Như nốt trăng ngân

Thứ Năm, 05/10/2017, 12:13
Em mở to mắt: “Anh cho em hết à?”. Hắn nhìn vào đôi mắt trong veo đang vẩn lên những toan tính của em mà rùng mình. Tai hắn ù đi. Hắn bước xuống đất, mặc quần áo ngay ngắn lại và đi ra khỏi nhà. Bỏ mặc em ngồi tơ hơ đấy. Hắn đi một mạch ra bờ hồ, tìm cái ghế đá mà ngồi xuống...

Hắn có bộ dạng của một con nghiện. Ai thấy hắn đều bảo thế. Những người thân thiết với hắn cũng ngờ thế. Chỉ có hắn biết, hắn không nghiện, không hề nghiện, dù có đôi ba lần hắn thử. Thế đấy, đầy thằng béo tốt nghiện nhưng thiên hạ không hay biết. Còn hắn, không nghiện mà cứ hết nhóm này, tổ chức nọ tìm cách tiếp cận, khuyên giải, vận động. Hắn cười thầm nghĩ đến lần đầu hắn bị khoác cái án nghiện.

Cũng lâu lắm rồi, khi ấy hắn mới mười sáu, đang học lớp mười, bị gọi lên Ban Giám hiệu nhà trường chất vấn. Còn giờ, hắn ba mươi sáu. Chưa ai có cái thâm niên điều tiếng dai dẳng như hắn. Mà thôi, thây kệ đời.

Hắn bị bệnh đường ruột từ bé tí. Nghe mẹ hắn kể, hồi nhỏ, có phen hắn đi ngoài phân trắng như phân cò. Rồi bà kiên trì thuốc thầy lang nên bệnh hắn giảm nhiều. Hắn ăn như trĩ ấy, chứ không phải loại kén chọn, mà chả thấy da thịt đâu, cứ róc ráy đến lạ. Đã thế, hắn còn cao lênh khênh nhất nhà, hay lang thang rừng rú một mình, ít khi tiếp xúc trò chuyện với hàng xóm láng giềng hay họ hàng. Đã thế, môi hắn cứ thâm sì vì cái bệnh hẹp van tim bẩm sinh.

Ban đầu, mẹ hắn còn ra sức giảng giải, thanh minh với thiên hạ, sau này bà ốm nằm liệt giường thì đành chịu. Rồi bà mất. Thế là chẳng còn ai thanh minh cho hắn cả. Nên trong mắt mọi người, hắn nghiện, nghiện có thâm niên. Một lần, hắn bị anh rể và chị gái bắt đi cai nghiện. Chiều lòng anh chị, hắn cũng thu xếp đi một chuyến. Hắn đến trung tâm, sau vài xét nghiệm đơn giản, họ đuổi hắn về vì không tìm thấy trong máu hay nước tiểu hắn chất gây nghiện gì. Từ đó đến nay, không còn ai bàn chuyện đưa hắn đi cai nghiện cả.

Ở đâu, nói chuyện nghiện ngập thì còn sửng sốt, ngỡ ngàng, chứ ở cái xứ này, đó là chuyện hết sức bình thường. Đất này, xưa kia nhà nhà trồng cây thuốc phiện bán cho xí nghiệp dược Hoàng Liên lấy tiền đong lương thực, mua quần sắm áo, cất nhà cửa. Một số người trồng và tiện đó hút luôn, một số người thì không thích. Ai hút thì người đó nghiện. Ai không thích hút thì không nghiện. Có nhà, cả bố lẫn năm đứa con trai đều nghiện. Có dãy phố, nhà nào cũng có con nghiện…

Sau này, khi nhà nước cấm, cho rằng cái loại cây kinh tế ấy góp phần gây tội ác, hủy hoại nhân cách, thể chất con người thì thuốc phiện được nhắc đến bằng tất cả sự miệt thị gớm ghiếc và cả nỗi ghê tởm. Người ta đã bỏ cây thuốc phiện rồi, còn ít người lén lút trồng trên núi cao kia thôi. Nhưng có thiếu gì loại cỏ cây gây nghiện thay thế cho thuốc phiện đâu. Và nghiện thì đã nghiện rồi. Nhổ cây thuốc phiện lên khỏi đất và đốt đi thì dễ. Nhổ cái nghiện ngập ra khỏi người mới khó.

