Quán bên đường

Thứ Hai, 22/05/2017, 08:12
Chiến tranh ác liệt. Ngày mai xe của tôi có thể bị máy bay Mỹ bắn tan xác. Và các cô gái đã nhiều năm ở rừng già này biết bao giờ trở lại quê hương. Tôi cầm tay Miên. Ánh mắt các cô kia cau lại khó chịu. Tôi biết ý, buông ra. Tất cả lại vui vẻ, cười nói râm ran...

Một đêm hè, tôi có việc qua vùng Trung du thượng nguồn sông Lục núi Huyền. Trời đầy sao, sương giăng mù mịt, chiếc Camry lao trên đường sỏi giữa hai triền đồi mênh mông ríu ran chim núi. Đường vắng, không gian hoang sơ, cảm giác cô đơn. Chợt thấy ánh lửa quán ngã ba đường, tôi dừng lại. Ánh đèn bão vàng đục, cô chủ quán áo sực nức mùi mồ hôi và mùi cỏ dập. Đường về thành phố còn xa, tôi vào đây nhẩn nha nghe tiếng chim núi cái đã.

Chén trà thơm bốc khói. Bát cháo gà ấm bụng. Cô chủ quán dong dỏng cao, óng ả, xinh xắn, cười nói thân tình.

- Em ở đây đêm khuya một mình không sợ à?

- Những người khách qua đường là bạn - Cô trả lời vẻ "triết lý".

Mà có khi đúng thế thật. Cô mủm mỉm cười, có duyên, dễ thương, dễ gần, chúng tôi nói chuyện linh tinh. Một lúc thế nào hóa ra hai anh em đồng cảnh: Tôi xưa là lái xe Trường Sơn, còn cô cũng là thanh niên xung phong nhiều năm ở đấy… Cả hai chúng tôi ríu rít thân tình.

Cô tên là Huyền. Cô bảo ở đây có nhiều đứa con gái tên Huyền lắm. Là vì có núi Huyền soi bóng xuống dòng sông Lục trong xanh. Em là cái Huyền lớn, để phân biệt với mấy cái Huyền trẻ ranh. Huyền, cứ lấy tên núi mà đặt cho con. Tên núi, tên người nghe thì thơ mộng mà sao đời chả may mắn gì - Cô chép miệng…

Ngày ấy, tôi là chàng lái xe trẻ tuổi. Hằng tháng tôi có nhiệm vụ chở quân trang, quân dụng đến một cái kho trong hang đá rừng già hẻo lánh. Coi kho là sáu cô Thanh niên xung phong ở đây đã nhiều năm, tách biệt khỏi cuộc sống. Săn hươu nai lấy thịt tươi. Tắm truồng bên suối. Mắc võng ngủ trên cây. Hái hoa phong lan rừng chất đầy lán. Sáu cô thì ba cô cắt tóc ngắn, mặc quần áo đóng giả con trai, để ứng đôi với ba cô còn lại. Đùa vui thôi, gọi nhau bằng anh em mãi thành quen.

Cả sáu cô đều khá xinh. Nhưng tôi thích nhất em Miên. Dáng thanh mảnh, da trắng, cổ tay nõn nà, tiếng cười ròn tan. Nhiều lúc nghe tiếng cười của em vang trong bối cảnh rừng già vượn hót chim kêu, tôi không khỏi bồi hồi liên tưởng đến không gian thanh bình làng quê.

Một lần đến giao hàng, chưa xong công việc, tôi phải nghỉ đêm lại. Hang lạnh, đốt đống lửa quây quần. Tiệc của lính coi kho khá sang. Thịt hươu nai mới bắn được. Cà phê, đường sữa, bánh ngọt, chả thiếu gì. Chắc ở khách sạn thành phố cũng chỉ thế là cùng. Chúng tôi hát hò, kể chuyện. Ngoài kia, trăng rừng già sáng vằng vặc, tiếng thác ào ào, tiếng nai tác, hổ gầm. Hơi đàn ông tỏa ấm. Hương da thịt con gái thoảng bay. Mắt nhìn nhau ngây ngất.

