Tình nhân kiếp trước
Chiếc xe buýt đã chạy qua một bến, hắn ngả mình trên chiếc ghế ra chiều rất khoan khoái, trong đầu hắn thầm nghĩ: Loại phương tiện này cứ vẫn là nhất, an toàn này lại rẻ nữa, có năm ngàn cho một chặng đường gần 20km. Nếu mà cưỡi tắc xi thì…
Ý nghĩ của hắn dừng lại ở đấy, hắn không cho phép mình nghĩ thêm nữa. Hôm nay hắn công du một chuyến để mua một vật dụng mà hắn đang rất cần cho sức khỏe của hắn bây giờ. Chẳng hiểu sao máu trong cơ thể của hắn dạo này chạy nhanh như vận động viên ma ra tông chạy gấp rút cho chặng đường gần về đích.
Hắn nghe loáng thoáng bà hàng xóm nói ở khu Đông Đông có một cái chợ bán đồ “si cần hen” toàn dụng cụ y tế chăm sóc sức khỏe. Bà ấy cứ xuýt xoa:
- Ối giồi, chợ ấy bán cái gì cũng rẻ rẻ là!
Vậy thì cớ gì mà hắn không đi chứ. Qua bảy tám bến, cuối cùng thì xe buýt của hắn cùng dừng lại ở điểm hắn cần đến. Hắn vuốt cái vạt áo phông hàng Việt Nam chất lượng cao cho phẳng phiu rồi lững thững xuống xe.
Kia, cái chợ mà hắn đang rất háo hức khám phá kia rồi. Gọi là chợ vì có một số người bán bán, một số người mua mua chứ thực ra nó chỉ bằng một góc của những cái chợ dân sinh mà thôi. Đặc trưng cái chợ này khác hẳn chợ dân sinh ở chỗ là đồ bán không phải thực phẩm rau củ quả và những quầy bán hàng nằm dọc hai bên con phố nhỏ. Hắn liếc ngang, hắn liếc dọc toàn những gương mặt xanh xao vàng vọt hoặc đen sạm, những bộ trang phục nhầu nhĩ màu nước dưa, bộ dạng ai cũng nhếch nhác đang cố săm soi tìm một thứ vật dụng phù hợp với hoàn cảnh và mức thu nhập của mình.
Hắn khẽ vênh mặt một chút, chiếc áo phông của hắn màu trắng tinh, cái ví trong túi của hắn cũng tiền triệu chứ chẳng ít đâu nhá. Ấy là hắn nghĩ thế.
Đây rồi, hắn đã tìm được cái máy đo huyết áp mà hắn cần. Hỏi giá cô bán hàng:
- Giá bao nhiêu cháu?
- Dạ chú, năm mươi ngàn ạ.
Hắn nghĩ tai mình nghễnh ngãng vì không tin vào mức giá ấy bèn hỏi lại:
- Giá bao nhiêu hả cháu?
- Năm mươi ngàn chú ạ.
- Cái này còn dùng tốt chứ? Có chính xác không?
Cô bán hàng trả lời hắn:
- Để cháu thử luôn cho chú nhé.
Minh họa: Tô Chiêm. |
Hắn gật đầu chìa tay để cô bán hàng thao tác. Nhìn chỉ số huyết áp của hắn hiện lên trên mặt điện tử đang nhấp nháy, hắn gật đầu lia lịa:
- Ừ đúng chỉ số của bác sĩ đo cho chú. Chú sẽ mua.
Hắn trịnh trọng tuyên bố rồi rút ví ra lấy một tờ tiền đưa cho cô bán hàng.
Hắn hể hả nghĩ: Phải thưởng cho mình một bát phở trước khi lên xe ra về.
Mụ bán phở mặt bự, da bóng loáng vì hơi nước và mỡ hỏi hắn:
- Bác ăn phở gì ạ?
Hắn không trả lời mà hỏi lại:
- Bao tiền một bát?
- Hai lăm ngàn bác ạ. Em làm cho bác nhá.
- Được, cho tôi một bát cho nhiều hành nhé.
Bát phở nóng rẫy hơi thơm bốc nghi ngút, hắn xì xoạp ngon lành loáng một cái đã ăn xong.
Tuýt tuýt.
Cái xe buýt lại bon bon đưa hắn về nhà.
