Tổ gác chắn đặc biệt

Thứ Hai, 27/07/2015, 08:00
Chẳng biết tý tủm lúc nào với cậu Tuấn Anh nhà ta, ít lâu sau, cái bụng lùm lũm đội áo to dần lên. Tai ác thật! Chỉ trách Thượng Đế chí công đặt cái trò đùa tai ác! Sao ngài không làm cho cái sự "tỉnh tình tinh" cũng dở hơi luôn một thể cho rồi, để hai kẻ khốn khổ, khốn nạn kia bớt đi phiền toái. Đa mang nhau thì phải đèo bòng!...

Thương mến tặng những mảnh đời bất hạnh trong Cõi Người

Tu..Uỵt...Tu uỵt.

Dòng xe máy, xe đạp và người đi bộ đang đi lại hối hả qua đường sắt bỗng khựng lại. Hai anh chàng mặc sắc phục nhân viên ngành đường sắt, lem nhem những vệt tím vệt nâu, đầu đội mũ Kêpi đứng chắn hai bên đường ray, cùng giơ cánh tay phải nâng lá cờ hiệu màu đỏ, tay trái cầm còi đưa lên miệng liên tục phát ra những âm thanh chói gắt, cảnh báo cho những ai bỡn cợt với thần chết.

Thừa lúc người bên phải đang mải chặn một xe máy đèo hàng cồng kềnh, một xe cải tiến chở đầy than tổ ong hai người gò lưng, nhướn cổ đẩy thục mạng. Biết không ngăn nổi, anh chàng bên kia ào sang trợ sức. Vừa đẩy vừa tuýt còi nhắc nhở người phía sau:

- Alô! Đường sắt thông báo! Gác chắn số 1 an toàn mời đoàn tàu F5 tiếp tục vào ga.

Cả hai anh chàng gác chắn đứng thẳng đuỗn nâng lá cờ hiệu ngang mặt, một anh áp điện thoại di động vào tai, vẻ măt đầy quan trọng, nói nheo nhéo. Chuyến tàu khách Bắc Nam như con rắn khổng lồ từ từ giảm tốc độ, bình yên lao qua. Hồi còi báo hiệu vào ga ngân dài, náo nức. Người ùn lại bên gác chắn bây giờ mới để ý đến chiếc điện thoại di động đồ chơi trẻ con loằng ngoằng những dây là dây nối với chiếc đèn pin hoen rỉ mà người gác chắn đang cầm trên tay.

Một cậu chàng ăn vận na ná như hai người kia, từ dãy chợ ven sông nhảy chân sáo qua dải phân cách, toét miệng cười chạy đến. Cả ba nhập đám, nắm tay nhau vui vẻ đi ngược về phía nhà ga, tay vung vẩy móc sắt, thõng thẹo trên vai chiếc bì tải xác rắn nhem nhuốc. Khom lưng nhặt những vỏ lon nhôm hành khách trên tàu vừa liệng xuống, cả ba dáng vẻ phởn phơ, luôn miệng hát những câu do họ tự nghĩ ra.

*  

Vốn dĩ nơi đây ngày trước cũng có một gác chắn, có nhân viên ngành đường sắt túc trực gác ngày đêm. Cái bốt gác hình hộp vẫn còn nguyên đó. Thay vào lớp ve vàng, thời gian đã phủ lên lớp rêu xanh mốc thếch và bức tường tróc lở đóng cửa im ỉm ngày đêm.

Từ ngày quốc lộ 1A được nâng cấp thành đại lộ, ngành giao thông mở đoạn bùng binh quay vòng, phá thế ách tắc nút cổ chai, gác chắn cũ chuyển đi, người ta chôn một cọc bê bê tông án ngữ, dành riêng cho người đi bộ, đi xe máy, xe đạp lưu hành. Người ở thị xã quen gọi là cái nách Phú Hồng, lâu dần thành tên gọi chính thức, là cái địa danh kinh hoàng với nạn tàu hoả cán chết người vô ý đi qua. Cái nách ấy không thể không có vì mục đích dân sinh nhưng lại là điểm tự quản, tự điều tiết.

