Sương tan

Thứ Hai, 30/01/2017, 08:01
Sớm nay Ngạn phấp phỏng hồi hộp như chờ đợi một điều gì đó rất mơ hồ nhưng chắc chắn là sẽ có ngay sau cái màn sương mờ ảo, kỳ bí. Những mệt mỏi của mấy ngày đêm đi tàu xe bỗng tan biến đi, anh trở nên tỉnh táo và bình thản hơn. Tiếng vó ngựa vẫn khua đều, khua đều như muốn lay động cả màn sương, lay động cả tâm hồn anh. “Sương đang chảy, sương đang tan và sau đó mọi cảnh vật sẽ hiện ra với vẻ đẹp tuyệt vời” – Anh nhủ thầm như vậy và khẽ mỉm cười trong bóng tối...

Rời nhà ga, Ngạn phải dò dẫm mất một lúc lâu mới tìm ra đường đi về phía cổng chợ, nơi có bến xe ngựa. Cả khu vực thị trấn bị cúp điện, nhà ga tối om, thỉnh thoảng mới le lói vài ngọn đèn dầu của các bà bán quà bánh hay nhân viên nhà ga đang làm nhiệm vụ hướng dẫn và đảm bảo chạy tàu. Trời đã gần về sáng, lạnh se se. Ngạn ghé vào một quán trà uống chén nước cho ấm bụng và tỉnh táo rồi lại khoác ba lô lên vai, lật đật bước đi. Một vài bà đi chợ sớm cũng vừa xuống tàu, gồng gánh kĩu kịt, vừa đi vừa trò chuyện râm ran.

Nghe tiếng đòn gánh kẽo kẹt của mấy bà đi chợ, Ngạn chợt mỉm cười nhớ lại thuở nhỏ theo mẹ đi chợ vào dịp giáp Tết. Hồi ấy, từ nhà anh lên chợ còn chưa có xe ngựa, mỗi phiên chợ mẹ anh đều lịch kịch chuẩn bị hàng họ suốt đêm, đến khi lên giường nằm vừa ấm chỗ thì gà gáy đợt đầu, mẹ lại vội vàng trở dậy nấu cơm vùi trong bếp cho chồng con, xong mới gánh hàng đi. 

Từ nhà lên chợ hơn chục cây số đường trường mà mẹ cứ kẽo kẹt gánh như vậy hết phiên này tới phiên khác. Vào những dịp áp Tết hay giáp hạt, chợ họp tháng mười phiên mẹ đi cả mười. Lần nào theo mẹ đi chợ Tết, Ngạn cũng phải vừa đi vừa chạy gằn mới theo kịp, nhưng thường chỉ được vài ba cây số là Ngạn bắt đầu vừa đi vừa ngủ gật. Có lần buồn ngủ quá, anh lao cả xuống ruộng, ướt như cò và bị mẹ chửi cho mãi.

Bây giờ thì cái tiếng kẽo kẹt đều đặn kia cũng đã khiến cho mắt anh như muốn nhíp lại. Anh bắt đầu bước bập bỗng. Nhưng may quá, đã đến cổng chợ rồi, một tiếng ngựa hí vang khiến anh bừng tỉnh. Anh vội vã đi về phía chiếc xe ngựa. Chưa thấy có một người khách nào. 

Ông lão đánh xe đang ngồi hút thuốc lào vặt trong thùng xe. Nhờ chiếc đèn chai treo trên nóc mui xe tỏa sáng nên Ngạn có thể nhìn rõ cái dáng quắc thước của ông lão đánh xe. Ông ngồi ở tư thế nghiêng, khi hút xong một điếu thuốc, ông hơi ngửa mặt lên nhả khói, nên chòm râu của ông cùng với khói thuốc in bóng vào thùng xe trông như một đám mây nhỏ hình thù kỳ dị. Con ngựa thắng phía trước xe thỉnh thoảng lại hí vang một tiếng và khua móng ầm ĩ khiến ông lão bực mình gắt toáng lên:

- Làm gì mà nhắng lên thế, hở con ôn vật? Nay là phiên chợ, mày không nhớ à? Rồi chiều nay còn khối việc, chẳng nhàn rỗi gì đâu mà đú đởn. Hừm. Nhưng có công việc mà làm nó mới đỡ hư thân ra, con ạ.

