Thiện xạ

Thứ Sáu, 29/09/2017, 16:46
Tuấn sở hữu vóc dáng khiêm tốn, người hơi lùn, mắt lại hơi bé một bên, người ta bảo "nhất lé, nhì lùn", Tuấn có tới bảy tám mươi phần trăm cái tiêu chí ấy, lại thêm sở hữu cái cằm hơi nhọn, đôi môi mỏng dính, miệng lưỡi dẻo quẹo nên được các sếp nơi Tuấn công tác quý mến. Cứ có việc gì cần giao dịch bên ngoài là Tuấn nhận làm và đều hoàn thành xuất sắc.

Nghe nói bên đất Hà Nam có món đặc sản "hương đồng gió nội", Tuấn đưa các sếp và một số anh em thân thiết sang thưởng thức.

Đúng như tên gọi, giữa đồng không mông quạnh, xung quanh toàn một màu xanh của lúa của khoai nổi lên một quán ăn với cái tên thô đến trần trụi "Chim to dần". Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, cái tên gọi ấy cũng tạo gợi cảm mùi mẫn và cuốn hút sự tò mò đối với khách qua đường, nhất là đối với dân nhậu hám tìm của lạ.

Khách vừa yên vị, mỗi bàn đã được nhân viên của quán bê lên một đĩa chim sẻ quay thơm nhức mũi, ăn gần hết lại tiếp đến một đĩa chim ri, chim ngói, rồi chào mào, sáo sậu, chim gáy, vịt trời, kết thúc là một con rang hay ngỗng trời, cũng có khi là chú bồ nông quý hiếm và cuối tiệc bao giờ cũng là nồi cháo vịt trời béo ngậy để khách ăn cho dã rượu. Thế là các loại chim trời đã được hiện diện về đây để được thực khách thưởng lãm. Ước tính mỗi ngày quán "Chim to dần" tiêu thụ có tới hàng tạ các loại chim.

Trong cuộc nhậu, chủ đề chim và săn bắn các loài chim được bàn luận sôi nổi. Tuấn và một vài người bạn rủ nhau mua súng để thử tài săn bắn, lại có đặc sản để tụ tập đánh chén luôn.

Thế rồi cứ chiều chiều hằng ngày, lấy lý do đi giao dịch công tác, Tuấn lại xách súng cùng mấy người bạn đi săn chim. Những buổi đầu chưa quen, có khi về tay không, nhưng rồi với vóc dáng nhỏ gọn, chịu luồn lách giữa các bụi cây, bờ nước để tiếp cận gần các chú chim, đôi mắt hơi lé rất tinh ranh dễ nheo mắt, dần dần Tuấn dẫn đầu cả bọn săn chim. Vào ngày nghỉ cuối tuần, bọn Tuấn đi xa hơn, sang cả cánh đồng, cánh bãi các tỉnh lân cận. Chiều tối cả bọn tụ tập về nhà Tuấn kiểm tra, điểm mặt xem ai "thiện xạ" hơn ai, rồi đun nước, vặt lông làm thịt chim, nhậu lai rai cho đến nửa đêm mới tàn cuộc.

Trong cuộc nhậu không thể thiếu một số cán bộ cơ quan là sếp của Tuấn. Các thợ săn giữ lại các chiến tích bằng cách người thì lấy mỏ, lấy chân chim, người thì nhổ lông cánh của những chú chim do chính tay mình triệt hạ để mang về cất giữ trong nhà làm vật chứng cho báo cáo chiến tích mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ "sát chim".

Qua 3 năm hoạt động, hội tổ chức "Đại hội", có cả vợ con của các tay súng cùng dự, toàn là các món ngon với đầy đủ các loài chim. Điểm số lượng chiến lợi phẩm mỏ chim nhiều nhất, to nhất, Tuấn được cả hội săn chim suy tôn là "dũng sỹ diệt chim". Vào phòng khách nhà Tuấn, hội "sát chim" phải trầm trồ với số mỏ chim được Tuấn phân loại rõ ràng, có chú thích theo từng dòng từng giống, treo từng hàng trên tường như người ta treo phần thưởng cao quý.

Nhờ sự giảo hoạt, biết cách luồn lách nịnh nọt nên các giao dịch kinh tế, các dự án đầu tư qua môi giới của Tuấn đều thông đồng bén giọt và những phần trăm trong tổng vốn đầu tư cùng phí giao dịch bôi trơn đều trôi nhanh vào túi Tuấn. Tuấn cũng có điều kiện mở rộng quan hệ làm ăn.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Trong giới "sát chim", Tuấn được bọn "sát thủ" trọng vọng với "biệt tài" trăm phát ăn cả trăm; có khi chỉ một viên đạn gém mà Tuấn hốt gọn cả bao tải chim mang về trong sự thán phục của đồng bọn. Cuộc đời kể cũng mấy ai hơn; may cũng chỉ một phần, tài bắn súng là không thể phủ nhận được ở con người có biệt danh vừa lùn vừa lé này.