Từ ngày có ba anh chàng dở hơi, tự nguyện làm việc không công, tai nạn không xảy ra nữa. Ba con người dị mọ làm việc thật mẫn cán. Mà không hiểu sao giác quan của kẻ "dở hơi" lại thính nhạy thế. Giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn, họ vẫn nhận ra từ rất sớm âm thanh của đoàn tàu đang về ga, hùng hổ, thét lác, săng sái tuýt còi, nâng cờ hiệu chặn người. Thế chẳng phải họ là quà tặng của Ngọc Hoàng và Diêm Vương là gì.

Nách Phú Hồng đã tồn tại từ lâu. Bên phía nam đường tàu là chợ cóc, không lều quán, không biển bài, tụ tập theo giờ với đủ các mặt hàng xếp trên thúng mẹt và hàng bán rong bằng xe thồ. Phía Bắc là chợ chính, trên bến dưới thuyền, đông vui sầm uất, nơi giao lưu của trung tâm tỉnh lỵ thời đổi mới. Nơi tiêu thụ sản vật vùng đồng chiêm trũng.

Ba chàng gác chắn nọ được hai bên chợ cưu mang. Hàng cơm phở, bún bánh gọi cho đánh chén thường xuyên, có khi còn có "cỗ ăn cỗ dựa" đùm về. Hàng rau, hàng hoa quả thì lựa những thứ xấu mã nhưng còn tươi ngon cho đem về nấu nướng. Được mọi người khuyến khích, ba chàng nọ càng chăm chỉ với việc giữ an toàn cho ngã ba. Họ xin mấy tấm lợp xi măng gác bán mái vào bốt gác cũ để tránh nắng mưa, sum vầy hú hí với nhau, luôn miệng hát ca vui vẻ. Nhường nhịn đùm bọc nhau như anh em ruột thịt.

Trong ba người, chỉ có Bạ là nhớ tên tuổi và quê quán của mình, còn hai người kia có ai hỏi đến chỉ ngẩn mặt rồi quầy quậy lắc đầu. Đồng tiền có lỗ người cần có tên, thế là bác hàng khoá hay chữ liền đặt tên cho hai người còn lại. Bác đập vai một cậu mảnh khảnh hay soi gương chải đầu:

- Mày hay làm dáng tao đặt cho mày cái tên thật kêu...!- Bác ngênh mặt ngẫm nghĩ... - Ừ. Tuấn Anh! Được đấy! Tên mày là Tuấn Anh nhé. Thằng kia to béo dữ tợn có tướng con nhà võ tao đặt là Sơn Nam, gánh mãi võ Sơn Nam nức tiếng một thời chúng mày biết không?

Cả bọn nhệch miệng ra cười, trả ơn bác hàng khoá, họ nắm tay nhau vây quanh, tô tổ múa hát.

Như đã kể đầu chuyện, phía Bắc ngã ba là khu chợ chính. Ba chàng tội nghiệp lấy đó làm nơi tá túc. Họ chọn góc hẻm, lấy bạt cũ căng làm lều. Chiếc chiếu cũ rách te tua trải lên nền đất ẩm ướt, chiếc màn vó tôm buông sẵn chẳng bao giờ vắt lên. Nhổm nhảm trong màn là đùm, bọc, tập tàng chi vị nồi niêu mắm muối, tài sản của người dở hơi và cuối bức tường là bếp đun nấu kê bằng hai hòn gạch xỉ, tanh bành củi đóm cháy dở, tềnh hệch một lũ nồi niêu méo mó, lúc nhúc một lô bát cóc gặm.

*

Đã cả tuần nay, Sơn Nam ốm nằm rên khừ khừ trong đống chiếu chăn nhàu nhĩ. Tuấn Anh và Bạ thay phiên nhau, vừa cơm cháo chăm người ốm vùa lo trực gác chắn tàu. Không có đồng hồ - mà có chắc gì đã biết xem - nhưng họ căn giờ tàu chạy qua rất chuẩn, chân bước nhon nhót, mắt để ý liền liền, lúc nào cũng chủ động với đoàn tàu sắp vào ga.

- Có gạo nấu cháo cho thằng cu ốm chưa, sang đây tao cho, có cả gạo nếp nữa đây này...- Bà Tám hàng gạo gọi ơi ới.

