Những mảnh ghép

Thứ Bảy, 07/12/2019, 07:38
Vinh vừa dứt lời thì cả không gian vốn dĩ yên tĩnh, bỗng bị xé toang bởi những tiếng gào thét, tiếng khóc, tiếng cười man rợ của một vài người đàn bà nào đó vang lên...

Mới gần trưa mà khu rừng già đã bị kéo xuống tận cuối chiều. Không gian âm u chiếm ngự trọn cả ngày lẫn đêm. Quý như bị thôi miên bởi sự tẻ nhạt, buồn đến tê tái nơi này. Cảm giác như thiếu vắng một cái gì đó rất mơ hồ. Chợt thấy bồn chồn. Lòng dạ nôn nao. Và sợ. Thấy mình trở nên nhỏ bé, lạc lõng giữa mênh mông đại ngàn. 

Trong vô thức bất giác Quý nhìn quanh quất như để tìm kiếm một điểm tựa vững chắc vô hình nào đó, để mà bấu víu, để mà không bị ngã nhào xuống cái vực sâu thăm thẳm nằm ngay phía sau. Nếu như không có một mái nhà tranh đơn côi khép nép dưới gốc mấy cây gỗ nghiến già nua, mốc meo, cao vút, không có những làn khói xanh lam mỏng tang lững lờ bò là là dưới mặt đất dọc theo chiếc bếp Hoàng Cầm, thì chẳng thể nào nghĩ được nơi đây lại đang tồn tại một nhịp sống chảy dài theo thời gian. 

Buồn hắt hiu. Chắc hẳn mấy ông trinh sát đã phải mất nhiều công sức lắm mới tìm ra được nơi để lập ra cái kho gạo này. Kho nhỏ xíu, chỉ để phục vụ cho các đơn vị vãng lai. Kho nằm gọn trong một hang rộng, lọt thỏm dưới nhiều tầng cây cao thấp lô nhô, che khuất mọi tầm nhìn. Cành lá tỏa ra như những cánh tay vươn rộng bốn phía, ken chặt lấy nhau, dày đặc, chẳng khác gì những tán ô được úp sát, tạo thành một mái che rộng mênh mông ôm gọn cả cái kho gạo và ngôi nhà nhỏ trước cửa hang vào lòng. Không một giọt nắng nào có thể xuyên thủng các lớp lá. Mặt đất ngập tràn lá mục cùng mùi ngai ngái ẩm ướt.

Quý và Vinh đứng lặng hồi lâu trước cửa hang kho gạo. Vinh thì thào:

- Trời, tao thấy sợ. Mày nghĩ sao nếu phải sống lâu dài ở nơi đây? Tao nghĩ không chết vì sốt rét thì cũng chết vì nỗi cô quạnh.

Vinh vừa dứt lời thì cả không gian vốn dĩ yên tĩnh, bỗng bị xé toang bởi những tiếng gào thét, tiếng khóc, tiếng cười man rợ của một vài người đàn bà nào đó vang lên. 

Chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra, thoắt đã xuất hiện một cô gái ngực trần vừa chạy, vừa hét, vừa cười. Tiếp theo lại một cô gái nữa, áo quần rách tả tơi, cũng hét, cũng khóc cười điên loạn. Mái tóc xác xơ ướt đẫm nước suối phủ kín hai gương mặt. Chỉ nhìn hai bộ ngực căng tràn sức sống cứ rung rinh theo từng bước chạy cũng có thể đoán được hai cô gái còn rất trẻ.

Chỉ trong một loáng nỗi hoang mang, nôn nao vô thức khi mới đặt chân đến đây vụt tan biến. Những đường cong uốn lượn trên nền da tái xanh, những bộ ngực căng tròn rung rinh, và cả những tiếng hét, tiếng khóc, tiếng cười như những tiếng kim loại va chạm sắc lạnh xoáy dữ dội vào tâm trí, đã đưa Quý trở lại với thực tại. Thì ra nơi đây không chỉ tồn tại một sự sống, mà ẩn sau nó còn đầy ắp những trăn trở, những thầm kín riêng tư và cả những hoài bão, mong ước của các cô gái đã dám xả thân vào nơi bom rơi đạn lạc này.

