Nơi cuối cùng để đến

Thứ Hai, 02/10/2017, 11:40
Lần đầu tiên, hắn thấy cô gái thở dài. Hắn bỗng cảm thấy chạnh lòng thương cô gái. Hẳn phải có những nỗi đau thể xác giày vò thì cô ta mới hình dung ra những điều có thể xảy ra với những đứa trẻ khốn khổ kia. Tự dưng hắn cảm thấy xấu hổ. Đôi khi hắn có mua cho con Ngơ một gói tăm năm nghìn, mà lòng thì đã thấy ve vuốt vì mình cũng đã làm từ thiện...

Lão Chức quăng mạnh điện thoại xuống giường, nói như quát:

- Tao nói cho mày biết, mày mà không thay đổi, chỉ hai năm nữa mày sẽ tâm thần.

Rồi lão để mặc hắn thở ngắn dài, phi ra ngoài ngõ. "Tao thà ra nghe con Thắm trà đá cười đành đạch còn hơn ngồi nhìn cái mặt dài ngoẵng của mày". Lão Chức nói thế cho bõ tức, nhưng khiến hắn càng buồn hơn. Hắn chả làm nên trò trống gì, lúc nào cũng phải dựa dẫm vào lão. Nhiều lần lão dọa chuyển đi chỗ khác vì không chịu được cái suy nghĩ ủy mị, than thân trách phận của hắn, nhưng rồi chẳng bao giờ đi được. Hắn biết lão không nỡ bỏ rơi hắn.

Hắn xách cái nồi cơm điện ra, định nấu cơm. Chỉ còn ít gạo, hắn suy nghĩ một lát, sờ túi rồi đổ thêm vào nồi một bát nước nữa. Nấu cháo vậy. Lão Chức ghé về: "Có gì ăn không? Cháo à, cháo cũng được!", rồi lão gọi với ra ngõ:

- Tít ơi, vào đây!

Một đứa con gái xồng xộc chạy vào. Cái quần cộc của nó quả là trứ danh, che được đúng nửa vòng mông. Đôi chân không dài nhưng được cái quần kéo dài ra nên nó đập ngay vào mắt hắn. Hắn cũng có hứng thú với chân dài nhưng không dám tán tỉnh cô nào. Đứa con gái sà ngay xuống mâm, bê một bát cháo húp xoạp xoạp, tóc vẫn rũ xuống che nửa khuôn mặt. Húp hết bát cháo, nó ngẩng mặt lên, hất mái tóc sang một bên. Ồ, cũng xinh ra phết.

- Anh, cho em bát nữa!

Hắn ngoan ngoãn múc cho cô ả một bát cháo, thêm một thìa thịt băm, mắt tránh nhìn vào những chỗ nhạy cảm đang bày trước mặt.

- Mai tao phải đi Hải Phòng rồi. Đi khoảng hai tháng. Con Tít này sẽ đến đây ở. Mày làm ngày, nó làm tối, không đứa nào va chạm đứa nào.

Lão Chức sắp xếp giỏi thật! Chắc lão cho đứa con gái đến đây để canh chừng hắn.

- Không sao chứ anh giai?

- Ừ, thế cũng được!

Đứa con gái bất ngờ nhảy chồm lên, ôm lấy cổ, rồi hôn chụt vào má hắn: "Cảm ơn anh giai nha!". Hắn lúng túng không biết làm gì, trong khi lão Chức cười nghiêng ngả: "Hay là chúng mày lấy nhau đi, tao làm ông mối!". Nghe thấy thế, hắn giật mình, gỡ vội tay đứa con gái, bước ra ngoài hiên ngồi lặng thinh. Biết mình động chạm vào tự trọng của hắn, lão Chức không cười nữa, giục đứa con gái đi rửa bát.

Lão Chức đi vắng, đứa con gái đến ở thế vào chỗ lão. Đồ đạc của cô ta cũng chẳng có nhiều, lại thêm trái giờ làm ăn nên sự có mặt của cô ta cũng không khiến hắn thấy phiền. Những ngày đầu, hắn còn có cảm giác thoải mái là đằng khác, vì dù gặp nhau thoáng chốc, nhưng cứ lúc nào gặp nhau là cô ả lại trò chuyện với hắn bằng một thứ giọng rất dịu dàng. Lão Chức tốt với hắn thật, nhưng lúc nào cũng cáu bẳn. Những nỗi khốn khổ của cuộc mưu sinh khiến lão không thể nhẹ nhàng với hắn. 

