Sinh

Thứ Năm, 28/03/2019, 09:07
Một lần, khi Thắm đã mang thai ngoài ba tháng, Sinh về muộn. Trên chiếc ghế salon có tay ngai, Thắm ngồi dựa ngả. Bộ đồ lụa ba dây màu mỡ gà mặc ở nhà phô cả cái cổ cao, bờ vai tròn và hai cánh tay trần trắng nuột. Mắt không nhìn Sinh, Thắm nói trống không: "Về muộn rứa? Đói lắm rồi đây!".  

Sinh nghẹn ngào, kéo con trai vội vã lên tàu. Con tàu sầm sập lao đi trong mưa. Nhưng Sinh vẫn thấy nó chạy quá chậm. Bên cạnh chị, bé An ngồi im. Nhìn vẻ mặt căng thẳng của mẹ, An ngồi lặng lẽ. Hôm kia An chứng kiến mẹ khóc như mưa khi nhận được điện của người bạn từ thành phố quê hương gọi vào. Mẹ đã ôm chặt nó, bảo: "Bố con mất rồi...". An ngơ ngác. Mới hơn bốn tuổi, nó chưa thấy mặt bố bao giờ. Và bố cũng chưa một lần gọi điện hỏi thăm nó...

Vẫn là con tàu chở Sinh đi cách đây hơn bốn năm. Vội vã như chạy trốn. Nhưng lần này là hướng ngược lại. Hơn thế, giờ Sinh đã có thêm bé An, chiếc neo vững chắc của đời mình. Đoàn tàu lắc lư, nặng nề trèo lên sườn dốc, những ngọn đồi lúp xúp cây dại cằn cỗi già nua khiến cảnh chiều buồn bã hoang tàn. Đoạn đèo ngoằn ngoèo làm Sinh thấy chóng mặt, cô nhắm mắt và chập chờn trong mớ cảm xúc nặng nề.

Con tàu giận dỗi nghiến những bánh xe ken két trên đường ray. Sinh như cái xác không hồn. Mọi chuyện xảy ra u uất, quăng quật đời người. Vừa nguôi quên chút ít, đã lại đào lên tấy buốt!

Lỗi là ở Sinh tất cả. Giá chị biết trước tình thế thế này, thì thư thả thêm vài năm. Chị đã có trọn vẹn mơ ước của một đời đàn bà. Chị có Lâm, có con, có hạnh phúc yên ấm.

Nhưng ai mà biết trước được số phận trớ trêu? Làm một người đàn bà yêu chồng, có trách nhiệm với gia đình chồng, ai có thể ngồi yên khi gần mười năm sau ngày cưới, vẫn không sinh nở được. Hơn thế, bác sĩ nói, cái bệnh tắc vòi dẫn trứng của chị, nếu được chữa trị, vẫn gần như vô vọng với chuyện có thai. Dù Lâm luôn động viên vợ không phải suy nghĩ nhiều về chuyện con cái, nhưng Sinh biết, trên vai chồng còn có gánh nặng trách nhiệm với gia đình, dòng tộc. Và hơn hết, ở nơi nào đó sâu thẳm trong lòng người đàn ông nào cũng đau đáu khát khao được làm cha. Sinh quyết định, phải có một đứa con mang cốt nhục chồng. Và Thắm đã được lựa chọn...

Nhưng ai biết trời mấy tuổi? Ai biết đời nông sâu? Ai biết tình mấy đoạn? Thắm đã làm đảo lộn tất thảy. Đảo lộn sự cương thường đạo lý ngàn đời. Đảo lộn cả quy luật trên dưới, tôn ti trật tự chủ nhà và người ăn kẻ ở có từ vạn thuở. Biến duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ! Nhưng một tay Thắm lật trở dễ và nhanh như vậy, là do đâu, nhờ đâu? Chẳng phải tất cả đều là Lâm, chồng chị? 

Hay do số phận đa đoan của cuộc đời này đơm đặt? Chị không biết! Chị như hạt lúa trên chiếc sàng số phận quăng quật. Bị bắn tung ra, bị loại bỏ. Nhưng ơn trời, từ chỗ tận cùng tuyệt vọng, chị may mắn có được như bây giờ. Hạt thóc bị chối bỏ, thải loại, đã bất ngờ nẩy mầm. Chắc trời thương tình. Trong khi chồng chị ở chiều ngược lại, hồ hởi với hạnh phúc mới bao nhiêu, giờ ra đi trong lạnh lẽo cô đơn. Thậm chí, khi nhắm mắt xuôi tay trong tủi cực, chưa từng thấy mặt đứa con trai cốt nhục...

