Thế giới vô hình

Thứ Hai, 19/09/2016, 08:02
Cái Hĩn chẳng về. Tám năm nay chẳng về. Chẳng biết giờ nó thế nào? Nhưng trong thư thì nó vẫn bảo ổn. Ổn là thế nào? Bà cứ đứng tần ngần nơi góc cái sân đã lở, tự hỏi. Lại là cái sân. Hôm trước, nó gọi điện về bảo: "Mẹ sửa cái sân chưa?". Đành phải nói dối: "Mẹ sửa rồi. Có cái sân cũng không sửa thì làm cái gì!".

Nói thì nói vậy thôi, chứ sửa sân làm gì? Nhà có một bà già, một con lợn và dăm con gà. Con lợn nhốt suốt. Con gà thì chỉ khi nào ăn mới bén mảng đến sân. Vườn rộng thế. Nên sửa làm gì? Tiền nó gửi về, bà cứ để đấy. Hôm vừa rồi, đếm được những năm trăm tờ xanh. Có ảnh ông nào như ông lính viễn chinh Pháp ngày xưa. Trông lạ lạ là. Chẳng giống những đồng tiền bà vẫn tiêu giờ.

Nó bảo: "Mẹ đem ra ngân hàng mà đổi". Nhưng ngân hàng ở đâu, đổi như thế nào? Cả đời bà có bao giờ đến những nơi xa lạ đó đâu. Mà đổi làm gì? Cái sân còn không muốn sửa. Đàn gà thì lớn con nào ăn con đấy. Con lợn thì chỉ cần ăn rau là sống. Đổi làm gì?

Nên bà bó cẩn thận lắm, để nguyên trong một ống nứa, để yên trong hõm tường. Cái hõm tường đấy kín lắm, chẳng thằng trộm nào biết được. Nó biết làm sao, khi mà bước chân vào nhà, bà đã thấy mình sai lầm ngay từ giây đầu tiên rồi.

Căn nhà với cái cửa bằng liếp bé tin hin, cái cửa còn không che hết khoảng trống. Cái bếp cũng bé tí teo không có cả cửa. Cái bàn uống nước mặt tróc lở hết. Hai cái chén mắt trâu bà chỉ dùng để uống thuốc. Có ai vào đâu. Nên uống nước cũng chỉ cần tu ở vòi của cái ấm bằng nhôm là được. Trộm vào có cái gì? Có cái thân bà đây, có ôm đi thì ôm.

Có hôm thằng trộm đứng tơ ngơ ở giữa nhà, bà bảo: "Mày vào làm gì cháu? Lớn thế rồi, đi mà làm ăn chứ! Bà già thế này còn phải chăn gà, chăn lợn. Nhưng gà ở trên cây, giờ khó túm lắm. Bắt lợn thì nó kêu, hàng xóm chạy sang họ đánh chết. Thôi, đi nhanh đi cháu!".

Thằng trộm nghe bà nói rành rọt vậy thì ù té chạy. Nó chạy nhanh quá để rơi cả một cái khăn quàng cổ. Bà vẫn để đấy, chờ ngày nó quay lại.

Chắc nó cũng nghèo như mình. Cái khăn quàng lỗ chỗ vết thủng.

Thằng này chắc túng quá thôi. Chắc lại con ốm, vợ đau nên làm liều thôi. Là bà nhớ đến ông nhà. Cả đời bà có bao giờ được sung sướng đâu. Ông nhà cũng thế, khổ đến cả lúc chết.

Năm ba mươi tuổi ông nhà bị bệnh tưởng chết. Bao nhiêu tiền của dốc ra hết để chữa trị. Đến cái cày cũng phải bán đi cho người ta lấy năm ngàn. Rồi ông cũng khỏi.

Ốm dậy. Sức khỏe yếu. Kinh tế lại khánh kiệt. Hai đứa con nheo nhóc. Nhìn thấy chúng hàng ngày ong ỏng mồm kêu đói, mấy rảnh xương sườn nhô hết ra. Mà ông liều. Ông đi. Ông đến nhà người ta, chỉ rúc vào bếp xem người ta còn cơm không để ăn trộm cơm mang về cho con.

Có hôm ông đi, cũng đang tơ ngơ, thì bà cụ ngồi trong góc tối bảo: "Có ăn cùng tôi thì ăn chú ạ! Nhà còn gì đâu. Tôi đang ăn bát canh sắn đây. Có ăn cùng tôi thì ăn". Thế là ông co giò chạy.