- Cho mấy cái đầu cá trắm cỏ mà nấu dưa này! Xin bà Hợi toét mấy quả cà chua dập, bỏ vào cho nó ngọt nước...- Chị Thâu hàng cá gọi với sang.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Bà Cúc béo hàng thịt ỏn thót:

- Cho ít xương vụn ninh lấy nước mà nấu cháo cho thằng cu Nam này! Lôi cổ nó dậy, ép cho nó ăn đẫy vào, cạo gió cạo máy rồi xông gội đi cho nhẹ người. Mẹ cha cái đời, kẻ ăn không hết người lần không ra, thằng nuôi chó cho nằm đệm mút, thằng nằm đất nằm sương...- Bà thở dài, đập cái dao phành phạch xuống phản thịt.

Tuấn Anh tíu tít vâng dạ, đôi chân vòng kiềng bả thả bước. "Nhà" có người ốm bận thật...

- Mua rượu uống nhá! Mà phải mua thuốc cho thằng Nam uống chứ!

- Mua thuốc thôi! Tiền còn phải đi viếng đám ma chứ! Hai chàng ngẩn mặt cân nhắc.

Mùi cháo thịt, mùi hành hoa, tía tô sực nức bốc lên. Bạ và Tuấn Anh đỡ Sơn Nam ngồi dậy xoa xoa, đập đập dỗ dành:

- Ăn đi! Ăn vào đi! Khỏi ốm đấy, mai đi gác tàu cho chúng tao còn bới rác. Ốm lâu thế này ông Quang lo lắm. Tý nữa ông ấy đến chơi đấy, ông ấy bảo làm tốt, đừng có để tàu làm chết người ông ấy cấp cho cái bằng khen, cả tiền nữa, tha hồ mà ăn.

Ông Quang là ai, ở đâu? Cả chợ tò mò thấy các cậu lúc nào cũng nhắc đến. Ai ốm đau, ai chăm, ai lười ông đều biết cả đấy! Có lẽ trong đầu óc sơ giản và lú mụ, nhóm gác chắn vẫn hình dung như thế.

Cầm bát cháo nóng hôi hổi, Nam cố húp. Ngon thật! Cháo đã sánh lại lần nhần những thịt ninh nhừ. Nhìn các bạn đang ngật đầu vỗ tay, Nam càng húp mạnh. Mồ hôi tứa ra lân rân trong người. Có lẽ trong cái ngon vật chất ngấm vào tỳ vị còn có cả tình thương ấm áp, thật lòng mà hai người cùng cảnh ngộ dành cho. Suy cho cùng có gì thật hơn ở tấm lòng những kẻ dở hơi, đắp đậy cho nhau giữa chốn kinh kỳ, đô hội.

Chị Gấm lao công lễ mễ bưng nồi nước xông sực nức mùi lá chanh, hương nhu, bạc hà. Bắt Nam ngồi gò lưng, trùm chăn kín mít. Thế là khỏi thôi mà! Ông trời phù hộ cho kẻ lang thang cơ nhỡ chỉ đau ốm qua loa, thuốc men là cơm cháo, lá rau, không phải vào bệnh viện để bác sĩ mổ bụng cho đau. Kẻ nào ác là hay ốm nặng lắm, bị bác sĩ mổ bụng! Ông Quang chẳng bảo thế là gì!

Khu chợ trung tâm rộng mênh mông. Có đến chục dãy Kiốt nằm ngay hàng thẳng lối, quay mặt vào nhau, cứ mỗi buổi trưa thưa người mua bán. Khi các chủ sạp gà gật ngủ thì góc chợ xuất hiện hai tốp người, đó là nhóm gác chắn và nhóm đồng nát ở làng Động, làng Hạ, làng Vọng tụ tập về sau một hồi đôn đáo chạy quanh thị xã mua gom vỏ bia lon, giấy lộn, sắt vụn, vỏ bao xi măng. Họ trải tấm bạt cũ, nghỉ ngơi một lát để lấy lại sức, chiều còn mưu sinh. Mùi bánh rán, mùi bún đậu mắm tôm bốc lên theo tiếng cười giọng nói dân quê. Thỉnh thoảng họ lại mời mấy chàng gác chắn dở hơi nhập đám cho xôm. Ba chàng lôi ra bao nhiêu của nả thu gom được. Một cuộc thương nghị, đấu giá chóng vánh diễn ra, năm trăm, một ngàn, năm ngàn...ừ thôi! Vô tư đi! Xông xênh! Có ai lại đi kèo cừ với mấy chàng thiểu năng trí tuệ, giúp nhau là chính, làm phúc đâu cứ phải bỏ tiền vào hòm công đức nhà chùa.

