Rắn thần

Thứ Tư, 02/01/2013, 09:10
Trưa tháng sáu. Nắng hoa mắt. Trời lặng phắc không một phảy gió. Bụi chuối héo rũ, cây bưởi táp lá. Cả làng Nụ vạ vật trong cơn ngủ trưa nhớp nháp mồ hôi. Chợt bóng mây kéo ngang, ngọn tre cựa mình kẽo kẹt. Cơn buồn ngủ chìm xuống khi hơi mát phảng phất. Bỗng tất cả giật mình trong mồ hôi ướt sũng: "Ối làng nước ơi! Ối làng nước ơi!". Tiếng kêu thất thanh từ đầu làng réo tới giữa làng: "Ối làng nước ơi! Thằng Ngoạn liều chết rồi!".

Tất cả bật dậy. Ai chết? Nhà nào có đám mà loa truyền thanh xã không thông báo, lại để con mẹ Tùng mồm loa mép giải làm ầm ĩ lên: "Thằng Ngoạn liều chết rồi! Thằng Ngoạn rắn chết rồi!". Những tấm lưng lại chớm nằm xuống tìm hơi hướm mát mẻ. Tưởng gì! Cái thằng người không ra người, ngợm không ra ngợm. Chết đi là vừa. Nhưng đa số không nén nổi tò mò, đã bước ra đường. Bà Tùng hình như đi từ hướng Động Rắn về, bước chân te tái đi sau cái miệng lu loa. Có vẻ bà hào hứng, bàn tay khua khoắng loạn xị, mái tóc cuốn trên đầu xổ tung, cái áo cánh rách toạc đường chỉ tới nách, hở nguyên một bên vú quả mướp thỗn thện.

Bà Tùng đã dừng lại giữa đám đông người, dưới bóng cây đa giữa làng. Cái miệng chừng đã mỏi, bọt mép đùn trắng, chỉ còn tiếng lào thào: "Nó - thằng Ngoạn - bị rắn chúa cắn chết đấy! Tôi thấy nó nằm úp mặt vào cái hang đào dở, người tím đen. Trên vách động có tiếng con gái cười khanh khách. Sợ vãi đái!". Mọi người bật cười ồ. Bà Tùng sợ vãi đái thật, đũng quần còn loang ướt. Nhìn đám nước bọt trắng trên mép bà, người ta nghĩ đến nước bọt rắn chúa. Sững sờ. Choáng váng. Làng Nụ đã hai lần bị Ngài ra phép, lần trước vào năm sáu mươi mới thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, ông đội trưởng sản xuất tí nữa thì bị rắn chúa cắn, lần này thì có người chết thật rồi.

                        *

Cái miếu cổ ngay đầu làng, đối diện với Động Rắn. Các cụ bảo miếu xưa thờ sơn thần, sau này người làng tiện thể hương khói cho cả thần linh, thổ địa. Tuy lợp bằng lá cọ, nhưng miếu có sáu cây cột to bằng gỗ lim đen bóng. Hai cây nụ đứng trước miếu cành lá xòe rộng như chiếc lọng xanh thời vua chúa. Người làng thường thấy một con rắn dài tới bốn thước, da trắng mốc, trên đầu có cái mào đỏ, cứ ngày rằm mùng một là chui vào nằm khoanh tròn trên bàn thờ hậu cung. Người ta đồn đấy là rắn chúa, chỉ huy hàng ngàn con rắn các loại trong Động. Truyền thuyết rằng, ngày xửa ngày xưa có vị chúa núi họ Đèo cai quản cả một vùng rộng lớn, từ núi Nà Rậm sang bên kia sông Lô, tới vùng Tam Đảo. Con gái chúa núi tên là nàng Nụ 18 tuổi, mắt đẹp như trăng rằm, thường khoác chiếc áo màu trắng tinh khiết, mái tóc dài cài bông hoa rừng đỏ tươi. Ngày nào nàng cũng một mình lang thang dạo chơi khắp chín rừng, mười bản. Một chiều nghỉ chân bên suối, nàng tình cờ nhìn thấy chàng tiều phu trẻ gánh củi trên núi xuống. Nóng bức quá, chàng ta cởi chiếc khố cũ giặt phơi trên tảng đá, rồi trần truồng tắm suối. Tưởng giữa rừng không có ai, nào ngờ nàng Nụ nhìn thấy. Nước suối trong xanh, thân hình chàng tiều phu rám nắng, chắc lẳn như cây lim, cây chẹt. Chàng vùng vẫy bơi lội, nàng nín thở nấp sau bụi lau, mặt tựa hoa chuối rừng.