"Đồ thằng điên, có gia đình gia thế đàng hoàng lại còn bày vẽ chuyện tự trọng với tự tôn. Như tao đây này, chỉ mong có nhà mà về". Lão mắng hắn thế nhưng lão thương hắn và che chở hắn như em ruột. Mấy tháng trời, lúc hắn chưa kiếm được việc làm ra hồn, lão trả hết cả tiền nhà. Rồi sau đấy, lão còn nhường cả cho hắn chỗ làm của lão. "Tao làm việc gì cũng ngon, còn cái tướng mày lóng ngóng thế này, chỗ nào người ta không thông cảm, người ta mời cuốn xéo sớm!". 

Lão Chức mặt mày khổ não mà hóa ra lại nhiều cô mê. Chỗ nào hắn chở hàng đến mà có phụ nữ, cũng thấy người ta khen với hắn về ông anh tử tế. Lão được thể, bảo hắn: "Chỉ có thằng ngốc như mày mới không phân biệt được người tốt người xấu; đàn bà họ tinh lắm". Hắn hỏi lão: "Sao anh không lấy vợ?". Lão cười khùng khục mà mặt thì nhăn nhó: "Tử tế mà làm cho người ta khổ lây vì mình thì có còn tử tế nổi không hở, thằng đần". Ban đầu, nghe lão chửi, hắn xì mặt, nhưng sau lại thấy nhớ lão mỗi khi lão đi đâu vắng. Cảm giác bị chửi của hắn không căng thẳng như khi nghe mẹ hắn chửi bới ở nhà.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Lão Chức đi Hải Phòng lần này, hắn biết là để tìm manh mối về đứa em của lão. Cha mẹ lão ngày xưa có ân oán giang hồ nên từ lúc anh em lão còn bé đã phải mang gửi cho một người họ hàng xa. Người họ hàng này đã cầm trong tay số tiền đủ để nuôi anh em lão khôn lớn, nhưng khi nghe tin bố mẹ lão chết cháy trong vụ hỏa hoạn lúc nửa đêm, lập tức mang hai đứa trẻ lên tàu tốc hành và thả chúng xuống một ga xép dọc đường. Lão Chức hay nói nhưng ít bộc bạch nỗi lòng. 

Có một lần ngồi uống rượu với hắn, lão đã khóc rưng rức: "Con Tít nhà tao cũng bằng tuổi mày đấy, nó thương tao vất vả nên xin đi làm. Buổi sáng nó chào tao đi rồi không thấy về nữa. Mười năm nay rồi, tao đi khắp nơi tìm nó"... Lão Chức thương hắn và che chở hắn như một người cha (thực ra hắn cũng chưa bao giờ biết tới sự chăm sóc của cha). Hắn chỉ biết thể hiện lòng biết ơn với lão bằng cách ngồi im nghe lão chửi mỗi khi lão buồn. Nhưng sau khi cô gái đến ở cùng, hắn nghiệm ra rằng nghe giọng con gái ngọt ngào vẫn thích. 

Có lúc hắn giật mình thấy hình như hắn hay nấn ná đi làm muộn một chút để thấy cô nàng về, vừa che miệng ngáp vừa vẫy vẫy bàn tay kia "Chúc một ngày may mắn nha anh hai". Đương nhiên, hắn hiểu, dù cho hắn là kẻ thất bại như thế nào đi nữa, hắn cũng không bao giờ để cuộc đời gắn bó với một cô ả như thế.

Nhưng chuyện đời không phải cứ nghĩ gì là nó ra thế. Một hôm, hắn đang tất bật chuyển đồ uống cho một nhà hàng lớn thì cô ả gọi điện tới: "Anh về đi, có một bà bảo là mẹ anh đang đến tìm đây này". Hắn giật mình, chắc mẹ hắn nghe được tin con trai đang ở cùng một ả cave nên không kiềm chế được mà tìm đến chỗ hắn ở đây mà. Càng hay.

Mặc kệ cô nàng ở cùng năm lần bảy lượt hối thúc trên điện thoại, hắn vẫn nhẩn nha giao xong hàng rồi mới về. Mẹ hắn đang sốt ruột đi đi lại lại trước nhà. "Em mời mãi mà bác ấy không vào trong nhà ngồi", cô gái thanh minh. Hắn ậm ờ. Hắn thừa biết mẹ hắn có mỏi rã chân cũng không thèm ngồi trong căn phòng nhếch nhác của hắn. Hắn đổi giọng: "Em cứ đi làm đi, lúc nào về nhớ alô anh ra đón nhé!". Cô nàng tròn mắt nhìn hắn, rồi lí nhí chào quý bà sang trọng đang nhìn lướt qua người cô bằng một cái nhìn sắc lạnh chết người

- Tôi tưởng anh sống thế nào kia! - Bà mẹ không nhìn mặt con trai mà nhìn xoáy vào đám quần áo con gái phấp phới trước cửa phòng.

