Những đàn chim di cư
Quê tôi miền duyên hải. Trời ban cho mảnh đất nơi đây không chỉ là tôm cá đầy ắp những khoang thuyền, mà còn rất nhiều chim. Mùa bão, cũng là mùa đông, mùa của những cơn mưa dai dẳng. Khi những đàn chim di cư tránh rét cũng là lúc người ta ùa ra dựng những lùm cây trên những cánh đồng và điểm trắng lên những lùm cây ấy là những chú cò mồi.
Người dân quê tôi đợi những cơn mưa nặng hạt, đợi những tin áp thấp như đợi một mùa hái lộc trời. Bởi những lúc ấy cánh chim của những đàn chim di cư đã mỏi. Lũ chim di cư này không thể bay dưới mưa. Cũng có những đàn chim gặp bão ngoài khơi xa. Khi chúng cố bay tránh bão vào đến bờ thì kiệt sức và sà xuống những ngọn cây, những cánh đồng.
Chúng rơi vào những ma trận đồng cò bằng xốp trắng. Chúng đậu lên những lùm cây gắn nhạ. Số còn lại rụng rơi dưới những nòng súng hơi. Đàn ông làng tôi thích săn chim làm mồi nhậu. Những người đàn ông làng tôi cũng giống bố tôi. Họ vui sướng khi đánh bắt được nhiều chim. Họ nghĩ về những bữa ăn ngon lành và những món hời khi mang ra chợ bán...
Người đàn ông làng tôi đang đóng những chiếc cọc tre xuống nền đất cứng còn trơ gốc rạ sau mùa gặt. Đôi môi thâm sì cắn chặt mẩu thuốc lá tóp má phả làn khói qua kẽ răng vàng ám, mái tóc lòa xòa bết trán. Gã cẩn thận buộc dây vào những chiếc cọc tre vừa đóng xuống trên đó giăng chiếc lưới mắt cáo đã nằm rạp xuống lẫn những hạt thóc vàng óng. Gã cầm dây thừng lùi xa vào chiếc lùm ngụy trang bằng những cành cây.
Chỉ lát nữa thôi, khi đàn chim sẻ kia sà xuống, gã sẽ thu về một món bộn tiền. Gã vui khi nghĩ đến điều đó, gã nhón tay bật chiếc máy phát ra âm thanh. Thứ âm thanh nghe hỗn độn đủ thứ tiếng chim kêu. Gã chọn tiếng se sẻ gọi bầy, mở âm thanh to nhất, vang xa nhất. Gã ngồi đợi những đàn chim chao liệng vòng tròn trên tầng không sà xuống. Gã chờ đàn chim sẻ kia vào lưới của gã để nhặt chỗ thóc vàng óng gã ném ra làm mồi.
Bố tôi cũng đang chờ ở cánh đồng ngày xưa đã từng cắm đầy bẫy chim của ông. Nét mặt ông căng thẳng, thi thoảng đôi mày nhíu lại đăm chiêu. Ông rút thuốc châm lửa hút. Đôi mắt ông dõi theo đàn chim đang mổ thóc ở chiếc bẫy đang giăng ra của gã đàn ông cùng làng. Những chiếc đầu nhỏ xinh của đàn chim gật gù trong đám lưới. Chúng vẫn nhảy nhót tung tăng, ríu rít nhặt thóc, đâu biết rằng đó chỉ là một cái bẫy lát nữa thôi sẽ tóm gọn chúng và kết thúc một cuộc đời tự do của đàn chim luôn sải cánh trên bầu trời rộng biếc kia.
Gã đàn ông bên kia vội vàng kéo mạnh sợi dây. Hai mảnh lưới đổ rập lại đè chặt đàn chim sẻ. Thế là xong, những chú chim vừa mới say sưa nhặt thóc, nay đã nằm gọn gàng trong tấm lưới. Những đôi mắt mở to sợ hãi, những đôi cánh đập liên hồi phát ra những âm thanh hoảng loạn và vô vọng.
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên |
Người đàn ông đánh bẫy chim chui ra khỏi lùm cây. Gương mặt gã tươi vui rạng rỡ với nét cười thỏa mãn. Đôi tay gã gỡ những chú chim dính lưới cho vào chiếc túi vải. Tội nghiệp những chú chim non cố bấu víu đôi chân khẳng khiu vào tấm lưới bị bàn tay thô kệch gân guốc ấy túm lấy con chim non không ngần ngại giật mạnh ra ném vào túi. Tôi nghe tiếng chim kêu ríu rít, hẳn là nó bị đau và hoảng sợ lắm.