Cánh đồng nát mùa nào thức ấy, có sản vật gì cũng nhớ đến nhóm gác chắn đùm khoai, bắp ngô, nải chuối...có gì cho nấy. Tội nghiệp những kẻ vô gia cư, cũng là cái giống người da vàng máu đỏ mà đầy đọa tấm thân nơi vỉa hè góc chợ. Chỉ có mỗi cái an ủi là khổ mà không biết là mình đang khổ.

Có lần sau Tết họ lượm được ở thùng rác nhà giàu vô khối rượu vang, mang về mừng tuổi cánh gác chắn. Rượu xịn hẳn hoi thế mà họ lén vất đi. Chắc là của đám dân nghèo đến tết lễ. Họ dùng bia lon, rượu Tây chứ ai thiết dùng thứ tầm thường ấy...Các chàng uống cả tháng say bí tỷ.

*

Tuấn Anh vân vê đùm xôi gà ở lòng tay sau khi đã chia phần cho hai bạn. Cậu ta vừa tong tả từ một đám hiếu trong thị xã trở về.

Trong lúc hai bạn đang háo hức ăn. Tuấn Anh đưa nắm xôi lên miệng mấy lần rồi lại thẫn thờ bỏ xuống! Mới hôm nào vui vẻ thế, vợ chồng, con cái sum vầy, giờ tan tác đôi nơi...

Tuấn Anh đã từng có một bạn đời! Đó là một cô gái dở hơi. Chung chạ với nhau sinh một cu con. Không biết tại sao, bất kỳ đám tang nào trong thị xã cậu cũng biết và có mặt với chiếc phong bì có hai ngàn đồng thẳng nếp, một phong hương thơm. Sau khi đặt trịnh trọng lên bàn vong, cậu chắp tay, khom lưng bái lạy rồi lui ra làm những việc nhà đám rất thành thạo, không đợi ai phải cắt đặt. Tan đám, cậu không ăn uống chỉ nhận một đùm lộc rồi tức tốc chạy về chợ, dành lấy thằng cu con hôn lấy hôn để. Hai vợ chồng tranh nhau hôn con rồi cù cấu nô đùa nhau. Thằng cu mặc cái áo có nhiều mụn vá, tỗng tễnh cởi truồng, nhún nhảy hai cái mông nhọ nhĩnh và bụ bẫm cười như nắc nẻ. Hai cổ tay bụ thun lút cầm miếng thịt gà đưa lên miệng gặm gặm, mút mút. Niềm vui sinh sôi! Bức tranh hạnh phúc có gì cay cay nơi mắt ai nhìn, nhưng cũng làm vui thêm góc chợ. Cái sinh linh bé nhỏ ấy là cái gạch nối, là sợi dây thắt buộc hai mảnh đời bất hạnh giữa cuộc đời còn bao điều làm cho mỗi chúng ta động lòng trắc ẩn.

Mà quên chưa kể, ở góc chợ phía Tây, sát bờ sông có một toán ăn mày trên dưới chục người, toàn là diện khoèo chân hở rốn, mù lòa ngớ ngẩn, lủng củng bị gậy, tanh bành sống áo, nhệch nhạc hình hài. Đám mây màu xám ấy từ tứ phương tụ bạ về đây.

Khác với đám ăn mày giả dạng, họ ốm o, ẻo lả, dặt dà dặt dẹo. Trong đám ấy, có một cô gái dở hơi trông cũng ngồ ngộ với da trắng và cặp má bầu bầu. Nếu không vì cái miệng hơi méo, cái mũi to ngồi chồm chỗm như con ếch cơm, cái mắt ngơ ngơ và mái tóc rối như tổ quạ, xơ tướp như phoi tre thì khả dĩ có thể gọi là cũng dễ nhìn! Thôi, dở hơi thì mới thế và như thế mới là dở hơi.

Chẳng biết tý tủm lúc nào với cậu Tuấn Anh nhà ta, ít lâu sau, cái bụng lùm lũm đội áo to dần lên. Tai ác thật! Chỉ trách Thượng Đế chí công đặt cái trò đùa tai ác! Sao ngài không làm cho cái sự "tỉnh tình tinh" cũng dở hơi luôn một thể cho rồi, để hai kẻ khốn khổ, khốn nạn kia bớt đi phiền toái. Đa mang nhau thì phải đèo bòng! Một cậu cu oe oe khóc chào đời, nó nhẵn nhụi, xinh xẻo đáng yêu như những đứa trẻ đáng yêu trên cõi đời này...Đúng là "sượng mẹ lại bở con", vì thế sự có mặt của nó lại làm thăng bằng thêm cho hai kiếp người đang bất hạnh, ngày tháng phập phều trôi dạt.

