Như là hạnh phúc

Thứ Năm, 02/05/2019, 07:57
Vậy là theo lệnh của Tổng biên tập, tôi đã lên đến nhà máy Z... Một cái xưởng nhỏ ngày xưa nay đã thành một nhà máy lớn, nhưng như ông Lộc nói: "Nếu chúng nó về đủ cả vợ cả chồng thì nhà máy này bằng ba nhà máy, bốn quả đồi này đã thành những làng quân nhân...". 

Được tin ông Lộc sắp mất, tôi vội vã lên miền trung du. Trên đường đi, ký ức xưa lại quay về.

Chuyện đã gần ba mươi năm…

Ngày đó tôi mới cưới vợ, đang trong kỳ nghỉ trăng mật thì bị Tổng biên tập gọi lên bảo đi viết bài để phục vụ cho Hội nghị điển hình tiên tiến sắp tới. Nơi đến của tôi là nhà máy Z… ở một tỉnh miền trung du. Nhà máy này tôi chưa lên lần nào, nhưng ông giám đốc nhà máy tên là Lộc thì tôi đã biết và nếu trong thời kì chiến tranh ai đã từng đi qua cua chữ Z ở K thì chắc là đều biết đến ông Lộc.

Là phóng viên chiến trường nên điều tất nhiên là tôi không thể bỏ những ca đặc biệt như xưởng sửa chữa cua chữ Z. Ngày đó tôi đã đến và viết được một bài bút ký khá ưng ý. Nói là xưởng sửa chữa nhưng nhiệm vụ chính lại là bám đường, thông xe.

Nếu chỉ vì luôn hoàn thành nhiệm vụ thì nó cũng không đến nỗi nổi tiếng như vậy. Sở dĩ nó nổi tiếng là vì xưởng này toàn... con gái, toàn những cô gái eo mỏng như một chét tay, tóc dài, da trắng hồng như chưa hề ở rừng. Nó nổi tiếng còn là vì cả đám con gái nheo nhẻo như thế lại do độc một tay nam giới chỉ huy.

Thành tích của nó thì vô thiên thủng, nhưng thành tích đáng bàn nhất có lẽ là suốt thời gian dài, xưởng cua chữ Z không hề để xảy ra một vụ việc gì liên quan đến chuyện quan hệ nam nữ, không có bất kì cô lính thợ nào bị trả về tuyến sau vì đã lỡ làm mẹ khi điều kiện chưa cho phép.

Thực tình trước khi đến cua chữ Z để viết bài, tôi đã hình dung ra một gã Xưởng trưởng vốn xuất thân tay thợ rèn thất học, giờ vào lính nhờ cái cần cù bù thông minh nên gã đã tự biến mình thành công cụ quản lý. Ít học, cục cằn nên luôn sợ người ta khinh - đặc biệt là phái nữ - nên gã ta hắc xì dầu lắm.

May quá, khi đang chuẩn bị thì được tin có chuyến xe của sư đoàn ra cua chữ Z chở hàng, tôi liền bám theo. Đến nơi, tôi đang loay hoay chưa ra được khỏi buồng lái thì ông bạn tài xế trẻ măng đã biến đâu mất. Chắc tay này là khách quen của cua chữ Z rồi - tôi nghĩ vậy. Khi đang ngơ ngác như nai gạc, nhìn quanh quất xem có lính gác hay ai đó để hỏi thăm thì may quá, thấy một người đàn ông trung tuổi đang đi từ hướng suối lên. Tôi chưa kịp hỏi thì ông ta đã lên tiếng trước:

- Chú đến tìm ai, sao không ghé trạm ngoài có người dẫn đường? - Tôi chưa kịp trả lời thì ông nhìn sang chiếc xe tôi vừa bước xuống và gật gù - Chắc thấy xe quen nên chúng nó không chặn. Ơ nhưng mà chú đến...

- Tôi là... phóng viên...

- Thế à, mời đi  vào trong này.

