Quê cũ người xưa

Thứ Năm, 03/08/2017, 08:28
Sau vài năm trở về, ông có nghe người nhà loáng thoáng nói, cái người nhà ông dạm hỏi vẫn đợi ông, nhưng ông đã dặn lại người nhà bảo họ đừng đợi nữa mà lỡ dở, vì ông phải ở lại Hương Sơn tận Hoan Châu phụng dưỡng mẹ già. Lẽ nào lại chính là người con gái ấy, vậy ra ông là người phụ tình đã hại người ta lỡ dở cả một đời sao?

Đêm Kinh thành tháng tám chẳng hề yên tĩnh. Sắp vào rằm trung thu nên những âm thanh chuẩn bị cho lễ tết cứ thi thoảng vọng vào nơi Hải Thượng nằm bên cạnh cửa sổ. Nào tiếng thậm thịch của cối giã bột làm bánh, tiếng thử trống kèn, thì thùng, chập choeng, rồi cả mùi hồ bột chua chua tan loãng trong gió, khiến cho ông càng thêm khó ngủ. Suốt từ nửa đêm tới giờ ông cứ trằn trọc mãi. Nỗi nhớ nhà như cơn gió lạnh luồn vào từng thớ thịt  làm ông càng thêm tê buốt.

Hải Thượng trở dậy, ông khoác thêm tấm áo mỏng rồi đẩy cửa bước ra ngoài hiên. Một con chim ăn đêm bỗng vụt qua trước mặt, cất tiếng kêu eng éc. Ồ con chim lợn. Con chim này thường báo hiệu những điều không hay đây. Nghĩ vậy nhưng Hải Thượng vẫn ngước mặt ngắm trăng, cảm thấy lòng thư thái, như thể ông đang ở chốn quê nhà, đúng là dù có ở đâu thì trăng vẫn thế, vẫn hồn nhiên và trong trẻo.

Thấm thoắt thế mà cũng đã mấy tuần trăng rồi, ông phụng mệnh Chúa Thượng lên kinh chữa bệnh cho Thế tử. Thực ra Thế tử chẳng có bệnh gì mà chỉ vì ở nơi màn treo trướng rủ quá kỹ, ăn quá no, mặc quá ấm mà sinh ra tạng phủ không thích nghi với khí hậu bên ngoài nên yếu đi. Lại thêm các ngự y tranh nhau tiến cử các bài thuốc có tính công phạt mạnh, cốt để trừ con bệnh mà không có thuốc bổ dưỡng nên nguyên khí càng ngày càng hư hao thương tổn.

Bỗng tiếng thằng tiểu đồng rụt rè phía sau lưng Hải Thượng: "Bẩm cụ, con đã pha trà sẵn, mời cụ vào trong nhà kẻo sương lạnh" "Thôi khỏi trà, mang cho ta chén rượu và cây đàn ra đây. Đêm nay ta muốn thưởng nguyệt, ngâm thơ". Tiểu đồng lặng lẽ trở vào ôm cây đàn ra. Hải Thượng cầm đàn so dây rồi gảy vài khúc, nhưng càng gảy càng thấy buồn, tiếng đàn cứ rời rạc, đứt nối như nỗi lòng ông trong đêm vắng.

Đêm kinh thành với ông cũng không phải là xa lạ, đã một thời trai trẻ ông từng sống nơi đây với những đam mê hoài bão, đã từng thức trắng đêm mài miệt binh thư quyết trở thành một võ tướng trong cuộc binh đao khói lửa đang lan tràn khắp nước. Thế mà rồi ông bỗng quăng gươm trả tướng, rũ hẳn 10 năm mài miệt binh đao để trở về với chốn bình yên nơi thôn dã, mong thoát hẳn cảnh đầu rơi máu chảy và bổng lộc chốn quan trường. Cái danh đã không màng thì nơi ngọc ngà nhung lụa cũng chỉ là thứ phù du. Song, cái nghề nó lại chẳng buông tha ông rũ hẳn chốn phồn hoa đô hội.

