Những con sâu

Thứ Bảy, 27/02/2021, 14:41
Ông Nguân tiến lại gần, rồi đứng bàng hoàng, hai chân run bắn lên. Từ những buồng chuối, hàng ngàn hàng vạn con sâu đang gặm rào rào, như thể cả kiếp sống chỉ để ăn một bữa duy nhất. Chúng gặm một cách điên cuồng, như không coi sự có mặt của ông ra gì.


- Bà ở nhà dọn dẹp, tôi ra thăm vườn chuối.

Không chờ vợ trả lời, ông Nguân cầm cái đèn pin, khoác thêm chiếc áo ngoài, đẩy cổng bước ra. Thực ra thời buổi này điện thoại thông minh đa phần đều có chức năng đèn pin, nhưng ông Nguân vẫn cầm, là bởi cái đèn ba pin thời ơ kìa này còn thay thế cả một công cụ tự vệ. Chỉ một lát sau ông đã đến vườn chuối ven sông, là niềm hy vọng đổi đời của cả gia đình. 

Bao lâu nay, ông loay hoay tìm lối đi, sau khi đã bươn chải đủ nghề mà cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Hết lên thành phố làm thợ xây, rồi làm dịch vụ vận chuyển, cứ nghề gì làm ra tiền là ông không ngần ngại. Đến khi nhận ra rằng sức khỏe không còn được như thời trai tráng, ông mới quyết định về làng làm lại từ đầu. 

Làng quê của ông, may sao vẫn còn nhiều vườn nhiều ruộng, lý do theo ông chỉ là do cách sông cách đò không tiện cho giao thông, thứ nữa là thanh niên trai tráng hầu hết đều lên thành phố lập nghiệp. Ánh sáng đô thị luôn là một cái gì đó hấp dẫn, vả lại một khi không thành, vẫn còn quê nhà để quay về. Để rồi sau đó ngồi ở giữa nhà mà kể về thời oanh liệt của mình cho thế hệ sau, những người chưa từng ra khỏi lũy tre làng.

Ông Nguân thì không như vậy. Ông về làng chỉ để làm ăn. Bởi ông đã nhận ra rằng, ngày hôm nay nhu cầu về nông sản sạch của người tiêu dùng là rất lớn. Ông đã gặp vài nhà phân phối, họ đều nói nếu ông làm được nông sản sạch, họ sẵn sàng thu mua, thậm chí cung cấp cho ông cây giống mà cho ông nợ tiền đến khi thu hoạch. 

Nhẩm đi tính lại, ông quyết định trồng chuối. Bởi với ông, chả phần nào của cây chuối là bỏ đi cả. Quả chuối thì đương nhiên bán ra tiền rồi, lá chuối thì bán cho các nhà làm giò chả, thân cây chuối quá là hữu dụng với người nuôi lợn, thậm chí bây giờ người ta còn lấy phần non nhất thái ra làm nộm bán cho người. Chuối lại mau cho quả, chứ không như cây lưu niên. Trước đó ông cũng định trồng cây ăn quả nhưng để quả có chất lượng tốt cũng phải mất dăm năm.

Minh họa: Hà Trí Hiếu 

Ông Nguân hít một hơi thật dài. Gió bên sông thổi lại, làm những tàu lá chuối xào xạc nghe như một bản đồng ca. Trăng mười ba không sáng lắm, nhưng đủ để nhìn thấy vườn chuối bạt ngàn. Ông thầu cả vườn chuối này với giá rẻ, do cùng người làng người xã với nhau, hơn nữa, làng còn đầy vườn ra đấy mà chẳng có người làm, để hoang nhìn cũng xơ xác tiêu điều biết bao. 

Lúc ký giấy nhận đất, Chủ tịch xã là cháu họ bảo ông, cháu chỉ muốn ông làm được rồi mọi người làm theo, chứ xã mình nghèo quá, cái nghèo sinh ra đủ loại tệ nạn. Ông Nguân gật đầu, anh cứ yên tâm, tôi đã về đây là không bao giờ bỏ cuộc. Đất có phụ người bao giờ đâu, chỉ là người phụ đất mà thôi.