Bố tôi chậm rãi tiến gần đến người đàn ông đánh chim và cất tiếng.
- Anh bán hết cho tôi nhé!
- Ông mua hết chỗ này ư? - Người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Ừ tôi mua hết.
- Nhà ông ăn gì lắm thế? Những hơn hai trăm con chim đấy, tôi vừa đếm xong.
Bố tôi lặng lẽ móc ví tiền đếm trả cho người đàn ông. Tôi lắng nghe tiếng ông thở dài... mơ hồ và mông lung lắm.
Tôi nghĩ về những chú chim se sẻ được nhổ trụi lông, cho vào chiếc vỉ nướng thơm lừng dưới lớp than hồng. Tôi thấy những giọt mỡ chảy ra rơi xuống bếp than khét lẹt. Tôi thấy mùi hành tăm thơm nức mũi. Tôi chỉ thắc mắc sao bố mua nhiều chim đến thế, hơn hai trăm con chim sẻ. Bố trả tiền, đón chiếc túi từ gã đánh chim trao cho tôi. Bố chở tôi ra quãng đồng vắng nơi ngút ngàn phi lao và màu xanh của biển. Nơi trùng trùng những ngọn sóng cứ xô nhau trắng xoá.
- Sao mình ra đây vậy bố?
Ông không trả lời câu hỏi của tôi. Bàn tay ông lấy chiếc túi từ tay tôi thả xuống nền cát trắng. Ông mở chiếc dây buộc miệng túi. Đàn chim đua nhau chui ra và bay thẳng lên trời, chúng túa ra tán loạn rồi kết thành vòng tròn chao liệng trên đầu hai bố con tôi trong sự sững sờ ngạc nhiên của tôi.
- Bố ơi con thấy đàn chim chao liệng trên đầu bố con mình vài vòng rồi mới bay đi. Hình như chúng đang từ biệt bố con mình.
Ông nhẹ nhàng kéo tôi gần lại chỉ tay lên tầng trời:
- Đẹp quá phải không con?
Đó là điều lạ lùng mà lần đầu tiên trong đời tôi bắt gặp nơi bố. Tôi lờ mờ hiểu được lí do bố thả chim về trời. Và dù là lí do gì đi nữa thì việc bố thả những chú chim trở về lại với trời xanh làm tôi thấy vui sướng. Đã có lần bố nói với tôi chim cũng có linh hồn.
Bố tôi rất mê chim. Ông có thể kể tên và phân biệt rất nhiều loài chim. Ông cũng rất giỏi nhại tiếng chim. Hầu như các loài chim cũng bị đánh lừa y như tôi vậy. Con chim cu gáy trong lồng chỉ hót vang mỗi khi bố cất tiếng huýt. Bố bảo chim cũng có ngôn ngữ riêng, bố nói chuyện với chúng bằng ngôn ngữ của chúng.
- Thế chim có linh hồn không bố?
- Chúng cũng có linh hồn con ạ!
Đó là lý do khi con chim cu gáy của bố bị con mèo hàng xóm vồ chết, anh em tôi tiễn nó bằng một đám ma có hẳn hương hoa cắm lên ngôi mộ nhỏ xíu phía sau hiên nhà. Trong giấc mơ của tôi, con chim cu gáy tìm về. Nó hót vang rộn cả gian nhà. Con chim khoác lên mình bộ lông rực rỡ nhiều sắc màu, nó nhẹ nhàng sà xuống đậu lên vai tôi, mổ nhẹ vào lòng tay tôi. Tôi cũng tin chim có linh hồn.
Cây bằng lăng trước ngõ đã to lớn xum xuê từ khi tôi được sinh ra. Tán hàng cây ấy luôn đổ rợp bóng khoảng sân nhà. Mùa chim năm nào lũ vàng anh cũng bay về trú ngụ. Chúng đậu kín cả tán cây, nhuộm vàng lên cả sắc lá. So với đám cu gáy, chèo bẻo hay se sẻ thì vàng anh hiền hơn, chúng ít khi cất tiếng hót. Chiếc súng hơi đen sì của bố lại được dịp mang ra phát huy hết tác dụng.