Thằng trộm hôm rồi làm bà nhớ đến ông. Nên bà muốn nó quay lại để lấy khăn. Bà sẽ hỏi hoàn cảnh của nó. Nếu đúng nó khổ thế, bà sẽ cho nó một bao khoai, và đôi gà về mà nuôi, lấy trứng cho con. Nhưng mãi nó chẳng quay lại. Cũng như ông, sau bận đấy, cạch đến già không dám đi ăn trộm nữa.

Nhưng ông chẳng sống được đến già. Ông mất sau đó hai năm. Bệnh cũ tái phát. Sau trận ốm đầu, sức khỏe yếu, lại chẳng có gì bồi bổ nên bệnh cũ tái phát. Bà một nách nuôi hai con thơ.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Năm đó cái Hĩn mới bốn tuổi. Thằng Quang ba tuổi. Bà đâu có hai mươi sáu. Rồi cứ thế ở vậy nuôi con. Mẹ con rau cháo làm thuê, làm mướn cũng qua ngày.

Thằng Quang cũng chẳng ở cùng bà, nó theo bố nó năm nó mười lăm tuổi. Nó đi theo bố nó rồi. Thế là nhà chỉ còn bà và con Hĩn. Nhưng con Hĩn lớn lên cũng chẳng ở cùng bà. Nó bảo, nó cần đổi đời. Nó theo bạn lên thành phố. Thành phố đông đúc thế nào để nó ở lại những năm năm. Rồi nó gặp ông Tây. Ông Tây mang tuốt nó về bên kia. Thế là bà ở một mình đã mười ba năm. Năm năm nó lên thành phố. Tám năm nó đi Tây.

Tám năm nó đi Tây, năm nào nó cũng gửi về cho bà những đồng tiền xanh. Cô bưu điện mang vào tận nơi, cầm tay bà lên điểm chỉ vào tờ giấy, rồi bảo: "Bà cất kĩ đi, đừng để ai nhìn thấy. Cất đi mà dưỡng già. Chị ấy chắc không về đâu!".

Chẳng biết đồng tiền màu xanh ấy quý như thế nào, mà lần nào cô ấy cũng dặn bà kĩ lắm. Rồi nhìn xung quanh ngôi nhà trống hoác của bà, bảo: "Nếu không, bà phải gửi ai đi, nhà này con thấy không ổn. Tiền đấy, nhiều lắm bà ạ!".

Với bà, nhiều ít tính chi? Có bao giờ bà quan tâm đến sự nhiều ít của đồng tiền đâu. Từ ngày ông ấy mất, đặc biệt từ ngày con Hĩn đi, với bà đồng tiền nghĩa lí gì đâu. Cả khi thằng Quang ra đi thì đồng tiền còn nghĩa lí gì?

Bà nghe thấy thế thì bọc kĩ lắm. Để trong ống nứa. Cất sâu vào hõm tường. Cái bọc đó càng ngày càng lớn. Bà phải thay ống nứa đến hai lần. Những đồng tiền xanh xanh có hình ông mũi lõ, nom như ông lính viễn chinh Pháp ngày xưa. Bà thấy xa lạ. Bà thấy nghi ngại. Nó không quen thuộc như đồng tiền bà vẫn tiêu có hình Bác Hồ.

Nên gói tiền xanh ngày càng lớn. Bà vẫn để im ở hõm tường. Mà cái hõm tường đó, bà cũng phải đục đâu đôi lần, nới rộng thêm ra, cho vừa cái ống nứa. Cái ống nứa cũng phải thay mất mấy bận, để cho vừa bó tiền xanh ngày càng lớn.

Cái Hĩn lâu không về. Bà nhớ con làm sao? Cái Hĩn đi bao năm nhưng quần áo của nó vẫn còn nguyên đây như ngày nó chưa đi. Bà giặt sạch sẽ lắm, để bên cạnh mình nằm. Cái áo đỏ nó mặc ngày còn bé. Cái quần âu nó mặc trước khi lên Hà Nội. Cái áo xu chiêng bằng cao su, bà cũng giữ đây. Tất cả còn đây.