Suốt mấy tuần trăng rồi ông vẫn chỉ loanh quanh trong kinh thành đợi thánh chỉ của Chúa Thượng. Bệnh của Thế tử ông đã rõ, nhưng bài thuốc của ông vẫn không được các ngự y trong triều chấp thuận. Âu cũng là cái sự đời chốn công danh. Ông nghĩ bụng mình đã trót ba mươi năm lao tâm khổ tứ để theo nghề y, quyết không phải để kiếm một cái danh mà chỉ muốn đem hết sức mình cứu giúp đồng loại, đóng góp với đời, xây dựng một nền y học cho nước nhà. Nhưng suốt những ngày ông ở đây như con chim bị nhốt trong lầu son.

Mọi việc đi lại của ông đều phải được quan chánh đường cho phép. Khổ nỗi tiếng tăm của ông thì không nhốt được. Nó cứ âm thầm len lỏi vào khắp mọi nơi từ chốn quan trường đến nơi kẻ chợ. Từ quan lại đến lính tráng trong kinh nghe tin ông đang ở chốn kinh kỳ thì đều thì thọt đến xin ông đơn thuốc, nhờ ông bắt mạch, hoặc bí mật vời ông đến nhà thăm bệnh. Bởi vậy mà ông cũng đỡ tù túng chân tay.

Minh họa: Đào Quốc Huy

Khúc nguyệt cầm vừa chảy dứt dưới tay ông thì dòng âm thanh cũng  đưa ông về một bến sông hoang vắng, nơi có con đò nhỏ, cũ kỹ tồi tàn mà người lái đò lại là một cô gái có khuôn mặt sáng như trăng rằm. Chuyến đò trong tinh sương ấy ông đã dùng dằng chẳng muốn bước đi bởi cái ánh mắt buồn thăm thẳm như níu kéo, như cầu cứu, như muốn nói với ông một điều gì đó. Khi đò cập bến, ông đang định rút hầu bao lấy tiền thì cô lái đò ngăn lại: "Tôi không lấy tiền của nghĩa quân đâu". "Tôi không còn là nghĩa quân nữa". Nhưng cô gái vẫn lắc đầu, rồi mỉm cười khi mũi thuyền đã quay nghiêng về phía bên kia: "Nếu muốn trả,  thì xin lần sau trở lại tôi sẽ nhận".

Cậu Chiêu Bảy hồi đó đã đứng ngẩn ra cho đến khi con đò hút vào trong sương sớm như một cánh chim vút bay lên bầu trời đầy mây. Phải chăng đó là một lời hẹn ước? Cô gái sẽ đợi, còn cậu, lúc đó cậu cũng thầm nhủ sẽ quay lại. Vậy mà,  phải đến mấy mùa trăng sau khi cậu có dịp quay lại bến sông thì con đò đã thay người chủ mới. Ông già chở đò bảo rằng: "Cô ấy đi lấy chồng rồi, ở tận trên miền ngược kia". Sao nàng đã hẹn mà không đợi? Hay còn điều chi uẩn khúc mà đôi mắt nàng cứ thăm thẳm buồn và rớt xuống cả bao trang sách của cậu.

Mới sáng nay, lính hầu vào báo có hai bà sư già đến khuyến hóa, nghe nói ở chùa Huê Cầu có đúc một quả chuông to, công quả vẫn chưa xong nên phải đi khuyến hóa tiếp. Hải Thượng niềm nở cho mời hai bà sư vào nhà và hỏi han, được biết một bà trụ trì ở chùa Huê Cầu, một bà trụ trì ở chùa Yên Tử. Nghe nói đến làng Huê Cầu bỗng dưng Hải Thượng cảm thấy bâng khuâng như đang được trở về quê cũ xa xăm, một thời đèn sách.