Nhà hắn kia rồi, một cái khách sạn ba sao có 30 phòng to đẹp uy nghi tọa lạc sừng sững trên con đường mà người ta vẫn thường ví von “con đường kim cương” ấy. Nghe nói một mét vuông đất có giá vài trăm triệu Việt Nam đồng. Nhà hắn, hay đúng hơn gọi là khách sạn của hắn, có giá cả trăm tỷ đồng. Đến người có thu nhập thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội mới tính thử thôi mà tâm trí đã rối loạn cả lên rồi.
Vợ hắn đang lúi húi trao đổi gì đó với cô lễ tân, thấy hắn về bèn hỏi:
- Anh về rồi à? Có mua được gì không?
Hắn chìa cái túi ni lông ra khoe:
- Có chứ, ngon bổ rẻ nhé.
Hình như đã quen với câu nói ấy, vợ hắn thản nhiên đáp lời:
- Thế à.
Vợ hắn lại lúi húi với công việc của mình. Khi hắn bước khuất vào cầu thang máy, vợ hắn bèn bĩu môi, mắt thì lườm một cái tóe lửa cánh cửa cầu thang miệng lẩm bẩm:
- Bao giờ chết chôn theo tiền đi.
Cô lễ tân cũng như quen hành động của vợ chồng ông chủ nên chỉ mủm mỉm cười.
Đứa con gái duy nhất của hắn đang học đại học năm cuối cũng vừa về, hỏi mẹ:
- Bố đâu hả mẹ?
- Thì vừa về đấy.
Nghe mẹ trả lời xong, nó hý hửng chạy tót vào cầu thang bấm số tầng phòng bố đang ở, mắt sáng rực như đi hẹn hò người yêu.
Quả thực bố con hắn thân thiết và yêu thương nhau lắm. Việc tiêu tiền cho con gái, hắn không ro rúm như tiêu cho mình đâu. Đúng như mọi người vẫn bảo con gái là “tình nhân kiếp trước” của bố. Hắn có mỗi mụn con gái này, chẳng lo cho nó thì lo cho ai đây. Trong đầu hắn luôn có ý nghĩ ấy.
Xét về tiêu chí làm chồng thì vợ hắn còn chấp nhận cái nét đẹp này của hắn với lại cơ ngơi này ai nỡ nào mà ra đi chứ.
Cô con gái gõ cửa phòng bố, hắn nghe tiếng gõ cửa đã biết ngay là con gái mình, mở cửa hắn nói luôn:
- Gái rượu bố về rồi à?
Con bé còn giả vờ nấp sau cái cột hành lang không lên tiếng, hắn lại bảo tiếp:
- Tôi biết cô đứng sau cột rồi, mùi hương của cô hơi thở của cô đằng ấy bố còn lạ gì.
- Hi hi… Bố đúng là bố của con.
Con bé cười hi hi rồi ra khỏi chỗ nấp. Hai bố con ngày nào cũng ở cùng nhau mà ríu rít như đôi chim câu như lâu lắm mới gặp mặt nhau vậy.
- Thủ tục đi du học ở Mỹ của con thế nào rồi?
- Ổn rồi mà bố, chỉ còn thiếu cái bác Oa Sinh Tơn thôi mờ.
- Bố chuẩn bị cho cô rồi, nhất cô đấy.
Cô con gái dúi đầu vào lòng bố nịnh:
- Con yêu và thương bố nhất trên đời!
- Thôi thôi thương cái xương chẳng còn, bố xin cô.
*
Không hiểu sao dạo này sức khỏe của hắn lẹt phẹt quá. Cái bộ phận khẳng định chức năng đàn ông của hắn hình như cũng có vấn đề. Ấy là hễ mỗi lần tiểu tiện hắn cứ phải phùng mồm thở phì phì như con rắn hổ mang bạnh hoặc rặn è è dòng nước mới yếu ớt chảy ra. Lại nữa thỉnh thoảng nửa đêm hắn lại bị mộng tinh. Mỗi lần như thế hắn buốt nhói dọc sống lưng, mồ hôi vã ra đầm đìa.
Lừng khừng mãi hôm nay hắn đành bố trí thời gian đi khám bệnh. Bác sĩ bảo:
- Tuổi này anh nên kiểm tra toàn bộ sức khỏe của mình, tôi sẽ cho anh đi xét nghiệm máu, siêu âm để biết tổng quan về sức khỏe của anh.
Đã đến đây rồi chẳng nhẽ lại về. Nghĩ vậy hắn đành phải đồng ý làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Cứ nghĩ đến giây phút trả tiền ruột gan hắn thót lại, đau nhói trong bụng đến hơi thở cũng khó nhọc.
