Những người tận khổ

Thứ Ba, 24/11/2015, 08:00
Tôi đến thăm ông bạn, nằm ở khu tự nguyện Bệnh viện Bông Sen, nhưng chẳng rõ phòng nào. Cái tính đại khái của cánh đàn ông là vậy, họ ít khi nhập tâm những thứ quá chi tiết. Chỉ cần biết ở khu tự nguyện là đủ. 

Nhưng vào được khu tự nguyện, thì phải đi qua cái vỉa hè. Vỉa hè bệnh viện là một thế giới vừa ảo vừa thật, vừa cao thượng vừa nhố nhăng. Mới nhá nhem tối, người ta đã nằm đườn đưỡn đầy vỉa hè. Người ta nằm rất sớm để giữ chỗ, kẻo người khác chiếm mất. Ai không chiếm được vỉa hè, đành ngủ bờ ngủ bụi. Vỉa hè hẹp, nếu nằm quay đầu ra rãnh nước, thì phải gác chân lên tường, nằm song song với rãnh nước, thì bị người ta đi qua, bước chân lên mặt. Các bà mặc váy mà bước chân lên mặt, thì cứ thấy tối rầm! Vỉa hè bệnh viện, chỗ này còn ngồi ngủ gục thì chỗ kia đã lúng nhúng trong chiếc vỏ chăn trùm kín.

Phải khó khăn lắm tôi mới qua được cái vỉa hè bệnh viện để lên thang gác, vào chỗ bệnh nhân nằm.

Thò cổ vào phòng thứ nhất lại rụt ra ngay. Thấy ông nào cũng như ông nào, đều dây rợ loằng ngoằng, có ông còn bị trói chân xuống giường, mà chân có ra chân, chỉ như chiếc ống sậy. Chán thật! Ở khu tự nguyện này, tiền không thành vấn đề. Toàn ông to, nhưng nhiều ông đã qua thời đội mũ đi hia, hết thời bước lên sân khấu, khi phông màn đã khép. Nhìn vào họ cứ thấy mờ mờ ảo ảo. Làm cái anh dân thường lại hóa hay, trắng đen phơi ra rõ nhất.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Thò cổ vào phòng thứ hai, thấy nhiều ông hở ra nồng nỗng. Người giầu tưởng tượng về sex, cũng phải chắp tay vái lạy! Ở hành lang, mấy bà đi qua nhìn vào, cười rung cả bụng, lúc lắc cả tứ chi. Một bà cố dùng phấn son níu giữ, nhưng mặt mày vẫn nhoe nhoét dấu thời gian, bộp một câu: "Chỗ này cũng toàn ông ...to...". Bà đi bên cạnh, chắc cùng hội cùng thuyền, bà này bụng to, đầu lại bé, đại diện cho thời nhiều dinh dưỡng, cũng vừa nhìn, vừa lấy tay che mặt: "To có mài ra mà uống được không?". "Mài cái gì?". "Cái của nợ". Khiếp, nghe mà hăng lên cả sống mũi!

Thò đến phòng thứ ba, thì chưa kịp thụt, một ông nằm ngay cạnh cửa ra vào nhìn chính diện vào mặt tôi. Trông quen quen, biết là lãnh đạo một thời của mình, tôi đành miễn cưỡng bước vào. Trớ trêu thay, tôi đến thăm một người bạn, chứ không phải đến thăm ông này. Quà tôi mang cho bạn bị tiểu đường, toàn những thứ ăn kiêng, biếu ông ta không tiện. Đưa tiền không có phong bì, lại càng không tiện, mà ông ta cũng chả thiếu gì tiền, tôi đành tay không, ngồi xuống lúng túng: "Bác... ốm từ lúc nào, tôi... không biết".

Ông ta nhìn tôi bằng con mắt trắng dã, vô hồn, nói như quát, làm tôi sững sờ chết điếng: "Hai thằng ấy nó…chết...cả rồi". Tôi hoảng quá: "Chết thật...hai thằng nào...chết?". Ông không trả lời tôi, lại nghiến răng quát to hơn: "Hai thằng ấy...nó...chết...". Tôi sợ tái mặt, phải bám tay vào thành giường. Ngồi trấn tĩnh lại, tôi cố hình dung xem, ở cơ quan cũ, có ai chết mà được ông xếp vào loại "thằng". Chắc "thằng" này ông giận lắm?

Một chị đứng bên giường bệnh bảo tôi: "Ông ta chửi hai đứa con bất hiếu, chỉ mang tiền ra dẫy, chả đứa nào ngó ngàng đến bố". Tôi nhìn chị, người xương xương, nhưng mặt lại tròn, như người đeo mặt nạ. Tròn bèn bẹt kiểu vung xoong, chứ không phải vung nồi hầm áp suất. Nó đối lập với sếp tôi, mặt lưỡi cày. Từ cổ chí kim, tôi chưa thấy ông nào mặt lưỡi cày lại làm quan như ông này! Trong các thứ mặt, thì mặt hoa da phấn xếp loại một. Mặt trái xoan xếp loại hai. Cuối cùng mới đến mặt lưỡi cày.