Như hiểu ý ông, con ngựa thôi hí và bớt giậm chân giậm cẳng. Thấy ông lão hơi lạ, chưa gặp lần nào ở Quán Gấu, Ngạn bước tới bên chiếc xe, lên tiếng:

- Thưa bác, xe bác có về Quán Gấu không ạ?

- Về Quán Gấu đây – Ông lão trả lời – Nhưng chưa có khách đâu. Chú vừa xuống tàu hả?

- Vâng ạ.

- Nếu có nhiều khách về tàu thì mới đủ chuyến, không thì còn phải đợi đến sáng. Chú lên xe mà ngồi, sương nhiều đấy.

Ngạn xin phép ông lão rồi ôm ba lô ra trước ngực, thận trọng bước lên xe, ngồi vào tận trong cùng, sát với chiếc ghế ngang của người đánh xe. Anh đang định tranh thủ ngủ một lúc thì lại nghe có tiếng người lao xao, rồi hai, ba bà dòng dòng tới xin đi xe. Ông lão đánh xe vội nhảy xuống xếp giùm quang gánh cho họ.

Thêm một số khách nữa lục tục bước lên xe, trong đó có mấy bác thợ mộc lỉnh kỉnh nồi niêu, cưa đục, hai anh thanh niên ăn mặc khá bảnh bao và cuối cùng là một bà cụ và một chị phụ nữ bế trên tay một cháu nhỏ. Sau khi mọi người đã yên chỗ, ông lão đánh xe lấy chiếc đèn chai mang treo ra phía trước để chuẩn bị cho xe chạy, trong xe trở lại tối om. Nhìn ra ngoài trời chỉ thấy một màn sương đục và dày đến mức tưởng như không bao giờ tan nổi. Đúng lúc ấy, từ trong khoảng sương mênh mông có tiếng gọi:

- Chờ cháu với! Cho cháu về Quán Gấu vơ… ới!

Con ngựa lại sốt ruột, cất tiếng hí vang. Ông lão đánh xe quay lại, quát:

- Ai đới! Có rảo cẳng lên không nào?

Có tiếng chân chạy bậm bịch, rồi tiếng thở gấp, rồi giọng một cô gái vang lên đứt quãng:

- Trời ơi!... Cháu… cháu muốn đứt hơi đây… Sợ quá! Đường vắng ngơ vắng ngắt… Cho cháu lên với nào! Chị bỏ giùm em cái túi này lên. Cái túi này nữa. Rồi! Còn cái này…

- Ối giời! – Bà cụ đi với chị phụ nữ kêu ầm lên – Cái gì nện vào đầu gối tôi thế?

- Xin lỗi cụ. Cái khung xe đạp… Cho cháu nhờ một chút.

- Nhanh lên nào! – Ông lão đánh xe gắt – mà có hàng lậu hàng liếc gì thì bỏ xuống nhé.

- Không có gì đâu ạ - Cô gái vội thanh minh – Chỉ có cái khung xe đạp người ta gửi. Cháu có đủ giấy tờ đây. Xong rồi… Chạy đi bác!

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Ông lão đánh xe vung roi vút vào mông con ngựa một cái. Nó hí vang như reo vui rồi bắt đầu chạy. Tiếng vó ngựa khua giòn trong đêm vắng. Ông lão đánh xe ngồi uy nghiêm trên ghế của mình, dáng ông nổi bật trên nền sương bạc trông như một võ tướng. Ngạn bỗng cảm thấy mến ông lão lạ lùng. Anh ngồi thu mình vào góc xe để có thể quan sát ông lão đánh xe vừa có thể nhìn ra bên ngoài, nơi có những dải đồi nhấp nhô ẩn hiện trong màn sương như một câu chuyện cổ tích. 

