Những ngã rẽ

Thứ Năm, 25/06/2020, 11:32
Câu chuyện Mây kể thật buồn, và chẳng hiểu vì sao Mây cứ ngồi sát dần vào Huy. Chắc lạnh? Cũng tội cho cô ấy. Đôi mắt sắc như dao cau của Mây thỉnh thoảng lại liếc xéo sang làm Huy sợ, nhưng cũng lại làm Huy nhớ tới những đôi mắt long lanh, đôi môi ướt át của những cô gái nơi đóng quân ở biên giới...

Huy ngỡ ngàng bước vào cổng trường Đại học Tổng hợp. Lạ mà quen. Hơn mươi năm trước, anh đã từng là sinh viên năm thứ hai khoa Văn. Có người nói anh gần 40 tuổi rồi còn ham hố học hành cái nỗi gì, nhưng Huy vẫn quyết học tiếp năm thứ 3.

Không còn háo hức như ngày nào, buổi lên lớp đầu tiên Huy thấy mình lạc lõng giữa sự ồn ã, vô tư của các cô, các cậu sinh viên vừa mới qua tuổi đôi mươi. Mấy đứa con trai gọi bằng anh, mấy đứa con gái lại gọi bằng chú. Hình như lũ con gái dùng từ “chú” để khẳng định ranh giới phân chia rõ ràng, rằng “chú” đừng đụng chạm đến các bậc cháu chắt như chúng. Cũng hay. Thật chẳng khác gì lũ con gái bạn Huy của lớp 10A ngày nào.

Hôm nay có giờ ngôn ngữ học. Bọn trẻ kháo nhau, nghe đồn cô giáo là một Tiến sĩ ngôn ngữ học có phương pháp giảng dạy theo phong cách rất Tây, được nhiều sinh viên thích thú. Huy cũng tò mò ngóng đợi xem cô giáo là người như thế nào. Huy đoán hẳn cô là người đàn bà đã luống tuổi.

Và cô đã xuất hiện, nền nã, mềm mại trong chiếc áo mầu mận chín, cô bước vào lớp với nụ cười dịu dàng. Cả lớp đã ngồi, chỉ còn một mình Huy đứng, đứng ngây ra. Huy như người bị thôi miên, cứ cuốn vào nụ cười có má lúm đồng tiền của cô giáo. Và rồi, không khỏi ngỡ ngàng, khi nhận ra cô giáo Hạnh sao có nét giống cái Hạnh lớp trưởng 10A ngày xưa đến thế. Lẽ nào? Nhưng đúng rồi, đúng là Hạnh rồi. Dù rằng đã hơn mươi năm, Hạnh không còn là Hạnh của tuổi đôi mươi nữa, nhưng má lúm đồng tiền kia, chiếc mũi cao thanh tú kia làm sao có thể lẫn được.

Sự đời thật trớ trêu. Ngày nào còn đằng đằng tớ tớ, thế mà giờ đây đã lại là cô với trò. Không thể ngờ được cái Hạnh giờ đã lại là cô giáo của mình. Huy chẳng còn đầu óc đâu mà ghi chép, chỉ còn biết ngắm nhìn Hạnh và nghĩ miên man. Mà cũng lạ, bài giảng của cô giáo đôi lúc ngập ngừng, đôi lúc vấp váp, cô lại cho cả lớp nghỉ sớm. Trước khi ra khỏi lớp cô giáo còn ngoái lại nhìn về phía cuối lớp. Lẽ nào cô giáo Hạnh cũng nhận ra được anh chàng sinh viên già câng ở cuối lớp là Huy, hoặc ít ra một linh cảm nào đó khiến cô lúng túng?

Những tiết của môn học tiếp theo trong Huy chỉ còn ngập tràn những kí ức của thuở học trò, thời còn giành nhau chỗ đứng xếp hàng mua từng lạng thịt bằng tem phiếu, và cả những lúc đói bụng chia nhau từng hạt bo bo, từng mẩu sắn, củ khoai, đùa giỡn nhau trên cả quãng đường dài dăm bẩy cây số đi bộ tới trường. Những kỉ niệm thời học phổ thông rành rẽ, được sắp xếp gọn gàng, chỉ cần nhắm mắt lại đã nhìn sâu được vào những nẻo đường của kí ức, vào bóng dáng của ngôi trường cấp 3 với mấy đứa bạn trong nhóm “lãnh đạo lớp 10A”.

