Quê ngoại

Thứ Năm, 20/04/2017, 08:16
Mẹ tôi gọi điện thoại nhắc: “Sắp xếp công việc mà về giỗ bà nhé. Đã lâu lắm rồi cả nhà không gặp mặt đông đủ. Năm nay tròn 10 năm bà mất, con ạ! Bận gì cũng phải về, mà giỗ bà lại đúng vào ngày chủ nhật đấy”... Giọng mẹ vừa yêu cầu, vừa như nài nỉ khiến tôi buộc phải vâng dạ chứ thực tâm tôi chưa dứt khoát có về được hay không.

Cuộc điện thoại của mẹ khiến tôi như được “reset” một miền ký ức. Ừ nhỉ, lâu lắm rồi mình không về thăm quê ngoại, một làng quê thanh bình được bao bọc bởi những rặng tre ngút ngàn soi bóng bên dòng sông Đáy êm ả. Bờ xanh bãi vàng quê tôi thời ấy đâu đâu cũng là lúa, là dâu mướt mát. Vào mùa xuân, những con đường làng lát bằng gạch nung đã ngấm màu rêu phong như được trải tấm thảm màu trắng lam vì lớp lớp hoa xoan tiếp nối nhau trút xuống sau mỗi ngọn gió đông hây hẩy.

Trên cánh đồng làng tưởng chừng xanh bất tận, lác đác được điểm xuyết những cây gạo lừng lững với muôn vàn bông hoa tựa đốm lửa nhỏ rực cháy giữa nền trời. Những dãy núi đá vôi trập trùng xa xa phủ màu khói lam hư ảo ẩn chứa bao điều đối với một thằng bé là tôi… Haiza, quê mình cũng có thể ví với cảnh “Dâu lúa đầy đồng, hoa đầy núi” – tôi chợt so sánh.

Tối thứ bảy, mẹ điện tiếp: “Mai chắc chắn về con nhé. Ngoài đám giỗ bà, còn có việc hệ trọng khác nữa”. “Việc gì mà mẹ bảo hệ trọng?”. Mẹ không trả lời ngay, mẹ muốn biết chắc chắn tôi có về hay không rồi bảo: “Mai về mẹ sẽ nói… Chuyện dài lắm!”. “Vâng con về. Sớm mai cả nhà con sẽ về!”. Qua điện thoại, tôi nghe tiếng mẹ thở phào hài lòng.

Cả đêm tôi trằn trọc, phần vì bỗng thấy lại cảm giác háo hức sắp được về quê, phần vì câu chuyện “hệ trọng” mà mẹ tôi định nói. Đến khi chập chờn chìm vào giấc ngủ, tôi thấy mình lũn cũn theo bà ngoại ra sân kho hợp tác trong một ngày mùa rộn rã. Từng chiếc xe trâu kẽo kẹt chở những bó lúa vàng ươm nối nhau đậu dọc con đường đất ven sân kho. Tiếng nói cười í ới giục nhau vác lúa vào chất thành đống.

Nhanh thoăn thoắt, bó lúa được các cô chú xã viên ngoặc vào chiếc néo và nhịp nhàng đập xuống cối đá; mỗi nhát đập, muôn vàn hạt lúa bật tung lên, rơi rào rào xuống tấm cót. Rơm sau đó được chuyển ra trải đều ở một góc sân để vài người kéo trụ đá lăn qua lăn lại mong tận thu những hạt lúa còn sót. Cả sân kho hợp tác vàng ruộm màu lúa, màu rơm rạ và râm ran tiếng nói cười… Đó là bức tranh quê tươi rói đã hằn sâu trong kí ức của tôi.

