Tổ nghiệp

Thứ Hai, 12/12/2016, 08:00
Đêm nay Hùng không có ca trực. Nhưng hồi chiều ngồi ăn cơm, anh bảo với Ngọc tối nay anh đi trực thay cho anh bạn đồng nghiệp. Nói là nói vậy thôi, chứ Hùng có trực thế ai đâu. Anh vào bệnh viện, nói tào lao với mấy anh bạn đồng nghiệp rồi quay về nhà. Đúng như phán đoán của anh, Ngọc đã không có ở nhà. Như vậy là trong những lần anh đi trực đêm, Ngọc vẫn thường xuyên vắng nhà...

Cả năm nay, trong những đêm Hùng đi trực, Ngọc đều vắng nhà, nhưng dì Hai không thấy lo. Tự nhiên đêm nay, dì Hai thấy lo quá, vì hồi chiều Hùng ngồi ăn cơm, dì Hai đọc được trong ánh mắt của anh có một nỗi hoài nghi mơ hồ, rất miên man và khó nắm bắt. Dì Hai đi ra đi vào thắc thỏm, trông Ngọc về sớm. Nhưng Ngọc không về mà Hùng về. Dì Hai đang pha sữa cho bé An, thấy Hùng lù lù bước vào nhà, dì chết sững, mặt tái mét:

- Ủa, cậu Hùng đi trực mà, sao về sớm vậy?

Hùng nói anh bỏ quên đồ ở nhà, trở về lấy rồi đi liền. Hùng vào nhà, nghe tiếng bé An khóc, anh hỏi:

- Vợ con đâu mà để bé An khóc dữ vậy dì Hai?

Dì Hai ấp úng:

- Cô nói đi… đi… công chuyện với bạn, một tí là dìa liền hà.

Đêm nay Hùng không có ca trực. Nhưng hồi chiều ngồi ăn cơm, anh bảo với Ngọc tối nay anh đi trực thay cho anh bạn đồng nghiệp. Nói là nói vậy thôi, chứ Hùng có trực thế ai đâu. Anh vào bệnh viện, nói tào lao với mấy anh bạn đồng nghiệp rồi quay về nhà. Đúng như phán đoán của anh, Ngọc đã không có ở nhà. Như vậy là trong những lần anh đi trực đêm, Ngọc vẫn thường xuyên vắng nhà.

Hùng phóng xe đến các tụ điểm đờn ca tài tử, cải lương trong thành phố. Anh dừng lại phía trước nhà hàng Tiếng đờn tri âm. Hùng nhớ có lần Ngọc kể với anh, nhà hàng này là do anh em nghệ sĩ trong Câu lạc bộ cải lương Tiếng đờn tri âm mở ra để anh em yêu nghề còn có đất diễn và có thu nhập để sống lay lắt với nghề. Thời buổi cải lương xuống dốc, mỗi đêm diễn khán giả cứ thưa dần, thưa dần.

Anh em nghệ sĩ hôm nay nghe đoàn hát này rã gánh, hôm sau lại nghe đoàn kia giải tán mà rớt nước mắt. Nhưng tổ nghiệp cũng còn thương anh em nghệ sĩ, từ khi nhà hàng mở đến giờ lúc nào cũng đông khách mộ điệu cải lương đến ủng hộ. Đủ ăn đủ mặc để hằng đêm còn được bước lên sân khấu, lên câu vọng cổ ngọt xớt, xuống xề mướt rượt là vui lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Hùng nhớ có lần chở Ngọc đi ngang nhà hàng Tiếng đờn tri âm, cô hồ hởi khoe: “Lúc trước em hát ở đây nè anh. Khách ở đây thương anh em nghệ sĩ lắm, đêm nào em hát cũng được boa”. Từ đó, mỗi lần chở Ngọc đi đâu, Hùng đều tránh đi ngang nhà hàng Tiếng đờn tri âm, anh sợ Ngọc nhớ sân khấu, nhớ nghề hát.