Kết quả ngang chiều mới có, hắn đành phải chờ đợi. Bữa trưa hắn ra làm cái bánh mì kẹp trứng rán và chiêu cốc nước chè xanh, thế là êm bụng. Nằm trên chiếc ghế màu xanh cứng ngắc của bệnh viện, hắn lơ mơ chập chờn trong giấc ngủ nửa vời. Hắn nhớ lại một thời khốn khó của gia đình mình trong thời bao cấp đến miếng đậu phụ cũng phải phân phối xếp hàng cả đêm mới mua được. Bố mẹ hắn mới quá năm mươi đã thay nhau về trời, để lại cho hắn miếng đất vàng bạc kim cương này. Ấy là bây giờ thôi, còn ngày xưa đất vẫn chỉ là đất, làm gì có giá như thời nay.
Để có cơ hội đổi đời, hắn liều mạng đem sổ đỏ miếng đất ấy thế chấp ngân hàng vay tiền xây cái nhà nghỉ.
Xã hội mà, có cầu ắt có cung. Nhất là giai đoạn vật chất dư thừa thì yếu tố tinh thần được đặt lên trên hết. Người người ngoại tình, nhà nhà bồ bịch mà một số người vẫn dùng cụm mỹ từ là tri âm tri kỷ của đời ta. Để trút bầu tâm sự với nhau, họ hẹn hò vào nhà nghỉ, khách sạn. Bình dân thì vào nhà nghỉ, sang trọng quý tộc thì vào khách sạn có sao.
Ai ngờ tiền đẻ ra tiền, hắn phất lên như diều gặp gió rồi phá bỏ nhà nghỉ xây một cái khách sạn ba sao này.
Rồi đến một ngày hắn giàu không ngờ. Nhưng những năm tháng đói khổ kèn kẹt đã từ lâu ngấm vào máu hắn. Tiết kiệm là đức tính quý báu, hắn có làm gì sai đâu, hắn vẫn luôn luôn nghĩ thế.
- Mời những bệnh nhân lên tầng ba nhận kết quả xét nghiệm.
Nghe tiếng cô nhân viên y tế thông báo, hắn vội choàng dậy lên tầng ba. Hắn cầm một tệp các loại giấy ghi kết quả xét nghiệm và hình ảnh siêu âm. Hắn nhìn vào mấy tờ giấy ấy như nhìn vào bức vách mà chẳng hiểu gì.
Hắn rụt rè gõ cửa phòng vị bác sĩ khám và tư vấn cho hắn ban sáng. Gương mặt đôn hậu nở sẵn một nụ cười chào đón hắn:
- Mời anh ngồi, đưa tôi xem kết quả nào.
Hắn rón rén ngồi xuống, vị bác sĩ xem đi xem lại kết quả và nhíu mày mấy lần.
Cuối cùng bác sĩ hạ giọng rất trầm hỏi hắn:
- Anh đi khám bệnh một mình à?
- Vâng.
- Dạo này anh ăn ngủ thế nào?
- Thì… cũng không được tốt lắm nên tôi mới đi khám.
Vị bác sĩ tay chống cằm trầm ngâm một lúc mới nói tiếp:
- Căn cứ vào những kết quả xét nghiệm này thì anh có hai vấn đề ở đây. Thứ nhất tinh trùng của anh không có khả năng sinh sản. Điều này chắc anh biết rồi đúng không? Anh không có con?
Câu hỏi của vị bác sĩ như một tiếng sét ùng oàng trong đầu hắn.
Hắn ú ớ, hắn ù ờ không thốt ra được câu nào. Vị bác sĩ lại nghĩ rằng câu hỏi của mình đã được trả lời nên nói tiếp căn bệnh thứ hai:
- Thật đau lòng phải nói câu này với anh. Anh bị K tụy, giai đoạn cuối.
Nói xong vị bác sĩ lo lắng nhìn hắn. Hắn vẫn ngồi đờ đẫn chẳng có phản ứng gì. Thực ra thì lời tuyên ngôn thứ nhất của bác sĩ mới là đòn giáng chí mạng vào đầu hắn. Còn tin sau chẳng mấy tác động đối với hắn.
Hắn bập bênh ra khỏi phòng bác sĩ, vị bác sĩ ái ngại nói với cô nhân viên y tế đứng ngoài:
- Cháu đi cùng bác này, nếu cần thiết nói với bảo vệ đưa bác ấy về tận nhà nhé.