"Tạch" làn khói mờ thoát ra khỏi nòng súng đen ngòm là lúc con chim vàng anh rơi xuống đất, xuống lùm cây cỏ. Đám lông rụng rơi xoay vòng lơ lửng lấp lánh trắng vàng rồi theo gió bay vào tầng không. Tôi vui sướng khi được len lỏi chui vào bụi cây nhặt những con chim trúng đạn máu xối đỏ ức vừa rơi xuống. Bố dạy tôi cách nhổ lông chim, ông chỉ cho tôi cách nướng những chú chim sao cho vừa đủ chín. Tôi cũng quen dần với việc những chú chim giãy giụa rồi chết hẳn trên vỉ nướng than hồng. Bữa cơm hôm ấy có thêm món thịt chim thơm lừng trộn lẫn lá chanh.
Bạn bố từ miền ngược về. Ông ấy mang cho bố một nồi nhựa đánh chim, dạy bố cách chẻ những tăm tre và phết lên đó thứ nhựa màu nâu mà quê tôi gọi nó là nhạ.
Những que nhạ được gắn lên ngọn hàng cây bằng lăng. Bố đẽo những con chim bằng gỗ mấc nhẹ và mềm, bôi nghệ lên nó, từ dưới đất nhìn lên nom như những con chim vàng anh đang ngủ. Từ khi có chim mồi, có vẻ như chim chóc bay về nhiều hơn. Chúng đậu kín ngọn cây. Bố con tôi ngồi đợi thành quả của những cây nhạ mang lại.
Rồi tôi reo lên mỗi khi phát hiện một vài con chim bị dính vào thứ nhựa ấy. Đôi chân nó dính phải những que nhạ, chúng vỗ cánh bay trong hoảng loạn và bất lực, đành ủ rũ nằm im trên những tán lá. Bàn tay bố cẩn thận bám vào từng bậc thang tre trèo tót lên cây gỡ những con chim mang xuống. Bố chọn những những chú chim khỏe mạnh nhất, đẹp đẽ nhất để làm chim mồi. Ông dùng chỉ khâu mắt chúng lại và buộc vào những cành cây trên tán lá.
Thi thoảng những chú chim vàng anh bị khâu mắt lại vỗ cánh phành phạch. Chúng muốn dứt ra khỏi cái dây để bay vào bầu trời tự do nhưng không thể. Đôi mắt của chúng đã bị mùa lòa vì những mũi khâu của bố bịt lại.
Bạn bố lại từ miền ngược về thăm bố. Bố vui mừng lắm, dưới ánh trăng le lói mùa đông, hai người đàn ông ngồi uống rượu. Thứ rượu quý của bạn bố mang về là hũ rượu ngâm sẵn mấy con chim bìm bịp. Thứ rượu ấy nghe đâu đã ngâm được vài năm, cùng những thứ rễ cây rừng. Họ say sưa kể chuyện về những loài chim, những thứ muông thú nơi miền ngược. Bác ấy chỉ cho bố cách bẫy những con chim theo những cách của người Thái trắng.
Tôi thấy rõ tình bạn và sự cảm mến hai người dành cho nhau. Bố tôi cũng hồ hởi khoe về chiến tích trên cây bằng lăng, về thứ nhựa tốt bác ấy mang về. Chỉ có điều thứ rượu bác ấy mang về nó không tốt như lời bác ấy nói. Vào sáng hôm sau mẹ tôi phải thuê xe chở cả hai người vào viện cấp cứu. Thứ rượu ấy đã bắt bố nằm viện suốt một tháng liền.
Tôi lại mơ về giấc mơ của những con chim. Nhưng lần này là con chim bìm bịp với cặp mỏ đen sì nhọn hoắt như lưỡi dao và đôi mắt đỏ rực màu máu, toàn thân nó cháy phừng lên như ngọn lửa.
Mẹ tôi sắp sinh em bé. Bố mang cho mẹ tô cháo bồ câu xanh để tẩm bổ. Mẹ bảo sát sinh lúc này mang tội lắm. Bố cười xuề, "ăn cho có sức khoẻ, chim chóc gà vịt cũng chỉ là thức ăn của con người". Mẹ nghe lời bố, và thương con trong bụng cần dưỡng chất nên mẹ cũng gắng ăn, nhưng tôi thấy mẹ ăn trong một nỗi xót xa nào đó.