Trước mắt Quý là những cô gái không bình thường. Chạy đuổi theo hai cô là một chị mặc quân phục, xem ra đã đứng tuổi, có lẽ là Trạm trưởng, vừa chạy vừa kêu:

- Thắm ơi, Lụa ơi. Chị xin các em. Đừng khóc nữa. Đợi chị với.

Chưa kịp định thần, chỉ một thoáng, cô gái chạy trước đã mất hút trong hang. Quý không ngờ được cô gái chạy sau đã lao tới ôm chặt lấy Vinh, mặt úp vào ngực, khóc nức nở. Nước mắt chảy dài ướt cả ngực cô gái và ngực áo Vinh. Vinh đứng như trời trồng, mặt đần ra sợ hãi.

Chị Trạm trưởng hoảng hốt:

- Thắm ơi, sao em làm thế. Vào nhà đi, chị thương em mà.

Thì ra cô gái đang ôm lấy Vinh tên là Thắm. Một chút ngỡ ngàng thoáng hiện trong Quý. Thắm ư? Lẽ nào lại là Thắm? Thắm cũng đang ở chiến trường C này nhưng có làn tóc mượt mà, dài xõa xuống tận eo, đâu có xác xơ cụt lủn như thế này.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Quý hiểu rằng các cô gái ở đây đang bị bệnh hystri. Chính những ngày mới quen, Thắm đã kể cho Quý nghe chuyện hồi học lớp 10 ở trường học sinh nội trú Quỳnh Lưu bọn con gái lớp 9 đồng loạt lên cơn hystri, nhà trường đã phải cho cách ly các nữ sinh này để khỏi lây lan. Khi còn học ở Đại học Tổng hợp, Quý cũng đã nghe tới bệnh này và cả cách chữa. Bệnh lan truyền nhanh chóng từ người này sang người khác, cả trai lẫn gái, có khi cả một tập thể, nhất là các cô gái chưa chồng. Quý được biết, nơi núi rừng Trường Sơn nhiều cô gái thanh niên xung phong cũng mắc phải cái bệnh quái ác này. 

Chị Trạm trưởng đang cố gỡ tay cô gái ra khỏi Vinh. Quý vội chạy tới giúp “giải cứu” cho Vinh. Quý biết cần phải làm gì. Nhẹ nhàng, ân cần, thủ thỉ là cách chữa tốt nhất.

Quý lúng túng đặt nhẹ bàn tay lên tấm lưng trần của cô gái. Kể từ khi biết yêu có bao giờ Quý dám mơ tưởng được ngắm nhìn, được cảm nhận, được gần gũi những đường cong tuyệt đẹp trời cho của những người con gái như thế này. Cảm giác được vuốt ve, được tiếp xúc với da thịt người con gái làm trái tim Qúy cứ xốn xang. Hơi thở trở nên nặng nề. Và, chỉ một thoáng, một thoáng thôi, những kỷ niệm xưa với Thắm, cô sinh viên khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, ập đến. Không thể kìm nổi cảm xúc, Quý buột miệng:

- Thắm ơi, anh Quý đây!

Nào đâu có ngờ tiếng gọi ấy lại như một tiếng sét với cô gái. Cô gái quay ngoắt lại nhìn Quý, và cũng chỉ kịp kêu một tiếng “anh”, rồi khuỵu xuống đất. Ngất lịm.

- Chị ơi, Thắm của em!

Không chút chần chừ Quý bế thốc Thắm, chạy theo chị Trạm trưởng vào căn nhà lá. Ôm Thắm trong lòng mà cứ tưởng như mơ. Bất ngờ quá. Cảm xúc như vui, như buồn, xen lẫn chút lo sợ cho Thắm cứ chộn rộn trong tâm trí Quý.

- Thắm nóng quá chị ơi.

