Tình yêu miền sông nước

Thứ Sáu, 30/01/2015, 08:00
Các bệnh viện không phát hiện được bệnh gì. Ngón tay, ngón chân của Tai Hưởng nhìn bề ngoài vẫn bình thường. Không bệnh tật mà tay chân vô tri vô giác có khi nguy hiểm hơn bị bệnh cùi. Vì bệnh cùi giờ đã có thuốc chữa, lâu cũng một năm là lành. Không phát hiện ra bệnh thì không biết làm sao mà chữa...

Nước sông Hậu đột nhiên không lạnh. Như bao buổi sáng, sông Hậu mênh mông còn mờ sương, đứng ở bờ Cần Thơ bên này nhìn ra mới thấy mông lung giữa sông mà chưa thấy được bờ Vĩnh Long bên kia, Tai Hưởng xuống sông bơi. Bình thường giờ đó, thả bàn chân, bàn tay xuống nước cảm giác mát lạnh tận ruột gan rồi ngụp cả người xuống là phải vùng vẫy cho ấm lên, bơi rất hào hứng. Nhưng sáng nay, Tai Hưởng thả bàn chân xuống nước không có cảm giác mát lạnh, khỏa bàn tay vào nước cũng không có cảm giác mát lạnh. Trong lúc, từ đùi lên đến đỉnh đầu vẫn có cảm giác mát lạnh quen thuộc. Sau giây phút kinh ngạc là lo lắng, sợ hãi khi bàn tay và bàn chân khuấy đạp trong nước mà hoàn toàn không có cảm giác gì cả, cứ như bơi trong không khí, bơi bằng tay chân ai vậy. Lúc đầu nghĩ sự vô cảm do nhầm lẫn nào đó của cơ thể, của thần kinh và sẽ biến mất sau chốc lát nên Tai Hưởng cố bơi nhưng càng bơi thì sự vô cảm của tay chân càng rõ rệt, khiến Tai Hưởng hoảng hốt nhảy lên bờ.

Lòng bàn chân trần đi trên đoạn đường nhiều sỏi ven bờ sông cũng không có cảm giác nhói đau. Kinh hoàng hơn, khi vai bị ngứa, Tai Hưởng đưa tay gãi, cứ như dùng cái que mà gãi, vai hết ngứa mà ngón tay không hề có cảm giác đụng chạm. Bệnh cùi, ý nghĩ loé lên làm Tai Hưởng sợ hãi đến ngạt thở, mồ hôi tứa ra đầm đìa. Bệnh cùi! Tai Hưởng đưa ngón tay vào gần bếp lửa không có cảm giác nóng, cầm cục nước đá không có cảm giác lạnh. Đập ngón tay cũng không có cảm giác đau. Vô cùng hoảng sợ, Tai Hưởng đến Bệnh viện Da liễu Cần Thơ để khám, không phát hiện vi khuẩn Hansen. Phập phồng chưa dám tin, anh đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Y tế, khám vẫn không phát hiện vi khuẩn Hansen.

Các bệnh viện không phát hiện được bệnh gì. Ngón tay, ngón chân của Tai Hưởng nhìn bề ngoài vẫn bình thường. Không bệnh tật mà tay chân vô tri vô giác có khi nguy hiểm hơn bị bệnh cùi. Vì bệnh cùi giờ đã có thuốc chữa, lâu cũng một năm là lành. Không phát hiện ra bệnh thì không biết làm sao mà chữa.

