Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pí Lèng

Thứ Năm, 16/12/2004, 10:50

“Anh ơi! Em muốn nói với anh một điều khác…” tiếng kèn lá vút lên… Tôi thẫn thờ… Chiều biên cương tím biếc. Sương giăng mờ lũng núi. Tiếng chuông bò loong coong về bản. Khói lam quyện trên những mái tranh. Hun hút dưới chân núi, dòng Nho Quan nhạt nhoà như một dải thắt lưng xanh xanh, huyền ảo…

Vừa leo tắt lên lưng chừng núi, tôi sững sờ khi nhìn thấy một cô gái người Mông trắng, đẹp như tiên sa, đang lom khom đứng giặt giũ bên khe nước. Cô gái cũng giật mình hoảng sợ khi  đột nhiên nhìn thấy tôi như từ khe đá chui ra. Tôi định thần, vội nở nụ cười cầu thân:

Tác giả: Vũ Xuân Tửu
Sinh năm 1955 tại xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.
Hiện công tác tại Công an tỉnh Tuyên Quang.
Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang
Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Tầm phào (tập truyện) - NXB Văn hóa Dân tộc, 1998.
- Miếng trầu xanh (tập thơ) - NXB Văn hóa Dân tộc, 1998.
- Đám cháy trên cánh rừng đầu nguồn (tập truyện thiếu nhi) - NXB Kim Đồng, 2000.
- Rừng sáo (tập truyện thiếu nhi) - NXB Kim Đồng, 2002.
- Nửa tỉnh nửa quê (tiểu thuyết) - NXB Văn hóa Dân tộc, 2002.
- Yếm thắm (tập truyện) - NXB Văn nghệ Tp. HCM, 2003.

- Giặt à?

Cô gái không nói gì, lại lặng lẽ giặt giũ. Tôi bèn ngồi nghỉ bên gốc cây cổ thụ cạnh khe nước. Bàn tay rộp máu và đầy gỉ sắt. Thò tay xuống nước, sót ứa nước mắt. Tôi để thõng hai bàn tay trên đầu gối cho khô và lơ đãng ngắm nhìn mây trời đang từ đỉnh Mã Pì Lèng bay sang bên kia biên giới. Cô gái Mông vẫn loay hoay với cái chậu gỗ tròn, đựng đầy nước tro bếp ngâm cái váy vải lanh trắng rộng cỡ mười hai vuông. Trong cái quẩy tấu cạnh đó, còn vắt ngổn ngang mấy bộ quần áo tà pủ.

Tôi dạy lớp ghép. Lớp của tôi có hơn chục đứa trẻ. Chúng học rải rác ở tất cả các lớp của cấp I, nhưng ngồi chung một phòng học, gồm có sáu bộ bàn ghế... Đứa bé nào đến tuổi đi học thì được miễn học phí, được cấp sách vở, bút mực. Đứa nào bỏ học thì bị phạt. Con trai bỏ học bị phạt bảy quẩy tấu ngô, con gái bỏ học bị phạt chín quẩy tấu ngô.

Buổi sáng, khi sương tan là tôi lên lớp. Một cái bảng đen nứt nẻ, tôi dùng phấn trắng thạch cao kẻ bốn cột cho bốn lớp. Trên góc bảng, tôi cũng ghi đủ số học sinh có mặt và vắng mặt. Cả lớp ghép chỉ có một lớp trưởng là thằng Páo, con của trưởng bản Mí Tủa.

Bọn trẻ thông minh và luôn ghi nhớ hình phạt khi bỏ học. Có lần, tôi ra bài tập toán cho thằng Páo lớp trưởng, là: Ông Mí Tủa đi nương, mang về sáu quẩy tấu ngô. Chị Mỷ (cô gái giặt bên khe nước mà tôi đã gặp) cũng đi nương mang về ba quẩy tấu ngô nữa. Hỏi nhà Páo có mấy quẩy tấu ngô? Trong khi thằng Páo còn đang loay hoay tính toán thì con bé lớp dưới đã nhanh nhảu đứng dậy trả lời: “Bằng cái ngô phạt đứa gái bỏ học”. Cả lớp cười ầm lên. Tôi ngớ người.