Cái Hĩn lại có thói quen gội đầu và tắm bằng nước lá sả. Nên bà cũng mang  đồ của nó giặt bằng thứ nước lá thơm đó. Đêm đêm bà vẫn ngửi mùi cái Hĩn đây.

Cái Hĩn có thói quen thuê xe ôm từ phố về. Nên ở cái nhà cuối xóm này, mấy khi có tiếng xe máy. Nhưng một tháng cũng đến mươi lần tiếng xe máy đi qua. Bà không bỏ sót một lần nào. Bởi bà tin, trên xe đó là cái Hĩn.

Tiếng xe bắt đầu xa xa, lượn vòng quả đồi Mân, rồi đến cổng nhà bác Kháng, rồi qua đoạn dốc là vào ngõ nhà bà. Bà cứ nhẩm tính, nhẩm tính, cùng âm thanh xa rồi gần, nhỏ rồi to dần của tiếng xe máy, là biết cái Hĩn cách bao xa.

Nhưng một năm có chừng một trăm hai mươi lần tiếng xe máy, thì cả một trăm hai mươi lần đó không là cái Hĩn. Và mười năm là một ngàn hai trăm lần xe máy, cũng không là cái Hĩn.

Nhưng bà vẫn chưa bỏ niềm tin, chưa bao giờ bà hết tin rằng, tiếng xe máy kia chắc chắn là cái Hĩn thuê xe ôm từ phố về. Đó là thói quen của nó, từ ngày nó lên thành phố làm. Nhưng bao lâu vẫn không là cái Hĩn.

Không là cái Hĩn, thì bà có niềm vui khác. Bà mang cái áo vẫn hay mặc của nó ngày xưa ra rang. Bà cứ rang như thế trên chảo nóng. Người ta bảo, khi mong ai, rang như thế, thì người đó nóng lòng, nóng ruột mà về. Bà rang cũng đâu chừng mấy ngàn lẻ lần rồi. Lúc bà rang thật nóng, lúc bà để vừa vừa. Có bận mùa đông, nhớ con quá. Chiều nào bà cũng rang. Rồi ngồi đếm. Lần rang này, cái Hĩn đã đến nước Anh. Lần rang này cái Hĩn đang dừng ở sân bay Pháp. Lần này đến sân bay Thái Lan (là cái Hĩn nói hành trình của nó, bà mới biết). Lần rang này là về Nội Bài. Lần rang này nó về đến phố tỉnh. Lần này là phố huyện. Lần này nữa chắc chắn nó đang bắt xe ôm về nhà. Bởi bà đã nghe thấy tiếng xe máy.

Bà bỏ cái áo vội vàng chạy ra. Bà chạy ra tít đầu ngõ để chờ. Đúng hơn bà chạy ra tận chỗ ngã ba rẽ vào nhà. Bởi bà sợ, từ ngày cái Hĩn đi, bà mở cái cổng khác. Cái cổng này gần nhà hơn. Nó cắt hàng rào nhà bà, ngay con đường xe ôm chạy qua. Bà đứng ở đó, sợ cái Hĩn không biết, lại theo trí nhớ xưa mà tìm cái cổng cũ, không biết lối vào nhà. Bà đợi để chỉ đường cho nó. Nhưng cái xe ôm đó lại không chở cái Hĩn. Xe đó chở thằng Phong nhà chị Cậy, cũng đi học xa về.

Bà thẫn thờ đi vào nhà. Nhặt cái áo lên, bà khóc. Bà ngồi nhớ lại bao điều đã qua về cái Hĩn.

"Hĩn này, con còn nhớ không? Cũng chỗ căn bếp này xưa kia, mùa đông, mẹ con mình lót ổ rơm nằm, để tránh rét. Những năm đó sao mà rét thế con nhỉ. Ngày mùa đông lạnh tê tái. Chân con nứt nẻ vì đi cắt rạ, chăn trâu, nhặt phân rơi. Con trở về bao giờ cũng bằng đôi chân trần nứt nẻ. Mẹ lại thủ sẵn hòn đá kì thật nhám, nhặt ở bờ sông. Cứ tối tối mẹ đun một nồi nước thật to, rồi lôi hai chị em ra kì. Bàn chân con cùng chân em Quang lạnh cóng. Nhưng chỉ ngâm một lúc thôi là da chân mềm đi. Mẹ kì ra không biết bao nhiêu là ghét. Nhưng chân con đã kịp chảy bao nhiêu máu, vì vết nẻ hở toác. Con nhớ không?