Tai Hưởng không dám để lộ cho ai biết chứng vô cảm tay chân mình. Bề ngoài, anh cố tỏ ra bình thường. Cuộc sống của Tai Hưởng vì vậy đầy căng thẳng bi kịch. Ngón tay không có cảm giác nóng, lạnh, đau đớn thì thấy cái gì cũng không dám sờ mó vì sợ gặp nóng, lạnh mà không nhận biết được sẽ nguy hiểm cho cơ thể. Một lần Tai Hưởng ngồi uống cà phê với bạn bè, có anh bạn cầm điếu thuốc lá mải nói chuyện nên gác tay trên thành ghế, gí đầu thuốc lá vào ngón tay của Tai Hưởng. Khi mùi da thịt cháy khét lẹt bốc lên, xung quanh la làng, anh bạn giật điếu thuốc về, hoảng hốt xin lỗi Tai Hưởng, còn Tai Hưởng hoảng hốt hơn vì lo sợ lộ ra sự vô cảm. Nhờ trời, nét mặt tái mét lấm tấm mồ hôi vì lo sợ của Tai Hưởng lại làm cho bạn bè tưởng rằng anh đang rất đau đớn. Nhưng những thứ nóng như điếu thuốc, lửa, than hoặc lạnh như nước đá có thể nhận biết bằng mắt để né tránh; trong cuộc sống còn có những thứ nóng lạnh không thể nhận biết bằng mắt, bằng kinh nghiệm mà chỉ có thể nhận biết bằng xúc giác thôi như một thanh sắt đen vừa rút trong bếp ra chẳng hạn, với Tai Hưởng là vô cùng nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn với một ca nước rất nóng mà tay Tai Hưởng cầm lên không nhận biết được, nếu uống thì sẽ như thế nào? Cuộc sống của Tai Hưởng từ buổi sáng ở bờ sông Hậu về, luôn phải cảnh giác với xung quanh, những đồ vật và hiện tượng quen thuộc ngày thường cũng trở thành mối đe dọa.

Bàn chân còn có nhiều kẻ thù hơn, bởi gai góc trên đường đi là thứ không dễ phát hiện, không dễ tránh, đi trong nhà cũng có thể giẫm phải gai góc là xương cá hoặc mảnh thuỷ tinh. Bàn chân có cảm giác đau đớn giúp con người tránh được gai góc hơn mắt nhìn, nhất là giúp con người tránh gai góc khi vừa chạm vào chúng. Mất xúc giác thì không còn khả năng đó nữa nên mọi nẻo đường đi đều ẩn chứa tai hoạ, dù bằng phẳng và quen thuộc, đặt chân là sợ, mỗi bước đi mỗi sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy đến, mỗi hành trình dù dài hay ngắn đều trĩu nặng tâm lý bất an. Trước đây, Tai Hưởng đi nhanh nhẹn, bay nhảy bao nhiêu thì bây giờ dò dẫm, rón rén bấy nhiêu. Có lần đến dự lễ kỷ niệm một trận thắng từ hơn nửa thế kỷ trước tổ chức ở Công viên Lưu Hữu Phước, Tai Hưởng đã thận trọng đứng yên một chỗ, không dám đi lại, vậy mà có một ông cựu chiến binh háo hức nghển cổ xem, vô tình giậm đế giày đinh lên ngón chân của Tai Hưởng làm ngón chân toé máu, khi có người la lên thì cả Tai Hưởng lẫn ông cựu chiến binh mới té ngửa. Ông cựu chiến binh cuống quýt đưa Tai Hưởng đến cơ sở y tế băng bó, còn Tai Hưởng vờ quằn quại đau đớn.

Một cuộc sống mà đồ vật xung quanh đều như kẻ thù, mỗi bước đi nơm nớp lo sợ, đứng một chỗ cũng sợ bị sát thương, cuộc sống ấy ngang bằng địa ngục. Ban ngày vô cùng căng thẳng, đêm Tai Hưởng cũng không yên giấc vì luôn thảng thốt, lo lắng về tương lai.

Có bệnh vái tứ phương, Tai Hưởng dò hỏi được một người bốc thuốc nam trị bệnh thần kinh gia truyền ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo từ đường Cách Mạng Tháng Tám chạy ra sông Hậu, quẹo một đoạn dọc bờ sông là đến nhà người bốc thuốc nam, một ngôi nhà thấp nhỏ ngoảnh mặt ra sông Hậu lộng gió. Tai Hưởng đẩy xe máy vào khoảng sân có cây trứng cá, nhìn hàng hiên thấy cột gỗ mục chân, nghĩ thầy thuốc giỏi sao lại nghèo thế này, đã tính quay lui thì một giọng trong trẻo cất lên:

- Anh tìm ai, có việc gì không ạ?