Chỉ còn vài ngày nữa là nhà phân phối tới vận chuyển chuối. Trồng chuối sạch, quả không to như dùng thuốc, nhưng chắc chắn là ngọt hơn. Nhà phân phối bảo ông, gần như cả vườn này sẽ cung cấp cho mấy trung tâm thể thao để đưa vào thực đơn của vận động viên nhằm bồi bổ sức khỏe cũng như chống co cơ gây ra chuột rút. 

Ông Nguân lấy làm tự hào lắm, bởi chẳng gì thì trong thành tích của nền thể thao nước nhà, ông cũng có phần đóng góp. Thế nên ông bảo nhà phân phối, thà chết chứ tôi không dùng thuốc, anh yên tâm, đất bãi quê tôi mênh mông, chỉ cần gió sông thổi thì chuối cũng đủ ngon ngọt.

Bỗng ông nghe thấy tiếng rào rào. Ông ngẩng đầu lên nhìn trời. Trăng vẫn sáng, không có dấu hiệu gì của mưa. Nhìn mãi mà không thấy gì trong khi tiếng rào rào mỗi lúc một ào ạt hơn, ông quay lại vườn chuối. Tự dưng, ông thấy lạnh ở sống lưng. Ông chiếu đèn pin vào những buồng chuối sai quả làm cây trĩu nặng. Những buồng chuối lúc này quả còn quả mất, nhìn xa như bộ răng ông lão. 

Ông Nguân tiến lại gần, rồi đứng bàng hoàng, hai chân run bắn lên. Từ những buồng chuối, hàng ngàn hàng vạn con sâu đang gặm rào rào, như thể cả kiếp sống chỉ để ăn một bữa duy nhất. Chúng gặm một cách điên cuồng, như không coi sự có mặt của ông ra gì. 

Máu ông dồn lên mặt, rồi từ từ chạy quanh cả cơ thể. Lúc này, ông chỉ muốn đốt cho lũ sâu chuối này tan thành tro bụi. Rồi ông ôm lấy mặt, cố ngăn mình không khóc thành tiếng. Bao nhiêu công sức, tiền của, thế là chui cả vào bụng lũ sâu chuối này.

Ông Nguân chạy hối hả về nhà, để tránh không phải nhìn cảnh tượng với ông là cực kỳ man rợ ấy. Bà Thản vợ ông thấy chồng mình khác hẳn mọi hôm, cũng không hỏi han gì, mặc cho ông leo lên giường nằm trước. Dọn dẹp xong, bà mới vén màn chui vào.

- Có chuyện gì mà bố nó chạy như ma đuổi thế?

- Xong hết rồi mẹ nó ạ - Ông Nguân thở dài - Bao nhiêu công sức của tôi giờ tan tành. Khốn nạn, lũ sâu này ranh như ma, chờ đến khi chuối nẩy hẳn mới ra ăn.

- Ôi giời, em lại tưởng bố nó làm sao. Không lo nhé, làm vườn làm tược thì thiên tai địch họa quá là điều đương nhiên.- Bà Thản nhỏ nhẹ, thái độ của bà hệt như tên cha mẹ đặt. Bao nhiêu năm chung sống, ông Nguân chưa bao giờ thấy vợ mình tỏ ra hốt hoảng vì bất cứ điều gì. Lúc nào bà cũng rề rà như thế, không vui, không buồn, chẳng vồ vập mà cũng chẳng hờ hững gì. Đến mức nhiều lúc ông quát bà là đồ ba phải, bà chỉ thanh minh à em chỉ hai phải rưỡi thôi bố nó ạ.

- Mẹ nó có bỏ công ra làm như tôi đâu mà xót xa.

- Em cũng xót chứ, nhưng mà xót thì chuyện cũng xảy ra rồi. Ngủ đi cho khỏe bố nó ạ.- Dứt lời, bà rúc vào nách ông, rồi ngáy ngay lập tức được, tiếng ngáy nghe như tiếng kêu của những con thú chỉ có trong truyền thuyết.   

Ông Nguân đợi một lúc, rồi len lén vén màn đi ra. Rót một tách trà nguội, ông ra sân ngồi nhìn đăm đăm vào mảnh sân trước nhà. Chỉ mai kia nhà phân phối đến, không biết nói năng làm sao với người ta. Rồi tiền cây giống, tiền làm đất, tất cả chỉ chờ chuối được đem đi để thanh toán cho sòng phẳng. 