Nói rồi ông sải bước đi trước, tôi theo sau. Hoá ra xưởng còn nằm sâu trong rừng, chúng tôi phải đi bộ thêm một thôi đường nữa. Đi qua một trảng đồi đầy hố bom, gặp một con đường nho nhỏ ghép đá cuội trắng tinh, hai bên đường có những búi hoa rừng được trồng mà như không trồng đang phô mình khoe hương sắc. Trên cành cây là vô số các giò hoa lan đung đưa lơi lả. Lan hài cánh cong vuốt tim tím nhỏ xinh như chuyện cổ tích. Lan hải quỷ sắc màu tím đậm phấp phới như cánh bướm còn điểm tô những con mắt to tròn thiếu nữ trên từng cánh hoa. Lan chiu riu buông từng giải dài với những cánh hoa màu trắng tuyết, mịn như hạt kê...

Tôi cứ ngơ ngẩn đi, ngơ ngẩn đi và gặp những giò lan có tên và không tên, biết tên và không biết tên. Nhưng chắc chắn những người treo chúng lên trên dọc lối đi đều có tên, có tuổi. Sau này tôi mới biết, mỗi giò lan là ứng với một mối tình của những người lính đã đi qua cua chữ Z.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Cũng có thể số người yêu nhiều hơn cả số phong lan được treo trên lối đi, nhưng nếu có nhiều thì cũng không hơn là mấy, độ ấy đang là mùa ác liệt. Đã có không ít những người lính như những giò lan không tên, không tuổi kia cứ lặng lẽ toả hương sắc, lặng lẽ hiến dâng, lặng lẽ tan nhòa vào đất mẹ. Đi hết con đường nhỏ, chúng tôi khom người chui vào một cái lán nửa chìm nửa nổi. Chưa kịp ngồi thì ông ấy đã hỏi:

- Chắc anh đến đây lần đầu?

- Vâng, tôi muốn gặp...

- Tôi là Lộc... phái yếu ở đây.

Nói xong ông cười, nụ cười ấm ấp, nhưng không kém phần hóm hỉnh làm giản hết các đường nhăn trên mặt. Chưa kịp tin, tôi lặng yên ngồi nhìn ông. Càng nhìn càng thấy ông giống ông giáo làng. Càng nhìn càng thấy ông quá khác so với những gì tôi đã nghĩ về gã Xưởng trưởng. Chết thật, tai hại cho cái lối ngồi một nơi mà suy diễn.

- Khi câu chuyện đã thân mật hơn, tôi còn được biết ông Lộc quê ở miền Trung và đã kịp học xong đại học trước khi vào chiến trường, đã là lính chiến, đã bị thương trước khi về đây. Khi lấy tư liệu đã hòm hòm, tôi muốn đi rửa mắt tí liền đề nghị được xuống tận các phân xưởng xem chị em làm việc. Biết ý tôi, ông Lộc đùa:

- Ừ thì đi cải thiện con mắt tí.

- Nhưng sợ bị kỷ luật lắm.

- Ai bắt tội được con mắt, mà đã có ai bị kỷ luật đâu.

 Tôi và ông Lộc xuống các phân xưởng nho nhỏ ẩn mình dưới những tàng cây. Đâu đó có tiếng cười con gái giòn tan hay khúc khích sau khẩu trang. Tôi đã bắt gặp những cặp mắt trong veo ướt, đằm thắm nhìn, chừng đó đã nói lên với tôi tất cả, họ là những người đang có tình yêu, họ là những người đang hạnh phúc trong sự đợi chờ.

Khi mọi việc xong xuôi, tôi quyết định về trong đêm. Rất may là chiếc xe tôi theo xuống đã kịp lấy xong hàng, thế là chúng tôi lại ngược về sư đoàn. Trên đường về, dù đã lấy được ăm ắp tư liệu nhưng trong tôi vẫn cứ cảm thấy bất an vì không thể nào lý giải được tại sao ở xưởng Z không hề có ai vi phạm kỷ luật vì chuyện trai gái. Nhất là qua những biểu hiện từ khi xuống xưởng sửa chữa cua chữ Z và qua câu chuyện cho ngắn quãng đường dài, tôi biết cậu lính lái xe này đã có người yêu ở đó.

