Sao không gọi cảnh sát

Thứ Năm, 13/02/2020, 08:33
Trong hơn nửa giờ đồng hồ, 38 công dân đáng kính rất tuân thủ luật pháp ở Queens đã thấy một kẻ giết người đâm chết một phụ nữ trong ba vụ tấn công khác nhau ở Kew Gardens. Thật kỳ lạ, không một nhân chứng nào chứng kiến tội ác giết người man rợ trên đã liên lạc để báo cảnh sát. 

Hai lần ồn ào của các nhân chứng và ánh sáng sáng lên đột ngột trong phòng ngủ của các căn hộ xung quanh hiện trường đã làm gián đoạn công việc của hắn ta và làm hắn sợ hãi bỏ dở công việc giết người. Mỗi lần hắn ta quay lại, tìm kiếm nạn nhân là người phụ nữ ấy và đâm cô ta thêm lần nữa. Không một ai gọi điện cho cảnh sát trong vụ tấn công, chỉ có một nhân chứng gọi cảnh sát sau khi người phụ nữ đã chết rồi.

Chuyện đó xảy ra cách đây hai tuần.

Trợ lý Chánh Thanh tra Frederick M. Lussen, phụ trách các thám tử của thành phố và là một người kỳ cựu đã 25 năm điều tra các vụ giết người vẫn còn thấy sốc. Anh ta có thể nhớ rành mạch về nhiều vụ án mạng. Nhưng vụ ỏ Kew Gardens làm anh bị day dứt, không phải vì đó là một vụ giết người, mà vì “những người tốt” đã không gọi cảnh sát để cứu cô gái khỏi thảm án.

“Như chúng tôi đã dựng lại hiện trường gây tội ác - Anh ta nói - Kẻ tấn công có ba lần thực hiện giết người phụ nữ này trong khoảng thời gian 35 phút. Anh ta quay lại hai lần để hoàn thành công việc. Nếu chúng tôi được gọi tới khi anh ta tấn công lần đầu, người phụ nữ này có thể đã không phải chết”.

Minh họa: Đỗ Dũng.

Đây là những gì cảnh sát kể lại đã xảy ra lúc 3 giờ 20 phút sáng, trong khu vực phố Austin:

Cô Catherine Genovese 28 tuổi, người được hầu hết mọi người trong khu phố gọi là Kitty, trở về nhà sau khi làm việc quản lý quán bar ở Hollis. Cô đậu chiếc xe Fiat màu đỏ của mình ở lô cạnh ga xe lửa Kew Gardens Long Island, đối mặt với tòa nhà Mowbray Place. Giống như nhiều cư dân trong khu phố, cô đã đậu xe ở đó hàng ngày kể từ khi cô từ Connecticut đến khoảng một năm trước, mặc dù trên thực tế ngành đường sắt thấy khó chịu.

Cô tắt đèn xe, khóa cửa và bắt đầu đi bộ trên đoạn đường hơn 30 mét đến lối vào căn hộ của mình tại 82-70 phố Austin, trong một tòa nhà Tudor, có các cửa hàng ở tầng 1 và những căn hộ ở tầng 2.

Lối vào căn hộ nằm ở phía sau tòa nhà, vì phía trước đã cho các cửa hàng bán lẻ thuê. Vào ban đêm, khu nhà yên tĩnh bị che khuất trong bóng tối u ám, biểu hiện thường thấy của hầu hết các khu dân cư.

Cô Genovese thấy một người đàn ông ở cuối lô, gần một căn hộ chung cư 7 tầng ở số 82-40 phố Austin. Cô dừng lại. Sau đó, thấy bồn chồn lo lắng, cô đi ra phố Austin về phía Đại lộ Lefferts, nơi có một trạm điện thoại đến Phân khu Cảnh sát 102 ở đồi Richmond gần đó.

Cô đã đi qua được một ngọn đèn đường trước một hiệu sách thì người đàn ông ấy đuổi kịp và túm lấy cô. Cô hét lên. Trong những căn hộ chung cư 10 tầng ở số 82-67 phố Austin Street, đối diện với hiệu sách bật đèn sáng lên. Cửa sổ mở ra và những tiếng người nói chấm dứt sự tĩnh lặng vào sáng sớm.

Cô Genovese hét lên: “Ôi, Chúa ơi, Nó đã đâm tôi! Cứu tôi với! Cứu tôi với!”.

Từ một trong những cửa sổ phía trên trong căn hộ, một người đàn ông quát: “Hãy để cô gái đó yên!”.

Kẻ tấn công ngước nhìn ông ta, nhún vai và bỏ đi xuống phố Austin về phía chiếc xe mui kín màu trắng đậu cách đó không xa. Cô Genovese lảo đảo đứng dậy.

Đèn tắt. Kẻ giết người đã quay trở lại chỗ cô Genovese, bây giờ đang cố gắng đi vòng quanh bên cạnh tòa nhà, qua bãi đậu xe để đến căn hộ của cô. Kẻ tấn công lại đâm cô thêm lần nữa.

 “Tôi sắp chết rồi!- Cô thét lên. - Tôi sắp chết rôi!”.