Mà Ngọc nhớ nghề thiệt, có đêm Hùng giật mình thức giấc, xoay qua thấy Ngọc đâu mất tiêu. Anh chạy lên tầng hai tìm, thấy Ngọc hóa trang mặt mày diêm dúa, quần áo xum xoe như bà khùng. Ngọc hát một lớp trong trích đoạn Kim Vân Kiều nghe thật não nùng. Cô hát, diễn say sưa y hệt mấy cô bóng lên đồng. Hùng bảo Ngọc khuya rồi, sao không đi ngủ mà còn lên đây hát một mình như ma nhập vậy? Ngọc giật mình, ánh mắt cô như dại đi:

- Anh ơi, em nhớ nghề, nhớ ánh đèn sân khấu quá. Nhớ tiếng đờn kìm rao da diết mỗi khi vào bản vắn Văn Thiên Tường... Nhớ hổng ngủ được. Anh cho em đi hát lại nghen.

Hùng im lặng, thở dài. Ngọc tha thiết:

- Đi hát cũng đâu có gì xấu đâu anh.

Hùng vẫn im lặng. Một sự im lặng đến ngột ngạt, nhói tim. Khuôn mặt Hùng vẫn lạnh căm căm. Chưa bao giờ Ngọc thấy khuôn mặt anh lạnh đến như vậy. Ngọc quay đi để tránh ánh mắt sắc lạnh của Hùng. Điều đó đồng nghĩa với việc Hùng không chấp nhận, vì anh và cô đã từng giao ước với nhau rồi, khi cưới nhau, Ngọc không được đi hát nữa. Anh không muốn một bác sĩ có vợ là đào hát cải lương. Hát một đêm có được mấy đồng đâu mà hát.

Xã hội bây giờ coi đào hát, kép hát rẻ rúng lắm, hát hò làm gì mắc công bị người đời coi thường chứ vinh hạnh gì đó mà hát với hò. Vợ của một bác sĩ trưởng khoa thì cần gì mấy đồng bạc lẻ hát hò. Ngọc chỉ cần ở nhà chăm sóc con, đưa đón chúng đi học là được rồi. Anh không cần cô phải nhọc công đi hát kiếm mấy đồng bạc lẻ để làm gì cho người đời rẻ rúng, khinh khi.

Ngọc cũng muốn quên sân khấu, muốn quên tiếng đờn kìm ai oán, tiếng đờn tranh dìu dặt; muốn quên câu Nam ai da diết, bản Phụng hoàng bi thương; muốn quên bài vọng cổ ngọt ngào… mà sao khó quá, quên không được. Hồi mới yêu Hùng, anh bảo cô bỏ nghề hát đi, tìm nghề khác mà làm, làm chi cái nghề bạc bẽo như vôi, nhiều người đến chết cũng không có được cái nhà để tuổi già có nơi nương náu. Ngọc tha thiết:

 - Cải lương nó ngấm vào máu em rồi, bỏ hổng được. Nếu cắt vào da thịt em thì máu chảy ra, giọt nào cũng có tiếng đờn, lời ca trong đó.

Hùng nhìn sâu vào mắt Ngọc:

- Em yêu sân khấu hơn anh hả?

Ngọc rưng rưng:

- Nếu anh là khí trời, thì cải lương là máu. Hai thứ ấy, thiếu cái nào em cũng không sống nổi.

Nhưng rồi vì quá yêu Hùng, vì nghe lời má, Ngọc đã bỏ nghề để an phận làm vợ của một bác sĩ cho cuộc đời đừng long đong như má. Mà lẽ đời, đâu phải muốn là được. Thế nên tổ nghiệp mới trớ trêu, không để cho cô diễn tròn vai người vợ hiền, mà muốn cô diễn vai Thúy Kiều trong “Kim Vân Kiều”, vai Hương trong “Nửa đời hương phấn”… để cho khán giả khóc cười mua vui.

Vì vậy, Ngọc mới nhớ nghề. Nhớ đến phát khùng, phát điên. Nhiều khi đi ngoài đường, tình cờ nghe tiếng đờn kìm của ông ăn xin mù, đờn mấy câu Phụng hoàng, Ngọc nhớ đến tê dại. Nhớ đến chảy nước mắt. Nhớ đến muốn chạy lên sân khấu để hát trọn vẹn một đêm rồi chết liền cũng được. Hồi mới cưới, sáng Ngọc đi chợ, tranh thủ chạy đến Câu lạc bộ Tiếng đờn tri âm để coi anh em nghệ sĩ tập diễn, tập hát. Nhớ quá, cô xin anh em cho hát mấy câu Phụng hoàng rồi về. Chị Hoa nhìn Ngọc thở dài:

- Yêu nghề quá như con Ngọc cũng khổ. 