"Tôi cũng người làng Liêu Xá đây, nhưng đã tị loạn vào quê mẹ ở Hương Sơn, đất Hoan Châu đã gần 30 năm rồi, nay có chiếu triệu về kinh thành chữa bệnh cho Thái tử, những ngày ở đây cũng tiêu điều lắm mà chưa được một ngày về thăm cố hương". Bà sư ở chùa Huê Cầu bỗng dưng ngượng ngập, thẹn thùng vội cụp hàng mi dài thưa thớt xuống, rồi giục bà kia cáo từ. "Ta đi thôi" - dù Hải Thượng đã cố nài nỉ ở lại để thăm hỏi tin tức quê nhà.

Lẽ nào một trong hai bà sư ấy lại chính là nàng? Ừ, sao đôi mắt của sư già ấy lại nhìn ông như hờn như giận, lại như quyến luyến. Nó giống đôi mắt  thuở nào đã từng ám ảnh ông đến tận bây giờ.

Sau khi đã trao tiền khuyến hóa cho hai bà sư, Hải Thượng vội vàng sai lính hầu bí mật bám theo hai vị sư già xem họ ăn nghỉ ở đâu rồi về báo lại. Một lúc sau lính hầu trở về cho biết hai bà đang trọ ở chùa Liên Hoa, họ mới đến chắc còn phải khuyến hóa lâu.

Vậy ra bà sư ấy cùng quê với ông, liệu có gì liên quan đến thời thơ ấu của ông không nhỉ. Mà sao ông cứ bị ám ảnh bởi cái ánh mắt lạ lùng của người đàn bà luống tuổi. Cái thời cậu Chiêu Bảy vẫn cởi trần đóng khố nhảy tùm tùm xuống ao làng cùng tắm với lũ trẻ trâu. Chiêu Bảy là con nhà quan, nhưng cậu đâu có bỏ được những đam mê của kẻ mục đồng. Nào là cu Sẻ, cu Rô, hĩm Ri, hĩm Thóc… những đứa trẻ  tanh nồng mùi bùn đồng quê ấy.

Không, không thể, ánh mắt của bà sư già này không hề mang vẻ hoang dã  quê  mùa mà thăm thẳm kiêu sa đọng đầy chất chứa. Là ai nhỉ? Thời trai trẻ ta mải nghiền ngẫm binh thư, võ lược mà quên đi những nét liễu dáng tơ. Không hò hẹn cùng ai mà cũng chẳng có ai hò hẹn. Chỉ có ánh mắt cô lái đò hôm ấy bỗng làm cho tim ta mềm lại.

Hôm sau Hải Thượng quyết vào phủ để xin phép quan Chánh đường về thăm quê nội ít ngày. "Không được". Quan Chánh đường nói - "Nay bệnh của Thế tử vẫn chưa thuyên giảm, việc thuốc thang cứ phải hỏi đến luôn, nếu có mệnh hệ gì triệu vào cung thì biết làm thế nào". "Tôi xa quê đã lâu, mồ mả ông cha chưa một lần được ấm khói hương của tôi. Vì nghèo khổ mà tôi đành thất hiếu với ông cha. Nay đội ơn Chúa Thượng được triệu về Kinh chữa bệnh cho Thế tử cũng đã hơn nửa năm rồi, mà vẫn chưa một lần về thăm quê nội, làm con như vậy thực chẳng đành lòng. Quê tôi cách Kinh thành có nửa ngày đường, nếu có việc gì gấp thì chỉ trong một ngày là tôi có thể về được thôi, xin cụ lớn thương cho".

"Thôi được, cụ phải làm một tờ khải xin phép về quê để cải táng mồ mả, sau đó phải lên Kinh để chầu chực thuốc thang".