Giả như, ngày nào đó, hắn phát bệnh gì rồi chết, cầm chắc là dân trong vùng này sẽ bảo hắn sốc thuốc mà chết. Hắn ra đường, chả may ôtô cán chết, người ta cũng bảo hắn chán sống thì đâm đầu vào xe mà chết. Hắn có bị ngã xuống hồ… hay bất cứ lí do gì mà hắn chết, thì người ta đều quy về một chữ nghiện của hắn mà thôi.

Từ lâu rồi, chả ai quan tâm đến cái sự sống chết của hắn cả. Cũng chẳng ai đứng ra mai mối cho hắn một đám. Chẳng cô gái nào dám đến gần hắn. Nên ba sáu tuổi mà hắn chưa hề biết tình yêu là gì. Mấy năm nay, đất thị trấn lên cơn sốt đùng đùng. Cái mảnh đất chưa đầy trăm mét vuông hắn được mẹ thừa kế cho, nếu bán, cũng được một món tiền khá lớn. Hai chị gái của hắn thường thay nhau nịnh khéo hắn để lại cho, các chị sẽ mua cho hắn một căn biệt thự lộng lẫy ngoài thành phố. Đất của hắn ở giữa, đất của hai chị gái ở hai bên, bán cho người này thì mất lòng người kia. Nên hắn cứ để đấy. Cứ ở trong căn nhà cấp bốn cũ nát dưới thung lũng cho yên tĩnh.

Có ngày, hắn tiếp cả chục lượt khách trong căn nhà tồi tàn ấy. Đa số là khách đến hỏi mua đất mặt phố của hắn. Hắn quá mệt mỏi, nên dùng một cái biển báo cũ viết lên đó mấy chữ “KHÔNG BÁN ĐẤT” cắm vào chỗ đất ấy. Nội cái hành vi dở hơi ấy của hắn cũng bị người ta chê cười. Thôi kệ người ta cười. Vậy rồi, giữa trưa hôm ấy, hắn về đến cổng, phát hiện ra có người trong vườn nhà hắn. Hắn rón rén đi vào.

Ơ kìa, hay chưa? Có mụ nào còn bắc cả ghế lên để hái quả su su leo trên cây đào nhà hắn. Hắn e hèm, con mụ kia sợ quá, rơi cả quả su su đang bẻ xuống. Nó từ từ quay lại. Hắn giật thót mình. Một đứa con gái, chỉ trạc ngoài hai mươi tuổi, xinh xắn quá chừng. Đứa kia líu ríu: “Cháu xin bác, cháu xin vài quả thôi ạ”. Hắn bỗng dưng nhẹ nhàng: “Ừ, cứ lấy đi. Cứ tự nhiên, đầy ra đấy, có ai ăn đâu mà. Rụng đầy dưới gốc ấy”.

Cô gái đỏ mặt, bê cái ghế nhựa để trả lên hè và cầm cái túi đựng hơn chục quả su su len lén bước ra cửa. Hắn ngơ ngẩn nhìn theo. Cô gái không một lần ngoảnh lại. Cả buổi tối, hắn cứ vơ vẩn đi ra, đi vào. Cái đứa trộm su su ấy là con cháu nhà nào ở khu này nhỉ? Khu này, nhà nào chả đầy rau quả. Ra vườn, vấp su su, ngã rụng cả răng, thiếu gì mà phải trộm.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Mà con bé ấy, hắn thấy lạ hoắc. Rõ ràng là hắn chưa thấy bao giờ. Sáng hôm sau, hắn vờ đi khỏi nhà từ sáng, cổng khép hờ, cái ghế nhựa cứ để trên hè, y hệt như hôm trước. Rồi bất chợt hắn quay về. Chả thấy ai cả. Hắn vỗ đầu nghĩ ngợi. Hắn dốt thật đấy. Cả chục quả su su ấy, nó làm sao đã ăn hết từ tối qua đến giờ, mà đến lấy. Hết rồi, chắc gì cũng dám đến.

