Rung chà cá nhảy

Thứ Sáu, 06/01/2017, 09:17
Vào ngày cưới của Sài Vân Phi ở Sài gia trang, mới sáng sớm mà trong nhà đã giăng đèn, kết hoa, chiêng trống rộn ràng, vô cùng náo nhiệt. Bạn bè, hàng xóm, và những người thân đã mang quà đến mừng đám cưới. Chú rể Sài Vân Phi bận rộn đón khách, miệng chào hỏi không ngừng.

Đúng lúc kiệu hoa và ngựa màu đỏ tía đến trước cửa thì không ai nhìn thấy bóng dáng chú rể đâu cả. Mọi người nghĩ rằng hôm nay rất đông khách, chú rể rất bận, lúc này không biết đã đi đâu. Mọi người thấp thỏm chờ đợi, tìm khắp các xó xỉnh trong nhà cũng không thấy chú rể. Nếu không có chú rể, đám cưới này sẽ hỏng bét.

Vài ngày sau, rất nhiều người đi tìm khắp mọi nơi, nhưng vẫn không tìm thấy. Mười ngày sau, trong nhà kho chứa củi sau nhà Sài Vân Phi bỗng bốc lên mùi hôi thối. Người nhà mở kho củi ra thì thấy thi thể Sài Vân Phi đang thối rữa.

Trên cổ của thi thể có sợi dây thừng dài 3 thước, rõ ràng đây là một vụ giết người. Ai mà lại to gan lớn mật đến thế, dám động thủ giữa ban ngày. Nhiều cặp mắt đổ dồn vào thi thể chú rể bị bóp cổ, hiện trường là giả tạo? 

Sài Vân Phi là con một gia đình giàu có, cha và mẹ cả của anh ta đã sinh được hai anh em Sài Vân Long, Sài Vân Hổ, và một chị gái Sài Vân Phượng. Sài Vân Phi là con bà vợ lẽ. Vì vậy, thời thơ ấu, Sài Vân Phi thường bị hai anh bắt nạt. 

Cha của anh ta không hài lòng khi hai anh đối xử với Sài Vân Phi như vậy. Chị gái Sài Vân Phượng biết rằng sớm hay muộn cũng đi lấy chồng, nên không bao giờ dính vào việc bất hòa trong nhà. Sau khi đi lấy chồng xa thì lại càng không dính đến những rắc rối này. 

Vì vậy, sau khi Sài Vân Phi bị giết, mọi người đều nhận thấy rằng, hung thủ giết Sài Vân Phi nhất định là người anh cùng cha khác mẹ Long và Hổ thôi. Cha của họ cũng khẳng định rằng Sài Vân Long và Sài Vân Hổ sợ Sài Vân Phi đòi chia gia tài nên mới ra tay sát hại em. Vì vậy, mọi người bắt Long và Hổ trói lại và giải lên Nha môn huyện.

Minh họa: Đỗ Dũng.

Huyện lệnh Vương Thần Quang sau khi thẩm tra xử lý thấy rằng, Sài Vân Long và Sài Vân Hổ đã có động cơ giết người. Trong thời gian thẩm tra đã dùng đủ biện pháp xét hỏi nhưng hai người này vẫn không chịu nhận là hung thủ giết em mình. Thẩm tra thụ lý vụ án gần một năm, Sài Vân Long, Sài Vân Hổ lúc thì nhận tội, lúc thì phản cung, cuối cùng không thể chịu nổi cực hình tàn khốc đã nhận tội.

Vụ án đã tuyên như vậy, nên Sài Vân Long, Sài Vân Hổ bị giam vào khu dành cho những kẻ tử tội, đợi sau mùa thu là thi hành án.

Vừa lúc ấy, Vương Thần Quang được triều đình điều đi huyện khác, huyện lệnh mới họ Thân tên Quân, là cao thủ phá án.

Huyện lệnh Thân đọc kỹ hồ sơ vụ giết Sài Vân Phi, thấy rằng khả năng Sài Vân Long và Sài Vân Hổ giết Sài Vân Phi rất nhỏ. Lý do là hai người anh giết em trai mình bất cứ lúc nào cũng được, tại sao phải chọn ngày Sài Vân Phi cưới vợ mà động thủ. Ngày cưới, bạn bè và gia đình tụ họp đông đủ, mà thời điểm gây án lại là ban ngày? Gây án trong khoảng thời gian và địa điểm như vậy, rất dễ bị nhiều người nhìn thấy hay vô tình bắt gặp, rủi ro rất lớn. Những người biết suy nghĩ một chút sẽ không bao giờ chọn thời điểm này để gây án. Vì vậy, ông quyết định thẩm tra xét xử lại vụ án.

Huyện lệnh Thân gọi tất cả những người dự đám cưới của Sài Vân Phi ngày hôm ấy tới Nha môn, tách mỗi người ra một nơi để hỏi chuyện. Ông hỏi rất tỉ mỉ, kỹ càng, bất kỳ chi tiết vụn vặt nào cũng không bỏ qua. Ông cố tìm manh mối để phá án. Ông hỏi tất cả mọi người nhưng vẫn không tìm ra manh mối có giá trị nào. Khó mà nói những phân tích phán đoán của mình có chỗ nào sai? Huyện lệnh Thân cảm thấy thật là mờ mịt.