Rồi nàng quen tới ngồi bên suối mỗi chiều. Hai người quen nhau, rồi đem lòng yêu tha thiết. Khúc suối trong xanh nhiều lần in bóng hai tấm thân trần quấn quýt giữa làn nước mát. Chuyện đến tai chúa núi, ngài nổi giận đuổi chàng tiều phu ra khỏi địa phận mình cai quản. Ngày chàng trai xách búa ra đi, nàng Nụ cũng trốn cha theo người yêu, nhưng mới đi được một đoạn đường thì quân binh đuổi kịp. Theo lệnh chúa núi, chàng trai bị giết chết rồi ném xác xuống vách núi. Nàng Nụ rú lên thê thảm, gieo mình theo người yêu. Nàng biến thành con rắn trắng có cái mào đỏ. Nơi nàng lao đầu xuống bây giờ là Động Rắn. Từ bao giờ, người ta trồng hai cây nụ trước miếu để nhớ tới mối tình chung thủy của đôi nam nữ. Động Rắn là cái thung lũng nhỏ, trên cao là cọ và bứa mọc xen nhau, dưới đất bạt ngàn cỏ tế cao lút đầu người. Còn rắn thì vô thiên lủng, từ đám rắn lục nhỏ rình mò trên cành cây tới bọn hổ mang, hổ trâu, rắn ráo… thường lao vút từ trong bụi rậm, bò loằng ngoằng trước mặt người ta, hay những thằng cạp nong, cạp nia khúc đen khúc trắng loang lổ, đêm trăng bò ra nằm dài thượt ngang lối mòn.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Giữa mùa hè, làng lại có đám ma. Đám thằng Ngoạn, một kẻ tứ cố vô thân, tưởng ít người hóa ra không phải. Cả làng ai cũng đi đứa đám. Không hẳn là "nghĩa tử, nghĩa tận", mà người ta tò mò. Trên đường ra nghĩa địa, tiếng rì rầm của phụ nữ, tiếng ồn ào, choang choác của đàn ông. Không ai bảo ai, họ đều nhắc đến kẻ xấu số đang nằm trong chiếc quan tài gỗ mộc kia.

Từ nhỏ thằng Ngoạn đã nổi tiếng liều. Nó thường trèo lên hai cây Nụ trước miếu tìm những quả chín chua chua ngọt ngọt để ăn. Nhiều lần nó còn mò vào trong miếu lấy trộm xôi, chuối trên ban thờ. Thằng Ngoạn bị bố nó đánh đòn rất dữ vì tội này. Nó có thể liều cưỡi trâu phi nước đại hay treo mình trên cành đa cạnh giếng làng để rình xem trộm phụ nữ tắm mà không bị đánh đòn. Nhưng chưa ai dám vào miếu trộm đồ cúng vì sợ rắn chúa: "Mày không sợ chết à. Hả thằng bỏ mẹ kia?". Bố nó vừa đánh vừa chửi, nó cũng chỉ chừa được dăm hôm. Người làng kể mấy chục năm trước, ông đội trưởng sản xuất suýt bị rắn cắn chết vì định phá miếu lấy cột lim làm trục lăn lúa. Buổi trưa ông đội cầm sào ra đo cột miếu tính toán thì nhìn thấy rắn chúa. Nó nằm khoanh tròn trong hốc cây nụ, nhô cái đầu có mào đỏ nhìn ông. Nhưng ông vốn là lính Điện Biên, sợ gì rắn. Bẻ cái sào vừa một đoạn bằng tầm tay, ông tiến lại gốc nụ quyết đập chết con rắn. Ông vừa chọc cây sào vào hốc thì con rắn lao ra, khoảng cách tới ông chỉ nửa mét. Nhanh tay ông túm được cổ rắn, xiết chặt, vừa khi hai cái răng đầy nọc độc chạm vào áo. Con rắn cuồn cuộn thân mình, mạnh mẽ muốn lao ra cuốn chặt kẻ phá rối. Ông đội lấy hết sức bình sinh đẩy nó trở vào hốc cây. Cả hai ở thế giằng co quyết liệt. Suốt buổi trưa, sức cùng lực kiệt, ông đội gục xuống ngất đi. Rắn chúa không cắn ông mà bò vào trong động. Ông đội ốm nằm hàng tháng trời, một bên chân và tay phải bị liệt, mồm méo xệch, một năm sau thì mất. Sau này có cậu Tài người làng đi làm bác sĩ, nghe kể lại thì bảo rằng ông bị chứng xuất huyết não, đột quỵ. Người làng không tin, họ cho rằng ông đội bị rắn chúa phun nọc độc, may mà không chết ngay.