Hải Thượng mừng rỡ khôn xiết như con chim được sổ lồng, cánh cửa thành từ từ mở, dù bầu trời còn tối nhưng làn gió từ sông Hồng thổi ào tới khiến cho Hải Thượng có cảm giác như vừa từ trong một ngôi nhà tối tăm bước ra ngoài ánh sáng. Đến bến Thanh Trì trời mới mờ mờ sáng, dòng sông vẫn còn đẫm đặc sương, Hải Thượng bước lên thuyền, con thuyền chao đảo một lúc rồi quay mũi lướt đi. Ông nhắm mắt thầm ước khi mở mắt ra, trên thuyền sẽ là cô lái đò năm nao và cậu Chiêu Bảy thuở nào:

"Lưu lạc giang hồ ba chục niên
Bằng nay sông Nhị lại lên thuyền
Nghìn dòng đất bằng tuôn nước xuống
Tam Đảo trời xa tung mây lên
Thú mới tình xưa còn man mác,
Lòng quê nỗi khách bỗng liên miên
Nay vâng chiếu mạng về Kinh quốc
Được cùng thân bằng cười một phen".

(thơ Hải Thượng Lãn Ông; dịch: Phan Võ)

Làng Liêu Xá cũng không có nhiều thay đổi, cảnh thì vẫn cũ chỉ có người xưa thì đã người còn người mất, người phiêu dạt tận nơi đâu. Đám lính hầu tất bật lo cho ông chỗ nghỉ tại dinh của cụ thân sinh, cũng là dinh của ông anh cả Hải Thượng. Gặp lại người thân mừng mừng tủi tủi, nói cười ríu rít nhưng vẫn sụt sùi.

Có người ông không thể nhận ra, có người phải nói tên cúng cơm ông mới à hà nhận ra một cách mập mờ. Chỉ có căn nhà thuở xưa của ông là không thay đổi, vẫn chiếc giường gỗ đã lên nước đen bóng màu thời gian, vẫn chỗ ông ngồi học năm nào, có cánh cửa sổ khép hờ mở ra nhìn thấy khu vườn đầy hoa trái, những khóm hoa nhài lốm đốm những nụ hoa trắng muốt, thoảng một mùi hương trà nhài mà cha ông vẫn ngồi độc ẩm giống hệt ông bây giờ. Hải Thượng thơ thẩn đi dạo trong vườn với một nỗi lòng buồn bã. Ngày mai ông phải đến chùa Huê Cầu.

Sắm sửa vàng hương, ông cùng vài người thân trong gia đình đi viếng mộ tổ tiên rồi sau đó ông bảo người nhà cứ về trước, ông phải đi thăm thú vài nơi trong làng gặp gỡ những người bạn cũ.

Ngôi chùa làng Huê Cầu quả là ở một nơi heo hút, nằm trên một ngọn đồi thấp, cây cối xung quanh rậm rạp che khuất cả ngôi chùa, quang cảnh thật thê lương khi chiều xuống. Hải Thượng cùng tiểu đồng nhẹ bước vào đến tận sân mà chú tiểu đang lúi húi nấu cơm trong bếp cũng không nhận ra có khách. "A di đà Phật, xin hỏi trong chùa có ai không ạ". Chú tiểu đang cong mông thổi lửa giật mình vội chạy ra, chú không nói gì mà chỉ múa máy chân tay một hồi rồi chạy vội vào khu Tam bảo. À ra chú bị câm.

Một lúc sau, có một ni cô còn trẻ đi ra chắp tay đáp lễ: "Mô Phật, tín chủ đi lễ chùa?". "Vâng, tôi là người xa quê, lâu ngày trở về muốn đi thăm lại vài nơi, cho tôi được thắp hương bái Phật". Sau khi thắp hương lễ phật xong ông được ni sư mời uống nước trà vối có hương vị lá cơm nếp rất thơm. "Vậy ra sư thầy đi khuyến hóa chưa về?". Chắc thầy còn phải đi khuyến hóa lâu. "Xin hỏi, sư thầy người đâu ta?".