Chắc con bé này ở đâu mới đến đây, nên chưa biết danh Hào nghiện thôi. Chứ biết, bố bảo dám lởn vởn gần đây. Nói gì đến việc dám vào vườn hái quả. Giờ thì hắn mới thấy hận đời. Hận cái án nghiện mà tự thân hắn rước vào mình. Mấy hôm liền, hắn dọn dẹp nhà cửa sân vườn sạch sẽ. Chăn chiếu giặt giũ thơm tho, giăng đầy chỗ có nắng. Đến nỗi mấy bà chuyên đến cất buôn rau của hắn, cũng ngạc nhiên, sao bỗng dưng cậu Hào sạch sẽ thế.

Xong xuôi, hắn vác cuốc đi đào giun. Sẽ đi câu một buổi cho thanh tịnh đầu óc. Nghĩ ngợi mà làm gì. Đây có phải là lần đầu hắn biết thích một đứa con gái đâu. Cũng dăm bận rồi, nhưng chả đâu vào đâu cả. Cuốc giun xong, hắn dụi cái cuốc vào vạt hoa cúc dại ngoài bìa ruộng cải soong. Bỗng có tiếng nói quen quen: “Cháu nhìn thấy rồi nhá”. Hắn giật mình nhìn ra sau. Là con bé hôm nọ, đang lui cui rẫy cỏ ở mảnh ruộng trồng hành và rau thơm của nhà bà Tế.

Hắn mỉm cười, hỏi trống không: “Mới ở quê lên à”. Con bé nhanh nhảu, lễ phép: “Dạ, cháu lên lâu rồi”. Hắn ngạc nhiên: “Thế à? Lâu là từ bao giờ? Sao không biết nhỉ?”. Con bé cười cười: “Đến gần chục ngày rồi ạ”. Giời đất. Đúng là trẻ con. Hắn ba sáu năm rồi, chưa thấy lâu. Mới có mười ngày, nó bảo lâu. Hắn kiếm chuyện: “Hôm nào ăn su su, lại sang vườn nhà mà hái nhé. Để nó già lại phí”. Con bé gật đầu hồn nhiên. Hắn lại hỏi: “Thế người nhà bà Tế à?”. Con bé cúi đầu: “Không. Cháu ruột cậu Phấn thôi”. À ra thế. Lão Phấn kiệt sỉ, tham ăn và bẩn tính nổi tiếng khu này, lại có đứa cháu gọi cậu hay hón thế…

*

Hắn vác cần câu về. Cá còn chê mồi hắn đấy. Cá bây giờ cũng kén mồi ngon. Người ta làm mồi cá cầu kỳ lắm. Chả như hắn, vài con giun tanh ngóe, ăn thua gì. Về qua chợ, hắn mua hai con chép, mỗi con độ một cân là vừa. Chứ to quá, người ta ngờ. Đến cổng nhà bà Tế, hắn đứng nhìn vào trong sân, vừa thấy con bé cắp cái rổ đi ra, hắn liền gọi: “Ấy ơi!”. Con bé kia nhanh nhẹn: “Bác gọi cháu à?”.

Con bé đi ra cổng. Hắn thò tay vào túi, lấy ra con cá to hơn, đặt vào rổ. Con bé thích quá, khen lấy khen để: “Bác giỏi thế, câu được cá rõ ngon”. Bà Tế đi ra. Người đàn bà ngoài năm mươi, lùn chụt, mặt đầy tàn nhang, mắng vốn đứa cháu: “Gọi anh thôi, bác cháu gì. Mày gọi thế, anh Hào ế vợ à”. Hắn nghe thế thì nở từng khúc ruột. Từ bữa ấy, hắn chăm đi câu lắm. Và lần nào cũng mang cá chợ về biếu con bé. Hết Chép, thì Trôi, thì Trắm. Chợ bán cá gì, thì hắn câu được cá ấy.

Thế rồi, từ bao giờ, nhà hắn và nhà bà Tế thân thiết nhau thế. Hắn tỏ ra quan tâm đến em đặc biệt và không ngại thổ lộ. Cô bé bảo để về hỏi cậu đã. Rồi một buổi chiều, hắn gọi em sang nhờ tí việc vặt là khâu hộ cái dây màn. Độ này muỗi nhiều thế. Em sang, vừa vụng về khâu, vừa ríu ran trò chuyện. Em nói đủ thứ chuyện. Hắn liều lĩnh ôm em vào lòng và hỏi: “Yêu anh nhé. Em im lặng. Hắn liều lĩnh hôn lên má em. Em cũng không nói gì. Rồi hắn hôn môi. Em cũng không nói gì. Rồi hắn quýnh quáng chạy đi chốt cửa. Em vẫn im lặng. Rồi hắn bế thốc em lên giường, ôm chặt lấy em. Chợt em đẩy hắn ra và hỏi: “Anh Hào ơi, anh nghiện à?”.