Một cô gái mảnh mai xuất hiện ở hàng hiên, bên cái cột gỗ mục chân, có đôi mắt to với ánh nhìn dịu dàng. Cô mặc bộ đồ màu trắng làm sáng bừng cả hàng hiên. Tai Hưởng nở nụ cười:

- Đây có phải nhà bốc thuốc nam trị bệnh thần kinh không hở cô?

- Dạ phải, mời anh vô - Đôi môi tươi đỏ của cô cũng nở nụ cười đáp lại.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Nắng buổi sáng từ mặt sông Hậu lấp lánh muôn vàn gợn sóng hắt vào hàng hiên rung rinh theo nụ cười của cô. Tai Hưởng thoáng sững sờ, nụ cười trong chan hoà ánh nắng ấm áp của cô làm cho bờ sông đầy cỏ dại xanh tươi hơn, dòng sông rộng thêm gần gũi. Cô mời Tai Hưởng ngồi xuống chiếc ghế cũ bên chiếc bàn mọt lỗ chỗ, chốc lát ba của cô là một ông già mảnh khảnh bước ra bắt mạch cho anh. Tai Hưởng chưa kịp khai bệnh thì ông đã nói:

- Rối loạn thần kinh tay chân.

- Dạ thưa, đầu ngón tay, ngón chân của cháu bị mất cảm giác, có chữa được không ạ?- Tai Hưởng vội vàng.

- Chữa được chớ, uống vài thang sẽ thấy công hiệu.

Cô gái lấy thuốc, chỉ dẫn Tai Hưởng cách sắc uống. Tai Hưởng rụt rè hỏi giá tiền, cô trả lời với một giá rẻ không tưởng tượng được và anh ra về với cảm giác lâng lâng như vừa viếng cảnh thần tiên.

Uống hết thuốc, ngón tay và ngón chân của Tai Hưởng mơ hồ có cảm giác nóng, lạnh. Trở lại ngôi nhà bên bờ sông Hậu, cô gái đã quen thân tự giới thiệu tên là Tiện Như. Cô lấy một bộ đồ đo áp huyết và mạch ra đo cho Tai Hưởng, giải thích là để theo dõi sự chuyển biến của bệnh.

- Anh ngạc nhiên phải không, cách này của ba em đấy. Đông y thường chỉ bắt mạch bốc thuốc nhưng với một số bệnh hiếm gặp như của anh, ba em sử dụng thêm phương tiện của Tây y để theo dõi chuyển biến sức khoẻ người bệnh, gia giảm thuốc cho thích hợp, cho có hiệu quả nhanh.

Lúc đo huyết áp và mạch, Tai Hưởng nằm trên chiếc giường nhỏ, Tiện Như ngồi ghế bên cạnh. Hôm nay, Tiện Như mặc quần ngắn như các cô gái thành phố vẫn thường mặc, để lộ cặp đùi thon trắng mịn màng. Khi giang tay ra để đo huyết áp, ngón tay của Tai Hưởng vô tình chạm vào đùi của Tiện Như, lập tức như có một luồng điện giật, Tai Hưởng rụt tay về. Cái cảm giác kỳ diệu ấy làm Tai Hưởng ngây ngất, choáng váng, phải nhắm mắt lại, nín thở. Niềm sung sướng xúc giác đầu ngón tay phục hồi hoà trong cái cảm giác chạm vào đùi con gái lần đầu tiên Tai Hưởng biết được khiến anh không yên, nên hé mắt lim dim và lợi dụng khi Tiện Như đang tập trung đo huyết áp, khẽ uốn bàn tay để chạm vào đùi của cô lần nữa. Cái cảm giác mềm mại ấm áp mà mát rượi xuất hiện rõ rệt đầu ngón tay, Tai Hưởng cố tình để yên những ngón tay ở đó.