Thắm vẫn thiếp đi. Mồ hôi túa ra ướt đầm cả áo. Quý vớ vội  được chiếc khăn gần đó, lật áo lau khô mồ hôi ngực cho Thắm. Quý đã quá quen việc này, mỗi khi mình hoặc đồng đội lên cơn sốt rét. Để mồ hôi ngấm vào phổi sẽ bị cảm lạnh rất nguy hiểm.

Thắm đã hết run. Thỉnh thoảng lại giật mình, giọng yếu ớt,  “Quý…anh Quý”.

- Anh Quý đây. Tỉnh lại đi em.

Giọng nói đầm ấm vừa như nài nỉ, vừa chứa chan yêu thương như một phép mầu, Thắm vùng ngồi dậy, ôm choàng lấy Quý. Và khóc. Khóc nức nở. Những dòng nước mắt hạnh phúc chảy tràn má Quý, mặn chát trên bờ môi.

*

Cũng may đại đội công binh của Quý đóng quân chỉ cách kho gạo vài cây số đường chim bay. Quý nài nỉ với Vinh:

- Mày về báo cáo với Đại đội trưởng giúp tao. Tao gặp vợ chưa cưới và mày biết tình trạng bệnh tật của cô ấy rồi đấy. Nỡ lòng nào tao lại bỏ đi vào lúc này. Chiều tao về, bảo đảm sáng sớm mai anh nuôi có gạo.

- Nhớ đấy, cả đại đội đợi gạo để liên hoan, chớ có về muộn. Chà, nhất mày đấy. Chiều nay hai đứa hú hí với nhau không được quên ơn anh mày đấy nhé..

- Hì, Chắc chắn rồi. Mà Thắm đang ốm, đâu có được. Cảm ơn mày nhiều.

Quý phải nói đại với Vinh Thắm là vợ chưa cưới. Thằng Vinh tin, và chắc chắn Đại đội trưởng cũng tin. Không những thế có khi thủ trưởng lại cho nghỉ một ngày chưa biết chừng.

Chia tay Vinh, Thắm đã đứng đợi ở cửa. Nàng rạng rỡ trong bộ quần áo ngủ màu hồng đã bạc màu. Chiếc khăn choàng, cũng màu hồng, trùm hết trán, dấu đi mớ tóc ngắn cụt lủn, chỉ để lại đôi lông mày lượn cong ôm trọn lấy đôi mắt đẹp tựa mắt Đức Mẹ đồng trinh, đang bừng lên những tia sáng lấp lánh. Lúc này ai dám bảo Thắm vừa phải trải qua cơn hystri và những cơn sốt rét triền miên.

Rồi. Như không thể đợi chờ được lâu hơn nữa, Quý đã bị cuốn theo những guồng chân gấp gáp của Thắm, dắt tay nhau cùng lao nhanh về phía con suối nằm khuất phía hẻm núi, để lại phía sau những ánh mắt khát khao pha chút ganh tị ngọt ngào của hai người đàn bà. 

Bóng dáng của Thắm đã khuất sau những hàng cây nhưng hai người đàn bà vẫn đứng đó, bất động như hai pho tượng. Hình ảnh tay trong tay của đôi nam nữ giữa chốn rừng hoang làm trái tim họ xốn xang, để rồi, họ cứ đứng đó mà tâm hồn lại đang bay thả đến những phương trời của riêng mỗi người. Lụa xuýt xoa thầm mong, “ước gì lại có ông Tiên, ông Phật đưa người yêu của em đến đây nhỉ, ôi thế thì thích biết bao. Lạy trời, lạy Phật, con cầu xin các Ngài!”. Chị Trạm trưởng xiết chặt bàn tay nhỏ bé của Lụa, mắt nhìn xa xăm nghĩ về những đứa con dại khờ không biết đang làm gì ở chốn quê nhà.

Cũng đúng lúc này cả khu rừng già, cả con suối trong vắt đã âm vang tiếng cười ròn tan tràn đầy hạnh phúc của Thắm. Con suối đã ngủ quên bao đời có ngờ đâu lại được chứng kiến cảnh một đôi trai gái đang quấn quýt, ngụp lặn trong dòng chảy mát lành của chính mình. Đôi trai gái không còn biết gì ngoài tiếng thổn thức của trái tim. Họ chẳng hề nghe thấy tiếng ve ve của con “bà già” trinh sát đang lượn đi lượn lại trên đầu. Họ cũng chẳng biết được tiếng động cơ của chiếc máy bay trinh sát đó đã tắt lịm, báo hiệu một cơn sấm sét sắp đổ xuống nơi đây.

