Ông Vấu

Thứ Hai, 08/10/2018, 08:13
Ông đặc sệt chất nông dân, cho dù đã đi thoát ly mấy chục năm. Về hưu, ông không ra phố với hai anh con trai, mặc chúng dỗ ngon, dỗ ngọt. Chúng muốn ông được thảnh thơi. Ông không muốn phụ thuộc. Ông có lương hưu và cả một cơ ngơi đất mênh mông. Vườn cây ăn quả bên ao cá. Mấy luống rau, đủ ăn, đất còn để cỏ mọc hoang.

Níu giữ ông là lũ chó, mèo và đàn gia cầm. Ông chăm bẵm chúng như nhà nông giữ gìn con trâu, cái cày, con dao, cái cuốc. Đặc biệt là loài mèo. Ông quý mèo, một thứ tình yêu không dễ lý giải. Đi đâu về ông Vấu cũng có quà. Khi thì con cá rô, vài con cá lẹp. Ăn cưới, ăn cỗ ông nhặt miếng cá rán người ta bỏ thừa mứa cho vào cái túi ni lông phần mèo.

Thường ngày, nó ra tận cổng đợi ông. Việc đầu tiên là nó dụi tấm thân mềm, ấm vào chân ông. Nó nghiêng đầu, gại vào ống quần, đuôi quấn quít, làm ông không bước được. Ông Vấu dựng vội cái xe đạp Thống Nhất, đời Bẩy Tám giữa sân rồi nhấc nó lên, vuốt ve. Chú mèo giương hàng râu cước, mắt lim dim, yên bình. Hôm nay thì không. Một linh tính làm ông chột dạ…

Đến giờ ăn thóc, đàn chim bồ câu sà xuống đòi ăn. Mặc chim, ông đi tìm mèo. Ông lão sục sạo khắp khu vườn, gốc cây, ven bờ ao. Sợ nó ăn phải bả. Dạo này nhiều chuột, mấy lão hàng xóm mang bả đánh ngay tại rìa làng. Giống mèo quả là khôn. Ăn phải độc tố thường tìm lá cỏ nhai để nôn ra. Cả tiếng đồng hồ ngoài vườn không thấy. Ông vào nhà, xuống bếp rồi thẫn thờ ngồi phịch xuống hiên.

Chiều đã nhẹm tối. Đàn bồ câu cũng không còn đủ kiên nhẫn chờ. Từng con thoi thót bay lên chuồng. Bao náo động chập tối của làng quê dần yên tĩnh. Bóng đêm đè ập xuống. Không có tiếng mèo, căn nhà thêm lạnh lẽo. Một mình cũng không thiết ăn bữa tối, ông nằm vật trên chiếc ghế nửa nằm, nửa ngồi, nhớ lại ngày nó mới về nhà…

*

Hôm ấy, phiên chợ Hiên. Ông phóng xe đạp chỉ cốt kiếm được con mèo như ý. Dạo từ đầu đến cuối chợ, ông mới thấy con mèo này. Nó được nhốt trong cái lồng, đan bằng nứa tươi. Chủ nó, một người đàn bà người Cao Lan, răng đen, miệng nhai trầu. Chị ta không mời chào. Chỉ có đôi mắt mèo đầy thu hút, mê hoặc. Ông Vấu thò ngón tay trỏ, vẫy vẫy. Chú mèo chìa chân trước gại gại vào tay ông. Hai giọt sương mắt long lanh. Một giao cảm đầy thân thiện. Giây phút đó nó đã thuộc về ông. 

Trên đường về, cái lồng còn được che nắng, gió. Chú mèo yên vị, sau xe. Ông chọn đường nhẵn, tránh xóc, sợ nó tức chân. Bây giờ ông mới ngắm nghía. Con mèo có lông màu tro bếp, bụng khoang trắng, chừng hai tháng tuổi. Ông túm hai tai, nhấc bổng lên, kiểm tra khả năng vồ chuột. Nó co mình, giơ bốn chân ra phía trước. Được. Ông đưa con mèo đến trước mặt con chó, bắt nó chắp hai chân trước, vái. Một nghi lễ cố hữu. Vị khách mới ngoan ngoãn, miễn cưỡng làm theo. 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Ông Vấu lấy dây vải, buộc vòng qua cổ mèo và một chân trước rồi buộc nó ở gần chạn, cạnh cái đĩa con. Như một sự mặc định, mèo bao giờ cũng được ăn cơm trước nhất. Trước cả người. Sau cùng mới là con chó Lu. Hàng bữa ông vẫn nhằn xương, xé thịt cho mèo. Hai hàm răng ông Vấu thì khấp khểnh, long rụng. Ông nghĩ nó như trẻ con, chỉ lo hóc xương. Ít ngày sau ông tháo dây. Nó được thể chạy khắp mọi nơi. Đùa với lũ chim bồ câu, chơi cùng bầy gà con mới xuống ổ. Nó khám phá những góc tối trong căn bếp dự trữ thóc lúa, ngô khoai và mọi thứ “hầm bà lằng”. Đây là chiến trường của nó. Có lúc, nó leo cây sấu, cây khế ngoài vườn.