Chị Liên thì bảo:

- Con nhỏ này khùng thiệt rồi, lấy chồng bác sĩ được ăn ngon mặc đẹp sướng gần chết mà còn nhớ nghề cái nỗi gì hổng biết. 

Chị Hoa chua xót:

- Chắc tại tổ nghiệp hành.

*

Hùng xăm xăm đi vào nhà hàng Tiếng đờn tri âm, kêu mấy lon bia ngồi uống. Ngọc bước ra sân khấu trong trang phục xanh đỏ, đầu giắt hoa trắng hoa vàng lùm xùm. Hùng thấy chướng mắt chịu không nổi. Anh muốn chạy lên sân khấu lôi Ngọc về, nhưng đã kịp nén cơn giận lại. Tiếng đờn kìm rao não nùng… 

Hồi thấy Ngọc và Hùng cứ khăng khít với nhau, dì Nga kêu Ngọc lại nói:

- Má thấy tụi bây khó mà hợp nhau à nghen.

Ngọc tròn mắt, ngơ ngác:

- Sao vậy má? Anh Hùng có ăn học đàng hoàng, bộ má hổng thích ảnh hả?

Dì Nga thở dài:

- Hổng phải là má hổng thích nó. Nhưng tụi bây một đứa thì sống dưới đất, một đứa sống trên mây sao mà hợp nhau cho được. Khi cưới nhau rồi, mầy nhắm bỏ nghề hát được không, còn thằng Hùng liệu có cho mầy đi hát hông?

Dì Nga lo là cũng có cái lý của dì. Hồi đó, dì Nga cũng là cô đào nổi tiếng của Đoàn cải lương Hoa Mai Trắng. Chú Kiên là con một thương gia người Hoa nổi tiếng ở vùng Chợ Lớn. Hồi biết dì Nga nhận lời lấy chú Kiên, anh em nghệ sĩ trong đoàn ai cũng hỏi dì suy nghĩ kỹ chưa, nhắm bỏ nghề hát được không, vì chú đặt điều kiện cưới rồi là dì không được đi hát nữa. Dì Nga nói chắc như đinh đóng cột:

- Biết làm sao bây giờ, con gái thì phải lấy chồng. Làm vợ, làm mẹ cho yên phận chứ đờn ca hát xướng miết cũng hổng đi đến đâu.

Hồi còn sống với nghề, dì Nga nghĩ chuyện bỏ nghề đâu phải là chuyện dời non, lấp biển mà không làm được. Nếu như nhớ cải lương quá thì mua vé đi coi chứ có gì đâu. Lấy chồng rồi con đàn con đống, làm hổng rảnh tay thì còn tâm trí đâu mà hát với hò. Nhưng đời biết đâu mà lường, nói trước bước không qua. Dì Nga nghĩ vậy nhưng không phải vậy.

Con đàn con đống, nhưng dì vẫn nhớ, nhớ da diết, nhớ thắt lòng những tiếng đờn kìm, đờn cò với hò, xự, xang, xê, cống... Nhớ cả những giọt nước mắt khi dì sống trong vai diễn Cúc Hoa, Thoại Khanh… Nhớ đến nỗi dì đã làm một sự rất dại dột là lén chồng đi hát. Nhưng sự đời, kim giấu trong bọc có ngày cũng lòi ra. Hôm ấy, dì Nga đang diễn vai Thoại Khanh, tới cái lớp Thoại Khanh cõng mẹ đi tìm Châu Tuấn, chú Kiên đi xâm xâm ra sân khấu thộp tay dì Nga lôi xềnh xệch vào cánh gà trước ánh mắt ngỡ ngàng của hàng trăm khán giả. Dì Nga lạy chồng như tế sao:

- Anh ơi, em lạy anh, cho em hát hết tuồng, vé đã bán rồi.

Chú Kiên nghiến răng, gằn từng tiếng:

- Đi về nhà rồi nói gì thì nói.