Quả đúng như vậy, chỉ sau một vài phút, cả khu rừng yên bình đã bị tiếng gào thét của mấy chiếc phản lực xé vụn. Những cột nước, thân cây, sỏi đá rào rào đổ ập xuống sau mỗi tràng đại liên, sau mỗi lần bom rơi. Họ đã kịp lao nhanh vào chiếc hầm chữ A nằm ven suối. 

Và rồi, mặc cho tiếng rít chói tai của hai chiếc máy bay lao lên lộn xuống, mặc cho tiếng nổ chát chúa của bom rơi, mặc cho những vạt nước suối bắn xối xả ướt đầm căn hầm, mặc cho những luồng gió mạnh ràn rạt làm bật cả nóc hầm sau một tiếng nổ xé tai, họ vẫn tiếp tục đi vào nhau mải mê cuồng nhiệt. 

Giữa cái sống và cái chết, giữa mùi khét lẹt của bom đạn, mặc hết, Thắm vẫn ôm chặt lấy Quý, thì thầm, “chắc gì còn có ngày mai, em là của anh tất cả...”.

*

Mới 6h chiều mà trời đã xâm xẩm tối. Quý đeo vội mấy bao tượng gạo, hối hả vừa đi, vừa chạy trên con đường gập ghềnh bùn đá. Ước chừng chỉ còn non nửa đường, đêm đại ngàn đã sập đến. Bóng tối như một chiếc lưỡi khổng lồ liếm sạch chút ánh sáng còn rơi rớt lại. Tất cả rơi vào một vùng đen đặc quánh. Dưới mặt đất đồng loạt hàng trăm ngàn ánh lân tinh của các cành lá mục rữa hiện lên nhấp nháy. Bóng tối cùng ánh lân tinh níu chân Quý lại. Đứng lặng trong bóng đêm, Quý như người mất hồn. Biết làm sao đây, sớm mai phải có gạo nấu ăn cho bộ đội rồi!

Cảnh đêm Trường Sơn như thế này đã quá quen thuộc với cánh lính, nhưng đây lại là lần đầu tiên Quý phải sống một mình giữa chốn rừng sâu mịt mùng. Quý vừa  chống chọi lại với lũ vắt khát máu, vừa lắng nghe những âm thanh rất riêng của núi rừng Trường Sơn, với những tiếng kêu gọi bạn tình của đôi chim bắt cô, trói cột, cùng với tiếng hú vang vọng của lũ vượn gọi đàn. Thoáng chút hoang mang, rờn rợn.

Cuộn mình trong cánh võng giữa đêm dài mà bao ý nghĩ ngổn ngang cứ cuộn chảy. Quý nghĩ về Thắm, về đoạn đường đã qua của hai đứa và cả chặng đường dài, rất dài đang đợi chờ ở phía trước.

Nào ngờ đâu Thắm đã ở đây, ở cái kho gạo không nơi nào có thể buồn hơn được. Ngoài những lúc đi gùi gạo, các cô gái chỉ còn biết lấy lá rừng, chim thú làm bầu bạn. Nỗi cô đơn buồn tẻ kéo dài lê thê hết ngày này đến năm khác cũng đã biến những cô gái vốn rất dũng cảm, cam chịu như Thắm, trở thành những con người yếu đuối, bi lụỵ. 

Thắm không giữ được mình nữa. Thực ra Thắm đâu biết mình đang làm gì, đâu kiềm chế được cảm xúc riêng tư của mình, đâu biết được những hành động đó làm người khác sợ hãi và coi thường. Vô thức. Hoàn toàn vô thức. Thật là xót xa. Bao năm tháng Thắm đã biết giữ trọn sự trong trắng của người con gái, và cũng bao năm tháng Quý biết tự kìm nén cái thằng đàn ông trong mình lại để tôn thờ sự trong trắng đó, thế mà giờ đây cả hai đứa đã không thể giữ được, đã đánh mất tất cả. 

