Thay mắt

Thứ Hai, 25/04/2016, 08:00
Tôi nghĩ đôi mắt của mình đã hỏng. Buổi sáng khi thức dậy, chẳng còn gì ngoài một lớp sương mờ đục che phủ tất cả. Thế giới bỗng chốc trở thành một đám bồng bềnh hỗn độn xam xám. Bỗng chốc, cuộc đời chỉ tồn tại qua đủ loại thanh âm. Có loại đẹp, nghe mà nao lòng, có loại vui tai, có loại gây mệt. Như vợ tôi chẳng hạn.

- Dù thế nào thì mắt của anh trông vẫn hoàn toàn bình thường. Không có vẻ gì là một đôi mắt có vấn đề về bệnh lý cả.

Vợ tôi nhận xét khi đưa tôi tới bệnh viện, lần thứ mười mấy gì đó, trước những than phiền về thị lực của tôi. Nàng nói không ngừng, âm thanh không gắt, không chói nhưng châm chích như kim. Tựa như cái thời tivi chưa phát 24/24 như bây giờ, giữa đêm, tiếng tivi nhiễu vô hồn cặm cụi làm xô lệch thế giới của bạn. Nếu chỉ cưới một giọng nói, tôi chắc chắn sẽ ly hôn.

- Em không thể nhận xét khi không nhìn bằng đôi mắt của anh.

Tôi trả lời ngắn gọn, và lặp lại một lần nữa câu trả lời ấy trước nhận định của vị bác sĩ, có lẽ là còn trẻ. Tôi đoán vậy qua giọng nói.

- Anh sẽ được thay đôi mắt khác dựa theo nguyện vọng.

Buổi khám kết thúc với lịch hẹn mổ. Hai tuần sau mổ, tôi có một đôi mắt mới. Một đôi mắt của người khác.

Nhìn đời dưới đôi mắt của người khác đương nhiên cái nhìn sẽ khác. Ngày đầu tiên tháo băng, khi soi gương, tôi hơi ngạc nhiên trước đôi mắt được lắp vào khuôn mặt mình. Trông nó rõ ràng là một bộ phận đi mượn, gắn vụng về lên mặt tôi, dù chẳng thể nhìn thấy vết mổ, hay bất cứ vệt khâu nào, nhưng đôi mắt vẫn vụng tới mức, ai đó nhìn thấy cũng đều nhận ngay ra đó là một đôi mắt đi mượn.

Đành vậy, tôi nghĩ, ít nhất mình cũng có thể nhìn đời rõ ràng. Thế giới xam xám lờ nhờ đến từ đôi mắt cũ khiến tôi thấy lạnh người.

Ngày đầu tiên đi làm, tôi đoán chắc mắt mình lại gặp phải vấn đề. Vận đen dường như chưa chịu buông tha. Thay vì đám xám xịt mờ mịt, đôi mắt mới đem đến một thế giới dị dạng. Khi chào tạm biệt vợ, tôi hoảng hồn khi thấy nguyên một cái loa cũ xỉn, loại thi thoảng vẫn được lên báo trong ảnh chụp về Hà Nội, đặt gọn ghẽ trong miệng vợ mình. Lúc nàng chào tôi, âm thanh chập chờn lúc the thé rồi đột nhiên rè rè qua cái loa đặt trong miệng.

Khiếp thật. Tôi lau mồ hôi rồi ra khỏi nhà.

Khung cảnh dọc đường đi làm thật sự như trong một thước phim lỗi. Vừa tiếp tục chảy mồ hôi, tôi vừa rút điện thoại chụp lại những cảnh tượng kì dị trước mắt. Nếu mắt bị lỗi, ảnh chụp lại trong máy chắc hẳn không lạ lùng, tôi cần có cái gì đó để bác sĩ có thể kiểm tra. Lần này nếu thay mắt, tôi chắc chắn phải kiểm tra đôi mắt được thay trước. Đó phải là một đôi mắt bình thường.

