Ranh giới
Nhà ở ngay đầu ngõ, ông bà Huấn sinh được dì Mận, cậu Tuấn. Tôi là cháu họ bên ngoại của ông bà. Nhà lại kế bên vườn ông bà, có việc gì, cả nhà tôi thường được ông bà, cậu, dì mời sang nên tình cảm hai gia đình rất gần gũi.
Lớn lên, cậu Tuấn được gọi nhập ngũ. Dì Mận sớm tối việc đồng và chăm sóc ông bà. Càng lớn dì càng bộc lộ vẻ đẹp và nết na, nhiều người đánh tiếng muốn dì về làm dâu. Nhưng dì chưa ưng một ai, bởi cậu em đang chiến đấu ở chiến trường, mình lấy chồng thì ai chăm sóc bố mẹ.
Có người đánh tiếng cho con đến ở rể để dì thuận cả đôi đường, ông bà phân vân: còn cậu Tuấn cũng phải lấy vợ nữa thì không tiện. Có người bàn, vườn rộng vậy ông bà cho vợ chồng dì Mận làm nhà ở mảnh vườn bên cạnh. Vừa ở gần chăm sóc ông bà vừa không sợ vướng khi cậu Tuấn lấy vợ. Thấy hợp lý, ông bà đồng ý và dì Mận cũng thuận tình. Đám cưới của dì Mận và chú Khang được tổ chức. Ông bà dẫn vợ chồng dì Mận ra vườn đầu hồi nhà giao hẹn:
- Bố mẹ cho các con mảnh vườn, tính từ cây xoan.
- Vâng - Dì đáp.
Thế là bên có đất, bên có tiền, căn nhà ba gian của dì Mận, chú Khang dựng lên tại mảnh vườn bên nhà. Giữa hai đầu hồi nhà là một khoảng đất trồng rau, mỗi bên một nửa tính từ cây xoan. Dì Mận lót một đoạn gạch rộng khoảng một mét sát tường ngõ xóm để sớm tối sang thăm, chăm sóc ông bà. Người ngoài cuộc nhìn vào thấy khung cảnh hai nhà như một, cây xoan chỉ là cái mốc tự nhiên phân biệt ranh giới ước lệ mà thôi.
Năm nước nhà thống nhất, cậu Tuấn được phục viên. Không thể tả hết niềm vui của ông bà, của chú, dì, của cả làng, cả họ. Chỉ một tháng sau, ông bà tổ chức đám cưới cho cậu với một cô cùng làng tên Hậu. Hôm cưới cậu vui lắm, đám thanh niên được huy động đến từng nhà mượn bàn ghế, nào là trường kỷ, tíu, hoặc bàn ghế đóng đơn giản. Gọi là kê cho thẳng hàng nhưng mỗi nhà một loại thì thẳng làm sao được. Bàn ghế được kê đầy hai khoảng sân và khoảng đất giữa hai nhà nên có đủ chỗ ngồi.
Dì Mận tất bật chạy ra chạy vào. Chuyện, là chị cả mà lại có người chăm sóc ông bà, thêm người đông vui, nói là hai nhà chứ chỉ có cây xoan làm thân phận giới mốc, chứ hai nhà như một, chẳng có gì chia cắt, nhiều nhà lại tỵ "Đấy, cứ như nhà cụ Huấn mà lại hay, con cái gần bố mẹ, chung sân có công to việc lớn, xử lý thật tiện".
Chú dì tôi, cậu mợ tôi cũng mắn. Chú dì được 5 người con, nhưng chỉ có em Cường là trai, ngược lại cậu mợ lại có ba trai, ba gái. Mọi việc bên nhà dì Mận giao cho Cường là con trai trưởng, còn bên cậu mợ thì giao cho Tuân là con trai cả. Chúng tôi lớn lên trong tình thương yêu của ông bà, cô dì, chú, bác, cậu, mợ nội ngoại. Những tưởng không khí yên bình còn mãi trong đại gia đình. Vậy mà…Một hôm, vào tầm trưa, mọi người nghe tiếng mợ Hậu như ra lệnh:
- Thằng Cường mày sang bắt chó nhốt vào, nó cắn chết gà nhà tao rồi.