Hắn khựng người: “Ai bảo em thế?”. Em thật thà: “Cậu mợ đều bảo thế. Mấy đứa bạn em mới quen, đều bảo anh nghiện”. Hắn bặm môi hỏi tiếp: “Nếu anh nghiện, thì em có yêu anh không?”. Em ngần ngừ một lát rồi nói: “Cậu em bảo em lấy anh cũng được”. Hắn chua chát: “Cậu mợ em bảo anh nghiện mà lại muốn em lấy anh là sao?”. Em thật thà: “Cậu bảo, anh nghiện mấy chục năm rồi, chẳng sống được lâu nữa, anh có hơn chục tỷ tiền chuẩn bị bán đất. Lại có cả khu đất màu rộng mênh mông thế này. Nếu lấy anh, em sẽ có tiền, có nhà và con em sẽ không khổ”.

Hắn nuốt khan nước bọt, nhìn em như con mồi. Đất cát tính sau. Ông cậu khốn kiếp của em để đấy, tính sau. Em thích tiền, cậu em thích tiền, thì hắn sẽ mua thân xác em, mua cậu em bằng tiền. Hắn tuột sạch mọi thứ trên người em ra. Em rùng mình đưa hai tay che ngực và nhắm mắt lại. Trong khi hắn tự cởi đồ trên người hắn, thì em lại hỏi: “Anh Hào ơi, cai nghiện khó lắm à?”. Hắn gật đầu, giọng hổn hển: “Ừ, khó lắm…”.

Người hắn nóng hầm hập và căng cứng. Em bật ngồi dậy, vơ áo che người. “Thế thì em không cho anh đâu. Anh không cai được thì sau này em cũng khổ lắm”. Hắn bảo, giọng pha chút mỉa mai: “Em chỉ khổ một thời gian thôi, anh không sống được bao lâu nữa đâu. Rồi tất cả là của em, cho em hết”.

Em mở to mắt: “Anh cho em hết à?”. Hắn nhìn vào đôi mắt trong veo đang vẩn lên những toan tính của em mà rùng mình. Tai hắn ù đi. Hắn bước xuống đất, mặc quần áo ngay ngắn lại và đi ra khỏi nhà. Bỏ mặc em ngồi tơ hơ đấy. Hắn đi một mạch ra bờ hồ, tìm cái ghế đá mà ngồi xuống.

Đau đớn. Lần đầu tiên hắn biết đau đớn là thế nào. Hắn ngồi đấy, gió lạnh hun hút xối vào mặt khiến người hắn run lên. Tối mịt, hắn mới lê bước về nhà. Hắn ốm cả tuần. Chị gái phải cho con nấu cháo mang xuống cho hắn. Đầu óc hắn lơ lửng bao nhiêu câu hỏi. Bao nhiêu suy nghĩ. Không biết từ bao giờ, con người ta lại trở nên tham lam, tàn nhẫn đến như thế? Hắn sẽ quên em. Quên đứa con gái xinh xắn có đôi mắt trong veo và hay cười ấy.

*

Cơm hôm nay không dẻo. Thịt kho thì mặn. Là do hắn nấu nướng mà không tập trung, còn trách ai. Hắn trệu trạo nhai cơm mà cảm giác như nhai rơm nhai trấu trong miệng. Có tiếng bước chân quen thuộc. Tim hắn lại quặn lên cơn đau cũ. Đúng là bước chân của em. Vẫn tiếng gọi quen thuộc: “Anh Hào ơi...”. Hắn đặt bát cơm xuống bàn khẽ nói: “Về đi”. Nhưng em vẫn đẩy cửa vào, trên tay em là bát canh mướp thơm lựng. Hắn vằn mắt: “Mang về ngay! Tôi bảo mang về ngay”.