Buổi tối, bên bếp lửa, ông Mí Tủa thường dạy tôi những bài hát cúng ma. bà Mí Tủa thường dạy tôi những bài hát đám cưới. Củi thông cháy thơm thơm. Củi chất đầy bếp nổ lép bép. Rượu ngô nồng nàn thấm vào tận gan ruột, càng làm tôi hát say sưa. Mỷ và Páo cũng học theo những câu hát của bố mẹ. Có khi, hai hòn than nóng bỏng từ đôi mắt Mỷ bắn sang, khiến tôi lâng lâng. Đến khi ánh lửa từ đôi mắt tôi chiếu lại thì Mỷ lại đỏ mặt quay đi.

Một hôm chủ nhật, tôi lên phòng giáo dục trở về, qua gốc sa mu cổ thụ, nhác thấy bỏng Mỷ đang cắt cỏ ngựa thấp thoáng ven rừng. Tôi bèn ngắt lá đưa lên môi thổi tí te. Mỷ ngẩng lên nhìn thấy tôi, mặt đỏ bừng, rồi lại cắm cúi cắt cỏ. Tôi được đà thổi vống lên. Bỗng Mỷ buông liềm, ôm tay. Tôi vội chạy đến, nín thở ngắt cái lá sau lưng, nhai giập ra đắp vào vết thương, rồi lại ngắt lá cỏ tranh, tước hai bên cạnh sắc và quấn ngón tay cho Mỷ, nom hệt như một dải băng xanh. Mỷ toan ôm bó cỏ để về. Tôi vội  giằng lấy, lui cui đội đi. Mỷ cun cút bước theo sau. Chợt có tiếng trẻ con ngọng nghịu trong bụi cây:

- Vở chùng, vở chùng... (Vợ chồng, vợ chồng... ).

Cả bản chỉ có hơn chục nóc nhà. Nhà trưởng bản Mí Tủa to nhất, tuy mái cũng lợp cỏ tranh, nhưng vách lịa ván thông. Những ngôi nhà khác thì vách thưng bằng cây trúc. Mấy nhà mới chuyển đến thì ken tạm bằng cây ngô. Trưởng bản Mí Tủa cũng ít con nhất, chỉ có Mỷ và Páo thôi. Trưởng bản phàn nàn về chuyện không bắt được nhiều con. Tôi động viên:

- Nhà nước chỉ cho mỗi cặp vợ chồng đẻ từ một đến hai con thôi. Mình làm trưởng bản, gương mẫu là đúng lý.

Trưởng bản cười hơ hớ:

- Không biết bao giờ con Mỷ mới lấy chồng, thằng Páo mới lấy vợ, đẻ con, để tao được gọi là ông Dúng Tủa, Vản Tủa, cứ để mọi người phải gọi là Mí Tủa mãi thôi.

Mỷ liếc xéo tôi một cái, rồi lặng lẽ đứng dậy ra ngoài thái cỏ ngựa. Thằng Páo nhìn tôi chòng chọc.--PageBreak--

Lớp học cũng chẳng khác gì nhà dân nghèo, cũng lợp cỏ tranh, cũng thưng cây trúc; chỉ khác là có những bộ bàn ghế học sinh. Chân bàn, chân ghế là những cọc gỗ đóng xuống nền nhà. Những cây trúc to, ghép lại, đặt lên trên những cái cọc thấp làm ghế ngồi, những tấm gỗ thông đặt trên những cái cọc cao làm bàn viết. Lớp học ở gần nhà trưởng bản. Người nhà trưởng bản mỗi khi qua lại đều phải đi sát buồng tôi ở. Tôi để ý, cứ mỗi khi tôi tắm, là Mỷ không dám đi qua. Chờ cho tôi vào nhà rồi mới căm cắm rảo bước.

Minh họa của Ngô Xuân Khôi

Bây giờ Mỷ hay đi cắt cỏ ngựa thay cho Páo. Tôi cũng hay lân la đến bên gốc sa mu cổ thụ thổi kèn lá:

“Em ơi! Đã nói nhiều nhưng ta chưa tỏ...".

Tiếng cắt cỏ ngừng bặt. Tôi hồi hộp dõi lên vạt rừng. Bỗng có tiếng kèn lá cất lên:

“Anh ơi! Chúng mình dù tâm sự đẹp ngần nào...".

Chợt có tiếng trẻ con cười rúc rích trong bụi cây. Mỷ bốc một nắm đất ném rào rào. Bọn trẻ con lốc nhốc cõng nhau chạy lên bản. Thì ra, chúng đã rình mò. Tôi lững thững về bản, trong lòng lo sợ bọn trẻ con khoe chuyện với trưởng bản. Nhưng tiếng kèn lá lại vút lên:

“Anh ơi! Em muốn nói với anh bằng điều khác...".