Một lúc sau lại nghe tiếng dì Mận:
- Thằng Tuân, mày sang đuổi gà về; bới tanh bành chòm sân nhà tao rồi.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú. |
Chàng rể thấy tình hình hai chị em có vẻ không ổn, xin phép bố mẹ vợ cho rào tạm lại. Mọi người đi qua thấy hàng rào sơ sài ngăn đôi khoảng đất trồng rau thì bắt đầu xì xầm:
- Con Hậu nó cũng ghê cơ, cãi bố mẹ chồng, lấn át chồng. Con Mận ở gần nó nghe thấy nó sang bênh bố mẹ, bênh em thì con Hậu nó ghét, nên hai chị em cạnh khóe. Thôi ngăn ra cho đỡ rách việc.
Đến chiều, lại nghe tiếng mợ Hậu tru tréo:
- Mày lại để chó nhà mày sang phá nhà tao rồi.
Dì Mận cũng không vừa:
- Nó có chân, nó chạy chứ ai "để".
Thế rồi các con nhà chú dì, cậu mợ cũng lớn, lần lượt lấy vợ, gả chồng. Nhưng nhà ai tổ chức nhà đó, không còn dùng khoảng sân chung như trước. Việc ruột thịt phải mời nhau cho phải phép, cho bằng mặt chứ chẳng bằng lòng. Ông bà họ tôi phần tuổi cao, phần vì nhiều phiền muộn lần lượt về với tổ tiên.
Ba đôi vợ chồng của cậu con trai, cùng cậu mợ là bốn đôi, lại các cháu lần lượt sinh ra, ở chung trong căn nhà ba gian hai trái. Bên chú dì, các cô con gái cũng gả chồng hết, còn mỗi cậu con trai. Nhìn cảnh ấy mợ chì chiết cậu:
- Ông thấy ở xóm này có ai cho đất con gái mà lại cho rộng như ông bà không. Đấy, giá như mảnh vườn ấy như nhà khác chia làm 2 suất nữa làm nhà ống cho hai cháu trai nội của ông bà thì nhà mình có ổn không.
Nghe vợ nói vậy là vậy thôi chứ cậu thừa biết, nếu không có chị gái ở gần trong thời gian đi chiến đấu thì bố mẹ lấy ai chăm sóc. Nhưng phải công nhận mợ mạnh khỏe, lam làm, lại nhờ được bên ngoại nên mới nuôi được cả gia đình lớn thế này chứ. Hơn nữa, chuyện đàn bà chấp làm gì, nghĩ vậy cậu chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Chính vì vậy cậu thường lép vế trước mợ.
Chú Khang mắc bệnh nan y, lại suy nghĩ nhiều về những éo le trong hoàn cảnh ở đất nhà vợ nên đã qua đời. Dì gạt đau buồn, chăm sóc vợ chồng cậu con trai trưởng cùng hai đứa cháu. Bà và các cháu vui đùa, các cháu đạp xe trên khoảng sân rộng bên này, còn nhà bên gần chục đứa cháu nhà mợ chơi ở khoảng sân chật chội. Nhìn thấy cảnh này, mợ không khỏi so sánh tỵ nạnh. Mợ thủ thỉ với con dâu trưởng:
- Lẽ ra đất nhà bên ấy là của chúng mày chứ đâu đến lượt họ mà vênh vang (Ý mợ nói là lẽ ra ông bà không cho bác gái thì bố mẹ cho chúng mày ra ở riêng bên ấy tha hồ rộng rãi). Nàng dâu nghe vậy thấy mình thiệt thòi cũng ghét cả gia đình bác gái.
Thế rồi cái sảy nảy cái ung, không mấy tuần là không nghe thấy điều qua, tiếng lại giữa hai nhà. Lúc thì con gà bên này sang bới rau nhà bên kia, lúc thì con mèo bên kia sang ăn vụng cá nhà bên này. Các đoàn thể Phụ nữ, Người cao tuổi đều vận động giữ gìn nếp sống văn hóa, không cãi nhau to tiếng. Chỉ được một thời gian, đâu lại vào đấy, chán, họ cũng không đến nữa. Dì Mận cũng đành sai Cường sang gặp cậu:
- Cháu sửa lại đoạn cổng, tiện có thợ xây cháu xin phép cậu mợ cho cháu xây hàng gạch ở bờ rào để chó, gà khỏi chui sang phá rau nhà cậu mợ. À, mà mợ cháu đâu rồi ạ.