Nghe dì Nga kể, Ngọc cũng suy nghĩ nhiều lắm, có đêm không ngủ được. Hồi lúc quyết định cưới Ngọc, Hùng đã cho cô chọn, hoặc là anh, hoặc là nghề hát. Ngọc tha thiết:

- Anh ơi! Với em, anh và sân khấu đều quan trọng như nhau, em không muốn…

Hùng cho cô suy nghĩ một tuần rồi trả lời. Thấy Ngọc nằm ràu ràu, dì Nga gặng hỏi mãi Ngọc mới chịu kể việc Hùng không muốn cô đi hát nữa. Dì Nga thở dài, nước mắt ứa. Sau cái đêm dì Nga đang hát, chú Kiên lên sân khấu lôi về, dì lặng lẽ ẵm Ngọc đi. Nhưng lẽ đời trớ trêu không như dì tưởng. Vì vậy, tiền chưa kịp dành dụm để mua một chỗ ở nho nhỏ để làm nơi trú ngụ thì đêm diễn cứ thưa dần, thưa dần. Đến ngày giã từ sân khấu thì một đồng lận lưng, dì Nga cũng không có.

Thấy cái nghề bạc bẽo, dì Nga không cho Ngọc theo. Dì bắt Ngọc phải học chữ để sau này làm bà này bà nọ với người ta cho sướng tấm thân. Nhưng Ngọc theo mẹ đi hát từ khi mới lên hai, nên tiếng đờn, lời ca đã ngấm sâu vào từng tế bào máu thịt của cô rồi. Vì vậy, mười tuổi, cải lương tuồng nào Ngọc cũng thuộc, còn bài học trong trường thì trôi trớt lớt từ tai này sang tai kia, nên dì Nga cứ bị cô giáo mời vào phàn nàn hoài cái vụ Ngọc không thuộc bài. Không thể ngăn cản niềm đam mê của con, dì Nga đành chua xót chiều ý con, cho Ngọc nghỉ học rồi truyền nghề lại cho cô.

Không muốn Ngọc giẫm lên những bước chân hoen nước mắt đã qua của đời mình, nên dì Nga khuyên con gái bỏ nghề để lấy chồng, tìm chỗ nương tựa để được nhờ tấm thân. Mê hát mê hò thì được mấy người nên danh nên phận? Hiếm lắm. Mà cuộc đời dì là một bài học đắng cay. Nhiều lúc không tiền lo nổi bữa cơm chiều cho Ngọc, dì dắt con lững thững đi về phía con đường có ngôi nhà ba tầng ở Chợ Lớn. Nhưng căn nhà ấy đã có người phụ nữ khác, nên dì ngậm ngùi dẫn Ngọc đi, đi mải miết mà không biết về đâu. Nước mắt lã chã rơi theo từng bước chân nặng trĩu, mặn chát. Ngọc hồn nhiên, ngơ ngác:

- Ủa, sao má khóc dữ vậy?

Dì Nga bảo tại buồn. Ngọc hỏi sao buồn, dì bảo:

- Tại má đi lầm đường.

Ngọc vẫn hồn nhiên bảo má đi lầm đường thì mình quay lại, mắc gì mà khóc. Dì Nga ôm chầm lấy con:

- Má không còn cơ hội để quay lại.

Một tuần sau, Ngọc tha thiết xin Hùng:

- Anh ơi, em sẽ bỏ nghề. Nhưng anh cho em đi hát đến khi tụi mình tổ chức đám cưới nghen anh.

Hùng chấp nhận điều kiện của Ngọc. Thật ra kêu Ngọc bỏ nghề, Hùng cũng đau lòng lắm. Vì dù sao thì cũng nhờ mấy đồng tiền còm cõi đi hát của Ngọc mà Hùng mới không bị bà chủ nhà xua đuổi, không còn nhịn bụng đói lên giảng đường… Nhưng bây giờ anh đã là bác sĩ, công tác trong một bệnh viện lớn ở thành phố, nên anh không thể để cô đi làm cái nghề “xướng ca vô loài” được. Bây giờ anh thừa khả năng để lo cho Ngọc đủ đầy mà không cần cô phải đi hát. Ngọc bảo nếu cô không đi hát thì hổng còn biết làm nghề gì khác, ở không để chồng nuôi thì cô không thích. Hùng bảo Ngọc nếu không muốn ở không thì đi học bổ túc văn hóa để lấy cái bằng tốt nghiệp cấp ba, sau đó đi học dược để về bán thuốc trong phòng mạch tư của anh.

