Tòa án đặc biệt
Bà xem đồng hồ, chiếc đồng hồ óng ánh vàng mà bà chị bạn đồng hương cùng đáp chuyến tàu này tặng bà từ ba năm trước. Bà tự nhủ: “Sáng rồi!”. Và có vẻ lưỡng lự, bà thừ ra vài phút. Rồi đưa chiếc điện thoại di động lên tai trái, chiếc tai lấp ló trong các lọn tóc quăn bóng bảy: “Anh ơi, gần bốn giờ nữa, em tới nhà!”.
Ánh mắt bà như đột ngột tắt ngấm. Bà cố nén một tiếng thở dài. Nó vẫn thoát ra khỏi lồng ngực căng tròn ở tuổi bốn mươi. Bà Râykô Uây bỗng hát se sẽ. Chẳng vui, cũng chẳng buồn. Có gì ai oán trong lời hát lơ lớ tiếng Nhật. Bà rửa mặt thật sạch, chải tóc khá lâu, rồi choàng chiếc áo ngoài màu thiên thanh. Trước khi mở cửa, bà nhìn kỹ khuôn mặt chữ điền vẫn xinh xắn của mình.
Minh họa: Tô Chiêm |
Chẳng hiểu sao, bà khựng lại giây lát rồi mới rời chiếc gương to và bước ra cửa. Bà nhìn ra ngoài, như đề phòng điều gì bất trắc. Và tay nắm lấy cái nắm đấm cửa, bà còn phân vân. Bà xoay nắm đấm đó, cửa vừa hé ra, một người đàn ông xuất hiện. Bà suýt hét lên, người đàn ông kịp bịt lấy miệng bà. “Xin bà đừng sợ!- Ông thoáng mỉm cuời, nụ cười phúc hậu - Tôi không hại bà đâu”. Bà được ông khẽ đỡ cho khỏi ngã.
Im lặng một lúc. Ông nói: “Tôi chỉ muốn cứu bà!”. Ông dìu bà lại ngồi trên một chiếc ghế đệm màu tím thẫm. Bà vẫn không thốt nên lời. Mắt bà vẫn mở nhưng có vẻ không thấy gì cả. Ông lấy chiếc khăn mùi xoa vắt trên tựa ghế. Và nhẹ nhàng ấp ấp lên trán bà.
Bà dần dần trấn tĩnh lại. Trước mặt bà là một ông già nhỏ nhắn, không dưới tuổi bảy mươi. Tóc ông lốm đốm bạc. Mặt hầu như chưa có vết nhăn nào. Nhưng đuôi mắt thì nếp nhăn khá rõ. Dù sao, bà vẫn bán tín bán nghi. Nỗi lo sợ vẫn lấn át niềm tin mới phảng phất trỗi dậy.
Bà trân trân nhìn ông. Và môi mấp máy, như muốn nói gì. Ông lặng lẽ đến gần bên bà: “Bà muốn gì phải không?”. “Dạ, tôi, …xin lỗi,…toa-lét…”. “Xin mời…Tôi có thể giúp gì bà?”. “Không…ạ !”. Bà Râykô Uây lom khom lê bước về phía trong. Đèn toalét tắt phụt. Ánh điện thoại di động lóe lên xanh biếc. Khá lâu, bà vẫn không ra khỏi. Tiếng đau rên dữ dội. Ông già bước vào…Và hiển nhiên, ông kịp nghiêng nhanh như chớp thân hình của ông, thoát được một cú đâm, và kịp nắm chặt bàn tay trắng trẻo, xiết chặt con dao nhọn cắt hoa quả… Ông không nắm quá chặt, sợ làm đau người đàn bà rơi vào quẫn trí…
Ông mỉm cười hiền hậu: “Thưa bà, giờ tôi đứng đây, mời bà cứ đâm thẳng cánh…”. Bà Râykô nín bặt, đầu cúi gằm. Hoàn toàn bất ngờ đối với bà, ông lão với vội chiếc khăn mặt ướt, đưa cho bà: “Mời bà lau mặt cho thật tỉnh ngủ!”. Mặt bà tái nhợt, chẳng biết bà quá sợ hay quá xấu hổ. Ông già nhìn lên các bức tranh nhỏ treo trang trí khá đẹp.
