Tiếng chim trong phố

Thứ Hai, 23/04/2012, 09:00

Thôi chào bà con, tôi đi đây!".
Đã chào đến lần thứ ba nhưng ông Giản vẫn chưa chịu bước lên chiếc xe ôtô con đang nổ máy chờ sẵn. Thuyết bực bội, gắt giục bố. Ông Giản bước đến cửa xe, ngoái nhìn mọi người. Bỗng  ông  bật khóc thành tiếng".

Cả đời ông, kể cả khi còn bé bị bố đánh, ông chưa bao giờ khóc nghẹn ngào đến vậy. Cho đến khi vợ ông chết, ông cũng khóc song là cái khóc âm thầm, lặng lẽ. Nhưng bây giờ thì ông đã khóc nghẹn ngào vì phải rời bỏ quê hương, rời bỏ mảnh đất mà ông nội ông, bố mẹ ông và vợ chồng ông đã từng chung sống. Ông chỉ có một người con trai, lập nghiệp ở Hà Nội. Hai vợ chồng ông sống ở quê, nhiều lần anh con trai bảo bố mẹ bán nhà lên Hà Nội ở với vợ chồng anh nhưng ông và vợ không muốn. Năm ngoái vợ ông mất, ông sống một mình, anh con trai lại giục ông bán nhà. Ông bảo ông thích sống ở quê hơn. Con trai ông ra tối hậu thư, nếu ông không lên sống với anh, anh sẽ không sinh con. Nó là đứa con duy nhất, lấy vợ đã ba năm mà vẫn chưa có con, nay tuyên bố không sinh con thì làm sao vợ chồng nó có hạnh phúc, làm sao nhà ông có người nói dõi? Thế nên ông đành phải bán nhà lên ở với con.

Vợ chồng người con trai của ông sống ở khu chung cư cao cấp mười hai tầng. Căn hộ ở tầng ba, căn góc nhìn xuống mặt hồ gần đó. Hàng ngày vợ chồng người con đi làm, một mình ông ở nhà hết đọc báo lại xem tivi, buồn quá, ông mở cửa đi ra hành lang. Ông đi từ đầu hành lang đến cuối hành lang, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Có lần ông tỷ mẩn đếm xem tầng ông có bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu chiếc bóng đèn chiếu sáng ở hành lang. May mắn sao, ông phát hiện ra căn hộ 306 cửa he hé mở. Ông đi lại, ông không quen bấm chuông nên gõ nhẹ vào cánh cửa căn hộ 306:

- Cộc, cộc, cộc!

Một khuôn mặt nhăn nhó ló ra:

- Ông hỏi ai?

- À, ông ở căn hộ số 301!

- Ông thông cảm, cháu là ôsin, cháu không được phép cho người lạ vào nhà.

Nói rồi khuôn mặt nhăn nhó đóng sập cửa lại. Ông sững người trong giây lát. Ở quê, hàng xóm nhìn thấy nhau từ xa đã mời nhau vào nhà uống chén nước, thế mà ở đây nhìn thấy nhau cứ như nhìn người ở hành tinh khác mới đến. Có lẽ cô ấy là người giúp việc nên phải nghe theo lời chủ nhà, mình lại mới lên, họ chưa quen mình nên đề phòng với mình cũng phải. À, phải rồi, cái ông Định ở căn hộ số 305, mình đã vài lần nói chuyện với ông ấy ở dưới sân của chung cư, mình sang đấy thăm chắc ông ấy sẽ không sập cửa. Ông Giản đi lại trước cửa căn hộ 305. Ông lại giơ tay lên gõ cửa, gõ tới ba lần mà vẫn không thấy cửa mở, ông đã định quay đi nhưng chợt nhìn thấy dòng chữ "Xin bấm chuông", ông lần tay theo mũi tên, ấn chuông. Quả nhiên cửa mở, mà người mở cửa lại chính là ông Định. Ông Định mời khách vào nhà chơi. Hai ông già đang hàn huyên vui vẻ thì hai đứa cháu nội của ông Định từ buồng ngủ lao ra nô đùa ầm ĩ. Ông Định quát chúng be bé cái mồm thôi để ông nói chuyện nhưng chúng vẫn hô toáng lên. Cô con dâu của ông Định đi ra. Ông Giản đỏ cả mặt, cô mặc chiếc váy ngắn cũn cỡn, cái cổ áo trễ xuống lòi cả vú ra. Thấy khách, cô gật đầu chào. Bỗng ông Giản sổ ra một tràng hắt xì hơi, cô con dâu lo lắng hỏi:

- Bác bị cảm à?