Tôi thẫn thờ...  Chiều biên cương tím biếc. Sương giăng mờ lũng núi. Tiếng chuông bò loong coong về bản. Khói lam quyện trên những mái tranh. Hun hút dưới chân núi, dòng sông Nho Quế nhạt nhòa như một dải thắt lưng xanh xanh,  huyền ảo.

Tối hôm đó, như thường lệ, tôi lên nhà trưởng bản chơi. Vừa đến sân, tôi đã nghe tiếng chuyện rì rầm khác thường. Tiếng ông Mí Tủa: Bò là bò, trâu là trâu không lẫn lộn được. Ta là người Mông trên núi, thầy giáo là người Kinh dưới ruộng...". Tiếng bà Mí Tủa: “Nó dạy học hết ba năm thôi. Về xuôi, nó bỏ mày”. Tiếng thằng Páo: “Tôi bảo chị Mỷ yêu thầy giáo, không yêu, đứa khác nó yêu mất đấy”.

Mấy hôm sau, tôi bảo với trưởng bản là lên đồn biên phòng bàn chuyện “xóa mù”. Mỷ cũng xin đi đám cưới cái bạn là Tiên ở xóm người Giấy bên sông Nho Quế. Nhưng kỳ thực, chúng tôi hẹn gặp nhau ở cầu Tràng Hương. Tôi cầm cành lá đợi Mỷ trên cầu. Một lúc, thấy bóng Mỷ dắt ngựa xuống núi.

Tôi cùng Mỷ dắt ngựa qua cầu. Mỷ sánh vai bước bên tôi. Cầu treo rung rinh in bóng hình nhạt nhòa trên sóng nước. Tôi ngây ngất như bước trên mây. Mỷ cũng bâng khuâng như lướt trên gió. Ngược dốc, Mỷ đẩy tôi lên ngựa, rồi nắm đuôi ngựa mà chạy theo. Khi ngựa qua sườn núi, Mỷ ngồi gọn trong lòng tôi trên lưng ngựa. Má đỏ au và thơm như táo chín, môi đỏ mọng như hoa đào ngậm sương, mắt nhìn thăm thẳm trời thu biên thùy, cánh tay trắng ngần của Mỷ quàng lên cổ tôi. Chúng tôi hôn nhau mê mải. Ngựa quen đường, phi nhong nhong. Đến đầu dốc, tôi xuống ngựa cho Mỷ về trước. Khi chia tay, Mỷ cúi xuống hôn tôi, khiến cái váy lanh trùm xuống cả vai... Mãi đến khi con ngựa sốt ruột bậm bạch gõ móng xuống đường mòn và vươn cổ hí vang, chúng tôi mới rời nhau.

Rồi một đêm mưa gió, trong giấc mơ chập chờn tôi nghe tiếng thằng Páo gọi thất thanh qua cửa liếp:

- Thầy giáo, Mỷ ăn lá ngón rồi.

Tôi vội cùng nó nhảy lên lưng ngựa, phóng như bay xuống bệnh viện huyện. Vừa phi, tôi vừa gọi Mỷ, vang động cả núi rừng. Xộc vào phòng cấp cứu, tôi thấy Mỷ chỉ còn thoi thóp thở. Tôi nấc lên. Mỷ nhìn tôi đau đáu. Khuôn mặt Mỷ chợt rực rỡ, đẹp như Tiên giáng trần trong giây lát, rồi đồng tử dãn dần. Bác sĩ lắc đầu tuyệt vọng. Ông Mí Tủa hộc lên một tiếng rồi đi ra ngoài. Bà Mí Tủa gục bên xác Mỷ. Thằng Páo gào lên: “Mỷ ơi, bố mẹ ưng ý rồi mà!…”.

Rồi Mỷ lại hiện về, thì thầm:

- Mỷ biết cái lỗi rồi. Mỷ lại về với anh. Ngày mai, chờ ở gốc cây sa mu ngày xưa...

Tôi lững thững, qua nẻo đường cũ, tới gốc sa mu cổ thụ, chợt sững sờ khi nhìn thấy một cô gái người Mông trắng. Đúng là Mỷ, đang đứng bên khe nước. Cô gái cũng giật mình khi đột nhiên nhìn thấy tôi như từ khe đá chui ra. Tôi hét vang rừng gọi tên em. Mỷ cũng kêu tên tôi và em nở nụ cười hạnh phúc

.
.