không bao giờ nhắc lại chuyện ấy một lời. Bà còn chăm sóc cây quỳnh, cây giao hơn cả bố tôi. 

Chỉ có điều. Dù trồng góc vườn, rồi đánh lên trồng trong chậu, cây quỳnh dù được chăm thế nào lá cũng kém xanh, cứ đua ra rồi gục đầu xuống mà không gác lên cành giao. Còn cành giao, cũng không chịu đỡ lấy cánh quỳnh, ngọn cứ ngóng về phía cuối trời xa ngái, xa mãi…

*

Bố cố gắng đưa tay sau đầu, luồn tay xuống dưới gối, lấy ra chiếc khăn mùi xoa đưa cho tôi. Trên chiếc khăn tay đã cũ, sợi vải đã có đôi ba chỗ ố vàng vì thời gian có dòng chữ thêu bằng chỉ hồng “Em sẽ đợi anh về” cùng đôi chim bồ câu hướng vào nhau phía trên. Đưa cho tôi chiếc khăn xong, bố ra hiệu tôi ghé sát xuống gần hơn. Trong tiếng gió bố bảo:

- Con giữ lấy chiếc khăn này. Khi nào gặp, trao lại cho cô Tú Quỳnh và nói: “Cô về đi cho cây quỳnh ra hoa”.

Nói xong, bố tôi lỏng tay rồi thả thõng xuống. Trên đuôi mắt ông, một giọt nước lăn xuống thấm nhanh vào gối.

Có tiếng mẹ tôi nói vọng từ ngoài sân.

- Ông ơi. Cây quỳnh năm nay ra hoa rồi. Ông dậy ra mà xem.

Rồi tiếng mẹ tôi thất thanh:

- Ôi. Chị Tú Quỳnh. Có phải chị Tú Quỳnh đấy không? Nhà em bấy nay cứ đi tìm chị mãi. Ông ơi. Chị Tú Quỳnh về rồi này.

Truyện ngắn của Phạm Thanh Khương
.
.