Ngày hôm ấy, ông đọc lại các hồ sơ điều tra và thấy rằng, người đến chúc mừng Hà Vân Phi vào cuối ngày là người thợ xây của Sài gia trang, lúc anh ta vừa đến đám cưới thì mọi người bắt đầu đi tìm Sài Vân Phi. Sao anh ta đến quá muộn như vậy? Huyện lệnh Thân gọi anh ta đến Nha môn để hỏi lại. Người thợ xây giải thích: Sáng sớm ngày hôm ấy, anh ta đến sửa mái nhà bị dột cho một nhà trong thôn. Sau khi sửa xong anh ta mới tới nhà Sài Vân Phi, vì vậy đến hơi muộn một chút.

Huyện lệnh Thân nói:

- Ngôi nhà mà anh đến sửa cách nhà Sai Vân Phi bao xa?

- Không xa lắm, ở phía Tây nhà của Sài Vân Phi, cách chỉ có một nhà!

- Nói như vậy thì anh đứng trên mái nhà ấy anh có thể nhìn thấy kho chứa củi của nhà Sài Vân Phi không?

- Có, có thể nhìn thấy.

- Tốt rồi, anh hãy nhớ lại thật kỹ càng, ngày hôm ấy anh nhìn thấy trong kho củi nhà Sài Vân Phi có những ai qua lại.

Người thợ xây suy nghĩ một chút rồi nói:

- Tôi thấy cô chị của Sài Vân Phi là Sài Vân Phượng và anh chàng tú tài Cổ Nhân Nghĩa, anh họ của cô ta, cầm tay nhau rất là thân mật đi vào kho củi. Sau đó Sài Vân Phi cũng đi vào kho này. Lúc ấy tôi liền trèo xuống, thay quần áo và đến nhà Sài Vân Phi.

Khó mà nói là Sài Vân Phượng và Cổ Nhân Nghĩa giết chết em trai của cô ta? Hai người này và Sài Vân Phi không thù không oán, không có lý do gì mà giết Sài Vân Phi! Để tìm ra cửa đột phá của vụ án, huyện lệnh quyết định nghe ngóng tình hình trước khi hành động.

Sáng hôm ấy, người nhà của Sài Vân Phượng đến báo rằng cha cô đã bị bệnh nặng, gọi cô mau mau về nhà mẹ đẻ ngay. Sài Vân Phượng vội vàng về nhà thăm cha.

Cha cô mắc một chứng bệnh quái quỷ thường thấy ở nông thôn: "Mời ma quỷ dắt đi!". Mà ma quỷ bắt người cha đi không phải là ai khác, mà chính là Sài Vân Phi, người em của cô đã chết cách đó một năm rồi. Cho nên, khi Sài Vân Phượng ở bên người cha, giọng nói của ông lại biến thành giọng nói của Sài Vân Phi: "Chị ơi, em chết thê thảm lắm!". Sài Vân Phượng nghe những lời như vậy thì hoảng sợ lăn đùng xuống đất, toàn thân run cầm cập, nửa ngày sau mới nói được mấy lời: "Em…em… không phải là chị muốn thế đâu, tất cả là chủ ý của thằng Cổ Nhân Nghĩa ấy!". Lúc ấy, huyện lệnh Thân đang nấp trong gian trong liền bước ra. Sài Vân Phượng lập tức bị nha dịch giải đi. 

Đồng thời, nha dịch khẩn trương đi bắt Cổ Nhân Nghĩa về nha môn huyện.

Vốn dĩ, Cổ Nhân Nghĩa dù được học thi thư, chữ thánh hiền, nhưng thực chỉ là một kẻ lăng nhăng, háo sắc. Hắn ta và Sài Vân Phượng là anh em họ, chơi với nhau từ nhỏ tới lớn. Khi cô em đã trưởng thành là một cô gái, hai người vướng vào vòng tình ái. Vì hai người là anh em họ và họ quan hệ rất kín đáo, nên ngoài hai người ra, không có người thứ ba nào biết cả. Sau khi Sài Vân Phượng đi lấy chồng xa, quan hệ của họ cũng bị cách trở.

Ngày cưới của Sài Vân Phi, hai người này đã nhiều năm xa cách nay mới gặp được như củi khô gặp lửa. Khi tất cả bận rộn với đám cưới, hai người tay trong tay, vội vàng đi vào kho củi làm chuyện bất chính đến nỗi quên cả đóng cửa.

Sài Vân Phi thật không may mắn, đúng lúc này lại đi vào kho củi lấy đồ. Cổ Nhân Nghĩa thấy chuyện của mình bị phát hiện, liền đè Sài Vân Phi xuống đất, thuận tay lấy sợi dây thừng thít chặt cổ Sài Vân Phi cho đến chết. Sau đó lại cùng Sài Vân Phượng tiếp tục cuộc hoan lạc. Xong chuyện, hai người lại coi như không có chuyện gì xảy ra, lại vào dự đám cưới. Sau khi chú rể biến mất, họ giả vờ cùng mọi người đi tìm.

Huyện lệnh Thân sau khi nghe  người thợ xây kể lại, nhận thấy Cổ Nhân Nghĩa và Sái Vân Phượng có khả năng là hung thủ. Tuy nhiên, lời kể trên không đủ căn cứ khép tội. Ông chọn cách dùng ngay Sài Vân Phượng làm cửa đột phá vụ án này, chủ yếu là vì cô ta là chị gái của nạn nhân.  Huyện lệnh Thân dùng ngay biện pháp lợi dụng mê tín dị đoan là "gọi hồn" của người dân nông thôn, cho nên đã "rung chà cá nhảy" để Sài Vân Phượng nói lên sự thật.

Sau vụ giết người Sài Vân Phi, người dân địa phương đồng loạt ca ngợi Huyện lệnh Thân, trìu mến gọi ông là "Thần Quân".

An Quảng Lộc (Trung Quốc)-Phạm Thanh Cải (dịch)
.
.