- Ừ cháu cứ làm, mợ đi Hải Phòng chơi với em rồi.
- Cậu ra xem thế nào cho thợ làm cậu nhớ.
- Thì cứ từ cây xoan mà làm.
Được cậu cho phép, Cường cho thợ đào móng xây một bức tường bằng gạch xi măng, căng dây thẳng từ gốc cây xoan cho hết quãng đất trồng rau giữa hai nhà. Toàn bộ cây xoan nằm trên tường thuộc về đất bên nhà dì Mận. Cây xoan trở thành một chiếc cọc dậu tự nhiên, vừa đẹp, vừa chắc.
Nàng dâu cả thấy việc lớn thế này sao không đợi mẹ chồng về mà bố chồng và con bác Mận lại tự tiện làm gấp thế nhỉ, hay có vấn đề gì vậy? Vội điện cho mẹ chồng ở Hải Phòng:
- Mẹ à, anh Cường con bác Mận đang đào móng xây tường gần nhà mình. Con nghe to nhỏ gì đó.
Nghe thấy, mợ Hậu sốt sắng:
- Thế à,… ừ mẹ về ngay.
Chiều muộn, mợ Hậu mới hớt hải về đến nhà. Vừa nhìn thấy bức tường mới xây, không kịp vào nhà mợ đã bù lu bù loa:
- Ối giời cao đất dày ôi, đến đây mà chứng kiến hàng xóm họ xây tường chiếm đất nhà tôi.
Mọi người thấy tiếng mợ lu loa. Có người nói nhà con Hậu đầu tiên rồi đến chị chồng liền kề chứ ai đâu mà nó lu loa hàng xóm cướp đất.
Mọi người đổ ra, cả gia đình nhà cậu, cả nhà dì. Thế rồi dì một bên tường, mợ một bên tường, lời qua tiếng lại.
Dì Mận mắng:
- Mợ làm gì mà ầm lên vậy. Bức tường vừa đẹp hai nhà, đỡ chó, gà sang phá rau chứ việc gì to tát đâu mà mợ ầm ĩ cả lên.
Cơn tức đã lên đến cổ, mợ Hậu lu loa:
- Vì có ý để chiếm đất, đợi đi vắng mới xây vội vàng chứ gì.
Thấy mợ Hậu ăn nói có vẻ khó nghe, dì Mậu giãi bày:
- Mợ ăn nói cho cẩn thận, cháu Cường sang tận nơi xin phép cậu. Cậu cho phép xây từ cây xoan trở về bên ấy, chứ ai dám tự tiện đâu.
Mợ Hậu không vừa:
- Ừ thì từ cây xoan, nhưng mà cây xoan của nhà này, nó phải chừa ra chứ lại xây chiếm cả rồi còn gì nữa. Đây định đến hanh heo sẽ hạ cây xoan đóng cái giường thay cái giường tre mọt ruỗng, hay là nó để thân già nằm giường mọt ngã gãy xương thì nó mới thích.
Dì Mận cũng cứng lý:
- Mà ông, bà cho từ cây xoan, cậu cũng bảo xây từ cây xoan thì cây xoan phải là nhà bên này.
Nghe nhắc đến chồng, cơn tức người chồng vô dụng nổi lên, mợ lại lu loa:
- Ừ cậy chị em ăn hiếp con này chứ gì. Cái thân đụn dạ có biết tính toán gì đâu. Khôn ngoan như người khác thì con cái đã đỡ phải chật chội, khổ sở.
Chứng kiến cảnh vợ lăng loàn, cậu không chịu được nữa ra bịt mồm, cầm tay mợ kéo vào nhà. Mợ ngồi phịch xuống lu loa:
- Ôi giời ơi, chị em nó cậy đông, nó đánh tôi.
Rồi mợ vùng ra, cứ đập tay choi choi vào bức tường mới xây. Mợ rướn cả người lên, lao vào du cho bức tường đổ. Bên kia tường dì Mận không kịp tránh, cả mảng tường gạch xi măng đè lên người. Mọi người xô vào bới gạch dìu dì đứng dậy nhưng dì khuỵu xuống. Có người hô:
- Thôi chết, bà Mận bị gẫy chân rồi!