Chiến tranh ác liệt. Ngày mai xe của tôi có thể bị máy bay Mỹ bắn tan xác. Và các cô gái đã nhiều năm ở rừng già này biết bao giờ trở lại quê hương. Tôi cầm tay Miên. Ánh mắt các cô kia cau lại khó chịu. Tôi biết ý, buông ra. Tất cả lại vui vẻ, cười nói râm ran.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Hò hát một lúc, hứng chí, bốc lên, chúng tôi nô nghịch, ru đẩy nhau. Lợi dụng xô đẩy hồn nhiên, để chạm vào người nhau. Chạm vào như dây điện âm dương đã nối. Các cô lần lượt ôm lấy vai tôi. Ôm rất lâu. Nhưng chỉ là "lâu tương đối", phải rời nhau ra. Chúng tôi là chiến sĩ, là đồng chí chung lý tưởng, phải giữ đúng tác phong quân nhân.

Cả bảy người chúng tôi đều ra chiến trường lúc 18 tuổi. Chưa ai ở nhà biết yêu đương là gì. Tôi thì chưa được sờ vào gấu áo con gái bao giờ. Các cô kia cũng chẳng hơn gì. Nhưng đêm nay, giữa rừng già hoang dại, không gian chiến tranh ác liệt, sự sống cái chết cách sợi tóc, chúng tôi có đủ hai vế nam nữ, vậy tại sao, bên bếp lửa hồng, không được đùa cợt chạm vào người nhau giây phút. Lý sự trong đầu nghe ổn lắm, cho nên cứ tiếp tục đi…

- Anh thấy chúng em thế nào. Nhận xét về chúng em đi.

Tôi khen cô nào cũng xinh. Cô thì mắt đẹp, cô thì co người đẹp, cô thì da trắng… Chẳng ai xấu.

- Anh thích nhất cái Miên phải không?

- Có lẽ thế - Tôi lỡ lời

Tất cả lặng đi. Không ai đùa cười nữa. Chỉ có ngọn lửa lép bép.

- Đây là tình đồng chí thân thiết - Tôi vội nói.

Tiếng cười đùa lập tức lại vang lên, hồn nhiên.

- Đêm nay, anh ngủ đâu? - Tôi hỏi.

- Mắc võng ngoài cửa hang.

- Làm sao phải thế. Đêm sương lạnh, rắn rết nguy hiểm - Nhiều cô phản đối.

- Anh cứ ngủ trong hang này cùng chúng em. Anh nằm tít trong kia, chúng em nằm ngoài này.

-  Làm sao phải  tít trong kia. Anh cứ nằm giữa đây. Chúng em nằm xung quanh, nhưng xa xa.

- Làm sao phải xa xa. Nằm nói chuyện cho đến sáng, chứ ngủ nghê gì.

Đúng là nói chuyện cho đến sáng thật. Rồi cùng ra suối rửa mặt. Cảnh rửa mặt sáng bình thường mà như "đi vào lịch sử". Suối in bóng hình con trai con gái.

Non trưa, số hàng chuyển hết vào kho, giấy tờ biên bản đã ký kết bên giao bên nhận, xong việc rồi, tôi phải ra đi.

- Hay là anh cứ ở lại chơi với chúng em vài ngày - Các cô bảo.

- Về đơn vị, sẽ bị kỷ luật.

- Vậy anh đi nhé. Cẩn thận tránh máy bay. Lần sau lại đến.