Đám ăn mày ở càng lâu, càng như cái gai chọc vào mắt lão cai chợ. Vốn dĩ lão là dân lục lâm thảo khấu, chuyên đâm thuê chém mướn, can án rồi ngồi tù. Ra tù lão xin cai cái chợ ven sông lắm đầu bò, đầu bướu. Du đãng mới trị được du côn, thói đời vẫn thế .

Lão chống nạnh tay nhìn đám người ăn mày như nhìn vật thể lạ. Cái mắt ốc nhồi vằn những tia máu đảo ngược lên quát tháo:

- Mẹ cha tiên sư bố bọn ăn mày! Đồ bẩn thỉu! Sao không chết bố chúng mày hết đi cho nó khỏi bẩn chợ .

Đám ăn mày run như dẽ. Quả thật, những thân hình nhệch nhạc, xiêu vẹo kia còn chỗ nào nương thân ngoài cái xó chợ này. Họ vịn bám vào cuộc đời với đôi tay ẻo lả. Họ đi ăn mày để sống và sống để đi ăn mày rồi...chờ chết!.

Số ăn mày tụ bạ ngày một đông. Cái tập đoàn đui, què, mẻ, sứt cứ tưng bừng sinh sôi phát triển làm tối một góc chợ. Họ đeo bám vào cuộc sống bằng mọi cách. Thế mới biết, sự sống ở cõi đời này đáng quý biết nhường nào.

Một buổi sáng lão cai chợ vút roi đen đét. Cái mặt lưỡi cày vằn vện. Cái miệng bèm bẹp phun ra giọng điệu thiên lôi :

- Xéo…! Xéo ngay cho khỏi bẩn mắt ông! Nội nhật hôm nay, đứa nào ở lại ông bỏ bao tải buông sông. Biết đường xéo đi nơi khác kiếm ăn!

Cái roi huơ lên vút xuống kêu hút hút rợn cả tóc gáy làm cho những mái lều tả tơi vung vãi.

Đám ăn mày lấm lét nhìn nhau rồi người tỉnh lôi tha người mù, người ngớ ngẩn dắt ríu người què, lùng rùng, lả thả đi ra khỏi chợ. Lệnh di tản của Thiên Lôi đã phát, cái roi lão mà vút vào đâu, ở đó lột da thối thịt .

- Còn con này nữa! Đứng giương mắt lên lên đấy à! Có xéo không thì bảo?

Một tay bế con, một tay cầm đùm quần áo, tã lót nước dưa, cô ả ngẩn ngơ tội nghiệp nói đứt quãng:

- Chưa đi đâu! Đợi đã! Chồng chưa về đâu, còn ở trên đường tàu ấy! Cho ở đây đi! lạy rồi mà!.

- Này thì lạy! Này thì lạy này ...Mả bố đồ của khỉ! Đồ rững mỡ, ăn mày không rồi lại vợ với cả chồng! Mẹ kiếp, voi đú chó cũng đú!

Hai cái mông nhận đủ hai roi cá đuối quắn lại, cô ả ném đùm quần áo le te chạy lên đường tàu, vừa chạy vừa y ỷ kêu, thằng cu thất đảm khóc không thành tiếng.

Tuấn Anh ôm vợ con trên manh chiếu rách cạnh đường tàu. Lúc thì xoa đầu con, lúc thì trật mông vợ ra, trân trân nhìn vào hai vệt roi như hai con thằn lằn bầm tím.

Đêm đó, họ lại bồng bế nhau về cái lều ở góc chợ. Còn đi đâu được nữa đành quay về đó thôi, may ra lão cai chợ thương tình. Trong góc người còn sót lại họ láng máng nghĩ như thế.

Sáng hôm sau, khi đã nặn đủ mọi đồng vé chợ, lão đáo qua khu ăn mày tá túc mọi hôm vẫn thấy đôi vợ chồng dở hơi còn nằm đó. Lão thộp cổ lôi dậy quát tháo:

- Mày dám dỡn mặt ông đấy à! Có cút xéo không thì bảo!