Tôi tưởng chị là người nhà của sếp, nên hỏi chuyện: "Thế chị là...". Chị cài khuy áo, chiếc áo phát cho người trông coi bệnh nhân, rồi nói cộc lốc qua chiếc khẩu trang: "Ô Sin bệnh viện!". Tôi nhìn ra hành lang, thấy một ông, đầu múp như chiếc gáo dừa, cứ ngơ ngác sợ sệt. Kiểu ngơ ngác khó tả, chỉ có trong bệnh viện. Chị Ô Sin bảo: "Họ sợ từ ông bảo vệ sợ đi. Ai không có áo trông coi bệnh nhân, thì cứ rúm vào một xó. Bảo vệ đuổi, thì chạy như ôn dịch!". Tôi nghĩ bụng: Đến bệnh viện mới thấm thía câu nói: Đời là bể khổ!

Tôi định nói vài câu thăm hỏi thủ trưởng cũ, nhưng ông ta cứ ngửa mặt, nhìn trừng trừng lên trần, đành nói chuyện với chị Ô Sin: "Thế ông...ăn uống thế nào?". Được người bắt chuyện, chị cởi lòng, cởi dạ: "Cho ăn khổ ơi là khổ. Chỉ có mỗi việc há mồm mà cũng không xong". Nghe chị nói vậy, tôi lại nhớ về ông này: Ông ta thuộc loại ăn tạp, có gì ăn được là ăn, bất kể sống sít, đồng tiền đầy túi nhưng là đồng tiền bẩn. Ông ta cũng hết thời đội mũ đi hia. Hết thời vàng son một thuở. Nhưng tôi cũng không ngờ ông lại đến nỗi này. Cuộc đời thật lắm éo le. Mới hôm nào còn tiệc tùng: cua vua, tôm hùm, cá mặt quỷ... béo tốt là thế. Vậy mà nằm đây, cứ thấy bẹp dí xuống chiếu, người mỏng dính như chiếc đĩa nông lồi trôn.

Thì ra bệnh tật chả sợ ai, kể cả quyền lực. Tôi hỏi chị Ô Sin: "Chắc cho ông ăn... cũng vất vả?". Nghe tôi nói vậy, chị cầm chiếc thìa, giơ lên trước mặt tôi: "Anh ơi, có lúc ông ta cắn một miếng... thìa, em tống vào không được, rút ra không xong". Tôi thở dài khẽ nói: "Lại còn thế nữa". Thấy tôi đến thăm, chị săng sái thể hiện chức năng của người giúp việc: Bóp chân tay, lau mặt ông ta bằng khăn ướt...

Tôi ngồi rất sát cái mặt này, bàn tay này. Thấy đường sinh đạo trên tay mờ mịt. Thấy cái mặt rúm ró đáng thương, nhưng cũng đáng sợ, nhất là lúc ông ta nhìn soi mói vào tôi, rồi lại nhìn vô hồn vô định lên trần nhà. Tôi hỏi chị Ô Sin: "Thế mấy giờ cho ông ăn?". Chị không trả lời tôi, nhưng lại nâng cổ bệnh nhân lên, đặt vào giữa gối, rồi nói rõ to: "Nào. Đến giờ ăn rồi. Cố gắng mà... nuốt".

Tôi đỡ hộ chị, để tay ông ta xuống chiếu rồi bảo: "Thế hôm nay ông... ăn gì?". Chị bảo: "Ăn súp. Họ khoán trắng cho em một cục, cả ăn, cả uống, cả trông coi, tất tần tật". Chị mở ngăn tủ, lấy chiếc thìa, gõ lên bát súp ba nhát: Keng! Keng! Keng! Lại gõ ba nhát nữa: Keng! Keng! Keng! Người bệnh vẫn quay đầu vào tường, không nhúc nhích. Chị xoay người lại, cầm thìa súp dứ dứ vào miệng, nhưng miệng ông ta vẫn không há. Tôi thấy buồn quá. Chỉ mỗi việc há mồm... Bỗng ở đâu đó, có tiếng cầu kinh... Tiếng cầu kinh đưa hồn ai về cực lạc? Tiếng cầu kinh lẫn vào tiếng rung, tiếng giật của máy trợ tim, máy thở, nghe vụn vỡ. Lằn ranh giữa sự sống và cái chết, không ở đâu gần như ở nơi này. Nhìn vào sếp tôi, lằn ranh này còn gần hơn. Bây giờ tiền, gái đẹp, với ông không quan trọng. Quan trọng là... há mồm. Tôi khẽ bảo chị Ô Sin: "Thế ông... cứ không... há mồm thế này...". Chưa nói hết câu chị đã ngắt lời: "Không há thì phải có cách...". Bỗng chị đứng phắt dậy, không biết chị định lấy gì. Tôi đang ngỡ ngàng, thì bỗng ba bốn tiếng rấm rầm: Duỳnh! Duỳnh! Duỳnh… và tiếng quát: "Há!", làm tôi hết hồn. Ông ta bị tiếng quát bất ngờ, mắt trợn lên, mồm há ra. Lập tức chị vừa đứng, vừa tống chiếc thìa vào mồm, rồi hất ngược lên hàm trên, dốc thức ăn xuống. Ông ta nấc lên hai ba nhát, rồi thìa súp cũng trôi được xuống cổ họng.