- Không!

- Bác mới ở quê lên?

- Ờ, bác mới ở Hưng Yên lên.

- Quê bác đang bị dịch cúm gà, không khéo bác bị lây cúm gà thì nguy lắm, phải cách ly đấy!

Thế là người ta đuổi khéo ông, sợ ông bị nhiễm cúm gà H5, H6 gì đó, lây sang nhà họ. Ông Giản đứng dậy xin phép ông Định ra về, mặc cho ông Định cứ hồn nhiên: "Ấy ấy, chả mấy lúc ông sang chơi".

Minh họa: Hà Chí Hiếu.

Thế là ông Giản lại lủi thủi đi về, ngồi héo hắt trên ghế xa lông. Thi thoảng ông lại đưa tay lên lau nước mắt. Dạo này ông hay khóc lắm, ông nhớ quê, nhớ bà con hàng xóm. Có lần ông bảo con trai:

- Thứ bảy, chủ nhật con không đi làm thì đưa bố về quê, bố nhớ bà con hàng xóm lắm!

- Bố vẽ chuyện, nhà bán rồi về ở với ai? Thành phố văn minh, ăn ngon, ở sướng, bố về cái xứ quê nghèo ấy làm gì?

- Thì con cũng phải cho bố về quê để thắp cho mẹ con nén nhang!

- Ôi dào, nhà con cũng có bàn thờ, bố muốn thắp hương cho mẹ thì cứ vào đấy mà thắp. 

Ông không nói gì nữa, chỉ ngồi lặng im, tay mân mê chén nước trà.

Sáng nay, trời thật đẹp, nắng vàng, gió làm lá cây rơi rụng lả tả xuống đất, có nhiều chiếc lá rơi xiên xiên cả xuống mặt hồ, ông đang nhìn lá rơi qua cửa sổ thì chợt thấy con chim chích nhảy nhót tìm sâu trên cành cây ngay sát cửa sổ nhà ông. Ông đi vào phòng bếp, bốc một nắm gạo, rải rải lên bậu cửa sổ rồi lùi ra xa. Con chim chích không nhìn thấy hoặc không hiểu được tấm lòng của ông nên không bay đến ăn gạo. Ông Giản nói với con chim:

- Gạo tám thơm ông mới mang ở quê lên đấy, ăn đi!

- Chích, chích!

- Mày chê gạo đặc sản ở quê à? Hay là mày chỉ thích ăn sâu thôi, ở đây tao không bắt được sâu, giá mà mày ở quê thì tao bắt khối sâu cho mày!

- Chích, chích!

Con chim vụt bay đi, ông Giản nhìn theo cảm thấy có cái gì đó hụt hẫng. Hai hôm sau con chim không đến, ông tưởng nó sẽ chẳng bay đến nữa, nhưng mấy ngày sau con chim chích lại bay đến cái cây sát cửa sổ nhà ông kiếm sâu. Ông quan sát con chim, nó nhảy từ cành này sang cành khác, nghiêng ngó tìm sâu. Sâu ở thành phố bây giờ cũng khó kiếm vì sự ô nhiễm của môi trường. Ngay cả đến con người ở thành phố cũng đang xem sâu như một vị cứu tinh, người ta ra chợ không chọn rau non tươi tốt mà chọn những mớ rau có nhiều sâu ăn để mua. Thứ rau bị sâu ăn quá ít, chứng tỏ sâu cũng đang bị thuốc sâu làm cho tuyệt chủng. Ông Giản thấy thương con chim, chợt nghĩ ra được điều thú vị, ông vội đi vào phòng khách lấy giò phong lan ra treo lên song sắt cửa sổ rồi lại rắc mấy chục hạt gạo lên bậu cửa. Quả nhiên con chim chích bay đến chỗ giò phong lan, vạch lá tìm sâu. Không thấy sâu nhưng nó nhìn thấy những hạt gạo, nó đậu xuống bậu cửa dùng cái mỏ bé xíu nhặt gạo ăn. Lúc sắp bay đi, con chim chích đã nhìn thấy ông đang chăm chú nhìn nó. Nó nghiêng nghó cái đầu, ra vẻ nghĩ suy điều gì đó. Con chim bay đi, ông Giản thở dài:

- Mày chẳng thèm cảm ơn hay chào tao lấy một câu. Người thành phố sống nhạt hay mày là chim thành phố cũng sống khinh khỉnh cho nó ra dáng quan trọng hơn chim nhà quê?

Trách chim thế nhưng những ngày sau đó, ông lại treo giò phong lan, rắc gạo ở cửa sổ và con chim chích lại bay đến. Bây giờ thì con chim đã quen thân với ông, nó cũng không sống nhạt nữa mà tình cảm, chân thành. Mỗi lần bay đến, đầu tiên, nó cất tiếng hót như thể cất tiếng chào ông: "Chích, chích". Ông mỉm cười, đáp lại: "Chào anh bạn nhỏ!". Trong cái thế giới cô đơn này, ông Giản đã tìm cho mình được một người bạn chí cốt, mỗi sáng tầm chín giờ, khi thấy con chim chích chưa bay đến là ông lại thấp thỏm. Nó bị ốm hay con nó bị ốm? Hay hôm nay trời có giông, gió to nó không bay được? Kia rồi, nó đã bay đến: "Chào anh bạn nhỏ!". "Chích, chích. Chào người bạn lớn!".

Hàng ngày hai vợ chồng người con của ông đi làm. Thứ bảy, chủ nhật được nghỉ thì hai vợ chồng lại đi đến nhà bà ngoại, đến nhà bạn bè hay đi picnic, thành ra ông Giản gần như cả ngày chỉ có duy nhất một người bạn nhỏ đến thăm. Nhưng nó cũng chỉ đến thăm ông được vài chục phút rồi tất tả ra về với mái ấm của nó. Hôm nay là thứ bảy, như thường lệ, ông Giản và người bạn nhỏ lại gặp gỡ nhau. Có điều khác biệt là con chim bạo dạn hơn, dám bay hẳn vào trong phòng khách. Chim và người đang vui vẻ thì đột nhiên hai vợ chồng người con trở về. Chả là Lê - con dâu ông thấy người khó ở, bụng đau vì đến ngày kinh nguyệt nên quyết định không đi Suối Hai nữa. Vừa nhìn thấy con chim, Lê đã thảng thốt kêu lên:

- Chim sa, cá nhảy, độc lắm!

Ông Giản vội vã thanh minh, đây là con chim mà ông vẫn hay cho ăn gạo chứ không phải là chim sa cá nhảy. Đất lành chim đậu, nó đến là mang theo điều may mắn. Anh con trai tức giận:

- May mắn gì, có mà bố rước họa vào nhà thì có.

Thuyết vào nhà vệ sinh cầm cái chổi lau nhà xua đuổi con chim. Con chim hốt hoảng bay đâm sầm cả vào song sắt. Khi con chim đã bay vụt đi, anh con trai nói với ông Giản: "Từ nay ông không được cho con chim ăn gạo nữa, phải đóng cửa sổ lại, không cho nó bay vào nhà".