Giờ ngôn ngữ của ngày hôm sau không thấy Hạnh đến lớp. Giáo sư dạy thay nói cô giáo Hạnh bị mệt. Thì ra thế. Chắc chắn Hạnh đã nhận ra Huy ngồi ở cuối lớp và cũng đang trong tâm trạng rối bời. Chẳng còn đầu óc đâu mà ngồi, mà nghĩ, mà suy đoán, Huy quyết định đi tìm Hạnh. Cũng chẳng khó khăn gì, ngay buổi chiều muộn hôm sau Huy đã tìm được địa chỉ nhà Hạnh. Thật không ngờ hai đứa lại ở cùng một phố, đứa trọ đầu phố, đứa nhà cuối phố.

Chiều đông lạnh lẽo. Đường phố đã lên đèn. Mưa phùn như giăng màn trước ánh đèn đường đục vàng. Lòng đường, vòm cây, mái nhà một mầu thẫm ướt. Đã đến trước nhà Hạnh, bước chân như hụt hẫng, như bị vấp vào một cảm giác dội ra từ chính ngôi nhà. Huy khựng lại, định giơ tay gõ cửa, nhưng vội rụt lại. Có một cái gì đó líu díu trong đầu, e ngại, hồi hộp và cả một chút tự ti? Rồi, cánh cửa cũng được mở. Hơi ấm từ căn phòng toả ra ôm gọn lấy Huy. Hạnh ngớ người ra, không nghĩ khách gõ cửa lại là Huy. Bất ngờ quá, Hạnh gần như không kìm được cảm xúc của mình, chỉ kịp thốt lên, “anh”. Và rồi, hai đứa cứ đứng ngay cửa cầm tay nhau mà lắc, mà cười tí tớn như những ngày học cùng lớp trên mười năm trước.

Huy không ngờ căn phòng của một người đã du học nước ngoài lại đơn sơ đến vậy. Đồ đạc chẳng có gì ngoài cái tủ sách đầy ắp những cuốn sách dầy cộm với đủ ngôn ngữ Tây - Ta, nằm gọn ghẽ trên kệ. Tự nhiên Huy cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, kém cỏi. Đối diện tủ sách là một bức tranh vẽ dở, đặt ngay ngắn trên giá vẽ.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Bức tranh vẽ cô gái, có lẽ là Hạnh, ngồi bên chiếc hồ rộng mênh mông, trầm ngâm nhìn xa xăm về phía chân trời. Từ mây, nước, chân trời và cả cô gái đều được thể hiện bằng những gam mầu trầm, sâu lặng. Bức tranh buồn quá, có lẽ nỗi lòng của người vẽ tranh đã được dồn hết vào đây. Ngoài những cuốn sách dầy cộm, bức tranh sậm mầu vẽ dở, căn phòng chẳng còn gì nữa, chính điều đó đã đặt ra bao câu hỏi với Huy, những câu hỏi mà Huy không thể tự trả lời được. Chiếc giường nằm ở cuối phòng kia sao chỉ có một chiếc gối đơn côi? …

- Anh Huy, anh uống tạm cốc nước trắng. Nghe Hạnh mời nước Huy chợt nhớ đến ngày lên đường nhập ngũ, Hạnh cũng đã gọi Huy bằng anh. Bao năm mày mày tao tao, đằng đằng tớ tớ, lúc ấy lại được nghe tiếng “anh” thốt ra từ người con gái mà mình luôn mang trong lòng một tình cảm đặc biệt, làm Huy ngẩn ngơ chẳng nói nên lời, cứ mải mê ngắm đôi má lúm đồng tiền, cứ nắm chặt tay Hạnh chẳng chịu buông ra.