Lần sau tôi đến. Cô đội trưởng không còn, bị rốc két bắn chết. Máy bay Mỹ luôn tầm soát căn cứ kho tàng của ta trong rừng. Năm cô còn lại bầu Miên lên làm đội trưởng. Lấy quyền phụ trách, Miên phân công bốn cô đi mở đường kho phụ, mình cô ở nhà ký biên bản bàn giao nhận hàng. Vắng vẻ, chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Tôi sờ vào làn da mát rượi của Miên. Cô ghì tôi, vít đầu tôi vào vòm ngực ấm mềm.

Đúng lúc ấy có tiếng đất ném bùm bụp xung quanh. Các cô đi mở đường kho phụ cảnh giác, linh tính mách bảo, đã trở về, ném cảnh cáo. Chúng tôi rời nhau. Rời nhau cũng phải, nhỡ quá đà thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Không gian chiến tranh nghiệt ngã. Chiến tranh không có chỗ cho lãng mạn. Tôi vội vã ra ôtô mở máy, bánh  xiết trên đường sỏi, lao chồm chồm quanh những hố bom. Máy gầm gừ, còn người tôi thì đang rừng rực. Tiếng phanh gấp ken két cháy bánh…

…Không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi được chở hàng đến kho Hang Đá rừng già. Bởi bất ngờ tôi được chuyển sang đơn vị khác, tham gia đoàn xe chở vũ khí ra tuyến trước.

Cả đoàn mười chiếc như mười con mãnh thú thời cổ đại, gầm gừ cắn đuôi nhau, vượt đèo cao suối sâu. Vắt kiệt sinh lực dồn lên tay lái. Còn lòng thì bâng khuâng nhớ những cô gái xinh đẹp trẻ trung. Nhớ một đêm được nằm giữa "vòng vây" các cô, nói chuyện suốt đêm, được hít mồ hôi con gái thoảng bay trong sương…

Bây giờ thì tất cả xa rồi… Nhưng như thế cũng may. Bởi không biết diễn biến sẽ tiếp tục như thế nào, nếu tôi và Miên còn được gần nhau. Yêu nhau, tâm cảm và nhục cảm, để lại bao hậu quả trong bối cảnh chiến tranh.

Chặng đường khói lửa mịt mù trước mắt, cái chết chỉ cách sợi tóc, tôi âm thầm lao lên, hình ảnh Miên như một ánh sao cuối trời xa lắc…

Hòa bình 1975, tôi phục viên, đi học Đại học Kinh tế, rồi thành lập một doanh nghiệp nhỏ, có vợ con, hạnh phúc tạm ổn. Hình ảnh Miên còn lưu lại trong ký ức bâng khuâng, khoảnh khắc đầu thu nào đó…

Huyền còn nhớ cái buổi chiều, ông Chủ tịch xã ra đồng tìm Huyền đang gặt lúa Hợp tác.

- Thôi, để đấy, về đi làm "cán bộ" - Ông nói - Xã mình được tuyển mười cô đi Thanh niên xung phong phục vụ chiến trường.

Lòng Huyền náo nức. Từ xưa miền quê này, con gái 13, 14 tuổi đã có người dạm hỏi, để dành 16 tuổi là cưới. Đẻ con, đầu tắt mặt tối công việc gia đình. Chẳng ai đi ra khỏi chân tre làng. Chẳng có tuổi thiếu nữ mộng mơ. Không có khái niệm về nó. Con gái không được đi học, không làm gì khác ngoài làm ruộng và đi chợ…

Huyền lên huyện tập trung. Mặc bộ trang phục Thanh niên xung phong màu lá cây vào người mà tưởng mình là người khác. Ôtô tải về đón. Trèo lên, xe diễu một vòng quanh phố huyện mà thấy tự hào.