Và hình như, hình như chỉ mới lúc nãy đây thôi, khi buộc phải lên đường, họ mới chịu rời nhau. Lạ quá, mặn nồng như thế, thời gian dài như thế, phong cảnh gợi tình như thế... chẳng lẽ họ ngồi nói chuyện suông? Sau chuyến đi đó, cho dù bài bút ký tôi viết có chút tiếng vang nhưng tự trong thâm tâm tôi vẫn luôn có một câu hỏi lớn, câu hỏi mà phải chờ đến gần chục năm sau mới có lời giải đáp.

*

Vậy là theo lệnh của Tổng biên tập, tôi đã lên đến nhà máy Z... Một cái xưởng nhỏ ngày xưa nay đã thành một nhà máy lớn, nhưng như ông Lộc nói: "Nếu chúng nó về đủ cả vợ cả chồng thì nhà máy này bằng ba nhà máy, bốn quả đồi này đã thành những làng quân nhân...".

Nhưng hết chiến tranh, những người yêu chưa về, không về với người yêu, thế là họ lại theo ông lên miền trung du này, về với nhà máy Z để làm việc và để đợi chờ. Dù gì cái nhà máy Z, mà tiền thân của nó là xưởng sửa chữa ở cua chữ Z cũng là một địa chỉ dễ tìm về hơn là một miền quê nào đó đã vội vã cho nhau trong chiến trường. Dù gì ở đây còn có chị, có em cùng cảnh. Về quê ngày ngày nhìn lũ em, lũ cháu đánh con chửi chồng rồi lại hủ hỉ nịnh chồng ru con thì chịu sao cho thấu?

Gặp lại người cũ với những công việc xưa nên việc thu thập tài liệu của tôi nhanh lắm, đang tính về thì ông Lộc nói:

 - Ấy chết, tôi đã lỡ nói với các o dưới phân xưởng có nhà văn, người quen cũ về thăm nhà máy, các o muốn anh ở lại trò chuyện giao lưu.

- Nhưng tôi phải về để... viết bài phục vụ hội nghị. Và thú thực... tôi mới cưới vợ...

- Hôm nay với mai là mấy. Anh mới cưới vợ. Đàn ông chúng mình... muốn là cưới. Anh xem... ngày ấy đông vui là thế, ai đến cũng muốn nấn ná ở lại cua chữ Z... Còn giờ đây... tội lắm. Nhà máy hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng là vì... chị em biết làm gì ngoài công việc chuyên môn nữa đâu. Họ tìm vui trong công việc. Họ làm việc để đỡ nhớ, làm để mà quên...

- Thôi... thôi ông đừng nói nữa. Được rồi, ông đã nói vậy thì tôi ở lại, nhưng biết nói gì bây giờ, với các o, dễ đụng chạm lắm.

- Tuỳ anh, nói gì cũng quý... ở đây họ thèm nghe tiếng... đàn ông.

Khi câu chuyện trong buổi giao lưu đã mặn, không khí chân tình, cởi mở và dần ấm lên. Tôi đã phạm phải một sai lầm chết người, tôi đã buột miệng kể câu chuyện của tôi và người lính lái xe năm xưa, nói lên những phán đoán của mình và còn ngu đến mức là hỏi: "Không biết ngồi đây có ai là người yêu của anh ấy?!". Khi nghe tôi hỏi, ban đầu cả hội trường lặng phắc, lặng để nghe cái lạnh chính Đông miền trung du ngấm sâu, ray rứt, nhay nghiến từng thớ thịt, sau đó những mái đầu dần ngoái sang nhau, rồi những cặp mắt thảng thốt nhìn nhau, rồi tay tìm đến tay, những giọt nước mắt bắt đầu lăn tròn rồi nhòe ra răn reo lan trên má. Và bỗng nhiên vỡ oà ra khi hơn chục o vụt đứng dậy, ôm mặt lao ra cửa. Tôi ngồi như bị đóng đinh trên ghế, tràn ngập trong hồn là sự trống vắng, ăn năn. Vô tình tôi trở thành kẻ độc ác, vô tình tôi cày cuốc lên vết thương sâu mà biết rằng không bao giờ lành lại trong mỗi o. Ừ cái câu chuyện đó, cái nỗi niềm đó nó đã có trong bao cuộc tình thời chiến, và có biết bao anh lính lái xe đã hẹn hò rồi ra đi mãi mãi, để lại đây những con người thật với sự mỏi mòn đau rất thật của thời hậu chiến. Biết đâu, trong đêm chia tay tôi để vượt qua cua Tử Thần, người lính lái xe năm xưa đã ôm cả niềm hạnh phúc mới chợt hé và nằm lại vĩnh viễn ở một cung đường nào đó. Tôi cứ ngồi vậy cho đến khi ông Lộc đến bên vỗ nhẹ vào vai tôi nói:

- Thôi về đi chú, không sao đâu, rồi ngày mai mọi việc lại về với nếp cũ, biết không thể quen nhưng tôi tin các o chịu được, thôi về đi, đường thì dài mà ai cũng phải sống... về đi.

Tôi bước như vô thức theo ông Lộc về phòng, ở đó trên chiếc bàn mộc đơn sơ của Giám đốc, ông đã cho dọn sẵn một đĩa lòng lợn còn vương mấy sợi khói cạnh đĩa rau thơm xanh rợp mắt bên chai rượu nút lá chuối hình như cũng đang còn ấm nóng. Tôi và ông ngồi vào bàn, không ai nói với ai một lời, mỗi người đều đang đuổi theo từng suy nghĩ của mình.

Không nói, nhưng chắc ông cũng đang nghĩ về những năm tháng ở cua chữ Z, những năm tháng ở chiến trường như tôi. Trời giữa Đông vẫn rét ngọt, càng rượu vào càng thấy rét, ngoài kia hình như đêm còn gió, mấy cành cọ già đang gãy vào đêm những tiếng sột soạt như váy áo người đi.

Phòng có hai người mà sao trống vắng lạ, cửa đóng chặt mà hình như gió vẫn đang còn lùa tứ phía, gió như những đêm ở rừng. Nếu giờ đây có một vài tiếng mang tác, có mấy tiếng chim bắt cô trói cột, có vài doi sáng đèn dù thì có khác gì cái thời ở cua chữ Z. Không biết dưới kia, trong cái màn đêm tịch mịch đen đặc như có thể xắt ra được từng miếng ròng ròng lạnh này, các o ai thức, ai ngủ, mười o vừa chạy về kia đã thay mấy lần áo gối trong đêm? Vẳng đâu đó hình như có tiếng ngâm một bài thơ của Hoàng Cầm.

Đêm xuống

Làm lầu hoang

Trò chuyện gì ai đâu

Mồ tháng giêng mưa song

Đằm ca dao sáo diều chiều tím lịm lưng trâu

Bưởi Nga My sao mẹ bắt đèo bòng

Lạy trời chương trình tiếng thơ thôi đừng phát nữa, những bài thơ yêu đương với nhung nhớ theo sóng phát thanh bay đến nơi đây trong cái đêm Đông này chỉ như là những mũi khoan sâu vào cái đau, cái rét, cái tủi, cái hờn, cái cô đơn... Và phía đồi xa kia nữa, hai cây cọ già cứ sóng đôi mãi mà chi tình. Rồi trong thung xa hình như có tiếng trẻ con gắt sữa khóc đòi mẹ... Chúng tôi cứ ngồi im như hai quả đạn pháo tịt cho đến khi chai rượu vơi đi còn non nửa thì ông Lộc lên tiếng:

- Ngày đó anh đã viết bài bút ký rất hay về xưởng của chúng tôi, và sau anh còn có nhiều nhà văn, nhà  báo về viết nữa. Các anh đều nói nguyên nhân để xưởng chúng tôi không ai vi phạm kỷ luật về chuyện nam nữ, xưởng chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ vì tôi là người giáo dục chị em tốt, chị em thấm nhuần tư tưởng, chị em gác chuyện riêng tư để một lòng cho tuyền tuyến... Đúng, nhưng chỉ một phần. Ngày còn ở đơn vị chiến đấu, có lần đại đội tôi đã được điều động đi để... an ủi một đại đội nữ thanh niên xung phong. Nghe nói ban đầu chỉ có một cô trong đơn vị lên cơn, sau đó theo phản ứng dây chuyền, cả đại đội co giật, khóc cười, vật vã... thương lắm... Nó nằm ngoài sự chịu đựng chủ quan của con người. Sau này bị thương về nắm xưởng, tôi đã rút kinh nghiệm... 