Bà chỉ sinh được hai người con gái là mẹ tôi và dì út. Ông ngoại thuộc thế hệ những người lính đầu tiên “đi B”. Trong một trận đánh ác liệt với quân Mỹ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông bị một viên đạn xuyên qua bắp chân. Vết thương không nguy hiểm nhưng do bị nhiễm trùng, ông phải ra Bắc điều trị rồi được phục viên.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Nhiều năm vò võ nuôi con chờ chồng, bà mừng lắm khi ông trở về trong niềm hãnh diện của một người lính đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc. Ông tôi vừa tham gia công tác ở xã, vừa phụ giúp bà làm vườn ruộng nên cuộc sống cũng tạm ổn. Khi mẹ tôi học cấp III thì ông bà sinh thêm được dì út. Biết bao gian khó dần trôi qua trong cảnh chiến tranh chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Mẹ tôi kể, trai tráng thời đó đua nhau ra mặt trận, cả làng hầu như không thấy bóng dáng thanh niên. Tối tối, chỉ có người già, đàn bà và trẻ em túm tụm uống nước vối rồi kể cho nhau nghe những tin tức mặt trận. Nào là tuần trước đánh lớn ở đâu, bao nhiêu xe tăng địch bị bắn cháy, hôm qua một “Thần Sấm” tan xác trên bầu trời huyện mình, giặc lái nhảy dù bị bắt sống…

Ông tôi có một chiếc đài bán dẫn nên nhiều người trong xóm thường đến uống nước, hàn huyên và cùng nghe tin tức mỗi buổi tối. Nhìn qua nhìn lại, toàn người già và trẻ em, ông cứ thở dài thườn thượt. Một hôm, ông bảo với bà: “Tôi không thể chịu mãi thế này được. Tôi lại đi đây. Bà ở nhà nuôi dạy hai đứa, tôi nhất định sẽ trở về!”. Bà tôi đành nuốt nghẹn vào trong tiễn ông lên đường tái ngũ. Đó là mùa xuân năm 1971.

Ngày tháng thoi đưa. Khi mái tóc bà thêm nhiều sợi bạc thì tin thắng trận dồn dập báo về. Sân kho hợp tác và những hàng nước dưới gốc cây đa ven bến sông trở thành nơi tụ tập của người làng. Họ ngước lên chiếc loa truyền thanh, giỏng tai nghe như nuốt lấy từng dòng tin quân ta đã tiến tới đâu và dự báo những trận đánh lớn cuối cùng. Rồi một hôm, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin quân giải phóng đã tiến vào Sài Gòn, cả làng như vỡ òa reo vui cùng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”…

Sau niềm vui là nỗi khắc khoải của xóm làng mong ngóng đoàn tụ người thân. Chừng vài tháng sau, đã có những người lính đầu tiên trở về làng. Trong bộ quân phục còn lấm bụi đường, nước da họ xám ngắt song nụ cười rạng rỡ và ánh mắt luôn tự tin. Thế mà mãi vẫn chưa có tin tức gì về ông tôi. Không ít buổi chiều, bà cùng dì út ra bến sông đau đáu ngóng sang bờ bên kia, mong chuyến đò ngang có bóng dáng của người lính bước chân lên thuyền.

Đến tối mịt, dì út phải giục: “U con mình về thôi. Chắc mai bố con mới về!”. Bà tôi lấy tay áo chấm hai bên khóe mắt rồi ngậm ngùi rời khỏi bến sông. Dì út năm ấy mới học lớp 2 nhưng có lẽ dì đã cảm nhận được nỗi sợ mơ hồ khi mãi không có tin tức của ông tôi.

Bố mẹ tôi khi đó vừa cưới nhau và công tác trên huyện nên cuối tuần mới về nhà thăm bà. Mẹ tôi kể, lần nào về nhà bà cũng nhắc: “Anh chị đi công tác nhà nước, chắc cũng quen biết nhiều, phải nhờ người ta chứ. Hoặc đánh điện vào Nam hỏi xem ông ấy thế nào?”. Nửa năm sau thì có tin của ông tôi. Đó là một tờ giấy báo tử, được đại diện Huyện đội và chính quyền xã đến tận nhà trao cho gia đình. Bà tôi như hóa dại và đổ gục xuống sau bao mòn mỏi đợi chờ. Liền hai tuần bà ốm nặng, cứ miên man nằm trên giường hết gọi tên ông tôi lại gọi con cháu trong nhà.