Cũng chỉ có thế thôi mà hơi ấm nơi bàn tay nhỏ nhắn mềm mại, hơi thở thơm nồng cùng tiếng “anh” của Hạnh đã đi theo Huy trên mọi nẻo đường chiến tranh. Không hiểu những đứa cùng trang lứa thế nào, nhưng với Huy, đó là một kỉ niệm chẳng thể nào quên, bởi, gần trọn cuộc đời trai trẻ Huy không hề được hưởng tình yêu, không thật sự được gần gũi với bất cứ một người con gái nào.

Huy lúng túng chẳng biết nói gì. Lẽ nào lại kể lể về những cơn sốt rét triền miên, về những đêm dài thức trắng hành quân cùng với cái bụng lép kẹp, về những giọt nước mắt yếu đuối giận bản thân khi ốm đau không đuổi kịp đơn vị phải nằm lại một mình giữa rừng sâu nước Lào, hay những lúc trào máu uất hận khi thấy bọn lính Tầu đông như kiến cỏ, lao lên như những con thiêu thân, và cả những bài điếu văn bi hùng do chính mình viết, trước khi chôn cất đồng đội phải nằm lại trên những nẻo đường?

Còn với Hạnh? Hẳn rằng đã có biết bao biến cố cuộc đời đến với nàng. Chỉ nhìn căn phòng này thôi, và cả đôi mắt buồn rười rượi nhìn xa xăm phía khung cửa sổ đếm từng hạt mưa, cũng đủ biết đang có một dòng lũ nội tâm chảy xiết.

Hạnh rỉ rả cùng tâm tư. Dường như có cả một trời mâu thuẫn đang ẩn chứa đằng sau mỗi lời nói, mỗi tâm tình. Buồn nhiều hơn là vui.

Hạnh chăm chắm nhìn Huy:

- Vợ con anh Huy có khoẻ không?

Câu hỏi của Hạnh làm Huy lúng túng:

- À, cái vấn đề …vấn đề… À đang hy vọng…

Hạnh cười. Nụ cười có chút ngượng ngùng, chút lại như đang đợi chờ một cái gì đó:

- Em cũng hy vọng anh sẽ đạt được hy vọng…

Huy im lặng. Bàn tay Huy đã lại tìm đến bàn tay ấm nóng của Hạnh, và nắm chặt. Chắc chắn Hạnh đã hiểu được câu trả lời của Huy. Trước khi Huy về Hạnh còn nói, nói rất nhỏ, như một dấu lặng, rằng trong trái tim đàn bà có những góc sâu lắng mà nhiều đàn ông ồn ã không bao giờ hiểu nổi được, anh có tin không?

Hạnh còn lại một mình. Hụt hẫng. Buồn cô quạnh. Huy đang chiếm gọn tâm trí Hạnh. Hạnh ngồi lặng trong đêm, thầm thì với chính lòng mình. Hạnh đang tự vấn mình, rằng Huy đâu phải mác người đàn ông ồn ã, vậy hẳn Huy hiểu được những góc sâu lắng trong trái tim Hạnh chứ. Huy nhớ không, cái ngày xa xưa ấy em có gọi ai trong lũ bạn của mình bằng anh đâu, nhất là anh kém em đến hai tuổi. Chỉ có mình anh, mình anh thôi. Em đúng là một đứa con gái mơ mộng hão huyền, một tình yêu tuổi học trò không bao giờ đến được, tình yêu một phía, mà sao lại cứ mong, cứ nghĩ, cứ chờ…

*

Theo chỉ dẫn của Hạnh, Huy đã gõ cửa được nhà Hùng, lớp phó 10A. Không như Hạnh, thằng Hùng thay đổi nhiều quá. Nó chẳng còn là thằng Hùng cò lả, nhu nhược như ngày ở lớp 10A. Rất đàn ông, bộ râu quai nón bao quanh khuôn mặt chữ điền rám nắng, mái tóc để dài, uốn lượn tự nhiên, bồng bềnh lượn xuống gần đôi lông mày rậm, xếch chéo xuống đôi mắt nâu sậm. Ai mới lần đầu tiếp xúc ngỡ tưởng nó thuộc típ người trong giới nghệ thuật, nhưng không phải, Hùng là một nhà khảo cổ học của một viện nghiên cứu.