Quê hương anh đây! Nó rất đỗi quen thuộc, vậy mà chưa bao giờ anh hết ngạc nhiên về những vẻ đẹp kỳ diệu, huyền bí của nó. Mỗi hàng cây, mỗi ngọn đồi, mỗi gương mặt của quê hương đều như muốn nói với anh – Hãy cứ quan sát đi, cứ suy nghĩ đi, anh sẽ nhận ra những điều mới mẻ, diệu kỳ ở ngay trong những cái mà anh tưởng rằng đã quá quen thuộc…

Sớm nay Ngạn bỗng tin vào điều ấy và anh phấp phỏng hồi hộp như chờ đợi một điều gì đó rất mơ hồ nhưng chắc chắn là sẽ có ngay sau cái màn sương mờ ảo, kỳ bí kia. Những mệt mỏi của mấy ngày đêm đi tàu xe bỗng tan biến đi, anh trở nên tỉnh táo và bình thản hơn. Tiếng vó ngựa vẫn khua đều, khua đều như muốn lay động cả màn sương, lay động cả tâm hồn anh. “Sương đang chảy, sương đang tan và sau đó mọi cảnh vật sẽ hiện ra với vẻ đẹp tuyệt vời” – Anh nhủ thầm như vậy và khẽ mỉm cười trong bóng tối.

Ra đến đường chính, xe chạy nhanh và êm hơn. Ngạn tựa lưng vào thành xe, lắng nghe tiếng vó ngựa và tiếng bánh xe lăn rào rạo trên con đường rải đá. Gió hơi lộng. Sương ùa cả vào trong xe khiến mọi người xuýt xoa kêu lạnh. Mấy người ngồi phía cuối xe có lẽ không bị gió lùa tới nên chuyện trò rôm rả. Ngạn nhận ra tiếng chị phụ nữ bế con.

- Cô vào thăm ai ở trong đó?

-  Dạ, nhà em – Ngạn nhận ra tiếng cô gái lên sau cùng – Anh ấy bị thương còn đang nằm điều trị ở bệnh viện. Ôi chao, bệnh viện ở Sài Gòn to lắm chị ạ. Em ở đấy nửa tháng trời mà vẫn chưa thuộc hết đường đi lối lại đâu.

- Chú ấy bị thương có nặng không?

Cô gái khẽ buông một tiếng thở dài:

- Nặng lắm chị ạ. Bỏng khắp cả người, lại phải cưa mất một chân.

- Tội chú ấy quá.

- Vậy mà anh ấy có viết thư báo tin gì cho em đâu. Nhờ một anh bạn cùng đơn vị của anh ấy trên Bắc Thái về phép xuống thăm gia đình, em mới biết đấy chứ.

- Đàn ông bây giờ họ gan lắm – Tiếng chị phụ nữ có con nhỏ - Hay là họ không tin ở sự chịu đựng của phụ nữ chúng mình cũng nên? Anh ấy nhà chị cũng vậy, đau ruột thừa phải mổ mà tịnh không có tin tức gì cho vợ con hay. Đến khi mổ xong ra viện được đi an dưỡng một tháng mới viết thư về. Giận thế đấy! Chị với bà cụ cũng vừa lên nhà an dưỡng thăm anh ấy về đây.

Ngạn bỗng chú ý tới câu chuyện của hai người đàn bà và cảm thấy mến phục họ, nhất là cô gái trẻ vừa đi thăm chồng ở miền Nam về. Có lẽ cô đã đi cùng chuyến tàu với anh. Giá như anh gặp và làm quen được với cô trên tàu hẳn anh sẽ có nhiều thời gian để nghe cô kể về người chồng của mình. Biết đâu anh ta lại cùng đơn vị với anh cũng nên. Cả cô gái nữa, nghe giọng nói cũng quen lắm, cùng dân vùng Quán Gấu, đã đành, nhưng trong giọng nói nằng nặng, ấm áp của người trung du, anh còn nhận ra một cái gì đó gần gũi hơn, quen thuộc hơn. Có thể cô là người cùng xã, cùng thôn, hoặc thuở nhỏ đã học một trường với anh cũng nên.

- Các em đã có cháu chưa? – Chị phụ nữ có con nhỏ lại hỏi. Cô gái im lặng một lát rồi đáp nhỏ:

-  Chúng em… chưa cưới!

Bà cụ đi cùng với chị phụ nữ có con từ nãy giờ vẫn im lặng. Ngạn tưởng bà đã ngủ, bỗng lên tiếng:

- Chưa nên nghĩa vợ chồng mà đã biết cư xử với nhau như thế là quý hóa lắm.

- Dạ. Cháu nghĩ dù chưa cưới xin nhưng đã hò hẹn với nhau thì cũng như là nên nghĩa vợ chồng rồi.