Ông Giản nghĩ, con chim bị con trai ông đánh đuổi, sợ bạt vía sẽ chẳng dám bay đến nữa. Nhưng không, sáng chủ nhật hôm sau nó vẫn bay đến bên cửa sổ. Nó bay đến như một sự bắt buộc, bởi nó đã tìm kiếm hàng giờ mà vẫn không bắt được sâu, nó có thể nhịn đói chứ không thể để cho mấy đứa con của nó ở nhà bị đói. Những lần bay đến bên cửa sổ ăn gạo, bao giờ nó cũng dành gạo trong mồm mang về cho đám con. Nó cũng rất sợ trận đánh đuổi của người con ông Giản, nhưng không bay đến thì lũ con sẽ đói, thế nên con chim chích lại liều mình vì con. Vừa đáp xuống bên cửa sổ, con chim đã cất lời chào: "Chích, chích!". Không thấy người bạn lớn đâu, nó bay ngược lại cái cây gần đó. Người bạn lớn của nó vẫn còn giận vợ chồng người con trai nên đã xuống đất, đi la cà chỗ này chỗ kia.

Thấy con chim bay đến bên cửa sổ, cô vợ bảo chồng: "Nó quen rồi, ngày nào nó cũng sẽ đến". Anh chồng bảo: "Đến khổ, ông già lẩm cẩm lại đi rước cái của nợ này về, không khéo gặp hạn lớn". À, phải rồi đã có cách. Anh con trai dặn vợ vài câu rồi xuống tầng hầm,  phi xe máy ra đường Trường Chinh, nơi hay bán thuốc diệt chuột, dán, ruồi, muỗi để mua thuốc chuột. Chả cần phải đến đường Trường Chinh, vừa chạy xe được một đoạn đã thấy một người đàn ông bán hàng rong. Hỏi có thuốc chuột không, nghe bảo có, Thuyết mua một gói thuốc chuột Trung Quốc mang về.

Gói thuốc chuột làm bằng gạo có màu tím, Thuyết lấy kéo cắt ra, rắc gạo lên mặt cửa sổ. Con chim chích lúc này đang ở trên cành cây tìm sâu. Nó không để ý đến những hạt gạo mà Thuyết vừa rắc. Lê bảo chồng:

- Nó quen với cảnh bố cho ăn, hay mình nhờ bố!

- Em ngu thế, nó là bạn thân của bố, đời nào ông ấy giết nó!

- À, phải rồi, anh lấy quần áo của bố mặc vào, giả làm bố cho nó ăn, may ra nó bay đến.

Thuyết làm theo lời vợ, vào trong phòng của ông Giản, lấy bộ quần áo của ông mặc vào rồi ra cửa sổ làm động giả rắc rắc gạo lên mặt cửa sổ. Thuyết rất giống bố, lại mặc quần áo của bố nên đã làm con chim nhầm tưởng người bạn lớn của mình đã về. Khi Thuyết và vợ vào trong phòng ngủ, hé mở cửa theo dõi, con chim chích bay đến bên cửa sổ, không một chút nghi ngờ, nó mổ những hạt gạo màu tím nuốt ngon lành. Đúng lúc ấy ông Giản đẩy cửa bước vào, nhìn thấy con chim chích đang mổ gạo, lại nhìn thấy vợ chồng con trai đang thập thò nhìn con chim, ông linh tính được điều chẳng lành với người bạn của mình, ông lại phía cửa sổ. Con chim bị loại thuốc chuột cực mạnh sản xuất từ Trung Quốc bắt đầu tấn công dữ dội, nó định bay đi nhưng không thể cất cánh được nữa, nó lăn ra giãy giụa, rơi xuống nền nhà. Ông Giản hốt hoảng cầm con chim lên, nó ngước đôi mắt nhỏ xíu nhìn ông lần cuối rồi từ từ khép lại. Từ miệng con chim, một dòng máu đỏ tươi rỉ ra. Ông ôm con chim vào ngực, quay lại phía vợ chồng con trai giận dữ:

- Chúng mày sống độc ác thế này thì làm sao trời cho sinh con đẻ cái!

Thuyết cãi lại bố:

- Bố già nên lẩm cẩm rồi, nó là con vật chứ con người đâu mà xót xa thế.

- Mày câm mồm đi, sống phải lấy cái đức làm đầu. Con vật cũng như con người, phải biết yêu thương nó thì cái phúc mới vào nhà.