Mẹ con ta vẫn ngồi đây, đúng chỗ này, bên cái ổ rơm mẹ lót suốt mùa đông. Ổ rơm, chao ôi là ấm. Cái ấm nồng sực mỗi đêm mùa đông. Mặc gió rít ngoài kia. Mặc gió từng hồi thét gào thê thảm. Ù ù thổi qua mái rạ nhà mình. Con và em Quang vẫn nằm ngủ ngon trong ổ rơm đó. Bên cạnh là bếp than hồng rực. Mẹ đun bếp than hồng rực cả mùa đông. Mẹ con mình ngủ bên bếp lửa trong ổ rơm cả mùa đông, con còn nhớ không?".

Đấy những kí ức cứ miên man trong lòng người mẹ có đứa con xa. Nó làm lòng bà tê dại. Tê dại vì kỉ niệm, vì nỗi đau, cả sự day dứt của nỗi nghèo không nuôi nổi con, để con phiêu bạt. Bà cứ ngồi thế mà tưởng tượng, rồi cầm cái áo của đứa con lên mà hít hà.

"Hĩn ơi, cái ống bơ đốt quả thông con vẫn cầm đi học để chống rét ngày xưa, mẹ vẫn còn giữ đây. Mẹ dùng nó để sưởi lửa bao mùa đông con đi. Cái roi tre mẹ dùng để đánh con cùng em Quang, con nhớ chứ. Vẫn còn đây. Con về lần này, chẳng thiếu gì hết. Mẹ vẫn giữ cho con đây".

Mùa đông, nhưng đêm trăng thượng huyền mờ tỏ, bà ngồi tư lự trong căn nhà trống huếch tưởng như mươi thế kỉ trước nó vẫn thế, mà trông xa xa, nghĩ về đứa con gái duy nhất của mình. Bao câu chuyện bà tự kể một mình, về cô con gái duy nhất ấy.

*

Đời người, bao hỉ nộ ái ố. Những đau thương vụt qua như con tàu vút qua một làng quê, âm thanh của nó cũng dần mờ xa, chỉ hình ảnh đọng lại, mà hình ảnh là cái vô hình. Cuộc đời cũng vô hình như thế. Một lúc nào đó cũng tan loãng vào bóng đêm, vào đất cát. Vô hình như ông ấy, như thằng Quang…

Thế giới bên kia có đoàn tụ không? Nếu có đoàn tụ mà vui vầy thì chẳng ai  sợ xuống đó. Thế giới bên kia chắc có đoàn tụ, nhưng sẽ không vui vầy như ở trên này. Không có tiếng cười giòn tan của con cái. Không có nồi khoai lễ mễ bê lên, vừa ăn vừa hít hà. Không có cái ôm nhau tưởng dài bất tận. Không có cái gọi: "Hĩn ơi, ở nhà nhé, mẹ chạy ra chợ mua cua về nấu cho con ăn. Hĩn ơi, ăn gì, mẹ ra đồng bắt chạch kho cho con nhé!".

Đứa con gái sẽ ôm chặt lấy mẹ mà nũng nịu, mà vòi vĩnh. "Mẹ ơi, con thèm canh chua, mẹ nấu canh chua". Chao ôi, nồi cơm nóng bê lên, bát canh bê lên, bà ngồi nhìn mà không ăn. Nhìn con húp canh, nước mũi, mồ hôi ròng  ròng.

Chao ôi hạnh phúc của tháng ngày cái Hĩn về thăm bà xưa kia! Thế giới bên kia chắc chắn có đoàn tụ, nhưng sẽ không có cái rộn ràng xáo động của thứ hạnh phúc ngập tràn trần thế. Nên bà mong.

Những ngày này bà mong cái Hĩn hơn. Khi mùa đông về, bà nhớ nó nhiều hơn. Khi mùa đông về, cái chân, cái ngực của bà lại nhói đau hơn.

Bà thèm bữa canh cá, bà không ăn mà nhìn con ăn. Bà thèm nắm tay nó mà hỏi dồn: "Bữa nay con ốm sao, ốm sao?"….