Xã đưa giấy xuống gọi bố lên giao nộp khẩu súng hơi. Bố vò tờ giấy ném vào sọt rác. "Vẽ chuyện, mình bắn trong vườn nhà mình thôi chứ có bao giờ vác ra khỏi nhà đâu mà phải nộp". Khẩu súng là kỷ vật của bạn bố tặng nên bố quý khẩu súng lắm. Bố ngoài miệng tuy nói thế, nhưng trong lòng vẫn sợ bị truy thu súng nên lau dầu mỡ bọc vải mang cất.
Xã mời bố lên, người ta thông báo với bố đánh bắt chim là vi phạm pháp luật, bố cười phản pháo:
- Sao lại vẽ ra thứ luật vô lí thế cơ chứ. Săn bắt hái lượm đã có từ bao đời nay rồi sao lại cấm?
- Hành vi đánh bắt tận diệt chim sẽ gây mất cân bằng sinh thái động thực vật, luật là luật mong anh chấp hành nghiêm chỉnh - chú Trưởng Công an xã nói với bố. Sau đó, chú Trưởng Công an xã xuống nhà thuyết phục bố thêm vài lần nữa. Bố bảo với chú ấy là súng bán rồi nên chỉ ký cam kết không dùng súng bắn chim nữa thế là xong.
Chim chóc ngày càng thưa dần. Bố than phiền "Đánh nhiều rồi nên chim nó cũng hết là phải thôi. Ở cái xã này thôi đã mấy chục người đánh bẫy cơ mà".
Đó là lí do bố mua lưới và máy đánh chim dẫn tôi ra đồng vắng. Ông chọn một vạt đất trống dọn sạch những thứ cỏ lá trên mặt đất, đóng cọc buộc chiếc lưới lên hàng cọc vừa đóng. Thứ lưới mà người bán hàng quảng cáo sẽ như thiên la địa võng bắt sạch những con chim lớn bé. Chiếc máy phát âm thanh bé xíu được kết nối với chiếc loa phát ra đủ thứ tiếng chim. Ngày đầu tiên khi đánh chim theo cách mới bằng lưới của bố con tôi là mang về hàng trăm con chim sẻ. Ở trên cành cây bằng lăng còn thêm một con chim cò dính nhạ. Đó là con cò hương ốm o làm thịt chả bõ. Bố cắt bớt những chiếc lông cánh, buộc nó quanh cột nhà để nó tự bắt ruồi.
Thế rồi chim trời cũng thưa dần, bố tôi ngồi tiếc rẻ bên mâm cơm thiếu món thịt chim nướng lá chanh sả ớt mà ngậm ngùi.
- Mùa này chim chóc đi đâu cả nhỉ, hình như người ta bẫy hết rồi thì phải?!
Có vẻ như không chỉ mình bố tôi bẫy chim bằng lưới. Cả làng cả xã này và cả những nơi khác nữa người ta cũng đang dùng lưới để bẫy chim. Chim chóc ít đi cũng phải thôi. Cây bằng lăng lâu nay vẫn im lìm nơi góc sân. Bố con tôi chợt nhận ra đã từ lâu chẳng còn chim chóc trên hàng cây ấy nữa. Những tiếng chim râm ran hót dường như đã ngưng bặt từ lâu. Bố lặng lẽ vào buồng mang khẩu súng ra sân, tháo bỏ lớp vải quấn lên thân súng. Chiếc nòng súng đen sì bám đầy mỡ, nhưng báng gỗ đã phủ một lớp mốc xỉn màu. Ông cẩn thận lau sạch chỗ báng súng, lắp viên đạn chì vào nòng, đưa ngang tầm mắt. Tạch...
- Ối làng nước ơi... chết tôi rồi...
Bố tôi đặt khẩu súng xuống đất chạy vội sang bên kia bụi cây, nơi có tiếng người vừa hét thất thanh.
Bà Loan hàng xóm đang ôm chân rên rỉ. Một vệt máu chảy ròng xuống đất. Bố tôi vội vàng cởi chiếc áo bó tạm vết thương cầm máu rồi chở bà Loan lên trạm xá xã. Cũng may là vết thương không quá trầm trọng, may mắn hơn là chỗ thân tình nên bà hàng xóm tốt bụng giấu nhẹm cái chuyện bị bố tôi bắn trúng. Sau đận ấy ông cất luôn khẩu súng và vất hết đạn chì.