- Phải. Thời nay các chị hơn chúng tôi ngày xưa ở cái chỗ đó. Chúng tôi ngày xưa á? Chưa có miếng trầu thì chưa kể là dâu nhà người được.

Chiếc xe bỗng trượt vào một cái ổ gà, con ngựa bực dọc hí vang một tiếng. Cháu bé trên tay chị phụ nữ bỗng giật mình khóc thét.

- Bảy vía con! Mẹ đây. Để mẹ “chừa” con ngựa nhé. Nó làm thằng chó của mẹ giật mình đấy. Âu… Mẹ xin! Mẹ đền! Mẹ cho con tí, rồi con ngủ nhé. À… ơi…

Tiếng ru con của chị phụ nữ bập bềnh trôi theo tiếng vó ngựa, tiếng bánh xe xiết trên đường và như quện vào làn sương đang tan chảy kia, xua tan bớt cái lạnh lẽo của buổi sớm. Ngạn bỗng thấy lòng mình ấm áp như chính lời ru kia an ủi, vỗ về anh. Anh cũng có nỗi niềm riêng, nỗi niềm ấy bỗng đột ngột trỗi dậy khi anh nghe câu chuyện của hai người phụ nữ. Anh không có cái may mắn như người đồng đội của anh đang nằm điều trị ở bệnh viện nào đó trong Sài Gòn kia. “Anh ấy thật hạnh phúc” – Ngạn tự nhủ thầm như vậy và khẽ thở dài khi nghĩ đến số phận của mình. Nhưng, dẫu sao hạnh phúc của anh ấy cũng khiến cho Ngạn hy vọng rằng trên đời này vẫn còn có những người con gái biết yêu và biết thủy chung, chỉ có điều anh chưa gặp hoặc chưa nhận ra họ mà thôi. Ý nghĩ ấy đã an ủi anh, khiến lòng anh yên tĩnh trở lại sau một hồi xao động.

Chú bé trên tay chị phụ nữ đã ngủ nhưng chị vẫn chưa ngừng ru. Tiếng vó ngựa, tiếng bánh xe, tiếng gió rít ngoài xa kia vẫn đều đặn, nhịp nhàng như làm nền cho lời ru của chị.

*

Xe về tới Quán Gấu thì trời đã tảng sáng nhưng sương vẫn còn dày đặc. Tiếng gà rừng, gà nhà lại sốt ruột gáy sôi lên một lần nữa như thúc giục cái làn sương quái ác kia mau tan đi cho ánh mặt trời dọi xuống đất đai, cây cỏ.

Tới bến đỗ, ông lão đánh xe từ từ cho xe tiến sát gốc đa cổ thụ quen thuộc của Quán Gấu rồi nhanh nhẹn nhảy xuống.

- Tới nơi rồi! Mời bà con xuống xe.

Ông nói vậy rồi vươn vai, uốn mình và nhanh như chớp chuyển sang thế võ. Ông đi liền mấy đường quyền đẹp mắt khiến Ngạn cứ ngây ra nhìn, quên cả xuống xe. Đến khi mọi người đã xuống hết anh mới uể oải đứng dậy, khom người chui ra khỏi thùng xe. Anh quyết định chưa vội về nhà, vì còn sớm, mà hãy ở lại, lân la làm quen với ông lão, may ra có thể học hỏi được điều gì đó.

Nhưng chân anh vừa chạm đất thì bỗng nghe một tiếng gọi thảng thốt:

- Anh Ngạn!

Anh quay lại, ngơ ngác nhìn, chưa kịp nhận ra ai vừa gọi tên mình thì một cô gái đã tiến đến trước mặt.

- Anh Ngạn…Anh không nhận ra em à?

- Có phải là…

- Em đây. Thảo đây mà!

- Thảo! Trời ơi! Đúng là Thảo. Nhưng sao Thảo lại là…Có phải Thảo chính là…?

- Đi cùng xe với anh mà không biết. Em thật đoảng quá!

- Có lẽ… tại sương mù…

- Anh về nghỉ phép đấy à?

- Vâng. Tôi về phép.

- Anh cũng vừa đi tàu Thống Nhất ra chiều qua?

- Vâng.