Hồi ấy, Lâm và Sinh vui vẻ biết bao. Cả hai đều là cán bộ kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài. Cuộc sống vật chất dư dả. Chỉ ước muốn có một đứa con. Sinh yêu chồng, và càng yêu, khát khao có con càng cháy bỏng. Ngày xưa, khi yêu Lâm, Sinh chưa từng nghĩ rốt cuộc ngày mai sẽ thế nào, nhân duyên ngắn dài ra sao.

Minh họa: Đào Quốc Huy

Ngày ấy, nếu có ai hỏi Sinh thích gì nhất thì chắc chắn rằng câu trả lời sẽ luôn là Lâm. Lâm là giấc mộng rực rỡ nhất trong thanh xuân của Sinh. Nhưng đâu phải chỉ mình Sinh hướng về Lâm. Có cả chục cặp mắt kín đáo đổ về hướng ấy. Trái tim thiếu nữ của Sinh lúc ấy cũng đau đớn, nhưng bướng bỉnh không bỏ cuộc. Một ngày hè năm ấy, nước mắt Sinh tuôn trào, khi cả hai đến cùng một lúc: tấm bằng tốt nghiệp và lời tỏ tình của Lâm...

Rồi trong không gian sống yên ấm của hai vợ chồng Sinh xuất hiện thêm Thắm. Đó là vị cứu tinh cho hạnh phúc của Sinh. Sinh phải lặn lội mấy tháng trời mới tìm được người như ý. Thắm ngoài ba mươi, khỏe mạnh, xinh giòn và đảm việc. Nhận lời mang thai hộ cho Sinh, đồng nghĩa với việc số nợ người chồng đi Tây phụ tình để lại cho Thắm được vợ chồng Sinh trả giúp.

Thắm như người chết đuối vớ được cọc. Ơn này với Thắm, to như trái núi. Làm lụng ở quê, cả một đời Thắm vẫn không thể trả hết số nợ cô đứng tên cho chồng vay ngân hàng trước khi đi. "Em đội ơn anh chị! Em xin lấy sức trâu ngựa, báo đáp cái ân nghĩa này của anh chị!". Ngày hai bên làm văn bản thỏa thuận, Thắm đã rập đầu lia lịa trước mặt Sinh mà nói thế.

 Khỏi phải nói Sinh sung sướng như thế nào. Cứ thủ thỉ với chồng, là nhờ trời thương mới may mắn gặp được người như thế. Sinh ngất ngây, hình dung năm sau đã được ẵm đứa con của mình. Rồi ngôi nhà oe oe tiếng trẻ con. Rồi vài năm sau, hai vợ chồng nắm hai bên tay con trai, tung tăng dọc bờ sông công viên. Rồi chị bấn bíu thật mãn nguyện đưa con đến lớp mỗi ngày. Sinh quyết làm tất cả. Bất chấp tất cả. Cốt để Thắm được mẹ tròn con vuông. Việc đầu tiên, là đưa Thắm lên thành phố, ở hẳn nhà mình. Vừa gần bệnh viện, tiện theo dõi, vừa có điều kiện tẩm bổ thai nhi. Thắm sẽ phụ thêm với chị, lo cơm nước cho cả nhà.

Thắm cao ráo, thắt đáy lưng ong, đã có một đứa con gái ba tuổi, ở với bà ngoại, đàn ông nhìn vào không ai giấu được vẻ thèm thuồng. Kiểu đàn bà ngực nở mông nở thường dễ dàng trong chuyện sinh con, Sinh gặp một lần là ưng ngay. Bởi theo Sinh, người như thế việc cấy ghép sẽ sớm thành công. Nhưng hóa ra, phải đến lần thứ tư mới được. Dẫu sao, cuối cùng thì mọi người đều vui. Sinh giành hết mọi việc lớn bé trong nhà để Thắm nghỉ ngơi dưỡng thai.

Khác với những ngày đầu không mặn mà khi có Thắm, sau Lâm mừng ra mặt. Anh nhiệt tình đưa đón Thắm đi khám thai định kì, nhắc Sinh mua những thức ăn bổ dưỡng, mua loại sữa bà bầu cho Thắm uống.

Thắm đã lột xác. Trắng trẻo. Đẫy đà căng nhức. Chẳng còn chút dấu vết nông quê đen đúa vụng về xưa nữa. Gần năm trời tẩm bổ, lại mưa không đến mặt nắng không tới chân, đã cho Thắm tươi nõn lạ thường. Nhìn Thắm, Sinh thấy mát lòng mát dạ. Lại hình dung thằng bé khôi ngô tuấn tú đang chờ ngày ra đời, chị lại lao vào công việc phục vụ Thắm không mệt mỏi.