Điều đầu tiên khiến tôi chú ý là đám người rỗi rãi ngồi cà phê sáng dọc vỉa hè, tay hí hoáy điện thoại. Trông như có một loại kính mắt mới được ưa chuộng. Từ đàn ông đến đàn bà, già trẻ trai gái, mặc sang hay hèn, hết thảy đều đeo cặp kính xanh nhạt hình chữ f. Trông có vẻ không đẹp như họ tưởng. Tôi nghĩ rồi giật mình khi cái thứ mình cho là kính ấy không hề có gọng. Chúng có con ngươi và chớp lia lịa như mắt người.

Minh họa: Việt Tân.

Mình chắc chắn đang hôn mê. Ca ghép mắt có thể kéo dài lâu hơn dự kiến. Hoặc đã biến chứng, mình rơi vào hôn mê. Đây là thế giới trong cơn mê. Hoặc mình đã chết vì ý muốn ghép mắt ngớ ngẩn. Thay đổi thực tại đang có là một việc làm liều lĩnh. Và đây là địa ngục. Hoặc cửa địa ngục. Hoặc cái gì đó nữa mà mình chưa thể hiểu được. Nhưng sẽ cứ phải đi tiếp.

Tôi rẽ sang khu phố quen, vào hàng phở sáng vẫn ăn hằng ngày.

Nhân viên quán phở niềm nở dọn bàn mồm liến thoắng:

- Như mọi khi hả anh ơi?

Tôi gật đầu, mắt liếc nhanh nhìn bà chủ quán. Bà ta trạc năm mươi tuổi, người phốp pháp những mỡ là mỡ, không mấy khi nói chuyện, chỉ mở miệng khi quát và chửi, tay nhanh thoăn thoắt. Dưới hơi nóng bốc lên từ nồi nước dùng, khuôn mặt bà ta lúc tỏ lúc mờ, đôi mắt tụt vào trong mấy dải mỡ bám quanh mặt, một cái gì đó hình chữ nhật vắt ngang mặt, che kín miệng. Che thế kia ngại nói cũng phải. Thằng cu nhân viên đón bát phở vừa chan nước dùng lách đi như làm xiếc đến chỗ tôi ngồi. Vào khoảnh khắc nó lách người, hơi nóng nồi nước dùng bạt đi trong một thoáng, cái thứ dán ngang miệng người đàn bà chủ quán bỗng dưng trở nên rõ cái nét lành lạnh xám tanh của tờ tiền mệnh giá lớn. Tờ tiền ăn sâu vào làn da, đôi chỗ đã lở loét, tờ tiền polymer như chảy da, dính nhơn nhớt vào khuôn mặt. Bát phở được đặt cạch xuống mặt bàn. Tôi nhìn xuống, trong bát phở, giữa bánh, hành, thịt bò gầu lẫn mỡ, lổn nhổn nổi lên thứ bột trắng nhờ nhờ.

- Ăn chắc chưa chết ngay.

Tôi kết luận với chính mình, trong khi vẫn đứng dậy thanh toán, bỏ lại bát phở khoái khẩu trên bàn.

Nhìn đời bằng đôi mắt này, chẳng có điều gì là bình thường hết. Một là chấp nhận, đời sẽ vẫn bình thường và chỉ bất thường trong mắt chính mình. Hoặc là chịu đựng việc phẫu thuật và nằm viện một thời gian nữa. Thế giới là hoàn toàn bình thường. Tôi cân nhắc trong lúc di chuyển đến chỗ làm.

Đi qua cổng bảo vệ, ông bảo vệ già ngồi dính sau bàn, ngó ra từ ô cửa gật đầu chào. Trông ông ta có vẻ bình thường. Bà lao công lúi húi pha trà ở sảnh tầng một cũng bình thường. Tôi bước từng bậc cầu thang với vẻ thích thú. Cuộc đời chắc hẳn là trò chơi "Nếu...thì", vế "nếu" do mình chọn lựa, vế "thì" là kết quả của việc chọn lựa được cuộc đời trân trọng gửi tặng lại cho mình.

Nếu mình chọn đôi mắt này thì chấp nhận những điều dị thường mình nhìn thấy.

Nếu thay đôi mắt khác thì chấp nhận rủi ro có thể xảy ra, đôi khi không lường hết được của đôi mắt mới.

Nếu lắp lại đôi mắt cũ thì chung sống với thế giới của âm thanh giữa những bồng bềnh lờ nhờ xám ngoét.