Cô nhân viên dạ ngoan và đi sát vào hắn theo hắn xuống tầng một.
- Bác về đâu ạ? Có cần đưa bác về không ạ?
Nghe hỏi thế bỗng nhiên hắn nổi cạu nói gần như hét vào mặt cô nhân viên:
- Không cần, tôi tự về được.
Cô nhân viên ngơ ngác, các bệnh nhân nhìn hắn đầy tò mò. Nhưng ai nấy đều thông cảm và tỏ lòng chua xót khi cô nhân viên giải thích:
- Bác ấy bị bệnh hiểm nghèo.
Chiếc xe buýt đã đỗ xịch trước mặt hắn, mãi hắn vẫn không bước lên xe được đến độ bác tài phải hỏi giật:
- Này bác có đi không?
Như một cái máy, như một kẻ mộng du hắn bước vội lên xe. Giữa giờ tan tầm không còn chỗ ngồi, hắn đành nắm tay vào cái ngoắc.
Người hắn chao đảo, cái xe buýt chao đảo, đất trời cũng chao đảo.
*
Bữa cơm tối ấy hắn nhai như bò nhai rơm, con gái yêu của hắn, tình nhân kiếp trước của hắn hỏi lo lắng:
- Bố ốm à? Con đi mua thuốc cho bố uống nhé?
Hắn cố lấy bình tĩnh trả lời con gái:
- Không sao, bố hơi mệt chắc huyết áp tăng thôi, bố đã uống thuốc rồi.
Đứa con gái lại vô tư cười nói với vợ gã.
Vợ gã cũng cười nói vô tư nhưng trong đầu mụ đã phong thanh báo hiệu một điều gì đó bất thường.
Đêm.
Đang nằm như ngủ say trên giường bỗng gã dựng dậy, hắn với con dao gọt hoa quả đặt ngay ở cái táp luy cạnh đầu giường gí vào cổ vợ gằn giọng hỏi:
- Cô nói ngay, con gái không phải con tôi đúng không?
Dưới ánh sáng đèn ngủ, vợ hắn vẫn nhìn thấy ánh mắt sắc lạnh hơn cả con dao đang gí vào cổ mụ. Vợ hắn nghĩ nhanh: Đến nước này rồi cũng phải nói thật thôi. Bèn bảo rằng:
- Đúng nó không phải con anh. Anh định giết tôi à? Anh giết tôi thì có thay đổi được sự thật không? Có thay đổi được tình cảm của anh đã dành cho nó bao năm nay không? Tôi chết, anh đi tù, nó sẽ thế nào?
Con dao trong tay hắn đã lơi lỏng. Người hắn nhũn ra như không còn tí sinh lực nào.
Vợ hắn chỉ chờ có thế, mụ nhào xuống đất lập cập mở cửa chạy ra ngoài. Mụ mở một phòng còn trống không có khách trong khách sạn rồi vào đó chốt chặt cửa. Bấy giờ vợ hắn mới run như lên cơn sốt rét nặng. Hai hàm răng va vào nhau cầm cập.
Phòng bên này hắn nằm vật giữa giường, hai tay buông thõng, tiếng con dao rơi xuống nền đánh khục một tiếng, nghe trong âm thanh như tiếng rơi của vụn vỡ chất chứa đầy đau đớn.
Trong đầu hắn một thước phim quay chậm như tái hiện lại những điều diễn ra xung quanh cuộc sống thường ngày của vợ chồng hắn.
*
Bữa ấy sinh nhật con gái yêu mười ba tuổi, vợ hắn bảo:
- Kinh tế nhà mình bây giờ cũng khấm khá rồi, sinh nhật con em muốn làm mâm cơm mời chú Ba, dì Út và anh Kha dự cho ấm cúng và thân mật. Cái nhà anh Kha này hiền lành tử tế, hàng xóm tốt bao năm tắt lửa tối đèn có nhau, giúp đỡ nhà mình bao phen. Ý anh thấy sao?
