Sự cám dỗ nguy hiểm

Thứ Năm, 29/08/2019, 09:12
Vào một đêm yên tĩnh mùa xuân năm 1995, một tiếng động lớn vang lên ở vùng núi Mang Đãng Sơn. Người dân ở đây như đã quen thuộc với tình trạng này và biết rằng nhất định có một ngôi mộ cổ đã bị bọn mộ tặc đào bới để lấy cắp cổ vật táng trong mộ.

Nhận được tin báo của quần chúng, sáng hôm sau, cảnh sát và những người của Cục Bảo vệ di sản đến hiện trường và thấy một ngôi mộ trong quần thể lăng mộ của Hán Lương Vương trên núi Phu Tử bị bọn mộ tặc dùng thuốc nổ mở đường vào trong mộ lấy đi hàng trăm hiện vật quý giá.   

Núi Mang Đãng Sơn nằm ở giao lộ của bốn tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tô và An Huy, là một vùng thiên văn địa lý phong thủy tuyệt vời nên từ cổ, nó trở thành địa điểm để táng các ngôi mộ của các vương hầu và các tầng lớp quý tộc, cũng vì thế nơi đây là "thiên đường" làm ăn của bọn mộ tặc.

Quần thể lăng mộ Tây Hán Vương (năm 202- 8 trước Công nguyên) nằm trên núi Mang Đãng Sơn do Hán Lương Hiếu Vương Lưu Vũ xây để an táng mình và vợ (Vương hậu) cùng các vương hầu. Lương Hiếu Vương là cháu của Lưu Bang, con của Hán Văn Đế và là em sinh đôi của vua Cảnh Đế. Cả đời Lương Hiếu Lương tận hưởng vinh hoa phú quý nên trước  khi chết, ông mộng tưởng tiếp tục có cuộc sống tốt đẹp trên Thiên đường nên không tiếc tiền của vàng bạc đồ trang sức để trang trí lăng mộ của mình, vì vậy các vật táng theo ông vô cùng phong phú.

Mỗi một khu mộ trong quần thể lăng mộ chiếm một diện tích rất rộng được đào sâu vào trong núi gồm các hành lang và những đường hầm nối phòng chính, phòng thờ, các phòng phụ và hệ thống thoát nước lại với nhau. Các phòng ốc được trang hoàng lộng lẫy như những cung điện, còn hệ thống hành lang và đường hầm ngang dọc huyền bí như một mê cung, nghe nói có người đi vào đây bị lạc mấy hôm không tìm được lối ra.

Quần thể lăng mộ Hán Lương Vương trong lịch sử đã nhiều lần bị trộm. Theo sử sách, mộ tặc sớm nhất hỏi thăm lăng mộ này chính là Tào Tháo. Thời kỳ đầu Tam quốc, phạm vi thế lực của Tào Tháo chưa được mạnh, mọi thứ còn rất thiếu thốn nên Tào Tháo đã phải đánh cắp những vật báu ở trong các ngôi mộ cổ để lấy kinh phí nuôi quân.

Minh họa: Đỗ Dũng.

Thời xưa, đường vào lăng mộ và những ngôi mộ trong quần thể lăng mộ Hán Lương Vương đều được bịt kín bằng những tảng đá rất lớn, cho nên những tên mộ tặc phổ thông không thể vào và càng khó xác định được khu vực mộ chính. Để lấy được của quý trong lăng mộ, quân lính Tào Tháo dùng búa đục đá để mở đường vào trong mộ và lấy đi không ít vàng bạc châu báu. Tuy nhiên, vì khu mộ rất rộng, có nhiều hành lang và đường hầm nên số lượng báu vật mà Tào Tháo lấy đi cũng không đáng bao nhiêu so với đồ vật được táng ở trong mộ.

Khi đường vào lăng mở được thì đây cũng là cơ hội mở đường cho bọn mộ tặc. Hơn 2 ngàn năm qua, không biết có bao nhiêu lần mộ tặc đã hỏi thăm Lương Hiếu Vương lăng? Việc này chúng ta không có cách nào để chứng minh, nhưng tình trạng này là rất nhiều vì những báu vật trong lăng mộ vẫn là sự hấp dẫn mạo hiểm với những tên mộ tặc?

Tháng 12 năm 1971, một bộ áo khoác bằng ngọc bích dát vàng rất tinh tế đã được phát hiện ở sườn phía bắc của núi Bảo An. 

Năm 1986, một bộ quần áo dệt bằng vàng hoàn chỉnh đã được khai quật từ một ngôi mộ trong quần thể lăng mộ này.      

Trong ngôi mộ ngôi số 1, ngôi số 2 khai quật được hơn 20 tượng bằng gốm, hơn 50 xe ngựa cùng nhiều văn vật quý giá.

Năm 1993, lăng mộ bị mộ tặc đào bới và khi phá vụ án, thu hồi được hơn 400 văn vật cổ vật.

Vụ án đào trộm lăng mộ năm 1995 lần này được Công an thành phố Vĩnh Thành coi là một vụ án rất lớn và nghiêm trọng nên đã lập chuyên án để điều tra phá án.   

Quả nhiên sau một thời gian im hơi lặng tiếng để thăm dò một số văn vật, cổ vật rất quý thời Hán đã xuất hiện ở thị trường chợ đen huyện Vĩnh Thành tỉnh Hà Nam và những tên đầu nậu buôn bán đồ cổ khắp nơi mang những khoản tiền lớn đổ về Vĩnh Thành để chuẩn bị mua những cổ vật quý báu này.