Thấy vậy, cậu nhảy qua bức tường để xem chị thế nào. Đúng lúc đó Cường đi xe đạp từ ngoài đường về, vứt phịch xe, lao đến bên mẹ. Tưởng cậu du đổ tường làm mẹ ngã nên Cường đẩy cậu ra làm cậu ngã va vào cạnh viên gạch, chảy máu đầu lênh láng.
- Thằng Cường mày định đánh chồng tao à. Các con đâu, cho chúng nó một trận - Mợ Hậu chu chéo.
Các con cậu mợ cùng chạy về đến đấy, định lao vào đánh Cường, nhưng có đông người can nên không xảy ra đánh nhau.
Cho rằng cháu Cường đánh mình chảy máu, tay bịt vết thương, cậu quát:
- Thôi từ giờ trở đi, việc nhà ai ấy lo. Ốm không thăm, chết không viếng.
Mọi người cuống quýt đưa dì Mận đi viện bó bột. Các con cậu băng vết thương ở đầu cho cậu. Rồi dì ra viện, do tuổi cao xương lâu liền phải chống nạng, đống gạch vẫn chỏng chơ đầu cổng. Đúng như lời "kỳ" của cậu, từ năm đó, hai gia đình từ người già đến trẻ nhỏ không nhìn mặt nhau. Giỗ ông bà ngoại, nhà ai người ấy cúng. Nhìn thấy mặt nhau nếu không tránh kịp thì ngắm trăng, ngắm gió để khỏi phải hỏi nhau...
Sau cú sốc mạnh, do tuổi cao, sức yếu, dì Mận ngã bệnh. Dân làng, họ mạc xa gần đến thăm nom, động viên. Nhà cậu cửa đóng then cài thản nhiên như không có việc gì xảy ra.
Chập tối bỗng trong nhà vang tiếng khóc, dì đã vĩnh viễn ra đi. Trước khi nhắm mắt, dì còn cố xoay người về phía nhà bên, nơi dì được ông bà sinh ra và nuôi nấng. Nơi có bát nhang, không biết hương khói có được thắp đều, như ngóng chờ một điều gì. Rồi dì ngước mắt về hướng cây xoan, một chiếc lá xoan màu vàng bay theo gió quay vài vòng trước mắt dì trước khi tiếp đất. Tim dì ngừng đập nhưng mắt vẫn khép hờ.
Ở làng tôi cũng như bao làng khác, một khi nhà nào có việc hiếu, cả làng đều chạy đến. Mọi người đến đầy nhà dì, mỗi người một việc sắp xếp chu đáo để lo hậu sự cho dì. Nhà cậu mợ cửa đóng chặt, chỉ le lói ánh đèn ngủ. Mọi người đi qua nhìn vào chỉ biết lắc đầu. Tang lễ dì diễn ra thật cảm động. Cửa nhà cậu mợ vẫn đóng im ỉm, lặng như tờ.
Từ đó gia đình cậu mợ sống như cái bóng giữa trời, như con thuyền đơn độc giữa biển khơi. Đám sá ngại mời, đi ngại chung đường, nâng cấp mộ ông bà, bố con lo lấy, đầu cậu bạc nhanh trông thấy. Sau một thời gian cầm cương lấn át chồng, mợ Hậu thấy quá đà, nhưng quay lại thì quá khó, nghĩa tử là nghĩa tận vì mình mà chị, em, con cháu ruột thịt không nhìn mặt nhau.
Bốn năm sau, khi đang làm việc ở cơ quan tại thành phố, tôi nhận được điện thoại của Cường:
- Anh Quang à, chúng em chuẩn bị tắm mát cho mẹ em, chiều hôm rằm anh về giúp em. Em định hai giờ sáng ngày mười sáu tắm mát cho mẹ em. Mời anh chị và các cháu về thắp cho mẹ em nén nhang nhé.
- Ừ anh sẽ về. Anh hỏi thật, bốn năm qua các em đã ngấm nỗi đau tình cảm chia cắt chưa. Có muốn hàn gắn thì anh sẽ về trước để cùng các ông, các bà trong họ kéo gần tình cảm lại. Đây là lần cuối cùng, nếu không thì sẽ xa cách mãi.
- Nhưng em sợ "ông, bà ấy…".
- Thôi, được rồi, để anh về sớm.
