Nửa giờ với một tỷ phú

Thứ Hai, 11/04/2016, 08:00
Cái gã tỉ phú đầy kiêu ngạo ấy sau khi nghe đề nghị của tôi qua điện thoại, bảo rằng nể nhà văn lắm nhưng cũng chỉ có thể dành cho cuộc gặp đúng nửa giờ đồng hồ thôi. Tất nhiên tôi nổi tự ái. Gần một đời cầm bút, tên tuổi cũng đã tiếng tăm khắp tỉnh này, đấy là chưa kể tới cái mối quan hệ tôi từng là bạn học với người anh trai của gã hiện đang giữ chức vụ trưởng của một bộ. 

Gã cậy giàu có nên làm cao chăng? Mà dù có giàu đến nứt đố đổ vách đi nữa thì so với tôi gã cũng chỉ là một tên trọc phú không hơn không kém. Vậy mà gã dám cả gan đưa ra "chỉ thị" chỉ dành cho tôi một nửa giờ. Thời gian đối với gã chẳng nhẽ vàng ngọc vậy sao? Đến cái ông vụ trưởng anh trai gã, nếu tôi ngỏ ý chắc chắn cũng không bao giờ dám ra điều kiện với tôi như thế.

Tôi đã định thẳng thừng từ chối cuộc gặp nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi đã không làm vậy. Chính thái độ kênh kiệu của gã đã kích thích trí tò mò của tôi. Thử xem cái gã đại gia này tài cán đến đâu mà vênh vác thế. Hơn nữa, trong cuộc đời viết lách gặp được một quái nhân như gã hẳn cũng chẳng đi đâu mà thiệt. Vì thế tôi quyết định đến tổng công ty của gã ngay.

*

Cái phòng khách rộng tới cả trăm mét vuông nhưng vắng ngắt.

Tôi nhìn đồng hồ: đúng 9 giờ 30 phút. Nghĩa là đã khuýp giờ hẹn.

Tôi gõ gõ vào cánh cửa để ngỏ. Vẫn im ắng. Chẳng lẽ gã lừa mình?

Tôi đành đứng chờ ngoài hiên. Chợt loáng thoáng có tiếng nói từ phía góc phòng vọng ra. À, thì ra gã đang điện thoại. Nhưng điện thoại gì thì cũng phải nhớ lời hẹn chứ.

Năm phút trôi qua. Tôi định quay gót nhưng thấy làm vậy cũng không phải là người có văn hoá, nên tôi đành cố đợi.

Mười phút trôi qua.

Rồi thêm hai phút nữa gã mới khệnh khạng từ góc phòng bước ra. Trời! Tiếng thế mà trông gã không có cái tướng tỉ phú tẹo nào. Áo bỏ ngoài quần, có phần hơi xộc xệch. Mặt mày phờ phạc như ông xích lô vừa chở một cuốc khách đường dài.

Trông thấy tôi, gã rối rít chìa tay ra phía trước:

- Xin lỗi! Xin lỗi! Điện thoại đột xuất từ văn phòng Chính phủ nên em không thể ra nghênh đón bác được.

- Không sao! - Tôi cũng ra dáng lịch sự.

Gã tươi cười. Nhưng theo tôi có lẽ là gã cố tươi cười:

- Em xin bù thời gian thất hẹn với bác. Nhưng cũng chỉ đúng mười lăm phút thôi. Bác thông cảm nhá. Vì thời gian một ngày của em sinh ra ba tỉ lợi nhuận. Vậy mười lăm phút là bác chiếm của em không ít của đâu.

Thật đúng là tư tưởng doanh nhân. Lời lẽ đầu tiên thở ra đã là lợi nhuận. Nhưng chính vì nghe thấy cái số tiền vừa trần trụi vừa…siêu "khủng" mà gã vừa thản nhiên công bố ấy, tôi đâm ra choáng váng, đến nỗi không thể có một phản ứng nào khác ngoài cặp mắt trợn tròn. Một ngày lợi nhuận những ba tỉ! Một con số chưa bao giờ tồn tại trong não bộ của tôi. Nhưng thôi được! Hôm nay tôi quyết làm cho gã phải phung phí vài trăm triệu (nghĩa là tương ứng với nửa giờ đồng hồ) mà gã sẽ không gặt hái được chút lợi nhuận nào- tôi nhếch mép nghĩ thầm rồi chậm rãi ngồi xuống chiếc ghế bành to phạp như cái ngai vàng, theo lời mời của gã.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

- Bác có tin cách đây hai chục năm em không có nổi hai bộ quần áo lành không? - Chưa kịp uống chén nước, gã đã xưng xưng khoe với tôi.