 Em vội vàng bưng bát canh trở ra. Ra đến cửa, em lập cập vấp vào bực cửa, ngã xuống, tô canh vỡ, lênh láng cả thềm. Hắn chạy ra, đỡ em dậy. Em gạt tay hắn ra, lồm cồm bò dậy và chạy về. Hắn biết, em sẽ còn quay lại. Nhiệm vụ của em là cưa cẩm bằng được thằng nghiện. Nhiệm vụ của hắn là từ chối bằng được em. Nên dù một củ khoai lang luộc, em dúi vào tay hắn, thì hắn cũng đem sang tận nhà em mà trả.

Đi về, thấy sân sạch sẽ, hắn sang tận nhà ông Tế mà nói ông đừng cho cháu gái sang nhà tôi, mất gì thì phải tự chịu trách nhiệm. Sang để nói vậy thôi, chứ kỳ thực, lòng hắn nhớ em cồn cào. Nhớ như thiêu như đốt. Một bên là nỗi nhớ không dễ gì gạt ra khỏi lồng ngực, một bên là những toan tính của lòng tham. Hắn đứng giữa, điếng đau chịu trận.

Hắn lạ gì cái con người ông Tế. Nhà trồng rau bán, nhưng chỉ ăn rau nhà người. Đất thì lấn từng tí một. Vay cái gì chán vạn tháng ngày không trả. Cho ông mượn cái gì quên đi đòi, là mất luôn. Ông ấy là kẻ đa mưu túc kế. Chả bao giờ ông ấy chịu bó tay trước một kẻ chưa có chút kinh nghiệm gì như gã đâu. Một ngày, hai ngày, ba ngày…Rồi một tuần, không thấy bóng dáng em đâu cả. Hắn bèn hỏi một chị hàng xóm về em. Chị ta bảo em về quê làm giỗ mẹ, chắc không lên nữa đâu mà hóng. “Phải gió nhà chị. Ai thèm hóng nó”. “Thế cậu hỏi tôi làm gì?” - Hắn cười nhạt đi về.

Từ ấy, hắn hay trách thân trách phận lắm. Hắn tiếc, giá hôm ấy, hắn nói thẳng với em là hắn không nghiện. Giá hôm ấy, hắn cứ liều lĩnh tới cùng mà chiếm lấy em, rồi đến đâu thì đến. Bao nhiêu năm nay hắn đợi mòn mỏi rồi, làm gì có cái gì gọi là tình yêu ở đời. Mà nếu có, thì cũng chẳng dành cho hắn. Hắn mà không có khu vườn rộng, không có mảnh đất mẹ để lại cho, có mà, chạm vào má em, em cũng nhổ nước bọt vào mặt.

Nhưng sao đầy người, vẫn có đầy đủ mọi thứ đấy thôi. Tại sao hắn không thử bỏ tiền ra mà mua tình yêu, hạnh phúc? Hạnh phúc quý hơn hay tiền bạc quý hơn? Tại sao hắn tính không ra nhỉ? Đến đại gia kia, bỏ ra cả đống tiền để lấy người đẹp, hoa hậu, họ còn chả tiếc. Vì họ dám chi tiền để hưởng thụ. Còn hắn, tiếc gì chứ? Em cũng đẹp mà. Trong mắt hắn, em đẹp hơn cả những cô trên tivi, phim ảnh kia. Tại sao lại dốt thế chứ.

Hắn như phát điên phát rồ vì suy nghĩ vừa để tuột khỏi tay trong gang tấc một niềm hạnh phúc đã rõ hình hài. Kể từ khi vòng tay hắn ôm em lần đầu đến giờ, nó cứ trống trải sao ấy. Đang mải nghĩ ngợi thì có tiếng gọi cửa khe khẽ: “Anh Hào ơi!”. Giữa đêm khuya khoắt thế này, ai gọi hắn thế nhỉ? Hắn tự dối lòng mà hỏi thế thôi, chứ hắn thừa biết tiếng gọi ấy là của ai rồi. Hắn vội vàng chạy ra cửa, hé mở nhìn ra bóng tối. Một tiếng nói nho nhỏ vọng vào: “Anh cho em xin lại chậu hoa nhé, cảm ơn anh đã chăm nó giúp em từng ấy ngày”. Hắn mở toang cửa, nhào ra thềm, lên giọng: “Không! Không xin xỏ gì cả. Hoa nào của cô mà xin. Về đi! Đừng bao giờ đặt chân đến nhà tôi nữa!”.