Nỗi đau rồi cũng qua đi. Một thời gian sau, bà gượng dậy làm lụng nuôi dạy dì út và chăm bẵm đứa cháu ngoại là tôi rồi lần lượt hai đứa em nữa của tôi. Bà, mẹ và cả nhà tôi đều thương dì út mồ côi cha. Dì út lớn dần, xinh xắn và học giỏi nhưng thi thoảng, dì lại bị ngất. Bố tôi đưa dì lên bệnh viện huyện rồi về Hà Nội khám, bác sĩ kết luận dì mắc bệnh tim! Cả nhà tôi choáng váng, lo lắng cho tương lai của dì. Sau này, Bệnh viện Bạch Mai còn kết luận dì út bị di chứng chất độc da cam – dioxin từ người cha đi chiến trường!

Nhưng dì út càng lớn càng xinh và học giỏi có tiếng ở trường huyện. Tôi nhớ mỗi buổi dì út đi học, mái tóc dài mềm mại chảy theo chiếc eo thon của dì. Nụ cười mộng mị như hút hồn của dì đã khiến bao trai làng ngơ ngẩn tìm cách làm thân với tôi bằng những món quà trẻ thơ như chục viên bi đất sơn xanh đỏ, vài bánh pháo tép… để lấy lòng dì.

Hết cấp III, dì út thi đậu Đại học Y nhưng nhập học không được bao lâu thì phải trở về quê vì sức khỏe yếu. Địa phương ưu tiên cho dì đi học lớp y tá rồi về làm việc ở trạm y tế xã. Người làng bảo, bà tôi là người hiền lành, phúc hậu, để lại phúc cho con. Con gái đầu, cùng chàng rể đều thành đạt trên huyện. Con gái út thì xinh xắn, ngoan ngoãn và làm việc ngay ở xã, lại có chuyên môn để chăm sóc sức khỏe cho mẹ…

Tôi dần lớn và hiểu được chuyện nhà. Có lần trong đám giỗ ông ngoại, tôi nghe câu được câu chăng bà khấn, mong ông phù hộ cho dì út có được tấm chồng tử tế để bà có thêm cháu bế. Năm tôi học cấp II thì dì út có người yêu. Chú tên Thắng, đang là lính công binh, nhìn rắn rỏi, khỏe mạnh.

Mẹ tôi kể, ngay khi mới tìm hiểu nhau, dì út đã nói thật bệnh tình nhưng chú Thắng bảo: “Anh biết, nhưng anh không sợ. Được người xinh xắn, nết na như em là nhất rồi!”. Gia đình chú Thắng là người cùng làng và bố mẹ chú đã có cơi trầu qua thăm bà tôi, đặt vấn đề cho đôi trẻ tìm hiểu nhau. Trong lần nghỉ phép năm ấy của chú Thắng, hai bên gia đình ước hẹn, sau khi chú ra quân, sẽ tổ chức ăn hỏi và đám cưới vào dịp đầu xuân năm mới. 

Dì út vui một thì bà tôi mừng mười. Dì qua lại gia đình chú Thắng như một nàng dâu thực thụ, dù chú vẫn biền biệt đời lính và gần một năm nữa mới được ra quân. Bố mẹ tôi cũng khấp khởi chả kém vì rất thương dì mồ côi cha lại thiệt thòi không được khỏe mạnh như bao người.

Một hôm, dì út khoe với mẹ tôi mới nhận được thư chú Thắng gửi từ Đà Nẵng. Chú thông báo, sắp được ra quân nhưng có nhiệm vụ đột xuất nên thời gian chú về quê sẽ xê dịch độ một hai tháng. Chờ mẹ tôi đọc xong lá thư, dì thở dài nói: “Em cứ thấy lo lo!”. Mẹ cười, bảo: “Sốt ruột vì muốn có cháu cho bà bế chứ gì?”. Dì út không trả lời, ánh mắt dì nhìn vào khoảng không gian vô định và nở một nụ cười xa xăm.

Tin giặc tấn công Trường Sa, chiếm đảo Gạc Ma lan nhanh khắp làng trên xóm dưới. Mấy hôm sau, có tờ báo đăng danh sách bộ đội ta hi sinh trong cuộc chiến không cân sức bảo vệ đảo. Cả nhà tôi điếng người khi đọc tới tên chú Thắng! Dì út ngất lên ngất xuống. Bà tôi thì hết oán thân lại trách phận. Gục đầu bên bàn thờ ông, bà khóc: “Ông ra đi còn để lại cho tôi hai đứa con. Cái Duyên nó phải chịu thiệt thòi nhiều đường, nay lại gánh thêm nỗi đau này liệu nó có vượt qua được không?”.