- Chết rồi! Vậy là đi cùng chuyến tàu với em.

- Vâng… Có lẽ đi cùng…

Thảo bỗng bật cười:

- Kìa! Sao anh cứ “vâng” tràn thế?

Ngạn lúng túng, không biết trả lời thế nào. Anh chưa kịp định thần để suy nghĩ cho thật tỉnh táo. Anh không thể ngờ lại có thể gặp Thảo trong một hoàn cảnh như thế này? Vừa mới đây, trên xe cô ấy đã kể về chuyện đi thăm chồng chưa cưới ở bệnh viện, câu chuyện đã khiến anh xúc động biết bao? Nhưng anh không bao giờ có thể ngờ được cô gái ấy lại là Thảo. Giữa Thảo và cô gái ấy có cái gì giống nhau đây? Câu chuyện mà cô ấy vừa kể có thật hay không?

Họ yên lặng đứng bên nhau một lúc lâu, không ai biết nên tiếp tục câu chuyện như thế nào và có nên nói nữa hay không? Sau một hồi yên lặng, cô gái lên tiếng trước:

- Có lẽ… anh Ngạn vẫn còn giận em ghê lắm?

- Tôi quên chuyện cũ rồi.

- Nhanh thế?

- Cũng chẳng còn gì để mà nhớ.

- Còn em… chẳng bao giờ em quên – Cô gái nói vậy rồi bỗng ngồi thụp xuống, nức nở khóc. Ngạn bỗng hoang mang, lúng túng:

- Thảo… Kìa! Sao lại khóc?

- Anh… Anh vẫn thế thôi…

- Thì… tôi… tôi có là gì khác đâu.

- Anh ác lắm!

- Tôi?

- …

- Thế Thảo tưởng ngày đó tôi sung sướng lắm sao?

- Nhưng anh hồ đồ thế? Anh chẳng chịu suy nghĩ trước sau gì cả?

Ngạn lặng ngắt và bỗng cảm thấy nhói ở trong lòng. Phải chăng anh đã quá hồ đồ thật? Sau bốn năm đi chiến đấu, anh trở về với bao nhiêu dự tính cho hạnh phúc, cho tương lai. Nhưng anh về đến đầu làng đã thấy người ta nói ầm lên rằng ở nhà Thảo đã hư hỏng, đã tằng tịu lăng nhăng với đám công nhân lâm nghiệp và vừa đi nạo thai về. Anh giận sôi người và lập tức đến tìm cô. Lúc đó cô vẫn đang nằm dưỡng bệnh, da còn xanh mướt như một tàu lá. 

Cô chưa kịp nói gì thì anh đã trút lên đầu cô tất cả nỗi giận dữ, oán trách và mọi lời xỉ vả đến nỗi cô chỉ còn biết nằm vật xuống giường mà khóc nức nở. Anh trở về, buồn nản, thất vọng và chỉ mới hết nửa thời gian nghỉ phép, anh đã cảm thấy không thể ở nhà thêm được nữa và đột ngột xin phép gia đình trở về đơn vị. Anh cũng ra đi vào một sớm sương dày như thế này. Xe ngựa sắp chuyển bánh thì đột nhiên có một bóng người bươn bả xuyên màn sương chạy tới, gọi thất thanh:

- Anh Ngạn! Ôi, anh Ngạn!...

Anh nhận ra tiếng Thảo, nhưng không thưa. Xe chuyển bánh. Thảo chạy tới bên xe, vừa thở hổn hển, vừa nói như cầu khẩn:

- Anh Ngạn! Xuống đi! Xuống cho em nói vài câu đã.

- Thôi, cô không phải nói gì nữa!

Anh đã trả lời như vậy và kiên quyết không nghe một lời nào nữa. Sau đó, anh không biên thư về. Rồi một cuộc chiến tranh nữa ập đến. Lại chiến hào, mặt trận, khói lửa, chết chóc… Những cái đó đã dần dần vùi lấp tất cả… Cho đến hôm nay. Có phải như vậy là hồ đồ, tàn ác không? Nếu như tất cả những điều anh nghe được về cô ấy chỉ là sự bịa đặt, vu khống thì sao? Chỉ mới nghĩ đến đó anh đã thấy rùng mình, ớn lạnh.