Nghĩ tới nghĩ lui, rồi ông tự nhủ, phải đi gặp nhà phân phối rồi trình bày hết mọi chuyện, hy vọng người ta thông cảm mà cho ông khất nợ. Cứ được như thế đã, rồi trả nợ cách nào thì từ từ tính sau.  

Nhà phân phối, một người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, trạc ngoài tứ tuần, điềm tĩnh nghe ông Nguân trình bày, tuyệt nhiên sắc mặt không biến đổi. Đợi ông Nguân nói xong, nhà phân phối mới rót tiếp trà vào cái tách, đẩy về phía ông.

- Thế này bác ạ - nhà phân phối nhẹ nhàng - đây thì rõ ràng là chuyện không ai muốn, nó là thuộc về thiên tai địch họa rồi. Có điều, em cũng cần tiền để còn đầu tư. Bác biết rồi đấy, nơi nào em cũng cung cấp vốn cho họ, chứ nông dân mình thì đâu có sẵn tiền.

- Vẫn biết thế chú ạ, phải đến chú thế này thật sự tôi cũng chẳng còn cách nào khác.- Ông Nguân thở dài ngao ngán.

- Thôi thế này bác nhé, tính em là cứ vào việc luôn, không vòng vo nhiều mất thời gian. Giờ đòi tiền  khác gì đẩy bác vào đường cùng, trong khi thiếu gì cách giải quyết hay hơn.

- Chú có cách à?- Ông Nguân ngạc nhiên.

- Có chứ bác. Cách này giúp bác không những thu hồi được những gì đã mất mà còn rạng rỡ luôn. - Nhà phân phối cười sảng khoái.

- Chú nói đi.

- Hồi trước bác muốn làm nông nghiệp sạch, tuy em thấy viển vông nhưng không cản, vì có cản cũng vô ích. Nhưng bác thấy đó, mình đâu đi ngược được xu thế. Giờ sâu bọ nó khỏe kinh hồn, em nghĩ con người tiến hóa một sâu bọ phải tiến hóa mười, mình không dùng thuốc không được.

- Hại lắm chú ạ. Tôi từng ấy năm gắn bó với ruộng đồng, còn lạ gì.

- Tùy bác thôi. Nếu bác đồng ý thì em lại cung cấp các kiểu thuốc, đảm bảo đến ngày đến tháng bác không phải lo lắng gì. Còn nếu không, chắc mọi việc sẽ như những gì mình thỏa thuận trước kia bác ạ. Em làm việc bao giờ cũng đặt cái tình lên đầu, nhưng khi tình cảm không được coi trọng ta lại dùng lý thôi bác.

 Ông Nguân thở dài, vì biết chẳng còn cách nào khác. Không trả được nợ, rồi đến mảnh đất cha ông để lại cũng phải bán đi chứ chẳng đùa. Lại còn đám cưới cậu con trai, không có tiền, thằng bé phẫn uất lên rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thanh niên một khi thất tình sẽ rất manh động, ngày trước ông cũng vậy.

Từ hôm đó, ông lại hăm hở làm lại từ đầu. Làm đến đâu đã có người của nhà phân phối hướng dẫn. Ông tự an ủi mình, hóa ra có phải tiêm nhiều thuốc như mình nghĩ đâu, cả một vườn chuối thế này mà lượng thuốc chẳng đáng kể gì. Đến tiêm phòng chẳng qua cũng chỉ là tiêm chất độc hay chất gây bệnh vào để cơ thể tự miễn dịch đó hay sao. Lại tự nhủ, đúng là ở sạch quá cũng tai hại, một cơn cảm cúm nhẹ có khi cũng khiến người ta ốm lên ốm xuống.

Đến gần ngày thu hoạch, ông lại đi một vòng quanh vườn, dù đã phun thuốc sâu cẩn thận. Nhà phân phối bảo, thuốc này đặc trị sâu chuối nhưng lại không hại cho người, vì sâu chuối là loại sâu đặc biệt chỉ ăn chuối nên thuốc khác không ăn thua. 