Các cửa sổ lại mở và đèn bật sáng trong nhiều căn hộ. Kẻ tấn công đã vào xe của anh ta và lái đi. Cô Genovese loạng choạng bước đi. Một chiếc xe buýt thành phố, 0-10, tuyến Lefferts Boulevard đến Sân bay Quốc tế Kennedy đã đi qua. Lúc đó là  3 giờ 35 phút sáng.

Kẻ tấn công quay trở lại. Đến lúc đó, cô Genovese đã bò ra phía sau tòa nhà, nơi những cánh cửa màu nâu mới sơn vào căn hộ chung cư mang đến hy vọng cho sự an toàn. Kẻ giết người đã thử mở cánh cửa đầu tiên; cô ấy không ở đó. Ở cánh cửa thứ hai, số 82-62 phố Austin, hắn thấy cô nằm gục trên sàn dưới chân cầu thang. Hắn đâm cô lần thứ ba với nhát đâm chí mạng. Vào lúc 3 giờ 50 sáng, Đồn Cảnh sát nhận được cuộc gọi đầu tiên từ một người đàn ông là hàng xóm của cô Genovese. Chỉ sau 2 phút họ đã có mặt tại hiện trường. Người hàng xóm, một phụ nữ 70 tuổi và một phụ nữ khác là những người duy nhất trên phố. Không có một ai khác bước đến.

Người đàn ông giải thích rằng anh ta đã gọi cảnh sát sau nhiều lần cân nhắc. Anh ta đã gọi điện cho một người bạn ở Hạt Nassau để xin lời khuyên và sau đó anh ta đã vượt qua nóc tòa nhà đến căn hộ của một bà già để nhờ bà gọi điện.

“Tôi không muốn dính vào vụ việc này”. Anh ngượng ngùng nói với cảnh sát.

 *

Sáu ngày sau, cảnh sát đã bắt giữ Winston Moseley, một nhân viên vận hành máy kinh doanh, anh ta 29 tuổi là kẻ đã giết Kitty. Moseley không có tiền án, tiền sự. Hắn ta đã kết hôn, đã có hai con và sở hữu một ngôi nhà tại 133-19 Sutter Avenue, South Ozone Park, Queens. Vào thứ Tư, một quan tòa đã đưa hắn đến Bệnh viện Kings County để theo dõi tâm thần.

Khi bị cảnh sát thẩm vấn, Moseley khai rằng anh ta đã từng giết cô Annie May Johnson, 24 tuổi, ở 146-12 133d  phố Avenue, giết Jamaica, vào ngày 29 tháng 2 và giết Barbara Kralik, 15 tuổi, ở 174-17 140th phố Avenue, Springfield Gardens, vào cuối tháng 7 vừa rồi.

Hôm nay, các nhân chứng từ khu lân cận, bao gồm những ngôi nhà của một gia đình trong phạm vi ngoại trừ hai căn hộ chung cư gần ga xe lửa, rất khó để giải thích tại sao họ không gọi cảnh sát.

Một bà nội trợ biết khá tình cờ, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là cuộc cãi vã của các đôi yêu nhau”. Người chồng và vợ, cả hai đều nói: “Thành thật mà nói, chúng tôi sợ”. Họ dường như nhận thức được thực tế rằng các sự kiện có thể đã khác. Một người phụ nữ lau tay trên tạp dề, nói: “Tôi không muốn chồng tôi tham gia”.

Một cặp vợ chồng, bây giờ sẵn sàng nói về đêm đó, cho biết họ nghe thấy những tiếng hét đầu tiên. Người chồng trầm ngâm nhìn vào hiệu sách nơi kẻ giết người đầu tiên tóm lấy cô Genovese.

“Chúng tôi đã ra cửa sổ để xem những gì đang xảy ra - Ông nói - Nhưng ánh sáng từ phòng ngủ của chúng tôi khiến việc nhìn ra đường phố trở nên khó khăn”. Người vợ, vẫn còn e ngại, nói thêm: “Tôi tắt đèn và chúng tôi đã có thể nhìn rõ hơn”.

Khi được hỏi tại sao họ không gọi cảnh sát, cô nhún vai và trả lời: “Tôi không biết”.

Một người đàn ông lén nhìn ra từ một khe hở nhỏ ở lối vào căn hộ của anh ta và thấy lần tấn công thứ hai của kẻ giết người. Tại sao anh ta không gọi cảnh sát vào thời điểm đó? “Tôi mệt mỏi quá!- Anh nói một cách vô cảm - Tôi trở lại giường”.

Đó là 4 giờ 25 phút sáng, khi xe cứu thương đến để đưa thi thể của cô Genovese đi.

Các sự kiện được báo cáo ở trên là có thật và diễn ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1964.

Vụ giết hại dã man Kitty Genovese và sự dửng dưng không hành động đáng lo ngại của những người hàng xóm của cô đã trở thành biểu tượng trong những gì nhiều người cho là văn hóa bạo lực và lãnh đạm ở trên đất nước mang biểu tượng nữ thần tự do là Mỹ. Trên thực tế, các nhà khoa học xã hội vẫn tranh luận về nguyên nhân của cái mà ngày nay được gọi là Hội chứng Genovese, một thứ hội chứng lạnh lùng và vô cảm trước nỗi đau của đồng loại.

Martin Gansberg (Anh)- Phạm Thanh Cải (dịch)
.
.