- Chẳng lẽ ông đã... đã cho... nhưng sao không có ai...

- Đúng, ngày đó để hoàn thành nhiệm vụ, tôi đã phải làm điều đó, tất nhiên không phải với tất cả, chỉ với ai tôi biết nếu kiềm chế quá họ sẽ phát bệnh... nên đến bây giờ, cũng chính vì điều đó làm tôi day dứt. Không có người lính nào đi qua chiến tranh trở về mà không có nỗi ám ảnh, anh có, tôi có và bao bạn bè đều có. Chỉ có điều cái sự ám ảnh đó nó không hề giống nhau. Với tôi ám ảnh lớn nhất và nhiều khi tôi mơ ước... giá mà ngày đó quân của tôi bị vi phạm kỷ luật về chuyện trai gái nhiều hơn...

- Nếu vậy thì lấy ai mà phục vụ chiến đấu...

- Tôi cũng đã nghĩ như anh và nhiều người đều nghĩ vậy. Nhưng chiến tranh đáng lẽ không nên có bóng dáng của đàn bà. Nhìn họ sống, họ chiến đấu, họ hy sinh... tôi không thể chịu được. Đối với đàn bà, thiên chức làm mẹ là cao cả nhất, đáng tính nhất... và nếu mất đi thiên chức đó là nỗi mất mát lớn nhất đối với họ, không có chiến công nào bù đắp nổi...

- Nhưng ngày đó họ vẫn được yêu và có những cuộc hẹn hò... cái cậu lính lái xe và một cô gái trong xưởng của ông đã...

- Vâng và còn nhiều đôi nữa được như vậy, tôi đã nói mà, tôi không dám cấm tiệt các o... nhưng đơn vị tôi không có cô gái nào có được hạnh phúc... làm mẹ. Đó chính là nỗi ám ảnh thường trực trong tôi kể từ ngày hết chiến tranh. Người yêu không về nhưng nếu họ có được những đứa con...

 - Thế chẳng lẽ...

- Cũng gần giống như vậy, tôi đã có lần bị thương và được người Vân Kiều cứu sống, họ nhận tôi làm con... Tục đi sim chỉ mẹ dặn và đưa lá cho con gái, nhưng tôi là trường hợp ngoại lệ... tôi đã áp dụng tục đi sim cho bộ đội... Tuy không nhiều o phải sử dụng, nhưng chuyện đó là có thật. 

Nói đến đó, ông tu nguyên một tợp rượu và hai hàng nước mắt cứ tự nhiên răn reo trên má. Ông đang tự ăn năn mặc dù chả ai trách ông điều đó. Cái quan niệm chiến tranh không cần có bóng dáng của phụ nữ cũng chính vì ông quá ám ảnh với những mất mát của những người lính nữ dưới quyền quản lý của ông, kể cả cái việc áp dụng cái biện pháp tránh thai của ông cũng là do ông tự nghĩ ra mà áp dụng chứ có ai bắt ông đâu.

Và nếu giờ đây ông không thú thật với tôi thì liệu có ai biết được ngoài mấy cô đã được ông trao cho nắm lá trong những đêm tối vội vã tình tự trước giờ ra trận của người yêu. Ông cũng như tôi, như bạn bè tôi cái quãng đời còn lại là quãng đời tua lại những gì đã trải qua trong chiến tranh. Nhưng tôi tin, dù có những nỗi ám ảnh nhưng mỗi một người lính đi qua chiến tranh đều thấy tự hào là chúng tôi đã chiến thắng, dân tộc chúng ta đã chiến thắng. Còn cái nỗi ám ảnh là không tránh khỏi, nhất là ngày ngày chứng kiến những bước đi vùn vụt của thời gian, chứng kiến cảnh ráo khăn của từng chị em.

- Ngày hôm nay anh đã chứng kiến tất cả, nếu là tôi thì anh sẽ nghĩ gì? - Không cả lau nước mắt, vừa rót rượu vào ly cho tôi, ông Lộc vừa nói - Tôi đã tạo điều kiện cho các o ra ở gần đường... và ở đó đã có tiếng trẻ bi bô... nhưng nhiều o nhất quyết không chịu đi... anh... anh có thể... chỉ một lần...