- Con sống tốt, mẹ bận tâm làm gì! - Hắn nuốt rất nhanh thứ đang dâng lên nghèn nghẹn trong họng - Mẹ tìm con có việc gì không?

- Cái ngữ kia là thế nào? - Mẹ hắn chỉ ra ngõ, nơi cô gái vừa đi khuất.

Hắn cười nhạt nhẽo. Mẹ hắn có chết cũng không chấp nhận trong nhà có thứ dâu con thuộc thành phần mà bà gọi là "cặn bã". Đến hắn, mẹ hắn còn xem là một thứ vô dụng, "trót sinh ra thì phải chứa" vậy thôi. Mẹ hắn có thể buông những lời nặng nề với hắn bất cứ lúc nào, nhưng bây giờ, hắn không muốn nghe những lời đay nghiến ấy nữa, nhất là ở đây, xóm trọ của những con người bần cùng.

- Cô ấy là người ở cùng vậy thôi, mẹ đừng bận tâm.

Mẹ hắn dường như trông đợi một câu trả lời hơn thế nữa. Nhưng biết không thể bắt hắn khai nhiều hơn, cuối cùng bà chỉ thẳng vào mặt hắn:

- Cái đời mày rồi cũng khốn nạn thôi con ạ!

- Nó đã khốn nạn từ lâu rồi mẹ ạ. Không phải từ ngày con bước chân ra khỏi nhà, mà từ ngay cái ngày con sinh ra, cái ngày mà nếu được làm lại, mẹ sẽ bóp chết con ngay lập tức ấy.

Hắn nuốt nghẹn, trong đầu lùng bùng những lời mắng nhiếc. Mẹ hắn gí ngón tay trỏ vào mặt hắn, rít lên qua kẽ răng:

- Bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ mày chưa đủ hay sao mà còn định rước đĩ về thờ hả thằng ngu? Mày ăn cơm hay là ăn cứt?

Hắn quay mặt đi, nói rất nhanh:

- Mẹ về đi. Con phải đi làm.

Rồi không đợi mẹ về, hắn lao ra đường. Khả năng kiềm chế của hắn rất kém. Hắn sẽ thành một thằng con bất hiếu khốn nạn ngay lập tức, nhất là có thêm "xúc tác" là những lời sỉ nhục.

Khi phố xá lên đèn thì hắn không nhớ mình đã ngồi bên bờ kênh bao nhiêu lâu. Mùi nồng nồng của dòng nước đen ngòm làm tăng khả năng kiềm chế của hắn. Hắn không muốn khóc, thậm chí không muốn buồn. Hắn cố gắng tập trung vào khoảng đen ngòm dưới chân, nhìn nó chầm chậm chảy và hít mùi nồng nặc của nó. Thật tốt.

- Về thôi, buồn làm quái gì anh giai!

Cái thứ man mát của da thịt và thơm thơm của sữa tắm tựa vào hắn làm hắn thấy như được khai sáng. Hắn kéo cô nàng đứng dậy.

- Tối nay đừng đi làm nữa. Anh trả tiền cho em!

*

- Anh giai, cần tâm sự không?

Cô gái ghé sát má vào mặt hắn. Những sợi tóc mềm mại làm hắn thấy buồn buồn. Hắn ậm ờ. Khơi lại những chuyện đã qua chỉ làm hắn thêm đau lòng.

- Mẹ anh ghét anh thật à? Em thấy anh có lí do gì để ghét đâu, ngoại trừ… sự yếu đuối.

- Em không hiểu được đâu.

Cô gái nhổm dậy, nửa thân trên người hắn. Nhưng ánh mắt thì lại nhìn hắn rất nghiêm túc:

- Sao lại coi thường em thế, em đủ kinh nghiệm để hiểu đấy! Lão cha dượng của em ngày xưa cũng thế. Lão có gia đình quyền quý lắm, nhưng bị hất ra đường vì tội làm xấu mặt dòng họ. Cả một dòng họ toàn cử nhân, tiến sĩ, lòi ra mình lão học không hết cấp hai. Hiza, chính lão là người đẩy em ra nông nỗi này, nhưng nghĩ lại, em không hận lão. Cũng tại em nữa, em thương lão, nhất là lúc lão bị người nhà đối xử như con chó ghẻ.