Hằng ngày ông dạy mèo bắt những con côn trùng. Nó làm cho niềm vui dân dã của ông cũng lớn dần lên. Đã có lần, ông thấy nó bắt được thạch sùng, con gián hay chú cào cào lạc từ đồng vào. Mèo vần vò con vật đến chết. Thành tích ấy không bao giờ ông quên được. Qua mấy tháng, nó đã có dáng dấp của một “chàng trai”. Bóng nó vụt lao như mũi tên trong đêm tối. Bước chạy nhẹ êm tựa làn gió.

Những trưa hè, nó vắt vẻo trên cây khế, chơi đùa với lũ chim sâu, chim sẻ. Nó rón rén đến bên bầy gà con đùa rỡn. Giây phút ấy, lòng ông thảnh thơi, như xua tan nắng nóng ngày hè; quên đi mọi nhỏ nhen, đua chen nơi phố xá. Chiến công đầu tiên ông được chứng kiến là nó vồ được con chuột nhắt. Loài gặm nhấm chỉ bằng ngón tay, lẩn quất trong nhà, phá hoại áo quần, sách vở…

Giữa lúc giời đất nở lắm chuột. Chúng nhiễu nhương, hoành hành khắp đồng ruộng, vườn tược. Cây lúa chưa kịp ra đòng bị cắn ngang thân. Chuột đào hang, làm tổ ngay trong luống khoai. Chuột tấn công mùa màng, đánh thẳng vào cánh đồng, kho lương thực ngoài trời của nông dân. Đâu đâu cũng bàn chuyện chuột. Trưởng thôn mở chiến dịch nhà nhà diệt chuột. Chuột chạy vào bữa ăn, giấc ngủ của làng.

Ông Vấu cũng không ngoại lệ. Chuột ào ạt xông vào vườn cây, ao cá. Chúng đào khoai sọ, cắn nát bí, mướp rau xanh. Đàn gà con mới xuống ổ, con chim non mới ra ràng, chuột cũng cắn chân, xả thịt. Ông vừa đi vừa ca cẩm. Đời thuở nào, chuột thấy người còn vừa đi vừa chửi giả. Chúng nghênh ngang, bợm trạo với người. Thói đời là vậy, thiên địch kém thì chúng thừa thế, lấn át. Mỗi lần ra phố, ông Vấu muốn chửi thẳng mặt những chủ quán có tên: “Linh Miu”, “Tiểu Hổ”. Ông bảo, đây chính là kẻ tiếp tay cho bọn “miu tặc”.

Lúc này con mèo của ông là một chiến binh dũng cảm. Ông không thể đếm hết số chuột nó bắt hằng ngày. Có con chuột bị nó cắn cổ rồi vứt xác ngoài vườn. Chuột bị tận diệt ngay tại hang ổ. Học sinh, nông dân thi đua diệt chuột. Trưởng thôn đếm đuôi chuột để biểu dương thành tích. Vài tháng sau, nạn chuột hoành hành phá hoại đã vãn.

Ông Vấu thả lỏng người trên chiếc ghế nửa nằm, nửa ngồi. Đồng đã lấp kín màu xanh. Vườn cây đâm hoa, kết trái. Hôm nay có "Đấu trường bò", môn thể thao trên truyền hình ông rất thích. Ông đang dán mắt vào trận đấu thì tiếng gà kêu hoảng loạn phía sau nhà. Ông vội bổ nhào ra xem sự thể ra sao. Không tin nổi… Con mèo đang cắn xé một con gà dò. Miệng, răng dính đầy lông và máu. Con gà xỉu đi vì sức mạnh của móng vuốt. Ông Vấu giận tím mặt. Vớ cái ghế, khúc củi ông liệng con mèo nhưng không trúng. Bây giờ thì ông đã rõ đàn gà dò cứ dần biến mất. Thủ phạm, không đâu khác chính là kẻ được ông nuông chiều, chăm bẵm.