Cuối cùng, ông ngồi đối diện bà Rây-kô: “Bây giờ, không gì hơn bằng nói thật. Nếu tôi có ý định xấu với bà, tôi hành động ngay khi bà mở cửa. Nếu tôi là dân anh chị, lúc này, tôi có toàn quyền trừng phạt bà theo luật dã thú… Nhưng tôi là một con người. Một người Nhật trọng danh dự và nhân phẩm”.
Cái nhìn thẳng thắn và lương thiện từ đôi mắt bạc màu nhưng vẫn sáng quắc khiến bà yên lòng trở lại. Bà hiểu đây không phải trộm cướp hay lưu manh, hoặc chí ít cũng không phải một tên yêu râu xanh dữ tợn. Bà nhìn ông soi mói.
“Chúng ta không có nhiều thời gian,- ông nhỏ nhẹ cất lời, giọng thân tình và đĩnh đạc.- Bà đừng e ngại. Cách đây một giờ mười hai phút, - ông vừa nói vừa liếc nhanh chiếc đồng hồ cổ lỗ sỹ đeo trên cổ tay khẳng khiu, nhưng rắn rỏi - tôi đang đứng trên boong tàu nghỉ ngơi và ngắm cảnh biển đêm thân thiết mịt mùng. Bà lướt qua trước mặt tôi, mà không biết có tôi. Bà đứng yên giây lát, rồi ném một vật xuống biển. Xin tự giới thiệu. Tôi là một thám tử tư con nhà nòi. Một số con cháu tôi nối nghiệp tổ tiên. Nghề chúng tôi, bà biết rồi đấy, là lôi tội lỗi ra ánh sáng, để người sai tự sửa chữa. Người sai ngoan cố, thì pháp luật buộc họ phải thấy tác hại mình đã gây ra cho xã hội. Dĩ nhiên thường là tội nặng, vượt quá giới hạn của sự khoan dung thông thường…”.
Lạ thay, một làn gió nhẹ phơ phất - cửa hé mở tự bao giờ, có lẽ do ông lão, - bà Râykô Uây đang ngột ngạt như tắc thở, thấy dễ chịu như vừa vụt thoát đám lửa ngùn ngụt. Dễ chịu, nhưng vẫn cảm thấy mình bị ném vào một hành tinh xa lạ, giữa vũ trụ bí ẩn, choáng ngợp…
Tiếng giày da nện hơi nặng trên sàn tàu. Ba người bảo vệ trên tàu bước vào, cúi chào thật thấp: “Xin mời bà thu xếp…đi cùng chúng tôi. Chào bác Odâyki. Mời bác đi luôn ạ !”. Bà Râykô không giấu nổi vẻ luống cuống. Ba nhân viên bảo vệ nhanh nhảu giúp bà thu dọn hành lý của bà. Bà được mời đi trước. Tiếp theo là ông lão Odâyki, rồi ba nhà thi hành công vụ.
Tại phòng Trưởng tàu, Quận trưởng cảnh sát, Trưởng tàu và hai người em trai của bà Râykô Uây đang ngồi chờ. Bà Râykô suýt ngã khụy xuống. Hai em bà thì toát mồ hôi, run run, lấm lét nhìn bà. Quá lạ, bà không hiểu sao ba chị em lại bị dồn vào cảnh khốn cùng nhục nhã không ngờ nổi. Ông Trưởng tàu mời Quận trưởng cảnh sát làm việc.