Dì út câm lặng như một chiếc bóng sang nhà chú Thắng đội khăn tang trong lễ truy điệu chú. Tại buổi lễ trang trọng ấy, mọi con mắt đều đổ dồn vào dì với sự thương cảm, tiếc nuối cho một mối tình, cho thân phận của dì tôi và cũng là của bao người phụ nữ phải chịu cảnh vọng phu trên đất nước này…

Thời gian qua đi, dì út trở lại với cuộc sống bình thường nhưng dù được cả nhà và bạn bè động viên an ủi, dì vẫn là một chiếc bóng lẻ loi. Dì xin phép bà tôi và gia đình chú Thắng được lập một ban thờ ở nhà bà ngoại để hương khói cho chú. Mẹ tôi không dám ngăn cản vì dì bảo: “Em đã là dâu nhà anh ấy rồi!”. Hằng đêm, dì thắp hương rồi trò chuyện với chú trước khi chìm vào giấc ngủ với chiếc gối đã thấm bao nước mắt của dì. Cứ đến ngày 14-3 dương lịch hằng năm, dì út lại tới nghĩa trang liệt sỹ thắp hương cho chú Thắng. Bên nấm mộ được cắm những bông hoa cúc trắng, dì ngơ ngẩn miết tay vào tấm bia, sờ vào những hàng chữ được khắc chìm và đôi mắt huyền ảo của dì đẫm lệ…

Sau khi bà ngoại mất vài năm, bố mẹ tôi bảo sẽ chuyển công tác cho dì lên bệnh viện huyện và mời dì đến ở cùng gia đình tôi cho có chị có em, có dì có cháu. Thế nhưng đã nhiều năm dì út vẫn không đồng ý, dẫu cho dì rất thương yêu chúng tôi. Dì bảo với bố mẹ tôi: “Số em nó thế. Em phải ở nhà hương khói cho bố mẹ và anh Thắng!”. Phần tôi, học xong đại học tôi ở lại thành phố lập nghiệp và những lần về quê ngoại ngày càng ít. Kí ức tuổi thơ cũng dần phôi phai theo tháng ngày mưu sinh nơi phố thị đầy bon chen và cám dỗ.

Nhưng lần này, mẹ nhắc về giỗ bà và bảo có chuyện hệ trọng, nên tôi không thể không về.

Đám giỗ bà hôm đó rất đông, ngoài gia đình gồm bố mẹ, vợ chồng con cái ba anh em tôi, còn có cả chú Lợi, em trai chú Thắng và một người đàn ông tầm tuổi trung niên. Dì út tuổi xuân đã sắp cạn ngày nhưng vẫn hiển hiện nét đẹp thùy mị, đằm thắm. Lâu lắm tôi mới ngắm kĩ dì. Mái tóc dì không còn óng mượt nhưng khuôn mặt vẫn thánh thiện, vẫn nụ cười đẹp đến mộng mị. Đôi bàn tay của dì đã nổi những đường gân xanh nhưng mềm mại như tay của một nghệ sĩ dương cầm.

Cỗ bàn tươm tất, mọi người thành kính thắp hương cho ông bà và cả ban thờ của chú Thắng. Rồi tôi cũng được biết việc hệ trọng của gia đình. Mẹ nói mà như kể một câu chuyện dài, một cuốn nhật kí những dấu mốc cuộc đời của ông bà tôi và dì út. Thi thoảng, mẹ lại nghẹn lời, lấy tay chấm nước mắt rồi mới nói tiếp được khiến dì út và nhiều người cũng sụt sùi.

Chốt lại, mẹ nói: “Em tôi là người con, người em hiếu thảo với gia đình và tình nghĩa với bà con chòm xóm. Em tôi thủy chung với mối tình đầu của nó nên hơn 20 năm sau ngày chú Thắng hi sinh, em vẫn lẻ bóng một mình... Nỗi đau nào rồi cũng dần nguôi ngoai. Nay ông trời run rủi cho em tôi gặp được người nó thương yêu và hai bên đều thông cảm được với nhau. Đó là chú Hiếu – mẹ chỉ vào người đàn ông trung niên, giới thiệu. Gia đình tôi rất mừng. Nhân ngày giỗ mẹ, chúng con kính cáo ông bà tổ tiên và bố mẹ, để em con được nên duyên với chú Hiếu...”.