"Thầy người làng Huê Cầu đây, cũng vì cuộc đời dang dở mà thầy mới chọn nơi cửa Phật. Thầy vốn là con quan Thừa Tư tham chánh ở Sơn Nam, ngày trẻ cũng đẹp gái lắm, năm 14 tuổi có nhà quan bên Liêu Xá sang đặt cơi trầu, dạm hỏi tiểu thư, nghe nói tiểu thư cũng bằng lòng, rồi không hiểu vì sao mà bên nhà gái đợi mãi vẫn không thấy nhà trai sang xin dâu. Cho đến khi quan Chánh sắp qua đời, người anh trai ép gả cho một anh đồ trong làng, nhưng tiểu thư cũng nhất quyết không đồng ý.

Cũng nhiều công tử con quan đến dạm hỏi nhưng tiểu thư đều bảo rằng tiểu thư đã nhận trầu người ta rồi thì coi như là gái đã có chồng, sẽ không lấy ai nữa, chỉ đến bao giờ đằng trai kia chính thức xin từ hôn mới thôi, nhưng rồi, tiểu thư cứ chờ mãi mà vẫn không thấy công tử nhà kia đến hỏi. Duyên bẽ bàng, tiểu thư  cũng đã lỡ thì, nên vào quy y nơi cửa phật, hồi đó sư trụ trì chùa này đã già yếu cũng sắp viên tịch, nên thầy nguyện ở lại đây để chăm sóc khói nhang.

Hải Thượng lúc đó mới giật mình chợt nhớ lại, thôi đúng rồi ngày xưa gia đình cũng đã đi ướm hỏi cho ông một đám, nhưng ông không chấp thuận, không phải ông chê gì người ta mà vì ông đang mải lo học hành và luyện tập võ nghệ, chuyện tình duyên ông không hề màng đến, nên việc gia đình tự ý đi dạm ngõ, ông cũng chẳng quan tâm, rồi ông ra đi.

Sau vài năm trở về, ông có nghe người nhà loáng thoáng nói, cái người nhà ông dạm hỏi vẫn đợi ông, nhưng ông đã dặn lại người nhà bảo họ đừng đợi nữa mà lỡ dở, vì ông phải ở lại Hương Sơn tận Hoan Châu phụng dưỡng mẹ già. Lẽ nào lại chính là người con gái ấy, vậy ra ông là người phụ tình đã hại người ta lỡ dở cả một đời sao?

Có lẽ một trong hai bà sư hôm nọ đến khuyến hóa, chính là người mà năm xưa ông đã vô tình phụ bạc? Hèn chi, đôi mắt của người ấy nhìn ông như hờn như oán. Người ấy chắc đã nhận ra ông. Cuộc đời thật trớ trêu thay, người con gái năm xưa mà ông mong mỏi tìm lại thì mịt mờ sương khói, mà người ông không để tâm tới, lại vẫn mòn mỏi đợi chờ để đến bây giờ lá úa cành cong chỉ vì một lời ướm hỏi của các bậc sinh thành.

Trở lại kinh thành, ông lập tức tìm đến ngôi chùa mà hai bà sư đang trọ, chắc chắn họ vẫn chưa rời khỏi kinh thành. Một chú tiểu ra mở cửa lễ phép cúi đầu: "Mô Phật, thí chủ muốn vào thỉnh phật hay vãng cảnh"? "Tôi muốn hỏi chẳng hay trong chùa có một sư thầy đi khuyến hóa đang nghỉ tạm nơi đây".

"Mô Phật, dạ đúng, nhưng thầy đang ốm, để tiểu tôi vào báo lại". Một lát chú tiểu ra lắc đầu. "Tôi có biết tí chút về nghề thuốc, có thể giúp thầy chóng khỏi bệnh". Chú tiểu vẫn lắc lắc cái đầu trọc lốc: "Mô Phật, đa tạ thí chủ, thầy chỉ bị cảm nhẹ thôi, chắc vài hôm sẽ khỏi. Nhà chùa cũng có thuốc thang đầy đủ rồi, thí chủ cứ yên tâm, vài ngày nữa hãy đến gặp".