Ngoạn mồ côi mẹ từ nhỏ. Năm 17 tuổi thì mất nốt bố. Hắn được thừa hưởng ngôi nhà ba gian, có cả tủ li, giường rẻ quạt, bộ tràng kỷ cổ, hai con bò và mẫu vườn. Mười bảy tuổi mà hắn lòng khòng tay vượn, mặt mũi toàn mụn bọc. Trên người Ngoạn cũng lổn nhổn cục nhỏ thì bằng quả sim, lớn thì như quả ổi. Gớm ghiếc. Đã thế hắn lại lười biếng, hay rượu chè, nên gái làng ối cô vừa xấu vừa nghèo mà cũng không thèm lấy hắn làm chồng. Đầu tiên Ngoạn bán cặp bò. Ăn chơi thả cửa, mấy tháng sau đến lượt vườn cây toàn những mít xoan lầm lẫm. Sang cát cho bố xong, Ngoạn bán nốt cái nhà và mảnh vườn. Hắn dựng một túp lều cạnh lối vào Động Rắn, đối diện nghĩa địa làng. Ngoạn cũng tính toán ra phết. Những ngày đứt bữa, hắn mò sang miếu gặp thứ gì ăn được là khuân về. Làng có người chết mới chôn, hắn đi đưa đám nhưng là kẻ rời nghĩa địa sau cùng. Chờ thân quyến người chết về khỏi, hắn xin bát cơm cúng. Lấy dao gọt lớp cơm bên ngoài đã cứng, đổ nước vào bóp tan ra đem hấp lại. Trứng luộc thì bóc vỏ ra là có đồ nhắm rượu ngay. Đêm cuối năm lạnh buốt, Ngoạn vẫn mò ra nghĩa địa xem người ta đổi mả, cốt để kiếm rượu uống. Lần đổi mả cho ông Đàn cán bộ hưu, Ngoạn thấy người nhà ném lên đôi dép nhựa trắng, hắn lật qua lật lại thấy là đôi dép Tiền Phong còn mới nguyên, một thứ của hiếm hồi đó. "Cháu xin ông nhá! Vứt đi thì phí quá" - Hắn nhăn nhở xin người chết rồi đem về cọ rửa sạch tưng, đeo vào chân vừa như in. Ngoạn đeo đôi dép nhựa, lội ngang dọc trong Động Rắn. Hắn khoe: "Rắn rết thấy tớ là chạy cụt cả đuôi".

Là một bợm rượu, Ngoạn thường xuyên thiếu mồi. Hắn nghĩ ra cách xách gậy vào động, xua, đập vài con rắn đem nướng lên uống rượu. Một chiều hắn đập được ba con rắn hổ to, băm viên đem rán chả. Đang ngồi ngật ngưỡng bên đĩa thịt rắn, hắn thấy hai người đàn ông lạ đi qua, hắn ngoắc tay gọi họ vào uống rượu. Người đàn ông lớn hơn, trạc 40 tuổi tò mò: "Ông anh có món gì mà thơm thế?". "Cứ ăn đi thì biết!". Ngoạn khề khà, rồi nhón bàn tay bẩn thỉu bốc một viên chả rắn đưa cho khách. Người khách chần chừ nhìn, rồi đưa lên miệng cắn thử. Bị quyến rũ bởi mùi thơm ma quái, ông ta nhai ngon lành. "Ái chà! Rắn! Ngon quá!". Người trẻ hơn thấy vậy cũng giơ tay xin một miếng. Chén rượu chuyền qua ba cái miệng cười tươi. "Ngon. Nhưng phí của. Chỗ thịt rắn này đổi được cả yến thịt gà". Thấy khách nói vậy, Ngoạn ngoạc miệng cười. "Lấy đâu ra thịt gà. Rắn ở đây sẵn, cứ bắt mà chén thôi". Ông khách cầm cái giỏ bên mình, đưa cho Ngoạn xem. Ghé mắt vào trong giỏ, hắn thấy hai con rắn nằm cuộn khoanh: "Ba trăm rưởi một cân đấy ông anh ạ". Ngoạn tròn mắt, những cục u trên mặt trồi lên: "Nói phét!". "Ông anh bảo ở đây nhiều rắn, bắt bán cho bọn tôi. Rắn hổ ba trăm, rắn ráo một trăm, rắn cạp nong hai trăm. Chơi không?". Ngoạn giơ bàn tay nhớp nháp mỡ rắn: "Mỗi ngày một yến! Xong!". "Nhưng phải là rắn sống, rắn khỏe đấy. Càng độc càng nhiều tiền". "Ôi dào! Không nói sớm. Tớ có biết bắt rắn sống đâu!". Cái mặt đầy mụn nhăn nhó, gớm ghiếc. Hai người khách hướng dẫn tại chỗ phương pháp bắt rắn. Dụng cụ là một cây gậy dài một mét, đầu có cái móc sắt. Một cái thuổng thật tốt. Rắn gặp người sẽ chạy, đầu ngóc lên. Nhắm cho chuẩn rồi đưa cái móc ngang cổ rắn kéo lên, tay kia thật nhanh nắm lấy phía dưới cổ nó. Cứ mạnh dạn nắm chặt từ giữa thân rắn lên gần đầu, nó sẽ không quay lại mổ mình được, đừng nắm gần đuôi mà nguy hiểm. Rắn trong hang thì phải đào, thấy nó nằm khoanh tròn trong hang thì lựa móc khúc gần đầu nó mà kéo ra, rồi chụp lấy, bỏ vào bao tải. Ngoạn tợp xong ba ngụm rượu thì thuộc lòng bài học sơ đẳng. Đầu nó gật gù, miệng chèm chẹp: "Có thế mà mình ngu lâu không biết". Khách về rồi, hẹn tuần sau trở lại. Cũng chỉ ba ngày thực tập, Ngoạn trở thành tay bắt rắn chuyên nghiệp. Cũng do tính liều mà hắn thành nghề sớm. Động rắn lại là "vương quốc" rắn, tha hồ cho hắn hành nghề. Ngoạn chọn những con rắn to, độc bắt trước, lũ rắn nhỏ để nuôi dự phòng. Có tuần thần tài phù hộ, hắn bắt được mười mấy cân rắn, thu bạc triệu.