Hắn ngẫm nghĩ vợ mình nói cũng phải, cậu em trai và cô em vợ quả thực đã lăn xả giúp vợ chồng hắn đi qua những ngày tháng khốn khó. Còn tay Kha đúng là hàng xóm tốt bụng. Hắn nhớ mãi cái lần đáo nợ ngân hàng, vợ chồng hắn loay hoay đủ hướng vẫn không đủ tiền đáo nợ, may mà tay Kha cho mượn. Thậm chí những lúc nhiều khách, tay Kha chả ngại ngần sang phụ giúp. Lúc đứng lễ tân lúc vào làm đầu bếp chả nề hà việc gì. Cũng đến lúc phải trả chút ân tình ấm áp này rồi. Nghĩ vậy gã bèn bảo:
- Ừ, cô nói phải, cô cứ làm theo ý mình đi.
Tối, dưới ánh nến lung linh, bên mâm cơm thịnh soạn đã tề tựu đầy đủ, hắn trịnh trọng tuyên bố:
- Nhân buổi sinh nhật con gái, vợ chồng tôi mời chú Ba, dì Út và anh Kha dùng cơm thân mật với gia đình tôi cũng là chúc mừng cháu. Nhân đây cũng có lời cảm ơn sâu sắc đến mọi người.
Quay sang phía hàng xóm Kha, hắn bảo:
- Hôm nay tôi với anh phải uống với nhau một trận ra trò, không say không về.
Miệng nói hai tay hắn cứ nắm chặt tay Kha mà lắc.
Kha cười hà hà đáp lại:
- Ông khách sáo quá, tôi với gia đình ông là đâu, nhất là đối với cô công chúa đáng yêu thế này.
Miệng nói Kha quay sang nhìn con gái hắn âu yếm.
Nàng công chúa của hắn hai má phúng phính, hồng mịn như cánh nụ tầm xuân mới nở đang ngồi giữa hắn và Kha bảo:
- Con thổi nến nhé?
Nhìn con gái mắt nhắm phùng mồm thổi nến, trong lòng hắn chộn rộn như mùa xuân đã về bên cửa sổ.
Này chén cảm ơn, này chén thân mật, này chén ấm áp, này chén ân tình… rượu rót ra sóng sánh, nâng lên là cạn, chả mấy tí mà từ chủ nhà đến hàng xóm đều liêng tiêng phiêng.
Ngoài trời gió mơn man thổi đùa giỡn với cành lá dừa nghe xao xác. Bầu trời đêm đầy sao nhấp nháy.
Dì Út, chú Ba đã xin cáo từ về trước. Nàng công chúa nhỏ buồn ngủ cũng đã về phòng say giấc từ lâu.
Mâm cơm còn lại ba người, vô tình vợ hắn lại ngồi giữa hắn và Kha. Mắt hắn lòa nhòa nhìn thấy vợ hắn hình như tựa đầu vào vai Kha ra chiều âu yếm. Dụi dụi mắt, hắn tự cười thầm với mình:
- Đúng là đồ say.
Giọng của Kha nghe cũng có vẻ nhựa nhựa bảo hắn:
- Tôi kính ông một ly, cảm ơn ông trời đã xếp đặt để tôi và ông được ở gần nhau.
- Kính… thì… kính, uống nào…
Uống xong chén rượu kính ấy hắn đổ vật ra cạnh mâm cơm, trước khi lịm đi trong cơn say tiên tửu, hắn còn lờ mờ nhìn thấy hai cánh tay của vợ ôm riết lấy Kha.
Sáng ra hắn tỉnh dậy miệng khô khốc, khát nước đến kinh khủng và tuyệt nhiên những gì xảy ra trong mâm cơm đêm qua hắn đã quên tiệt.
*
Thước phim quá khứ lúc nhanh lúc chậm từ từ tái hiện giúp hắn tỉnh dậy sau cơn say và cơn mê dài.
Cũng không biết cái mầm mống tế bào ung thư hình thành trong cơ thể hắn tự lúc nào? Ai bảo rằng ung thư là căn bệnh đáng sợ nhất của nhân loại? Có thể đúng với tất cả mọi người nhưng với hắn thì sai.
Mẹ kiếp, sợ chó gì căn bệnh ung thư chứ.
Hắn văng tục trong ý nghĩ của mình.
Vợ hắn vẫn rủa hắn sau lưng:
- Chết đem tiền chôn theo.
Dự là cái mả của hắn phải to lắm.
*
Ngày tiễn con gái sang Mỹ du học, hắn mua một bó hoa hồng nhung đỏ thắm cánh mướt như tuyết nhung tặng nó.
Nó vẫn cười ỏn ẻn ghé vào tai hắn mà thì thầm rằng:
- Con yêu và thương bố nhất trên đời.