Một chiếc xe ôm lại vừa qua ngõ. Nhưng vẫn không là nó. Con chim khách báo tin từ hàng rào ba hôm rồi, nó vẫn không về. Con bướm bay vào nhà đậu trên bát hương đã năm hôm như báo với bà, sắp có tin vui, nó vẫn không về.

Hôm qua, chị bưu điện lại vào, bảo: "Bà điểm chỉ vào đây cho con", vì bà già rồi, không cầm bút kí được nữa. Chị lại dặn: "Quý lắm đấy, bà cẩn thận, không trộm nó vào nó lấy mất. Giữ mà dưỡng già".

Bà định bảo, tôi sắp hết tuổi già rồi làm gì cần dưỡng nữa. Nhưng lại thôi.

Và đêm đó bà mong trộm vào để trả nó cái khăn, để hỏi nó: "Vợ con con dạo này vất vả không?", để bà cho chục trứng và đôi gà, mà không thấy.

Dạo này bà thèm người lắm. Căn nhà của bà cuối xóm trẻ trâu cũng không muốn vào. Mấy ông đi soi ếch chỉ đi qua vườn nhà bà buổi đêm. Còn mấy chị đi làm đồng chỉ vác cuốc đi qua mép ruộng phía dưới. Chỉ ông xe ôm là chở người đi qua cổng nhà bà, sang làng bên. Nhưng bao lần ông ấy vẫn không chở cái Hĩn về cho bà.

*

…Chiều nay, người ta thấy bà đã nằm yên bên ổ rơm, bên cạnh bếp than hồng. Đầu bà kê cao bằng cái áo, cái quần của con Hĩn, còn thơm lắm mùi sả. Bên cạnh là cái ống bơ hun bằng quả thông, con Hĩn vẫn dùng giữ ấm mùa đông xưa kia mỗi lần đi học.

Và năm chiều sau, người ta nghe thấy tiếng xe ôm đỗ ở ngõ nhà bà. Lần này mới là cái Hĩn. Cái Hĩn không nhầm đường. Nó vẫn biết rẽ vào cái cổng bà mới mở, dù bà không đứng ở ngã ba chỉ đường cho nó. Cái Hĩn về, quằn quại bên mộ mẹ, khóc năm chặp, rồi lại đi. Trước khi đi nó vô tình nhặt được lá thư.

Lá thư viết bằng nét chữ nguệch ngoạc run run. Chắc chừng đã bảy năm. Giấy đã ố vàng, để trong cái lọ thủy tinh ở ngay đầu giường bà. "Con lấy tiền ở trên hõm tường trong ống nứa mà tiêu. Mẹ vẫn dành cho con. Con giữ lấy mà phòng thân khi xa xứ. Mẹ không dùng đến đâu. Mẹ chỉ thèm con về với mẹ thôi!". Cái Hĩn lại quay lại, khóc năm chặp nữa, rồi mới lên xe ôm đi tiếp…

Đấy, đời người như âm thanh xa xa rồi mất hút. Mất hút vào cả những nhớ thương, vào những cắc cớ, những giận hờn trông mong. Ai nhìn được thế giới bên kia hình thù ra sao, ai trông được con người sang thế giới bên kia thế nào. Người ta cứ bảo có một thế gới khác, thế giới đấy cũng có sân si hờn giận và nhớ thương, đoàn tụ. Nhưng ai đã sống lại để mà kể cho người ta nghe, nơi đó sum vầy ra sao, ăn cà pháo thấy ngon không, đồng tiền làm ra tiêu thế nào. Ai biết được?

Cũng như ai biết được nỗi nhớ thương của bà ở thế giới này dành cho cô con gái duy nhất? Nếu như cái Hĩn không về. Không về, để bà ôm trong lòng. Không về, để bà nấu canh cua cho nó. Gọi: "Hĩn ơi, Hĩn ơi, cởi áo mẹ giặt cho. Hĩn ơi, ăn gì để mẹ ra chợ mua! Hĩn ơi, thương con và nhớ con…". Thì mãi mãi nó không biết rằng mẹ nó đã yêu thương nó đến nhường nào. Và sự yêu thương đó, chỉ hiện hữu ở thế giới này mà thôi. Từ giờ đến cuối đời, và kiếp sau, nó sẽ không bao giờ còn được đón nhận tình cảm đó nữa rồi. Không rồi.

Đấy, đã bảo thế giới bên kia vô hình mà…

Truyện ngắn của Bảo Thương
.
.