Ngồi thư thái bên bờ sông, nghĩ về lần sâu phá hoại trước kia, ông lấy làm khoan khoái trong lòng. Dễ chừng mỗi buồng phải nhiều quả gấp năm sáu lần vụ trước. Kể cả giá cả có lên xuống thế nào thì số chuối này cũng đem đến cho ông một món lớn. Bội thu cơ mà, chứ có phải đùa đâu.

Đúng ngày, nhà phân phối cho xe tải về chở chuối. Nhìn từng buồng chuối nặng trĩu được chất lên xe, ông mừng như mở cờ. Bà con trong làng kéo ra xem, nhìn ông đầy vẻ ngưỡng mộ. Bởi từ trước tới nay, có ai nghĩ giàu lên từ cây chuối được đâu. Họa chăng có trồng thì cũng chỉ đủ tùng tiệm ra chợ bán rồi mua lấy cái này cái khác. 

Ông Nguân nghe bà con thắc mắc rồi bảo, đấy là nuôi trồng nhỏ lẻ, còn tầm cỡ của tôi là trang trại, đương nhiên là phải lãi ròng rồi. Lúc thấy nhà phân phối đưa tiền cho ông Nguân, bà con mới hết hồn. Không ai nghĩ lại được giá cao thế. 

Ông Nguân cũng thắc mắc, nhưng nhà phân phối bảo: “Lúc em làm việc với đối tác, họ vẫn xếp hạng chuối của bác vào hàng nông sản sạch nên mới có giá này, may quá bác ạ, thuốc của em đều là hàng tốt chứ nếu hàng kém chất lượng thì vụ này em và bác đâu có thắng lớn thế”. 

Ông Nguân cười mãn nguyện, âu cũng là số phận run rủi cho mình gặp được nhà phân phối có tâm và có tầm, y như chuẩn của doanh nhân thời này. Cầm bọc tiền trên tay mà ông Nguân run rẩy không nói nên lời, vì nó ngoài sức tưởng tượng của mình. Về với đất quê hương, chăm sóc vun trồng, đất đâu có phụ người.

Có tiền trong tay việc gì cũng xong. Ông gọi cậu con trai vào, nghênh mặt bảo: “Bố sẽ lên huyện xem ngày rồi sang bên nhà người ta nói chuyện cho đàng hoàng, khổ thân con hai năm nay lận đận quá”. Anh con trai rạng rỡ: “Bố ơi con chờ ngày này lâu quá rồi”. 

Ông Nguân nghiêm nghị: “Lấy vợ về là phải tu chí làm ăn, nhìn bố đấy, có phải đất quê mình không ra tiền đâu”. Anh con trai gật đầu: “Công nhận lúc bố ra thuê đất vườn ven sông để trồng chuối, con đã định gàn, ai ngờ nhiều khi im lặng đúng là vàng bố nhỉ”.

Ông Nguân chỉ cười mà không trả lời. Bởi vì vụ chuối vừa rồi chính là câu trả lời thấu đáo nhất. Lúc ông rủ con trai cùng làm, nó cười khẩy mà rằng, cứ vài ba cái cây cỏ thì làm sao mà khá lên được. Tất nhiên nó cũng chẳng khá gì, chỉ làm lăng nhăng qua ngày cho một công ty ất ơ nào đó trên huyện, nhưng xét về độ oai thì cũng ổn, bởi người ta cho nó làm Phó giám đốc. Có bàn làm việc hẳn hoi, có cả bảng tên khắc chữ vàng chóe. 

Thỉnh thoảng bà Thản hỏi, thế con làm Phó giám đốc kiểu gì mà chả thấy biếu mẹ đồng nào ăn quà, nó lại ưỡn ngực bảo công ty chúng con đang đi vào giai đoạn xâm nhập thị trường, bao giờ có chỗ đứng thì mẹ cứ yên tâm là cuộc sống gia đình mình từ nay về sau không có gì phải nghĩ ngợi.

- Cưới vợ về, nếu con bé chưa có việc ở đâu, cứ ra vườn làm với bố mẹ. Hậu phương vững chắc, con tha hồ mà phấn đấu. - Ông Nguân nhìn chăm chú anh con trai. Thực lòng, ông cũng muốn tổ chức đám cưới sớm để có cháu nội, chứ nhiều lúc có việc họ việc làng, không có cháu nội cũng buồn. Bà con nay hỏi mai hỏi, làm ông thấy không ổn chút nào.