 Ông suy nghĩ, tính toán rất kỹ trước một quyết định. Với ông, thật xót xa…

Tinh mơ hôm sau, ông xách cái túi dứa và bọc ngoài túi ni lông đen. Mỗi bước đi, lòng ông nặng trĩu. Con mèo trong khoảng tối chật chội, làm sao biết được ý nghĩ ấy. Cái túi bỗng nặng như gạch đá. Ông xách con mèo ra chợ? Mang đi quán Tiểu Hổ? Không! Làm sao ông có thể làm một việc mà ông coi là nhẫn tâm ấy? Ông nhớ từng chi tiết nhỏ khi đón nó về. Cái chân nó gại vào tay ông. Đôi mắt như hai giọt sương long lanh. Những niềm vui bé nhỏ hôm nào đang cứa nát tâm can ông. Ông tự trách mình vì đã quá nuông chiều nó. Ông nhớ… lúc cô đơn, nó đến bên ve vuốt, xoa dịu nỗi buồn của ông. Hôm lạnh trời, nó mon men rúc vào chăn, cọ lớp lông mềm, ấm vào chân ông… Nhưng, giời đất ơi, răng và miệng nó, dính đầy máu và lông gà, tang chứng không thể tha thứ. Nghĩ đến đây, ngực ông tắc nghẹn…

Ông Vấu trệu trạo bước trên bờ ruộng, theo lối tắt, đi xuống bãi tha ma. Vừa đi, ông vừa lẩm bẩm. Mày đã lớn rồi, đủ sức tự kiếm sống. Sướng không muốn. Không ai hầu mãi. Rồi mày già hóa cáo… Cái gò cao, xưa nhà dân ở giữa cánh đồng. Bây giờ thành nghĩa địa. Ở đó, chuột kéo đến sinh sôi đàn đàn, lũ lũ. Tha hồ mồi ngon, mày phải lo liệu…

Nói thì vậy, nhưng gần đến, ông Vấu đã rơm rớm. Ông thương nó là con vật quý, bạn của nhà nông. Vứt nó ra đồng, chẳng khác tự giết nó. Ai làm bạn với ông khi buồn vắng? Cái túi đen không giẫy giụa, không kêu gào. Hay nó biết, đây là hình phạt nghiêm khắc với nó! Ông Vấu đi xuống cuối khu nghĩa trang. Nơi đó đang dành cho những ngôi mộ hung táng. Lúp xúp những cây duối, cây ổi mọc hoang. Bụi cây gai chờm kín đất.

Ông dừng lại. Tự nhiên tim ông đập hoảng loạn. Cái túi đen được gỡ ra. Nó là thứ che mắt, không cho mèo nhớ đường về. Tiếp đến cái túi dứa. Ông cởi dây buộc, mở lối cho nó tự ra. Nó im lìm, không động đậy. Ông phải nhấc túi, rũ mạnh, những cái móng sắc mới chịu rời lớp vỏ túi. Ông nghe tiếng nó rơi xuống đất vang vọng như tiếng bom. Rồi ông ù té chạy như ma đuổi. Ông cắm đầu cắm cổ nhằm phía ngòi Chả, đánh lạc hướng kẻ phạm tội.

Sau khi vứt cái của nợ đó, tưởng sẽ nhẹ lòng, ai ngờ ông Vấu thẫn thờ như mất hồn. Ông đứng ngồi không yên, ăn ngủ chẳng ngon. Sự hụt hẫng xâm chiếm tâm trí ông. Ông tránh lai vãng đến gần khu bãi tha ma. Mỗi khi cô đơn, chú mèo ấy lại hiện về, đôi khi cả trong giấc mơ… Hai tuần, rồi một tháng căn nhà ông lạnh lẽo, hoang vắng. Nhiều đêm ông tự trách mình quá nghiêm khắc. Ông suy từ xã hội. Tài giỏi như con người cũng đâu đã hoàn thiện. Biết bao “thánh tướng” vừa mới rao giảng, diễn đàn rinh ran bỗng chốc vào tù, hoặc bị hạ bệ.

Cũng không ít kẻ học hành, kiến thức đầy người mà làm liều, vi phạm pháp luật. Nó là con vật. Những lầm lỗi của nó, một phần tại người nuôi. Ông tự thấy chính mình là kẻ đáng trách. Giờ này nó đang rúc ráy hang bụi nào? Đêm qua, có được con gì vào bụng? Tội nghiệp, mưa rét phải lần mò trong bùn nước hay bụi cây gai kiếm sống. Nước mắt ông ứa ra lúc nào không biết. Nhớ những đêm lạnh, ông chất củi đốt rừng rực để có tro, than để mèo ấm. Ông tự dằn vặt, chính ông mới là người không có tim, tàn nhẫn với con vật tội nghiệp. Và, bây giờ ông mong trời mau sáng…

Việc ra đi đón mèo trở về cũng không ầm ĩ. Ông Vấu dậy sớm cho gà, chim, chó ăn, rồi làm gói mì tôm. Cái lồng hôm xưa bằng nứa tươi nay đã khô và mốc. Ông sửa lại vài sợi nan đã trệu trạo. Lần này, ông ra đi như kẻ chiến thắng. Ít nhất ông đã chiến thắng được suy nghĩ nông cạn của mình. Và, con mèo đáng được vinh danh.