Nghĩ đến đây một nỗi lo có thật bắt đầu cứ lớn dần. Ngày mai rồi sẽ như thế nào nếu như hai đứa có con? Đam mê cháy bỏng suốt cả buổi chiều thì sao dám chắc điều đó không xảy ra? 

Càng nghĩ lòng dạ càng rối bời. Thương Thắm. Lo cho thắm. Liệu có thủ trưởng nào chấp nhận cho một người lính vừa cho con bú, vừa cầm súng chiến đấu? Chắc không. Chắc là không. Vậy thì rồi sẽ đi đến đâu? Nghĩ. Và nghĩ. Người bứt rứt, bồn chồn. Mồ hôi toát ra từ bao giờ.

*

Bao hy vọng sẽ được trở lại gặp Thắm, dù chỉ một lần, nhưng đó lại là những mong ước hết sức xa vời, viển vông với một người lính thời chiến. Lệnh hành quân đã được phát ra. Biết rằng sẽ phải chuyển quân, đời lính mà, nhưng sao lại phải là ngày hôm nay chứ? Quý chết lặng. Tay cầm nắm cơm vắt cho bữa trưa mà rơi xuống đất từ lúc nào không hề hay biết, hụt hẫng như rơi vào một cõi thinh không. Bước chân trĩu nặng khi kho gạo, nơi có Thắm thân yêu, cứ xa dần, xa dần. Một màn sương hiu hắt vừa phủ tràn lên Quý…

*

Vinh đứng lặng trước ngôi nhà tranh ọp ẹp nằm trơ trọi ngoài bìa làng, sát ngay bờ sông Thơi. Ngọn đèn dầu leo lắt chấp chới hắt ra ánh sáng vàng ệnh. Vinh tự trách mình sao lại đến đây đúng lúc trời tối thế này. Biết đâu vợ chồng Thắm đã lên giường? Điều mà Vinh sắp nói với Thắm sao có thể để cả chồng và con của cô ấy nghe được.

Băn khoăn đã khiến chiếc chân gỗ của Vinh trở nên ngập ngừng, nửa muốn bước, nửa không.

Tiếng xào xạc của cánh đồng ngô xanh mướt và cả tiếng vỗ ì oạp của các con sóng trộn lẫn mùi tanh tanh của bãi cá từ phía sông Thơi bay vọng lên làm Vinh lại nhớ đến những lời Quý kể về cái làng chài nghèo xác xơ bên dòng sông này. Vinh khập khiễng lội qua những vũng bùn đầy sỏi cát trên con ngõ nhỏ vào nhà. Có tiếng reo lên phát ra từ ô cửa sổ nhỏ xíu, đen ngòm của ngôi nhà “Chú bộ đội! Mẹ ơi, có chú bộ đội. Bố về mẹ ơi!”. Vinh vừa kịp bước ra khỏi vũng bùn thì một thằng bé đã chạy ào ra ôm chặt lấy chiếc chân còn lại của Vinh, reo lên: “Bố, bố!”.

Vinh bế xốc thằng bé lên, mũi cay xè. Thắm cũng cuống quít sấp ngửa chạy ra. Không hiểu có một sợi giây vô hình nào đó đã khiến Vinh tự nhiên ôm cả hai mẹ con Thắm vào lòng. Thắm ngỡ ngàng, nhẹ nhàng gỡ vòng tay Vinh ra.

 - Anh Vinh bạn của anh Quý đây. Em còn nhớ anh?

Thắm ngẩn ra, đứng như trời trồng và đã hiểu ra tất cả. Vinh chưa kịp nói thêm câu nào thì những giọt nước mắt bị kìm nén bao năm đã tràn đầy hai khoé mắt. Thắm khóc, và rồi, gần như không phải là khóc mà là tiếng gào lên thảm thiết. Tiếng gào khóc mỗi lúc một to, bay theo gió lướt qua cánh đồng ngô rộng mênh mang, hòa vào nước sông Thơi chảy dài tận phía chân trời, bay vút vang xa vọng đến mọi nhà của cái xóm chài đang chìm trong đêm tối.