- Thế à? - Tôi hứng câu chuyện một cách lạnh nhạt.

Tôi đâu có lạ gì chuyện này. Thì báo chí thời nay khi viết về ông tỉ phú Việt Nam nào mà chả có cái giọng điệu ấy. Là vì để tôn vinh tinh thần vượt khó, từ bàn tay trắng làm nên cơ đồ mà.

- Còn bây giờ thì ông tỉ phú có mấy trăm tỉ rồi? Tôi hỏi một câu ngầm giễu cợt.

Vậy mà hình như gã không hề nhận ra câu hỏi mát ấy của tôi. Gã trả lời một cách thật thà mà đầy kiêu hãnh:

- Sao lại trăm tỉ hả bác. Tổng gia tài của em trên hai nghìn tỉ rồi. Thế mới xứng danh tỉ phú chứ vài trăm tỉ thì đã mùi mẽ gì.

Hình như nhìn thấy điệu bộ hấp hoảng của tôi, lão khẽ chép miệng:

- Nhà văn các bác hẳn là chưa bao giờ có nổi một trăm triệu nên nghe em nói vậy chắc khó tin. Nhưng em nói dối bác làm gì.

Còn tôi thì kinh hãi đến nỗi chỉ biết ngồi ngay thuỗn mặt để nhẩm tính xem nếu số tiền ấy đem gửi ngân hàng thì lãi suất hàng tháng sẽ là bao nhiêu. Chắc do số tiền quá xa lạ với tôi nên lúng túng mãi tôi vẫn tính không ra. Tôi lẩm rẩm:

- Này! Nếu đem gửi ngân hàng số tiền ấy anh cũng mấy đời sinh sống đàng hoàng đấy nhỉ?

Gã có vẻ khoái chí, giọng trơn tru như không:

- Bác nói chí phải. Nếu gửi ngân hàng, lãi suất hàng tháng của em sẽ là gần hai mươi tỉ. Đúng là tiêu kiểu gì cũng không hết được. Vậy mà bác có biết không? Đầu năm vừa rồi em lại tiếp tục đầu tư để xây dựng một nhà máy luyện thép rất lớn ở khu nam thành phố. Có nghĩa là lúc này em đang bị sức nặng của khoảng bốn nghìn tỉ đè lên vai.

Tiếng chuông điện thoại trong túi gã cắt ngang cuộc trò chuyện. Gã giơ tay về phía tôi, tỏ ý xin lỗi rồi mở điện thoại di động.

- A lô! Nói đi! …Sao? Chúng nó lại gây khó khăn hả? Vòi tiền à? Này! Không được cho chúng nó một xu hiểu chưa!

Càng nghe, càng nói, gã càng trở nên cáu bẳn. Một lúc sau, mặt gã bất thần đỏ căng lên và cứ thế thản nhiên quát thét trong điện thoại, coi như cái ông nhà văn đang ngồi trước mặt gã đã chết rồi.

- Mày nghe đây! Không phải tao tiếc tiền. Tiền tao không thiếu. Nhưng không thể làm ăn kiểu đểu cáng, khốn nạn như vậy được…Mày nói cho tao biết tên cái thằng vòi vĩnh ấy là thằng nào để tao phôn cho giám đốc sở, nếu thích thì tao phôn thẳng cho chủ tịch tỉnh. Loại cán bộ ấy phải cho về vườn ngay, hiểu chưa? Cứ thế mà làm! Nhớ là không được cho chúng nó dù một xu, một cắc!