- Vâng ạ. Thế thì còn gì bằng.

- Nhà mình khác với nhà người ta. Con dâu về đây bố mẹ coi như con đẻ. Mẹ con lại tốt tính, nên chuyện mẹ chồng nàng dâu không phải lo. Sau này anh có tiền muốn ra ở riêng thì tùy, bố mẹ cũng không ép. Miễn là sớm có cháu đích tôn cho bố mẹ là được. Chiều chiều bố còn dắt cháu nội đi thăm vườn cho mát, hiểu chưa?

Tất nhiên việc này anh con trai hiểu ngay và làm rất tốt, trên cả mức tuyệt vời. Chỉ hai tháng sau khi cưới, bụng cô dâu mới đã to thấy rõ. Ông Nguân thắc mắc, sao chúng nó nhanh thế, hay là ăn cơm trước kẻng. Bà Thản bấm ngón tay đếm rồi bảo, không phải, từ đợt dạm ngõ thôi, chứ hai đứa này cũng chắc lép lắm, nếu không chúng nó đã chủ động để gây sức ép rồi. 

Ông Nguân gật đầu, thế là tốt, chứ gây sức ép với tôi chỉ có thiệt, một khi chúng nó có sản phẩm trước, không bao giờ tôi tổ chức cưới đâu, muốn ở thì dắt nhau về mà ở, nhà này không bao giờ đuổi con cháu ra, chỉ thu vào.

Cô con dâu mới tên đẹp như trong truyện, Kim Dung, đã thế lại chăm chỉ, không những chăm chỉ mà còn rất khỏe mạnh, việc lớn nhỏ trong nhà cô đều đảm đương. Bà Thản nhiều lúc cản, thì cô nhỏ nhẹ thưa rằng: “Con vận động nhiều một chút cho dễ sinh, chứ chị gái con lười vận động rồi phải sinh mổ đau đớn khủng khiếp”. 

Bà Thản bảo: “Cũng đúng, nhưng bây giờ con làm nhiều thế này mẹ thấy bất nhẫn quá, thời đại này mọi thứ phải công bằng, ngày xưa ở nhà mình mẹ cũng không bị bà nội chồng con hành hạ đâu”. Kim Dung cảm động bảo: “Mẹ ơi chỉ cần mẹ nói thế là con vui lắm rồi, con chăm chỉ là để chồng con cũng lấy đó mà cố gắng”.

Ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy mà đến lúc chuối sang độ thu hoạch vụ mới. Đến tầm này thì bà con cả làng đều đổ xô vào trồng. Ông Nguân từ dạo ấy bận rộn đến mức cứ về nhà là lăn ra ngủ. Không phải bận cho mình mà cho bà con, bởi ông là người đi trước, biết nhiều hơn, trải qua cả thất bại lẫn thành công, nên bà con chỉ biết trông vào ông để giải đáp thắc mắc.

Trước khi thu hoạch, nhà phân phối lại gọi cho ông lên lấy thuốc phòng sâu chuối về phun. Lại dặn ông, có thể năm nay những con sâu sẽ nhờn thuốc nên phải pha đặc hơn năm trước một chút. Ông Nguân cầm thuốc ra về, lấy làm tự mãn vì chỉ ông là không phải trả tiền ngay. Bà con trong làng cứ đến thuốc hay gọi người giao hàng là tiền trao cháo múc.

Trên đường về, gặp bạn, ông vui miệng nên uống vài cốc bia, thành thử ngủ một mạch đến sáng. Tỉnh dậy, miệng đắng ngắt, toàn thân đau như búa bổ. Ông nằm nghỉ đến chiều tối để đi phun thuốc, vì giờ đó sâu chuẩn bị ra ăn. Thấy ông khó nhọc bò dậy, bà Thản đến gần, nhăn mặt:

- Mệt thì cứ nghỉ đi bố nó ạ.

- Không được, việc này sao mà dừng, dừng là chết cả nút.

- Bố để con đi phun cho. - Kim Dung đon đả chạy vào.