Nếu mình choáng thuốc mê thì ảo giác hẳn sắp hết.

Chơi tốt trò chơi "nếu... thì" này và chấp nhận được kết quả thì chẳng còn phiền não gì trong đời cả.

Tôi hăm hở bước vào phòng làm việc, gã trưởng phòng ngẩng đầu lên. Tôi đoán là gã cười thay cho lời chào. Nhưng tôi chẳng thể nhìn thấy nụ cười nhếch một bên mép, miệng hơi mím lại ấy đâu, chúng bị che khuất bởi chi chít những tờ giấy nho nhỏ dán quanh miệng. Chúng xô lệch, đè lên nhau. Và chắc hẳn dưới sự chuyển động của cơ miệng khi cười, chúng loạt xoạt khá vui tai.

Tôi nhớ đến lần gần nhất gã phát biểu trong cuộc họp. Ra là có dán sẵn quanh miệng. Bảo sao trơn tru đến thế.

Mấy đồng nghiệp cùng phòng khác có lẽ đi ăn sáng chưa về. Ngồi phịch xuống ghế, mở máy tính, kiểm tra vài việc dở dang trước khi nghỉ phép. Trong thư mục lưu trữ các văn bản đang giải quyết, có một tài liệu tiếng Anh chưa được dịch xong. Tôi ngẩn người ra một hồi. Không nhớ tài liệu ấy được lấy từ đâu, không có tên tác giả. Một văn bản có hình dạng lạ, văn bản được đặt tên "công trình mới", lớp dưới của cái tên ấy có dòng chữ "Đừng nói cho ai biết", đã triển khai được gần một trăm trang, nội dung chủ yếu được dịch từ tài liệu tiếng Anh không có tên tác giả kia, ở phần tiêu đề, tên tác giả - hẳn là tác giả chân chính, được đè lên bằng tên tôi. Có căng mắt ra nhìn cũng không đọc nổi tên cái người tôi đã dụng công xóa đè đến mấy lần.

Thế này là thế nào? Tôi ngẩn người. Thay mắt liệu có ảnh hưởng đến trí nhớ không? Tôi đang triển khai một hành động ăn cắp khốn nạn. Khẽ liếc sang gã trưởng phòng, những mẩu giấy quanh miệng hắn vẫn loạt xoạt, con mắt mới tinh tường đến mức đọc được toàn bộ tên những tác giả trên từng mẩu giấy.

Chẳng ai biết cả. Tôi nghĩ. Hoặc ai cũng biết.

Tôi không làm nổi việc gì cả ngày hôm ấy. Không làm việc một ngày cũng không ảnh hưởng gì. Tôi là phó phòng, chẳng phải nhân viên mà bị trách mắng.

Chiều muộn buông xuống, trên đường về nhà, tôi luôn có cảm giác mình đang đi lạc.

Đường về nhà, con đường quen thuộc chạy qua ba dãy phố, bốn ngã tư, và một ngã ba đột ngột có những điểm lạ lùng, không dị thường như ban sáng, mà mang một vẻ đáng ngờ.

Ví dụ như cửa hàng bánh ngọt quen cách cơ quan hai trăm mét đột nhiên trông như một cửa tiệm lạ hoắc dù tất tần tật mọi thứ, từ biển hiệu đến cánh cửa gỗ có tay nắm đã mòn trông không có vẻ gì là đồ mới được thay. Hay có vài cái cây dường như mới mọc lên sau một đêm, sừng sững ở góc ngã tư đầu tiên, bên cạnh cột đèn đỏ trông không mấy quen thuộc.

Cứ cho là tôi thiếu chú ý đến những biến động bên ngoài cuộc sống của mình. Cửa hàng bánh ngọt thực tế có thể đã thay thế vài chi tiết trang trí, cây cối có thể không tồn tại trong nhận thức của tôi dù chúng có thể lù lù tồn tại ngoài cuộc đời.