Ngoạn "liều" hãnh diện vì đã có nghề nghiệp đàng hoàng, không còn no đói thất thường nữa. Không những đủ cơm ăn, rượu uống, hắn còn mua gạch về xây được căn nhà nhỏ. Trong nhà đã có chiếc giường môđéc mới, bộ bàn ghế nhựa cùng phích nước, ấm chén. Khách đến mua rắn khá đông, nhưng Ngoạn trung thành với hai vị khách đầu tiên đến dạy nghề. Hai người này lâu lâu lại mời Ngoạn "liều" đi rượu thịt chó, chủ yếu là lấy lòng hắn, giữ mối.

Rồi làng Nụ thấy Ngoạn "liều" phành phạch chiếc xe Babetta, mà hồi ấy người ta hay gọi chơi là ba bét nhè. Xuống thị xã về, hắn thường huênh hoang với bọn trai mới lớn, rằng lũ gái làng xấu như Thị Nở mà còn ngu, chê hắn. Gái thị xã đẹp như tiên. Chơi đã đời. Ngoạn nghiện gái, cứ rượu vào là thấy người nóng rần rật, chỉ mong có tiền để đi nữa.

Chưa đầy ba năm, rắn trong động ít hẳn vì bị Ngoạn "liều" tàn sát, truy đuổi. Trong làng, lũ chuột cũng tự nhiên sinh sôi đông đàn, dài lũ phát khiếp. Chuột nhởn nhơ, ngang nhiên tranh giành miếng ăn với con người. Đàn gà mới lớn, đêm không úp lại, sáng ra chỉ còn đám lông đẫm máu. Ngô lúa ngoài đồng vừa xanh lá là lũ chuột xúm vào cắn xé như liềm cắt ngang cây. Ngoạn liều thường xuyên bị chuột cướp thức ăn vì hắn lười và đoảng vị. Hắn mua một con mèo về nuôi trong nhà để dọa chuột. Đêm chú mèo kêu yếu ớt: "Nheo! Nheo!". Đám chuột cụ ngứa mắt, xúm vào xé xác ông "tiểu hổ". Nỗi buồn phiền xưa cũ từ đâu lại kéo về làm tăm tối khuôn mặt già trước tuổi của Ngoạn. Hắn không còn no đủ, phởn phơ như trước, vì rắn trong động ít dần, rồi đi đâu mất sạch, có ngày chẳng bắt được con nào. Người hắn gầy rộc đi, mấy cục u trên mặt thều lễu, như to hơn.