 Rượu được bầy ra. Vợ Hùng ton tả rang vội ít lạc đãi khách.

Tếu táo một lúc, Hùng nháy mắt hỏi:

- Cảm giác của cậu học trò với cô giáo Ngôn ngữ học thế nào? Ngày còn ở lớp 10A mày là được cái Hạnh quan tâm nhất đấy.

Huy biết chứ, nhưng đó là dĩ vãng. Điều Huy băn khoăn, muốn tìm câu trả lời bằng được để có thể giải mã về chiếc gối đơn côi. Lẽ nào người như Hạnh giờ vẫn chăn đơn gối chiếc?

- Tao thấy Hạnh ở một mình, chồng con đâu cả rồi?

- Biết ngay là mày quan tâm đến điều này. Chuyện dài lắm. Nói chung là buồn.

Hùng vừa dứt lời thì nhà có khách. Bước vào nhà là một người đàn bà thon thả, dáng đẹp, mắt đẹp nhưng buồn. Một tay cầm nón, tay kia xách chiếc làn nhựa mầu đỏ, chất đầy những túi ni lông căng tròn, trên cùng là một con gà đã luộc.

Chị e ấp cúi chào mọi người, khép nép đi theo vợ Hùng vào bếp.

- Cô Mây, vợ thằng Cảnh đấy, đi thăm chồng trong tù. Mày đã đến đây đi cùng tao và cô Mây vào thăm nó.

Ngồi trên xe đi tới nhà tù, Huy chẳng sao không nghĩ đến những hình ảnh hoạt động sôi nổi của thằng Cảnh trong công tác đoàn của lớp 10A ngày nào. Thế mà giờ đây lại phải chịu cảnh tù đầy, nó làm gì mà nên nông nỗi này?

 Chỉ còn ít cây số là đã đến trại giam, càng gần đến nơi đường càng xấu. Chiếc xe com măng ca cứ run lên bần bật làm cho câu chuyện của Mây bị ngắt quãng liên tục. Mây bảo, đó là một buổi chiều định mệnh. Chiều đó anh Dương - bạn học của các anh, đến nhà em đặt vấn đề cần mấy trăm mét đất làm nhà nghỉ cuối tuần. Chả hiểu nhà nghỉ cuối tuần là cái quái gì, nghe lạ hoắc, nhưng sau này xây xong mới biết đó là một biệt phủ kín cổng cao tường.

Tiền thì khỏi lo vì anh Dương đang làm Trưởng ban một dự án lớn. Chuyện đất đai thời “Mở cửa” không đến nỗi khó lắm, nhất là chồng em lại là Chủ tịch xã. Ông ấy nhìn thấy tiền là tít mắt lại, em thì xin anh Dương cho con bé nhà em đi theo.

Nói thực với các anh, con bé 17 tuổi phổng phao, đẹp như bông hoa đồng nội. Nó yêu sớm, em đã phải giấu chồng đưa nó đi nạo thai. Nó còn ở nhà ngày nào còn lo ngày ấy, nào đâu ngờ lại giao trứng cho ác. Đã có vợ con, lại là chỗ thân tình, thế mà nó lại làm con bé có thai, rồi đẻ con, hỏi như thế có khốn nạn không?

Chiếc xe cứ cà rề cà rịch làm cho câu chuyện Mây kể trở nên nặng nề, rời rạc như những giọt cafe đắng ngắt chậm rãi rớt xuống đáy ly. Những mẩu chuyện như được viết trên những trang giấy rách vụn nay được chắp vá vào nhau. Đủ chuyện. Chửi rủa thằng Dương, xỉ vả đứa con gái hư hỏng, cái sự ngu của mình, và cũng chẳng buông tha cho thằng chồng tối mắt vì tiền. Nghe Mây chửi rủa những thằng bạn thân thiết thuở hàn vi như hát hay mà Huy cảm tưởng như chính mình cũng đang bị Mây vả vào mặt. Rồi như để kết thúc nỗi đau của gia đình mình Mây thốt lên những lời thật đắng cay:

- Ai đời mới hôm nào thằng Dương xưng hô với chồng em là mày tao, giờ thì lại trịnh trọng ông tôi. Với em, trước thì anh anh em em ngọt sớt, giờ thì một điều mẹ vợ, hai điều mẹ vợ. Em nghe nó gọi là mẹ vợ mà sởn hết cả gai ốc, muốn chui xuống đất mà chết. Cũng vì học theo nó mà giờ đây chồng em phải ngồi tù, con gái em được tại ngoại vì nuôi con nhỏ, rồi cũng phải vào tù theo thằng Dương. Thằng Dương phạm tội tham ô và nhận hối lộ, tù mọt gông. Thế đấy, cả gia đình tan nát cũng chỉ bắt đầu từ buổi chiều hôm ấy, cái buổi chiều định mệnh khốn nạn.

Câu chuyện Mây kể thật buồn, và chẳng hiểu vì sao Mây cứ ngồi sát dần vào Huy. Chắc lạnh? Cũng tội cho cô ấy. Đôi mắt sắc như dao cau của Mây thỉnh thoảng lại liếc xéo sang làm Huy sợ, nhưng cũng lại làm Huy nhớ tới những đôi mắt long lanh, đôi môi ướt át của những cô gái nơi đóng quân ở biên giới.

Ngày ấy Huy cũng từng rung động, cũng từng khát khao có một người đàn bà để yêu thương, để chăm sóc, để giải thoát được cái gánh cô đơn đang trĩu nặng trên vai. Nhiều đêm không ngủ được cũng chỉ vì bóng dáng các cô gái Thái có cái eo tròn lẳn phô diễn những đường cong tuyệt đẹp gọn gàng trong những chiếc áo trắng dân tộc, mà chỉ các cô gái Thái mới có. Cũng có những đêm Huy chẳng nghĩ đến bất cứ người đàn bà nào mà lại chỉ mơ tưởng đến hình bóng cô bạn lớp trưởng 10A thuở nào đang nở nụ cười má lúm đồng tiền tươi rói. Rồi là những giấc mơ rất dài, rất đẹp… tất cả cũng chỉ là những giấc mơ. Cứ thế, năm qua năm, ngoảnh đi ngoảnh lại đã nửa cuộc đời.

Huy chợt nhìn kỹ Mây. Thời thiếu nữ hẳn là phải rất đẹp, chả thế mà thằng Cảnh đã bập ngay vào Mây khi trượt đại học.

Chiếc xe com măng ca thở dốc ra khi vượt đèo, rồi khựng lại. Đã đến. Mây nhanh nhẹn như được về nhà, lao nhanh vào chỗ trình diện. Đến muộn quá thành ra cuộc gặp gỡ cũng chỉ được vài chục phút. Cảnh khóc, thương vợ, thương con, thương thằng cháu ngoại khi cả bố và mẹ nó đều phải ngồi sau song sắt.

Trời sập tối, đường trở về như xộc xệch hơn. Chiếc đèn pha già nua chả khác gì chủ của nó toả ra thứ ánh sáng vàng ệch. Thỉnh thoảng cái xe lại rú lên, lại khạc khạc, khè khè chẳng khác gì một lão già đang lên cơn ho, làm át cả tiếng của Hùng. Cô vợ thằng Cảnh chả hiểu có mệt hay không mà cứ gục đầu vào vai Huy như ngủ. Huy chịu trận. Mà thực ra lúc này Huy cũng chẳng bận tâm đến cô ta. Tất cả suy tư của Huy đang dồn hết cho những câu chuyện mà Hùng đang kể về Hạnh.

Điều bất ngờ nhất với Huy, như thằng Hùng nhận định, là Hạnh đã không thoát được tay thằng Dương. Cũng chẳng hiểu có phải vì tài ăn nói của thằng Dương, hay vì một lí do nào đó. Từ xưa cái Hạnh có ưa gì thằng Dương đâu, thế mà đùng một cái, Hạnh lại lặng lẽ bước chân về nhà chồng... Ngờ đâu chồng của Hạnh lại là thằng Dương. Sao lại có thể như thế được chứ? Huy thấy tim mình như đang bị xé nát, quặn đau. Con người đố kị trong Huy đang cựa quậy, cục tức cứ trồi lên, và cơn ghen tuông vô lý cứ dần dần chèn lấy cổ. Thế là hết, hết hẳn rồi, sẽ mãi mãi phải rời xa má lúm đồng tiền thân yêu. Hạnh đã là vợ con nhà người ta, nào ai ngờ diễm phúc lấy được Hạnh lại thuộc về thằng Dương, thằng ma lanh nhất hội.