Huyền vào Trường Sơn, phụ trách một cung đường trọng điểm. Bom giội như xóc ốc. Đơn vị 30 chị em, tháng nào cũng có người hy sinh. Khuyết lại bổ sung. Cung đường xe đi như nước chảy, bom Mỹ oanh tạc mật độ dày đặc. Trinh sát OV10 lượn lờ suốt ngày đêm. Thoáng có bóng xe là gọi máy bay phản lực đến bắn rốc két. Đường hỏng, chị em phải san lấp làm sao bảo đảm xe lăn bánh được. Lái xe hy sinh, đơn vị thường gửi lại nhờ chị em chôn cất. Đường ra mặt trận không một phút được ngừng nghỉ. Nhiều chiến sĩ hy sinh, thân hình còn lành lặn, người ấm mềm. Chị em vừa khóc, vừa khênh trên vai, nấn nuối quấn tăng vùi xuống đất.

Những ngày vui nhất là những ngày có xe bộ đội hỏng, phải nằm lại sửa chữa. Cơ khí gì mà kỳ cục. Zíp hỏng, không có zíp mới, có lần phải thay bằng chất liệu tre đực. Tụ điện hỏng, thay bằng con nhái sống. Chuyện khó tin, nhưng từng có thật. Có xe còn cấu tạo bằng đốt than củi thay xăng.

Các anh bộ đội lái xe xoay trần ra sửa xe, còn các cô thì vây quanh chăm sóc. Bữa cơm có đủ các món quê hương canh cua cà pháo. Ngồi ăn mà nhìn nhau đắm đuối. Đắm đuối nhưng chỉ dừng lại ở nhìn nhau. Rồi sửa xe xong, các anh lại ra đi. Ôm nhau chia tay. Ôm thật sự giữa thanh thiên bạch nhật, hết người này đến người khác. Ôm nhau chia tay chứ "vi phạm" gì. Một khắc ôm nhau, ngửi thấy hơi đàn ông, hơi con gái, đem hơi ấy ra chiến trường và hy sinh, không ai nỡ bắt bẻ, kết tội.

Các anh đi rồi, các cô ngồi buồn xo, ruồi bay qua không buồn đuổi. Rồi thi nhau kể lại từng chi tiết về các anh.

- Anh ấy nhìn tao, mắt cứ lấp láy, lạ lắm - Một cô nói.

- Anh nào?

- Cái anh cao cao, dáng điệu ngây ngô như gà trống tồ ấy.

- Còn cái anh thư sinh đẹp giai, chân tay trắng nõn mà lấm lem dầu mỡ, trông như trí thức chúng mày nhỉ.

- Loại ấy lãng mạn lắm!

- Tao thì tao thích típ người như cái anh da bánh mật, mặt chất phác, nhút nhát, ôm tao mà gượng nhẹ, không dám đụng chạm. Nhưng tao ghì chặt. Thế là anh chàng lả đi…

- Nhưng có làm gì được nhau. Tay đội trưởng thổi còi, các anh chàng  vội vã ra xe.

- Mẹ bố thằng đội trưởng …

- Tao chán cái màn này lắm. Đã dám cho ôm nhau thì phải cho thật lâu, cho đã, thậm chí cho sờ vào vú nhau, chứ ôm bên ngoài quân phục, dù có ghì chặt thì cũng cứng như mo nang, chả có nghĩa lý gì…

- Thế là đã "nổi loạn" lắm rồi. Đáng lẽ chỉ được bắt tay. Đằng này cho ôm còn gì.

- Nhưng ôm hờ như hai ông Tổng thống thăm viếng nhau, ý vị gì.

- Chúng mình khổ quá. Năm năm rồi, một lũ "thị mẹt" sống trong rừng già vượn hót chim kêu. Thèm hơi đàn ông quá. Trời sinh ra nam nữ để yêu nhau, vuốt ve nhau. Đằng này chỉ có một chất nữ, một cực điện âm, không có cực dương, điện sao chạy được.

- Chiến tranh là thế mày ơi!

- Cái hơi đàn ông nó lạ chúng mày nhỉ. Gây gây mà như thuốc mê.

- Bọn ấy ngửi thấy hơi đàn bà chúng mình cũng có cảm giác như thuốc mê.