Nhưng về nhà, xúc giác đầu ngón tay lại mờ ảo chứ không rõ rệt như khi chạm vào đùi Tiện Như. Lo lắng, nhớ nhung, chưa uống hết thuốc, Tai Hưởng đã quay lại nhà Tiện Như, đúng hôm cha của cô đi xa hái thuốc nên hai người bắc ghế ngồi nhìn ra sông Hậu trò chuyện. Tiện Như mơ màng nhìn bờ sông xanh cỏ dại trước nhà, tâm sự cô là con út, có hai anh trai đi làm thuê trên Bình Dương, má của cô đã mất. Nhà cô nghèo vì không có ruộng đất để trồng trọt hay nuôi cá tôm, nghề làm thuốc của ba lo trị bệnh chứ không vì tiền; có người muốn mua đứt những bài thuốc gia truyền của ba Tiện Như với giá rất cao, hoặc hợp tác kinh doanh nhưng ba Tiện Như không chịu. Ba sợ làm như thế, bài thuốc gia truyền sẽ mất tác dụng.

Tai Hưởng nắm bàn tay Tiện Như, cô để yên và lòng anh dào dạt cảm giác mềm ấm đầy đặn lòng bàn tay, nhìn dòng sông mênh mông, anh kể ba má anh đều là cán bộ thành phố, chị gái lấy chồng kinh doanh giàu có, bản thân anh vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ ba má sắp xếp việc làm.

- Cuộc sống của anh không thiếu thốn gì, đã quá - Tiện Như kêu lên.

Tiếng kêu trong trẻo, điệu bộ hồn nhiên hai bàn tay chắp trước ngực, đôi môi đỏ hé nụ cười ngây thơ, ánh mắt vô tư lự nhìn sông nước hùng vĩ. Tiện Như hiện lên một vẻ đẹp cực kỳ dịu dàng. Chưa bao giờ Tai Hưởng thấy được hình ảnh xinh đẹp dịu dàng như thế mà dường như anh vẫn hằng khao khát, lại vào khoảnh khắc cảm xúc đầu ngón tay phục hồi tươi mới khiến lòng anh ngập tràn hạnh phúc.

- Anh chỉ còn thiếu em thôi - Tai Hưởng không kìm được, ôm lấy Tiện Như.

Từ đó, Tai Hưởng thường lựa những ngày ba Tiện Như đi hái thuốc để đến nắm bàn tay cô, ôm lấy cô mà hôn trong cảm xúc ngây ngất toàn thân. Có lần, anh còn buộc Tiện Như mặc quần đùi để ngón tay anh được chạm vào, mân mê làn da đùi mịn màng trắng muốt của cô. Nhưng một hôm, trong lúc ôm ghì cô, Tai Hưởng rên rỉ thốt lên:

- Cảm ơn em, ân nhân của anh…

Thì cô đẩy anh ra, nước mắt tuôn lã chã, hai gò má chợt xanh tái.

Sau đó, Tai Hưởng phải đi tập huấn nghiệp vụ ở Hà Nội mấy tháng cho một công việc vừa được ba má sắp xếp. Cho đến lúc này, Tai Hưởng vẫn giấu được bệnh tình với ba má, còn ba của Tiện Như bảo, mang theo thuốc để điều trị dứt bệnh, nếu chưa dứt thì thư về để Tiện Như gửi thuốc ra.

Phơi phới tương lai rộng mở mọi chiều, Tai Hưởng thầm tính, học xong trở về lành bệnh sẽ xin ba má sang thưa chuyện với ba Tiện Như, cho hai người nên duyên. Tai Hưởng không thấy có sự cản trở nào cả, như những người thường gặp may, anh tin chắc khi anh ngỏ lời thì Tiện Như đồng ý liền và anh sẽ mang lại hạnh phúc cho cô; gia đình cô cũng không có lý do từ chối gia đình anh, mà gia đình anh còn có thể giúp gia đình cô đỡ vất vả. Suốt mấy tháng đi học, dứt bệnh, Tai Hưởng cũng không tin cho Tiện Như để muốn tạo sự bất ngờ khi trở về.

Thế nhưng hôm trở về, Tai Hưởng chạy ra bờ sông Hậu thì nhận tin sét đánh: Tiện Như đã lấy chồng.