Qua bao thăng trầm, biến cố, cây lúa vẫn chỉ biết cho mùa màng bội thu. Ông tự hào mình là người nông dân. Cả một màu xanh vây bọc lấy khu nghĩa trang. Ông bà, bố mẹ và cả người bạn đời thân yêu của ông đã yên nghỉ nơi đây. Ông không quên mang theo thẻ hương để thắp cho Tổ tiên. Cả đời người nông dân gieo trồng màu xanh trên đồng, giờ xương cốt họ lại khảm vào đất, vẫn màu xanh ôm bọc.

Lầm rầm khấn vái xong, ông mới đi tìm mèo. Ông đi vòng quanh một lượt. Rồi ông cắt ngang từng khu mộ. Không thấy. Vừa đi ông vừa gọi. Tiếng gọi “meo meo… méo méo…” của ông già như những nhát dùi xiên thấu vào từng ngõ ngách thâm u. Có lúc lại vang vọng như từ trời cao dội về. Cả mấy tiếng đồng hồ mệt nhoài. Nào gai cào, thụt hố, nào khấp khểnh gạch đá. Vẫn im vắng bóng mèo…

Một ngày, hai ngày… Ông nghĩ đến tình huống xấu. Gần đây, mấy người trong làng sinh ra nghề săn đêm. Nửa đêm về sáng họ mang theo đèn pin, gậy, vợt đi bắt chim ăn đêm trên đồng. Từ cò, vạc, cút, cuốc, giẽ giun đến ếch, nhái, chẫu chuộc… đều bị bắt. Những con chim, thú trốn ánh ngày, đi ăn đêm dễ bị lộ vì đôi mắt bắt đèn. Mèo cũng không ngoại trừ. Chúng được quy ra cân, ra con thành tiền. Nhà hàng đặc sản đã “bao tiêu” toàn bộ sản phẩm. Nghĩ đến đây, toàn thân ông rã rời…

Sang đến ngày thư ba, sự kiên trì của ông Vấu mới được đền đáp. Chiều đã nhập nhoạng, ông toan bỏ về thì chợt tiếng động lạ. Bóng một con vật lao xoẹt qua bụi rậm. Nó đây rồi. Ông kịp trấn tĩnh lại và cất tiếng “meo… meo”. Tiếng gọi mèo của ông nghe mới xao xác thảm thiết. Từ trong bụi cỏ gianh, có tiếng sột soạt. Hình như chú mèo đã nhận ra tiếng quen. Nó quay đầu nhìn về phía bóng người, lát sau mới bước dần lại.

Ông lão ngồi xuống, vẫy tay. Nước mắt ông lã chã rớt xuống cỏ. Hình như nó cảm nhận được tình cảm của ông. Bàn tay ông như ánh nắng quái, vẫy vào trời chiều. Con mèo ngước nhìn ông già rồi rón rén đi về phía ông. Hai vật thể tiến gần nhau. Ông đưa bàn tay âu yếm níu chặt con vật bé bỏng. Nó đây rồi. Màu lông xơ xước, bợt bạt vì sương gió. Đôi mắt nhuốm hoang dại. Ông đưa con mèo lên ngực, ôm nó như một đứa trẻ. Quên cả cái lồng nhốt, chẳng biết quăng chỗ nào, cứ thế vừa đi ông vừa dỗ dành… Về với ông con nhé. Ông xin lỗi vì đã để con khổ. Coi như con đã hết hạn cải tạo. Về với ông và tu tỉnh săn bắt chuột mà ăn con nhé.

Những ngày tháng thanh bình lại đến. Ông Vấu luôn xoay vòng với những thói quen cố hữu. Cái đồng hồ công việc hằng ngày đã tạo nên tính nết, nhân cách lão nông. Chó mèo, gà chim, vườn quấn quýt với tuổi già.…

*

Trên chiếc ghế nửa nằm, nửa ngồi, ông Vấu thiếp đi lúc nào không biết. Bên tai ông như có ai đang hát, giọng du dương, bay bổng: “Tôi hát bài ca, ngợi ca cây lúa và người trồng lúa hôm nay…”. Nắng vàng trôi trong giấc mơ ông. Cánh đồng lúa chín, mênh mông như sóng biển. Tiếng gà trưa nhảy ổ. Vườn cây rộn tiếng chào mào, chim sẻ. Và, giấc mơ mang chú mèo về nằm gọn trong lòng ông. Lớp lông êm mềm như nhung của nó đang được bàn tay ông che chắn, ôm ấp…

Truyện ngắn của Lê Na (Công an tỉnh Tuyên Quang)
.
.