Đám cưới dì út được tổ chức gọn nhẹ sau ngày giỗ bà tôi đúng một tháng. Chú Hiếu cũng là một cựu binh từng nhiều năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Chú Hiếu phải dùng chân giả, đi hơi cà nhắc và đang làm công tác mặt trận của xã. Nghe mẹ tôi kể, chú từng có một đời vợ. Khi đứa con gái của chú Hiếu với người vợ đầu lên 3 tuổi thì vợ chú qua đời vì bạo bệnh. Bố mẹ chú Hiếu đã mất từ lâu nên cảnh gà trống nuôi con khiến căn nhà của hai cha con chú càng thêm trống vắng.

Dù nhiều người đánh tiếng mai mối nhưng chú chỉ cười, bảo: “Thương con cún mất mẹ sớm, tôi chưa nghĩ tới việc đó!”. Khi đứa con gái hơn 10 tuổi, chú Lợi, người bạn thân cùng nhập ngũ một lượt với chú Hiếu, chắp nối với dì út thì chú thuận tình…

Hôm đám cưới, chú Hiếu ngượng nghịu trong bộ vét màu xám, bước khập khễnh bên cô dâu thướt tha bộ áo dài màu cánh sen. Trước vẻ lúng túng của chú Hiếu, chú Lợi với vai trò MC rất hoạt ngôn, chọc: “Trên chốt ông “gấu” lắm, quần nhau với tụi nó cả ngày không ngán mà sao giờ cứ như gà mắc tóc vậy?”, làm cả hội hôn nghiêng ngả cười; còn dì út càng thêm ửng hồng đôi má trong niềm hạnh phúc muộn mằn.

Cả nhà đều mừng cho dì út. Tôi cũng năng về thăm bố mẹ tôi nghỉ hưu tại thị trấn huyện, rồi cùng về quê thăm vợ chồng dì út, thắp hương cho ông bà tôi. Chú Hiếu chiều dì lắm, đồng ý về ở cùng dì trong căn nhà của ông bà ngoại tôi để tiện việc hương khói, thờ phụng; nhưng sâu xa, tôi nghĩ chú muốn dì tôi cảm thấy cuộc sống không bị xáo trộn nhiều sau bao năm tháng lẻ loi một mình một bóng…

Thời gian vùn vụt trôi qua. Một buổi chiều muộn, mẹ tôi bất ngờ gọi điện, hổn hển nói: “Con đến ngay Bệnh viện C. Mẹ đang đưa dì út lên đó sinh em!”… Tôi đang trên đường trở về nhà vội quay đầu xe, nhưng đường phố giờ tan tầm khiến tôi mãi mới tới nơi. Oanh, cô bạn bác sỹ cử một y tá ra tận cổng viện đưa tôi vào.

Nhìn ánh mắt lo lắng của cô y tá, tôi không khỏi hoang mang… Tôi cùng mẹ, chú Hiếu và mấy người nữa thấp thỏm đứng chờ ở hành lang cách phòng mổ không xa. Không ai nói với ai câu nào, chỉ nghe rõ tiếng từng chiếc lá bàng rơi trên sân bệnh viện. Chú Hiếu nhấp nhổm đứng ngồi không yên, cứ khập khễnh đôi chân dọc hành lang bệnh viện rồi ra một góc sân rít hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác.

Ánh mắt chú đăm chiêu, đầy căng thẳng, vầng trán cao lấm tấm những giọt mồ hôi… Lát sau, có tiếng trẻ con oe oe khóc từ phía phòng mổ. Rồi Oanh vội vã bước ra nói với mẹ tôi: “Là con trai. Khóc khỏe lắm bác ạ!”. Mẹ tôi chưa kịp vui mừng thì chú Hiếu lập bập hỏi: “Còn vợ tôi thế nào?”. Oanh không trả lời ngay mà nhìn về phía phòng mổ, run run nói: “Chúng cháu đang cố chạy đua với tử thần!”… 

Truyện ngắn của Trần Duy Hiển
.
.