Những trinh sát giỏi của tổ chuyên án đã được cử đi để dò la manh mối. Sau một thời gian vô cùng khó khăn vất vả, cuối cùng trinh sát cũng nắm được rất nhiều thông tin về bọn mộ tặc.          

Để nhanh chóng phá được vụ án, Đội trưởng Đội Hình sự Công an Vĩnh Thành là Vương Học Tập đã vào cuộc, ông hóa trang thành một tay buôn đồ cổ người Quảng Đông. Có thể nói là ông đã vào vai rất đạt vì ông là người gốc Quảng Đông, với kinh nghiệm nghề nghiệp đã phá nhiều vụ án tượng tự nên ông cũng rất am hiểu về đồ cổ. Ông đã nhanh chóng hòa nhập được với bọn buôn bán đồ cổ và thông qua họ giới thiệu, ông đã tiếp xúc được với một tên mộ tặc tên là Phùng Hóa Liên ở thôn Tiền Dao, trấn Mang Sơn. Phùng Hóa Liên là một tên rất xảo quyệt, hắn vẫn nghi ngờ và thử thách ông nhiều lần nhưng với sự khéo léo, Vương Học Tập đã lấy được lòng tin của hắn. Trong lần gặp thứ 3, Phùng Hóa Liên mới đồng ý đưa ông đi xem hàng. Hôm đó, khi đến điểm hẹn, tên mộ tặc bịt mắt Vương Học Tập dẫn ông đến một gia đình nông dân trong thôn xem các văn vật cổ vật. Sau khi xem hàng xong, hắn lại bịt mắt ông đưa trở lại chỗ ban đầu. Sau khi đã được xem hàng, hai bên thương lượng giá cả và tên mộ tặc đồng ý bán với giá 580 ngàn đồng khoảng 300 văn vật, cổ vật mà bọn hắn lấy được từ vụ đào trộm lăng mộ Hán Lương Vương, trong đó có cả ngọc bích, mảnh áo ngọc, ngọc v.v...

Khi giá cả được thỏa thuận, cuối cùng hai bên đồng ý giao hàng, giao tiền vào sáng mùng 7 tháng 9 ở một  nhà hầm trấn Bạch Hồ, thành phố Vĩnh Thành.

Sáng mùng 7 tháng 9, ông Vương Học Tập cùng hai cảnh sát hình sự đóng giả là vệ sĩ và lái xe đi trên chiếc xe Jeep mang biển số Quảng Đông cùng một va ly đựng 580 ngàn đồng đến nơi hẹn. Khi gặp Phùng Hóa Liên, ông đưa va ly đựng tiền cho bọn mộ tặc kiểm đếm, còn mình và lái xe theo bọn chúng đến một thôn cách đấy 2km để kiểm tra và nhận hàng. Để yểm trợ cho Vương Học Tập, Ban Chuyên án đã bố trí 14 cảnh sát hình sự cải trang thành dân thường có mặt ở trấn Bạch Hồ. 

Khi đến nơi nhận hàng, ông thấy có hai tên tay chân của Phùng Hóa Liên người quấn đai thuốc nổ, tay luôn luôn để vào công tắc. Tình thế rất rõ ràng: Nếu cuộc mua bán không thành công sẽ chết cùng nhau.

Chúng dẫn Vương Học Tập vào trong nhà kiểm tra hàng, ông vờ rất hài lòng vì hàng đầy đủ và đã được đóng gói trong những thùng carton. Khi ra ngoài để gọi lái xe đánh xe vào chở hàng, ông nhìn thấy một người trong bọn chúng có đeo súng. Trước khi ra khỏi cổng, bất ngờ ông rút súng ngắn giáng vào đầu tên mang súng và rất nhanh giật khẩu súng của tên này bắn một phát súng cảnh cáo. Các cảnh sát hình sự cải trang nhanh chóng lao vào trong nhà, bắt tại chỗ 5 tên và thu toàn bộ tang vật. 

Trong vụ án này, cảnh sát thu được 309 văn vật, cổ vật đời Hán mà bọn mộ tặc lấy cắp được ở ngôi mộ số 3 ở núi Phu Tử. Câu chuyện bắt bọn mộ tặc này được đóng thành bộ phim truyền hình dài 6 tập mang tên "Bám sát 309".    

Vụ án được phá, văn vật cổ vật bị lấy cắp đã được thu hồi không gây nhiều thiệt hại nhưng những ngôi mộ lớn táng trong núi đá Mang Đãng Sơn từ thời Hán 2 ngàn năm vẫn thăng trầm cùng tuế nguyệt. Mặc dù luật pháp Trung Quốc nghiêm trị, những tên cầm đầu các nhóm mộ tặc khi bị đưa ra xét xử thường là lĩnh mức án cao nhất. Những năm gần đây, khu vực quanh những ngôi mộ cổ vẫn thường phát hiện những hố đào sâu hoắm, những mảnh vỡ của những cổ vật chứng tỏ rằng các báu vật trong các ngôi mộ của các Vương tôn quý tộc thời Hán này vẫn hấp dẫn bọn mộ tặc, mặc dù nó nguy hiểm chết người.

Vương Á Linh(Trung Quốc)- Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.