Vân, được hưởng lộc từ chồng cũng ngày càng đẫy đà, ra dáng mợ, cũng trang điểm má phấn, môi son lòe loẹt, cũng quần nọ, áo kia tha thướt. Cứ chiều đến, Vân giao cửa hàng cho người giúp việc trông nom, rồi diện bộ đồ không thể ngắn hơn được nữa, lướt nhẹ trên chiếc SH sáng bóng đến trung tâm thể dục thẩm mỹ, Yoga cùng tham gia câu lạc bộ của những cô, những bà lắm tiền nhiều của.

Được các bà chị giáo huấn, người phụ nữ ngoài giữ cái giường cho ấm, giữ lửa bếp cho hồng để giữ chồng, đồng thời phải hương khói phụng thờ bố mẹ, ông bà, tổ tiên nhà chồng để phù hộ chồng con, gia đình làm ăn khấm khá. Vân hiểu ra điều "Có thờ có thiêng…", muốn giữ lộc phải năng hương khói ngày rằm, mồng một thờ cúng các bậc linh thiêng. Ngày đầu tháng 7 âm lịch năm ấy, Vân đến nhà thầy pháp, nơi các bà chị mách bảo để tham vấn các cụ nhà chồng có nhu cầu gì để chuẩn bị cho lễ Vu lan - Báo hiếu.

Vừa bước vào sân nhà thầy, đàn chim sẻ thầy vẫn rắc thóc cho ăn rất dạn người mà hôm nay vội hốt hoảng bay đi. Chú chim khách vừa hót "có khách" cũng bay đi mất hút. Thầy bỏ dở quyển sách chữ Nho đang xem để làm thẻ tử vi cho khách, nhìn ra thấy một người đàn bà đang bước vào, người đầy ám khí.

Theo yêu cầu của Vân, thầy cho Vân được gặp bố mẹ chồng. Âm dương cách biệt, gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi, Vân cung kính cho bố mẹ chồng biết gia cảnh trên trần thế làm ăn đại phát, cháu nội ông bà học ở trường đại học tốp đầu trên Hà Nội. Vợ chồng Vân định thửa đốt biếu bố mẹ căn nhà năm tầng, chiếc ôtô Mercedes, chiếc tivi smart, chiếc iPhone 5; 10 bộ quần áo, nón cho mẹ, mũ cho bố, tiền, vàng để bố mẹ, ông bà tiêu… Không để Vân nói hết, ông bố chồng ngắt lời:

- Bố mẹ cảm ơn tấm lòng hiếu nghĩa của các con. Bố biết tính chồng con, mọi việc trong gia đình con phải lo toan, chứ chồng con đi suốt ngày. Còn về các vật dụng và tài sản các con định hóa biếu, bố mẹ không dùng quen, đừng mua nó tốn tiền, chỉ cần vài bộ quần áo, ít tiền là được. Bố mẹ là dân thường chứ có cao sang gì đâu mà dùng những thứ ấy.

Nói rồi ông như khó thở, Vân sợ quá hỏi:

- Bố làm sao vậy bố?

Ông đáp:

- Bố định giấu con, nhưng con hỏi, bố cũng không giấu. Ba năm gần đây, nhất là tháng năm, tháng sáu vừa rồi, bố mẹ thường bị đám âm binh đội lốt loài chim, dùng cánh, dùng mỏ đánh đập dã man lắm, có con ngực chảy máu ròng ròng, có con sã cánh, có con bị toác đầu, cứ lao vào đầu bố vừa mổ, vừa đập cánh, miệng thét lên những tiếng kêu cứu nghe đến rợn người. Bố mẹ nghĩ có lẽ mình chết lần thứ hai chăng.

Nói rồi ông lịm đi. Vân như bừng tỉnh. Cô hỏi lại thầy pháp, thầy pháp giải thích:

- Từ lúc cô vào đến sân, tôi thấy người cô nặng ám khí của chim chóc, khiến chim sẻ, chim khách bay đi mất. Chắc trong nhà cô để nhiều xác chim hoặc có người săn bắn chim phải không.

Ngắt lời thầy, Vân thưa:

- Chả giấu gì thầy, những con chim là của đám hội thợ săn chim thường tụ tập đem chim đến làm thịt chim, uống rượu tại nhà con.

Thầy nói tiếp:

- Thế thì ta nói không sai, các linh hồn của những con chim xấu số nó tìm được bố mẹ chồng cô, nó trả thù, nên ông cụ báo tin đấy. Chồng cô đang vướng vào mệnh "sát chim", phải làm lễ giải mệnh, rửa tay gác súng hoàn lương, tu nhân tích đức, dừng ngay việc "sát chim", không thì gặp họa "chim sát" đấy.