 Nhà của vợ chồng Tiện Như thực chất là một chòi lá cất tạm bợ trên doi đất nhô ra sông, ngỡ có thể đạp một cái cũng rơi xuống sông. Tai Hưởng xộc vào vừa lúc Tiện Như bê nồi cơm trên bếp than xuống.

- Anh tìm ai? - Tiện Như ngửng lên, ngược sáng loá mắt nhưng lập tức cô cũng nhận ra anh, luống cuống - Dạ, mời anh vô.

Cô đã nói những lời y như lần đầu tiên hai người gặp nhau khi anh tìm đến nhà cô chữa bệnh, những lời nói hồn nhiên khiến Tai Hưởng dịu cơn giận dữ. Tiện Như đẩy ra một cái ghế cóc, Tai Hưởng từ tốn ngồi xuống, lướt mắt nhìn cái giường gỗ tạp bên trên mắc tấm mùng màu hồng kết mấy sợi dây xanh, chiếc chiếu hoa vẽ màu đỏ và cái gối thêu đôi chim bồ câu màu tím. Trong căn chòi trống trải chỉ mấy vật ấy có giá trị, màu sắc tươi vui. Còn góc bếp Tiện Như đang ngồi nhem nhuốc lò than với vài cái nồi chơ vơ. Nền đất dọn chưa sạch cỏ phơi cảnh nghèo không thể nghèo hơn. Tiện Như mặc bộ đồ ngủ nhàu nhĩ nom yếu ớt trong khung cảnh nghèo nàn, chỉ có nụ cười vẫn tươi thắm và giọng nói vẫn trong trẻo:

- Anh về hôm nào ạ?

- Sáng nay - Tai Hưởng đã muốn hét lên nhưng lại chỉ buông được hai tiếng gỏn lỏn, nhẹ bỗng, không âm sắc rồi ngồi im.

Tiện Như ngoái ra bờ sông gọi lớn:

- Anh à, xong chưa, lên nhà có khách nè.

Tai Hưởng nhìn theo, bấy giờ thấy một chiếc ghe nhỏ có mui đậu dưới sông.

- Chồng em làm nghề buôn bán trái cây. Chúng em đang chuẩn bị ghe xoài xuống vùng miệt thứ, dịp này đang rộ mùa xoài.

- Đi hết thì "cái nhà này" để ai coi? - Tai Hưởng nhấn mạnh "cái nhà này", ý châm biếm.

Tiện Như bật cười:

- Đóng cửa để đó chứ có gì đâu mà phải coi hở anh.

Chưa thấy chồng Tiện Như lên, Tai Hưởng định bảo Tiện Như chạy trốn cùng anh, bỏ quách cái chòi lá tạm bợ, chiếc ghe xa lạ và cả anh chồng nghèo nàn mới cưới để sống cuộc đời giàu có cùng anh. Chỉ cần lẹ chân qua cửa, vòng góc khuất sau căn chòi mấy bước là tới chiếc xe máy đang dựng của anh, phóng đi chỉ có trời tìm. Mọi việc sau đó, gia đình anh có đủ thế lực và tiền bạc để giải quyết êm đẹp.

- Tiện Như à, em à… - Tai Hưởng lúng túng tìm cách mở lời thì chồng của Tiện Như đã bước lên, xà lỏn, đánh trần để lộ làn da ngăm đen rắn rỏi, đôi mắt nâu ánh nhìn dạn dĩ và đôi môi dày trung thực. Tay chàng trai cầm theo xâu cá, thả vào cái rổ bên vách, vồn vã:

- Cá sông Hậu chứ không phải cá nuôi nên ngon lắm. Trưa nay mời anh ở lại dùng cơm với vợ chồng tui.

- Giờ này còn cơm trưa gì nữa? - Tai Hưởng cố giữ giọng lịch sự.

- Ấy quên mất, dân thương hồ tụi tui bữa ăn khác với cán bộ nhà nước. Tụi tui ăn sáng lúc tám chín giờ, bữa trưa lúc hai ba giờ và tối đến cắm sào ở đâu thì cơm nước ở đó, xong là ngủ. Thôi, mời anh ngồi chơi nói chuyện với vợ tui, tui đi tắm chút đã.