Một lần, khi Thắm đã mang thai ngoài ba tháng, Sinh về muộn. Trên chiếc ghế salon có tay ngai, Thắm ngồi dựa ngả. Bộ đồ lụa ba dây màu mỡ gà mặc ở nhà phô cả cái cổ cao, bờ vai tròn và hai cánh tay trần trắng nuột. Mắt không nhìn Sinh, Thắm nói trống không: "Về muộn rứa? Đói lắm rồi đây!".            

 Sinh giật mình! Chợt thấy đắng ngắt cổ họng. Không biết mình là bà chủ, hay Thắm bà chủ? Mình đã thành Osin cho Thắm từ bao giờ? Bất giác, Sinh buột miệng: "Em ăn nói với chị vậy á? Quên mình là ai rồi sao?".  Thắm im lặng. Cơn bức xúc nhất thời của Sinh cũng qua đi.

Thi thoảng nhìn Thắm mang bầu tự tin đi lại, Sinh trông xuống cái bụng lép kẹp của mình, thoáng chút chạnh lòng. Nhưng rồi ý nghĩ đó là đứa con của vợ chồng mình, mọi chuyện lại thoảng qua. Sinh chăm sóc Thắm như người ruột thịt. Không biết có phải vì thế mà khoảng cách giữa chủ khách bị xóa đi? Một chút gờn gợn thoảng qua, nhưng Sinh đang thực hiện chính ý nguyện của chính mình, rằng Thắm đang cần một khoản tiền trả nợ, và chỉ là công cụ tạm thời nuôi dưỡng dòng máu của hai vợ chồng.

Lần sau, trớ trêu hơn khi Sinh bất ngờ về sớm. Cũng trên chiếc ghế salon có tay ngai, Thắm đang nằm ngửa lim dim mắt. Bên cạnh, Lâm dẻo tay quấy ly sữa, bưng đến cho Thắm uống. Áo hai dây hờ hững, Thắm thả rông đôi vú trên vầng ngực căng mẩy. Sinh phải giả vờ đánh rơi chiếc túi xách, để có thời gian cho hai người kịp trở lại tư thế bình thường...

Một ý nghĩ vụt qua, Sinh thấy nhoi nhói với hàng trăm thứ cảm xúc hỗn độn, bất lực, hoài nghi và lo âu…

Lâm có lẽ cũng đã nhận ra được vấn đề. Anh càng yêu thương Sinh gấp bội. Đêm, khi hai người bên nhau, anh thủ thỉ: "Em vất vả quá! Nhưng gắng lên, chỉ mấy tháng nữa thôi!". Sinh thấy lòng nhẹ lại. Hai người ngất ngây trong một cái hôn nồng nàn lâu rồi mới tìm lại được. Và cũng lâu rồi, hai vợ chồng mới có một cuộc ân ái nghiêng trời lệch đất. Cuộc giao hoan ấy đủ cho Sinh biết rằng, không ai có thể cướp Lâm trong tay chị.

Nhưng Sinh lần nữa bị dội gáo nước lạnh. Hôm đó, Lâm đi công tác mấy ngày. Nhà chỉ còn hai người đàn bà. Thắm vẫn ngồi trên chiếc ghế ưa thích, khoan thai và đài các của vị chủ nhà.  Đôi vú vẫn thả rông, áo hai dây trễ nải để lộ gần nửa bầu ngực căng tròn. Sinh nhớ chuyện hôm trước, nhẹ nhàng nhắc nhở: “Thắm này, chỉ có chị em phụ nữ với nhau không sao, nhưng có anh Lâm ở nhà, em để ý ăn mặc kẻo khó coi!”. Sinh vừa dứt lời, Thắm vươn vai: “Ôi giời, vớ vẩn! Lạ gì nhau nữa đâu mà ý với tứ!”. Sinh giật mình: "Em dám nói thế à?". "Hơ hơ hơ! Chị có vẻ tự tin gớm!”. Thắm cười giòn vang.

Tự nhiên Thắm buột miệng: "Mấy lần cấy ghép thai vẫn không đậu. Vì sao chắc chị cũng biết!". "Vì sao?". "Vì anh Lâm đó...!". "Cô nói gì?" - Sinh hỏi, lạc cả giọng. Thắm khẽ nhếch mép: "Cứ dăm ba hôm, giữa buổi là anh Lâm mò về nhà, ngấu nghiến như hổ đói... Hỏi làm sao...”.