Ông Nguân gật đầu, như trút được gánh nặng. Lẽ ra ông để bà Thản đi, nhưng vợ ông lâu nay lại chỉ quen việc cơm nước lợn gà. Lần nào vợ ông ra vườn, không hỏng cái nọ thì tan tành cái kia, mặc dù bà rất cố gắng.

Không lo lắng gì nữa, ông thiêm thiếp vào giấc ngủ. Vì lơ mơ ngủ, nên ông còn thấy hình ảnh những buồng chuối vàng rực, lấp lánh trong nắng. Mọi khi nhà phân phối đến lấy là túc lúc xanh, nên chưa bao giờ ông thấy được cảnh cả một vườn chuối vàng rực như thế cả. 

Nhiều lúc ông nghĩ, sau này khi đã ổn về kinh tế, sẽ có một lần ông để cho cả vườn chuối chín vàng rồi bán giá rẻ cũng được, thậm chí cho không. Nhưng than ôi, mơ ước chỉ là mơ ước, bởi mơ ước luôn là thứ người ta không có, chứ có rồi thì mất công mơ ước làm gì.

Vào lúc giấc mơ đẹp nhất thì ông choàng tỉnh dậy. Bà Thản mặt cắt không còn giọt máu, lay ông liên hồi:

- Dậy ngay bố nó ơi. Cái Dung không hiểu sao bị ngất, người ta đưa vào trạm xá rồi.

Ông Nguân lắc lắc đầu cho tỉnh hẳn, vớ lấy chiếc áo khoác rồi dắt xe ra ngõ. Bà Thản phải gọi lại ông mới nhớ là phải chở vợ mình đi theo.

Vừa vào đến trạm xá, bà y tá phốp pháp đã mắng như tát nước:

- Hai bác giết người à? Cháu nó bầu bí thế kia mà bắt đi phun thuốc sâu à? Sao lại nhẫn tâm thế hả giời?

- Cháu có làm sao không hả cô? - Bà Thản lắp bắp.

- Đang có bác sỹ trên tỉnh về khám. May quá, chứ ở đây em không sẵn thuốc và dụng cụ. Phúc nhà hai bác còn lớn đấy, hôm nay run rủi thế nào chú bác sỹ lại về nhà em chơi. Thôi cứ ngồi ngoài đã, bình tĩnh, cháu nó sẽ không sao đâu.

Ông Nguân ôm lấy mặt. Không hiểu sao cứ mỗi lúc nghe những lời an ủi kiểu ấy là ông lại có linh cảm về những điều tồi tệ.

Một lát sau, bác sỹ ra, thở dài ngao ngán:

- Hai bác bình tĩnh nhé. Tim thai không còn, tạm thời thai phụ không nguy hiểm đến tính mạng.

Bà Thản òa lên khóc. Hai tay bà đập liên hồi xuống thành ghế. Ông Nguân ôm chặt lấy vai bà, cố không khóc lên thành tiếng. Lúc này, ông không còn biết phải làm gì, khi nỗi ân hận đang xé nát cả thân thể.

Đưa con dâu về nhà, ông Nguân dặn vợ chăm sóc cho cẩn thận, để không có di chứng về sau. Trước mắt chỉ còn vài ngày nữa là nhà phân phối đến thu hoạch, ông còn phải tập trung bà con để chuẩn bị mọi việc cho tốt nhất.

Đúng ngày hẹn, không thấy bóng dáng nhà phân phối đâu. Bà con lo lắng lắm, không hiểu chuyện gì xảy ra. Ông Nguân thì không chỉ lo lắng mà còn bứt rứt, bèn gọi điện cho nhà phân phối. Phải vài lần gọi thì nhà phân phối mới bắt máy. Bà con nhìn ông Nguân gọi điện thoại mà lo lắng đến không dám thở. Nghe xong, ông bàng hoàng một lúc rồi mới kể được từ đầu.

Theo nhà phân phối nói lại, thì đột nhiên đối tác lần này dùng máy đo đời mới tân tiến hơn nên lần trước về đo đã thấy lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép nên không đồng ý mua. Nhà phân phối thuyết phục thế nào cũng không được, bởi cũng năm ngoái thì không sao. 