- Ý ông nói - Tôi trợn tròn mắt nhìn ông, nhưng ông không có biểu hiện gì, chắc ông đã đoán biết được phản ứng này - Thôi tôi xin ông, tôi là người chứ nào phải con ong...

- Tôi biết anh sẽ từ chối. Từ chối đó là điều dễ làm nhất khi gặp phải chuyện khó làm. Mời anh ở lại là tôi có ý này, là nhà văn, đã từng gặp họ trong chiến tranh, giờ gặp lại, tôi tin... sở dĩ tôi nhờ anh chứ không nhờ ai khác... bởi tôi biết các o có thể chết già chứ người không xứng đáng thì đừng hòng... Chập tối nay, trước khi ngồi với anh, tôi đã nói chuyện với o ấy... khóc nhiều nhưng đã bằng lòng... Chỉ bắt tôi phải hứa không được cho anh biết o ấy là ai... o ấy sợ, nếu biết, rồi anh lại tìm lên... Gia đình anh sẽ tan nát... anh hứa với tôi đi, chuyện này: "Sống để trong dạ, chết ngạ bên mồ".

Nghe ông Lộc nói, tôi không còn thấy biểu hiện gì, cứ ngồi uống hết ly rượu này đến ly rượu khác. Và rồi tôi không còn thấy lạnh nữa. Rồi hình như ông Lộc đã dìu tôi đi, trời vẫn tối, vẫn có thể xắt ra được từng miếng ròng ròng lạnh, phía đồi xa hai cây cọ già vẫn tạc vào đêm ước mong đôi lứa... Bước chân xiêu vẹo và ông Lộc đã đưa tôi đến dãy nhà nào, vào phòng nào tôi cũng không biết. Và tôi đã làm những gì trong đêm... duy nhất tôi chỉ nhớ nước mắt của cô ấy và tôi đã thấm ướt mặt nhau, chảy tràn trên gối. Sáng ra tôi thấy mình đã nằm êm ấm ở phòng khách nhà máy. Rồi ông Lộc đến cùng đi ăn sáng. Trong bữa ăn, ông không hề hỏi, không hề nhắc đến chuyện tối qua, cứ như là không có thật, không hề có một đêm như thế...

*

Tôi viết xong bài bút ký kịp cho Hội nghị điển hình tiên tiến. Hôm ở hội nghị, tôi và ông Lộc có gặp nhau, ông cũng không hề nói gì. Tôi những mong ông sẽ thông báo cho tôi biết là cô ấy như thế nào? Sau đêm ấy rồi cuộc sống cô ấy ra sao? Liệu có ra hoa kết trái không? Chắc biết tôi nóng lòng muốn biết, suốt hội nghị, ông luôn lánh mặt tôi, chỉ đến lúc trước khi lên xe trở về nhà máy, ông mới bắt tay tôi thật chặt và nói:

- Tuyệt lắm.

Tôi chưa kịp hỏi bài bút ký tuyệt hay là cái đêm hôm ấy đã để lại một kết quả tuyệt vời thì ông đã đóng sầm cửa và xe đã lao đi. Sau đó có một tin động trời. Ông Lộc bị cách chức Giám đốc và cho về nghỉ hưu trước tuổi vì vi phạm vấn đề đạo đức. Thế là tôi lại vội vã lên với ông. Ông không giải thích gì nhiều, chỉ nói:

- Là thằng lính với nhau, anh có tin tôi không?

- Phải đâu một mình tôi với ông là lính, họ cũng là lính nhưng họ có tin ông đâu.

- Tôi chỉ hỏi anh kìa.

- Không tin ông thì tôi chả tìm lên đây là gì. Nhưng như thế là thế nào mới được chứ...

- Chả có chuyện gì cả, trước đây tôi được khen nhiều vì biết quản không cho chị em đẻ, giờ thì... Nếu chỉ vậy cũng không đến nỗi phải về vườn đâu. Việc nó thành lớn khi tay Phó của tôi nó kiện cáo lung tung. Cũng tại tay Phó nó muốn làm cái... việc nhân đạo như ông nhưng bị các o tránh như tránh hủi. Nó đâm ra tức. Thế là kiện, thế là tôi xin về hưu. Thôi cũng đỡ áy náy được phần nào. Được cái vợ con nó hiểu mình, giờ có anh hiểu nữa, thế là tốt...