 Rồi, chỉ một loáng đầu ngõ đã lao xao tiếng người. Những khuôn mặt đàn ông, đàn bà khắc khổ, chập chờn trong ánh đèn dầu, hết nhìn anh bộ đội lại nhìn Thắm, nửa như ngạc nhiên, nửa như thương cảm, “Thì ra cái Thắm nói đúng”, “Thì ra chồng cái Thắm là bộ đội”, “Rõ khổ, gánh bao oan ức cả một thời con gái”…

Đêm đó họ không ngủ. Vinh lấy chiếc áo của Quý đắp cho thằng con trai của Thắm. Thật tội nghiệp, nó sinh ra với một cánh tay teo tóp đến tận nách. Tay còn lại chỉ có hai ngón. Cũng vì sự kì thị của xóm làng với Thắm, của lũ trẻ với đứa bé tật nguyền mà mẹ con Thắm phải dạt ra tận bãi sông này. Vinh chợt nghĩ, nếu mình có con thì chắc cũng lại tật nguyền như thế này thôi. Hai thằng cùng chịu những trận rải thảm chất độc da cam như nhau mà.

Thắm lặng lẽ thắp một nén hương lên bàn thờ có chiếc ảnh của Quý thời còn sinh viên. Trên bàn thờ còn có hai cuốn sổ dày dặn đã ngả úa vàng bởi bụi thời gian. Thì ra đó là những cuốn nhật kí, kỉ vật thiêng liêng của Quý gửi lại cho Thắm trong buổi chiều mà hai đứa đã thuộc về nhau. Bàn thờ này cũng đã có trên hai năm rồi. 

Thắm kể, vào một đêm mưa tầm tã, Thắm thấy Quý trở về máu chảy lênh láng. Thắm ôm chặt Quý vào lòng, ôm ấp nâng niu, cố làm dịu những vết thương. Nhưng không hiểu sao Quý vẫn tuột ra được để ôm chặt lấy thằng con trai tật nguyền. 

Và cũng chỉ trong khoảnh khắc Quý vụt biến mất. Ngay giữa đêm đó chiếc bàn thờ đã được Thắm dựng lên. Nghe Thắm kể, Vinh không khỏi giật mình. Cái đêm Quý mất của hơn hai năm trước, trời cũng mưa tầm tã. Quý đã lao vào che chở cho Vinh để rồi mãi mãi nằm lại với đại ngàn Trường Sơn. Còn Vinh, Vinh đã về đây với một chiếc chân gỗ.

Nhìn Thắm nước mắt lưng tròng, áp chặt lên ngực những kỉ vật của Quý trao lại, không biết tự bao giờ Vinh cũng nén chặt trái tim mình, cố ghìm lại tiếng nấc nghẹn ngào.

Vinh nao lòng khi nhìn thấy con đường nghiệt ngã của thời gian và chiến tranh đi qua đầu Thắm. Những vết chân chim xẻ ra như những nan quạt đã sớm ẩn hiện trên khoé mắt của người con gái còn trẻ. Đôi mắt lúc nào cũng lặng lẽ, âm thầm, nhưng mỗi khi nói về những năm tháng đã qua, đôi mắt sâu thẳm ấy lại chứa chan tình cảm yêu thương, toát lên vẻ bình tĩnh, gan góc và cả sức chịu đựng vô song nữa. Mái tóc xác xơ ngày nào như lại thưa thêm, ngả màu tàn thu. 

Vinh hiểu, đau khổ, mất mát, khó khăn và cả những khốc liệt trong chiến tranh cũng không sao sánh được với những nỗi đau cả tâm hồn lẫn thể xác của Thắm ngay chính trên quê hương mình. Sự miệt thị, khinh ghét của xóm làng với một đứa con gái chửa hoang, một đứa bị đuổi khỏi quân ngũ, đã bám riết lấy Thắm từng ngày từng giờ. 