Đã lâu lắm, Ngoạn chưa ghé miếu cây Nụ. Hôm ấy đói quá hắn dặt dẹo đi về phía hai tán cây hình lọng xanh. Vừa mở cánh cửa gỗ mục, hắn giật mình suýt ngã vì hàng loạt bóng đen lao ra. Hóa ra lũ chuột. Dân làng đem cúng thứ gì, lũ chuột chén trước cả thần thánh, đừng nói đến để phần cho Ngoạn "liều". Giận lũ chuột sôi gan, Ngoạn bỗng nghĩ tới món thịt chuột nướng hoặc nấu mẻ. Nghe nói thịt chuột khá ngon, ở ngoài ven sông, mấy làng còn có lệ sửa cỗ bằng thịt chuột. Ngoạn quyết định tuyên chiến với lũ chuột. Bắt được mấy con chuột đồng béo múp, hắn lột da, chặt bỏ đầu rồi đem ướp muối sả, mắm tôm, lá chanh đem nướng, quả nhiên là món thơm ngon. Lắc lư cái đầu tóc bờm xờm, hắn thốt lên: "Ngon thật! Thua đếch gì thịt chó".

Có tiếng xe máy chạy vào sân, tiếng chân chống xoành xoạch, tiếng đàn ông như nghẹt mũi. "Ối giời! chiến hữu lại uống rượu một mình? Sao lâu không thấy xuống thị xã?". Chẳng buồn nhìn lên, Ngoạn cũng biết đó là tay thầu rắn dưới phố. "Vẫn nhớ đến tớ cơ à? Có cái xe bán mẹ nó rồi, đi bằng gì? Có nhắm thì ngồi xuống đây!". Tay kia ngồi phịch xuống chiếc chiếu rách trải dưới đất, tự rót chén rượu làm một hơi: "Này chiến hữu! Khách bên kia biên giới đang đói hàng, nó lên giá rồi đấy. Anh em mình đã thừa tiền đâu mà ngồi uống rượu. Mà ông kêu hết hàng, sao có đĩa thịt rắn tổ bố thế này?". Ngoạn cười khìn khịt: "Làm gì còn! Tớ xơi thịt chuột trừ bữa đấy. Thử mà xem, ngon đáo để". Tay thầu rắn vỗ vai Ngoạn: "Sao bảo trong này có con rắn chúa. Bắt được nó nhốt một chỗ là rắn theo về hàng đàn, hàng lũ. Ông bắt được không?". Mắt Ngoạn "liều" đỏ ngầu: "Có nhìn thấy đâu mà bắt. Rắn chúa chứ rắn thần tao cũng đếch sợ". "Vậy thì đi tìm đi! Tớ đặt giá hai triệu đồng một cân đấy". Ngoạn "liều" bốc miếng thịt chuột, nhai rau ráu. "Ông cứ đùa dai! Rắn đéo gì mà những hai triệu, tớ chưa say đâu!". "Nói nghiêm chỉnh đấy. Tôi đặt tiền trước hai trăm nghìn này".

Sáng hôm sau, Ngoạn "liều" làm một bữa rượu thịt chó no say rồi cầm gậy sục vào Động Rắn. Hắn cũng ghé qua miếu, ngó nghiêng tìm kiếm chỗ hốc cây nụ, nơi mấy chục năm về trước ông đội trưởng sản xuất gặp rắn chúa. Hắn loạng choạng đi vào động, vấp vào bụi té ngã chỏng gọng. Vừa đứng dậy, Ngoạn bỗng dụi mắt. Phía trước mặt hắn, đang lướt trên đám cỏ tế kia chả là rắn chúa ư! Rắn chúa ngóc cái đầu có chiếc mào đỏ lên, lướt tấm thân trắng mốc chui vào đám tế rậm. Ngoạn mừng rú, vùng dậy đuổi theo. Dùng cây gậy đập rạp đám tế xuống, hắn vạch từng khóm cỏ, xoi mói. Được một quãng khá xa, Ngoạn "liều" mệt phờ. Linh tính làm hắn giật mình quay lại. Con mẹ nó! Sao lại ở phía sau rồi. Con rắn đã loáng thoáng bò về phía miếu cây Nụ. Ngoạn cuống cuồng đuổi theo. Hắn thấy mấy triệu bạc đang đốt nóng trong túi. Lối mòn lởm chởm đá cục, đầy vết chân trâu. Trên vách núi hình như có tiếng con gái cười giòn giã. Ngoạn nghĩ bụng: "Đứa nào cười giống con điên thế nhỉ?". Và hắn cứ đuổi, cứ đuổi, cứ đuổi miết…Tham vọng thì lớn mà món lợi lại chạy nhanh quá. Không nản lòng hắn vẫn miệt mài đuổi…

P.P.Q.
.
.