Buông điện thoại, gã ngoảnh vội sang tôi, bất thần nở ngay một nụ cười tươi roi rói:

- Nào! Ta tiếp tục bác nhỉ. Lúc nãy em nói đến đâu rồi? À, là cái chuyện em tiếp tục mở mang…

Gã cười khầng khậc. Nhìn vẻ mặt gã bây giờ không ai có thể biết chỉ cách  đấy vài giây thôi gã vừa nổi cơn tam bành thịnh nộ. Thật tình tôi chưa bao giờ gặp người nào mà tâm trạng lại chuyển từ cực này sang cực kia nhanh đến thế. Đang hung hăng như hổ gầm, voi rống, vậy mà thoắt cái đã cười tươi như một kẻ sinh ra chỉ để cười. Tôi trân trân nhìn, như muốn tìm từ cặp mắt trong như mắt mèo của gã một câu trả lời. Chẳng phải đợi lâu. Gã cũng nhìn tôi một hồi rồi cười phá lên:

- Sao bác nhìn em như người trên sao Hỏa thế? À mà em hiểu rồi. Chắc bác nghĩ em là cái thằng trở tâm trở tính như trở bàn tay phải không? Nghĩ thế là oan cho em lắm đấy. Chẳng có gì phức tạp trong chuyện này đâu, đơn giản đó chỉ là lối sống mà em phải chọn thôi. Bác tính, mỗi ngày giải quyết hàng chục vụ bực mình như thế. Thời buổi này động đâu vướng đấy. Bất cứ thực hiện một việc gì cũng phải qua hàng chục cửa. Mà cửa nào cũng nhan nhản sự tiêu cực. Nhiều khi phải lạm dụng đến cả sự thân quen mới qua mặt được bọn họ.

Uất lắm, chứ  đâu có vui vẻ lạc quan như bài văn bác viết đâu. Nhưng nếu sau khi giải quyết xong công việc rồi mà cứ khư khư ôm mãi trong người nỗi bực bội thì chắc chắn sẽ có ngày mắc bệnh tâm thần mà chết. Những trận cười của em đơn giản là chỉ để xả stressc. Chỉ vậy thôi chứ đâu có mang mầu sắc "chính trị chính em" như bác nghĩ. Nhưng mà tạo được cái tâm lí ấy cũng phải rèn luyện công phu lắm đấy bác ạ. Ngày trước mỗi khi gặp chuyện bực mình có khi em mang nó trong đầu tới hàng tuần. Bây giờ thì quen rồi. Như bác vừa thấy đấy. Buông điện thoại là coi như xong việc, lại thoải mái cười nói hả hê với bác như thường.

Tôi ớ người. Gã  này ghê gớm thật. Cứ như đi guốc trong bụng mình. Ừ! Mà gã nói thế là có lí. Hoá ra gã cũng khổ, nếu không muốn nói là quá khổ. Có trong tay tới hai nghìn tỉ, muốn làm vương làm tướng gì mà chẳng được, thế mà gã vẫn phải đầu tắt mặt tối cùng với bao nhiêu áp lực. Chắc là ăn không ngon, ngủ không yên. Nghĩ cho cùng, làm thằng người như thế là dại. Tôi nhìn gã cười khẩy, cái cười trắc ẩn của một kẻ khôn ngoan dành cho một kẻ…ngu ngơ, khờ khạo:

- Tôi nghĩ những người như các anh làm ăn là chỉ vì tiền bạc, nhưng đã có hai nghìn tỉ trong tay, tiêu không xuể thì anh còn mong ước gì hơn nữa mà cứ tự làm khổ mình? Hay là đúng như cổ nhân từng nói "nhân dục vô nhai".

Gã cười hề hề, hỏi một cách vô tư:

- "Nhân dục vô nhai" nghĩa nó là thế nảo hả bác? Bác thông cảm, Cái khoản nho nhe ấy em không sành cho lắm.

- Nghĩa là lòng ham muốn của con người là không có bờ bến.

Tôi tưởng gã sẽ tự ái mà nổi xung lên. Vậy mà không. Gã vẫn cười hề hề:

- Có lẽ cũng đúng một phần thôi bác ạ. Bác tính, em ngót năm mươi tuổi rồi, thuốc không, rượu bia cũng chỉ dăm chén là say cả chấy. À, mà vừa rồi mấy bác bên Mặt trận Tổ quốc tỉnh gợi ý đề cử em vào Hội đồng Nhân dân. Vinh dự quá phải không bác. Được làm ông nghị oai lắm chứ. Vậy mà nghĩ đi nghĩ lại, em phải xin rút. Vào Hội đồng, một năm họp bảy tám lần, mỗi lần kéo dài hàng tuần thì em chỉ còn nước bán xới mấy công ty, nhà máy đi. Thôi thì để người khác vào vị trí ấy sẽ có tác dụng hơn em. Đấy! Bác xem, đến việc trở thành ông nghị mà em cũng chả được hưởng thì nhân dục với chả vô nhai nỗi gì?