- Thế mà không được xáp nhau. Khổ quá.

…Huyền có cô bạn cùng làng là cái Yến, cùng đi Thanh niên xung phong một đợt. Yến người to béo, rừng rực, chân tay trắng muốt. Hai đứa hay rủ nhau đi tắm suối. Giữa rừng hoang, Yến cởi hết quần áo, đồ sộ nõn nà, bơi lội giữa làn nước trong vắt.

- Người tao đẹp không mày? - Yến hỏi.

- Đẹp lắm - Huyền trả lời.

Huyền người thanh mảnh, da ngăm ngăm, mặt mũi xinh xinh, khác típ người Yến.

- Con giai mới lớn, nó sẽ thích mày. Đẹp về hình dáng, đẹp nghệ thuật, đẹp tâm hồn, tâm cảm. Nhưng những thằng đàn ông thực sự nó sẽ thích tao hơn. Tao đẹp nhục cảm… Nhưng rồi năm tháng đi qua, tao sẽ như quả bóng xì hơi. Da dẻ nhăn nheo, chả còn là gì. Bao giờ hết cuộc chiến tranh này. Tất nhiên là mình sẽ thắng, nhưng còn lâu. Chúng mình cứ ở mãi rừng già này, tuổi xuân phai tàn.

- Mày nói thế, cấp trên nghe được sẽ kiểm điểm nặng đấy.

- Cấp trên đến đây mà làm đường, hứng bom, què cụt chân tay, mất mạng… Nói thế thôi, chứ hằng ngày chúng mình gian khổ nguy hiểm thế này, cấp trên thương lắm đấy, chả ai nỡ làm gì mình đâu. Tao nói với Huyền thế này nhé, bao giờ về lại quê hương, tao lấy chồng liền, đẻ con…

- Nhưng con gái có chủ động được đâu. Chẳng lẽ chúng mình đi hỏi con giai về làm chồng à.

- Đấy, tức ở chỗ ấy đấy. Bọn con giai muốn ai thì đi hỏi người ấy. Còn con gái chúng mình cứ như bông hoa, chôn chân một chỗ. Con bướm, con ong nó bay đến, thì mới được. Nếu nhỡ cái con bướm, con ong ấy nó "lười", không bay, thì đành để nhị rữa hoa tàn à. Tao sẽ có cách. Tao không chịu. Tao sẽ xán đến ,"liếc mắt đưa tình" đứa nào mà tao thích. Khối thằng con giai dát xít, tự ti, trông thấy con gái là tim đập thình thịch. Mình bật đèn xanh cho nó, nó mới dám "xông lên".

- Như thế, mình sẽ bị người đời kết tội là "đĩ thõa". Xấu hổ lắm.

- Xấu hổ một tý, còn hơn chết già. Này Huyền này, bọn con giai nó thích cái chân của con gái chúng mình lắm đấy. Nó cho thế là đẹp. Cái chân lừng lững, trắng nõn của tao, vén quần lên, nó thích ngây dại. Các cụ mình xưa "không có kinh nghiệm", coi thường cái chân của mình, quần buông chùng sát gót, còn ai nhìn thấy gì nữa.

- Nhưng chân con gái Trường Sơn, ruồi vàng đốt sẹo dày xít thì còn đẹp nỗi gì.

Yến như khóc hu hu "Thế mới khổ chúng mình".

- Cái Thu, cái Nhạn mấy tháng trước bom phạt mất chân. Giờ về Bắc, cậm cạch chân gỗ, đẹp được với ai.