Nghe lời Hùng, Ngọc cũng đi học bổ túc văn hóa, nhưng chữ nghĩa rơi rụng lần hồi trên bước đường mưu sinh hết sạch rồi, góp nhặt lại khó như mò kim đáy biển. Bài ca cổ sáu câu, mấy bài tổ Phụng Hoàng, Văn Thiên Tường mười hai câu, Ngọc hát lẩm nhẩm vài lượt là thuộc làu. Còn mấy công thức toán, công thức hóa…, học hoài mà không nhớ. Có khi ngồi học bài đến khuya mà không thuộc được một bài văn ngắn ngủn. Bởi vì, ngồi học mà Ngọc cứ nghe tiếng đờn kìm, đờn tranh rao hò, xự, xang, xê, cống… văng vẳng bên tai; thấy ánh đèn sân khấu lung linh trước mắt. Vậy làm sao học cho vô.

 Cũng vì mặc cảm chữ nghĩa của mình đựng không đầy cái lá mít mà ngày Hùng đi nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Y khoa thì Ngọc âm thầm dọn nhà trọ đi nơi khác, không cho Hùng biết địa chỉ mới. Cả mấy tháng trời, Hùng lùng sục khắp thành phố mới tìm được chỗ ở mới của Ngọc. Vừa trông thấy Hùng với vẻ mặt phờ phạc, hốc hác vì lặn lội đi tìm mình suốt mấy tháng trời, Ngọc ứa nước mắt:

- Anh quên em đi, em chỉ là cô đào hát. Em sinh ra hổng phải để cho anh.

Làm sao Hùng có thể quên cô? Cái hôm anh thân sơ thất sở, bụng đói meo, bị bà chủ nhà trọ đuổi vì không có tiền đóng tiền nhà, Ngọc đã năn nỉ bà chủ nhà cho Hùng ở và hứa sáng mai sẽ đóng tiền nhà đầy đủ cho bà. Từ đó, cuộc đời của cậu sinh viên tỉnh lẻ nghèo rớt mồng tơi không còn bị bà chủ nhà trọ nặng nhẹ vì chuyện đóng tiền trễ, không còn những bữa ăn mì gói thay cơm, không còn nhịn đói mỗi sáng để đến giảng đường, dù bữa sáng chỉ là gói xôi vò, hay ổ bánh mì chia đôi… Thấy Hùng ngại và không muốn nhận sự giúp đỡ của mình, Ngọc cười trong veo:

- Phận nghèo với nhau không hà, vật chất eo hẹp nhưng cái tình rộng lắm. Nếu anh ngại thì ghi sổ lại đi, mai mốt học ra trường, đi làm có tiền trả lại tui chớ gì. Vậy đi nghen.

Chàng sinh viên nghèo ở dải đất miền Trung đầy nắng gió lúc đầu cảm kích cô đào hát có cái tâm trong sáng, nhưng rồi lâu ngày dài tháng, lửa cũng bén rơm. Cái lần Ngọc đi diễn dưới miền Tây hơn nửa tháng mới về, Hùng lơ thơ, lẩn thẩn như bị ai hớp hồn. Nhớ ánh mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên của Ngọc đến thắt lòng. Ngọc cũng giật mình khi nhận ra những ngày đi diễn xa sao mà nhớ cái phòng trọ bên cạnh đến nao lòng. Ngọc về, câu đầu tiên Hùng bảo:

- Mai mốt Ngọc đừng đi diễn xa nữa nghen.

Nghe Hùng nói vậy, tự nhiên Ngọc thấy cuộc đời sao mà nó đẹp và hạnh phúc quá chừng. Được ở bên cạnh Hùng, rồi hàng đêm lên sân khấu hát thì dù có ăn mắm húp giòi, Ngọc cũng thấy vui. Ngọc hấp háy mắt, hỏi trỏng không:

- Ủa, sao kỳ vậy?