Tôi hỏi một câu mang tính nghề nghiệp:

- Thế anh vất vả như vậy là vì mục đích gì? Tôi hoàn toàn không hiểu.

Gã ngúc ngắc mái đầu đã điểm bạc:

- Vâng! Đúng là khó hiểu thật. Vì thế mới có người bảo em là kẻ bị trời đầy.         

Ừng ực uống cạn cốc nước, gã lại cười khơ khớ:

- Nhưng mà nói vui vậy thôi chứ trời cho em cái gia tài hai nghìn tỉ thì là trời thương em chứ trời đầy em sao được. Em làm vì mục đích gì bác không hiểu thật sao? Chẳng giấu gì bác em làm việc chính là vì cái danh đấy. Những anh tiểu phú thì đúng là lo kiếm tiền, chứ đại phú như chúng em là phải kiếm danh chứ.

-  Danh? - Tôi buột miệng thốt lên và hơi bất ngờ về cách nói thẳng tưng của gã. Cánh văn chương chúng tôi nhiều kẻ đang cố gắng viết lách chính là để kiếm cái danh mọn (mà văn chương thì còn có cái gì khác nữa đâu) nhưng khi được hỏi có khi cứ vòng vo tam quốc chẳng bao giờ dám nói thật. Vậy mà gã thẳng tuột mực tầu.

Gã vẫn thản nhiên nói tiếp:

- Vâng! Chính là vì cái danh tỉ phú đấy bác ạ. Nói, bác đừng cho em là múa rìu qua mắt thợ chứ theo em cái danh nó cũng có hai nghĩa. Danh tiếng và danh dự. Ở nước ngoài người ta cũng thế cả. Ông Bin Ghết đâu có kiếm tiền. Cuối cùng thì tiền của ông ta cũng đem hiến cho thiên hạ cả. Vậy mà suốt đời cặm cụi thì ông ta vì cái gì? Chính là vì cái danh Bin Ghết. Thế giới này tạo được một cái danh Bin Ghết đâu có dễ. Vậy mà ông ấy làm nổi. Thật đáng bái phục. Ồ, mà em nhớ lõm bõm có bác nhà thơ gì của ta ở thế kỉ bao nhiêu ấy sáng tác câu thơ hay lắm về cái danh của con người thì phải, hình như là làm trai trong trời đất gì đấy.

Tôi cười nhắc gã:

- "Đã mang tiếng ở trong trời đất/ phải có danh gì với núi sông". Đó là nhà thơ Nguyễn Công Trứ, một nhà quân sự, một nhà kinh tế, một nhà thơ lỗi lạc của thế kỉ 18 bước sang thế kỉ 19.

Gã vỗ đùi đánh đét:

- Tuyệt! Quả là thông tuệ! Chuyện trò với các bác nhà văn thật sướng lỗ tai. Cứ như chúng em lúc nào cũng thu thu chi chi, lỗ lỗ lãi lãi, tiền tiền nong nong, mệt mỏi lắm! Em nhờ bác về tra lại cho thật kĩ lưỡng, em sẽ cho dát vàng câu thơ ấy để gắn ngay trong văn phòng này. Đúng là một câu thơ đại tài!

Tôi giật mình. Không hiểu gã bốc đồng hay là nói lấy lòng ông nhà văn ngồi trước mặt. Tôi tỏ ý nghi ngờ:

- Anh muốn làm việc ấy thật sao?

Gã hơi phật ý:

- Trời ơi! Bác nghĩ em là người thế nào mà nói vậy? Xưa nay em có thói quen đã nói là làm. Ngay ngày mai xin bác chuyển cho em câu thơ để đi làm ma-két.