Huyền và Yến cùng thở dài…

…Một hôm, niềm vui  lặp lại, với đội nữ thanh niên xung phong: tức là lại có một chàng lái xe, phải đến ở trọ, xe hỏng, chờ phụ tùng chữa. Thì cũng như mọi lần. Nhưng lần này, rút kinh nghiệm các lần trước nghiêm túc, thánh thiện quá, các cô "bất cần đời", "nổi loạn tương đối". Chàng lái xe thành cây cảnh, thành bông hoa thơm cho mỗi người "ngửi từ xa" một tý. Trời nóng, chàng lái xe cởi trần, thân hình vạn vỡ. Các cô ngắm vồng ngực như đá tảng, bắp chân bắp tay cuồn cuộn. Mùi mồ hôi thuốc mê.

Hôm ấy, sau bữa cơm chiều, quanh sân giếng, các cô nô cười xô đẩy nhau, và "lợi dụng" chạm vào người anh. Ai cũng sờ một cái, hoặc đấm mạnh rồi cười nắc nẻ.

Ngày xưa nam nữ "thụ thụ bất tương thân", lễ giáo phong kiến nặng nề trong lũy tre xanh, mà có làng còn mở "Hội Chen", "lách luật". Ngày hội, sân đình tắt đèn, cho con trai con gái chen vào ôm nhau. Những giây phút thần tiên. Chen, sờ vào lườn, vào vú nhau. Tục lệ thế. Các cụ làng này "bịa" ra tục lệ ấy. Bảo có "Hội Chen", con trai con gái được "giao hoa" thì lúa má mới được mùa, hòa cốc phong đăng. Không thì mất mùa, chết đói cả lũ. Ai chả sợ chết đói. Cho nên phải đi "Hội Chen". Cô nào đi "Hội Chen" cũng "hy sinh" một cái yếm đào. Giải buộc rất chặt, mà nó bị giật tuột lúc nào không biết. Tan hội, sân đình đầy yếm đào rơi.

Đấy, ngày xưa các cụ còn thế, huống hồ bây giờ. Hàng trăm cô gái tuổi xuân rừng rực, mà dồn ép trong rừng già bốn năm năm trời, toàn điện âm, khi có điện dương vào, nó nổ tung như sét ấy chứ lị…

Hôm ấy, cả đội ra hiện trường, riêng cái Yến báo cáo ốm, ở nhà. Huyền hơi ngờ ngợ, nửa buổi quay về thì bắt gặp cảnh Yến chẳng ốm đau gì, đang vén quần quá gối ngoài sân giếng. Chàng lái xe múc nước, đánh rơi gầu. Vẫn "kịch bản cũ" ở đây, Huyền "em hèm dặng hắng" đánh động. Cả hai giật mình. Phản ứng nhanh, Yến lôi tuột Huyền ra, giội cho một gáo nước ướt từ đầu đến chân. Yến cười khanh khách, cũng giội cho mình một gáo. Quần áo dính sát lồ lộ đường nét thân hình con gái, da thịt nóng ấm, bốc hơi ngùn ngụt. Chàng lái xe cũng nhận được một gáo như thế. Cả ba được nước lạnh làm cho tỉnh lại.

Huyền để ý chàng lái xe có vẻ mê thích thân hình đẫy đà của Yến, mắt nhìn như dán. Một nỗi "hờn ghen" nho nhỏ mơ hồ dâng lên trong lòng cô.

- Yến vào thay quần áo đi - Huyền gắt.

Yến cũng không dám quá đà, và tất cả chỉ dừng lại ở đấy.

Hôm sau, xe chữa xong, chàng lái xe ra đi, bắt tay hai người, giọng buồn buồn:

- Hết chiến tranh, về hậu phương chúng mình tìm nhau nhé.

- Ừ thôi, anh đi đi - Yến giục giã.

Chiếc xe tải mất hút trên cua đường chênh vênh bên vực.

*

Trăng khuya lên cao, soi ngoài sân quán sáng vằng vặc. Sương đêm bàng bạc, càng làm chiếc quán ngã ba cô đơn. Xóm làng xa xa ngủ say im phắc, chỉ thỉnh thoảng một tiếng gà mơ hồ vẳng đến.