Mỗi kẻ một nỗi éo le, chẳng ai có đủ sức để chia sẻ. Hắn móc ví đưa cho cô nàng những đồng tiền cuối cùng. Cô nàng bỏ trả vào ví hắn: "Giao lưu tình cảm với anh hai cho vui thôi - Cô rút ra tờ mười nghìn mới nhất - Xin anh giai lấy may". Hắn cười nhạt: "May gì cái thứ anh. Thôi, dậy đi, anh em mình đi ăn sáng".

*

"Về nhà đi, anh có chuyện cần bàn" - tin nhắn của anh trai gửi đến giữa lúc hắn và đứa con gái thi xem mình biết được bao nhiêu từ tục tĩu. "Đ.mẹ", hắn văng tục vào cái điện thoại còn cô nàng cười rũ ra vì tội phạm quy của hắn. Hắn thua cuộc và phải làm trâu cho cô nàng cưỡi. "Sướng phết anh ạ. Từ bé đến giờ em chưa được ai làm trâu cho cưỡi". "Em có thích ở hẳn với anh không?". "Anh điên à, ở hẳn với anh thì em biết làm nghề gì mà sống!". Cô nàng cười rinh rích.

"Anh sắp xếp mãi mới được một buổi để ở nhà gặp chú, sao chú không về?" - tin nhắn đầy vẻ cáu kỉnh của anh trai. Ngày bé, anh ta cũng hay cáu kỉnh thế mỗi khi bạn bè mách tội của thằng em hay lúc bà mẹ ép anh ta nhồi chữ vào cái đầu hũ nút của hắn. "Anh cứ lo việc của anh đi. Em không về đâu". Hắn lạnh lùng nhắn tin lại, sự lạnh lùng cả gan hắn có được từ khi tìm được một chỗ dựa bên ngoài từ lão Chức.

Từ lúc bắt đầu có nhận thức, hắn đã nghe thấy câu nhận xét sau này trở thành rất quen tai của những người xung quanh "hai anh em mà chẳng giống nhau gì vậy?". Hắn cũng thấy ngạc nhiên: hắn nhỏ bé, đen nhẻm trong khi người anh trai chỉ ra đời trước hắn có hai năm thì to cao, trắng trẻo, mặt mũi khôi ngô. Anh hắn thông minh, học hành giỏi giang, lúc nào cũng mang lại niềm tự hào cho mẹ. Còn hắn, từ bé đã chỉ thích hóng ra ngoài đường, nơi có bọn trẻ con cùng phố chơi đá cầu, đá bóng. Mẹ hắn không cho anh em hắn chơi với "lũ lêu lổng" ấy vì sợ bị lây thói xấu, "hỏng người" nên đóng kín cổng. Anh hắn học giỏi, chơi thể thao giỏi, biết đàn hát nên bạn bè cũng toàn những người cùng sở thích, chí hướng, "có đi đâu cũng yên tâm". Còn hắn, cứ lủi thủi trong một xó nhà, chẳng có ai chơi mà cũng chẳng hứng thú gì sách vở, năm nào mẹ hắn cũng phải chạy chọt xin xỏ để cho hắn được lên lớp. Lúc bố hắn còn ở trên rừng, mẹ hắn hay dọa "Mày không nghe lời, tao cho mày lên rừng ở với bố mày, để thành hai con khỉ đột". Hắn sợ phải ở cùng người bố suốt ngày lầm lì như một tảng đá nên cố gắng ngoan ngoãn. Ngoan ngoãn mẹ hắn cũng chửi, "ngoan mà ngu thì cũng không làm gì được cho đời".

Hắn lớn lên trong nỗi mặc cảm triền miên về bản thân. Hắn ru rú ở nhà, khép mình ở trường nên dĩ nhiên hắn không có bạn để có thể ít nhất một lần được an ủi. Những người quen biết thì thường xuyên đặt hắn trong sự so sánh với người anh ưu tú đến mức hắn không muốn gặp gỡ bất cứ ai. Duy nhất một lần, hắn quen với một cô gái, xinh đẹp, dịu dàng, nhưng từ khi biết sự thật cô ta quen hắn chỉ để tiếp cận với người anh "đáng giá" thì hắn cũng đóng khép lòng mình, không chơi cùng ai nữa.