Hùng cũng đáp lại trỏng không:

- Ừa, tại vậy đó.

Nghe tin Ngọc lấy chồng, bỏ nghề hát, anh em trong Câu lạc bộ Tiếng đờn tri âm ai cũng tiếc. Bởi vì anh em nghệ sĩ thì nhiều, nhưng người cất lên tiếng hát mà kéo được chân khán giả đến xem như Ngọc thì hiếm lắm. Chị Liên thở dài:

- Con Ngọc nghỉ hát rồi, chị em mình chắc đói quá.

Mà đói thật, vì từ ngày Ngọc không đến sân khấu của nhà hàng Tiếng đờn tri âm thì thực khách thưa hẳn, nhiều đêm bị lỗ vốn. Con chị Liên bệnh nặng phải nhập viện, anh em nghệ sĩ trong câu lạc bộ đã gom góp lại để giúp chị Liên điều trị cho con mà cũng không thấm vào đâu. Bác sĩ bảo phải mổ mới cứu được thằng bé, rồi hỏi gia đình đủ khả năng không. Chị Liên khóc ngất. Mấy anh em nghệ sĩ trong câu lạc bộ đau thắt ruột mà không biết phải làm sao, bởi ai cũng nghèo.

Bức bách quá, chị Hoa mới tìm đến Ngọc:

- Ngọc ơi, hổng có em, chị em nghệ sĩ trong câu lạc bộ khổ lắm. Con chị Liên bệnh mà không có tiền lên ca mổ, chắc thằng bé chết quá Ngọc!

Thương chị em nghệ sĩ, nhớ ánh đèn sâu khấu, trong những đêm Hùng đi trực ca đêm, Ngọc lén đến sân khấu Tiếng đờn tri âm để hát lại. Hồi Ngọc trở lại sân khấu, anh em nghệ sĩ ai cũng mừng. Có Ngọc về là có khán giả. Có Ngọc về là con của chị Liên được cứu. Có Ngọc về, anh em nghệ sĩ không còn đi ra đi vào thắc thỏm vì những dãy bàn trống huơ, chỉ có vài thực khách lèo tèo. Nhưng không ai biết Ngọc về lại sân khấu Tiếng đờn tri âm là cô đã đặt một chân vào con đường dì Nga đã đi…

*

Kết thúc tiết mục trích đoạn Kim Vân Kiều do Ngọc biểu diễn, một thanh niên cao hứng chạy lên tặng cho Ngọc cành hoa hồng của nhà hàng dùng để trang trí trên bàn ăn. Ngọc vừa đưa tay đón nhận thì bị hắn ôm choàng rồi hôn lên má cùng với nụ cười nham nhở, khả ố. Khán giả cũng hùa theo hành động lố lăng nên huýt sáo hoen hoét để… cổ vũ. Vợ của một bác sĩ mà đi làm trò cười cho thiên hạ, nên Hùng giận xanh mặt. Thấy mình như bị Ngọc bôi tro, trét trấu vô mặt, nhục không chịu nổi. Anh nghĩ đến những đêm mình đi trực, Ngọc đi hát và người ta làm cái trò lố lăng ấy với cô, Hùng nghe cơn tức cứ trào lên, sôi sùng sục trong gan. Hèn gì hôm qua, Hoàng cứ ấp a ấp úng:

- Có chuyện này tui muốn nói với ông, mà thấy ngại ngại sao á.

Hùng hỏi chuyện gì, Hoàng cứ rào trước đón sau rồi mới nói:

- Tui thấy ông không nên cho bà xã đi hát nữa. Dù sao ông cũng là bác sĩ mà để vợ đi hát thì…

Hùng trố mắt ngạc nhiên:

- Ủa, ông có nhìn nhầm người không đó, bà xã tui bỏ nghề lâu rồi mà.

Hoàng khẳng định là anh không nhầm. Hùng định về hỏi Ngọc, nhưng chắc gì cô dám nhận, nên thôi. Trăm nghe không bằng một thấy, Hùng muốn chính mắt mình nhìn thấy Ngọc hát mới tin, dù anh không muốn thấy vợ mình đang diễn tuồng trên sân khấu cho người ta mua vui chút nào.