Hai  nhân mạng khốn nạn quỳ mọp dưới chân lão lạy như tế sao:

- Cho ở lại đi! Còn coi tàu mà. Ông Quang giao rồi mà...lạy đấy!

- Kệ bố tàu, chúng mày không cút ngay ông lột da nhồi trấu.

Lại những làn roi vút xuống, lần này thằng cu cũng bị dính một roi, nó giật lên, lả đi không khóc nổi, chân tay thõng ra, mặt biến sắc. Lao ra cổng chợ, cô vợ dở hơi bế con cùn cụt chạy. Tuấn Anh cũng lao theo, Sơn Nam và Bạ đuổi theo gọi cuống cuồng:

- Ông Quang! Ông Quang! Nhận rồi, đừng bỏ.

Tuấn Anh sực tỉnh, khựng lại, cậu ta ôm lấy vợ con. Lúc này mới khóc được, những giọt nước mắt hiếm hoi rịn ra từ khoé mắt, bò lân rân trên gương mặt dại ngây, đen đúa. Cậu chỉ tay về cái làng xa xa, ở đó có một chợ quê:

- Đi về đấy đi ! Nó đánh, nó đánh ...Rồi tìm nhau được đấy mà …Đi đi!

*

Cái chết của Tuấn Anh làm xôn xao cả thị xã. Hôm đó vào ca trực của mình, Tuấn Anh mải cùng Sơn Nam đánh gió cho Bạ bị cảm tối qua. Nghe tiếng còi tàu cậu vội vã lao lên, đúng lúc đó, một bà cụ tùm hụp khăn vuông lọc cọc chống gậy đi vào đường ray, mọi người hô hoán rầm rĩ trong khi đoàn tàu đang sầm sập hét còi vào ga. Tuấn Anh nhoai người đẩy bà cụ ngược trở lại. Bà cụ thoát chết nhưng cậu đã bị cuốn vào bánh tàu, khi tàu dừng được, cơ thể chỉ còn là một đống lùng nhùng loe loét máu.

Một đám tang đông chưa từng thấy. Mọi người buôn bán trong chợ đóng cửa, quyên góp nhau lo đám tang cho Tuấn Anh, dân thị xã cũng ùn ùn đổ đến đưa tang, nhỏ lệ tiếc thương một kiếp đời sinh ra không toàn vẹn.

Trong dòng người dầm dề chảy theo bánh xe tang hôm ấy, có một thiếu phụ ăn mặc rách rưới, dẫn theo cậu con trai nhỏ, nét mặt chị ngơ ngác, đôi bàn chân không dép với những ngón toẽ loe bước vô hồn. Lúc thì vấn khăn tang lên đầu, lúc tháo ra quấn vào cổ, thỉnh thoảng lại gào lên rồi ngã lăn, giãy đành đạch trên đường cào cấu làm mấy đầu ngón tay tứa máu rồi thình lình đứng vụt dậy, trỏ tay lên trời cười khanh khách ...Cu con đã mọc đủ răng, bụ bẫm phục phịch chạy theo bám vào ống quần mẹ. Nó vắt khăn tang lên vai, hai dải khăn kéo lê trên đất, một tay đưa nắm xôi lên miệng cắn, nó chỉ vào chiếc quan tài đỏ đọc, ngần ngật hương nến bi bô:

- Đẹp chưa, đẹp chưa! Hay chưa ! Hay chưa. Bố! Bố đấy!

Lão cai chợ cũng có mặt trong dòng người đưa đám. Lão khoanh tay trước ngực, mặt cúi gằm lừ lừ tiến lại và vỗ vỗ vào lưng thằng bé. Dưới làn áo mỏng, vệt roi ngày nào còn cờn cợn lòng tay lão. Lão thoáng rùng mình rồi trừng mắt dúi vào tay mẹ nó một xấp tiền lẻ ...Người mẹ dở hơi ấy cứ cầm nắm tiền soi đi soi lại rồi cười khành khạch. Chị ta vung nắm tiền lên trời. Những đồng tiền thật lả tả rơi lẫn vào những đồng tiền âm phủ và vô số vàng mã trải trên đường... Lão thở dài, đi ngược đám tang về cuối chợ.

Đằng sau đám tang, con tàu vừa rời ga, phăm phăm tăng tốc, tiếng còi rền vang đổ hồi.

Truyện ngắn của Lưu Thị Vân Trang
.
.