Chị bảo: "Phải làm tử tình tử tội, mới đút được một miếng vào mồm". Tôi thấy thương quá, thương cho ông ta, thương cả cho chị, liền bảo: "Thế ra chị... chọn cái nghề... chăm sóc người ốm cũng vất vả...". Nghe tôi nói vậy chị phân trần: "Ở nhà quê, thì lấy đuôi con trâu làm thước ngắm, bọn em ở đây thì lấy đồng tiền làm cái đích để chìa tay".

 Ngồi xem chị cho người bệnh ăn, tôi mới thấy trên đời cái sự ăn cũng khổ! Kiếm được đồng tiền để ăn đã khổ. Đến lúc có tiền, thì há không được, nuốt cũng không xong. Miếng thứ hai thì chiếc thìa lại đút nằm ngang. Ông ta nhất định không nuốt. Chị định rứt tóc, để ông ta nuốt thìa súp. Tôi ngăn lại: "Thôi đừng. Tội quá. Khổ thân ông ta quá... Để xem có cách nào...".

Ông ta cứ ngậm thìa súp, dướn mắt lên, như nhìn từ âm phủ. Một lúc sau, ông quay hẳn vào một góc. Tôi nghiệm ra: Góc bệnh viện cũng là một góc cuộc đời! Cuộc đời còn nhiều góc nữa: Góc riêng của mỗi nhà, góc kiếm ăn... Góc nào cũng khổ. Góc bệnh viện là góc khổ nhất. Kiếp người cứ lần lượt rủ nhau đến cái góc khổ này. Tôi hỏi chị: "Thế ông... bị bệnh gì?". Chị bảo: "Ông ta bị... cứng quai hàm do tai biến". "Lại còn thế nữa". Chị nhìn ra ngoài cửa, không thấy ai đi qua, liền nói to hơn: "Chắc hồi còn đi làm, ăn nhiều thứ quá...".

Tôi giơ tay ra hiệu cho chị, đừng nói nữa, sợ ông ta nghe thấy. Chị bảo: "Đấy mới là một bệnh, còn điếc lác, thần kinh... đủ thứ bệnh, có quát vào tai cũng như không". Nghe chị nói chuyện ốm đau, mà cứ nhẹ tênh. Nhẹ đến nỗi như chiếc lá mềm rơi vào cỏ mượt. Nhưng tôi lại thấy ngậm ngùi. Đời con người bao nhiêu nỗi đau: Đau bệnh tật. Đau con cháu bỏ rơi. Còn ông, chả biết có đau thêm... một thời... lương tâm táng tận? Có lẽ lúc này, ông đang nhận hết nỗi đau cho mình?

Ngồi ở đây lại thấy buồn. Người của hôm nào mà đến nỗi miệng không há nổi! Có người bảo: gieo tính cách thì gặt số phận. Phận ông có phải tự ông gieo? Tôi bảo chị: "Cám ơn chị, chị đã làm cái việc nhân hậu...". Chị cúi xuống không nhìn tôi: "Anh ơi, kiếp sau em... còn có... khổ như kiếp này?". Tôi nghĩ bụng: sướng khổ lấy gì so? Chị khổ hay ông ta khổ? Tôi nhìn ra ngoài trời, hàng cây xào xạc. Chiếc lá vàng đang đợi gió để lìa cành. Lá rơi về cội. Con người rơi về đâu? Nhìn vào miệng ông ta, thấy nhoe nhoét súp. Súp ông không nuốt, lại phùn ra. Súp có tội tình gì? Tôi ngồi đây, thấy nặng nề, buồn nỗi buồn thế sự, liền đứng lên chia tay chị, rồi chào ông: "Chúc ông mau khỏe, tôi còn đến thăm một người bạn nữa...". Ông nhìn tôi như nhìn người xa lạ, rồi lại quát lên: "Hai thằng ấy nó...chết...cả rồi!". 

Truyện ngắn của Bùi Nguyên Ngọc
.
.