Hắn sẽ sống như thế đến lúc chết nếu như không xảy ra một chuyện. Ông bố kiểm lâm chán đời uống rượu say rồi ngã sấp mặt xuống suối. Nghe tin bố hắn chết, mẹ hắn khóc rống lên lấy lệ rồi tỉnh như sáo, bàn tính với con trai làm đám ma thật hoành tráng cho người chồng "tội nghiệp". Hắn cười khẩy "Lúc sống thì đối xử như cứt, chết rồi còn lo làm đám ma to". Mẹ hắn có vẻ ngạc nhiên thái độ của hắn rồi lạnh lùng buông một câu: "Sống vô tích sự thì chết quách đi cho rồi".

Dĩ nhiên, hắn hiểu câu nói đó. Sau đám ma của bố, hắn bỏ nhà ra đi.

*

- Anh giai, cho em mượn xe một tí!

Cô nàng ở cùng không hiểu từ đâu xồng xộc chạy đến, chặn trước mặt làm hắn giật bắn mình. Mọi ngày còn đang nằm ườn trên giường, sao lúc này trông mặt hình sự như đi bắt cướp vậy.

- Đi đâu?

- Em đuổi theo con Ngơ, xem người ta chở nó đi đâu.

Con Ngơ là đứa con gái bé tẹo, mặt mũi lơ ngơ, vẫn hằng ngày cắp giỏ tăm tre, tăm bông bán rong trên đường. Thi thoảng, lúc gặp nhau ở nhà, cô nàng vẫn kể với hắn về con bé kì dị đó. Nó cứ lặc liễng cắp cái giỏ tre đi, gặp ai cũng lấy tay khều khều, miệng ú ớ đòi người ta mua hàng. Trông nó bẩn thỉu, nhiều người không muốn lấy đồ của nó, nhưng cho tiền nó thì nhất định nó không lấy. Thảo nào, từ lúc cô nàng về ở cùng, bậu cửa sổ nhà hắn chất đầy tăm bông ngoáy tai với tăm tre xỉa răng.

Chừng nửa tiếng sau, cô nàng quay về, mặt đã bớt hình sự nhưng vẫn bừng bừng:

- Mịa! Thằng khốn còn định oánh em anh ạ.

- Thằng nào thế? - Hắn hốt hoảng - Sao nó lại định đánh em?

- Cái thằng chở con Ngơ ấy - Cô gái uống cạn cốc trà đá hắn rót, rồi tự tay rót từ ấm trà của bà hàng nước vỉa hè một cốc cho hắn - Em đã nghi ngờ con Ngơ có người chăn dắt rồi, nhưng nay mới vớ được cái thằng đến đón nó. Đuổi theo nó về tận nhà trọ, nhưng bọn nó có bốn thằng, em không làm gì được.

- Chết! Nguy hiểm lắm! Sao em liều thế? Chúng nó xúm vào đánh cho thì sao?

Cô gái tròn mắt nhìn hắn, ánh mắt loang loáng. Thoáng qua rất nhanh, cô mỉm cười:        

- Đánh sao được em, em phải có võ riêng chứ. Nếu không em trụ sao được ở đất này để gặp anh giai. Khổ thân con Ngơ, cả mấy đứa tàn tật ở cùng nó nữa. Không biết ngoài việc lạm dụng sức lao động của chúng nó, bọn khốn kia có lạm dụng gì nữa không?

Lần đầu tiên, hắn thấy cô gái thở dài. Hắn bỗng cảm thấy chạnh lòng thương cô gái. Hẳn phải có những nỗi đau thể xác giày vò thì cô ta mới hình dung ra những điều có thể xảy ra với những đứa trẻ khốn khổ kia. Tự dưng hắn cảm thấy xấu hổ. Đôi khi hắn có mua cho con Ngơ một gói tăm năm nghìn, mà lòng thì đã thấy ve vuốt vì mình cũng đã làm từ thiện.

- Lần sau đừng đuổi theo như thế, chúng nó đánh cho thật đấy. Mình chẳng làm được gì đâu. Cả anh và em đều không thể làm được gì cho bọn trẻ cả. Chúng ta đều đang chẳng ra gì.

Hắn khó nhọc nói với cô gái điều ấy, như mặc nhiên thừa nhận sự kém cỏi bất lực của mình. Cô gái trả chìa khóa xe cho hắn, vâng khẽ rồi giục hắn đi làm. Nhìn vào mắt cô gái, hắn rất muốn ôm lấy vai cô, nhưng không hiểu sao lại thôi, chậm chạp đi đến chiếc xe cà tàng, rồ máy thật gằn trước khi cho nó chạy lẫn vào đám đông khét lẹt trên phố.