Tôi về thẳng nhà Cường. Bao nỗi niềm Cường giãi bày hết. Cường rất giận cậu mợ nhưng giờ có phần nguôi ngoai. Trong sâu thẳm cõi lòng vẫn muốn hàn gắn. Tôi bàn:
- Sáng hôm rằm, các em sắm một lễ sang nhờ cậu mợ thắp hương báo cáo ông bà ngoại về việc tắm mát cho dì, rồi mời cậu mợ và cho các em sang giúp. Không được nhắc gì đến chuyện cũ.
- Nhưng "ông, bà ấy" không cho vào nhà thì sao anh?
- Nếu thế các em đặt lễ ở cổng rồi vái vào. Nhưng anh tin chắc đến lúc này cậu mợ sẽ không làm thế đâu.
Thấy Cường xuôi xuôi, tôi đến nhà cậu Hùng là anh họ của cậu Tuấn, khi đặt vấn đề hàn gắn tình cảm chị em, cậu cháu nhà dì Mận, cậu Hùng giãy nảy:
- Không được đâu, bốn năm trước anh điện về, tôi cùng các bà sang gõ cửa, gọi to, nó có mở cửa, nó có tiếp đâu.
Nói rồi, cậu Hùng chép miệng: "Thôi đừng đến, phí công".
- Cậu bình tĩnh, cháu nhờ cậu đặt vấn đề cho bằng vai phải lứa, sau đó để cháu phân tích.
Tôi cùng cậu Hùng đến nhà, cậu Tuấn pha nước mời, khuôn mặt hốc hác, đầu tóc bạc bơ phờ, mấy ngày nay chắc gì ngủ được. Chỉ vì không kìm chế, cả nghe mợ mà bao năm nay sống trong dằn vặt day dứt, dân làng xa lánh. Sau khi cậu Hùng đặt vấn đề, tôi lựa lời phân tích thiệt hơn, được, mất và nêu rõ chỉ còn cơ hội cuối cùng để cậu mợ và gia đình gặp mặt lần cuối dì Mận. Nếu không bao thế hệ phải sống mãi trong thù hận, đố kỵ, dằn vặt…
Nhấp ngụm nước, đôi mắt mỏi mệt nhìn ra sân, cậu Tuấn chậm rãi:
- Mấy năm qua, tôi sống trong cô đơn, bị họ hàng, xóm làng xa lánh, tôi ngấm lắm rồi. Nay có bác, có cháu hiểu nỗi lòng tôi, tôi xin cảm ơn. Nhưng liệu tôi sang nó có chấp nhận không, nó còn đánh tôi không.
- Cậu yên tâm, máu chảy ruột mềm, cháu nghĩ không đến mức ấy đâu. À mà nếu chúng nó sang nhờ cậu thắp hương báo cáo ông bà, cậu mợ cho phép và giúp chúng nó nhé.
- Ờ… ờ… - Cậu nói mà trong mắt ánh lên một nét vui thầm kín.
Mọi việc diễn ra đúng như tôi dự đoán, không có sự trở ngại nào. Chiều hôm rằm, chuẩn bị làm lễ động thổ, bên cạnh các vành khăn tang đã ngả màu, thấy thấp thoảng trên hai chục vành khăn tang mới tinh gồm cả màu trắng, màu vàng, màu đỏ của gia đình bên cậu. Tôi chợt giật mình, nếu ngần ấy khăn tang không được đội hôm nay thì bao nhiêu con người kia sẽ sống trong thù hận bao nhiêu năm nữa. Dù sao muộn còn hơn không.
Việc tắm mát cho dì Mận tổ chức ấm cúng, chu đáo, mấy chục người bên nhà cậu mợ luôn chân, luôn tay như muốn bù lại những việc lẽ ra đã phải làm từ cách đây bốn năm trước. Ở nơi chín suối, dì Mận chắc đã mỉm cười. Hôm sau, chị em nhà Cường sang thăm cậu mợ, biếu quà, xin được về ăn cỗ những ngày kỵ nhật ông bà ngoại. Cường cho hạ cây xoan đóng cho cậu mợ chiếc giường. Thay vào đấy là cây cột xi măng, Cường kéo một bóng điện thắp sáng cả hai nhà và đầu đường vào xóm. Hàng tường gạch được xây lại theo móng cũ.
Mọi người đi qua nhìn ngọn điện sáng, lại nhớ chuyện đã xảy ra để răn mình không làm điều tương tự.