Vậy là bà đã từ chối gặp ông, bà giận con người vô tâm bạc nghĩa như ông cũng phải. Hôm đó biết ông không nhận ra, chắc bà buồn lòng lắm. Thời gian cũng vô tình như cơn gió, nó lặng lẽ lấy đi tuổi thanh xuân của mỗi người, đến nỗi ta cũng chẳng nhận ra nữa. Suốt mấy đêm rồi Hải Thượng trằn trọc không ngủ được, cứ nghĩ đến cảnh người con gái xinh đẹp thuở nào hằng ngày khép mình trong buồng the chờ người ta mang cơi trầu đến xin đón dâu, khước từ mọi lời ngỏ ý  của các bậc công khanh, để mòn mỏi chấp nhận cảnh bẽ bàng, là bị chồng bỏ rơi. Ta thật có trước mà chẳng có sau, dù vô tình mà mang tội với nàng quá, tội này không biết có cách nào gỡ được đây. Bây giờ gặp lại thật thương cảm cho nàng, giờ đây nàng đã là một người đàn bà tàn tạ cô đơn, ai sẽ lo cho bà khi thân tàn lực kiệt.

Nghĩ vậy Hải Thượng bỗng thấy lòng rối như tơ vò. Ta phải nuôi dưỡng chăm sóc bà cho trọn đời mới được, để mong chuộc lại cái tội ngày xưa, dù bây giờ bà có còn tình nghĩa với ta nữa hay không, nhưng bổn phận làm chồng dù chỉ là danh nghĩa  ta cũng phải đền đáp lại cái tình của bà đã dành cho ta thuở hoa niên.

Sáng hôm sau ông sai một người học trò, có tài ăn nói đến chùa Liên Hoa: "Ta có một việc này, anh phải cố hết sức giúp ta mới được". Nói rồi Hải Thượng kể rõ sự tình và dặn: "Hiện nay ta còn ở trong kinh thì việc chu cấp phụng dưỡng không khó, nhưng mai này ta trở về núi cũ chốn Hương Sơn, xa xôi cách trở thì làm sao mà giúp được. Ví bằng, nếu bà bằng lòng thì theo ta về Hoan Châu, nơi đó cũng có  một ngôi chùa, ta sẽ cung phụng đèn nhang và có thể chăm sóc bà đến trọn đời. Con hãy nói vậy xem bà có thuận không, để ta còn định liệu". Anh học trò nghe xong cảm động rưng rưng liền nói: "Giúp thầy là bổn phận của học trò, con xin đem hết lòng hết sức".

Anh học trò  ra đi từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về, báo lại với Hải Thượng: "Con đã đến chùa Liên Hoa, nhân lúc sư bà đã bớt bệnh ra khỏi giường, con thưa lại hết tâm nguyện của thầy, mong bà nhận lời. Bà cảm động lắm, sụt sùi trong nước mắt bảo rằng: Cảm ơn tấm lòng tốt của cụ. Tôi không gặp được chồng là do cái mệnh của tôi chứ có dám trách ai đâu. Nay tôi cũng già rồi, cái thân tàn này thì còn tiếc làm gì. Chỉ hiềm một nỗi, nhìn quanh quẩn, thân thích chẳng còn ai, phần mộ của cha ông cũng không có người coi sóc. Tôi đâu dám tìm đường no ấm một mình mà xa lánh quê cha. Xin ông về thưa với cụ. Tôi chưa được hưởng ân huệ của người, nhưng tấm lòng của người đã hiểu cho như thế cũng là đủ an ủi cho cái kiếp lênh đênh cô độc của tôi rồi".

Lòng đầy thương cảm, Hải Thượng nuốt nước mắt vào trong, ông nghĩ trong thời gian còn ở lại kinh thành, nhất quyết ông phải thực hiện bổn phận của mình là chăm sóc người đàn bà mà ông chưa từng được làm chồng. 
Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương
.
.