Thế nhưng, khi trở về được đến nhà, tôi cũng không cách nào lý giải nổi, làm cách nào mà ngôi nhà tôi đang ở cũng trở nên đáng ngờ. Mặc dù trông bề ngoài thì đó vẫn là ngôi nhà tôi đã ở đến chục năm, từ cơ quan về nhà vẫn đi qua ba dãy phố, bốn ngã tư và một ngã ba, lý trí vẫn dẫn đường về nhà trơn tru ngay cả khi tôi đang mải suy nghĩ, nhưng bằng cách nào đó mà tôi hầu như chắc chắn rằng, mình thực sự đang đi lạc.

Có cái gì đó đáng ngờ sau cuộc phẫu thuật thay mắt, có điều gì đó đang dẫn mình đi theo con đường về nhà được làm giả rất khéo, bắt mình ở trong ngôi nhà cũng được làm giả rất khéo. Và một điều đáng căm phẫn là dường như chẳng ai nhận ra điều đó ngoại trừ tôi. Mọi thành viên trong gia đình tôi vẫn sinh hoạt trong ngôi nhà đáng ngờ trong một nhịp sống không thể bình thường hơn.

Hẳn là cuộc đời đang chơi khăm mình, nếu không phải do đôi mắt.

Nhưng, đây hẳn là một hoàn cảnh có rất nhiều "nhưng". Tôi chỉ có một cuộc đời đang sống - cuộc đời với căn nhà và con đường về nhà được làm giả rất khéo. Tôi không có cách nào chứng minh cho chính mình về tính chân thực trong niềm tin của mình cũng như không tìm kiếm đâu ra được một con đường về nhà nào khác, một ngôi nhà đích thực không đáng ngờ nào khác. Tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là sống cuộc đời đang có, hằng ngày đi về trên con đường được làm giả rất khéo và sống trong ngôi nhà đáng ngờ.

Nếu thay lại đôi mắt cũ, mình có được trở về nhà không?

Tôi trăn trở tự hỏi trong khi tiếp tục một nhịp sống bình thường trong căn nhà bình thường dưới con mắt của tất cả mọi người, cùng lúc có một nhịp sống bất thường với những cơn hoảng hốt, hoang mang dưới con mắt của chính mình.

Một trong những bằng cớ hùng hồn nhất được tôi tung ra với chính mình là: tôi thích vẽ. Niềm yêu thích từ nhỏ, khi trưởng thành đã trở thành một đam mê. Trong ngôi nhà đích thực của mình, tôi luôn có phòng vẽ riêng của mình ở tầng hai, nơi chắc chắn phải bừa bộn, uể oải một cách tôn nghiêm. Những bức tranh từng sẽ luôn được treo trong phòng khách. Nhưng hiện giờ, trong căn nhà đáng ngờ, căn phòng ở tầng hai được sử dụng như một kho chứa đồ nhỏ bụi bặm mốc meo được mở ra một năm đôi ba lần. Phòng khách dụng công bày đủ thứ pháp khí phong thuỷ lạnh ngắt. Trên bàn làm việc tại nhà la liệt những cuốn sách tôi không thích, những công việc cắt dán kiến thức gom lại thành của mình được phô bày trắng trợn. Không thể tìm thấy trong nhà bất cứ một vật dụng nào phục vụ cho sở thích vẽ vời, không thể tìm thấy trong ngôi nhà một vật dụng nào có thể định nghĩa cái tôi mà tôi vẫn biết. Chỉ có cuộc đời của một tay phó phòng tham vọng, chuyên ăn cắp và vẫn đang tiếp tục ăn cắp.

Thế giới tôi đang nhìn thấy tồn tại vô số những kẻ dị thường theo cách dị dạng nhất. Buổi sáng gần nhất trong đoạn đời trăn trở của mình, khi soi gương, tôi lặng người nhìn cái kẻ mồm dán la liệt những tờ giấy nhỏ ghi tên tác giả trước mặt, khi nào đám giấy ấy dày hơn, hẳn tôi sẽ lên chức.

Đây có phải nhà của mình không? Đây có phải thế giới mình đang sống không? Hay đây vẫn là ngôi nhà của mình, thế giới của mình, mình không thể nhận ra vì đã thay một đôi mắt khác trong trò chơi "Nếu...thì"?

Nếu đi lạc, làm thế nào để trở về? Có nơi nào để về không? Có không?

Truyện ngắn của An Hạ
.
.