Nhặt rác

Thứ Hai, 22/07/2019, 07:29
Không hề khoa trương, nhưng thật sự cuộc đời của tôi vì anh ta mà biến đổi.

Kì thực, anh ta và tôi không có quan hệ gì thân thích, cũng không thể nói rằng có giao lưu sâu sắc với nhau, chỉ là từng biết nhau mà thôi. Nhưng anh ta lại cải biến hoàn toàn cuộc sống của tôi.

Những năm còn trẻ đó, tôi bị mọi người xung quanh bao gồm bố mẹ và các anh chị em gọi là “cặn bã”, “rác rưởi”. Ngoài đem đến phiền phức cho người khác, đem đến sợ hãi và khổ não cho người thân ra, tôi không có tác dụng gì khác cả. Trên danh nghĩa tôi là người xây dựng Xã hội chủ nghĩa của một xí nghiệp quốc hữu, nhưng điều tôi có thể làm chỉ là quấy rối và phá hoại.

Minh họa: Lê Tâm.

Vì tôi đã làm một hành động quyết liệt là dùng dao chặt đứt một ngón tay của mình trước mặt lãnh đạo xưởng nên mọi người đã nhìn tôi như một “vật phẩm dễ cháy dễ nổ” mà mọi người không ai dám chạm vào. Tôi huênh hoang thanh thế, ngang ngược vô lí, đảm nhiệm vai một anh hùng rơm để che đậy cái nội tâm tự ti và yếu đuối bên trong. Tôi biết mình chỉ là đồ bỏ đi, một ôn thần bị mọi người vừa miệt thị vừa sợ hãi.

Anh ta đến. Một sinh viên tốt nghiệp đại học mang cặp kính cận thị với vẻ hào hoa phong nhã, hiền hòa dí dỏm. Đầu tiên anh ta làm kĩ thuật viên, sau đó trở thành Chủ nhiệm nhà xe của chúng tôi. Anh ta không trốn tránh tôi, cũng không giống như những người khác làm quen một cách thiếu tự nhiên. Nhưng ánh mắt của anh ta luôn làm tôi cảm thấy một cảm giác khác lạ. Tôi cũng không rõ ý nghĩa của ánh mắt ấy, nhưng tôi cảm thấy có thể từ đó mà đọc được sự chân thành, yêu mến và khích lệ của anh ta.

Trước đó, tôi nghe nhiều nhất những trách móc của cha mẹ, những thuyết giáo của thầy cô, những khuyên nhủ giả dối và thiện ý của lãnh đạo và đồng nghiệp, nhưng chưa từng có ánh mắt nào lại đầy hàm ý sâu sắc như anh ta. Anh ta thích kể chuyện cười, thích đùa vui, không hề tạo ra phân biệt giữa tôi và anh ta cả.

Tôi cảm thấy trong mắt anh ta tất cả mọi người đều là người tốt, đôi mắt cận thị nặng của anh ta chỉ có thể nhìn thấy sở trường của người khác. Anh ta không cố sức khen ngợi tôi, nhưng tôi cảm thấy anh ta xem trọng tôi, cảm giác này thật mãnh liệt. Tôi bắt đầu muốn làm theo hướng anh ta hi vọng, hơn nữa càng làm càng tốt, càng có hứng thú.

Không đầy hai năm sau, anh ta rời nhà máy. Còn nhớ trước mấy ngày khi anh ta chuyển đi, anh ta cùng với vài công nhân vừa tan làm ca đêm ở phân xưởng chúng tôi cùng trò chuyện. Anh nói lúc nhỏ điều mà anh ta thích nhất là nhặt ve chai, nhặt rác.

Trước khi học tiểu học cho đến trung học, anh ta mỗi ngày đều kệ gió mặc mưa lên thị trấn, đến khu sinh hoạt của quân khu, khu chăn nuôi gần bệnh viện để nhặt xỉ than đá, vụn gỗ, sắt thép vụn, thủy tinh vỡ, giấy bỏ, vải vụn, vỏ kem đánh răng. Khi đó nhà anh ta vô cùng nghèo khó, áo cơm thiếu thốn, cây củ cải, rau thối, bìa đậu phụ nhặt về đều có thể lót dạ, gỗ mục muội than có thể đốt lên sưởi ấm, sắt thép vụn và thủy tinh vỡ có thể đổi lấy tiền lẻ, dùng để nộp tiền học và tiền mua sách.

Đối với tuyệt đại đa số mọi người mà nói, đây là một trải nghiệm đau khổ không đáng để cho người ngoài biết. Nhưng khi anh ta nói, giọng điệu đầy vui vẻ và hưng phấn. Anh ta từ trong rác thải phát hiện ra niềm vui, những giấy gói kẹo đủ màu, hộp thuốc, bình hoa trở thành những thu thập quý báu của thời thơ ấu. Anh ta nói, đợi sau này nghỉ hưu, anh ta sẽ trở về nghề nghiệp cũ.

Một vài năm qua đi, anh ta từ xí nghiệp lên huyện, lên thành phố, lại lên tỉnh. Anh ta làm chức quan rất to, dư luận rất khen ngợi. Nhưng vì thế mà dần dần làm quan hệ của chúng tôi trở nên xa cách. 

Có một năm, tôi nhìn thấy hình anh ta chụp trên một tạp chí, phía sau là một núi rác. Tôi bất giác nhớ đến câu nói ẩn ý mà năm đó anh ta đã nói khi kể về những trải nghiệm của đời mình: “Bối cảnh không tốt – có đống rác phía trước ống kính”. Trước đó không lâu, tôi đi công tác ở một huyện ngoại thành, tại nhà ga xe lửa, tôi nhìn thấy bên đường phía xa xa một cụ già đang nhặt các giấy báo bỏ và các bình phế liệu. 

Trong đầu tôi không ngăn được hình ảnh anh ta cứ hiện lên. Tôi dán mắt vào công việc nhẫn nại, thành thạo ấy, như là đang nhìn thấy anh ta vậy. Tôi cười một trận, nhưng quả thực cụ già ấy rất giống anh ta. Tôi không hề tiến lên làm phiền ông, một là sợ nhầm người, hai là sợ chính là anh ấy.

Sau khi về nhà, tôi hỏi thăm tình hình anh ta, theo như người thân của tôi nói, anh ta sau khi về hưu đã chuyển đến huyện mà tôi đi qua công tác.

Hiện nay, tôi đã vững tin ông già kia chính là anh ta. Một người mà ngay từ nhỏ đã từ trong rác mà tìm thấy những thứ còn dùng được, và cho rằng tất cả mọi người đều có giá trị của mình. Không chỉ ở công xưởng nhỏ hay là ở cơ quan lớn, anh ta đều phát hiện và bồi dưỡng nhiều nhân tài, trong đó cũng bao gồm những người bị coi là cặn bã của xã hội như tôi.

Truyện vui của Lao Mã (Trung Quốc)- Minh Thương (dịch)
.
.