Hát xong, Ngọc quày quả ra về với con. Vừa bước vào nhà, Ngọc chết sững khi thấy Hùng đứng đợi cô ngay ở cửa. Khuôn mặt Hùng như đông đặc lại, lạnh ngắt, không một chút cảm xúc. Ánh mắt sắc nhọn của Hùng nhìn xoáy vào Ngọc, giọng khô khốc: 

- Cô vừa đi đâu mới về?

Như có luồng điện cực mạnh chạy qua người, Ngọc có cảm giác như toàn thân đang mềm nhũn. Túi xách y phục trên tay Ngọc rơi phịch xuống đất, cô đưa tay chặn lên ngực để dằn cơn co thắt đang nhói lên trong tim:

- Em… em…

Hùng vẫn lạnh lùng:

- Tui vừa ở nhà hàng Tiếng đờn tri âm về. Cô đừng nói với tui là cô không phải từ đó về. 

Ngọc thổn thức:

- Anh ơi, cho em đi hát lại đi, em nhớ nghề lắm. Không có em, mấy anh em nghệ sĩ trong câu lạc bộ khổ lắm!

Hùng phát tay, rít từng tiếng qua kẽ răng:

- Cô muốn đi hát thì cứ đi, nhưng đừng về nhà này nữa.

Hùng đóng sầm cửa lại. Bao nhiêu tức tối dồn hết lên cánh cửa nên tiếng rít nhọn hoắt, như nhát dao khoét vào màn đêm, nhức buốt. Ngọc nghe như có ai nhấc mình lên rồi buông tay cho rơi tự do. Ngọc đi. Cô nghe bước chân mình nhẹ hẫng, chơi vơi. Ngọc cứ đi, không biết là bao xa, đang ở trên con đường nào. Dưới ánh đèn đường vàng hoe, sương khuya giăng giăng, bất chợt Ngọc cười khanh khách. Rồi cô khóc. Vừa khóc vừa hát. Hát như lên đồng, như ma nhập:

- Cũng như Chiêu Quân, trước lúc ra đi ta muốn trải tâm sự mình trên phím nhạc, đường đất cách xa người không giống mặt, nhưng cung bậc xưa chắc cũng nghèn nghẹn rã rời như cung bậc mới hôm… nay… Chiêu Quân hỡi… á… a… khác chi nào? Vì mình đồng cảnh tương giao, hai ngõ tối một đường vào…

Nhiều người đi đường xúm lại coi Ngọc hát. Thấy ánh mắt Ngọc như dại đi, chị Thu quét rác hỏi:

- Ủa, cô đào Bạch Ngọc đây mà. Cô bị sao vậy?

Ánh mắt Ngọc vẫn thẳm sâu, hoang dại. Cô hát như mình chỉ còn được hát một lần trong đời:

- Từng chân bước từng ngọn uất giăng giăng, thiên thu còn khắc đậm vết thương tâm.  Thân gái lỡ sinh nhầm…

Mấy thanh niên đi chơi về khuya, thấy Ngọc hát cũng dừng xe lại coi rồi bảo:

- Bà này hổng khùng tao chết liền!

Ngọc vẫn hát lớp Thúy Kiều đau đớn khi cất bước sang sông. Từng câu, từng chữ trong bản tổ Nam ai được cất lên da diết đến tê dại:

- Muốn chị vui em giả mặt gượng cười, mà lòng chị vẫn không nguôi. Nỗi đau đớn bời bời của chuyến đi buồn sang sông. Thôi tiễn đưa chi bằng em cùng chị, ngồi cạnh nhau lần cuối dạo cung đàn.

- Ta sẽ tấu khúc lỡ làng…

Nghe mọi người xôn xao có bà khùng tự nhiên hát cải lương như lên đồng ở ngoài đường, bà Năm lụm khụm đi ra. Bà Năm hồi xưa cũng là đào hát nên khi thấy Ngọc hát, bà kéo khăn lau đôi mắt kèm nhèm rồi lắc đầu thở dài:

- Hát kiểu này coi chừng là hát trả nghề lần cuối à!

Cạnh đó là dòng sông nước cuồn cuộn chảy… 

Truyện ngắn của Nguyên Chương
.
.