-  Mùa đông năm ấy thật khốn khổ đối với em – Thảo mệt mỏi kể - Em bị một thứ bệnh hết sức gay go đối với phụ nữ, vì thế anh trai em phải đưa em lên Yên Bái chữa bệnh vì ở trên đó có một ông lang rất giỏi. Ấy vậy mà tự dưng họ đặt ra cái điều quái ác ấy. Anh có biết kẻ nào gắp lửa bỏ tay người như vậy không? Bọn thằng Vinh ở xóm Chùa đấy. Mặc dù biết em đã yêu anh, nhưng nó vẫn ve vãn, rồi có lần nó định giở trò mất dạy và đã bị em cho ăn một cái tát. Thế rồi nó trả thù hèn mạt như thế. Tuy vậy em vẫn tin rằng không khi nào anh lại nghĩ về em như thế. Vậy mà anh lại tin! Trời ơi, những ngày sau khi anh đi, em khổ sở biết chừng nào…

- Thảo!

-  Đúng vào những ngày em mệt mỏi, tuyệt vọng như vậy thì anh ấy đến với em. Anh có biết anh ấy là ai không? Anh Thắng, giáo viên ở gần nhà em ấy mà. Anh ấy an ủi, động viên em và trong khi mọi người, kể cả bạn bè của em còn đang bán tín bán nghi về cái chuyện quái ác kia thì anh ấy tin ở em, và anh ấy đã yêu em. Khi anh ấy ngỏ lời, em từ chối, vì em vẫn hy vọng ở anh. 

Có thể anh sẽ nghĩ lại và sẽ xin về, hoặc sẽ viết thư cho em, xin lỗi em, an ủi em, và mọi việc sẽ lại tốt đẹp. Mọi người có thể hiểu lầm em, nhưng chỉ cần anh hiểu em, tin em là em có thể sống được. Nhưng rồi một tháng, hai tháng, ba tháng, rồi năm, sáu tháng trôi qua mà anh vẫn không viết thư về. Thế là mọi hy vọng tắt ngấm. Em tin rằng anh đã quên em rồi, vì thế em đã nhận lời với anh Thắng. Tuy vậy, em vẫn mong anh về để nói lại tất cả. May sao, hôm nay gặp anh ở đây. Sự thể đời em như thế đấy, không biết anh có tin hay không?

Ngạn không trả lời được câu hỏi cuối cùng của Thảo. Không phải anh chưa biết mình có tin hay không tin, mà anh cảm thấy toàn thân mình tê cứng, buốt lạnh. Anh lập cập mở túi lấy thuốc lá ra, bật lửa châm một điếu, hy vọng khói thuốc sẽ làm cho anh ấm lại, bình tĩnh lại và tỉnh táo hơn. Một lát sau anh mới nhận ra đó chính là cảm giác của một người vừa đánh rơi một vật quý xuống dòng sông sâu và trong suốt, vẫn nhìn thấy nó đang trôi, đang lơ lửng trong dòng nước mà không sao lấy lại được.

- Thảo có định trở vào trong đó với Thắng nữa không?

Anh hỏi như để tự giải thoát cho sự bế tắc của mình.

-  Có. Em về xem hai gia đình thế nào. Với lại… phải lấy thêm một ít tiền mang vào để bồi dưỡng thêm cho anh ấy.

- Khi nào gặp Thắng, Thảo cho tôi gửi lời thăm.

- Vâng.

Thảo đáp nhỏ và ngước nhìn Ngạn. Qua gương mặt và ánh mắt của anh, cô biết anh vừa nói những lời chân thành. Một tình thương vô hạn dào lên trong lòng cô, nhưng cô cũng nhận thấy đó là một tình cảm khác, rất khác những tình cảm mà cô đã có trong những năm hai người còn yêu nhau. Cuối cùng, cô ngước nhìn trời và nhắc nhở:

- Ta về chứ anh. Sương tan rồi!

- Ờ, sương tan rồi!

Ngạn nhắc lại như một tiếng vọng. Nhưng khi ngẩng lên, anh cũng thấy rõ ràng sương đã tan. Mặt trời đã nhô lên và vẻ đẹp của thiên nhiên hiện ra rực rỡ trong tầm mắt.

Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy - Xuân 2017
.
.