Sinh đưa tay chẹn ngực, rũ xuống. Lời của Thắm như nhát dao chí mạng. Lát sau, Sinh gượng dậy. "Vậy... cái thai trong bụng cô...”. "Là trực tiếp! Là chồng chị hú hí vụng trộm với tôi...". Thắm nói điều đó với bộ mặt kiêu hãnh, bộ mặt của kẻ thắng thế. Thậm chí khiêu khích, chọc tức chị.

Và Sinh cố giữ bình tĩnh đợi chồng trở về. Một câu hỏi thẳng thắn. Rằng lời của Thắm là thật hay cô ta bịa ra. Có lẽ Lâm đã được báo trước. Cũng có thể anh đã chờ câu hỏi này từ lâu. Lâm lặng im một lúc, như pho tượng rồi quay về phía vợ: "Thật thì sao? Mà dối thì sao?". Rồi đứng lên, lầm lũi bước đi.

Sinh ngồi chết lặng. Đờ đẫn. Thế này là thế nào? Một vệt máu rỉ ra bên khóe môi cắn chặt. Sinh cười khinh bỉ với chính mình, rốt cuộc, Sinh có tồn tại trong trái tim của Lâm không? Những tháng năm thanh xuân tươi đẹp của Sinh? Nghĩa tình mười năm chồng vợ? Tất cả không là gì sau một phút cám dỗ?

Mà không, Sinh đang nhầm lẫn chăng? Đấy đâu phải cám dỗ, đâu phải lạc đường. Sinh cứ tưởng Lâm và Sinh sâu đậm đấy, tưởng là pha lê đấy, hóa ra chỉ là bong bóng xà phòng, chạm nhẹ vào là vỡ.

Hôm sau, khi đã qua cơn choáng váng, Sinh đặt trước mặt Lâm tờ đơn ly hôn. Lâm cúi mặt, đẩy về phía Sinh chiếc hộp gỗ màu nâu gụ: “Anh xin lỗi...!”. Sinh biết, trong đó là số nhẫn và sổ tiết kiệm của hai vợ chồng lâu nay. Không thèm nhìn, Sinh đẩy chiếc hộp trở lại phía Lâm: “Anh giữ lấy, mà lo cho con!”.

Và Sinh xách va ly ra đi. Con tàu ngập ngừng rời bến như muốn hỏi lại đã dứt khoát chưa? Hẳn nhiên là dứt khoát rồi. Sinh có vai trò gì nữa trong ngôi nhà ấy? Con ư? Không có. Chồng ư? Bị người ta chiếm rồi. Tài sản ư? Mất Lâm, chị còn thiết gì nữa? Còn lý do gì nữa, để bấu víu? Hay Sinh của hôm nay hèn nhát, không đủ dũng khí giành giữ hạnh phúc của mình? Nỗi đau của bội bạc. Chấp nhận thua thiệt, Sinh cay đắng ra đi. Coi như mình ra khỏi cái không gian ấy. Càng nhanh càng tốt. Không một lời nhắn nhủ. Không ầm ĩ ghen tuông. Không hoài tiếc quá khứ.

Con tàu đưa Sinh đi ngay trong đêm. Như chạy trốn...

Đó là một hành trình khủng khiếp. Khác với những lần đi cùng Lâm, con tàu lắc lư chỉ càng ru Sinh dễ dàng say ngủ. Lần này nó như những cơn rung chấn khiến Sinh quay cuồng nôn thốc nôn tháo mật xanh mật vàng. Mệt mỏi, đau đớn, Sinh lịm đi.

Trong mê man, Sinh cảm nhận có người đang xoa bóp vào thái dương và tay chân mình. Tiếng người phụ nữ đồng hành như vọng từ cõi xa xôi: “Mạch yếu. Đang mang thai, sao đi một mình, rủi có chuyện gì thì khổ?”. Sinh choàng tỉnh, cố nhỏm dậy: “Chị nói gì ạ?”. “Là em đó, vừa nãy ngất, chị phải gọi nhân viên y tế trên tàu...". Sinh không biết mình nghe nhầm hay trong cơn chiêm bao? Tiếng người phụ nữ vẫn đều đều: "Phụ nữ mang thai, không chủ quan được đâu! Nhưng giờ ổn rồi. Cứ nằm nghỉ đi...".