Hắn cứ tập rượt trong đầu cái cảnh ấy và tự trách mình là thằng đạo diễn tồi, kịch bản cũng tồi nốt. Hắn không nghiện nhưng trong mắt mọi người và nhất là trong mắt cô bé thì hắn nghiện. Vậy thì phải vứt bỏ cái danh dự của thằng không nghiện sang một bên mà diễn cho hoàn hảo chứ. Thôi, làm lại vậy. “Anh Hào ơi! Sáng bảnh ra rồi, sao anh chưa dậy đi?”. “Ờ…Anh ốm quá! Em lên lâu chưa? (Hụ..hụ) Vào đi, anh có vài điều muốn dặn riêng em”.

Điên! Giữa đêm hắn bật cười và tự chửi mình. Chả có chuyện em quay lại đâu mà tập với chả rượt. Những tình huống ấy chẳng qua là hắn sao chép từ một bộ phim tình cảm của Hàn Quốc thôi. Chả hợp với tâm trạng, hoàn cảnh của hắn tí nào. Lạ cho giấc ngủ, càng tìm nó, nó càng diệu vợi. Kiệu hoa rước mày chắc. Chả ngủ thì thôi. Tao cần gì ngủ.

Hắn ngồi dậy, vớ chiếc áo khoác mỏng mặc vào đi ra thềm. Cuối tháng tư, mảnh trăng bé tí như cái lược nhôm của đàn bà Mông cài trên tóc. Mùi hương gì rất khẽ, lan man bò vào tóc hắn như con kiến đói đi tìm ngọt bùi. Hắn nhìn quanh. Đêm nay, chả có loài hoa gì nở cả. Thế còn mùi hương hắn vừa thấy là gì vậy? Hay trăng cũng có mùi hương? Hắn cố hít vào một lần nữa rồi tự trả lời, đấy là mùi dầu gội của em. Từ khi quen nhau, tất cả các mùi hoa trong vườn nhà hắn, từ hoa cà, hoa cải, hoa hồng, hoa gì cũng có mùi tóc em. Cả những loài hoa mà trước đây hắn không hề thấy thơm như hoa dâm bụt thì giờ cũng có hương cả. Đấy là hương tóc người hắn thích.

Hắn cứ để cửa đấy mà bước ra sân, ra ngõ và lang thang trên con đường bé tí loằn ngoằn trong thung lũng. Ai đã mang những bông hoa nở đêm nay đi đâu mà để rơi lại mùi hương? Ánh sáng từ mảnh trăng lược nhôm cứ dẫn hắn đi trong nỗi nhớ cồn cào, nhức nhối. Hắn thèm được nói những lời dịu dàng đến thế chứ. Thèm cái cảm giác chông chênh hôm nào thế chứ. Thèm nói những lời vu vơ, mơ hồ với một niềm hi vọng rất thật. Hôm nay là tròn một tháng kể từ ngày hắn làm em sợ đến ngã và vỡ cả tô canh mướp.

Hắn quyết định sẽ tự nấu một bát canh cua với mướp thật ngon. Đúng lúc hắn đang hí hoáy gọt mướp thì... Òa! Hắn từ từ quay người lại. Em đang đứng trước mặt hắn trong một bộ quần áo thùng thình. Giọng của em nho nhỏ thì thầm: “Áo của bạn em đấy! Cậu em bảo hai tháng mới được lên để xem anh có sốt ruột không, có cần em không. Cậu không biết em lên đâu”.

Hắn ngây người. Lại cậu… Bụng bảo dạ là muốn có em thì phải gạt cái ông cậu đầy mưu mô của em sang một bên. Nhưng hắn lại quên việc hắn phải tròn vai một thằng nghiện nên hắn cũng thì thào theo em: “Thế à! Cậu em bảo hai tháng à?”. Em hồn nhiên: “Vâng. Nhưng em thấy lâu quá rồi!”. Hắn bóp chặt quả mướp trong tay, giọng dịu dàng như nốt trăng ngân. Ừ…lâu lắm. Từng ngày trôi qua rất là lâu... 

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
.
.