Bố con tôi lại mang lưới ra đồng. Hôm nay có vẻ như chim nhiều hơn, chiếc lưới đổ rụp xuống cũng là lúc người làng hốt hoảng chạy ra đồng báo tin em trai tôi bị con cò hương mổ mắt. Bố vứt cả đống chim én đang rũ phần phật trong đám lưới chạy lên bệnh viện. Bác sỹ bảo em tôi bị rách giác mạc, suýt nữa thì mù hẳn nhưng rõ ràng là thị lực sẽ giảm đi rất nhiều. Khuôn mặt bố tôi chỉ mới vài hôm sau khi em tôi bị cò mổ suýt hư mắt đã trở nên tiều tụy hẳn. Mẹ tôi xót đôi mắt của em bà cũng đổ ốm phờ phạc. Bà luôn than phiền chuyện bố tôi rước cái con cò hương của nợ ấy về nuôi. Bà trách ông ác độc khâu mắt những con vàng anh làm mồi nhử. Bố nghe mẹ than thở chỉ biết thở dài.
Lần đầu tiên bố mang rượu ra uống một mình. Ông ngồi trầm ngâm nhìn lên tán cây bằng lăng. Những hạt mưa phùn bám vào tán cây. Những con chim gỗ màu vàng lấp ló sau tán lá đung đưa theo gió. Hình như lũ chim khôn hơn, chúng không về đây nữa. Hoặc chúng đã bị bắt thịt hết trước khi về đến ngọn bằng lăng trước sân nhà tôi. Tôi nghĩ chắc bố thèm nghe một tiếng chim hồi đáp lại, dù ông đã nhại đủ tiếng kêu của các loài chim. Tôi lại mơ về những con chim. Nhưng đó là những con chim trụi lông nhảy nhót trên vỉ nướng than hồng cất tiếng kêu than. Tôi mơ về những cánh đồng hoa màu ngập tràn sâu và những cơn mưa cào cào châu chấu chúng tàn phá trên những cánh đồng. Chúng ào ào như cơn lũ tràn vào khắp mọi nơi....
Bố tôi cẩn thận trèo lên ngọn cây lôi những con chim mồi ném xuống sân. Những chú chim gỗ rơi xuống nền sân xi măng vang lên khô khốc. Ông bước vào nhà ôm đống lưới săn chim mang ra. Ở góc sân bừng cháy lên ngọn lửa. Mùi gỗ, mùi lưới nhựa và cả mùi nhạ hoà quyện vào nhau hăng hắc, cháy bừng lên nổ tí tách. Khuôn mặt bố tôi nóng bừng, đỏ lửng và giãn ra. Ông mang mấy con chim vàng anh cắt chỉ khâu chỗ mí mắt và thả nó xuống khoảng sân. Tội nghiệp mấy chú chim vàng anh bị thứ ánh sáng tự nhiên bỗng ùa vào chói lòa. Chúng ngã dúi dụi dưới sân và mãi sau đó mới bay lên. Chúng bay thật lâu, bay vòng tròn trên đầu bố con tôi như cảm tạ người đã từ tâm phóng sinh và mất hút trong nền trời trắng xoá.
Khẩu súng hơi của bố tôi đặt ngay ngắn trên bàn làm việc của Trưởng Công an xã. Bố kí vào tờ khai tự nguyện giao nộp súng. Đó cũng là ngày đón em tôi ở bệnh viện về. Em tôi đã thôi không còn khóc quấy. Dĩ nhiên vết thương trên mắt trái của em cũng đã lành.
Sáng mùa xuân. Chúng tôi thức dậy ngồi vào bàn ăn điểm tâm sáng. Bố chăm chú xem bản tin. Bất chợt ông tắt phựt chiếc tivi. Vành tai ông khẽ giật hướng về phía cửa sổ nơi ngọn cây bằng lăng đang đâm những chồi non đung đưa đón gió. Khuôn mặt ông ánh lên niềm vui.
- Mọi người nghe thấy gì không? Đàn chim đã về.
Bố thả chén cơm bước ra khoảng sân hướng ánh mắt lên hàng cây bằng lăng, nơi lũ chim đang chao lượn râm ran cất tiếng hót. Tiếng chim hót vang lên trong trẻo tự do bên khung của sổ nhà tôi và vang động trong vòm trời rộng... Ánh mắt bố ánh lên vui sướng.
Nhưng trong niềm vui lấp lánh ấy, tôi thấy nước mắt ông dâng đầy.
Bố tôi cao hứng nhại lại những tiếng chim. Loài chim ríu ran đáp lại. Tôi tin ông đang trò chuyện với chúng bằng ngôn ngữ của loài chim.
Hà Tĩnh - 7.11.20