Vân như người mất hồn khi trở về nhà. Trước đây ngôi nhà là niềm kiêu hãnh của vợ chồng cô, nào là nhà mặt phố chính, rộng tiền, nở hậu, vị trí đắc địa làm ăn phát đạt. Nay cô như thấy khắp nhà đầy ám khí của những oan hồn của các loài chim do thú vui của chồng đem lại. Vân chuẩn bị lễ giải mệnh, nhờ thầy pháp đến cúng khấn cho chồng đỡ gặp đại hạn. Tuấn hỏi:

- Hôm nay đã đến rằm đâu mà em làm lễ, mà sao toàn là chim giấy thế.

Vân không dám giấu chồng, nói:

- Em đi xem, thầy bảo anh đang vướng vào mệnh "sát chim", phải làm lễ hóa giải để khỏi gặp họa "chim sát".

Tuấn lừ mắt, hai con mắt nhỏ muốn lồi ra, vằn các tia máu, trông thật dằn dữ:

- Ai bảo vậy, toàn nhảm nhí, tha cho con nào thì con ấy sống, chứ mấy con chim kia làm gì được tao. Có chết… chết cái…

Thấy chồng không kiềm chế, Vân kéo vội vào gian trong, để thầy hoàn thành buổi lễ. Nghe Tuấn nói vậy, thầy pháp chỉ lắc đầu.

Tối đó Vân tâm sự với chồng toàn bộ sự việc từ lúc đến nhà thầy pháp, Tuấn bán tín bán nghi. Nhưng nếu không nghe vợ, nghe thầy pháp mà bị họa thật thì cơ ngơi, danh vọng, vợ con sẽ thế nào. Ừ thì nghỉ săn chim một thời gian xem sao. Thấy chồng có vẻ xuôi xuôi, Vân cũng tạm yên lòng.

Được vài tuần, đúng sáng hôm rằm, trùng ngày nghỉ, thấy Tuấn lại diện bộ rằn ri, khoác súng, đi ủng, dắt xe ra cửa, Vân hỏi:

- Anh lại đi đâu đấy, ờ, mà anh lại đi bắn chim à.

Tuấn đáp:

- Anh đi bắn nốt một con nữa cho đủ bộ sưu tập hai ngàn con, rồi anh thôi.

Biết không thể ngăn được, Vân chỉ biết thở dài nhìn theo bóng xe máy vút trên đường phố ra hướng cầu Yên Lệnh.

Đợi mãi, chiều tà không thấy Tuấn về, linh tính báo có chuyện chẳng lành, Vân hô hoán mọi người thân đi tìm. Theo một số người trong hội của Tuấn mách, Vân cùng mọi người đến khu thùng đấu làm gạch bên Hà Nam tìm. Trên đê hữu ngạn sông Hồng nhìn về phía trong đồng, thấy ánh hoàng hôn chiếu vào gương xe máy hắt lên, mọi người vội chạy xuống, trên mặt đất là khẩu súng hai nòng, cách đó một đoạn là chiếc xe máy của Tuấn, chìa vẫn trong ổ khóa, cạnh bờ thùng đấu có vết chân còn đục màu bùn. Mấy thanh niên cởi quần áo xuống mò, nhưng càng xa bờ nước càng sâu, nên không mò nữa. Vân phải cho người chạy ra sông thuê mấy người thuyền chài mò ở giữa thùng đấu mới tìm thấy Tuấn. Khi xác Tuấn được đưa lên, trong tay Tuấn vẫn túm chặt con chim thứ 2.000 mà Tuấn bắn hạ, mỏ con chim còn dính một chút tròng mắt của Tuấn. Có thể ở phút bình sinh cuối cùng, chú chim thứ 2.000 kia đã dùng mỏ mổ vào mắt "dũng sỹ diệt chim" để cứu bao đồng loại.

Đám tang của Tuấn được tổ chức theo phong tục tập quán quê nhà. Có điều lúc viếng và đưa tang, lèo tèo vài người trong họ và hội bạn bắn chim của Tuấn. Còn quê hương, xóm phố người ngó xem đông hơn người đưa tang. Giường như họ cũng nhận ra một điều gì đó bất ổn, kể cả về tâm linh lẫn đời thực.

Với cái chết của Tuấn, không biết hình ảnh con chim mổ vào mắt còn ám ảnh mọi người đến bao giờ (!?) và ngày giỗ Tuấn đúng vào ngày xá tội vong nhân cũng là đề tài gây xôn xao bàn tán trong bà con xóm phố. Quan tài của Tuấn được đưa ra nghĩa trang thành phố, trên đường đi bất chợt Vân nhìn hai bên hàng cây, một cơn gió lạnh thổi qua, hàng ngàn chiếc lá cây xao động như có hàng ngàn, hàng vạn oan hồn của các con chim bám theo xác của người "sát chim" về huyệt mộ. Nhìn cảnh  đưa tang Tuấn, có người thốt lên:

- Đúng là "sát chim - chim sát". 
Truyện ngắn của Trần Văn Quý
.
.