Quận trưởng vui vẻ thưa với lão Odâyki: “Vụ này do bác bắt được. Hậu quả tức thì đã được ngăn chặn kịp thời. Đó là công của hai cháu ruột bác Odâyki. Hai cháu nhận được tin nhắn của ông, liền phóng thuyền máy đuổi theo tàu và vớt được vật này. Một hộp gỗ đựng tro cốt. Hộp tro vẫn bị cuốn chìm nổi ở đuôi tàu. Các cậu đem nộp cho Trưởng tàu, báo cáo sự việc, đề nghị phối hợp hóa giải việc “chạy tội”. Thế nên, hai vị em bà khách mới ngồi đây. Hung khí đã bị hai cháu bác Odâyki và các nhân viên bảo vệ thu giữ. Xin cảm ơn mọi người. Chuyện xử lý thế nào, xin để bác Odâyki quyết định…”.
“Cảm ơn ông Quận trưởng, - bác Odâyki thoáng mỉm cười. - Hai ông em bà đây đến là để đề phòng bất trắc cho chị. Họ chưa gây tội ác. Vậy xin đưa về đồn, chờ xử lý của pháp luật. Còn thủ phạm là bà. Mời bà khai báo vắn tắt cho chúng tôi đã…”.
Bà Râykô Uây líu lưỡi, mãi mới nói được: “Dạ thưa, tôi là người Campuchia, lấy chồng người Nhật. Chồng tôi là một người cao thượng, đúng như phong cách sống truyền thống của dân tộc anh…- Bà nghẹn lời - Xin ông thuyền trưởng mời bà Misima tới đây ạ. Tôi muốn ba mặt một lời, mong ông chấp thuận…bà ấy ở phòng 21”.
Bà Misima thấy ông Quận trưởng cảnh sát thì hiểu sự cố tức thì. Bà quên hết xung quanh, nhảy bổ tới ôm lấy bà Râykô, và cùng khóc nức nở. “Thưa hai bà, tàu sắp đến bến…”.
Bà Râykô tiếp lời: “Vâng, tôi chơi thân với chị Misima, chúng tôi vốn cùng huyện ở Campuchia, cùng kết hôn với người Nhật. Bố chồng chị vừa mất ở Odaka. Gia đình muốn chị chuyển bình tro cốt của cụ về Iôha, quê cụ. Ma xui quỷ khiến, lòng tham trỗi dậy, chị nhét vào bình bốn lạng vàng, nghĩ chẳng ai đi trộm hộp tro cốt. Được chị thổ lộ chuyện đó, tôi lấy cớ đi cùng chị, thừa cơ lấy hộp tro cốt, để chiếm đoạt số vàng. Em xin chị ngàn lần tha lỗi cho em! Nhà nước bỏ tù, tôi xin chấp nhận…!”.
“Không, thưa các vị, tôi là thủ phạm. Giá tôi không tham, chuyện này đã không xảy ra. Vậy xin tha cho em Râykô Uây. Xin cứ bắt tôi xét xử… Chị phải xin lỗi em mới phải!...”. “Thưa bác Odâyki, ý bác thế nào?”. Quận trưởng trìu mến nhìn ông lão. Ông lão nhìn hai đứa cháu: “Các cháu tính sao?”. “Dạ, tha cho cả hai bà!”. Chúng đồng thanh đáp. Cụ Odâyki mỉm cười: “Ý tôi là vậy, ngài Quận trưởng”.
Ít lâu sau, cụ Odâyki nhận được một bức thư từ Iôha. Bức thư viết: “Kính thưa cụ Odâyki, chúng tôi xin bày tỏ lòng kính phục vô bờ bến đối với cụ. Ví bằng ai cũng tỉnh táo và nhân từ như cụ, xã hội chúng ta chỉ có tươi đẹp. Cụ về nghỉ, nhưng vẫn là cây cao bóng cả. Cầu chúc cụ mãi mãi khoẻ mạnh và mãn nguyện. Hai cháu Misima và Râykô xin cụ tha tội. Hai cháu đã làm mọi nghi lễ cần thiết, để xin lỗi về việc làm ô danh hai dòng họ và gia đình. Thần linh đã tha thứ. Hai gia đình đã họp bàn và cũng tha thứ. Chúng cháu cũng đã tổ chức lao động ngoài giờ, gom tiền, để hai cháu gửi về giúp gia đình bên Campuchia. Cụ quả là ông Bụt của dân lành…”.
Dư Nhật Quang (dịch)