*

Hắn kết thúc ngày làm việc lúc mọi nhà đã quây quần quanh mâm cơm. Hôm nay, cô nàng ở cùng phá lệ nấu cơm và ngồi đợi hắn.

 - Anh à, có lẽ em sắp giải nghệ. Cha dượng gọi về đi làm công ty.

- Em không sợ lặp lại những chuyện ngày trước sao? - Hắn thấy giọng mình hốt hoảng.

- Em bây giờ như thế này rồi, lão dám? - Cô nàng gắp vào bát hắn một khúc cá to - Em về gột rửa quá khứ, khi nào sạch, em tìm anh giai nhé! Nhưng nói anh đừng giận nhé, nếu anh có đồng ý em cũng chả dám đâu. Cứ nghĩ đến việc giáp mặt quý bà sang trọng hôm trước em đã thấy lạnh toát cả người rồi.

- Anh sẽ không về cái nhà ấy đâu.

Cô nàng nhìn sâu vào mắt hắn, một lát mới trả lời, giọng buồn buồn:

- Ánh mắt đầy giận hờn! Mà còn giận hờn là còn yêu thương.

Liệu hắn có còn yêu thương, còn nhớ nhung những con người trong gia đình ấy không nhỉ. Sao nghĩ đến chỉ thấy đau đớn. Tất cả những lời nói trút vào cái đầu vô dụng của hắn, hắn chưa quên một từ nào. Đã lâu, hắn không nghĩ, tự dưng cái con bé này lại khơi lên. Hắn cảm thấy khó chịu với cô ta một cách vô cớ.

- Thôi đi, không phải việc của cô! Lo cho cái thân của cô đi.

Mặt cô nàng ngắn tũn lại. Bữa cơm trở nên nặng nề. Hắn ăn vội cho hết bát cơm rồi lấy cớ đi làm. Như tố cáo sự dối trá của hắn, cái xe tồng tộc mãi không chịu nổ máy. Hắn vừa dắt xe vừa day sống mũi, ngăn cho nước mắt khỏi trào ra.

"Anh về được không?". "Có chuyện gì, tao đang bận lắm. Mà sao mày lại để con Tít nó đi vậy?". "Nó bảo về dượng nó xin việc cho mà". "Nó làm đếch gì có dượng. Mẹ nó, nó còn chẳng biết là ai. Cái lão ngày xưa nuôi nó rồi đày đọa nó thì chết từ tám hoánh rồi!". Hắn trân trối nhìn vào dòng tin nhắn của lão Chức. Có gì sai ư? Ngoài lão Chức ra, hắn đã gắn bó với ai đâu mà hắn hiểu được chuyện gì đang xảy ra.

Hắn lang thang khắp những khu phố tối tăm, nhưng không thấy cô gái. Có thể cô ta đã may mắn kiếm được khách từ tối. Có thể cô ta đang đứng chờ đợi ở một xó xỉnh nào đó. Trời đêm bắt đầu lạnh. Một năm, cô ta có rất nhiều ngày phải đứng ngoài trời lạnh. Thế mà mặt cô ta cứ hơn hớn. Cô ta không có nỗi căm hận nào ư?

"Tít, tít", cái điện thoại cùi bắp rung lên trong túi quần. Một tin nhắn thật dài của cô gái: "Anh giai, đừng buồn nữa, hãy mạnh mẽ lên. Anh là người tốt mà... Em về quê rồi, quê của một người bạn tốt. Em đã tìm được một công việc lương thiện. Sau này, nếu không còn nơi nào đi, anh về đây với em. À, em đã nói chuyện con Ngơ với một chị nhà báo, chị ấy hứa sẽ điều tra. Nếu chị ấy cần sự giúp đỡ, anh giúp nhé!".

Hắn ôm lấy cái điện thoại như một vị cứu tinh. Hắn có cảm giác phía bên trái ngực mình nhói lên. Nỗi đau đớn vì hạnh phúc, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời hắn biết đến. Trong tâm trí của hắn, nụ cười rất trẻ con của cô gái hiện ra rạng rỡ. Hắn nhắn cho lão Chức một tin mà hắn nghĩ thế nào lão cũng cười bảo hắn sến sẩm: "Anh ơi, vậy là em đã có một nơi cuối cùng để đến"!. 

Truyện ngắn của Mai Thị Hồng Quế
.
.