Ông Giản nói xong, đi vào phòng, lấy quần áo cho vào cái túi du lịch. Ông bỏ thành phố trở về với làng quê, mang theo cả con chim tội nghiệp. Thành phố tấc đất tấc vàng, chả có chỗ để chôn con chim, ông mang nó về quê để chôn.

Về quê, ông có lương hưu, cái ăn không phải lo nhưng chỗ ở thì ông chẳng có, mảnh đất và ngôi nhà cha ông để lại ông đã bán đi, tiền bán nhà ông cho hết vợ chồng con trai để nó chạy chữa bệnh vô sinh. Ông nghĩ sẽ vay mượn để mua một mảnh đất nho nhỏ, dựng cái nhà để ở nhưng trước mắt biết ở đâu? Ông đi loanh quanh trong làng, ai cũng thương ông mời ông về nhà mình ở, nhưng ông từ chối. Đến ở nhà con trai mà ông còn thấy tù túng hơn nữa tính ông không thích nhờ vả.

Ông đi ra rìa làng, nhìn thấy cái nhà để xe tang ông liền đi lại. Ở quê bây giờ nạn nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, trộm cắp cũng được bọn thanh niên tha từ thành phố về nên không còn cái cảnh tối ngủ không đóng cổng, đóng cửa. Mới sẩm tối nhà nào nhà nấy cổng đóng, then cài. Có lẽ duy nhất chỉ có cái nhà để xe của người chết này là không khóa cửa. Hai cánh cửa gỗ khép hờ, ông Giản đẩy cửa bước vào. Được lắm, đêm nay mình có thể ở tạm đây, ở chung nhà với người chết có lẽ dễ chịu hơn. Chiếc xe tang làm bằng sắt, được sơn màu đỏ, có bốn bánh xe. Nó mới được sơn lại thành ra nhà cũ mà lại hóa mới. Ông Giản kiếm được ôm rạ, ông trải vào trong chiếc xe tang tạo thành cái ổ. Ngày xưa ông và bao người làng nghèo khổ, chăn không có mà đắp, ổ rơm ổ rạ đã cứu giúp ông và mọi người đỡ được cái lạnh cắt da cắt thịt. Thời bây giờ, cuộc sống đã khá hơn, người ta dùng đệm ga, ổ rơm ổ rạ đã lùi vào dĩ vãng, thế mà ổ rạ lại trở lại với ông Giản. Có cái gì đó bùi ngùi, thương nhớ lay động lòng ông, ngày ấy nghèo nhưng con người sống với nhau tình nghĩa quá.

Ông Giản lom khom bò vào chiếc xe tang, lựa người nằm xuống. Rạ mới được phơi nắng, thơm mùi dễ chịu, át cả mùi hương của một đám ma mới được đưa cách đây hai ngày. Rạ được ông trải dày nên êm ấm. Ông cựa mình, những thanh lăn di chuyển khiến người ông dịch lên dịch xuống. Ông Giản nhớ lại, năm ngoái chính vợ ông cũng đã nằm ở đây trong chiếc quan tài để người ta đưa ra cánh đồng. Ông đưa tiễn vợ ra tận nghĩa trang. Ông thì thầm với vợ: "Rồi cũng có ngày tôi sẽ nằm đây để người ta đưa ra với bà, bà đi trước tôi đợi tôi nhé!". Bây giờ thì chính ông đang nằm đây, chỉ có khác vợ ở chỗ ông chưa chết nên chưa được nằm trong quan tài.

Đêm đầu tiên sau bao đêm ngủ ở thành phố, ông mới lại được ngủ ở quê. Tuy không được ngủ trong ngôi nhà thân quen của mình mà ngủ nhờ nhà của người chết nhưng ông ngủ một giấc ngon lành đến tận khi ánh mặt trời chiếu xiên qua cửa nhà để xe tang. Ông Giản lựa mình chui ra, ông lặng người xúc động khi nghe thấy cả một bầy chim đang líu lo trên cành cây trồng bên cạnh nhà để xe tang mà dưới gốc ông chôn con chim mang về từ thành phố

V.Đ.
.
.