 Hạnh học rất giỏi nên sau khi lấy Dương một năm thì đi làm nghiên cứu sinh bốn năm ở Đức để lại đứa con nhỏ cho chồng nuôi. Thằng Dương với tài ăn nói của mình và trình độ chuyên môn cũng tốt nên chẳng bao lâu đã được cất nhắc lên làm Trưởng ban một dự án lớn. Cả nước vượt qua trăm ngàn khó khăn của thời kỳ bao cấp, bước sang giai đoạn “Đổi mới”, vì vậy những dự án về hạ tầng cơ sở như dự án giao cho Dương là rất lớn, rất quan trọng.

Tưởng thế là mừng cho vợ chồng thằng Dương. Nhưng, như cô Mây đã nói, dù xa cách ngàn dặm thì cái buổi chiều định mệnh ấy cũng không buông tha cho Hạnh. Vào năm cuối Hạnh cảm thấy có cái gì đó bất an trong những bức thư rời rạc và nhạt nhẽo của chồng. Cô ấy đã quyết định về nước mà không báo trước cho chồng.

Bước chân vào nhà, Hạnh đã chết lặng đi khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ con và tận mắt thấy chồng mình cùng một cháu gái trẻ măng đang ríu rít nựng đứa bé. Trong khi đó đứa con dứt ruột đẻ ra của mình lại đang nằm còng queo dưới nền nhà lạnh ngắt. Thằng bé bị viêm phổi cấp, không cứu nổi, chết ngay trong bệnh viện. Hạnh cũng sống đi chết lại hàng tháng trời. Và rồi là lá đơn li dị, không một lời chửi mắng, ca thán. Sau này Hạnh nói, cũng là một dịp may, thà không chồng còn hơn ở với người ấy.

Mặt Huy lúc này như dãn ra, đôi mắt chớp chớp. Không hiểu đôi mắt ấy đang cười hay đang muốn khóc? Hiểu sao cũng được. Rồi, chẳng cần ý tứ gì với Hùng, với Mây, khi chiếc xe khựng lại, Huy nhẩy ào xuống, lao nhanh trên con phố nhỏ chỉ còn thấp thoáng một vài bóng người. Mọi người co ro trong cái lạnh, nhưng Huy không thấy thế. Lòng Huy ấm áp. Chỉ còn vài bước chân nữa là đã đến ngôi nhà cuối phố. Cái cảm giác hụt hẫng dội ra từ chính ngôi nhà của Hạnh không còn nữa.

Cánh cửa mở toang, và như một cơn lốc, Huy lao vào ôm chặt lấy thiên thần của mình. Họ đã tìm lại nhau sau bao tháng năm chôn chặt mối tình học trò trong trắng. Hạnh sung sướng đê mê cảm nhận. Không ai nói với ai lời nào, chỉ còn đôi mắt nói với nhau. Đắm đuối, khát khao, nũng nịu, thương xót, cả chút giận hờn, nuối tiếc, một chút giá như, giá như…

Và rồi là những nụ hôn cuồng si, đam mê, nóng rẫy như thiêu đốt. Huy ghì chặt tấm thân gần như trinh trắng của Hạnh vào lòng, truyền cho Hạnh nỗi khát khao đã ấp ủ trong lòng của mình suốt cả chục năm trời. Với Hạnh, kể từ khi về nhà chồng, không có lấy một ngày vui, chỉ toàn những bất hạnh, giờ là những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc yêu thương. Chị quặn mình trong vòng tay anh, ôm xiết lấy anh, sẵn sàng dành cho anh tất cả.

Truyện ngắn của Nguyễn Quý Thường
.
.