Nói rổn rảng, bước đi ồn ào, chàng trai rõ học hành thấp và Tai Hưởng lại thương Tiện Như. Cô đang lúi húi bắc ấm nước lên bếp lò, soạn ấm chén pha trà. Lâu không có khách nên bộ ấm chén cáu bẩn, cô kỳ cọ mãi mới xong, bày vào một đĩa nhựa. Khi cô đặt đĩa nhựa trước mặt Tai Hưởng thì anh chụp lấy tay cô. Tiện Như ngửng nhìn anh, mỉm cười và nhẹ nhàng gỡ tay anh.

- Bệnh của anh dứt hẳn chưa?

- Rồi - Tai Hưởng nhìn thẳng vào mắt cô, tuôn một tràng như sợ nếu không nói ngay thì không có dịp nào nói nữa - Tại sao em lấy chồng vội vã quá vậy, tại sao em không chờ anh, tại sao em bỏ anh, tại sao em chê anh?

Tiện Như co mình lại, lùi ra gần bếp lò:

- Gia đình ảnh làm nghề buôn bán trái cây đã lâu, ảnh qua lại nhà em nhiều năm rồi chứ đâu phải mới quen biết mà vội vã.

- Tại sao em bỏ anh? -Tai Hưởng gầm gừ.

Tiện Như run run:

- Thì anh dứt bệnh rồi mà?

Tai Hưởng đau khổ vặn hai bàn tay, mím đôi môi khô khốc, trợn mắt nghĩ, phải nện cho chồng Tiện Như một trận rồi đốt rụi cái chòi này, sau đó kéo Tiện Như bỏ chạy. Anh cố nén hậm hực:

- Dứt bệnh là có thể quên nhau sao?

Một tiếng thở dài khẽ, thoảng trong gió, nghe diết da buồn tủi:

- Nhiều người đến nhà em chữa bệnh, lúc còn bệnh thì đến thường xuyên, đỡ bệnh cảm ơn hết lời nhưng lành bệnh là không bao giờ còn đến nữa.

- Em nghĩ anh cũng thế sao?

- Em thấy anh có khác, lành bệnh rồi còn tìm gặp em.

Tai Hưởng thở dốc ra, bủn rủn hết chân tay, ý định sục sôi ngùn ngụt vừa mới đó đã tan biến. Với Tiện Như, anh chỉ là một người bệnh? Ý nghĩ lôi kéo cô bỏ trốn trở nên do dự và anh bỗng thấy Tiện Như đẹp hơn lúc nào hết, khuôn mặt xinh xắn đắm chìm suy tư làm cho đôi má ửng hồng tràn đầy thương mến, bàn tay cầm que cời than trong bếp lò nhẹ nhàng như khi bốc thuốc cho anh. Không dám ngắm nhìn thêm, Tai Hưởng nhắm mắt, mạch máu dồn dập nóng bỏng huyết quản. Có sự nhầm lẫn, trục trặc đâu đó trong tình yêu của anh, mơ hồ anh nhận thấy dường như lỗi ở anh. Trong nỗi đau đớn nghẹt thở đầy dằn vặt chợt loé lên như một tia chớp, anh nhớ lại buổi sáng anh ôm ghì lấy cô, kêu lên "cảm ơn em, ân nhân của anh…" thì cô đẩy anh ra, nước mắt tuôn lã chã hai gò má chợt xanh tái. Từ đó, cô đã lánh mặt anh. Quá tự tin vào bản thân, vào sự giàu có của gia đình mà anh đã đánh mất cô từ đó?

Chồng của Tiện Như đi tắm về, mặc bộ quần áo tinh tươm, trong chòi lá chỉ có hai chiếc ghế cóc Tiện Như và Tai Hưởng đã ngồi, anh ta ngồi lên giường, chân đung đưa, nhìn quanh quất:

- Em chưa làm cá à?

Nói rồi nhảy ngay khỏi giường, bước lại rổ cá định bưng đi nhưng Tiện Như lẹ tay đã nhẹ nhàng bưng rổ cá với dao, thớt đi ra bờ sông. Con nước lớn mấp mé bờ, lục bình trôi bát ngát. Tiếng cô như reo:

- Nước lớn quá rồi!