Ánh đèn bão treo nóc quán bỗng nhiên tắt phụt vì cạn dầu. Nhà tối om, ánh trăng tràn vào. Đúng lúc ấy có tiếng chuông chùa ở đâu vọng đến. Tiếng chuông ngân nga, hòa trong trăng, trong sương, lan trên dải đồi thấp mênh mang.

- Chùa gần đây à? - Tôi bật diêm cho Huyền rót dầu, thắp lại. Tiếng chuông da diết, mãi không dứt.

- Chùa trên quả đồi trước mặt - Huyền nói - Sư thầy ở đấy là cái Yến, bạn cùng đơn vị thanh niên xung phong với em ngày xưa.

- Lại thanh niên xung phong - Tôi reo lên - Đi đâu cũng gặp bạn Trường Sơn. Đến thăm sư thầy - Tôi khẳng định.

-  Mười phút đi bộ thôi. Chùa đẹp lắm. Giữa đỉnh đồi thấp, xung quanh là mương suối, em với cái Yến rỗi lúc nào là lăn ra trồng hoa sân chùa. Em cũng "đi tu nghiệp dư" đấy chứ anh - Huyền nói.

Tiếng chuông vẫn ngân vời vợi. Làm gì có thứ chuông chùa nào dài thế đêm khuya. Đường đi, sim mua dập gẫy thơm ngát. Qua một khe nước nhỏ, Huyền thạo đường, dắt tôi lội qua. Hết khe rồi, đường rộng, hai người vẫn cứ cầm tay nhau, đến tận cửa chùa.

Mùi hoa huệ, hoa hồng thơm ngát. Ánh nến lờ mờ trên các bệ thờ. Tượng Phật thưa thớt, thoảng mùi rêu mốc.

Sư thầy Yến đầu trọc tếu, áo lót mỏng tang lộ thân hình đẫy đà chạy ra đón, vồ vập, nồng nhiệt. Bạn thanh niên xung phong Trường Sơn gặp lại nhau ai mà chả thế…

Chén trà nhà chùa thơm nức mùi sen.

- Em ở chiến trường cùng với Huyền à?…- Tôi dám gọi nhà chùa bằng em.

- Anh lái xe cung đường nào?.

- Ngầm Casi nhiều xe bị bắn lắm. Anh có qua ngầm Casi lần nào không?.

- Sao em lại đi tu, thưa sư thầy…

- Đơn vị em hy sinh gần hết. Chỉ còn năm người sống sót trở về, trong đó có cái Huyền và em.

Hỏi một đằng, đáp một nẻo. Chuyện như pháo ran. Và lại suốt đêm. Y như ngày xưa lái xe đến ở trọ đội coi kho rừng già. Yến đi nấu chè hạt sen ăn cho vui. Sen ao cửa chùa. Nhị ướp trà và hạt nấu chè.

- Buồn cười, em với Yến đi chơi, phóng xe máy qua Hồ sen Thanh Liên ở Bắc Ninh. Thấy loại sen khác lạ, hoa nở xòe to bằng cái nơm. Hai đứa lội, hụp túp, mò củ về gây giống. Khách qua đường tròn mắt thấy sư thầy đầu trọc tếu mà táo tợn. Thanh niên xung phong mà, sợ gì, giẫm đạp lên bom còn được, mấy củ sen dưới hồ này là cái thá gì.

- Hết chiến tranh, cuộc sống của anh diễn biến thế nào? - Yến hỏi.

- Anh lấy vợ, đẻ con. Cuộc sống vào quỹ đạo bình thường.

- Thanh niên các anh sướng thật. Cứng tuổi, nhưng vẫn lấy được vợ. Còn con gái chúng em ở chiến trường về là nhỡ lứa. Bọn con giai đến tuổi, đâu rước các "bà chị" đẻ trước nó 4,5 tuổi. Đành ế cả lũ với nhau.