Đối tác nhất quyết không chịu, nói là năm ngoái đã lầm thì năm nay phải sửa sai. Nhà phân phối dọa là nếu thế sẽ cho mọi việc ra ánh sáng. Đối tác cũng không vừa, trả lời rằng chúng tôi đủ bằng chứng để kiện về tội gian lận trong vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Nhà phân phối nói với ông Nguân: “Em chết nặng vụ này rồi anh ạ, đầu tư bao nhiêu là tiền của công sức vào đây. Nhưng em còn có cơ hội làm lại, chỉ thương bà con”. Ông Nguân thở dài: “Vậy chú có cách nào vớt vát không, chứ tôi dù sao cũng trúng được một vụ, bà con mới là khổ”. 

Ngẫm nghĩ một hồi, nhà phân phối bảo: “Em có cậu bạn đang làm nhà máy sản xuất hoa quả sấy khô, để em bảo bạn em xuống thu mua, tuy nhiên giá thì thấp lắm”. Ông Nguân bảo: “Thôi thế cũng được, chứ mấy hôm nữa chuối chín ồ ạt, có mà để chim ăn là cùng”. 

Nói đếm đó, tự nhiên trong đầu ông thoáng qua hình ảnh giấc mơ về một vườn chuối chín vàng. Ông run bắn người lên, tự nhủ, may mà giấc mơ ấy không thành hiện thực, lúc này.

Hôm sau thì nhà máy sấy khô cho người về mua tất cả các vườn chuối. Bà con cũng không còn bực ông Nguân nữa, bởi bản thân ông cũng đâu hơn gì, đã thế con dâu lại sảy thai, nghe đâu muốn sinh nở lần sau còn khó. Tuy giá rất thấp, nhưng vì được mùa, nên trừ chi phí đi vẫn khá hơn làm ruộng đáng kể.

Từ đó, bà con trong làng chuyển hẳn sang trồng chuối. Trừ ông Nguân. Bởi sau khi con dâu ông xảy ra chuyện, ông không còn thiết tha gì nữa. Ông cho người ta thuê lại ruộng, rồi lên thành phố làm thuê. Thấy ông nghiêm túc, dần dà nhà hàng mời ông làm quản lý, không nặng nhọc gì mà lương cũng khá, tất nhiên kèm theo trách nhiệm. Mà trách nhiệm là thứ duy nhất đến giờ ông vẫn chưa mất đi. 

Đến giờ, ông đã quên hẳn giấc mơ về một vườn chuối vàng rực, sau khi đã tự dày vò mình suốt một thời gian dài. Cách để quên của ông là vùi đầu vào công việc, chăm chút cái nhà hàng nơi mình làm như thể chính ông là người tạo ra nó. Bao nhiêu năm lăn lộn khiến ông trở thành như thế.

Ông Nguân đi dạo một vòng qua các phòng Vip. Gọi là phòng Vip nhưng thực ra cũng chỉ là ngăn lại bằng vách nhôm kính rồi gắn điều hòa. Nhiều lúc ông Nguân đã phàn nàn rằng nên làm thêm cách âm cho đỡ ồn, nhưng chủ nhà hàng bảo thôi cứ để vậy cho có không khí.

Bỗng ông dừng lại khi nghe một giọng nói rất quen.

- Lâu rồi anh em mình mới có dịp tụ hội. - Đến lúc này, ông Nguân đã nhận ra giọng của nhà phân phối.

- Em bận quá, mãi mới có thời gian để gặp anh, trân trọng nói lời cảm ơn. Anh cho em mua được cả cánh đồng chuối giá rẻ vãi linh hồn. - Một giọng nói với ông Nguân là lạ. Nói xong cười phá lên.

- Đòn của anh cả đấy. Anh để cho một người trồng trước, mua giá cao, rồi tìm cách bán thuốc bảo vệ thực vật với cả thuốc kích thích cho họ. - Giọng nhà phân phối đầy đắc thắng - mình nắm đằng chuôi đến hai lần chú ạ.

Ông Nguân không nghe được nữa. Ông ngã vật xuống. Cùng lúc ấy, hình ảnh vườn chuối với hàng vạn con sâu thoáng lướt qua đầu ông.

Truyện ngắn của Nguyễn Toàn Thắng
.
.