Điều ấy là thật ư? Trớ trêu thay! Ông trời ơi! Sao ông nỡ đối xử với con như vậy. Sinh ôm mặt khóc. Nghẹn ngào. Sung sướng. Hối tiếc. Lo lắng. Không ngờ, cái xác suất ít ỏi mà bác sĩ từng nói, đã dành cho Sinh. Là trời Phật dành cho Sinh. Có thể chị thụ thai vào cái đêm nồng nàn ấy… 

 *

Hai mẹ con dắt díu nhau xuống tàu. Cơn mưa kéo dài hai hôm nay đã tạnh. Thành phố sau chừng ấy năm Sinh ra đi, có biết bao là thay đổi. Nhưng con đường về ngôi nhà xưa vẫn như nâng bước chân líu ríu của hai mẹ con. Chị muốn con trai kịp nhìn thấy mặt bố, trước khi vĩnh viễn tiễn biệt.

Nhưng đã muộn, Lâm đã được chôn cất. Chỉ còn lại bức ảnh trên chiếc tủ chè với bát hương ri rỉ cháy vài cây nhang. Nghe động, Thắm từ buồng trong bước ra, cùng một thằng bé mập ú, trạc tuổi với cu An. Người đàn bà đẫy đà béo tốt, yểu điệu những bước chân thỏa mãn. Cô nàng vừa đi vừa chỉnh lại bộ đồ lụa mặc ở nhà màu ngà sang trọng, để lộ cả bờ vai và hai cánh tay trần...

Có thể trong đầu cô nàng đang nghĩ đến một vị khách sộp nào đó đến thắp hương viếng Lâm. Thắm chuẩn bị sẵn ánh mắt và nụ cười góa phụ, nửa đau buồn, nửa an phận.

Nhưng Thắm giật thót mình. Trước mặt cô, không phải là vị khách sộp như tưởng tượng, mà là người đàn bà quá quen biết và đầy duyên nợ cuộc đời. Thắm lập tức xù lông nhím: "Chị còn chi đây nữa, mà lặn lội tìm ra?". Sinh hơi ngạc nhiên, và một chút bối rối: "Tôi đưa cháu An ra viếng bố nó. Không ngờ, người ta đã an táng sớm...", vừa nói, Sinh vừa bước đến bên bàn thờ Lâm, đốt mấy cây hương, và vẫy An lại gần. Hai mẹ con sụp lạy. Cu An cố mở to mắt, nhìn như khắc sâu hình ảnh người cha chưa thấy mặt...

 Hình như vẫn chưa yên tâm, lát sau Thắm nói tiếp, giọng chắc nịch: "Ngày chị bỏ đi, anh Lâm và em đã làm đăng ký kết hôn. Giờ, người thừa kế hợp pháp là em và cháu Minh đây!". Sinh nghe, lòng thắt lại, trả lời Thắm nhưng mắt nhìn lên di ảnh của Lâm, bảo: “Hai mẹ con về viếng bố cháu thôi, không có ý tranh chấp gì đâu, đừng lo!”.

Trong làn khói hương mỏng tang nhè nhẹ vấn vít. Sinh sửa lại vành khăn trên đầu mình, rồi cho cu An. Sinh khấn lí nhí, xin được mang di ảnh của Lâm về, thầm cầu mong hương hồn của người xấu số sẽ được ấm áp hơn khi được thờ phụng ở một nơi trang nghiêm, trong ngôi nhà của chính mẹ con Sinh. Tất nhiên, Thắm đồng ý. Cất được gánh nặng về sự tranh chấp chia chác, Thắm trở nên xởi lởi, trở lại dáng vẻ điệu đàng vốn có, ỏn ẻn mời Sinh ngồi uống nước.

Hai người đàn bà đã thay đổi vị thế, ngồi nhìn sang nhau sượng sùng qua bàn trà. Thắm tìm được lối thoát, thẽ thọt nói: "Em có nghe nói, chị đã sinh được con với anh Lâm. Cu An trông thông minh lanh lợi lắm. Chỉ tội là... anh Lâm đi mà không biết mình có con với chị, không kịp gặp con...". "Anh Lâm... không biết mình có cu An sao?". Sinh hơi chột dạ. "Không hề!”. Rồi như tỏ ra hối lỗi, Thắm tiếp: “Anh ấy đi nhanh quá, đúng hôm em biết chị có con. Tai nạn giao thông thảm khốc, anh ấy bất tỉnh luôn không kịp nói gì…”.

*

Trẻ con chóng làm thân, cu Minh đến nắm tay cu An, cả hai kéo nhau ra sân chơi. Hai đứa trẻ hình như không biết đến sự ngượng ngùng của người lớn, khuôn mặt chúng giống nhau và mang một vẻ hơi buồn của người đã mất, dù sao chúng cũng là anh em...

Và Sinh lại ra tàu, nhưng lần trở ra này với cu An, là một chuyến tàu khác…
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na
.
.