Mấy hôm trước tôi được ông bạn thân bên cục thuế cho biết gã tỉ phú này đóng góp vào ngân sách của tỉnh mỗi năm đến một nghìn tỉ và hàng năm tổng số tiền gã từ thiện cũng tới vài, ba tỉ đồng. Lạ thật, những điều ấy lẽ ra phải khoe ngay với nhà văn nhà báo thì gã lại tảng lờ như không có gì quan trọng mà lại để tâm bàn đến thơ phú thế này. Thấy gã càng lúc càng trở nên thân mật, tôi gợi ý khéo để gã nói đôi lời về sự đóng góp to lớn của mình với tỉnh, với đất nước.

Nghe gợi ý của tôi, gã cười rất tươi:

- À, bác muốn biết về sự đóng góp cho ngân sách nhà nước ạ? Vâng tất nhiên là vậy rồi. Nhưng mà bác ơi, mình cứ xưng xưng khoe khoang rằng tôi đã đóng góp cho xã hội thế này, tôi đã đóng góp cho xã hội thế kia, nghe nó cứ ngường ngượng thế nào ấy. Đóng thuế là luật. Đất nước tạo điều kiện cho mình mở mang doanh nghiệp, làm ra tiền của thì ắt phải đóng thuế. Vậy thôi! Mà thú thật với bác, muốn đóng góp gì thì đóng góp nhưng cái khát vọng làm giầu phải bắt đầu từ trong tâm mình cái đã. Em không khoái lắm mấy tay doanh nhân cứ mở mồm là khoe rằng tôi tận tụy ngày đêm là xuất phát từ lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, nhưng trong làm ăn thì tìm hết cách này cách khác để trốn từng đồng thuế. Giả dối lắm bác ạ.

Có lẽ sực nhớ đến chuyện giờ giấc, lão ngước nhìn lên đồng hồ treo tường.

Tôi nói nhanh:

- Mới được hai mươi phút.

Trút bỏ vẻ mặt đăm đăm, gã lại nhoẻn cười ngay được:

- Vâng! Bác thông cảm. Được nói chuyện với các nhà văn thế này là em sướng lắm. Đó là những giây phút hiếm hoi của em đấy. Hồi học phổ thông em đã từng được đi thi học sinh giỏi văn. Nếu mà có thì giờ em dám bỏ ra hẳn một ngày để hầu chuyện bác ngay. Nhưng thú thật với bác, công việc nó cứ dìm đầu mình xuống. Cái số em nó thế. Muốn hưởng thụ tí chút mà cũng có được đâu.

Thấy gã vui chuyện, được đà, tôi đưa đẩy:

- Nói chuyện với bọn tôi thì có gì hay ho mà anh cho là trò hưởng thụ. Tôi nghe nói cái lối tiêu khiển hạng nhất của các doanh nhân giầu có như các anh phải là gái đẹp phải không?

Gã đưa tay gãi gãi đầu:

- Thú thật với bác cái khoản ấy thì nhiều anh ham muốn. Chắc em cũng không ngoại lệ đâu. Các doanh nhân nhiều tiền thì ắt phải được hơn đời về cái khoản ấy. Nhưng xin thề với bác, em thì tịnh là không!

- Không? Đức độ thế sao?

Gã cười khà khà:

- Không phải là em đức độ gì đâu. Nhưng chỉ vì vợ em vừa xinh đẹp lại vừa hiền lành tử tế, sống rất tình cảm, suốt đời hi sinh vì chồng con, lẽ nào em lại làm cho cô ấy phải khổ vì mình. Bọn bạn bè sành điệu vẫn gọi em là đồ cổ. Nhưng bách nhân bách tính, biết làm sao được bác nhỉ.

Đến vậy thì quả là cái gã tỉ phú này khổ hạnh thật. Tiền nhiều như nước mà sống không hơn ông thầy tu là mấy.

Chợt gã nhìn đồng hồ rồi quay sang tôi:

- Còn đúng bảy phút nữa, em xin tiết lộ với bác chuyện này. Đó là một nỗi thống khổ của đời em.

- Nỗi thống khổ? Những người như anh mà…

- Trời ơi! Bác cứ tưởng nhà văn các bác mới có nhiều nỗi đau hay sao?

- Tôi không dám nghĩ thế, nhưng thôi được anh kể đi.