Chàng trai cũng bước ra bờ sông, kéo chiếc ghe vào buộc sát chòi lá, kéo cả tiếng sóng vỗ ì oạp, lách chách, xong đứng cạnh vợ:

- Con nước vầy chạy ghe vào tận các ngọn, mua trái cây nới giá lắm đây.

Hai vợ chồng người đứng người ngồi bên chiếc ghe thỉnh thoảng bị sóng lớn nâng bổng lên và dập xuống, bắn nước tung toé nom kỳ vĩ mà bình yên thơ mộng. Một câu ca dao chợt đến với Tai Hưởng: "Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê". Nhớ câu ca dao là Tai Hưởng nhưng làm nên câu ca dao là vợ chồng Tiện Như. Tựa như đột ngột được chứng kiến một hiện thực từ giấc mơ đẹp, Tai Hưởng không dám cử động mạnh sợ tan biến giấc mơ.

Ấm nước sôi, Tiện Như pha trà, rót ra mấy cái ly trên đĩa nhựa:

- Anh uống trà nóng được không, hay để em mua nước đá?

- Uống được, uống được - Tai Hưởng vội đưa tay bưng chén trà, nóng quá lại đặt xuống, xuýt xoa. Bất giác, anh đưa tay sờ ngón chân, xúc giác đủ đầy dậy lên trong anh một niềm hạnh phúc, lòng biết ơn cùng nỗi buồn thấm thía, anh bỗng thấy gần gũi hơn cái chòi lá tạm bợ, chiếc ghe cũ kỹ dập dềnh ngoài kia giữa những dề lục bình trôi miên man, cuộc sống hiện thực đang có với anh những sắc màu, ánh sáng, âm thanh, nhịp điệu tươi mới. Còn Tiện Như xinh đẹp trong nghèo nàn, nom càng mong manh giữa thiên nhiên khoáng đạt. Tai Hưởng chợt hỏi:

- Tại sao cất nhà ở đây?

- Không có đất, chúng em cất đại - Cô vợ hồn nhiên.

Tai Hưởng suýt phì cười. Không có gì ngoài khả năng "cất đại" thì "cất đại" một cái che mưa che nắng cho hạnh phúc sinh sôi, thế thôi. Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá nhưng tình yêu của những con người làm nên ca dao cũng có quyền xây dựng tổ ấm. Xem ra cõi dương lẫn cõi âm ở Bình Thuỷ đất lành đều ủng hộ, vì họ đã và đang yên ổn. Dù tái tê buồn nhưng Tai Hưởng cũng phải đau khổ thú nhận, Tiện Như đang hạnh phúc! Tai Hưởng cũng đang hạnh phúc vì đã được trở về trọn vẹn cảm xúc với thiên nhiên xanh tươi, cuộc sống ân tình và hạnh phúc đó là nhờ có Tiện Như chứ không phải ngược lại, không phải cảm xúc của Tai Hưởng hay sự giàu có của gia đình anh đem lại hạnh phúc cho Tiện Như; hạnh phúc được hoà vào thiên nhiên, tận hưởng đầy đủ các cung bậc yêu thương, không phải nghi kỵ xung quanh, không phải viện dẫn bất cứ thứ gì để chứng minh tình yêu ngoài cảm xúc tình yêu. Cái hạnh phúc anh khao khát và run rẩy đuổi theo chính là hạnh phúc đang có của Tiện Như, nhưng khác với con người dịu dàng và quá đỗi hồn nhiên của cô mong manh trong cảnh nghèo nàn, hạnh phúc của cô không có vẻ gì là mong manh cả. Một làn gió từ sông Hậu thổi lên, vi vu quanh mái lá điệu nhạc vĩnh cửu, vợ chồng son ríu rít chuyện trái cây còn Tai Hưởng buột miệng:

- Bao giờ đưa ghe xuôi miệt thứ?

- Chiều nay khẳm ghe là đêm đi luôn - Anh chồng trả lời.
Truyện ngắn của Sáu Nghệ
.
.