- Ông nói thật... đêm đó. - Tôi ghé miệng hỏi nhỏ vào tai ông - Ông chỉ cần nói tôi có để lại giọt máu của mình trong đêm đó không. Tôi không bắt ông phải cho tôi xem mặt người đàn bà đêm đó và con của cô ấy đâu...

- Anh là thằng lính, tôi thằng lính và cô ấy cũng là thằng... à quên, là o lính. Chúng ta đều đã hứa. Anh hãy quên đi điều ấy như ông đã quên những việc làm ân nghĩa trong đời. Chỉ được quên đi những việc làm ân nghĩa, còn nữa phải nhớ hết, nhớ về những ngày tháng gian nan xưa để mà làm nhiều việc tốt.

Biết chả khai thác thêm được gì ở ông, nhưng cứ thành lệ, mỗi năm đến mùa đông chín là tôi lại bươn bả trong cái rét cắt da để lên miền trung du với ông, nhiều khi một mình tôi đi thơ thẩn quanh nhà máy, quanh những ngôi nhà mới khang trang vừa mọc lên trên nền mấy dãy nhà cấp bốn khi xưa. Tôi đi quanh những ngõ làng của công nhân nhà máy để như mong gặp một khuôn mặt mà tôi chưa từng... biết mặt, mong gặp một giọng nói mà tôi chưa từng nghe, mong gặp những dòng nước mắt nhạt nhòa đôi má. Nhưng nước mắt thì của ai mà chả giống nhau, nó cứ chảy xuôi, chảy như mong vợi bớt nỗi buồn, nhưng hình như nước mắt càng chảy thì nỗi buồn càng dâng cao.

*

Tôi, mấy người con ông và cậu con trai lạ mặt bị tôi gạt ra khi mới đến vẫn ngồi đợi bên giường mong ông một lần nữa tỉnh lại. Biết ông sắp đi, người đến thăm chật nhà. Tôi chợt nghĩ, nếu trong nhà không có ai đương quyền đương chức, muốn biết tình cảm của mọi người đối với mình như thế nào thì hãy xem lượng người đến nhà mình trong những lúc hoạn nạn. Ông Lộc đã nghỉ hưu từ lâu, con cái ông cũng chả có ai quan tước gì, vậy mà nghe tin ông sắp mất, người ta đã đến chật ngõ, ai cũng muốn được vào gần nơi ông nằm, đây đó tôi đã thấy các o, các bà cầm khăn lau nước mắt.

Tôi đã cố gắng chú ý xem có ánh mắt nào nhìn mình là lạ không nhưng tiệt không thể nhận ra. Hay người ấy đã rời mảnh đất này mà đi, hay là người ta không nhận ra tôi sau mấy mươi năm xa cách? Liệu cái đêm tôi ngồi giao lưu có người ấy ở trong đám đông ngồi nghe không? Nếu có thì làm sao mà quên được. Vậy thì sao, mấy mươi năm có cái quyền duy nhất để được biết sự thật mà tôi vẫn không được biết.

 Trời càng về chiều càng thấy vô vọng, mạch của ông yếu như là không còn đập, cái túm bông tôi để nơi mũi ông chỉ khẽ lay động vào ra theo nhịp thở yếu như gần tắt. Tôi đang lơ đãng kiếm tìm trong những gương mặt với những dòng nước mắt giống nhau đang âm thầm chảy khóc cho một người không phải ruột thịt sắp sửa ra đi thì bỗng giật mình khi ông quờ lấy tay tôi ấp lên bàn tay cậu thanh niên từ đầu đến giờ ngồi cạnh giường ông, sát bên tôi. Tưởng ông đã tỉnh, tôi vội nhìn xuống thì đầu ông đã nghẹo sang bên, túm bông trên mũi bất động. Tôi đang bàng hoàng thì bỗng cậu thanh niên đưa cả hai tay cầm chặt lấy tay tôi rồi gục xuống trên ngực ông Lộc gào thảm thiết: "Cha ơi!".

Truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng
.
.