Không gian ắng đi một phút. Nhưng chỉ một phút thôi. Rồi lại chuyện như ngô rang.

- Trở về, sau mấy năm, không lấy được chồng - Yến tiếp tục - Em quyết định đi tu. Rủ Huyền cùng xuống tóc, nhưng nó không chịu. Tưởng chỉ mình em, nhưng không ngờ, khi đi học giáo lý ở Thiền Viện, thấy có cả trăm cô. Hỏi ra đều là thanh niên xung phong Trường Sơn về. Ôm nhau vừa khóc vừa cười. Tan lớp học, chúng em tỏa về các ngôi chùa trong toàn quốc, nhưng vẫn "điện thoại di động" cho nhau, tâm sự như các bạn gái đời thường. ..

Tôi giật mình. Đúng là khi đi dạo các danh lam thắng cảnh chùa chiền, tôi hay gặp các sư nữ tuổi còn trẻ. Có sư ở chùa lớn, da xanh bóng, ngồi gõ mõ tụng kinh, mắt không nhìn ai. Có sư ở chùa nhỏ, chạy đi chạy lại đon đả mời nước, mời trầu thiện nam tín nữ… Hóa ra phần lớn đã từ cái "lò" thanh niên xung phong Trường Sơn mà ra…

… Tôi rời vùng trung du sông Lục núi Huyền vào sáng hôm sau. Chiếc Camry trôi chầm chậm, lòng xao động khó tả.

Huyền đã cho tôi số điện thoại của em. Cái quán ven đường này không phải ngẫu nhiên mà có. Qua câu chuyện Yến kể, tôi mới vỡ lẽ, là số nữ thanh niên xung phong trở về ở địa phương này có cả chục. Phần lớn nhỡ nhàng chồng con vì lớn tuổi. Giời cũng không "cứu" được họ bây giờ. Chính quyền xã họp bàn "chuyên đề" này, và ra một "quyết định thần thánh", nhân văn tột cùng, vĩ đại tột cùng. Là cấp cho mỗi cô một lô đất ven đường, mở quán. Quán xa xóm làng, các cô vừa bán quán sinh nhai, vừa có không gian tự do độc lập tương đối, để giao lưu với khách qua đường, và như thế có nhiều cơ hội "tìm hiểu", tìm chồng…

Cứ ru rú trong làng, nhà cha mẹ kín cổng cao tường, tập quán phong tục cổ xưa, lễ nghi phép tắc xét nét, các cô sẽ chết già.

Bao nhiêu khách qua đường, vào quán. Các cô phải tự lọc ra người xấu người tốt mà giao lưu. Cái này thì chính quyền không thể chỉ đạo được. Tùy số phận, biết đâu các cô chả gặp được người tốt, hợp cảnh mình.

Nghị quyết chính thức ghi ra giấy chỉ có dòng chữ: "Cấp đất ven đường để kinh doanh dịch vụ". Tuyệt nhiên không có câu: "Để có không gian tự do tìm người yêu". Nhưng ai cũng hiểu, vế đó mới là quan trọng nhất.

Huyền và vài cô đã mở quán bên đường như thế. Nhưng nhiều cô cũng không chọn phương án này. Như Yến, cô khước từ, chọn con đường đi tu. Một số khác thì ra thành phố làm công nhân, cũng có không gian rộng mở.

Tôi nhất định phải làm mối cho Huyền một người xứng đáng. Moi óc tìm người quen. Khó thật. Phần lớn họ đều vợ con yên ấm. Nhưng nhất định tôi sẽ tìm được. Mà phải là người đàng hoàng, bù đắp được thiệt thòi cho Huyền. Việc này giờ cấp thiết không kém gì việc tôi tìm vợ ngày xưa. Hoàn thành được việc này, tôi mới tròn trách nhiệm chiến sĩ thanh niên xung phong Trường Sơn. 

Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách
.
.