- Nỗi đau của em nghe thì thật đơn giản nhưng nó lại nằm sâu trong trái tim đấy bác ạ. Chuyện là thế này. Em có ông anh cả. Không phải là ông anh đang làm vụ trưởng bạn học với bác đâu. Ông anh này của em suốt đời chỉ quanh quẩn ở cái xóm Sỏi trong quê. Ông ấy nghèo đến cái mức không xây nổi một cái nhà hẳn hoi để ở.

Tôi thấy hơi nóng mắt.

- Một thằng em làm vụ trưởng, một thằng em tỉ phú chẳng lẽ…

- Khổ lắm! Bác cứ để em kể đã. Cách đây chục năm, hôm ấy là ngày giỗ đầu ông cụ thân sinh ra chúng em nhưng lại đúng vào cái ngày anh Tùng đi công tác nước ngoài, còn em lại được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gọi lên trình bày về dự án xây dựng nhà máy thủy điện Thác Mưa ở huyện Lũng Sa. Tận hôm sau hai anh em mới có mặt ở nhà, thế là bị ông anh cả mắng té tát. Rồi ai ngờ ông ấy tuyên bố khai trừ chúng em ra khỏi gia đình. Ông ấy bảo tội gì cũng tha được riêng tội bất hiếu thì không. Nói thế nào ông ấy cũng không nghe. Còn chỉ thẳng vào mặt chúng em tuyên bố xanh rờn: "Chúng mày cút về với cái đống tiền tài, địa vị của chúng mày đi. Đói cho sạch rách cho thơm. Tao sống nghèo đói quen rồi. Tao đếch cần tiền của. Tao đếch cần thằng nào hết".

Với dòng họ chúng em thì trưởng tộc là cực kì quyền thế. Có làm tới thứ trưởng, bộ trưởng, khi về đến làng cũng cứ là bé tí. Tưởng dăm bữa nửa tháng khi nguôi giận, ông ấy sẽ quên mà bỏ quá cho chúng em. Vậy mà đã mười năm trôi qua rồi, ông ấy vẫn cấm cửa. Cứ về đến ngõ là ông ấy đuổi, không cho vào thắp lấy một nén hương. Thế có đáng sợ không? Bác bảo, chuyện này là thế nào? Đã nửa đời lăn lộn làm doanh nghiệp, em có thể hiểu rõ từng qui luật, từng đường đi lối lại của đồng tiền như lòng bàn tay, nhưng con người, dù là con người thân thiết ruột thịt ở ngay bên cạnh mình mà em vẫn không thể nào hiểu nổi. Bác nghĩ xem, đó có phải là nỗi đau đứt ruột không?     

Ra vậy. Cái con người có khả năng làm khuynh đảo ngân sách của cả tỉnh mà lại đang hoàn toàn bất lực trước nỗi đau của tình người. Nhưng tôi biết đó không chỉ là nỗi đau đơn thuần mà còn là nỗi bất hạnh lớn, không phải của riêng gã mà của toàn nhân loại. Có lẽ gã chỉ hiểu một cách đơn thuần rằng không may mình có một ông anh bảo thủ, cố chấp như vậy chứ đâu có hiểu được rằng không những gã đang phải đối mặt với cái ý thức trọng nghĩa khinh tài, cái khí phách kẻ nghèo cụ thể của ông anh gã mà còn phải đối mặt với cái vô thức cộng đồng ngàn xưa vọng lại. Trong con mắt khắt khe của ông anh cả gã thì cái văn hoá giữ lễ với ông cha mới là tất cả, mới là cái thước đo luân lí chuẩn mực nhất chứ đâu cần biết đến chuyện gã phải làm việc đến kiệt sức để hằng năm có thể đóng góp vào ngân sách một nghìn tỉ, đưa nền kinh tế của tỉnh lên một bước đáng kể. 

Tôi biết, rồi đây tóc gã sẽ phải bạc hơn nhiều vì điều này. Và tôi muốn nói thêm với gã rằng, thực ra đó cũng chính là sứ mệnh thiêng liêng của văn chương mà những người cầm bút chúng tôi đã tốn triệu triệu trang sách nhưng vẫn chưa thể làm tròn.

Nhưng mà thôi. Hết giờ rồi. Không quá một giây, một phút. Tôi chào gã rồi lặng lẽ bước ra cửa.

Truyện ngắn của Hồ Thủy Giang
.
.