Ngày sinh con, Thắm tưởng như không thể nào vượt qua được nỗi đau khi nhìn đứa con bé bỏng dị dạng đang giẫy giụa quẫy đạp, khua khua cánh tay duy nhất chỉ có hai ngón. Ngoài ông bà ngoại ra thì chẳng có ai đến chúc phúc cho thằng bé tội nghiệp. Họ sợ thằng bé. Ông trời đã trừng phạt mẹ nó, họ đã rỉ tai với nhau như vậy. Họ càng khinh ghét mẹ nó. Làng xóm cứ xa lánh dần, như xa lánh một con người đầy tội lỗi.

Đôi mắt sâu thăm thẳm đẹp như mắt Mẹ Đồng Trinh của Thắm bỗng ngước lên nhìn bầu trời vằng vặc ánh trăng vàng và thầm thì như đang nói với những vì sao xa tít tắp, chẳng cần biết Vinh có nghe thấy gì không. Thắm bảo: “Ngày đó em sợ ra khỏi nhà, mà có ra thì đâu dám ngẩng cao đầu, mở to mắt ngắm nhìn bầu trời rộng mênh mông, ánh mặt trời chói lọi và những dải mây trắng vần vũ. 

Chỉ đêm đến, đêm thôi, trời đất là của riêng em. Em có thể thả hồn lang thang theo những vì sao lấp lánh trên dải Ngân Hà và tận hưởng ánh trăng dát vàng bên song cửa sổ. Và những đêm như thế em được trở lại với chính mình, cô sinh viên Đại học Sư phạm Văn, cô gái đã có một mối tình thật đẹp với người lính đang ngày đêm xây những cây cầu. Em được sống lại những ngày băng rừng, lội suối, vượt qua bom đạn gùi những tải gạo nặng trĩu trên vai. Mệt nhưng tự hào. Và nhiều đêm thao thức nhớ đến kho gạo buồn tái tê ngày nào. Cứ thầm hỏi, liệu cái Lụa, chị Trạm trưởng và ai ai nữa giờ đây đang làm gì, liệu ai còn, ai mất? Cái Lụa có còn lên cơn hystri nữa không. Chắc vẫn còn. Chợt thấy chạnh lòng thương chị Trạm trưởng phải vất vả với mấy đứa con gái chưa chồng”.

Thắm nói, nói nhiều lắm, nói như đã lâu lắm rồi không được nói. Cũng đúng thôi vì bao năm qua Thắm có khác gì người câm, người điếc. Biết nói cùng ai? Biết nghe ai nói? Tất cả tâm tư thầm kín, nỗi khát khao được sống như một người bình thường, đành phải lẳng lặng cho chìm sâu xuống tận đáy lòng.

May mắn thay, giờ đây có Vinh, người đàn ông duy nhất trên cõi đời này còn hiểu được nỗi niềm trong con người Thắm. Và cũng chính muốn đợi chờ nỗi đau vơi dần trong Thắm, muốn thằng bé không phải hụt hẫng vì sự ra đi của mình mà Vinh cứ lần lữa mãi.

Chiều đi rồi chiều lại đến. Thằng bé vẫn không rời Vinh đến một bước. Chiếc tay còn lại của nó cứ bíu chắt lấy bố Vinh. Đôi mắt thơ ngây trong xanh đẹp như mắt của mẹ nó, đau đáu nhìn Vinh, “bố ơi, bố đừng đi nữa nhé”. Vinh ôm thằng bé vào lòng, nắm chặt bàn tay chỉ có 2 ngón của nó mà thầm nói với lòng mình, “Bố không đi đâu nữa con”.

Nhưng rồi như chợt tỉnh ra, và cũng lại tự hỏi lòng mình, sao có thể như thế được? Phải chăng đó chỉ là nỗi lòng của riêng mình, mà nhịp đập trái tim đồng cảm đâu chỉ có một phía. Với thằng bé thì như vậy, còn với mẹ nó thì sao?

Vinh ngước lên. Nước mắt Thắm đã đầm đìa, trìu mến nhìn hai con người tật nguyền, một già một trẻ, đang ôm chặt lấy nhau…

Truyện ngắn của Nguyễn Quý Thường
.
.